CHIA SẺ

1.1. SƠ LƯỢC VỀ ĐẠO PHẬT:

Cách đây hơn 25 thế kỷ, giữa lúc xã hội Ấn Độ đang rối ren, nhân dân cơ cực lầm than, bởi chế độ phân chia đẳng cấp hết sức khắc nghiệt, một Thái tử có lòng rộng lớn, chiêm nghiệm về nỗi khổ ở đời, đã quyết định hy sinh đời sống vương giả, để tìm giải thoát đau khổ cho nhân loại. Vị Thái tử đó là Tất Đạt Đa, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, nước Ca-tỳ-la-vệ, xứ Ấn Độ bấy giờ. Sau nhiều năm tu tập Ngài đã thành Phật hiệu là Thích Ca. Đạo Phật có mặt trên thế gian này từ đó. Nói về lý thuyết của Đạo Phật, có thể tóm tắt như sau:

+ Quan niệm về thế giới và con người:

Bản thể của vũ trụ là chân như, có có không không. Các hiện tượng là vô thường, luôn luôn chuyển động. Trong sự sống có sự chết, chết là điều kiện có sự sinh thành mới. Thời gian là vô cùng, không gian vô tận. Trong vũ trụ có đến ba ngàn thế giới, đời thì có nhiều kiếp, một tiểu kiếp có đến 16 triệu năm. Và con người ở trong vòng luân hồi sinh tử.

+ Về lý thuyết cứu khổ:

Phật đưa ra các vấn đề rất tinh vi và sâu sắc. Trước hết là bốn điều huyền diệu gọi là Tứ Diệu Đế là:

Khổ đế: con người có bốn cái khổ sinh, lão, bịnh, tử, rồi còn nhiều cái khổ khác nữa như oán thù mà thường gặp nhau, yêu thương phải xa nhau, cầu như ý mà không được… Tất cả những cái khổ này đều là nghiệp báo.

Tập đế: nguyên nhân của bốn cái khổ trên do đâu mà có. Là do chỗ con người mê muội.

Diệt đế: phải biết nguyên nhân mê muội ấy, biết rồi thì phải diệt đi. Diệt được thì lòng mới thanh thản, để vào cõi Niết Bàn.

Đạo đế: để diệt được mê muội phải có có con đường đi cho đúng. Con đường đúng ấy có tám pháp, gọi là Bát Chánh Đạo.

Đấy là những điều cơ bản của Đạo Phật.

1.2. SỰ DU NHẬP PHẬT GIÁO VÀO VIỆT NAM:

Phật giáo truyền đến Việt Nam vào khoảng những năm đầu công nguyên, lúc bấy giờ nước ta đang nội thuộc Trung Quốc, Phật giáo đã dung hòa được với hệ tư tưởng và tín ngưỡng Dân tộc. Dựa vào các sử liệu, hiện nay hầu hết các Sử gia đều đồng ý với một điểm mấu chốt như sau:

– Đạo Phật đã đến Việt Nam trước hết là đường biển, theo bước chân của các doanh nhân và Tăng sĩ Ấn Độ.

– Điểm mấu chốt thứ hai là đạo Phật được truyền đến Việt Nam trước khi đến Trung Hoa, cũng như trong giai đoạn khai sinh, Phật giáo Việt Nam cũng đã hưng thịnh hơn Phật giáo Trung Hoa cùng thời.

– Điểm thứ ba là đến thế kỷ thứ II đã có một nền Phật giáo và Phật học hưng thịnh tại Việt Nam, nghĩa là đạo Phật đã truyền bá trước đó khá lâu, ít nhất cũng phải hàng trăm năm trước, nghĩa là ít nhất cũng vào khoảng thế kỷ thứ nhất hay sớm hơn nữa.

Một sử liệu khác chứng minh khá rõ ràng minh bạch việc đạo Phật đã đến và đã hưng thịnh ở Việt Nam trước khi du nhập và phát triển tại Trung Quốc được đăng trong Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục ghi lại chuyện trong một lễ Trai Tăng vào ngày rằm tháng hai năm 1096, tại Kinh thành Thăng Long, bà Hoàng Thái Hậu Phù Cẩm Linh, tức Vương Phi Ỷ Lan hỏi Thiền sư Trí Không sau được tôn làm Thông Biện quốc sư “Đạo Phật đến nước ta hồi nào?” Các vị sư ngồi im lặng, riêng Thiền sư Trí Không đã trả lời như sau: “Xét chuyện Đàm Thiên pháp sư, ta thấy từ đời Tùy Cao Tổ, Phật pháp được nâng đỡ rất nhiều. Vua Văn Đế nói: “Ta muốn làm chùa Tháp ở Giao Châu để cho phước được thấm nhuần đại thiên thế giới…” Pháp Sư Đàm Thiên liền tâu: “Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc (Ấn Độ) Khi Phật giáo mới tới Giang Đông chưa đầy đủ thì ở Thủ Phủ Luy Lâu của Giao Châu đã có tới hai mươi ngôi chùa, độ được hơn 500 vị Tăng già và dịch được 15 cuốn Kinh rồi. Như vậy, Phật giáo được truyền đến trước khi đến Giang Đông vậy.

Sau này, sang thế kỷ IV–V, lại có thêm luồng Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa tràn vào. Từ “Buddha” và tiếng Hán được phiên âm thành Phật Đà vào tiếng Việt rút gọn lại còn Phật. Từ đây, Phật dần dần thay thế cho từ Bụt.

Từ Trung Hoa đã có ba Tông phái Phật giáo được truyền vào Việt Nam: Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thiền tông là tông phái Phật Giáo, do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma sáng lập ở Trung Quốc vào đầu thế kỉ thứ VI. Thiền tông Việt Nam luôn đề cao cái tâm, Phật tại tâm, tâm là Niết Bàn, là Phật. Tu theo Thiền tông đòi hỏi nhiều công phu và khả năng trí tuệ, do vậy chỉ phổ biến ở giới tri thức thượng lưu.

Tịnh độ tông chủ trương dựa chủ yếu vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, để chúng sanh thoát khỏi Ta bà. Tịnh độ tông hướng họ đến cõi Niết bàn cụ thể là cõi Tịnh độ yên tỉnh. Chỉ cần chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, đây là cách tu đơn giản và trở thành phổ biến khắp nhân gian.

Mật tông là phái tu chủ trương sử dụng những pháp tu huyền bí, như dùng linh phù, mật chú, ấn quyết… Vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như Tông phái riêng mà hòa vào dòng tín ngưỡng Dân gian với những truyền thống cầu đồng cúng pháp thuật, yểm bùa trị tà ma.

Cả ba Tông phái trên, mặc dù có những điểm khác biệt nhau, nhưng nhìn chung chúng đều dựa trên những giáo lý cơ bản của nhà Phật… giữa chúng có sự ảnh hưởng đến nhau và đều mang tinh thần hòa mình vào đời sống thường nhật.

Việc du nhập diễn ra với nhiều chiều hướng khác nhau, nhiều Tông phái khác nhau trong hoàn cảnh Việt Nam tạo nên một nét bản sắc Phật giáo Việt Nam. Rõ ràng, đó là một trong những cơ sở tạo nên đặc thù của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Vậy với những lý do trên có thể nói rằng, đạo Phật là một Tôn giáo ngoại lai, nhưng đã nhanh chóng truyền vào Việt Nam một cách tự nhiên, mà không bị một cản trở nào.

1.3 Phật Giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam:

Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng: Hầu hết các Tôn giáo được truyền bá đi bằng con đường chính trị, được áp đặt bằng vũ lực, bằng chiến tranh hoặc làm công cụ cho các thế lực xâm lược. Ngược lại, đã hai mươi sáu thế kỉ qua, trên bước đường truyền bá khắp thế giới, Phật giáo chưa bao giờ để lại một vết máu. Điều đó xuất phát từ bản chất từ bi vô ngã, vị tha của đạo Phật, bởi vì đạo Phật ra đời vì cuộc đời chớ không phải vì bản ngã của đạo Phật.

Đạo Phật được truyền vào nước ta khoảng từ trước Công nguyên. Và trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta đã có một hệ thống tín ngưỡng, phong tục vô cùng phong phú. Họ quan niệm rằng: “Ông Trời ở trên cao có thể nhìn thấy mọi việc dưới đất, biết trừng phạt kẻ làm ác, giúp đỡ kẻ làm lành… Ông Trời có những thuộc hạ gần xa. Gần thì có ông Sấm, bà Sét. Xa có Sơn Tinh, Thủy Tinh, thần núi Tản Viên, thần cây đa, ông Táo, ông Địa v.v… Rồi linh hồn con người không hẳn là bất diệt, nhưng có thể tồn tại một thời gian khá lâu quanh quẩn bên xác người chết và có thể ở chung với người thân thích còn sống trong một thời gian để che chở, bảo hộ.” (Nguyễn Lang-VN Phật giáo sử luận; tập I, trang 50)

Khi Phật giáo vào Việt Nam, tuy giáo lý nhà Phật không chấp nhận có một đấng ở trên cao, có thể nhìn thấy mọi vật dưới đất, nhưng thuyết nhân quả nghiệp báo của đạo Phật phù hợp với quan niệm ông Trời trừng phạt kẻ ác, thuyết luân hồi phù hợp với quan niệm tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại. Cho nên, Phật giáo ứng hợp ngay với quan điểm nhân gian.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm trong giáo trình Cơ sở Văn hóa Việt Nam đã hệ thống tín ngưỡng dân gian thành ba yếu tố: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Những tín ngưỡng trên là sản phẩm của nhân dân, hình thành trong chiều dài lịch sử trên cơ sở kinh nghiệm, sự sùng bái và trí tưởng tượng của con người. Vì thế, nó thành hệ thống chặt chẽ, tất nhiên thiếu cơ sở vững chắc.

Cùng thời gian đó, Nho giáo cũng đã bước vào nước ta, người Việt vốn trọng tình nghĩa, hòa hiếu, cởi mở “song vì đây là thứ văn hóa do kẻ xâm lược áp đặt, cho nên ngoài một số người Việt được bổ làm quan trong bộ máy cai trị, có thể nói rằng suốt cả giai đoạn chống Bắc thuộc Nho Giáo chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam.” (Trần Ngọc Thêm – Cơ sở văn hóa Việt Nam; trang 317)

Khác với Nho giáo, “Phật giáo được truyền vào Việt Nam bằng phương tiện hòa bình chứ tuyệt nhiên không phải là công cụ cho những thế lực xâm lược Cộng với phương châm từ, bi, hỷ, xả, trí tuệ, vị tha và nền giáo lý phù hợp với tín ngưỡng truyền thống, nên đạo Phật thấm vào nền văn minh Giao Châu tự nhiên và dễ dàng như nước thấm vào lòng đất.” (Nguyễn Lang)

Cho nên, trong đời sống thường ngày, chúng ta không lạ gì với những biểu tượng của Phật giáo… Những hình ảnh đó được thể hiện trong đời sống một cách tự nhiên, đó là hình ảnh ông Bụt, mái Chùa, nhà Sư, tiếng chuông v.v… như:

“Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò
Em đi cảnh vắng hẹn hò cùng ai”

“Đi chợ thì bỏ quên tiền,
Về nhà quên ngõ, đâm xuyên vô chùa
Mưa từ trong núi mưa ra,
Mưa khắp thiên hạ, mưa qua Chùa Thầy”

Như thế để chứng tỏ rằng, đó là một sự hội nhập sâu sắc giữa Phật giáo và văn hóa Việt Nam.

Tóm lại: Ngay từ buổi du nhập vào đất Việt, Phật giáo đã hòa quyện, hội nhập trong lòng Dân tộc như nước với sữa. Khi đất nước trãi qua ngàn năm Bắc thuộc, Phật giáo cùng chung số phận khổ nhục, đau thương, ẩn nhẫn, chịu đựng. Đến nữa Thế kỷ thứ X, khi Dân tộc vùng lên giành độc lập thì tức khắc Phật giáo đã cùng Dân tộc đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Rồi các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần là thiên sử “Anh hùng ca” dài bốn trăm năm mươi năm, chẳng những chứng minh tinh thần độc lập hào hùng bất khuất của Dân tộc mà đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền Đạo pháp với Dân tộc của Phật giáo Việt Nam, là điểm son, là dấu ấn truyền thống đặc thù của Phật giáo Việt Nam trong lòng Dân tộc.

Thế kỷ XX, cả Dân tộc đứng lên chống Thực dân và Đế quốc giành lại chủ quyền cho Dân tộc thì Phật giáo Việt Nam lại một lần nữa kề vai sát cánh cùng nhân dân để đấu tranh thực thi khát vọng hạnh phúc.

Ngày nay, phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” Càng khẳng định tính chất gắn bó giữa Phật giáo với Dân tộc Việt Nam.

 Theo: quangduc