CHIA SẺ

Đoạn kế tiếp của quyển “Treasury of Knowledge” là duyệt lại các loại định và tuệ khác nhau. Bắt đầu với định. Có loại định của thiền phổ thông và có định đặc thù của Kim Cang thừa. Định của phương pháp kinh điển gồm có thiền chỉ về chín loại thiền không hứng thú như sự đối trị cho ham muốn; thiền về tình thương và tâm từ bi như một cách đối trị cho giận hờn, và thiền hơi thở như một pháp đối trị cho quá nhiều vọng tưởng. Định của Kim Cang thừa áp dụng một vài phương pháp. Kim Cang thừa tốt hơn vì có nhiều pháp môn khác nhau khiến cho đạo lộ được thuận lợi hơn trong sự hành thiền. Vậy có vài pháp môn bất đồng như thiền quán về tình thương, bạn có thể dùng nó để phát lòng mong cầu cho chúng sanh được hạnh phúc. Nếu chúng sanh không được hạnh phúc, bạn mong cho họ có thể có được hạnh phúc và có thể có điều kiện mang đến hạnh phúc. Đây là thiền quán về tình thương, nó hướng thẳng đến tất cả chúng sanh. Qua thiền quán về tình thương, bạn phát tâm và gia tăng thiền chỉ của bạn, và chính nó gia tăng thiền quán của bạn về tình thương. Rồi bạn quán tưởng về những người đau khổ và mong cầu cho họ thoát khỏi khổ đau và nhân khổ. Thiền quán về tâm từ bi gia tăng sự tu tập của bạn và nhờ đó tâm từ bi cũng gia tăng. Theo cách này, tình thương phát triển và tâm từ bi gia tăng đồng lúc với sự vững chãi và an định của tâm.

Phương pháp để phát sanh tình thương và tâm từ bi là, trước tiên quán tưởng về ta và người đều bình đẳng. Bạn nghĩ rằng mọi việc bạn kinh qua là vui đẹp vừa ý thì người khác cũng thích như thế. Nếu bạn gặp những việc bạn không thích, thì kẻ khác cũng thế. Bạn suy ngẫm về vấn đề này và nhận thức sự giống nhau giữa ta và người. Kế bạn quán tưởng về sự yêu mến người khác hơn bạn. Có một vài hành động bạn thi hành cho mình, nếu bạn làm thế cho người khác thay vì cho riêng mình, thì lợi ích rất lớn. Vậy thì người khác quan trọng hơn chính bạn. Sau cùng, có một phương pháp thay đổi mình và người, như cho và nhận (tonglen). Qua pháp thực hành này, tâm cấu nhiễm của bạn giảm dần và tình thương, lòng từ bi đối với người gia tăng và định lực của tâm bạn thêm vững mạnh.

Cũng có pháp thực hành của Kim Cang thừa được áp dụng trong truyền thống Mũ Vàng (Kagyu) thở nhẹ nhàng ba cấp. Hơi thở bình thường có thở ra và thở vào. Trong phương pháp thở này bạn đếm hởi thở ra và thở vào để phát triển sự an định của tâm. Quyển “Treasury of Knowledge” đề cập đến hơi thở vào và hơi thở ra, và sự dừng lại giữa hai hơi thở này khi hơi thở còn trong thân. Đây là pháp, “hơi thở nhẹ nhàng được thực hành theo ba cấp” của Ngài Gampopa. Phương pháp này không phải “vase breathing”, nó mạnh hơn và cường độ mãnh liệt hơn, một phương pháp quá mạnh đối với người sơ cơ. Trong phương pháp của Ngài Gampopa, trước tiên là hơi thở vào, rồi hơi thở được dừng lại ở vùng bụng dưới một chút, (nơi huyệt đan điền) và rồi thở ra, chia làm ba giai đoạn. Lý do giữ hơi thở lại là theo hơi thở bình thường được thở ở trình độ miệng nên hơi thở không tỏa ra khắp châu thân. Do đó, nếu bạn giữ hơi thở lại, thì gió sẽ tỏa ra khắp châu thân. Nếu bạn giữ hơi thở ở cấp độ ngang trong lồng ngực, hơi gió không tỏa khắp châu thân. Nếu bạn giữ hơi thở lại ở vùng bụng dưới, hơi gió sẽ tỏa ra khắp thân.

Nếu bạn chỉ thiền quán về hơi thở vào và thở ra không, thì có thể bị xao lãng và quên đi sự hành trì. Nếu bạn thiền quán về hơi thở vào, rồi giữ hơi thở lại, và thở ra, thì, nếu bạn mất đi sự tỉnh giác, bạn sẽ quên giữ hơi thở lại, thì chắc chắn rõ ràng bạn đã quên đi sự trực nhận của bạn. Vậy thì thiền quán về hơi thở ba cấp có lợi ích hơn nhiều để triển khai sự an định của tâm hơn là chỉ quán tưởng về hơi thở ra và vào. Phương pháp thứ nhất đặc biệt của Kim Cang thừa là pháp môn Pratyahara liên quan đến sự chặt thủng khách thể của tâm. Có sáu chướng duyên chánh trong thiền chỉ. Đó là hôn trầm, trạo cữ, giận dữ, hối hận, nghi ngờ, và luyến ái. Bạn phải nhận rõ từng mỗi chướng duyên này. Trong thiền quán bạn phải tỉ mỉ nghiên cứu mỗi chướng duyên riêng. Bạn có thể nghĩ, thí dụ, “tôi cảm thấy rất hối hận. Đây là chướng ngại tôi phải dùng pháp đối trị nó”. Nên chọn một chướng duyên cá biệt nào hay vọng tưởng nào để đối trị thì dễ hơn là đối trị với tất cả vọng khi chúng xuất hiện. Đây gọi là “hủy diệt từng cá nhân” vì cá nhân chỉ cho chướng duyên cá biệt được hủy diệt.

Pháp thực hành định thứ hai của Kim Cang thừa gọi là sự trống vắng cấu trúc của đường kinh mạch (nadi). Có ba đường kinh mạch chánh trong thân – đường kinh mạch trung tâm (avaduti), đường kinh mạch trái (lolana), và đường kinh mạch phải (rasana). Trong pháp hành trì này bạn quán tưởng vào ba đường kinh mạch này và các luân xa (chakras).

Pháp thứ ba là thực hành phong đại vi tế trong thân (vayus). Bạn thiền quán về các đường kinh mạch vi tế và bạn quán tưởng về phong đại vi tế chảy vào trong các đường kinh mạch này. Có các cách thực hành khác nhau. Có loại thực hành gia tăng tuổi thọ, có pháp thực hành khiến thân cảm thấy hỷ lạc và có pháp thực hành để gia tăng trí tuệ, vv… Và có pháp thực hành về các giọt tinh túy vi tế (bindus) khiến cho các giọt này thấm vào thân, tạo nên sự hỷ lạc cho thân và kinh nghiệm sự kết hợp của hỷ lạc cùng tánh không.

Trong sự giáo huấn của Kim Cang thừa cũng có một pháp quán tưởng về các vị deties. Đôi khi bạn hình dung vị yidam trên đầu hay tưởng tượng mình chính là vị yidam. Đôi lúc bạn muốn rõ nét hơn, bạn quán tưởng các mẫu tự của thần chú, đôi lúc to và đôi lúc nhỏ, tất cả đều để cho tâm bạn được an định. Qua sự hình dung này bạn có thể loại trừ những hình bóng bất tịnh của hiện tượng và phát sanh những hình bóng thanh tịnh. Bằng cách cung thỉnh các vị deties trí tuệ để nhận sự gia trì. Thực hành quán tưởng là một pháp môn đặc thù để khai triển sự an định cho tâm và giữ sự quân bình không thẳng quá cũng không lỏng quá. Bạn chỉ cần trú tâm trong trạng thái tự nhiên. Nói chung, giai đoạn quán tưởng của sự tu tập như là một phương pháp để phát triển định lực. Vài người tu tập quán tưởng với hy vọng có được một tầm nhìn sáng suốt. Khi không xảy ra thì họ lại nản chí và từ bỏ. Đây không phải mục đích để có tầm nhìn sáng suốt, mà để thiền quán về bản thể của vị deties để bạn có sự an định cho tâm. Khi bạn bị phóng tâm, thì bạn sẽ quên vị deties và trực nhận ra ngay. Vì thế, hình dung là một ý nghĩa đặc biệt để tâm được an định và sự nhận thức sắc bén hơn.

Thỉnh thoảng khi hình dung vị deties hay thiền quán về hơi thở có chút mệt mỏi, thì chúng ta có thể trì chú. Trì chú có thể có âm thanh hay trong im lặng. Khi trì chú trong im lặng để người chung quanh không nghe tiếng. Theo truyền thống thì có nghĩa là chúng ta trì làm sao cho âm thanh chỉ đến cổ áo thôi. Khi trì chú thì chúng ta nên để ý tới mỗi từ của câu chú để tâm chú ý tới những từ này. Nếu câu chú là: OM MANI PEME HUNG, chúng ta không chỉ trì mà không đế ý đến, mà trì rất mau, để người khác có thể vừa nghe, giữ cho tâm để ý đến âm thanh câu chú không được phóng ra ngoài. Có một cách niệm chú âm thầm không dùng âm thanh. Chúng ta dùng chuỗi để đếm và niệm thầm trong tâm. Thường thì chúng ta niệm trăm sâu chuỗi, do vì lần chuỗi nên không bị phóng tâm. Như thế, tâm rất ổn định và khiến cho tâm thuần thục trở nên trong sáng hơn.

Tóm lại, có rất nhiều phương pháp, tất cả đều với ý nghĩa khai mở trí tuệ siêu việt.

Có rất nhiều phương pháp đạt trí tuệ và các pháp môn này được truyền cho tùy thuộc vào khả năng từng cá nhân và căn cơ của họ. Một vài phương pháp cho người có lòng tin sâu mạnh, có phương pháp cho người thông minh khá, vv…Vì thế bạn không cần phải thực tập tất cả như đã mô tả trên, mà chỉ thực tập tùy theo căn cơ và khả năng mình. Thực tập định để tâm an vững và như thế bạn sẽ phát triển trí tuệ. Nếu tâm đã vững và an trú trong trạng thái tự nhiên, bạn có thể áp dụng sự hiểu biết sắc bén để phân tách và nghiên cứu văn bản và hiểu biết ý nghĩa từng chữ trong văn bản. Vậy với tâm an định, bạn có thể nghiệm xét và thông hiểu những gì bạn để tâm vào, để sự tu tập thiền định của bạn trở thành tuệ quán.

Đôi khi thiền quán được tu tập riêng và đôi khi thiền vô quán được thực tập riêng, và đôi khi chúng được tu tập xen lẫn. Nếu thực tập đúng, cả hai pháp đều có thể khai mở định và tuệ. Về mục tiêu thì chúng đều giống nhau, còn về đạo lộ, thì dù sao, có một chút khác nhau gìữa hai pháp môn.

GIAI TẦNG VÀ KẾT QUẢ CỦA THIỀN

Văn bản cho thêm một lời giải thích về ba giai tầng khác nhau của thiền. Thứ nhất là phàm phu thiền được gọi là “Kinh nghiệm của người chưa trưởng thành.” Về sự hành trì, người ở giai đoạn này có thể nhận ra sau khi tâm đi hoang một lúc mới có thể kéo tâm trở về nhà. Qua cách này, có một vài kinh nghiệm xảy ra. Giai đoạn hai là của các vị Bồ-tát gọi là “ý nghĩa khác biệt của thiền quán”. Trong trạng thái thiền quán này, sự thẩm thấu về bản thể hiện tượng như lý nhân duyên sanh, ảo tưởng bản chất các hiện tượng, vv… và trí tuệ phát sanh ngày càng nhiều. Giai đoạn ba là “Giai tầng tối hậu của chư Phật” là đã trực nhận rõ bản thể vạn pháp, được biết đến là bản thể thanh tịnh nguyên nguyên. Trí tuệ này không phải mới, mà là sự trực nhận xảy ra hoàn toàn không nỗ lực. Vậy đây là ba loại thiền có liên quan đến “như như”, chân bản thể của hiện tượng.

Quyển “Treasury of Knowledge” không mô tả các kinh nghiệm có được từ thiền quán, vậy nên tôi sẽ tiếp ứng những điều tôi nghĩ về đề tài này như lời tổng kết.

Kết quả của sự thực tập thiền quán là sự trực nhận và kinh nghiệm. Kinh nghiệm thiền quán chỉ tạm thời và đến rất nhanh. Sự trực nhận này, dù sao, là sự thành tựu qua nhiều giai đoạn từ từ của thiền nên nó dài lâu hơn. Bạn cần phải nổ lực tinh tấn để đạt trực giác và bạn không nên quyến luyến đến kinh nghiệm của thiền dù nó tốt hay xấu. Nếu bạn có kinh nghiệm tốt bạn chỉ nên nghĩ đó là những biểu lộ của tâm đừng lấy đó làm mừng. Nếu bạn có sự bám víu vào kinh nghiệm của thiền thì bạn sẽ phát sanh lòng kiêu mạn sẽ làm chướng ngại cho sự thực tập của bạn sau này. Nếu bạn có một kinh nghiệm xấu thì cũng đừng lấy đó làm lo, nó cũng chỉ là biểu lộ của tâm.

Những kinh nghiệm khác nhau của thiền đều do những đường kinh mạch vi tế khác nhau. Vài người có kinh nghiệm ngay, người khác thì không có cho đến khi họ đã được vững chắc. Không có gì vui mừng với kinh nghiệm tốt hay nghỉ rằng mình không đi đến đâu vì minh không có kinh nghiệm nào. Và cũng đừng nghĩ rằng mình có vấn đề gì khi không có kinh nghiệm xảy ra. Không có gì phải vui hay buồn vì kinh nghiệm trong thiền quán chỉ là do tâm tạo, vì những đường kinh mạch khác nhau và không phải do thiền quán.

Có ba loại kinh nghiệm thiền quán: hỷ lạc, trong sáng, và vắng bóng tư tưởng. Hỷ lạc xảy ra khi bạn đang ngồi thiền và cảm thấy vui vẻ và có cảm giác toàn thân vui thích. Nếu điều này xảy ra, bạn không nên bám vào đó hay cho đó là điều tốt cho thiền. Bạn chỉ nên quên nó đi và tiếp tục thiền. Có một sự trực nhận rõ ràng trong đó bạn thấy mọi vật và biết mọi thứ với kinh nghiệm trong sáng và đây cũng chỉ là do tâm tạo. Bạn không nên cho đó là chân thiền, không nên luyến ái hay để bị lôi cuốn vào kinh nghiệm này. Khi bạn kinh nghiệm sự trống vắng tư tưởng, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang đạt trạng thái hoàn toàn vững chắc của thiền. Bạn không nên dừng lại, mà nên cứ tiếp tục với sự hành trì của mình.

Khi bạn đang tu luyện và không có chướng ngại gì lớn, thì rất dễ cho chướng ngại bên trong xảy đến, vì bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn có một sự hành trì tốt và cảm thấy tự hào. Sự tự hào chính nó là chướng duyên cho sự tu tập của bạn. Ở Tây Tạng có câu rằng “Một khối cứng tự hào thì nước của năng lực tích cực không thể chảy”. Có nghĩa là khi bạn trở nên tự kiêu thì giống như một khối cứng và nó sẽ trở thành một chướng duyên. Thay vào đó, bạn nên có lòng khiêm tốn, lòng tin, tận tụy cùng giáo pháp. Vì ngã mạn là một đại chướng duyên, bạn nên tự kiểm điểm coi mình có tự cao hay không.

Thế ngồi trong thiền quán rất là quan trọng. Không cần thiết ngồi kiết già, nhưng rất là quan trọng để thân phải thật thẳng. Ngồi thẳng lưng rất quan trọng dù chỉ trì chú, quán tưởng, hay thực tập thiền quán. Ngồi lưng thật thẳng mới có thể có sự tĩnh giác, trực nhận, và chăm chú vào sự hành trì cho phong đại chảy vào các đường kinh mạch vi tế đúng cách.

Chúng ta cũng cần một sự tinh tấn dõng mãnh như mặc áo giáp tinh tấn. Giống như áo giáp vì khi chúng ta mặc áo giáp chúng ta có sự can đảm mạnh. Lý do để có sự tinh tấn này là vì trong Kim Cang thừa dạy cách để đạt quả Phật trong đời này, và khi nghe thế người ta cho rằng sẽ đạt mục tiêu sớm. Nhưng khi không như ý thì họ mất niềm tin. Vì thế chúng ta cần một sự tinh tấn mạnh mà không mong cầu đạt kết quả sớm vì trước tiên chúng ta cần loại trừ tất cả tâm cấu nhiễm mà chúng ta đã tích trữ từ vô thỉ. Và rồi chúng ta phải tích tụ tất cả năng lực tốt, trí tuệ, v.v… để đạt quả vị Phật. Muốn đạt tất cả khả năng tích cực và loại trừ tất cả khả năng tiêu cực cấu nhiễm, chúng ta cần sức mạnh của đại tinh tấn. Vì thế, chúng ta không nên nghĩ là sẽ đạt kết quả sớm trong sự hành trì. Chúng ta có thể thành công trong cuộc sống này trong Kim cang thừa, nhưng chúng ta cần phải có một nỗ lực lớn, một tinh tấn dũng mãnh giống như Ngài Milarepa, cái mà rất khó cho tất cả chúng ta dù có muốn cũng không thể ráng sức.

Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt quả Phật nếu như chúng ta cố gắng tinh tấn dõng mãnh như Ngài Milarepa và không có gì xảy ra, chỉ cần thực tập mỗi ngày một chút. Chúng ta có thể nghĩ “Tôi không có sự tinh tấn như Ngài Milarepa, vì thế tôi không thể đạt kết quả gì”. Chúng ta không nên tin rằng không có sự tinh tấn thì dù có tu tập hay không cũng không gì khác biệt. Đức Phật cho biết dù chúng ta có tu tập, một chút cũng là tốt. Thí dụ, nếu chúng ta nghĩ tới sự tu hành hay dự tính đi tới một nơi nào đó, dù rằng mới nghĩ nhưng chưa kịp đi, cũng sẽ có kết quả tốt. Giống thế, kết quả sẽ đến dù chỉ là ý nghĩ tới sự tu tập trong tương lai. Nói chung, dù chỉ bước vài bước tới con đường tu tập, thì theo lời đức Phật, nó sẽ mang đến kết quả tốt đẹp lợi ích. Vì thế, sự hành trì của chúng rất lợi lạc và chúng ta không nên cho nó không có điểm tốt hay không mục tiêu vì chúng ta không có sự tinh tấn như Ngài Milarepa.

Rất quan trọng để chúng ta tiếp tục không gián đoạn với sự thiền quán của chúng ta tốt hơn là tinh tấn thật dõng mãnh trong một giai đoạn và rồi bỏ dở vì không có kết quả. Loại tinh tấn này gọi là không lay chuyển, thường tinh tấn có thể khiến chúng ta luôn luôn duy trì sự tu tập của mình. Chúng ta cần sự tinh tấn này. Rất quan trọng để chúng ta có cả hai, sự tinh tấn này và không có một chút bám víu nào vào những kinh nghiệm thiền quán cả./.

Khenchen Thrangu Rinpoche
Thích Nữ Trí Hòa Việt dịch