CHIA SẺ

Lòng bi mẫn là trí tuệ tự nhiên của trái tim. Lòng bi mẫn luôn sẵn có trong ta, đã từng như thế và cũng sẽ mãi mãi như thế. Khi lòng bi mẫn bừng dậy trong ta, ta sẽ hoàn toàn nhận hiểu được mình thực sự mạnh mẽ và an ổn biết bao!

Hạt cay sinh quả cay, hạt ngọt sinh quả ngọt.
Kinh Surata thỉnh vấn (The Questions of Surata Sutra)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Theo như tôi đã được học, hầu hết những xung đột giữa người và người có nguyên nhân từ sự hiểu lầm động cơ của nhau. Chúng ta ai cũng có lý do của mình khi nói ra hay làm một điều gì. Vì vậy, càng để cho tâm bi mẫn dẫn dắt – nghĩa là ngừng lại một lúc và cố gắng nhìn xem người khác đến từ đâu – thì ta càng ít có nguy cơ rơi vào xung đột. Và dầu cho có nảy sinh xung đột, nếu chúng ta thở một hơi thật sâu và lắng nghe với một tấm lòng rộng mở, ta sẽ thấy mình có khả năng giải quyết xung đột đó hiệu quả hơn – chẳng hạn như, có thể làm cho gió yên sóng lặng và giải quyết những bất đồng theo cách mà ai cũng hài lòng, để cuối cùng sẽ không có ai là “người thắng” hay “kẻ bại”.

Lấy thí dụ, tôi có một người bạn Tây Tạng sống ở Ấn Độ, bên cạnh một người hàng xóm có nuôi con chó rất dữ. Nhà ở Ấn Độ có đặc điểm là sân trước có tường rất cao bao bọc, với cửa ra vào thay vì những cánh cổng. Cửa vào nhà bạn tôi rất gần cửa nhà hàng xóm, và mỗi khi bạn tôi bước ra khỏi nhà là con chó hàng xóm cứ nhảy xổ ra khỏi cửa nhà nó, vừa sủa vừa gầm gừ, xù lông, khiến cho bạn tôi rất sợ. Làm như thế dường như chưa đủ, con chó còn có thói quen đẩy cửa vào trong sân nhà bạn tôi, rồi lại sủa, lại gầm gừ, gây rắc rối kinh khủng.

Bạn tôi suy nghĩ thật lâu tìm cách trừng phạt con chó xấu tính này. Cuối cùng ông nghĩ ra một cách, mở hé cánh cửa và kê một vài món vật nặng phía trên cửa. Khi nào con chó đẩy cửa vào, các món vật nặng ấy hẳn sẽ rơi xuống và dạy cho nó một bài học đau đớn nhớ đời.

Một buổi sáng thứ bảy, sau khi dàn xong cái bẫy, bạn tôi ngồi bên cửa sổ phía trước quan sát và chờ đợi con chó vào. Đợi một lúc lâu nhưng con chó không hề vào sân nhà. Sau một hồi, bạn tôi mang kinh nhật tụng ra và bắt đầu tụng kinh, thỉnh thoảng lại rời mắt khỏi trang kinh để liếc nhìn ra sân qua khung cửa sổ. Vẫn không thấy con chó xuất hiện. Sau một lúc, bạn tôi tụng đến một đoạn văn phát nguyện rất cổ xưa, đó là đoạn về Tứ vô lượng tâm, bắt đầu bằng câu:

Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc,
Nguyện cho tất cả chúng sinh đều thoát khổ đau và không tạo nhân khổ đau.

Trong khi tụng câu này, ông chợt nhớ rằng con chó cũng là một chúng sinh, và khi cố ý đặt bẫy, ông sẽ làm cho nó đau đớn, khổ sở. Ông ta nghĩ: “Nếu tụng lời kinh này là ta đang dối trá. Có lẽ ta nên ngừng tụng kinh.”

Nhưng ông cảm thấy bất ổn vì Tứ vô lượng tâm là đoạn kinh ông vốn tụng hằng ngày. Ông bắt đầu tụng trở lại, hết sức cố gắng phát khởi từ tâm với con chó, nhưng nửa chừng ông lại nghĩ:

“Không, con chó này dữ quá! Nó làm hại ta nhiều rồi. Ta không muốn cho nó thoát khổ và được hạnh phúc.”

Suy nghĩ một lúc về vấn đề này, sau cùng ông cũng tìm được một giải pháp. Ông có thể đổi một vài chữ trong lời kinh, thế là ông tụng tiếp:

Nguyện cho một số chúng sinh được hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc,
Nguyện cho một số chúng sinh được thoát khổ đau và không tạo nhân khổ đau.

Ông rất hài lòng với giải pháp của mình. Sau thời kinh và dùng bữa trưa xong, ông quên hẳn chuyện con chó, và quyết định ra ngoài đi một vòng trước khi trời tối. Trong lúc vội vàng, ông quên bẵng việc đã cài bẫy con chó và ngay khi vừa kéo cửa sân, tất cả những món vật nặng trên cánh cửa đều rơi cả xuống đầu ông.

Có thể nói, đó là một sự đánh thức thô bạo!

Thế nhưng, sự đau đớn đã làm cho bạn tôi nhận ra được một điều rất quan trọng. Khi loại trừ bất kỳ chúng sinh nào ra khỏi tiềm năng thoát khổ được vui là đồng thời ông cũng đã loại trừ chính mình. Nhận thức rằng mình đã là nạn nhân từ sự thiếu bi mẫn của chính mình, ông quyết định thay đổi chiến lược.

Hôm sau, trước khi ra ngoài đi dạo buổi sáng, bạn tôi mang theo một mẩu bánh tsampa nhỏ. Đó là một loại bánh làm bằng bột lúa mạch, muối, trà và bơ, mà người Tây Tạng thường dùng để điểm tâm. Khi ông vừa bước ra khỏi cửa, như thường lệ con chó nhảy xổ ra, vừa sủa vừa gầm gừ như mọi khi. Nhưng thay vì nguyền rủa con chó, bạn tôi chỉ vứt cho nó miếng bánh tsampa đã mang theo. Ngạc nhiên tột độ, đang sủa con chó vội ngừng để đớp lấy miếng bánh, và bắt đầu nhai, vừa tiếp tục xù lông và gầm gừ, nhưng không còn hăng hái tấn công vì đã được cho ăn.

Trò chơi nhỏ này lặp lại như thế trong nhiều ngày sau đó. Bạn tôi bước ra khỏi sân nhà, rồi con chó nhảy xổ ra, rồi ngừng sủa nửa chừng để đớp lấy miếng bánh mà bạn tôi ném cho. Sau một vài ngày, bạn tôi để ý rằng tuy vẫn gầm gừ trong lúc ăn miếng bánh tsampa, nhưng con chó đã bắt đầu vẫy đuôi. Sau một tuần lễ thì con chó không còn chồm lên sẵn sàng tấn công bạn tôi nữa, mà chạy ra mừng bạn tôi, sung sướng chờ được ăn bánh. Cuối cùng, người và vật đã thân thiết với nhau đến nỗi con chó thường lon ton lặng im chạy qua sân nhà bạn tôi và ngồi bên cạnh ông phơi nắng trong lúc ông tụng kinh hằng ngày. Bây giờ ông đã hài lòng vì có thể cầu nguyện cho hạnh phúc và sự giải thoát của tất cả chúng sinh.

Một khi ta nhận thức rằng tất cả chúng sinh – con người, thú vật, thậm chí cả côn trùng – cũng đều giống như ta, với động lực cơ bản là muốn được an ổn và tránh khỏi khổ đau, thì khi có ai làm hay nói điều gì trái ý, ta sẽ có một hiểu biết nền tảng để suy nghĩ rằng: “À, người này (hay con vật này… ) đã làm như thế bởi vì họ cũng giống như ta, cũng muốn được hạnh phúc, không muốn khổ đau. Đó là mục đích chính của họ. Họ không chủ ý muốn làm hại ta, họ chỉ làm điều mà họ nghĩ là cần thiết phải làm [để được hạnh phúc].”

Lòng bi mẫn là trí tuệ tự nhiên của trái tim. Lòng bi mẫn luôn sẵn có trong ta, đã từng như thế và cũng sẽ mãi mãi như thế. Khi lòng bi mẫn bừng dậy trong ta, ta sẽ hoàn toàn nhận hiểu được mình thực sự mạnh mẽ và an ổn biết bao!

Đức Yongey Mingyur Rinpoche
Trích trong quyển ” Sống một đời vui”