CHIA SẺ

KIÊN ĐỊNH “Những người biết cảnh giới chân không sẽ luôn luôn có thể hóa giải các vấn đề của họ với sự kiên định.”

Thông điệp cho chúng ta ngày nay là “Hãy tu dưỡng tinh thần của mình.” Điều này có nghĩa là không đi tìm cái gì đó bên ngoài chính mình. Đây là điểm rất quan trọng, và nó là cách duy nhất để tu Thiền. Dĩ nhiên nghiên cứu kinh sách hay tụng kinh hay ngồi là Thiền; mỗi hoạt động này nên là Thiền. Nhưng nếu sự nỗ lực hay tu tập của quí vị không đúng hướng, nó sẽ không tác dụng gì cả. Không những không tác dụng mà nó còn có thể làm hư hỏng bản tánh thanh tịnh của quí vị. Rồi càng biết nhiều về Thiền, quí vị sẽ càng trở nên hư hỏng. Tâm của quí vị sẽ đầy rác rến; tâm của quí vị sẽ bị dơ bẩn.

Rất thường là chúng ta góp nhặt những mảnh thông tin từ những nguồn khác nhau, nghĩ rằng bằng cách này sẽ tăng thêm kiến thức của mình. Thực tế, theo cách này cuối cùng chúng ta không biết gì cả. Sự hiểu về Phật giáo của chúng ta không nên chỉ là góp nhặt nhiều mảnh tin tức, tìm kiếm để có được kiến thức. Thay vì góp nhặt kiến thức, quí vị nên làm trong sáng tâm mình. Nếu tâm của quí vị trong sáng, chân tri thức đã là của quí vị rồi. Khi quí vị lắng nghe giáo lý của chúng ta với tâm thanh tịnh, trong sáng, quí vị có thể chấp nhận nó như là quí vị đang nghe một điều gì đó mà mình đã biết rồi. Đây gọi là chơn không, hay ngã toàn năng, hay biết tất cả. Khi quí vị biết mọi thứ, quí vị giống như bầu trời u tối. Đôi khi một ánh chớp sẽ lóe lên qua bầu trời u tối ấy. Sau khi nó đi qua, quí vị quên toàn bộ về nó, và không còn lại gì ngoài bầu trời u tối. Bầu trời không bao giờ ngạc nhiên khi đột nhiên một tiếng sét bức phá xuyên qua. Và khi ánh chớp lóe lên, người ta có thể thấy được quan cảnh kỳ diệu. Khi chúng ta có chân không chúng ta luôn luôn sẵn sàng nhìn ánh chớp.

Ở Trung Hoa, Lô sơn (Rozan) nổi tiếng vì cảnh khói mù của nó. Tôi chưa đến Trung Hoa, nhưng ở đó phải có những hòn núi đẹp. Ngắm mây trắng và sương mù đến và đi qua những núi ấy phải là một cảnh kỳ diệu. Dù là kỳ diệu, một bài thơ Trung Hoa nói, “Lô sơn nổi tiếng vì những ngày mưa mù, và dòng Chiết giang vĩ đại vì sóng triều của nó đến và đi. Chỉ có vậy thôi.” Tất cả chỉ có thế, nhưng nó tuyệt đẹp. Đây là cách chúng ta cảm nhận sự vật.

Vì thế quí vị nên chấp nhận kiến thức như là mình đang nghe một điều gì đó đã biết rồi. Nhưng điều này không có nghĩa là nhận những mảnh tin tức khác nhau chỉ như tiếng vọng của những ý kiến của mình. Điều đó có nghĩa là quí vị không nên ngạc nhiên vì bất cứ cái gì mình thấy hay nghe. Nếu quí vị nhận sự vật chỉ là tiếng vọng của chính mình, quí vị không thực sự thấy chúng, quí vị không hoàn toàn chấp nhận chúng như chúng hiện hữu. Vì thế khi chúng ta nói, “Lô sơn nổi tiếng vì những ngày mưa mù của nó,” không có nghĩa là cảm nhận quan cảnh này bằng cách hồi tưởng một cảnh đẹp nào đó mà chúng ta đã nhìn thấy trước kia: “Nó không kỳ diệu gì mấy. Tôi đã thấy cảnh đó trước kia.” Hay “Tôi đã vẽ những bức tranh đẹp hơn thế nhiều! Lô sơn chẳng có gì đáng kể!” Đây không phải là cách của chúng ta. Nếu quí vị đã chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu, quí vị sẽ nhận chúng như những người bạn cũ, dù cho quí vị cảm nhận chúng với cảm giác mới.

Và chúng ta không nên tích lũy kiến thức; chúng ta nên độc lập với kiến thức của mình. Nếu quí vị góp nhặt những mảnh kiến thức khác nhau, làm một bộ sưu tập thì có thể là rất tốt, nhưng đây không phải là cách của chúng ta. Chúng ta không nên cố gắng làm người ta ngạc nhiên bằng những kho tàng của mình. Chúng ta không thích thú một điều gì đặc biệt. Nếu quí vị muốn cảm nhận trọn vẹn một cái gì đó, quí vị nên quên mình đi. Quí vị nên chấp nhận nó như ánh chớp lóe lên trong bầu trời hoàn toàn u tối.

Đôi khi chúng ta nghĩ mình không thể nào hiểu được một điều gì đó không quen thuộc, nhưng thực ra không có điều gì không quen thuộc với chúng ta. Một vài người có thể nói, “Hầu như không thể hiểu được Phật giáo bởi vì bối cảnh văn hóa của chúng ta rất khác. Làm sao chúng ta có thể hiểu được tư tưởng Đông phương?” Dĩ nhiên không thể tách rời khỏi bối cảnh văn hóa của nó; điều này đúng. Nhưng nếu một người Phật giáo Nhật Bản đến Hoa Kỳ, y không còn là người Nhật Bản nữa. Tôi đang sống trong bối cảnh văn hóa của quí vị. Tôi đang ăn những thức ăn gần giống như những thức ăn của quí vị, và tôi đang giao thiệp với quí vị bằng ngôn ngữ của quí vị. Mặc dù quí vị không hiểu tôi hoàn toàn, tôi muốn hiểu quí vị. Và tôi có thể hiểu quí vị rõ hơn bất cứ người nào nói và hiểu tiếng Anh. Điều này là thật. Dù cho tôi không thể hiểu tiếng Anh gì cả, tôi nghĩ tôi có thể giao thiệp với người ta. Luôn luôn có một khả năng hiểu được bao lâu chúng ta còn hiện hữu trong bầu trời hoàn toàn u tối, bao lâu chúng ta còn sống trong chơn không.

Tôi đã luôn luôn nói rằng quí vị phải rất kiên nhẫn nếu quí muốn hiểu Phật giáo, nhưng tôi đã tìm kiếm một chữ nào đó hay hơn chữ kiên nhẫn. Cách dịch thông thường chữ nin (nhẫn) trong tiếng Nhật là “patience” (kiên nhẫn), nhưng có lẽ chữ “constancy” (kiên định) thích hợp hơn. Quí vị phải tự ép mình kiên nhẫn, nhưng trong kiên định không có sự nỗ lực nào xen vào – chỉ có khả năng thay đổi để chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu. Đối với những người không có ý niệm nào về chơn không, khả năng này có thể có vẻ như là kiên nhẫn, nhưng thực ra kiên nhẫn có thể là không kiên nhẫn. Những người biết, dù cho chỉ là một cách trực giác, cảnh giới chân không luôn luôn mở ra khả năng chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu. Họ có thể cảm nhận mọi sự vật. Trong mọi điều họ làm, dù cho có thể rất khó, họ sẽ luôn luôn có thể hóa giải vấn đề bằng kiên định.

Nhẫn là cách chúng ta tu dưỡng tinh thần. Nhẫn là cách tu tập liên tục của chúng ta. Chúng ta nên luôn luôn sống trong trong bầu trời u tối rỗng lặng. Bầu trời luôn luôn là bầu trời. Nếu như mây và ánh chớp đến, bầu trời cũng không bị quấy nhiễu. Nếu như ánh chớp giác ngộ đến, sự tu tập của chúng ta quên nó hoàn toàn. Rồi nó sẵn sàng cho một giác ngộ khác. Chúng ta cần thiết phải có hết giác ngộ này đến giác ngộ khác, nếu có thể, từ giây phút này đến giây phút khác. Đây là cái gọi là sự giác ngộ trước khi quí vị đạt nó và sau khi quí vị đạt nó.

Thiền sư Shunryu Suzuki
Trích trong: Tâm thiền tâm bạn sơ