CHIA SẺ

Thiền tông nếu tính từ sơ tổ Đạt Ma vào Trung Quốc đến nay đã có khoảng 1500 năm lịch sử, mà lịch sử Phật giáo Trung Quốc đến nay đã hơn 2000 năm. Thiền tông phát triển ở Trung Quốc, so với các tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc, có thể nói là thuận lợi, không quá trắc trở lắm. Theo lịch sử, Phật giáo Trung Quốc đã từng có ba lần đại pháp nạn, một là Thái Vũ Đế đời Bắc Ngụy diệt Phật; hai là Vũ Đế đời Bắc Châu diệt Phật; ba là Vũ Tông đời Đường diệt Phật. Thời Tùy Đường đã kiến lập tám tông phái Phật giáo có tính cách Trung Quốc dân tộc hóa, nhưng trải qua cuộc vận động diệt Phật lần cuối cùng, chỉ còn lại Thiền tông và Tịnh độ tông thì còn chút thế lực, các tông phái khác đều dần dần mờ nhạt trong dòng sông dài lịch sử. Do đó mà nói Thiền tông có thể được gọi là tương đối thuận lợi, đương nhiên điều này có mối quan hệ mật thiết với đặc điểm của Thiền tông là tông phái có thể thích ứng với xã hội, mang tánh dân tộc cao.

Quay trở về nhìn lịch sử phát triển của Thiền tông khoảng 1500 năm, không phải là một cuộc vận động trực tuyến đi thẳng lên hoặc xuống, mà là một cuộc vận động đường gấp khúc cao thấp không đều. Trong lịch sử, Thiền tông đại khái trải qua các giai đoạn phát triển như sau:

1. Thời kỳ từ thời Sơ tổ Đạt Ma đến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn: là giai đoạn phát triển đầu tiên của Thiền tông. Thời gian ước khoảng nửa thế kỷ thứ 5 đến nửa thế kỷ thứ 6. Vì thời kỳ này sau khi Sơ tổ Bồ đề Đạt Ma đến Trung Quốc, trước đến miền Nam, sau đó đến phương Bắc, cuối cùng tiềm tâm tu đạo trong sơn động của chùa Thiếu Lâm, tuy trong thời gian này cũng có người mến mộ thiền pháp của Ngài, như Chiếu Minh Đế đời Ngụy cũng từng ba lần sai sứ cung nghinh thỉnh mời Ngài, nhưng chỉ có một mình đệ tử Huệ Khả đắc pháp. Thời kỳ Ngài Huệ Khả truyền pháp chính là lúc Nam Bắc triều suy thoái, Bắc Ngụy diệt vong, Bắc Châu Võ Đế diệt Phật, vì thế Phật giáo lâm vào cảnh suy yếu, Ngài Huệ Khả và đệ tử do đó mà có cuộc sống rày đây mai đó. Sau khi Ngài Tăng Xán truyền pháp cho Ngài Đạo Tín, Ngài Đạo Tín ở núi Đông Phá Đầu của dãy núi Song Phong, Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc cùng với đệ tử Hoằng Nhẫn sáng lập xây dựng đạo tràng, quy tụ đồ chúng cùng nhau tu tập thiền, khai sáng pháp môn Đông Sơn, đồng thời cũng có Thiền sư Pháp Dung cũng đang ở vùng Giang Nam hoằng dương thiền pháp, ảnh hưởng rất lớn, lưu bố khắp miền Giang Tả. Đây là giai đoạn phát triển thứ nhất của Thiền tông về mặt lịch sử Thiền tông. Nhìn từ quá trình phát triển tư tưởng của Thiền tông, Bồ đề Đạt Ma đề xướng tư tưởng “mượn giáo ngộ tông”, lấy Kinh Lăng Già làm kinh điển y cứ, đến thời Ngài Hoằng Nhẫn, vẫn nhấn mạnh tư tưởng này, từ Đạt Ma đến Hoằng Nhẫn trên tư tưởng lý luận vẫn là nhất trí. Vì thế, chúng ta gọi thời kỳ này là giai đoạn thứ nhất của Thiền tông. Đặc điểm của giai đoạn này là Thiền tông về mặt tư tưởng lấy tư tưởng Kinh Lăng Già làm tiêu chuẩn, về mặt tổ chức bắt đầu xuất hiện đoàn thể Tăng già, phát sanh ảnh hưởng trong một vài khu vực. Đây là giai đoạn phát triển thời kỳ đầu của Thiền tông.

2. Thời kỳ Đại sư Thần Tú, Huệ Năng đến Thần Hội là giai đoạn phát triển thứ hai của Thiền tông. Thời gian ước khoảng từ giữa thế kỷ thứ 7 đến cuối thế kỷ thứ 8. Ngài Thần Tú và Ngài Huệ Năng đều là đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, nhưng Thiền học của hai người rõ ràng không giống nhau. Ngài Hoằng Nhẫn vẫn thực hành thiền pháp Lăng Già của Tổ Đạt Ma, lấy an tâm làm pháp trọng yếu, trong quá trình giác ngộ, do tiệm tu mà đắc được. Còn Ngài Huệ Năng thì đã thay đổi thiền pháp của Tổ Đạt Ma, lấy Kinh Kim Cang làm kinh điển tông chỉ, trong quá trình giác ngộ, nhấn mạnh đốn ngộ, tức không cần phải chấp vào phương thức tu tập truyền thống, trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể ngộ đạo. Đây là sự phát sanh ranh giới trên lý luận và thực tiễn của Thiền tông. Do vì nhận thức bất đồng mà phân ranh giới, vì thế cũng phản ánh sự lợi ích của quần thể không giống nhau, xuất hiện hai phái thiền cơ bản. Thiền pháp tiệm ngộ của Ngài Thần Tú chủ yếu lưu truyền ở phía Bắc Trung Quốc, được gọi là Bắc tông, và được giai cấp thống trị đương thời ủng hộ, Thần Tú được ba đời Vua đời Đường là Vũ Tắc Thiên, Trung Tông, Duệ Tông lễ kính, thống lãnh các Phật sự ở Trường An – Tây Kinh và Lạc Dương – Đông Kinh, được ở trong đạo trường tự viện của hoàng gia, có địa vị rất cao, nên được người tôn xưng là “Lưỡng kinh pháp chủ, tam đế môn sư”. Thiền tông lúc đó mới bắt đầu vượt ra khỏi núi Song Phong Hoàng Mai, có ảnh hưởng trên toàn quốc. Thiền pháp đốn ngộ của Ngài Huệ Năng chủ yếu lưu truyền ở phía Nam Trung Quốc, được xưng là Nam tông. Khi Thần Tú được tôn trọng tại triều đình thì Huệ Năng vì nhiều nguyên nhân, rời khỏi núi Song Phong đến Lĩnh Nam (nay là Quảng Đông), sau ở chùa Pháp Tánh khai diễn pháp môn Đông Sơn. Cuối cùng lại đến Tào Khê, vì thế phái thiền Nam tông do Ngài sáng lập chỉ lưu hành ở vùng Lĩnh Nam, ảnh hưởng không bằng phái thiền Bắc tông. Đến niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 22 đời Đường (734), đệ tử của Ngài Huệ Năng là Hòa thượng Thần Hội, trong đại hội Hoạt Đài do Thiền tông cử hành, tuyên truyền Nam tông, lập riêng phổ hệ Thiền tông, trong cuộc tranh luận đã thắng Pháp sư Sùng Viễn của thiền phái Bắc tông, được giai cấp thống trị ủng hộ kính trọng, chủ trì Phật sự, hoằng dương pháp thiền Hà Trạch của Ngài, phái thiền Nam tông cuối cùng đã có ảnh hưởng tại khu vực phía Bắc. Đây là thời kỳ mà Thiền tông chánh thức kiến lập và có ảnh hưởng khắp toàn quốc.

3. Từ Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư đến đời Nguyên là giai đoạn phát triển thứ ba của Thiền tông, thời gian sau giữa thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13. Thiền pháp Nam tông mà Ngài Thần Hội tuyên truyền là thiền của Ngài Huệ Năng và thiền Hà Trạch của Ngài, nhưng ở vùng Giang Tây – Hồ Nam ở phía Nam còn có Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư cùng với các đệ tử của hai Ngài đem hết trí lực hoằng dương thiền Nam tông. Hoài Nhượng và Hành Tư là đệ tử của Ngài Huệ Năng, từng đi theo Ngài Huệ Năng đến Tào Khê và đắc pháp với Ngài. Thiền pháp của hai Ngài và các đệ tử hoằng dương so với thiền pháp của Ngài Huệ Năng và Thần Hội rõ ràng linh hoạt đa biến hơn, lại đơn giản nhanh thẳng, tự do mở rộng, thực hành cơ phong bổng hát, chửi Phật mắng Tổ v.v…, sáng tạo các phương pháp thiền cơ ứng dụng như khán thoại thiền, mặc chiếu thiền v.v… Về mặt lý luận, Thiền tông dung hợp tư tưởng các tông phái của Phật giáo, lại thông suốt các tư tưởng của Nho gia và Đạo giáo, vì thế dưới sự ảnh hưởng của ngọn sóng tư tưởng dung hợp và thiền phong đa biến này, dần dần phát sanh 5 nhà thiền là Quy Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, sau đó lại từ Quy Ngưỡng lại phát xuất hai nhánh thiền Hoàng Long và Dương Chi. Đạo trường Thiền tông và chế độ quản lý sau khi được Ngài Mã Tổ Đạo Nhất và Bách trượng Hoài Hải kiến lập, kinh tế tự viện của Thiền tông đã có thực lực khá vững mạnh. Vào lúc này, thiền Bắc tông đã suy vong, thiền Hà Trạch cũng không hưng thạnh như xưa, thiền 5 nhà chiếm cứ phần lớn các khu vực lưu hành Hán địa Phật giáo. Lúc này thiền Nam tông đã truyền bá rộng rãi và phát sanh ảnh hưởng toàn quốc, Thiền tông bước vào thời kỳ phồn thịnh.

4. Từ đời Nguyên đến đời Thanh, thời gian khoảng giữa thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 20. Các hoàng đế đời Nguyên tín ngưỡng Phật giáo Tạng truyền, nhưng đối với Phật giáo Hán địa cũng không có ác cảm gì, chỉ là quản lý Phật giáo là do các Tăng nhân Phật giáo Tạng truyền nắm giữ. Đương thời trong quý tộc, có một số là tín đồ của Thiền tông, các Tăng nhân của tông Tào Động đã từng tham dự cuộc luận chiến tranh chấp giữa Phật Đạo. Triều đình đời Nguyên chia Phật giáo làm ba nhà Giáo, Thiền, Luật, các tông phái như Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng giỏi về đàm luận nghĩa lý địa vị tương đối cao, vì thế có rất nhiều người “từ thiền nhập giáo”. Thiền tông lại gặp phải áp chế. Đời Minh Thiền tông chỉ còn Lâm Tế và Tào Động. Triều đình khống chế Phật giáo một cách chặt chẽ, vì thế Thiền tông không thể phát triển, vì thế đi về hướng suy yếu. Đến đời Thanh, Thiền tông vẫn ở trong tình trạng suy vi, nhưng ảnh hưởng đối với nhân gian vẫn không nhỏ. Ở thời kỳ này, Thiền tông về mặt lý luận không có chi sáng tạo mới, chỉ là trùng lặp lại những kiến giải trong thời quá khứ, đó là nguyên nhân mà Thiền tông không có gì phát triển lớn.

Tuệ Liên
Việt dịch: Hoàng Hạ Niên, Tuệ Liên
Nguồn: Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng