CHIA SẺ

Tâm thiền, tâm ban sơ, ấy là trí tuệ đang tìm trí tuệ.
Luôn là người mới bắt đầu. Ấy là bí mật của tu Thiền.

Người ta nói rằng tu Thiền khó, nhưng có sự hiểu lầm về lý do tại sao. Nó không khó bởi vì khó ngồi trong tư xếp chéo chân, hay đạt giác ngộ. Nó khó bởi vì khó giữ tâm của chúng ta thanh tịnh và sự tu tập của chúng ta thanh tịnh theo nghĩa nền tảng của nó. Thiền tông đã phát triển theo nhiều cách sau khi nó được thiết lập ở Trung Hoa, nhưng đồng thời, càng lúc nó càng trở thành bất tịnh. Tôi không muốn nói về Thiền Trung Hoa hay lịch sử của Thiền. Tôi quan tâm giúp quí vị giữ sự tu tập của mình không trở thành bất tịnh.

Nhật Bản chúng tôi có ngữ cú sơ tâm (shoshin), có nghĩa là “tâm của người mới bắt đầu” (the beginner’s mind). Mục đích của tu tập là luôn luôn giữ sơ tâm của chúng ta. Giả sử quí vị tụng Tâm Kinh Bát Nhã chỉ một lần. Đó có thể là một sự tụng rất tốt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với quí vị khi quí vị tụng nó hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa? Có thể quí vị mất đi thái độ ban đầu một cách dễ dàng. Điều tương tự sẽ xảy ra trong những cách tu Thiền khác của quí vị. Quí vị sẽ giữ được tâm ban đầu của mình trong một lúc, nhưng nếu quí vị tiếp tục tu tập một, hai, ba năm hay nhiều hơn nữa, mặc dù quí vị có thể tiến bộ chút ít, quí vị bị mất ý nghĩa vô hạn của bản tâm.

Đối với người học Thiền, điều quan trọng nhất là không nhị nguyên. “Bản tâm” của chúng ta bao hàm mọi sự vật bên trong nó. Nó luôn luôn phong phú và đầy đủ bên trong chính nó. Quí vị không nên để mất tâm thái tự đủ của mình. Điều này không có nghĩa là cái tâm khép kín, nhưng thực tế là cái tâm rỗng lặng và cái tâm sẵn sàng. Nếu tâm quí vị rỗng lặng, nó luôn luôn sẵn sàng cho bất cứ điều gì; nó mở ra cho mọi thứ. Trong tâm của người mới bắt đầu có nhiều khả thể; trong tâm của người chuyên môn thì có ít.

Nếu quí vị phân biệt quá nhiều, quí vị giới hạn chính mình. Nếu quí vị quá đòi hỏi hay quá tham lam, tâm của quí vị không phong phú và không đủ. Nếu chúng ta mất bản tâm tự đủ của mình, chúng ta sẽ mất toàn bộ giới luật. Khi tâm của quí vị trở nên đòi hỏi, khi quí vị mong muốn một điều gì, quí vị sẽ đi đến kết thúc khi vi phạm giới luật của mình: không nói láo, không sát sinh, không tà vạy, và vân vân. Nếu quí vị giữ bản tâm của mình, giới luật của quí vị sẽ tự giữ chúng.

Trong tâm của người mới bắt đầu không có ý nghĩ, “Ta đã đạt được một điều.” Tất cả những ý nghĩ vị ngã giới hạn cái tâm bao la của chúng ta. Khi chúng ta không có ý nghĩ nào về sự đạt được, không có ý nghĩ nào về ngã, chúng ta là những người mới bắt đầu chân chính. Rồi chúng ta thực sự có thể học một điều gì đó. Tâm của người mới bắt đầu là tâm bi. Khi tâm của chúng ta bi mẫn, nó vô biên. Thiền sư Đạo Nguyên, người sáng lập tông phái của chúng ta, luôn luôn nhấn mạnh sự phục hồi bản tâm vô biên của mình quan trọng như thế nào. Rồi chúng ta luôn luôn thành thật với chính mình, trong sự đồng cảm với tất cả chúng sinh, và có thể tu tập thực sự.

Như thế điều khó nhất là luôn luôn giữ sơ tâm của mình. Không cần phải có cái hiểu sâu xa về Thiền. Dù quí vị đọc nhiều văn học Thiền, quí vị phải đọc từng câu với tâm tươi tắn. Quí vị không nên nói, “Tôi biết Thiền là gì,” hay “Tôi đã đạt giác ngộ.” Đây cũng là bí mật thực sự của các nghệ thuật: luôn luôn là người mới bắt đầu. Hãy rất cẩn thận về điểm này. Nếu quí vị khởi sự tu tập tọa thiền, quí vị sẽ bắt đầu cảm kích sơ tâm của mình. Ấy là bí mật của tu Thiền.

Thiền sư Shunryu Suzuki
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng