CHIA SẺ

Sau khi thụ nhận Quán đỉnh chúng ta được phép hành trì Mật thừa. Chữ “trì” trong cụm từ này có nghĩa là sự trì giữ, ở đây là mối liên hết với Thượng sư và Bản tôn quán đỉnh và điều này có liên hệ sâu sắc với các giới nguyện Kim Cương thừa. Để hiểu cặn kẽ về các giới nguyện này, trước hết tôi xin trình bày một cách vắn tắt các thứ lớp giới luật của Phật giáo. “Giới” là điều ngăn cấm do Đức Phật chế định cho hàng đệ tử dùng để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp thân, khẩu, ý còn “luật” là các nguyên tắc do Đức Phật quy định cho hàng Tỳ kheo áp dụng khi sống trong tập thể Tăng đoàn. “Giới” như vậy là điều răn và “luật” là quy định thi hành Giới. Tuy gọi khác nhau nhưng tính chất vốn đồng nên trong thuật ngữ Phật giáo chúng ta gọi chung là “Giới luật”.

Một cách chung nhất Giới luật của Tam thừa bao gồm ba thứ lớp sau:

– Giới Biệt giải thoát: là giới luật chủ yếu thuộc về giới tướng của Thân và Khẩu, chủ yếu nhấn mạnh vào các hành động bên ngoài thuộc Thân, rồi dần dần bên trong Tâm bạn sẽ được chuyển hóa. Điều này là kết quả tất yếu bởi lẽ khi Thân bạn thay đổi thì Tâm bạn cũng sẽ đổi thay theo. Hãy thử suy ngẫm xem: Nếu đến thăm một thành phố sầm uất, sôi động thì tự nhiên tâm bạn cũng sẽ cảm thấy hứng khởi, cảm xúc này tự nhậm vận xuất hiện. Còn nếu bạn đang ở nơi thánh địa linh thiêng thì những cảm xúc bình an, trong sáng sẽ tự động khởi sinh. Điều này chỉ ra giữa Thân và Tâm có mối liên hệ nhất định. Thông qua Thân, chúng ta có thể kiểm soát được Tâm. Giới Biệt giải thoát như vậy có thể được hiểu là giới luật bên ngoài.

– Giới Bồ tát: Giới này còn gọi là thông giới, tức gồm cả xuất gia và tại gia cùng ứng dụng tu tập để thành tựu tâm Bồ đề. Giới nguyện Bồ tát được coi là giới luật bên trong, chủ yếu liên quan đến Tâm. Nền tảng căn bản của Bồ tát giới là Tâm phải hoàn toàn vô ngã, hoàn toàn không tư lợi và cần hướng đến lợi ích toàn thể chúng sinh mẹ, chẳng hạn như mong giúp họ đạt giác ngộ, giúp họ đạt được hạnh phúc tạm thời, hạnh phúc tuyệt đối. Điều này thể hiện qua “Tam tụ tịnh giới” là nguyện dứt các điều ác, nguyện làm các điều lành, nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Như thế, mọi suy nghĩ, hành động của hành giả thụ nhận Bồ tát giới phải nhất nhất được tiến hành với tâm nguyện lợi tha, không vị kỷ. Tinh túy của Bồ tát giới chính là việc bạn có thể tiến hành bất kỳ hành động, lời nói, việc làm nào với động lực Bồ đề tâm vô ngã đó.

– Giới Kim Cương thừa: Kế tiếp là cấp độ bí mật hay giới nguyện Kim Cương thừa. Nếu nói các giới luật được đặt ra chủ yếu nhằm kiểm soát, hay nói cách khác là ngăn bạn thực hiện một số hành vi nhất định: chẳng hạn như giới Biệt giải thoát ngăn bạn khỏi làm tổn hại phiền nhiễu người khác, giới Bồ tát ngăn bạn khỏi các cảm nghĩ vị kỷ tiêu cực, sân hận, mọi tư tưởng đối nghịch với từ bi, thì tinh túy của giới nguyện Kim Cương thừa chính là ngăn Thân, Khẩu, và Ý bạn khỏi các tư tưởng nhị nguyên thông thường. Các tư tưởng thông thường là những tư tưởng kiểu như khi bạn trông thấy một ngôi nhà, bạn phát sinh ý nghĩ rằng “Tôi trông thấy ngôi nhà”, hay khi bạn nghe thấy âm thanh gì, bạn nghĩ rằng “Tôi nghe thấy tiếng động”. Như thế, bạn đang cho âm thanh là có thực, đối tượng bạn trông thấy là có thực và rồi từ những cái thấy nghe đó bạn phát sinh xúc cảm, chẳng hạn như cảm thấy tức giận. Theo cách đó, sự tức giận bên trong phát sinh từ cái nghe thấy khó chịu bên ngoài lúc này dường như thực sự tồn tại. “Tôi thực sự cảm thấy tức giận, tôi hạnh phúc, tôi phiền muộn, tôi ghen tỵ, tôi chân thành…” Tất cả những cảm xúc dù là tích cực hay tiêu cực phát sinh theo cách này đều được gọi là nhận thức nhị nguyên, tâm nhị nguyên. Giới nguyện Kim Cương thừa được đặt ra nhằm ngăn Thân, Khẩu, Ý của bạn khỏi tất cả những nhận thức bên ngoài và kéo mọi sự vật hiện tượng trở về bản chất chân thực của nó: bản chất siêu vượt nhị nguyên, siêu vượt nhận thức thông thường. Khi thụ nhận quán đỉnh, hành giả hiểu và nhận ra ý nghĩa của quán đỉnh là Trí tuệ, duy trì trí tuệ này bằng việc trì giới thanh tịnh, kiểm soát tư tưởng nhị nguyên. Trì giới luật Kim Cương thừa chính là duy trì trí tuệ bản lai và kiểm soát tư tưởng nhị nguyên.

Chúng ta cũng cần có hiểu biết về hệ thống giới luật phân theo đối tượng hành giả tu tập. Thông thường, ba hệ thống giới Tam thừa kể trên được chia ra thành bảy hoặc tám loại:

Đầu tiên là Ngũ giới dành cho cư sĩ thực hành cả nam và nữ. Các giới này là: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Đây là bước đầu của sự tu học Phật pháp, là cơ bản của luân lý và căn bản đạo đức làm người.

Giới thứ hai là Tiểu thụ giới dành cho người mới xuất gia là Sadi và Sadini.

Giới thứ ba là Cụ túc giới dành cho bậc xuất gia thọ giới Tỳ kheo.

Có một giới đặc biệt dành cho nữ, đó là Thức xoa ma na giới. Giới Thức xoa ma được trì giữ hai năm và trong hai năm thử thách sát hạch, nữ hành giả sẽ xác định liệu có mong nguyện trở thành tu sĩ hay không bởi vì khi quyết định thành Tỳ kheo ni sẽ phải trì giữ nhiều giới tướng hơn Tỳ kheo tăng.

Ngoài ra cũng có những giới luật mà hành giả sẽ trì giữ trong một ngày một đêm gọi là Bát quan trai giới. Trong số các giới nguyện này, nguyện xả ly vật chất của Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni thường được coi là thực hành căn bản lý tưởng đối với Mật thừa. Mật điển Tantra Thời luân đã luận giải, phẩm hạnh lý tưởng để thực hành Mật pháp là lễ đại thụ giới tu sĩ. Do đó, đối với những người phàm tình như chúng ta, điều tốt nhất có thể làm là gây dựng căn bản từ các giới nguyện của Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni, sau đó khơi mở Mật thừa thông qua thực hành các Mật điển Tantra như Thời Luân Kim Cương, Thắng Lạc Kim Cương hay một Mật pháp nào khác.

Như vậy không có nghĩa là chúng ta nhất định phải trở thành Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni. Thực tế có nhiều phương tiện khác nhau để thực hành Mật thừa mà không cần phải được thụ phong toàn bộ, ví dụ như lễ Tiểu thụ giới dành cho Sadi, Sadini. Tuy nhiên, không thể thiếu một lễ thụ giới nhất định, chí ít là lễ thụ Tam quy Ngũ giới của hàng cư sĩ tại gia, từ đó bạn phải trì giữ Ngũ giới hay ở góc độ rộng hơn một chút Thập giới, là cấp độ tối thiểu của giới nguyện. Hành giả phải lấy một trong những cấp độ giới nguyện làm nền tảng để bắt đầu tu học theo Kim Cương thừa.

Nếu không thụ trì và không giữ được dù chỉ một loại giới luật thì việc thực hành Kim Cương thừa của bạn sẽ thực gian nan nếu không nói là vô phương do sai khuyết từ nền móng. Giả như bạn có một chiếc bàn thật đẹp, nhưng lại không có một điểm tựa bằng phẳng, trơn nhẵn để kê bàn lên đó thì chiếc bàn sẽ lung lay, tới mức trà nước, đồ vật trên bàn sẽ đổ và rơi vỡ. Tương tự như thế, nếu không có giới nguyện thì nền tảng Phật pháp không thể gây dựng và sẽ gây chướng ngại cho việc thực hành hay thành tựu bất kể Pháp môn nào.

Bề mặt phẳng được ví với Giới luật vì giới luật mang lại cho chúng ta sự ổn định bền vững. Chúng ta thường là những kẻ cuồng vọng nhiễm ô, dễ bị tổ thương bởi những nhiễu loạn Thân – Khẩu – Ý. Nếu sử dụng giới luật như một phương thuốc đối trị và hành trì giới luật một cách nghiêm cẩn, tự nhiên cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên an lạc hơn. Không có phương thuốc này, chúng ta sẽ phải trải nghiệm một cuộc sống bị cuốn trôi trong những thăng trầm, thất thường, giống như việc cố sắp đặt đồ vật trên một bề mặt thô nhám gồ ghề. Điều này khiến cuộc sống chúng ta có vô vàn nhiễu loạn đau khổ, chưa nói đến nỗi khổ đau, tuyệt vọng cùng cực trong Bardo cái chết mà tôi đã chia sẻ cho các bạn trong những phần trước. Như vậy, giới luật cũng giống như bề mặt bằng phẳng của chiếc bàn. Trên mặt bàn là những đồ vật quý giá song cũng rất dễ vỡ, đó là các pháp thực hành Phật giáo, thực hành Kim Cương thừa vừa cao đẹp, trân quý với quả vị tối thượng song cũng rất mong manh. Nếu không có một nền tảng vững chắc về giới nguyện thì sẽ không có phương cách nào để sắp đặt bày biện các đồ vật này một cách phù hợp, chúng ta sẽ bị quỵ ngã hoặc đi vào con đường thực hành một cách sai lạc.

Nguồn: http://daibaothapmandalataythien.org/giao-phap-kim-cuong-thua-phat-giao-gioi-luat/tong-quan-ve-gioi-luat