CHIA SẺ

Đức Phật – Bậc toàn giác, Bậc Ứng cúng đã bát niết bàn (Parinibbāna) giữa hai cây Sāla trong rừng Sāla, tại nơi mai táng cho người Malla thuộc xứ Kusināra. Kể từ đó, các chúng sinh trên thế giới này không còn cơ hội được nghe Giáo lý được giảng trực tiếp từ Ngài nữa. Tuy nhiên Đức Phật đã để lại Giáo pháp (Dhamma) và Giới luật (Vinaya) mà Ngài đã thuyết giảng làm vị thầy của chúng ta và đại diện cho Ngài sau khi nhập diệt[1].

Mức độ tôn kính mà mỗi người Phật tử dành cho Giáo pháp vi diệu của Đức Phật cũng tương ứng với mức độ kiến thức và hiểu biết về Giáo pháp và Giới luật của họ. Nếu như ai đó có được chiêm ngưỡng dung nhan hiển lộ sự hoàn mỹ của Đức Phật, được lắng nghe Giáo pháp trực tiếp từ Ngài, được chạm vào nẹp y của Ngài và đi sau Ngài từng bước nhưng không hiểu Giáo pháp thì người ấy cũng không thấy được Đức Phật. Những ai thấy và hiểu được Giáo pháp thì người ấy được gọi là người thấy Như Lai[2].

Có ba mức độ hiểu biết về Giáo lý của Đức Phật, tức là Giáo pháp mà Bậc toàn giác đã dạy, đó là:

  • Pariyatti (Pháp học): là mức độ lý thuyết của Giáo pháp và Giới luật.
  • Paṭipatti (Pháp hành): là mức độ thực hành; sự phát triển hiểu biết về Giáo lý với mục đích để đạt được giác ngộ qua đó phiền não sẽ được tận diệt và khổ sẽ được chấm dứt.
  • Paṭivedha (Pháp thành): là sự xuyên thấu và chứng ngộ trực tiếp Giáo lý qua đó các phiền não sẽ được tận diệt và khổ đau chấm dứt.

Câu nói của Đức Phật rằng “Ai thấy Pháp là thấy Như Lai” là nói đến việc thấy và chứng ngộ Giáo lý mà Đức Phật đã đạt được ở thời điểm Ngài giác ngộ. Đó chính là Pháp bao gồm chín pháp siêu thế (lokuttara dhamma)[3]. Sự chứng ngộ trực tiếp ở mức độ pháp thành (paṭivedha) là kết quả của sự thực hành – paṭipatti, cũng là sự phát triển hiểu biết về Giáo pháp. Mức độ của paṭipatti (pháp hành) lại phụ thuộc vào pariyatti (pháp học), là sự nghiên cứu về Giáo pháp và Giới luật. Việc nghiên cứu này là nơi mà chúng ta nương nhờ, đó chính là con đường dẫn từng bước tới Giáo pháp ở mức độ pháp hành (paṭipatti) và sau đó đến mức độ pháp thành (paṭivedha).

Giáo pháp của Đức Phât đã được gìn giữ bằng trí nhớ và lưu truyền nhờ truyền thống tụng đọc. Nó đã được tụng đọc theo sự ghi nhớ những gì được nghe từ các bậc A la hán đệ tử, những người đã thiết lập ba phần của Giáo lý được gọi là Tam Tạng (Tipiṭaka) tại kì kết tập Tam Tạng lần thứ nhất được tổ chức sau khi Đức Phật nhập diệt tại Rājagaha. Giáo pháp đã được tụng đọc bằng trí nhớ và lưu truyền như vậy cho đến khi nó được lưu thành văn bản vào thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên. Pháp và Luật được quy tụ bởi các vị A la hán đệ tử ở kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất bao gồm ba phần, đó là:

  • Tạng Luật (Vinaya Piṭaka)
  • Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka)
  • Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka)

Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) chứa đựng những quy tắc ứng xử cho các vị tỳ kheo để họ có thể sống cuộc đời phạm hạnh (brahmacariya[4]) hoàn hảo đến mức độ cao nhất. Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka)bao gồm những nguyên lý của Giáo pháp được thuyết giảng cho những người khác nhau ở những nơi khác nhau. Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) nói đến bản chất của các pháp, về thực tại và các mối duyên hệ giữa nhân và quả của chúng.

Đức Phật đã chứng ngộ được bản chất thật của tất cả các thực tại và những mối duyên hệ nhân quả giữa chúng. Đức Phật đã giảng Pháp mà Ngài đã chứng ngộ để giúp các chúng sinh khác trong thế giới này. Với trí tuệ vô song, sự thanh cao và lòng từ vô hạn, Ngài đã giảng Pháp từ khi đạt giác ngộ cho đến khi nhập niết bàn. Đức Phật đã vun bồi các ba la mật để có thể trở thành Bậc Toàn giác, Bậc A la hán, Bậc chánh đẳng giác[5]. Ngài đã có được những thành tựu tuyệt hảo (sampadā)[6], đó là “thành tựu về nhân (hetu)”, “thành tựu về quả (phala)” và “thành tựu về khả năng cứu độ chúng sinh (sattupakāra)[7]”.

“Thành tựu về nhân” là sự thành tựu về các nguyên nhân đúng, tức là các ba la mật cần thiết để có thể giác ngộ và trở thành một vị Phật toàn giác. “Thành tựu về quả” là sự chứng đạt của bốn quả, hay kết quả, như sau:

  1. Thành tựu về trí tuệ (ñāṇa sampadā). Đó là trí tuệ sinh khởi cùng với tâm đạo tại thời điểm giác ngộ[8]. Trí tuệ này là nền tảng và nguyên nhân sâu xa của sự toàn giác và của thập lực[9](dasa bala) của Ngài.
  2. Thành tựu về sự xả ly (pahānasampadā). Đó là sự tận diệt hoàn toàn tất cả các phiền não cùng với những xu hướng ngủ ngầm hay những tiền khiên tật (vāsanā). Tiền khiên tật được thể hiện qua thân và khẩu, nó có thể khó coi hay khó nghe và được tích lũy từ nhiều kiếp. Sự đoạn trừ các loại tiền khiên tật này chỉ có được ở một vị Phật toàn giác[10].
  3. Thành tựu về năng lực (ānubhāva sampadā). Đó là khả năng để đạt được cái mình muốn có.
  4. Thành tựu về sắc thân (rūpakāya sampadā). Bao gồm những đặc tính trên thân hiển lộ các phẩm chất cao thượng mà Ngài đã tích lũy trong các tiền kiếp[11]. Ngoài ra những đặc tính ấy rất dễ nhìn, khiến người ta ấn tượng và mang đến cho họ niềm hoan hỷ.

Khi nguyên nhân, tức là sự thành tựu về các ba la mật, đã được hoàn mãn, nó sẽ làm duyên cho sự thành tựu về quả, cho sự giác ngộ và trở thành một vị Phật Chánh đẳng giác (Sammāsambuddha). Ngài đã trở thành vị Phật Chánh đẳng giác và chấm dứt khổ đau nội tại của vòng sinh tử luân hồi không phải cho bản thân. Ngài đã bồi bổ các ba la mật để có thể đạt được giác ngộ và chứng quả chánh biến tri để có thể dạy Giáo pháp cho các chúng sinh trên thế giới này, để họ cũng được thoát khổ. Nếu như Đức Phật đã bồi bổ các ba la mật chỉ để tận diệt phiền não và thoát khổ cho bản thân mình thì Ngài đã không được gọi là Đức Phật Chánh  đẳng giác  (hay Toàn giác)

Có hai loại Phật: Phật Toàn giác (Sammāsambuddha) và Phật độc giác (Pacceka Buddha)[12].

Một vị Phật toàn giác  là người đã tự mình chứng ngộ bởi trí tuệ sâu sắc của bản thân, thấy được sự thực về các pháp chưa từng được nghe và đã chứng được chánh biến tri về các pháp đó, cũng như những năng lực thần thông.

Một vị Phật độc giác (Pacceka Buddha) là người cũng tự mình đạt được chân lý về tất cả các pháp mà Ngài chưa từng được nghe, nhưng không đạt được chánh biến tri cùng các thần thông.

Như vậy, nhân, tức là sự vun bồi đầy đủ các ba la mật, mang đến quả là việc đạt được Phật quả một cách tương ứng. Nhân và quả khác nhau giữa trường hợp của vị Phật độc giác và vị Phật toàn giác.

Thành tựu thứ ba của một vị Phật liên quan tới khả năng cứu độ chúng sinh (sattupākara). Đó là sự thành tựu về việc luôn luôn trợ giúp cho các chúng sanh của thế giới này bởi khả năng và nỗ lực của Ngài cho việc ấy. Ngài muốn giúp đỡ cả những người xấu như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta)[13]. Trong trường hợp những người tuệ căn chưa đủ mạnh, Đức Phật đợi đến thời gian chín muồi để có thể day dỗ họ. Ngài day Giáo pháp với mục đích duy nhất là giúp mọi người thoát khổ, không chút mong muốn mang lại danh dự hay của cải nào cho bản thân.

Khi Đức Phật Toàn giác đã hoàn thành những thành tựu về nhân và thành tựu về quả, Ngài sẵn sàng giúp đỡ những người có thể tiếp nhận Giáo lý của Ngài để thoát khổ và đó là thành tựu về sự cứu độ chúng sinh. Vì vậy, Ngài là bậc Toàn giác bởi Ngài đã thành tựu cả ba loại thành tựu về nhân, về quả, về sự cứu độ chúng sinh.

Chính vì thế, Giáo pháp mà Đức Phật Toàn giác thuyết giảng là Giáo pháp mà Ngài đã xuyên thấu khi đạt được giác ngộ. Với sự giác ngộ, tất cả các phiền não được đoạn diệt. Đức Phật dậy Giáo pháp mà Ngài đã tự mình giác ngộ để những ai thực hành đúng đắn cũng có thể thoát khỏi phiền não.

Những người đệ tử Phật cần phải thẩm xét và nghiên cứu chân lý của Giáo pháp mà Đức Phật đã giác ngộ để tìm ra sự thật chính xác là gì. Sự thật mà Đức Phật đã chứng ngộ khác như thế nào với sự thật của thế giới quy ước?

Đức Phật đã chứng ngộ chân lý thông qua sự giác ngộ của mình và thuyết giảng cho các đệ tử để họ cũng có được hiểu biết và thực hành Giáo pháp một cách đúng đắn cho đến khi họ cùng chứng ngộ. Sự thật mà Đức Phật đã thuyết giảng là: tất cả những gì sinh khởi chỉ là pháp – dhamma[14], là thực tại không phải là ngã, không phải là một chúng sinh hay con người. Tất cả các pháp đều sinh khởi bởi có các duyên cho chúng sinh khởi, chẳng hạn như tham, sân, trạo hối, cảm thọ ưu, cảm thọ hỷ, sự ghen tuông, sự bủn xỉn, lòng từ bi, cái thấy, cái nghe, v.v…Tất cả những thứ đó đều là các loại pháp khác nhau. Có các loại pháp khác nhau là vì chúng sinh khởi bởi những duyên khác nhau.

Chúng ta nhầm lẫn cho rằng tham, sân và các pháp khác sinh khởi là ta, là chúng sinh, là con người, và đó chính là tà kiến, là hiểu biết sai lầm. Đó là tà kiến bởi lẽ những pháp ấy sau khi sinh khởi thì lại diệt đi, biến mất, chúng đều có tính chất luôn thay đổi từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Lý do khiến chúng ta cho đó là ta, là tự ngã, là chúng sinh, là con người chính là vô minh về thực tại, về các pháp.

Bất cứ khi nào thấy, ta lại cho cái thấy mà về bản chất chỉ là một thực tại ấy là ta, ta dính mắc vào ý niệm “tôi thấy”. Khi nghe, ta cho rằng pháp (dhamma) đang nghe là ta, ta dính mắc vào ý niệm “tôi nghe”. Khi ngửi, ta cho rằng pháp ngửi đó là ta và ta lại dính mắc vào ý niệm “tôi ngửi”. Khi nếm, ta cũng cho rằng pháp nếm đó là ta, ta dính mắc vào ý niệm “tôi nếm”. Khi kinh nghiệm đối tượng xúc chạm qua thân căn, ta cho rằng pháp kinh nghiệm đó là ta, ta dính mắc vào ý niệm “tôi kinh nghiệm”. Khi ta nghĩ về các chủ đề khác nhau, ta cho rằng pháp suy nghĩ đó là ta, ta dính mắc vào ý niệm “tôi nghĩ”.

Sau khi Đức Phật đã giác ngộ sự thật về tất cả các pháp, Ngài đã dạy chân lý ấy cho các đệ tử của mình để họ có thể hiểu rằng các pháp là vô ngã, không phải là chúng sinh, không phải là con người. Ngài dạy về pháp chân đế (paramattha dhamma), mỗi pháp đều có một đặc tính riêng không thể thay đổi. Đặc tính của các pháp chân đế không thể được thay đổi bởi bất kỳ ai, dù người ấy có biết về chúng hay không, dù người ấy gọi chúng bằng tên gọi theo bất kỳ một ngôn ngữ nào, hay không gọi tên chúng đi nữa thì đặc tính của chúng vẫn luôn luôn như vậy. Pháp sinh khởi bởi vì có những điều kiện phù hợp cho sự sinh khởi của chúng và rồi diệt đi ngay. Như Đức Phật đã nói với Ngài Ānanda[15]: “Cái gì sinh, cái gì đã tồn tại bởi duyên thì cũng sẽ diệt”.

Bởi vô minh, ta hiểu sai và cho các pháp sinh và diệt là ta, là chúng sinh, là con người. Đó là nguyên nhân của tham ái và dính mắc càng ngày càng nhiều với địa vị, với xuất thân, với gia đình, với màu da của mình, v.v… Trên thực tế, cái ta thấy chỉ là các màu sắc khác nhau sinh khởi qua mắt, không phải là ngã, không phải là con người, không phải là chúng sinh. Âm thanh được nghe không phải là ta, không phải là con người, không phải là chúng sinh. Cái xuất hiện qua các căn chỉ là những loại pháp khác nhau sinh khởi bởi các duyên tương ứng của chúng.

Tà kiến cho rằng các pháp là ta, là ngã, là con người, là chúng sinh có thể so với việc nhìn thấy một ảo ảnh. Những người đang đi trên sa mạc có thể nhìn thấy ảo ảnh về nước ở trước mặt họ nhưng đến khi tới nơi thì toàn bộ ảo ảnh đó biến mất, vì trên thực tế không có nước. Hình ảnh mà họ thấy chỉ là một ảo ảnh thị giác mà thôi. Hiểu biết sai lầm cho các pháp là ta, là chúng sinh, là con người cũng như vậy, nó được tạo ra bởi vô minh, bởi ngã tưởng và tà kiến.

Những từ như “chúng sinh”, “con người”, “nữ”, “nam” chỉ là những khái niệm được sử dụng để nói về cái mà ta thấy hoặc nghe. Hơn nữa, một điều hiển nhiên là những màu sắc khác nhau, âm thanh khác nhau, mùi vị khác nhau, nóng, lạnh, cứng, mềm, sự căng, trùng… tất cả sự đa dạng về các đặc tính ấy không thể nào xuất hiện nếu như không có các pháp kinh nghiệm chúng, tức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, sự kinh nghiệm nóng, lạnh, cứng, mềm, căng, trùng, sự hay biết những thứ khác nhau và suy nghĩ.

Tất cả các pháp có thể kinh nghiệm mọi thứ khác nhau, ví dụ như: pháp kinh nghiệm màu sắc; pháp kinh nghiệm âm thanh; pháp kinh nghiệm mùi vị; pháp kinh nghiệm nóng, lạnh, cứng, mềm, căng, trùng; pháp biết được ý nghĩa của những thứ khác nhau và pháp suy nghĩ về những chủ đề khác nhau. Tất cả các pháp kinh nghiệm những thứ khác nhau ấy được Đức Phật toàn giác gọi là tâm (citta)

Trích: Khảo cứu pháp chân đế – Chương 2: Đức Phật

 


[1] Trường Bộ Kinh  (Dīgha Nikāya), Phần II, Số 16, Kinh Đại Bát Niết Bàn.

[2]Tiểu Bộ Kinh  (Khuddaka Nikāya), Phần II, Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), Quyển III, Chương V, Số 3. “Như lai” (Tathāgata) là một danh hiệu của đức Phật.

[3] Có tám loại tâm siêu thế chứng ngộ niết bàn là pháp siêu thế. Có bốn giai đoạn giác ngộ, với mỗi giai đoạn, có hai loại tâm siêu thế là tâm đạo và tâm quả. Điều này sẽ được giải thích kỹ hơn trong các phần sau.

[4] Cuộc đời phạm hạnh (brahma cariya) là cuộc sống của người phát triển tứ niệm xứ, phát triển hiểu biết đúng về các thực tại, để trở thành bậc A la hán.

[5] Đức Phật toàn giác, người tự mình chứng ngộ và có thể dậy chân lý cho những người khác.

[6] Theo Abhidhammattha-vibhāvinī-ṭíkā.

[7] “Satta” là chúng sinh và “upakāra” là giúp đỡ.

[8] Tâm đạo là tâm siêu thế kinh nghiệm niết bàn và tận diệt phiền não. Tâm này được đi kèm với trí, và được gọi là trí đạo (magga-ñāna).

[9] Các năng lực này là trí tuệ toàn hảo của Ngài, chẳng hạn  như trí biết nghiệp và quả của nghiệp, trí phân tích giới (dhātu), trí phân tích các uẩn (khandha), các căn, trí biết được căn cơ của các chúng sinh, túc mạng minh (trí nhớ được tiền kiếp), thiên nhãn minh (trí biết được sự sinh diệt của các chúng sinh), lậu tận minh (trí biết được sự tận diệt của mọi phiền não) (Trung Bộ Kinh, No12, Đại Kinh Sư Tử Hống)

[10] Kể cả các vị A la hán, những người không còn phiền não, vẫn có thể có các hành xử không tao nhã, chẳng hạn như nói nhanh hay chạy, do các tích lũy quá khứ. Những hành xử ấy không được tạo duyên bởi tâm bất thiện, vì các vị ấy đã hoàn toàn tận diệt phiền não.

[11] Xem thêm Trường Bộ Kinh  (Số 30, Ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại Nhân).

[12] Nhân Chế Định (hay Nhân Thi Thuyết) (Puggala Paññatti), Chương I, Phân chia các loại người theo Một, § 28-29. “Pacceka” xuất phát từ tiếng Pāli “paṭi eka” (tự mình). “Eka” có nghĩa là “một mình”

[13] Người này đã cố giết hại Đức Phật vài lần.

[14] “Dhamma” có nhiều nghĩa; nó không chỉ có nghĩa là “Giáo Pháp”. Trong bối cảnh này, “dhamma” có nghĩa là “tất cả những gì là thật, thực tại”

[15] Trường Bộ Kinh , Số 16, Kinh Đại Bát Niết bàn, chương V, § 144.