CHIA SẺ

Đối với mọi người nói chung, lúc chết là khoảng thời gian quan trọng nhất. Dù là người phương Đông hay người phương Tây, dù là Phật tử hay tín đồ của một tôn giáo nào khác, dù là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, người ta cũng đều giống nhau ở điểm này. Khi thần thức rời khỏi thể xác vốn thường được quý trọng của mình, đó là khúc quanh quan trọng nhất của đời người; vì cái chết sẽ đưa người ta đi tới một cõi giới bí ẩn.

Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, người ta sẽ đứng ở giữa ngã ba đường. Nếu đã sửa soạn trước, người ta sẽ sẵn sàng đi tới với sự tự tin và thoải mái, giống như con đại bàng vươn cánh bay lên bầu trời. Theo giáo lý Phật giáo, nếu không có sự chuẩn bị trước, người ta sẽ phải trải qua chu trình sống, chết và tái sinh nhiều lần. Đa số người ta không thích nghe nói về cái chết, cái không thể tránh được của mình vốn có thể tới bất cứ lúc nào. Họ còn không dám nghĩ đến sự chết, và chỉ chú tâm vào những công việc trong đời sống hàng ngày. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng còn có một sự sống ở bên kia cửa tử, trong khi nhiều người không có tín ngưỡng thì cho rằng chết là hết, người ta không còn gì cả.

Ngày nay chúng ta đang ở trong thời đại hoàng kim của khoa học kỹ thuật, nhưng kiến thức của chúng ta về sự sống ngừng lại ở chỗ hơi thở chấm dứt. Khoa học và kỹ thuật không thể cho biết là có hay không có sự liên tục của tâm thức sau khi người ta trút hơi thở cuối cùng. Việc nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc bị các nhà khoa học và y học thuộc dòng chính ngạch bác bỏ. Trong thời đại hồ nghi này, người ta thường cảm thấy khó có thể tin là có cuộc sống ở đời sau, vì họ sợ bị người khác xem là người kém trí tuệ, đơn sơ và ngây thơ.

Bất cứ khi nào mở máy truyền hình, chúng ta cũng có thể trông thấy những hình ảnh chết chóc, dù là những cái chết giả trên điện ảnh hoặc những đoạn phim thời sự về những người trên thế giới chết vì bệnh tật, tai nạn hay bạo động. Rất ít khi chúng ta được trông thấy những hình ảnh tự nhiên về những người chết một cách bình thường hay đang trong cơn hấp hối, mà thường được trông thấy nhiều hơn hình ảnh của những tang lễ nhiều màu sắc, với người chết được trang điểm thêm, nằm bên trong quan tài được trang trí bằng nhiều bông hoa xung quanh. Nếu dám nhìn trực tiếp vào sự sống và cái chết, chúng ta sẽ thấy rõ luân hồi sinh tử là quy luật dành cho toàn thể sinh linh, con người sinh ra, chết đi và sẽ tái sinh trở lại.

Lúc chết, điều gì xảy ra?

Mọi tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng chết không phải là hết, mà còn có một “cái gì đó” tồn tại, dù giáo lý của các tôn giáo khác nhau trong chi tiết và lối diễn dịch. Dù được gọi là tâm, thần thức, linh hồn hay tinh thần, “cái đó” vẫn tiếp tục hiện hữu trong hình thức này hay hình thức khác. Phật giáo gọi là “tâm” (Tiếng Anh “mind”, tiếng Tây Tạng “sem”, tiếng Sanskrit “citta”), là tính chất căn bản, vẫn tồn tại sau cái chết của thể xác vật chất. Thể xác sẽ tan nhập trở lại vào những nguyên tố (tứ đại: đất nước gió lửa), mà từ đó nó đã được tạo ra, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hiện hữu bởi tâm trí và thần thức, và sẽ nhập vào một thể xác khác để sống trong kiếp sau.

Thể xác là “vật chuyên chở” tâm trí và là con người vật chất, gợi ý tưởng về danh tánh, hay ý tưởng “ta”. Như vậy chúng ta cảm thấy mình là một người riêng biệt trong suốt kiếp sống của mình. Những ảnh hưởng của môi trường xã hội và những tập quán văn hóa cũng đóng góp cho sự liên tục của kinh nghiệm đời sống của mỗi người. Chúng ta cảm thấy thể xác của mình cũng như những sắc tướng ở xung quanh là những gì “chắc thật”. Mọi vật và mọi sự việc xuất hiện trong ý thức của chúng ta, được cảm nhận bởi các giác quan của chúng ta, đều có vẻ chắc thật ở bên ngoài, và phân biệt với tâm trí của chúng ta.

Nhưng vào lúc chết, tất cả những sắc tướng này sẽ biến mất. Tâm trí sẽ rời khỏi thể xác, giống như người ta bỏ lại một bộ quần áo cũ. Ngay khi thần thức rời thể xác, những vật mà chúng ta trông thấy cũng như những cảm giác mà chúng ta đã có trong đời sống sẽ thay đổi hầu như hoàn toàn. Những gì chúng ta trải qua sau khi chết sẽ tùy thuộc tâm trí của mình, tức là tùy thuộc những thói quen tâm trí và những ý nghĩ mà chúng ta đã tạo ra và dung dưỡng trong đời sống ở cõi vật chất vừa qua. Nếu tâm ta an lạc thì tất cả những gì chúng ta làm ở cõi vật chất cũng là sự biểu lộ an lạc và tất cả những gì chúng ta nói cũng là những lời an lạc. Như vậy tất cả những hành động của chúng ta sẽ trở nên đạo đức, và chúng ta sẽ là nguồn an lạc đối với tất cả những người nào tiếp xúc với chúng ta.

Vào lúc chết, khi chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc của thể xác, thoát khỏi những sự giới hạn văn hóa và những ảnh hưởng của môi trường xã hội, chúng ta sẽ được tự do hưởng an lạc, vốn là thật tánh của tâm trí. Cũng giống như vậy, nếu trong đời sống thế gian, chúng ta tu luyện đúng pháp, thì vào lúc chết, tất cả những hiện tượng xuất hiện với chúng ta sẽ là một cõi an lạc và giác ngộ.

Nhưng nếu tâm trí chìm đắm trong những cảm xúc đau khổ như buồn giận, thì bất cứ điều gì chúng ta nghĩ cũng bị quấy nhiễu bởi những ý tưởng và những cảm xúc sân hận. Bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm cũng là sự biểu lộ mạnh mẽ của sự sân hận. Như vậy trạng thái an lạc sẽ không có cơ hội xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Sự đau đớn với sân hận của chúng ta sẽ có ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Vào lúc chết, có thể chúng ta sẽ rơi vào một sự bốc cháy trong lửa địa ngục, sự biểu lộ tâm sân hận của chúng ta.

Luật nhân quả

Các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy rằng một đời ống lợi ích và tử tế sẽ đưa đến một cõi đầy phúc lạc ở bên kia cửa tử, còn một đời sống đầy sân hận và tai hại sẽ mang lại những hậu quả xấu. Thiên Chúa giáo ngợi khen những việc tốt và những hành vi bác ái. Do Thái giáo khuyến khích việc làm theo những điều răn trong Thánh kinh Torah. Phật giáo nói tới việc tích lũy công đức bằng cách tạo thiện nghiệp qua ý nghĩ, lời nói và việc làm tốt. Những tôn giáo này cũng như những truyền thống khác đều chấp nhận luật nhân quả tự nhiên và phổ quát trong vũ trụ vạn vật. Luật nhân quả hay nghiệp báo là nhân tố chi phối mọi sự kiện. Mỗi hành vi về thân, miệng và ý, đều sẽ phát sinh ra một hệ quả tốt hay xấu. Phật giáo đặc biệt dạy tỉ mỉ về nghiệp quả nào sẽ xuất hiện sau những hành vi nào. Nói chung thì những ý nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động tốt sẽ đưa đến phúc lạc, trong khi những hành vi bất thiện sẽ có hậu quả đau khổ trong kiếp luân hồi.

Tất cả những cảm xúc đau khổ cũng như những ý niệm và những ý nghĩ theo thói quen đều có nguồn gốc là ngã chấp, tức là bám giữ vào cái “ta” giả ảo, phân biệt chủ thể và đối tượng, có ý tưởng mình là thực thể phân cách với tất cả các sinh linh khác. Luận sư Nagarjuna (Long Thọ) viết: “Tất cả chúng sanh đều do ngã chấp mà kẹt trong luân hồi”. Tâm trí con người có khuynh hướng bám giữ vào những đối tượng của ý nghĩ và nhận thức, và đó chính là nguyên nhân của kiếp sống trong cõi nhị nguyên này.

Do ngã chấp, phân biệt mình với mọi vật khác, mà người ta xem những đối tượng của tâm trí là những thực thể có sự hiện hữu thực sự. Đối tượng tâm trí là tất cả những hiện tượng xuất hiện trong ý thức của chúng ta, thí dụ như “mình”, “người”, “anh”, “nó”, “tiền” hay “bàn ghế”, cũng như những ý tưởng, cảm xúc và cảm giác, thí dụ như “đau”. Khi nắm giữ một đối tượng của tâm trí như một vật chắc thật, chúng ta lập một liên hệ nhị nguyên chủ thể và đối tượng. Rồi đến ý tưởng thích hoặc không thích đối tượng của tâm đó, và như vậy siết chặt thêm sự chấp thủ của tâm trí. Sau cùng là cảm xúc vui thú hoặc đau đớn, đầy kích thích và áp lực.

Ngã chấp bao gồm hai ý tưởng “ta” và cái của ta” và cũng bao gồm cả những hiện tượng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Nhưng Phật giáo dạy rằng không có một tự ngã nào có sự hiện hữu thực sự, chắc thật và bất biến. Như vậy tính ngã chấp của chúng ta chỉ dựa trên một ảo tưởng. Và do có luật nhân quả, những ý nghĩ và hành vi vô minh dựa trên ảo tưởng của chúng ta sẽ có hậu quả là đau khổ vốn rất thật đối với chúng ta.

Tính ngã chấp gây ra luân hồi và nghiệp báo. Nó sản sinh ra những cảm xúc, phiền não tham, sân, si, ganh tỵ, kiêu ngạo và lo sợ. Những cảm xúc phiền não này là nguyên nhân của sự tái sinh, vì vậy trạng thái tâm an tĩnh là phương tiện thoát luân hồi đau khổ.

Những giai đoạn sống, chết, và sau khi chết diễn ra một cách tự nhiên đối với mọi người, và không do một người nào khác tạo ra cho chúng ta. Đó là những phản ảnh và những lực phản ứng của chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Vì vậy chúng ta phải tu tập một cách vững chắc để đạt phúc lạc trong sự chết và tái sinh.

Chu trình sống, chết, và sau khi chết

Chu trình sống, chết, và sau khi chết kéo dài bất tận, được gọi là luân hồi, hay “samsara” trong tiếng Sanskrit. Có khi luân hồi được mô tả tượng trưng bằng một bánh xe quay tròn không ngừng. Luân hồi được chia thành bốn giai đoạn và là bốn loại kinh nghiệm khác nhau:

  1. Giai đoạn đời sống thế gian bắt đầu từ lúc thọ thai và chấm dứt với “căn bệnh gây tử vong” hoặc nguyên nhân nào khác đưa đến cái chết. Mỗi khoảnh khắc của đời sống cũng được xem là một giai đoạn đời sống xuất hiện và chấm dứt trong một chuỗi bất tận những sự kiện biến đổi giữa lúc sinh ra và lúc chết, lúc thức và lúc ngủ, lúc hạnh phúc và lúc khổ đau.
  2. Giai đoạn hấp hối bắt đầu với căn bệnh gây tử vong và đi qua sự phân giải thô đại và vi tế, khi những thành phần, thể xác, trí tuệ và cảm xúc phân rã. Giai đoạn này chấm dứt lúc hơi thở ngừng lại.
  3. Giai đoạn tính chất tối hậu hay chân tánh, bắt đầu khi “quang minh căn bản” hay tịnh quang, tính chất thật của tâm trí, xuất hiện. Đặc điểm của giai đoạn này là sự xuất hiện tự nhiên của “linh ảnh quang minh” và không chỉ có ánh sáng mà còn có những âm thanh và hình ảnh nữa. Giai đoạn này chấm dứt khi những linh ảnh này tan biến. Tuy nhiên những người bình thường không nhận ra linh ảnh quang minh là sự biểu lộ chân tánh của chính mình, mà họ xem đó là những hình ảnh hoặc sợ hãi hay vui mừng. Đối với họ, chứng nghiệm này sẽ chỉ kéo dài một lúc, vì họ sẽ bất tỉnh ngay sau đó.
  4. Giai đoạn chuyển tiếp, hay “Bardo”, bắt đầu khi những linh ảnh nói trên tan biến hoặc khi người ta tỉnh táo trở lại và chấm dứt khi người ta nhập vào thai bào người mẹ ở kiếp sau.

Trong kinh sách Tây Tạng, mỗi giai đoạn đó được gọi là một Bardo, tức là giai đoạn chuyển tiếp hay trung gian, vì mỗi bardo xuất hiện giữa hai giai đoạn khác. Như vậy, cả kiếp sống thế gian cũng được gọi là một bardo, dù nghe có vẻ kỳ lạ, vì đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa lúc sinh ra và lúc chết. Tuy nhiên, nhiều người chỉ dùng từ ngữ bardo để chỉ giai đoạn ở giữa lúc chết và lúc tái sinh, một khoảng thời gian có nhiều chứng nghiệm linh động và những cơ hội quan trọng có tính cách quyết định kiếp tương lai của mình. Ở đây, tôi dùng từ ngữ “bardo” để chỉ giai đoạn thứ tư, ở giữa lúc thoáng thấy tịnh quang chân tánh và lúc tái sinh.

Cõi trung ấm – Bardo

Để minh họa sự kiện vượt qua ngưỡng cửa sự chết và những gì người ta có thể gặp ở bên kia cửa tử, có nhiều câu chuyện kỳ lạ trong kinh văn Phật giáo Tây Tạng về những hành giả đã rời khỏi thể xác của họ trong nhiều ngày liền để du hành trong cõi vô hình. Một hành giả như vậy được gọi là “delog”, hay người “trở về từ cõi chết”, tái nhập thể xác và viết lại cuộc du hành dị thường của mình vốn có thể đi qua tầng địa ngục thấp nhất cho tới cõi tịnh cao nhất. Những cõi tịnh là những thiên đường hoan lạc và thanh tịnh mà các vị Phật hay các đấng giác ngộ do lòng từ bi đã dựng lên để các tín đồ có thể tái sinh ở đó mà không cần phải đắc những quả vị cao. Tái sinh trong một cõi tịnh, chúng ta sẽ tiếp tục tu tiến để đạt đến giác ngộ.

Có những delog kể lại chuyến đi thăm cõi tịnh của mình. Ở đó họ được các vị Phật dạy giáo lý. Các delog khác kể nhiều hơn về cõi Bardo, nơi có toà xử án, và những cõi khác nơi người ta có thể tái sinh, thí dụ như cõi quỷ đói hay cõi của các vị thần. Những lời kể của các vị delog rất cảm động. Phần lớn các delog là những vị có đạo tâm kiên cố, và họ đã trở lại thế gian để kể cho chúng ta biết về cõi bên kia và cho chúng ta biết cách sửa soạn cho cõi giới đó. Mỗi câu chuyện là một tặng phẩm, vì đã mở một khung cửa sổ cho chúng ta thấy tương lai rộng lớn của mình ở bên kia cuộc đời này, các delog mở rộng tầm mắt của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta tu sửa cuộc đời của mình.

Những câu chuyện của các delog giúp cho chúng ta biết đến những điều quan trọng có tính cách quyết định cõi mình sẽ tái sinh. Chúng ta được thấy sức mạnh của việc tu tập có thể thanh lọc những ác nghiệp của thân, khẩu và ý. Chúng ta được biết sức mạnh cầu nguyện của người thân có thể giúp cho người chết đạt được sự tái sinh lên những cõi cao hơn. Chúng ta thấy sự thành tín là phương tiện thiện xảo để mở trí tuệ và làm cho các vị Thầy có thể giúp đỡ chúng sanh trong cõi bardo và hướng dẫn họ thác sinh về Tịnh độ.

Phần lớn các delog mang về những lời nhắn của các người thân và bạn bè đã qua đời. Những lời nhắn riêng tư này làm cho chúng ta thêm tin tưởng vào việc sửa đổi lối sống của mình trong khi đang có thân người quý báu và đang có cơ hội tu tập ở thế gian này. Ở phương Tây, những người được hồi sinh từ cái chết trên giường bệnh có khi có “kinh nghiệm cận tử” (near death experiences). Những kinh nghiệm này có nhiều điểm giống kinh nghiệm của các vị delog, nhưng có thể chỉ kéo dài khoảng vài phút, trong khi kinh nghiệm của các delog có thể kéo dài nhiều ngày. Các delog cũng có vẻ đi sâu hơn nhiều vào cõi bên kia cửa tử.

Delog không phải là hiện tượng mới có, mà cũng không phải chỉ có ở Tây Tạng. Họ đã được nói đến trong giáo lý của Đức Phật.  Khi đọc những lời kể của các delog,nhiều người sẽ thắc mắc tại sao những câu chuyện này nhuốm màu sắc văn hóa Tây Tạng. Tại sao ở cõi bên kia các delog cứ gặp những người quen là Tây Tạng? Tại sao các vị phán xét có vẻ giống các phán quan trong tranh vẽ Phật giáo?

Câu trả lời chính yếu là những cảnh tượng diễn ra trước mắt chúng ta trong cõi bardo là hình ảnh phản chiếu của những tập quán hay thói quen và những cảm xúc của chúng ta. Bất cứ cái gì chúng ta trông thấy và trải qua sau khi chết cũng phù hợp với tư tưởng của chúng ta vốn đã được định hình bởi nền văn hóa và hệ thống niềm tin mà bản thân chúng ta đã sống ở trong đó.

Tất cả chúng ta, dù là trẻ con hay người lớn, có tín ngưỡng hay vô thần, cộng sản hay tư bản, đều gắn liền với những thói quen, nhận thức sự vật mà mình đã tiếp nhận trong đời sống. Vì các delog đều là Phật tử Tây Tạng hoặc quen thuộc với Phật giáo, nên họ cảm nhận sự vật trong cõi giới Trung ấm theo quan điểm đó.

Những tục lệ và tập quán của con người khác nhau tùy theo xã hội, nhưng chúng ta dù thuộc xã hội hay tín ngưỡng nào, cũng có chung một điểm là coi thế gian như sự thưởng phạt cho những việc tốt hay xấu mà mình đã làm. Chúng ta luôn luôn dao động giữa mong cầu và lo sợ dưới những con mắt xuyên thấu của một quyền lực hay một vị phán xét nào đó. Những nhận thức của chúng ta thấm đẫm tâm trạng phán xét này. Đó là lý do khi lỡ không có đạo đức, chúng ta sợ bị phán xét và sau khi chết chúng ta sẽ cảm nhận một vị phán xét dành cho mình một lời tuyên án nghiêm khắc.

Sự thật thì không có một vị phán xét nào ở bên ngoài bản thân mình. Không có bản án nào cả. Kinh nghiệm sau khi chết của chúng ta chỉ là hệ quả của những nghiệp báo và cảm xúc mà chúng ta đã tạo tác trong đời sống. Luận sư người Ấn Độ Shantideva đã viết về địa ngục như sau: “Ai dựng lên địa ngục bằng sắt cháy nóng? Những ngọn lửa đó ở đâu ra? Tất cả chúng chỉ là hình ảnh phản chiếu những ý nghĩ bất thiện của mình. Đức Phật đã dạy như vậy”.

Rất có thể tất cả chúng ta sẽ trông thấy một quyền lực cao cấp nào đó. Hình dạng của quyền lực đó sẽ tương ứng với tập quán về tư tưởng của chúng ta. Các sách Tây Tạng mô tả một tòa án được chủ tọa bởi vị Pháp vương và các phụ tá của Ngài, tức là các vị thần địa ngục. Những nền văn hóa và tôn giáo khác cũng nói tới một vị phán xét thiêng liêng, một cuốn sổ ghi công và tội của mọi người, hay một cái cân để cân công và tội.

Những người có kinh nghiệm cận tử ở Tây phương thường nói đến sự kiện “coi lại cuộc đời”, tức là trông thấy tất cả cuộc đời của mình, trong đó họ được khuyến khích phán xét cuộc đời của chính mình. Nhưng điều thông thường cho tất cả là luật nhân quả phổ quát quy định thói quen và hành động tốt sẽ có kết quả tốt, còn thói quen và hành động bất thiện sẽ đưa đến hậu quả xấu.

Tái sinh

Sau giai đoạn bardo, chúng ta sẽ tái sinh với một thể xác và danh tánh mới. Cũng như những gì diễn ra với chúng ta trong cõi bardo tùy thuộc vào hành vi, khuynh hướng tâm trí và cảm xúc, và những thành tựu tâm linh, những nhân tố này sẽ quy định kiếp kế tiếp của chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra tính chất thật của mình, tức chân tâm, trong cõi bardo, hay trong bất cứ giai đoạn nào của bốn giai đoạn đời sống. Nếu có thể duy trì sự chứng ngộ này (chân tâm thường trụ) thì như vậy chúng ta sẽ đạt đến giác ngộ trọn vẹn và thoát luân hồi. Tuy nhiên, người ta phải mất nhiều năm thành tâm tu tập thì mới đạt đến giác ngộ, và không thể đạt được chỉ bằng cách tham dự những khóa tu Thiền cuối tuần hay hành Thiền vài phút mỗi ngày trong vài năm. Các vị Thầy thành tựu có thể đạt giác ngộ và tự chọn con đường tái sinh cho mình thay vì tùy thuộc vào nghiệp quá khứ. Chuỗi nghiệp báo thường lệ của các vị này sẽ ngừng lại hay được thăng hóa. Đối với họ thì vạn vật trong cõi hiện tượng này chỉ là sự phóng chiếu của những phẩm tính tâm trí của chính mình.

Nếu chúng ta giữ vững ý nguyện đạt giác ngộ và trụ vững trên đường đạo thì một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này. Nhưng trong hiện tại, con đường của các vị Thầy giác ngộ trọn vẹn không dành cho những người bình thường chúng ta. Tùy theo nghiệp quá khứ, người bình thường sẽ phải tái sinh ở một trong sáu cõi luân hồi.

Những người đã tu tập và đã tích lũy nhiều công đức sẽ được tái sinh trong những cõi phúc lạc. Nếu có những đức tính hiền hòa, tử tế, giúp đỡ và hiểu biết, và nếu thực hành những đức tính này trong lời nói và việc làm, chúng ta sẽ tái sinh trong những cõi có đời sống an vui và ích lợi. Nếu trong kiếp sống này chúng ta tu tập quán tưởng, suy ngẫm, cảm nhận và tin vào sự hiện hữu của một cõi tịnh độ thì chúng ta sẽ tái sinh vào cõi tịnh ấy, vì thói quen tâm trí mà mình đã gây dựng.

Một cõi tịnh như vậy không phải là cõi tịnh vô thượng của trạng thái giác ngộ, mà là một cõi cực lạc hiển lộ. Chúng ta sẽ không chỉ được hưởng một cõi cực lạc mà chúng ta sẽ còn tỏa ra sự gia trì phúc lạc vô tận của cõi tịnh cho tất cả những người nào sẵn sàng đón nhận. Chúng ta sẽ vẫn còn chịu sự tác động của luật nhân quả, nhưng đó sẽ là những quả báo phúc lạc. Nhiều người có thể thực hành lối sống lợi ích cho tương lai như vậy, và chúng ta phải xem đây là điều ưu tiên để làm của mình.

Còn về những người bình thường mà đời sống có đầy những cảm xúc tiêu cực như tham, sân, si, ganh tỵ và kiêu mạn thì sao? Nếu tâm trí có thói quen tham, sân, si, chúng ta sẽ phải đối diện với một kiếp sống rất đau khổ. Khi trải qua bốn giai đoạn (đời sống thế gian, hấp hối, chứng nghiệm ánh tịnh quang và cõi trung ấm bardo) tâm trí xấu của chúng ta sẽ giống như đeo kính đen, làm cho u ám tất cả những gì chúng ta trông thấy.

Thay vì khung cảnh quen thuộc mà chúng ta đã biết khi còn sống, tất cả những gì xung quanh chúng ta sẽ là những hình ảnh, những âm thanh và những sự việc đáng sợ hoặc gây đau khổ. Đó là những hiện tượng trong tâm thức của chúng ta như hậu quả của những trạng thái tâm bất thiện, phiền não mà chúng ta đã dung dưỡng trong đời sống của mình ở thế gian. Nhiều người trong chúng ta, dù nhìn nhận hay không, đang duy trì những trạng thái tâm bất thiện đó trong đời sống. Thường thì đây là một tiến trình vô thức. Dù bên ngoài có thể chúng ta không nghĩ là một người “xấu” như vậy, nhưng có thể chúng ta đang chìm đắm trong những cảm xúc độc hại, những tham muốn và ích kỷ mà nền văn hóa hiện đại khuyến khích.

Chúng ta phải tự xét và giải trừ những cảm xúc bất thiện này của mình và thay đổi lối sống hằng ngày của mình ngay từ bây giờ, trong khi vẫn còn may mắn có thân người quý báu để tu tập và có một mức độ tự do chọn lựa cách sống tốt. Lúc chết chúng ta sẽ không thể tự ý thay đổi, vì nghiệp lực sẽ chi phối chúng ta, sẽ đưa chúng ta đến kiếp tái sinh, và có thể là ở một cõi phi nhân, nơi người ta không có cơ hội để tu tập nữa. Chúng ta sẽ trôi lăn trong luân hồi sinh tử và tái sinh bất tận, tràn ngập đau khổ hoặc quá vui sướng mà xao lãng việc tu hành.

Đức Tulku Thondup Rinpoche

Thích Nguyên Tạng dịch

Nguồn: “Peaceful Death, Joyful Rebirth: A Tibetan Buddhist Guidebook”, Tulku Thondup Rinpoche (2005) Boston, MA, USA