CHIA SẺ

Kinh Tứ Niệm Xứ nói về bốn lãnh vực quán niệm. Bát nhã Tâm Kinh nói về quán chiếu 5 uẩn là không. Một Kinh quan trọng của Nam Tông – Một Kinh thông dụng bên Bắc Tông. Một Kinh nói về cách thức tu tập. Một Kinh nói về triết lý cao siêu. Hai Kinh này có liên quan gì với nhau không? Mới nhìn qua ta thấy hình như khác nhau, nhưng thật ra cả hai Kinh đều nói về ngũ uẩn.

Không phải chỉ có Bát nhã Tâm Kinh nói về 5 uẩn là không, trong các Kinh điển Pali, Đức Phật đã thường nhấn mạnh tánh cách vô thường, khổ, vô ngã của 5 uẩn:

“Này chư Tỳ Kheo, ngũ uẩn là vô thường (anicca); bất luận cái gì vô thường, đó là khổ (dukkha), đó là vô ngã (anatta), không phải là “của ta”, không phải là “Ta”, không phải là “bản ngã của ta”. Vậy phải thấy nó bằng trí tuệ tuyệt hảo, đúng như thật sự nó là như vậy. Người thấy được thực tướng của nó bằng trí tuệ tuyệt hảo, tâm người ấy không cố bám vào, xa lìa phiền não, được giải thoát” (Tương ưng bộ Kinh, Samyutta Nikàya, quyển III).

Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, bốn lãnh vực quán niệm đều liên quan đến 5 uẩn:

– Niệm thân thuộc về vật chất liên quan đến Sắc uẩn.
– Niệm thọ thuộc về cảm giác liên quan đến Thọ uẩn.
– Niệm tâm thuộc về sự nhận định biết mình liên quan đến Tưởng và Hành uẩn.
– Niệm pháp thuộc về tánh cách khác biệt chủ quan liên quan đến Thức uẩn.

Có một điều khác biệt giữa hai Kinh là: trong Kinh Tứ Niệm Xứ chỉ dạy hành giả quán niệm (quán sát và ghi nhận) trực tiếp và khách quan tánh cách sanh diệt của ngũ uẩn, chứ không phải suy tưởng chúng qua một lý thuyết nào, trong khi Bát Nhã Tâm Kinh dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, điều này có thể khiến cho hành giả cố gắng tìm tòi, suy tưởng mượn những lý thuyết có thể giúp cho hành giả hiểu được tánh không của ngũ uẩn.

Kinh Tứ Niệm Xứ dạy phương pháp thực hành mà không nói nhiều về lý thuyết. Tuy nhiên nếu hành giả tinh tấn thực tập thì sẽ đích thân trực nghiệm tánh cách vô thường của ngũ uẩn, và nếu hiểu được vô thường thì tự nhiên sẽ hiểu được vô ngã. Hai danh từ vô ngã (anatta) và không (sunyatà), theo tôi nghĩ, không khác nhau là mấy. Vì Vô ngã là đứng trên phương diện một chúng sanh mà nói, còn Không là trên phương diện pháp giới mà nói.

Tóm lại Kinh Tứ Niệm Xứ chỉ dạy cách thức tu tập, dẫn đến kết quả là thấu đạt được ngũ uẩn là Không (vô ngã). Còn Bát Nhã Tâm Kinh nói về lý thuyết từ ngũ uẩn là Không trở đi (tức về tánh Không).

Người hành giả một khi thành tựu được phép quán Tứ Niệm Xứ thì tâm sẽ an nhiên tự tại không còn bám víu vào bất cứ sự vật gì trong thế gian, câu này có khác gì “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.

Vì thế, muốn thực chứng Bát Nhã, hãy nên thực hành Tứ Niệm Xứ.

Thích Trí Siêu

Trích: Thiền Tứ Niệm Xứ – Nhà xuất bản Phương Đông