CHIA SẺ

Bây giờ, đến lượt nói riêng về những hoạt động ăn và uống, nhai, nhai kỹ, nuốt, nếm. Làm thế  nào  chúng  ta  thực tập thực hành “sự hiểu biết rõ ràng” về những hành động này?

Đầu tiên, để nhắc chúng ta nhớ về mục đích đúng đắn của việc ăn của chúng ta, chúng ta có thể đọc tụng hay tâm niệm trước khi ăn:

“Bằng sự suy xét một cách chánh niệm, tôi ăn thức ăn này – không phải vì sự ngon của thức ăn, không phải vì sự ham ăn ham uống mà làm độc hại cơ thể, không phải ăn để có sắc đẹp hay để làm đẹp cơ thể – mà chỉ  để duy trì  cơ thể được sống, để khỏi đau bệnh và để nuôi dưỡng đời sống tu hành; tâm niệm rằng: Bằng  cách này, tôi làm cho hết cảm giác (khổ sở, đói khát) đã có trước đó, và sẽ không tạo ra cảm giác mới. Sự sống của tôi sẽ được duy trì khỏe mạnh, mà không bị chê bai”.

Rồi đến khi ta đang ăn, chúng ta hãy tuân theo một số quy tắc đơn giản để củng cố sự chánh niệm của mình.  Đó  là, chúng ta phải ăn một cách thật chậm rãi, đưa tay đến dĩa đựng thức ăn một chậm rãi và gắp lấy thức ăn một cách chậm rãi. Chúng ta cũng chánh niệm về điều đang xảy ra trong tâm. Nếu tâm tham khởi sinh vì thức ăn quá ngon, chúng ta hiểu biết một cách rõ ràng về  tâm tham  và tâm niệm với chính mình rằng: “À, ta phải chánh niệm. Đúng rồi, thức ăn này ngon miệng quá. Nhưng những hành động của mình phải phù hợp vì mục tiêu tu tập tâm linh. Ta sẽ không tham ăn, không ăn quá  nhiều.”

Thêm một điều nữa không cần giải thích là: chúng ta cũng phải tránh ăn những đồ ăn vặt, đồ ăn không đúng bữa, ăn đồ ăn không dinh dưỡng và đồ ăn không  tốt  cho sức khỏe, vì những lý do mà chúng ta đã  vừa tâm niệm trên  đây. (Người tu thiền tránh ăn phi thời, và tránh ăn thức ăn vặt, thức ăn không lành và thức ăn không phù hợp với mục đích nuôi thân sống để tu  hành).

Tương tự, khi chúng ta uống những thức uống nóng hay lạnh, chúng ta nghĩ: “Tôi dùng những thức uống này với sự suy xét một cách chánh niệm là để giải cơn khát, để phòng tránh bệnh yếu, và duy trì sức khỏe cho cơ  thể.”

Các Tăng Ni  xuất gia thì tu tập bản thân tuân thủ 30 giới luật về ăn uống để có được và duy trì “sự hiểu biết rõ ràng”. Dưới đây, tôi xin kể ra một số điều hướng dẫn, vốn cũng được rút ra từ những giới luật này, để cho mọi người  có thể thực hành sự chánh niệm về sự ăn và sự uống.

Những điểm chính để thực hành Chánh niệm về sự ăn uống

– Tôi tu tập bản thân để mình chỉ thích những thức ăn và thức uống bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe.

– Tôi tu tập bản thân ăn một cách điều độ và  tránh ăn những những thức ăn vặt, vô ích.

– Tôi tu tập bản thân để quan sát tâm trong khi ăn để tránh tham, sân, si.

– Tôi  tu tập bản thân để không gắp hay lấy quá đầy bát hay đĩa ăn.

– Tôi tu tập bản thân để nhận bất kỳ thức ăn nào được cho hoặc có sẵn để ăn mà không hề chê bai hay kén chọn.

–  Tôi tu tập bản thân không nhìn vào thức ăn của người khác một cách soi mói hay ganh  tỵ.

– Tôi tu tập bản thân cử động hai tay một cách chậm rãi.

– Tôi tu tập bản thân không mở miệng trước khi thức ăn được đưa đến gần miệng.

– Tôi tu tập bản thân không nhồi nhét thức ăn vào miệng.

–  Tôi tu tập bản thân không nói khi đang có thức ăn trong miệng.

– Tôi tu tập bản thân không quăng bỏ hay lãng phí thức ăn.

– Tôi tu tập bản thân không mấp môi hay tạo âm thanh bằng miệng trong khi ăn.

– Tôi tu tập bản thân không liếm mút các ngón tay khi ăn.

Lưu ý, đối với những người tu hành chân chính và có chánh niệm, thức ăn  bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe không phải là những thứ cao lương mỹ vị, những món quá ngon miệng, xa xỉ, ‘đặc sản’ hay thịt mỡ từ động vật, như  theo quan niệm của nhiều người. Thật ra, món bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe chính là những món ăn sạch, xanh, lành…từ thực vật vì chúng tốt cho tiêu   hóa và sức khỏe thân tâm. Các ngành khoa học, y học và dinh dưỡng học  cũng đã chứng minh điều này từ  lâu.

Thiền sư Henepola Gunaratana