CHIA SẺ

Cái chết luôn luôn bất ngờ. Thậm chí những người bệnh vô phương cứu chữa cũng hy vọng rằng họ không chết hôm nay. Có thể sau một tuần, nhưng chính xác không phải bây giờ, không phải hôm nay.

Cái chết của bố tôi còn hơn cả bất ngờ. Ông ra đi ở tuổi 27 như một vài nhạc sĩ nổi tiếng của nhóm nhạc “Câu lạc bộ 27”. Ông còn trẻ, rất trẻ. Bố tôi không phải là nhạc sĩ hay  người nổi tiếng. Ung thư không lựa chọn nạn nhân của mình. Ông ra đi khi tôi mới 8 tuổi, tôi đã đủ lớn để nhớ về ông suốt cả cuộc đời. Nếu ông chết sớm hơn, tôi sẽ không có những ký ức về bố và tôi sẽ không cảm thấy mất mát đau đớn như vậy.

Một lần, mẹ tôi bất ngờ đón tôi từ trường và chúng tôi đi dến bệnh viện. Bác sĩ thông báo một tin buồn với tất cả sự tế nhị mà ông có thể có được. Mẹ đã khóc bởi vì tất cả chỉ còn lại một hy vọng nhỏ nhoi. Tôi bị sốc. Thế có nghĩa là gì vậy? Chẳng lẽ đấy không phải là một bệnh mà các bác sĩ có thể chữa khỏi? Tôi gào lên cho đến khi hiểu rằng bố đã không còn ở bên cạnh.

Một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Một nữ y tá bước đến bên tôi với một cái hộp. Trong hộp đựng đầy những phong bì dán kín với những dấu hiệu thay cho địa chỉ. Sau đó, nữ y tá trao cho tôi một phong bì từ chiếc hộp:

– Bố cháu đề nghị cô trao cho cháu chiếc hộp này. Ông đã mất một tuần để viết chúng và ông muốn cháu đọc lá thư đầu tiên ngay bây giờ. Hãy mạnh mẽ lên nhé.

Trên phong bì viết dòng chữ “Khi bố không còn”. Tôi mở nó ra:

Khi con đọc lá thư này có nghĩa là bố đã chết. Bố rất tiếc. Bố biết rằng bố sẽ chết. Bố không muốn để con khóc. Bố còn cần dạy con rất nhiều. Cuối cùng thì con chưa biết gì cả. Vì vậy, bố viết cho con những bức thư này. Đừng mở chúng trước thời điểm cần thiết, được không? Đây sẽ là thỏa thuận của chúng ta nhé. Bố yêu con. Hãy chăm sóc mẹ. Bây giờ con là người đàn ông trong nhà.

Yêu con,

Bố

Tái bút: Bố không viết thư cho mẹ”.

Khó khăn lắm tôi mới có thể hiểu được bức thư nguệch ngoạc của ông. Nó khiến tôi cảm thấy an lòng, buộc tôi phải mỉm cười. Bố của tôi đã nghĩ ra những thứ thú vị như vậy.

Chiếc hộp này trở thành vật quý giá nhất trên đời đối với tôi. Tôi nói với mẹ để bà không mở nó. Tôi học thuộc lòng tên của tất cả phong bì mà tôi sẽ còn phải mở sau này. Nhưng phải đợi thời gian để những thời điểm đó đến.

Mẹ tôi ở vậy không tái hôn. Tôi không biết tại sao nhưng tôi muốn tin rằng bố tôi là tất cả tình yêu, cuộc sống của bà. Đến một hôm, bà có một người đàn ông mà theo tôi không xứng một chút nào với bà. Tôi đã nghĩ rằng bà tự hạ thấp mình khi gặp gỡ ông ta. Ông ta không tôn trọng bà. Bà xứng đáng với một ai đó tốt hơn nhiều. Tôi và mẹ đã cãi nhau. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái tát nổ đom đóm mắt của bà. Ngay khi da của tôi rát lên vì cái tát, tôi nhớ đến chiếc hộp với bức thư có tên gọi “Khi con với mẹ xảy ra vụ cãi nhau long trời lở đất”.

Hãy xin lỗi mẹ. Bố không biết tại sao con lại cãi nhau với mẹ và bố cũng không biết ai đúng. Những bố biết mẹ của con. Đơn giản là hãy xin lỗi và đấy sẽ điều tốt hơn cả. Bà là mẹ của con, bà yêu con hơn tất cả mọi thứ trên thế giới này. Liệu con có biết rằng mẹ đã chọn sinh ra con bằng cách bình thường bởi vì người ta đã nói với bà rằng như vậy sẽ tốt hơn cho con? Bà đã chấp nhận đau đớn để được sinh ra con. Hay con cần bằng chứng tình yêu nào mạnh mẽ hơn như vậy nữa? Hãy xin lỗi. Mẹ sẽ tha thứ cho con.

Yêu con,

Bố

Bố tôi không phải là nhà văn vĩ đại, ông chỉ là nhân viên ngân hàng bình thường. Nhưng những lời của ông đã có ảnh hưởng lớn đối với tôi. Đó là những lời mang theo sự thông thái lớn hơn tất cả những gì mà 15 năm cuộc đời tôi gom lại. Tôi lao đến phòng mẹ và mở cửa. Tôi đến bên bà, tay cầm bức thư mà bố đã viết. Mẹ ôm lấy tôi, và hai chúng tôi đứng trong im lặng.

Bố tôi theo tôi đi qua suốt cả cuộc đời. Những lời nói trong thư của ông đã làm những điều mà không một ai có thể thực hiện được: mang lại sức mạnh để tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc đời mình. Ông luôn biết cách khiến tôi phải mỉm cười khi mà xung quanh đều màu xám.

Bức thư “Khi con cưới vợ” làm tôi rất hồi hộp, nhưng không mạnh mẽ bằng bức thư “Khi con làm bố”:

Bây giờ con đã hiểu rằng thế nào là tình yêu cha mẹ dành cho con, con trai à. Con hiểu rằng con yêu vợ con nhiều như thế nào, và tình yêu ấy đơm hoa kết trái chính là sinh linh nhỏ bé đang nằm bên cạnh con. Bố không biết đó là cô bé hay cậu bé. Nhưng hãy đón nhận niềm hạnh phúc viên mãn. Bây giờ thời gian trôi đi như tốc độ ánh sáng, hãy luôn ở bên cạnh con của con. Đừng bỏ lỡ những thời điểm quan trọng. Bố nghĩ con có tất cả để trở thành một người bố tuyệt vời như bố đã từng làm”.

Bức thư đau đớn nhất là bức thư ngắn nhất mà bố viết cho tôi. Thời gian trôi đi nhưng cuối cùng tôi cũng buộc phải mở phong bì “Khi mẹ con qua đời”:

Mẹ bây giờ là của bố!”

Bố tôi vẫn luôn hài hước như vậy! Nhưng đó là bức thư duy nhất không mang lại nụ cười trên khuôn mặt tôi.

Còn một bức thư cuối cùng – bài học cuối cùng mà bố dạy tôi. Thật ngạc nhiên, một người 27 tuổi có thể dạy cái gì cho một lão già ở tuổi 85 như tôi hiện nay?

Bây giờ, khi tôi nằm trên giường bệnh, với những cái ống thông qua mũi và dây chuyền nhằng nhịt trên người, tôi đưa ngón tay lần giở tờ giấy đã ngả màu của bức thư duy nhất chưa được mở: “Khi thời điểm của con đến gần”.

Tôi không muốn mở nó, tôi sợ. Tôi không muốn tin rằng thời gian của tôi đã gần  hết. Không ai tin rằng sẽ có lúc mình phải chết. Tôi hít một hơi thật sâu và mở phong bì:

Chào con trai,

Bố hy vọng rằng con đã là một ông già. Con biết không, đây là bức thư bố viết đầu tiên và nó dễ hơn tất cả những bức thư khác. Đây là bức thư giải phóng bố khỏi nỗi đau mất con. Những ngày cuối cùng ở đây bố đã nghĩ về cuộc sống của mình. Nó rất ngắn nhưng hạnh phúc. Bố đã là bố của con và chồng của mẹ con. Vậy bố có thể đòi hỏi gì hơn nữa? Điều này mang lại sự bình yên trong tâm hồn bố. Bây giờ con hãy làm y như vậy.

Lời khuyên của bố đối với con: ĐỪNG SỢ!”.

Tái bút: Bố rất nhớ con!

Tất cả chúng ta đều biết rằng chết là một điều chắc chắn. Chỉ có điều, không ai biết chắc chắn khi nào mình sẽ chết. Ngày mai hay đời sau, chúng ta không thể biết điều gì sẽ đến trước. Với nhiều người, chết là phạm trù kiêng kỵ. Chỉ dự cảm về cái chết thôi đã mang lại rất nhiều lo lắng, bế tắc, nên họ không muốn nghĩ đến điều này. Quan điểm Phật giáo bộc lộ khía cạnh tích cực và độc đáo ở chỗ cho rằng cái chết chính là một phần của cuộc sống. Cuộc sống dù dài hay ngắn không quan trọng bằng việc sống như thế nào cho ý nghĩa. Nếu sống trọn vẹn một ngày với lòng tri ân cuộc sống, bạn sẽ thấy mình thực sự hiện hữu và hiện tại sẽ trở thành một món quà. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa bởi bạn luôn tìm được niềm cảm hứng trong từng phút giây!

Tác giả: Rafael Zoehler

Nguồn: https://nextshark.com