CHIA SẺ

Hôm nay ngày đầu năm 1998, chúng ta cùng gặp nhau nơi đây, tại Bồ đề đạo tràng, là vùng đất linh thiêng nhiệm màu. Chúng ta phải hiểu rõ sự may mắn của mình. Ngồi đây ích lợi cho việc tu hành hơn là ở nhà cùng gia đình chào đón năm mới. Cần hiểu như vậy, đừng nghĩ tới tiệc tùng đình đám, đừng nghĩ mình nên đi chơi ở đâu, cũng không nên nghĩ mình đang mất thì giờ ở đây, lẽ ra nên làm việc gì khác. Vì thật sự là các con đang vô cùng may mắn. Ngôi chùa này mới xây, thật đẹp đẽ trang nghiêm. Ðây là thời điểm lý tưởng để chúng ta cùng cầu nguyện.

Lần thuyết giảng này, thầy sẽ nói về giáo pháp do các đại sư dòng Kadampa truyền lại liên tục không gián đoạn, cho đến đời của vị sư phụ yêu kính của thầy, truyền thọ lại cho thầy. Trước khi bắt đầu bài giảng, thầy xin nhắc lại hai việc rất quan trọng cần lưu ý, đó là phát nguyện và hồi hướng. Trước khi làm một việc gì, chúng ta phải phát nguyện để điều chỉnh động cơ hành động của mình. Khi làm xong, phải nhớ hồi hướng công đức. Hai điều này cực kỳ quan trọng, là yếu tố xác định việc làm của mình có thuận theo Phật pháp hay không. Vậy trước khi nghe pháp, các con nên nghĩ như vậy: “vì lợi ích của tất cả chúng sinh, là mẹ hiền đầy khắp không gian vô tận, con nguyện thành tựu Vô thượng Bồ đề. Vì muốn thành tựu Vô thượng Bồ đề, con xin nghe pháp, nghe rồi nỗ lực thực hành”. Phải nên phát nguyện sâu rộng như vậy.

Trong số những người ngồi đây, chắc cũng có nhiều vị không đến để tu mà chỉ để mở rộng kiến thức. Trong trường hợp như vậy nên làm gì? Xin cứ ngồi nghe, không sao cả.

Lần thuyết pháp này thầy sẽ giảng về Ba điểm tinh yếu của Phật đạo. Ba điểm này là 1. tâm cầu giải thoát, thường gọi là tâm buông xả, 2. tâm bồ đề, và 3. tuệ giác tánh Không.

Tâm cầu giải thoát chưa có thì làm gì cũng chưa phải là Phật Pháp. Tâm bồ đề chưa có thì tu gì cũng chưa phải là tu theo đại thừa. Tuệ giác trực chứng tánh Không chưa có thì chưa thể phá bỏ luân hồi. Dù là tu theo hiển tông, mật tông hay cả hai, căn bản của Phật đạo vẫn nằm ở ba điểm tinh yếu này.

Vì vậy Ba điểm tinh yếu của Phật đạo là cốt tủy của mọi công phu tu hành. Các con phải bằng trọn tấm lòng thành thật, thường xuyên tự xét xem ba điểm tinh yếu này có đã thấm nhuần trong tâm trí của mình hay chưa, nhất là tâm cầu giải thoát. Ðặc điểm phi thường của phương pháp tu của Lạt ma Tông Khách ba là lấy tâm cầu giải thoát để phát tâm bồ đề, vì chưa có được tâm cầu giải thoát thì không thể phát bồ đề tâm.

Lạt ma Tông Khách ba trong Lời Nguyện Không Lìa Chánh Pháp, có dạy rằng tâm bồ đề là ngọc quí; muốn phát tâm bồ đề, phải mau chóng thành tựu tâm cầu giải thoát, phải xả bỏ mọi ước vọng cho kiếp sống hiện tiền và mọi kiếp tái sinh về sau.

Nói cho thật đơn giản, các con thử suy nghĩ xem sắc tướng của đời sống này là như thế nào. Sẽ thấy cái gọi là sắc tướng của đời sống, thật ra chỉ là một trạng thái tâm lý đặc biệt, mong cầu thành công sự nghiệp, mong cầu tiền tài danh vọng, mong những gì người đời gọi là một cuộc sống thành công tốt đẹp. Phải biết đây chính là tâm lý cột chặt chúng ta vào cõi luân hồi. Sắc tướng của đời sống (nói cách khác, mưu cầu của chúng ta trong cuộc sống), là đối tượng cần buông xả. Làm sao để buông xả? Phương pháp buông xả được giải thích trong bài tụng Ba điểm tinh yếu của Phật đạo, như sau:

Trước hết, cần thấy rõ thân người hiếm hoi khó được như thế nào, có những tiềm năng gì, quí giá và tràn đầy ý nghĩa ra sao. Biết thân người là quí hiếm rồi, còn phải biết về nghĩa vô thường. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào; một khi lìa đời, mọi sự đều tan bay, chỉ những tiến bộ có được khi tu theo Phật Pháp mới thật sự hữu dụng. Vậy có hai điều cần phải thấy rõ: một là thân người quí hiếm, hai là đời sống vô thường. Lấy hai điều này để đảo ngược lại sắc tướng của đời sống.

Nói tóm tắt là như vậy. Ðầu tiên quán về thân người quí hiếm và đời sống vô thường, dựa vào đó để phát tâm cầu giải thoát, đảo ngược sắc tướng của đời sống luân hồi. Thử nhìn lại đời sống, trong bao nhiêu tỉ người, hỏi có mấy ai hiểu được tận tường về đời sống của mình, biết đời sống này từ đâu mà ra, thân người do đâu mà có, có khả năng làm được những gì… Không mấy ai thắc mắc, lại càng không mấy ai thấu hiểu.

Người trong cõi sống phần lớn đều chấp nhận sự việc như một lẽ đương nhiên. Ừ thì vậy, tôi là người, chỉ vậy thôi. Cuộc sống đưa đẩy thế nào, tôi xuôi theo thế  ấy.

Vậy bước đầu tiên là phải hiểu rõ tính chất tự tại và hoàn cảnh thuận tiện của kiếp làm người. Ðiều này các con nên tự nhìn vào chính mình để chiêm nghiệm cho tận tường. Con người thật sự có những khả năng gì? Cuộc sống này, thân người này, chúng ta có thể gặt hái được những gì nơi đó? Chiêm nghiệm cho thật sâu. Ðâu là khả năng tối đa con người có thể phát huy, nhờ đâu mà có được cơ hội quí hiếm như vậy, v.v…

Trước tiên, các con cần thấy rõ thân người vì không vướng tám cảnh ràng buộc nên có được tám sự tự tại. Ngoài ra, thân người còn được thêm mười cảnh thuận tiện.

Nói về tám sự tự tại, nên hiểu rằng không phải lúc nào cũng được sinh ra làm người. Sự thật là chúng ta có thể sinh vào bất cứ một cõi nào trong luân hồi. Bốn cõi khác với cõi người vì quá sướng hay quá khổ nên khó gặp Phật pháp, lại càng khó tu theo Phật pháp. Loài người sướng khổ vừa phải, không thuộc bốn cõi nói trên. Sinh ra làm người là thoát được bốn cảnh tái sinh bất lợi, nên gọi là có được bốn sự tự tại.

Trong bốn cảnh tái sinh bất lợi nói trên, có ba cõi địa ngục, quỉ đói và súc sinh, vì quá khổ nên khó lòng biết tới Phật pháp. Khi quán về các cõi tái sinh, các con đừng từ ngoài nhìn vào, mà phải tưởng tượng nếu chính mình sinh ra nơi đó, ví dụ như cõi súc sinh, thì sẽ ra sao? Có khả năng tu theo Phật Pháp hay không? Súc sinh mê muội, khả năng giới hạn, vốn không thể tự chủ đời sống, chỉ biết sống cho mình, luôn phải chịu cái gọi là khổ đau của vô minh.

Loài quỉ đói tuy không thể thấy trực tiếp, nhưng cũng có thể biết loài này luôn chịu khổ đau vì đói khát, đến nỗi tâm trí ngoài nỗi khát khao ăn uống ra không thể nghĩ đến điều gì khác. Chúng sinh cõi địa ngục thì luôn khổ đau vì nóng hay vì lạnh.

Cảnh tái sinh bất lợi thứ tư là các tầng trời. Xét về lạc thú thì cõi trời hơn xa cõi người. Nhưng chính vì quá nhiều lạc thú nên chúng sinh cõi trời mất hết nhu cầu tu theo Phật Pháp. Tương tự như khi các con xem một cuốn phim hay, tâm trí để hết vào truyện phim, miệng há to chẳng còn nhớ gì đến việc tụng chú hay ngồi thiền. Những lúc yên ổn thoải mái như vậy, tâm trí thường dễ bị lạc thú cuốn trôi đi.

Vậy nếu sinh nhằm vào bốn cảnh nói trên, có lẽ trọn đời sẽ không có cơ hội chuyển tâm, tu theo Phật pháp. Làm người thoát được bốn cảnh ràng buộc này, đó là bốn sự tự tại đầu tiên.

Bốn sự tự tại tiếp theo là thoát bốn cảnh ràng buộc trong cõi làm người. Tệ nhất là làm người mà vướng tà kiến, kiên thủ với kiến thức sai lầm, nhất là kiến thức sai lầm về Phật Pháp. Ðây là cảnh làm người tệ hại nhất, vì dù được làm người, có được tiềm năng lớn lao ngoài sức tưởng tượng, nhưng lại không thể tu để phát huy tiềm năng ấy.

Cảnh ràng buộc tiếp theo là sinh làm người nhưng lại gặp thời kỳ không có Phật Pháp. Như vậy dù muốn tu cũng không thể. Cảnh ràng buộc tiếp theo là sinh làm người nhưng đầu óc có khuyết tật, không đủ khả năng chuyển hóa tâm thức.

Các con nên xét từng điểm một, quán chiếu chiêm nghiệm cho tận tường, xem thử nếu mình sinh vào cảnh như vậy, thì sẽ ra sao. Chiêm nghiệm xong rồi, phải cảm thấy may mắn là đã thoát được những cảnh ràng buộc nói trên, khả năng và tiềm năng đều giữ được trọn vẹn, sẵn sàng trổ mầm kết trái. Cần quán chiếu như vậy, thường xuyên nhớ nghĩ. Mỗi lần ngồi thiền, chọn một cảnh để quán, cho đến khi trong tim nảy sinh cảm giác mãnh liệt thấy mình cực kỳ may mắn đã không phải sinh vào hoàn cảnh bất lợi.

Nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Biết tám sự tự tại rồi, còn phải biết thêm mười cảnh thuận tiện của kiếp người, trong đó có năm cảnh liên quan đến bản thân, năm cảnh liên quan đến môi trường xung quanh. Cảnh thuận tiện trước tiên là được làm người. Làm người có gì hay? Khác với tất cả mọi loài khác, loài người có được một loại trí tuệ cực kỳ sắc bén, có thể dùng để tu theo Phật Pháp. Nói vậy không có nghĩa các loại chúng sinh khác không có khả năng tu theo Phật Pháp, nhưng khả năng tu của loài người đặc biệt sắc bén hơn rất nhiều.

Cảnh thuận tiện thứ hai là sinh vào miền đất trung tâm. Có nhiều cách giải thích câu này. Miền đất trung tâm có thể hiểu là nơi có Phật pháp. Nơi có Phật Pháp là nơi có được một tăng đoàn, tập hợp ít nhất bốn vị xuất gia trở lên, nhờ vậy trở thành miền đất trung tâm thích hợp cho Phật Pháp phát triển. Chúng ta nằm trong trường hợp này.

Tiếp theo, giác quan được đầy đủ, không bị khiếm khuyết trở ngại việc tu hành. Muốn thấy ảnh Phật thì phải có mắt thấy được, muốn nghe giáo pháp thì phải có tai nghe được, v.v…

Thứ năm là có được những điều trên, lại không phạm năm nghiệp vô gián, như giết cha mẹ, phá hòa hợp tăng v.v… Năm nghiệp vô gián này nếu lỡ phạm sẽ đè nặng tâm thức, về sau dù gặp Phật Pháp, muốn tu theo Phật Pháp cũng gặp nhiều chướng ngại rất khó tu.

Vậy các con nói chung được nhiều sự tự tại, lại có đủ khả năng nghe, hiểu và tin vào ba kho kinh tạng Luật, Luận, Kinh. Ðây là những hoàn cảnh thuận tiện sẵn có. Các con nên quán chiếu từng điểm một, thấy ra mình có được cảnh thuận tiện nào thì phải biết vui mừng với sự may mắn của mình.

Tiếp theo là năm cảnh thuận tiện liên quan đến môi trường xung quanh, bắt đầu bằng sự may mắn được sinh ra trong đại kiếp có đức Phật xuất thế (có nhiều đại kiếp Phật không xuất thế). Không những có Phật, lại còn được Phật khai mở toàn bộ Phật đạo (có những đại kiếp Phật xuất thế nhưng vì nghiệp chướng của chúng sinh, Phật không giáo hóa). Cảnh thuận tiện thứ ba là giáo pháp Phật dạy vẫn còn liên tục cho đến ngày nay. Và cảnh thuận tiện thứ tư là hiện tại vẫn còn nhiều người tu hành, hoằng dương Phật Pháp.

Cảnh thuận tiện thứ năm là được sự đồng tình giúp đỡ của người xung quanh. Ở xã hội Tây phương Phật Pháp tương đối mới, khi tu theo Phật pháp các con có thể gặp nhiều vấn đề đến từ sự thiếu thông cảm của cha mẹ hay vợ chồng. Mới đầu có thể các con không được sự nâng đỡ của những người xung quanh, nhưng dần dần hoàn cảnh này vẫn có thể thay đổi. Vậy nói chung năm cảnh thuận tiện liên quan đến môi trường xung quanh vẫn có đủ. Chúng ta cần thấy rõ tiềm năng không thể tưởng tượng nằm trong mỗi cảnh thuận tiện. Bao giờ thấy được như vậy rồi, phải nên vui mừng.

Nói tóm lại, đời sống của các con, đời sống làm người này, cực kỳ quí giá. Có đủ mười cảnh thuận tiện, tám sự tự tại, đời sống này từ căn bản vốn không có gì trở ngại cho việc tu tập, lại gom đủ mọi yếu tố thuận lợi cho phép các con tiến nhanh trên Phật đạo. Phải hiểu rằng có được tất cả những điều nói trên là việc cực kỳ hiếm hoi, đa số chúng sinh không được như vậy. Các con nên quán niệm sâu xa về điều này, thật thường xuyên, cho đến khi cảm giác hạnh phúc vui mừng đâm chồi tỏa rễ sâu rộng trong tâm thức.

Ðặc biệt cho hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta không nên tiếc nuối nghĩ rằng mình đáng lý nên ở nhà với gia đình bạn bè, nên vui vẻ tiệc tùng chào đón năm mới. Phải nên quán về thân người quí hiếm, để thấy mình được ngồi đây hôm nay thật sự là một hạnh phúc lớn lao

Biết thân người quí hiếm rồi, tiếp theo phải biết thân người quí hiếm như vậy có thể dùng làm việc gì. Ở đây có nhiều điều đáng nói. Trước hết, nhờ tiềm năng sẵn có của con người, các con có thể chủ động toan tính, có khả năng tránh cảnh bất lợi xảy ra trong những kiếp tương lai. Các con cũng có khả năng tự giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi, phá vỡ gốc rễ khổ đau, thành tựu niết bàn. Không những vậy, các con lại còn có khả năng thành tựu Vô thượng bồ đề, hoàn thành mọi tánh đức, buông xả mọi khuyết điểm. Ðây là điều có thể thành tựu được ngay trong kiếp sống này, có thể làm được trong mỗi phút giây của cuộc sống.

Biết được mình có thể thực hiện được những gì với tiềm năng con người rồi, bước tiếp theo các con phải biết mình vốn có đủ tất cả mọi chức năng hiếm hoi này, và phải biết có đủ được như vậy không phải là chuyện dễ. Cực kỳ kiếm, là vì thân người đang có, đời sống đang sống, vốn là kết quả của những hành động đã làm trong quá khứ. Nghiệp gieo trong quá khứ, bây giờ thành quả, là thân người tự tại đầy thuận tiện này. Không nhân thì không thể có quả. Quả và nhân luôn tương ứng với nhau, vì vậy nếu quả đã là thân người với đủ mọi chức năng quý hiếm thì nhân chắc chắn cũng phải quí hiếm. Phải giữ giới nghiêm mật, từ bỏ mười việc ác. Phải nghiêm chỉnh giới hạnh, tu sáu hạnh toàn hảo. Lại phải khéo hồi hướng để công đức không bị thất thoát. Khéo tạo nhân quí hiếm như vậy mới đạt được quả quí hiếm là thân người này đây.

Muốn biết mình đến từ đâu, chỉ cần nhìn vào thân mạng và hoàn cảnh hiện tại. Muốn biết mình sẽ về đâu, chỉ cần nhìn vào tâm mình trong hiện tại. Có nhiều người tìm thầy bói để hỏi xem kiếp trước mình là ai, kiếp sau mình về  đâu. Thật là việc làm vô ích. Cần gì phải hỏi. Chỉ cần thấy hiện giờ mình đang có thân người quí hiếm, bấy nhiêu cũng đủ chứng minh trong quá khứ mình đã từng dày công gom góp nhân lành duyên lành, nhờ vậy mới có được quả lành này. Nếu muốn biết kiếp sau mình đi đâu, chỉ cần nhìn xem tâm mình hiện giờ có đang gom góp nhân duyên để dẫn đến mục tiêu mình muốn đến hay không. Cả việc giữ giới cũng là điều khó làm, hưởng được quả lành của việc giữ giới là điều hiếm có. Vì vậy mà biết có được những gì mình đang có đây, thật không phải việc tầm thường.

Thân người tự tại không dễ có. Bất cứ mọi kinh nghiệm xảy ra trong đời sống đều đến từ nghiệp đã gieo trong quá khứ chứ không phải chuyện tình cờ. Vì vậy có được thân người như hôm nay có thể nói là việc cực kỳ khó khăn.

Chúng ta cần tận dụng kiếp người này, tận dụng tiềm năng mình đang có, vì chắc chắn là chúng ta sẽ chết, sẽ phải từ bỏ đời sống hiện tại. Ðây là điều sẽ xảy đến cho tất cả mọi người, thầy không cần phải giải thích dông dài làm gì. Cái chết là điều đương nhiên sẽ đến. Vấn đề chỉ là không thể biết chắc khi nào mình sẽ chết. Ðây là chuyện hiển nhiên. Khi cái chết đến, điều duy nhất đáng nói là Phật pháp đã tu được bao nhiêu, tâm đã tiến bộ được bao nhiêu. Ngoài ra không có gì có thể mang theo.

Hãy quán niệm như vậy. Thấy rõ hoàn cảnh tự tại và thuận tiện của kiếp làm người, nhờ đó hiểu được giá trị vĩ đại của đời sống mình đang có. Lại biết đời sống này không kéo dài vĩnh viễn, sẵn sàng chấm dứt bất cứ lúc nào. Khi chấm dứt rồi, việc duy nhất đáng kể chỉ là những tiến bộ tâm thức. Cứ quán như vậy, sẽ thấy mọi ước mơ khát vọng, mọi dựng xây mong đợi, thật ra chỉ là sắc tướng của đời sống này. Sắc tướng của đời sống là điều đầu tiên cần buông xả, và buông xả được là nhờ noi theo phương pháp nói trên.

Sắc tướng của đời sống tương lai có nghĩa là mong cầu một kiếp tương lai thành công mỹ mãn, được sinh làm người, khỏi đọa ác đạo. Ngang đây, các con cần chiêm nghiệm về mối tương quan giữa hành động và nghiệp quả, thấy rằng hành động một khi đã làm, sẽ mang đến hậu quả cho chính mình trong tương lai, có khi là trong tương lai rất xa. Phật Pháp dành hẳn một phần để giải thích về nhân quả, về cái thường gọi là nghiệp.

Ngoài ra cũng cần hiểu về các nỗi khổ trong luân hồi, như khổ đau của loài người, hay của những loài không phải người. Sinh, già, bịnh, chết, là khổ. Bất luận sinh vào cõi nào trong luân hồi, hễ đã từ nghiệp và phiền não mà sinh ra, đời sống này ngay từ căn bản đã phải là khổ. Suy nghĩ như vậy rồi phải khởi ý muốn giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi. Ðây là cái gọi là tâm cầu giải thoát, là tâm buông xả.

Phải suy nghĩ cho tận tường về các nỗi khổ trong luân hồi, về nỗi bất hạnh khi phải trôi lăn trong sinh tử, để hiểu sâu xa rằng mọi điều gọi là hạnh phúc trần gian thật ra vẫn mang tính chất của khổ đau, vì loại hạnh phúc này không bền. Từ đó mà khởi tâm mãnh liệt muốn buông xả cảnh luân hồi, thôi thúc trong tim niềm khao khát muốn tức thì vượt thoát sinh tử.

Bao giờ mỗi ngày liên tục 24 tiếng đồng hồ tâm trí của các con chỉ hướng về giải thoát sinh tử, không đặt tâm ở bất cứ việc gì khác, khi ấy có thể nói là đã có được tâm cầu giải thoát. Phải liên tục tư duy quán niệm về vấn đề này, cần hiểu rằng dù ta thấy luân hồi tốt lành toàn hảo đến đâu chăng nữa, tính chất thật sự của luân hồi vẫn là khổ đau. Ðây là điều cần mang hết sức lực khả năng của mình ra để tư duy quán niệm, cho đến khi chuyển được tâm vui sinh tử thành tâm cầu giải thoát.

Đức Ribur Rinpoche