CHIA SẺ

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche thuộc thế hệ các vị lama vĩ đại cuối cùng hoàn thành chương trình giáo dục và rèn luyện ở Tây Tạng. Ngài là một lama cao cấp của truyền thừa Nyingma, đạo sư của gia đình hoàng gia Bhutan, và một bậc trì giữ dòng truyền thừa Thực hành xuất chúng, đã giành hai mươi hai năm của cuộc đời để thiền định nhập thất và chứng ngộ rất nhiều giáo lý mà ngài đã nhận được.

Ngài cũng sáng tác rất nhiều bài thơ, các tác phẩm thiền định, và các luận giải – tổng cộng hai mươi lăm bản – là một terton, một người truy tìm các kho tàng tâm linh, sự phát lộ qua các linh kiến của ngài mang các chỉ dẫn cốt tủy khẩu truyền rộng lớn của Đức Liên Hoa Sinh đến trực tiếp chúng ta. Nổi tiếng vì khả năng có thể trao truyền các giáo lý của mỗi truyền thừa Phật giáo theo đúng truyền thống riêng, ngài là đại diện mẫu mực của phong trào Rime của Tây Tạng, hay là Bất bộ phái, và là một đạo sư đáng kinh của rất nhiều các vị lama của cả bốn dòng phái chính của Tây Tạng. Ngài cũng là một trong các đạo sư xuất chúng về các chỉ dẫn cốt tủy Dzogchen, Đại toàn thiện, và là một trong các bậc trì giữ chính của truyền thống Longchen Nyingtik. Đức Dalai Lama nói rằng ngài coi đức Dilgo Khyentse Rinpoche là vị thầy Dzogchen chính của ngài.

Một học giả, một nhà hiền triết, một nhà thơ, Rinpoche chưa bao giờ hết nguồn cảm hứng cho những ai biết đến ngài thông qua sự hiện diện phi phàm, sự đơn giản, phẩm giá và sự hài hước của ngài.

Khyentse Rinpoche sinh năm 1910 tại thung lũng Denkhok, miền Đông Tây Tạng. Gia đình ngài có thể truy nguyên tổ tiên hoàng tộc từ đức vua Trisong Detsen; cha ngài là một vị bộ trưởng của vua xứ Derge. Khi vẫn còn trong bụng mẹ, ngài được công nhận là một hóa thân siêu phàm bởi đức Mipham Rinpoche lừng lẫy, người sau này đặt tên cho đứa bé là Tashi Paljor và trao truyền một sự gia trì đặc biệt và quán đảnh Văn Thù cho ngài.

Khi là một cậu bé, Rinpoche đã có mong ước lớn lao được cống hiến cuộc đời cho đời sống tâm linh. Nhưng cha ngài không nghĩ vậy. Hai đứa con lớn của ông đã rời nhà theo đuổi đời sống tăng sĩ; một được công nhận là một lama tái sinh, một mong muốn trở thành bác sĩ. Cha của Rinpoche hy vọng người con út sẽ theo chân sự nghiệp của ông và quản lý đất đai rộng lớn của gia đình, và ông không chấp nhận rằng ngài có thể là một vị tulku, hay một vị lama tái sinh, như đã được chỉ ra bởi nhiều vị đạo sư uyên bác.

Lên mười tuổi, cậu bé bị ốm nặng; cậu nằm liệt giường gần một năm. Các vị lama uyên bác khuyên rằng, nếu ngài không theo đuổi con đường tâm linh, ngài sẽ không sống lâu. Nhượng bộ trước những khẩn cầu của mọi người, cha ngài đồng ý rằng cậu bé sẽ theo đuổi mong muốn của cậu để hoàn thành số mệnh. Vì thế, lên mười một, ngài đến tu viện Shechen ở tỉnh Kham, miền Đông Tây Tạng, một trong sáu tu viện chính của truyền thừa Nyingma. Ở đây, vị thầy gốc của ngài, đức Shechen Gyaltsap, người kế thừa chánh Pháp của Mipham Rinpoche chính thức công nhận và làm lễ đăng ngôi cho ngài như hóa thân về tâm của Khyentse Rinpoche đệ nhất, Jamyang Khyentse Wangpo, một vị lama vô song – cùng với Jamgon Kongtrul đệ nhất – thiết lập một thời kỳ phục hưng Phật giáo trên khắp Tây Tạng. Mọi vị đạo sư Tây Tạng đương thời đều có nguồn cảm hứng và sự gia trì từ phong trào này.

Khyentse nghĩa là trí tuệ và từ bi. Các vị tulku Khyentse là hóa thân của các nhân vật quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng. Trong đó có đức Longchenpa, đạo sư Dzogchen vĩ đại của thế kỷ 14, người mà rất nhiều các tác phẩm của ngài đã làm sáng tỏ toàn bộ kiến thức Phật giáo; Jigme Lingpa, người đã sáng lập truyền thống Longchen Nyingtik ở thế kỷ 18; và vua Trisong Detsen và Vimalamitra, người cùng với Guru Rinpoche mang Phật giáo mật tông đến xứ Tây Tạng ở thế kỷ 9.

Tại tu viện Shechen, Khyentse Rinpoche đã giành phần lớn thời gian để nghiên cứu và thiền định với vị thầy gốc của ngài trong một khu ẩn cư bên trên tu viện. Trong suốt thời gian đó, đức Shechen Gyaltsap đã ban cho ngài mọi quán đảnh quan trọng và các chỉ dẫn của truyền thống Cổ Mật. Rinpoche cũng học với nhiều vị đạo sư khác, bao gồm đức Dzogchen Khenpo Shenga nổi tiếng, người đã truyền lại cho ngài Khyentse Rinpoche các tác phẩm chính của ngài, Mười ba bộ Luận giải. Ngài nhận các giáo lý và trao truyền từ hơn năm mươi vị thầy cả thảy.

Trước khi ngài Shechen Gyaltsap thị tịch, Khyentse Rinpoche, ở tuổi 15, hứa với vị thầy yêu quý sẽ dạy một cách hào phóng cho bất kỳ ai thỉnh ngài về Pháp. Kể từ đó đến khi ngài hai mươi tám, ngài dành thời gian để nhập thất thiền định im lặng, sống trong những khu ẩn cư hay hang động xa xôi hoặc đơn giản là dưới vách đá ở ngọn núi bên gần nơi ngài sinh ra. Sự chứng ngộ pháp nội hỏa (tummo) của ngài đến mức mà trong hang động vẫn ấm trong suốt mùa đông băng tuyết ở Tây Tạng. Ngài cũng để lại vết chân trên một tảng đá dưới một trong các khu ẩn cư.

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche sau đó giành nhiều năm cùng với Dzongsar Khyentse Chokyi Lodro (1896 – 1959), người mà cũng là một hóa thân của Khyentse đệ nhất. Sau khi nhận từ Chokyi Lodro rất nhiều quán đảnh Rinchen Terdzo, bộ các quán đảnh của Kho tàng được phát lộ (terma), Rinpoche thỉnh ngài rằng sẽ dành phần đời còn lại để thiền định độc cư. Nhưng Khyentse Chokyi Lodro nói rằng, “Đã đến lúc con giảng dạy và trao truyền các giáo lý quý giá này cho người khác.” Kể từ đó, Rinpoche làm việc liên tục vì lợi lạc của chúng sinh với năng lượng không vơi cạn, là một điểm nổi bật của truyền thừa Khyentse.

Trong suốt những năm 70 và 80, mặc dù tuổi cao, Khyentse Rinpoche đi khắp xứ Himalaya, Ấn Độ, Đông Nam Á, và Tây phương để trao truyền và giải thích các giáo lý cho rất nhiều đệ tử. Ngài cũng thường đi cùng vị phối ngẫu, Sangyum Lhamo, cháu trai và người thừa kế tâm linh, Rabjam Rinpoche.

Dù bất cứ nơi nào ngài đi, ngài thường dậy trước mặt trời mọc, cầu nguyện và thiền định rất nhiều giờ trước bắt đầu một chuỗi các hoạt động liên tục cho đến tối muộn. Ngài hoàn thành một lượng lớn công việc với sự bình thản và không mấy nỗ lực hiện rõ.

Rinpoche viếng thăm Tây Tạng ba lần trong từ năm 1985 đến năm 1990. Ở đây, ngài bắt đầu việc xây dựng lại tu viện Shechen, bị phá hủy trong thời kỳ Cách mạng Văn Hóa, và trông nom việc tái thiết tu viện Samye, nơi được ngài ban gia trì vào năm 1990.

Ở Nepal, Khyentse Rinpoche đã chuyển truyền thống Shechen rộng lớn về một ngôi nhà mới – một tu viện lộng lẫy phía trước của đại bảo tháp Boudhanath. Nơi đây trở thành vị trí chính của ngài, ngôi nhà cho cộng đồng tăng, được tu viện trưởng Rabjam Rinpoche lãnh đạo. Đó là mong ước đặc biệt của Khyentse Rinpoche rằng đây sẽ là nơi mà giáo lý Phật Đà sẽ được tiếp tục một cách thanh tịnh tuyệt đối, như là trước đây chúng được nghiên cứu và thực hành ở Tây Tạng, và ngài đã giành rất nhiều sự quan tâm đến việc giáo dục các vị lama trẻ đầy triển vọng có thể tiếp tục truyền thống.

Các dự án khác của ngài bao gồm xây dựng các bảo tháp và tu viện ở các địa điểm linh thánh, điều mà ngài nói rằng sẽ thúc đẩy hòa bình thế giới, xa hơn là các giá trị và thực hành Phật giáo, và giúp ngăn cản sự xung đột, bệnh tật và nạn đói. Ở Ấn Độ, ngài xây dựng một bảo tháp mới ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã đạt đến giác ngộ dưới tán bồ đề. Bảo tồn các di sản Văn học Phật giáo quý giá cũng rất quan trọng với ngài. Sau khi các cuốn sách và thư viện ở Tây Tạng bị phá hủy một cách hệ thống bởi người Trung Quốc, rất nhiều tác phẩm chỉ còn một hay hai bản. Nhờ có những nỗ lực của Khyentse Rinpoche, khoảng 300 bản văn gần như bị mất đã được công bố.

Thông qua các hoạt động giác ngộ của ngài, Khyentse Rinpoche đã hiến dâng trọn cuộc đời cho việc bảo tồn và truyền bá chánh Pháp. Điều làm ngài hài lòng nhất là nhìn thấy Pháp thực sự được thực hành.

Ngài đi hoằng pháp rất nhiều lần ở phương Tây trong mười lăm năm cuối của cuộc đời, bao gồm hai chuyến đi Bắc Mỹ. Tại trụ xứ của ngài ở châu Âu, Shechen Tennyi Dargyeling ở Dordogne, Pháp, nơi mà mọi người từ khắp nơi trên thế giới nhận các giáo lý vĩ đại từ ngài, ngài đã hướng dẫn cho rất nhiều nhóm đệ tử thực hành nhập thất ba năm theo truyền thống. Đó là cách ngài đóng góp cho Phật giáo Tây Tạng ở phương Tây, có không ít hơn năm trăm đệ tử từ châu Âu đến Bắc Mỹ đã tham gia lễ trà tỳ của ngài ở Bhutan năm 1992.

Không gì miêu tả về cuộc đời của Dilgo Khyentse Rinpoche có thể truyền tải trọn vẹn ngài là ai. Những ai may mắn lớn lao được giành thời gian bên ngài biết rằng họ đang gặp một vị Phật thực sư, vì ngài hoàn toàn tượng trưng cho giáo lý mà ngài phổ biến và các vị đạo sư tâm linh vĩ đại của dòng truyền thừa ngài trì giữ. Thậm chí những người lạ khi gặp ngài cũng cảm thấy tính nhân văn sâu sắc và những phẩm tánh tâm linh của ngài.

Trích dịch từ cuốn Zurchungpa’s Testament.

Về bản chi tiết hơn tiểu sử ngài Dilgo Khyentse Rinpoche có thể được tìm thấy trong cuốn tự truyện về cuộc đời ngài, với đề tựa Trăng Kim Cương.

Nguồn: Thánh Sư Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche