CHIA SẺ

Diệu pháp này do / ngài A-ti-sa / thu tóm tinh túy / của lời Phật dạy / mà soạn thành văn. / Vì vậy dù chỉ / đọc nghe một lần / cũng sẽ có được / vô vàn công đức, / huống chi gắng công / chuyên cần học hỏi, / giảng giải phong phú / cho người cùng nghe, / chắc chắn công đức / sẽ như sóng cả / bao la biển rộng. / Vì vậy các con / hãy gắng chú tâm / (tu học pháp này / cho thật đúng đắn.)

Chứng Đạo Ca của Lama Tông Khách Ba là chìa khóa mở ra mối liên hệ giữa các loại khế kinh. Câu 8 giải thích đạo sư phải giảng pháp như thế nào và đệ tử phải nghe pháp ra sao, làm cách nào để lời giảng và lời nghe đều mang lại lợi lạc. Ðộng cơ giảng pháp và thái độ khi giảng là hai điều quan trọng bậc nhất mà người thuyết pháp cần quan tâm. Nếu vị Thầy vì mục tiêu thế tục mà giảng pháp, ví dụ để cho người khác biết là mình uyên bác, hay để kiếm tiền, kiếm phẩm cúng dường, hoặc để lợi dụng điều động người khác, động cơ như vậy chắc chắn là ô nhiễm.

Ðộng cơ giảng pháp phải là tâm nguyện trong sáng vị tha, muốn mang lợi lạc đến cho người. Theo truyền thống Phật giáo Tây tạng, không những động cơ giảng pháp phải trong sáng, mà cả cách thức giảng pháp cũng phải toàn hảo. Không nên giảng pháp giống như người già ăn cơm, miếng mềm thì nhai, miếng cứng lại nhả. Tương tự như vậy, người giảng pháp không được lựa dạy phần dễ, bỏ qua phần khó. Lại có câu nói rằng không nên giảng pháp như quạ xây tổ. Quạ khi xây tổ cứ chất bừa bãi, không thứ tự lớp lang gì. Lời giảng pháp không thể thiếu thứ tự mạch lạc, cần có một hệ thống rõ ràng để lợi lạc cho người nghe.

Ngoài ra còn một phẩm hạnh người giảng pháp cần phải có, đó là phải có kinh nghiệm thực chứng về điều đang giảng [tu tuệ]. Nếu điều này không thể được, ít ra người giảng đối với phương pháp tu của điều mình đang giảng phải thuần thục kinh nghiệm tâm linh [tư tuệ]. Nếu điều này cũng không thể, tối thiểu người giảng phải hiểu biết tường tận về nội dung của điều mình đang giảng [văn tuệ]. Ngài Pháp xứng có nói, điều mình không biết thì không thể nào dạy cho người khác.

Tôi có một người bạn là một vị thầy giỏi và cũng là một hành giả Ấn độ giáo hiểu biết sâu rộng. Có lần chúng tôi bàn thảo với nhau về vấn đề hòa bình tôn giáo và sự cần thiết trao đổi giữa các tôn giáo với nhau. Tôi nhận ra mình hoàn toàn mù tịt về Hồi giáo, và cũng chưa từng tiếp xúc gì nhiều với thế giới Hồi giáo. Người bạn nói với tôi, “không khó gì đâu. Chỉ cần học vài câu trong Koran, rồi chú giải vài câu ở đây, vài câu ở kia. Vậy là đủ rồi, không cần biết nhiều hơn.”

Ðể nêu lên một ví dụ nghiêm chỉnh hơn, có một nhà học giả người Ðức đến dự buổi giảng pháp của một vị thầy Tây tạng. Trong buổi giảng, học giả người Ðức nghe được nhiều câu trái ngược với căn bản lời Phật dạy nên cuối buổi lên tìm vị Thầy thuyết pháp để thưa rằng hình như Thầy nói sai. Thay vì nhìn nhận mình lầm, vị thầy Tây Tạng lại nói rằng “Ôi đâu có sao. Nói mấy thứ như vậy cũng được mà”. Ðây là một thái độ rất sai lầm. Làm người giảng pháp phải luôn cẩn trọng.

Khi ngồi trên pháp đàn giảng pháp, tác phong của người giảng Pháp cũng rất quan trọng. Trước khi ngồi xuống phải quì lạy pháp đàn ba lạy. Làm như vậy để nhớ rằng được ngồi trên tòa cao giảng pháp không phải vì bản thân mình cao siêu thần thánh gì mà chỉ vì giáo pháp sắp dạy đáng được tôn vinh. Theo truyền thống đại thừa, khi Phật giảng về Bát-nhã ba la mật (Tuệ giác toàn hảo), chính đức Phật đã dựng một pháp tòa cao để ngồi giảng pháp, đó là để tỏ lòng tôn kính Bát nhã, mẹ sinh mọi đấng giác ngộ, dù là thanh văn, duyên giác, hay Phật.

Vào lúc kinh Phật được kiết tập, nhờ chư A la hán thời Phật và các vị đệ tử khác sau này, sẽ có lúc tất cả thành viên tham dự đều cởi áo cà sa khoác ngoài, bậc thượng thủ kỳ kiết tập sẽ thâu tất cả lại, xếp thành đống thành pháp đàn, rồi tọa trên pháp đàn này để kiết tập kinh điển. Tất cả những việc làm này cho thấy lòng tôn kính tuyệt bậc đối với giáo pháp Phật dạy.

Sau khi ngồi xuống, theo tục lệ Tây Tạng vị Thầy thuyết pháp phải tụng một câu kinh về vô thường, để dẹp sạch mọi khuynh hướng kiêu mạn có thể phát sinh trong tâm, giữ tâm nguyện vị tha trong sáng. Nghi lễ này rất quan trọng, giúp giữ sự thanh tịnh từ phía vị Thầy, vì thường hễ thượng lên tòa cao, được người tán dương ca tụng, tự nhiên rất dễ nổi tâm kiêu căng ngạo mạn. Vì vậy, người giảng pháp bao giờ cũng phải giữ trong đáy tim lời dạy của thầy Dromtonpa, nói rằng “Cho dù cả thế giới đều quì xuống, mang chân Thầy đặt lên đỉnh đầu họ, thì Thầy cũng vẫn nên ngồi nơi thấp nhất, giữ lấy lòng khiêm cung”. Trong Bảo Hành Vương Chính Luận (Precious Garland), ngài Long Thọ có lời phát nguyện xin làm đất nước lửa gió để chúng sinh có thể mặc nhiên hưởng thọ. Nếu quí vị thật sự lấy lời nguyện này làm tâm nguyện của mình thì sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình hay hơn người khác, cũng không bao giờ dụng tâm giữ người khác dưới tầm thao túng của mình.

Ðộng cơ trong sáng khi nghe pháp cũng rất quan trọng, giúp người nghe hội đủ ba đức tính quan trọng khi nghe pháp – là tâm khách quan, trí thông minh và lòng khát khao nghe pháp –, và đồng thời cũng giúp người nghe giữ được thái độ thích đáng khi nghe pháp. Ðược như vậy mới gọi là người nghe pháp toàn hảo. Phải lấy pháp làm tấm gương soi, lấy hành động lời nói và ý nghĩ làm ảnh hiện trong gương. Phải không ngừng xem xét ảnh hiện trên tấm gương chánh pháp, để liên tục cố gắng thay đổi hành vi của chính mình.

Một trong những đặc điểm của Phật pháp, đó là càng quán niệm phong phú thì hiểu biết và chứng ngộ sẽ càng sâu, tín tâm càng phát triển. Vì vậy quí vị phải làm sao cho pháp tu của mình càng phổ quát càng tốt và sự học và sự hiểu của mình càng rộng càng tốt. Ðồng thời cũng phải làm sao cho những gì học được không chỉ ngừng lại ở lãnh vực kiến thức suông. Ngay từ đầu phải hướng hết sự học về mục tiêu tu hành. Nếu học mà không muốn mang những điều đang học về áp dụng vào đời sống, làm như vậy sẽ có nguy cơ trở nên chai cứng lãnh đạm.

Các vị thầy cao trọng dòng Kadampa thường nói nếu giữa Phật pháp và tâm quí vị mà có một lỗ hỗng đủ cho một người đi qua thì công phu tu hành của quí vị không có hiệu quả. Phải làm sao cho giữa Phật pháp và tâm mình không một khe hở nhỏ nào cả. Quí vị cần kết hợp Phật pháp với tâm của mình. Có một câu thành ngữ Tây Tạng nói rằng có thể miết bơ để thuộc da cho mềm, nhưng nếu vì chứa bơ mà da bị cứng thì không làm gì có thể khiến cho da mềm trở lại được, dù cố gắng đến đâu cũng vô ích. Tây phương không dùng túi da để chứa bơ nên có lẽ là câu thành ngữ này không có ý nghĩa gì lắm, nhưng quí vị có thể nắm được đại ý.

Các vị thầy Kadampa cũng thường nói rằng nước chánh pháp có thể thấm vào tâm mới mẻ nhiệt thành của người mới tu học, dù tâm ấy khó thuần đến đâu, nhưng sẽ không thể thấm vào tâm của người bị kiến thức hiểu biết làm cho khô cằn.

Vì vậy phải để ý, đừng để học vấn kiến thức lấn át nhiệt tâm tu hành, cũng đừng để nhiệt tâm tu hành cản trở sự học. Thêm vào đó, cả hai mặt học và tu đều phải được xây dựng trên nền tảng của trái tim thương yêu nồng ấm. Ba đức tính nói trên, học thức, nhiệt tâm tu, và lòng từ bi, phải đi chung với nhau.

Nếu người giảng pháp và người nghe pháp đều chuẩn bị tâm mình được như vừa nói trên, khi ấy người nghe sẽ có thể có được nhiều kinh nghiệm chuyển hóa, có khi là ngay trong khi đang nghe pháp. Sau hết, khi buổi giảng pháp chấm dứt, cả người nghe lẫn người giảng đều phải hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh cùng được tuệ giác vô thượng.

Theo truyền thống Tây tạng, giảng pháp nói chung có hai cách. Một là giảng pháp để giúp người nghe hiểu rõ hơn về Phật pháp. Hai là chú trọng vào công phu tu hành của từng người, giải đáp những vấn đề cụ thể người tu gặp phải trong quá trình tu.

Nhìn chung mà nói, khi các bộ đại luận như năm bộ luận trọng yếu của các vị thánh tăng Ấn độ giảng về Trung quán, mục tiêu chính là để giúp Phật tử hiểu rõ hơn sâu hơn về Phật pháp. Ngược lại khi các giáo pháp tương tự như Lamrim được tuyên thuyết, mục tiêu chính là để giúp Phật tử thực hành các phương pháp thiền quán 1 cách cụ thể, lời dạy hướng dẫn từng bước đi một.

Ngoài ra còn một phương pháp thuyết pháp độc nhất vô nhị, được gọi là “giảng theo kinh nghiệm”, sư phụ mỗi lần chỉ giảng một đề tài nhất định, đệ tử nghe rồi về tu tập một thời gian dài, bao giờ đạt chứng ngộ rồi sư phụ khi ấy mới giảng qua bước tiếp theo. Cứ như vậy sư phụ hướng dẫn đệ tử qua kinh nghiệm trực chứng.

Dromtönpa tóm gọn đức tính của người giảng pháp đại thừa như sau: phải có kiến thức sâu rộng tổng quát về Phật pháp, đủ sức thấu triệt cả hiển tông lẫn mật tông, giải thích được mối tương quan giữa muôn vạn ý nghĩa phong phú đến từ nhiều phương diện triết lý khác nhau; đối với từng đệ tử ở một điểm thời gian nhất định, phải có khả năng thấy được giáo pháp nào thích hợp nhất; và thấy được phương pháp tiếp cận nào là thích hợp nhất.

CÁCH NƯƠNG DỰA ĐẠO SƯ

 Chứng Đạo Ca: chỉnh cú 9

(Sau khi qui y) / các con phải thấy / gốc rễ điều lành / của kiếp hiện tiền / và mọi kiếp sau / đều nằm ở tâm / nương dựa đúng cách / trong từng ý tưởng  / trong từng hành động / nơi đấng đạo sư.

Đạo sư là người / đưa các con vào / đường tu giác ngộ, / vì vậy các con / phải gắng làm cho / đạo sư hoan hỉ / bằng cách chăm chỉ / tinh tấn tu hành / theo đúng như lời / của đạo sư dạy;  / dù mất mạng sống / cũng không từ bỏ / lời dạy của thầy, / lấy sự tu hành / dâng thành cúng phẩm. / Thầy là hành giả / đã tu như vậy. / Các con ai người / đang cầu giải thoát / hãy tự thuần dưỡng / đúng theo lối này.

Từ câu thứ 9 trở đi, nội dung chánh văn chủ yếu nói về phương pháp hướng dẫn người tu vượt qua các giai đoạn trên đường tu giác ngộ. Phần này có hai ý chính: một là làm thế nào để nương dựa đạo sư vì đạo sư vốn là nền tảng của đường tu giác ngộ; hai là một khi đã biết cách nương dựa đạo sư rồi, làm thế nào để dấn thân vào đường tu.

Câu 9 nói về công phu nương dựa đúng cách nơi đạo sư. Bạn có bạn xấu bạn tốt. Đạo sư cũng vậy, có loại đạo sư không xứng cũng như những bậc chân sư.

Xét trên phương diện kiến thức thế gian, dù nói cho cùng những gì chúng ta học được đều đến từ công lao học tập và tư duy của chính mình, tuy vậy ở bước khởi đầu, chúng ta vẫn cần người dạy và hướng dẫn lối đi. Lãnh vực chuyển hóa tâm cũng vậy, mặc dù kinh nghiệm tâm linh phải đến từ công phu tu học và tu thiền của chính mình, chúng ta vẫn cần một vị Thầy đầy đủ khả năng để chỉ cho chúng ta thấy đường tu giác ngộ.

Vì bậc chân sư là yếu tố cực kỳ quan trọng trên bước đường tu nên Lama Tông Khách Ba trong Lamrim Ðại Luận đã giải thích rất cặn kẽ về vấn đề này qua ba tiêu đề: phẩm hạnh chân sư; phẩm hạnh chân đệ tử; và mối quan hệ đúng đắn giữa sư phụ và đệ tử.

PHẨM HẠNH ĐẠO SƯ

Bậc chân sư cần có những phẩm hạnh nào, điều này có thể tìm thấy trong kinh điển, từ luật tạng cho đến mật kinh kim cang thừa. Vì chúng ta ở đây đang nói về Đại thừa nên phẩm hạnh của bậc chân sư có mười, như Ðại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận của đức Di Lạc nói rõ:

  1. Tâm thuần (thành tựu môn học vô lậu đầu tiên là Giới)
  2. Tâm tịnh (thành tựu môn học vô lậu thứ hai là Ðịnh)
  3. Tâm định (thành tựu môn học vô lậu thứ ba là Tuệ, nhất là Tuệ vô ngã)
  4. Xét trong lãnh vực đang giảng dạy thì hiểu biết của đạo sư phải cao hơn của đệ tử.
  5. Ðạo sư phải nhiệt tình khi dạy cho đệ tử
  6. Học vấn phải uyên bác để đủ khả năng đưa ra ví dụ dẫn giải.
  7. Phải có thành tựu về tánh không, tốt nhất là trực chứng tánh không, bằng không tối thiểu phải có tâm nguyện mãnh liệt muốn tu chứng tánh không.
  8. Khả năng thuyết pháp vô ngại, khéo léo trong cách giảng dạy để lời giảng có hiệu quả.
  9. Lòng từ bi sâu rộng, luôn quan tâm đến nguồn an lạc của đệ tử thỉnh pháp (có lẽ đây là đức tánh quan trọng nhất)
  10. Kiên trì đối với đệ tử, dù phải giảng nhiều lần cũng không nản lòng.

Ba phẩm hạnh đầu liên quan đến ba môn vô lậu học là Giới Ðịnh Tuệ. Ngoài ra phải có chứng ngộ về chân tánh của thực tại là tánh không, và phải có lòng từ bi đối với đệ tử. Ai muốn gánh vác vai trò đạo sư thì phải làm sao cho chính mình có được đầy đủ những phẩm hạnh nói trên.

Lama Tông Khách Ba trong Lamrim Đại Luận, khi luận về mười phẩm hạnh này có nhấn mạnh một điểm tối quan trọng, đó là nếu tâm mình chưa thuần thì không làm sao có thể thuần tâm người khác[i]. Vậy bậc đạo sư trước tiên phải tự thuần tâm của chính mình. Lama Tông Khách Ba nói tiếp, muốn thuần tâm thành bậc đạo sư thì phải tu ba môn vô lậu học Giới Ðịnh Tuệ.

Ngoài ra, đạo sư không thể chỉ giảng Phật Pháp qua một vài điểm giới hạn, mà phải có khả năng trình bày giáo pháp đang giảng dạy dưới cái nhìn tổng quan, thấu triệt chỗ đứng của giáo pháp này trong toàn bộ cấu trúc của đường tu giác ngộ

Trong phần kết luận, Lama Tông Khách Ba nhấn mạnh rằng người tu tầm Thầy học đạo phải ghi nhớ mười phẩm hạnh nói trên. Khi chọn Thầy, ngay từ đầu phải quan sát xem vị Thầy mình muốn chọn có hội đủ mười phẩm hạnh của bậc chân sư như nói trên hay không. Nếu quí vị làm theo như vậy sẽ giảm bớt nguy cơ gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sau.

Bằng không như vậy, quí vị có thể dựa trên những yếu tố linh tinh để đánh giá đạo sư. Ðiều này đã từng xảy ra ở Tây tạng. Người Tây tạng có lòng tin mãnh liệt nơi Phật pháp, nhưng trí tuệ lại kém hơn tín tâm. Thay vì đánh giá đạo sư qua những phẩm hạnh bên trong, họ lại nhìn vào tài vật ngoại thân để mà đánh giá, ví dụ xem Thầy có bao nhiêu ngựa. Nếu Thầy ngồi trên cỗ xe có nhiều ngựa kéo thì họ xuýt xoa “chu choa ơi, đây phải là một vị thầy cao trọng lắm lắm”. Họ cũng có khuynh hướng đánh giá đạo sư qua áo quần, mũ mão, v.v… lấy đó làm dấu chứng của trình độ chứng ngộ cao.

Sách kể rằng buổi đầu ngài A-ti-sa đến xứ Tây tạng, thông dịch viên của ngài là Nagtso Lotsawa và vị quốc vương xứ Ngary tên Jangchub O đã gửi thư mời tất cả các Lama cao trọng trên đất Tây tạng đến cùng đón tiếp cao tăng Ấn độ. Cả một đoàn Lama đông đảo kéo đến hội kiến với đức A-ti-sa. Các vị Lama này ngồi trên lưng ngựa cao, từ xa đã có thể nhìn thấy họ. Tất cả đều mặc áo gấm thêu sang trọng, mũ mão tướng dạng cầu kỳ, như hình đầu quạ. Khi A-ti-sa thấy đoàn Lama tiến đến, ngài lấy khăn che đầu ra vẻ sợ hãi nói rằng “Thôi chết! Ma Tây tạng đến rồi !” Các vị lama xuống ngựa, cởi áo khoát mũ mão chỉ còn giữ lại bộ áo tu hành tiến lại gần A-ti-sa, khi ấy A-ti-sa rất hài lòng.

Nói về vấn đề này, cũng có thể nhắc đến cuộc đời của ngài Milarepa, sáng như viên ngọc vương giữa những nhà hành giả Tây tạng. Một hôm có vị lama tên Naro Bönchung nghe danh Milarepa, đến xin diện kiến. Ðến khi gặp Milarepa, vị lama nọ hoàn toàn sửng sốt, về sau mách lại với người khác rằng “ông Milarepa này nổi tiếng đến như vậy, nhưng khi gặp nhìn thật không khác gì tên ăn mày”.

Ðiều này gợi cho tôi nhớ lại tính khiêm cung một vị lama cao trọng khác là Thầy Dromtönpa của dòng Kadampa. Chuyện kể có lần Dromtönpa đi trên đường, tình cờ gặp một nhà sư Tây tạng. Nhà sư này đi bộ đã thấm mệt, chân lại đau nên cởi giày ra, nhìn thấy Dromtönpa giống người cư sĩ tầm thường, sư bèn đưa giày nhờ cầm hộ. Dromtönpa lẳng lặng đón lấy đôi giày nặng nề, vác lên vai. Ði được một quãng, đến ngang ngôi chùa, nhà sư nhìn thấy tăng trong chùa kéo hết ra xếp hàng hai bên đường, rõ ràng là đang chờ đón ai đó. Nhà sư nghĩ bụng “họ đâu biết mình sẽ đến, huống chi trang nghiêm đến như vậy, chắc không phải để đón mình”. Sư bèn quay qua hỏi Dromtönpa, “họ đang chờ một người rất quan trọng, ông có biết họ chờ ai không?” Dromtönpa trả lời, “chắc là chờ tôi”. Nhà sư kia trợn mắt ngạc nhiên, đột nhiên hiểu ra, quay lưng chạy tuốt, quên cả đôi giày.

Lại có một ví dụ gần đây hơn. Khoảng đầu thế kỷ hai mươi, có một đại hành giả tên Dza Patrul Rinpoche. Ngài thật sự là bậc bồ tát cao trọng, là hiện thân của giáo pháp Nhập Bồ Đề Hạnh Luận của ngài Tịch Thiên (Shantideva). Dza Patrul Rinpoch có nhiều đệ tử, nhưng thường vẫn lang thang khắp nơi. Bao giờ ngừng bước, ngài lại bắt đầu có nhiều đệ tử và nhiều thí chủ. Ðược một lúc ngài lại cảm thấy quá nhiều nên lại lang thang tìm nơi hoang tịch.

Có một lần trong lúc lang thang như vậy, Dza Patrul Rinpoche đến tá túc ở nhà một bà lão, làm người giúp việc, kín đáo tu hành. Một hôm trong lúc ngài đang ra ngoài đổ chậu phân cho bà cụ, có mấy vị lama ghé vào hỏi bà cụ rằng họ nghe sư phụ của họ hình như đang ở vùng này, không biết bà cụ có gặp không. Bà cụ hỏi hình dáng sư phụ quí thầy như thế nào. Mấy vị lama mới tả lại cho bà cụ nghe tướng mạo, áo quần của sư phụ họ hay mặc v.v., bà cụ giật mình hiểu ra người đang đổ chậu phân cho mình ngoài kia chính là vị đại hành giả Dza Patrul Rinpoche. Giống nhà sư trong câu chuyện trước, bà cụ xấu hổ đến độ chỉ còn biết bỏ chạy. Chuyện này do Khunu Lama Tenzin Gyaltsen khi còn sinh tiền kể lại cho tôi nghe.

Tất cả những câu truyện trên đều muốn nói lên một điều, đó là vị chân sư đại thừa phải là người vui trong sự đơn giản, mong được vô danh và, như người Tây tạng thường nói, thường trốn trong cảnh đơn độc như một con thú hoang bị thương. Truyền thống Tây tạng nói rằng bậc đạo sư đại thừa phải có ít nhất là hai đức tính căn bản. Một là từ tận đáy lòng phải thấy kiếp sau quan trọng hơn kiếp hiện tại, bằng không làm gì cũng sẽ không thuận với Phật pháp. Hai là phải thấy an nguy của người khác quan trọng hơn của chính mình, bằng không làm gì cũng sẽ không thuận với đại thừa.

Phẩm hạnh đệ tử

Trong Lamrim Ðại Luận, Lama Tông Khách Ba nói tiếp theo về ba phẩm hạnh quan trọng nhất của người tu học toàn hảo.

  • Tâm phải khách quan phóng khoáng;
  • Trí phải biết phán xét đúng sai, nên hay không nên;
  • Lòng phải đầy nhiệt tình, khát khao Phật pháp.

Bất kể là muốn học những gì, tinh thần khách quan phóng khoáng vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Tâm nếu méo mó vì định kiến sẽ tạo trở ngại lớn cho sự phát triển của trí tuệ. Thái độ khách quan sẽ giúp quí vị bước vào Phật pháp bằng con đường của chánh đạo, với tâm nguyện đúng đắn. Kinh Phật cũng như luận Bảo Hành Vương Chính Luận (Precious Garland) của ngài Long Thọ đều nhấn mạnh điều này và nêu ra bốn cách sai lầm khi tiếp cận và bước vào Phật Pháp:

  • Bước vào Phật pháp vì chấp bám một truyền thống hay tập quán riêng biệt nào đó;
  • Bước vào Phật pháp vì nuôi lòng hận thù tranh chấp;
  • Bước vào Phật pháp để tạm lánh nạn đang xảy ra hay cảm thấy sắp xảy ra;
  • Bước vào Phật pháp vì ngu muội.

Nói về sai lầm thứ nhì, có người vì chống đối một điều gì đó nên chọn bước theo bất cứ con đường đối nghịch nào. Ví dụ ở Ấn có người vì phản kháng xã hội giai cấp Ấn độ mà chọn Phật giáo. Những người này bước vào Phật giáo chỉ vì ác cảm đối với truyền thống tôn giáo của họ.

Phẩm hạnh thứ hai đệ tử cần phải có đó là trí thông minh. Ðiều này rất quan trọng. Phải có trí thông minh mới có khả năng phân biệt điều gì đúng, điều gì sai.

Khi giải thích về phẩm hạnh này, cùng với thái độ đệ tử cần phải có đối với đạo sư, Lama Tông Khách Ba thường dạy rằng đệ tử đối với sư phụ phải như người con hiếu thảo đối với cha mẹ. Nói như vậy không có nghĩa là ai muốn cũng có thể xỏ mũi dắt mình đi, chúng ta chỉ bước theo người có đủ khả năng tư cách. Lama Tông Khách Ba trích dẫn luật tạng để giải thích thêm về điểm này, rằng sư phụ nếu nói điều gì trái với chánh pháp, đệ tử không được nghe theo. Một đoạn khác nói rằng nếu sư phụ nói điều gì trái với toàn bộ Phật pháp, đệ tử có trách nhiệm phải nêu lên điểm sai lầm này với Thầy.

Việc này làm tôi nhớ lại một chuyện: bên Tây tạng có một vị thầy rất uyên bác, tên là Geshe Sherab Gyatso. Vị thầy này thường tham dự các buổi thuyết pháp của sư phụ là Muchog Rinpoche. Mỗi khi Muchog nói điều gì hay, Geshe Sherab luôn tán dương, nói rằng “Ðúng rồi! Lời giảng như sấm sét. Tạo nguồn cảm hứng sâu xa”. Tuy vậy nếu Muchog Rinpoche nói điều gì trái với Phật Pháp, Geshe Sherab sẵn sàng lên tiếng phủ nhận lời của sư phụ, nói rằng “không được, không được, không ai có thể nói lời như vậy được”.

Ðức tính thứ ba là lòng nhiệt tình khát khao Phật pháp. Mở đầu Lamrim Ðại Luận, Lama Tông Khách Ba có nói về tâm nguyện của mình khi soạn bộ luận này, dành cho độc giả có tâm địa phóng khoáng khách quan, có trí thông minh, và có lòng khát khao muốn kiếp làm người của mình trở nên có ý nghĩa. Ðể kiếp người trở nên có ý nghĩa, quí vị cần phải có tấm lòng chân thành khát khao Phật pháp, bằng không học gì cũng chỉ như ngọn đèn trong tranh, không thể thắp sáng được gì cả, hiểu biết của quí vị vĩnh viễn sẽ chỉ là kiến thức suông mà thôi.

Chúng ta có thể gặp những lời khuyến khích tương tự trong các tác phẩm của chư cao tăng xứ Ấn. Khi viết luận giải về bộ luận Hiện Quán Trang Nghiêm[1] của đức Di Lặc, trong câu kệ tán dương ngài Sư Tử Hiền (Haribhadra) có nhắc đến chuyện của sư phụ của ngài là Vimuktisena, người đã viết bộ luận giải về hệ kinh Bát Nhã. Sư phụ của Vimuktisena là Vasubandhu, cũng có viết luận giải về hệ kinh Bát Nhã, nhưng lại giải thích ý nghĩa rốt ráo của Bát nhã thuận theo quan điểm Duy thức tông. Ngài Vimuktisena nhận thấy sư phụ của mình, Vasubandhu, đã không nắm được ý nghĩa rốt ráo của hệ kinh này, nên đã soạn một bộ luận để sửa chữa. Ðiều này cho thấy dù là đệ tử tôn kính Thầy rất mực, vẫn phải có đủ trí thông minh để thấy được điểm sai của Thầy.

Những ví dụ nêu trên cho thấy một điều rất rõ ràng, đó là những vị thầy cao trọng đều thật sự xem nặng lời Phật khuyên rằng đừng vì kính ngưỡng mà tin Phật, phải mang lời Phật dạy ra phân tích mổ xẻ, như thợ vàng thử vàng, phân tích kỹ rồi thấy đáng tin cậy mới nên tin.[i]

Ðại thừa có cả một truyền thống lâu đời lấy lời Phật ra để phân tích xét đoán, xét xem kinh nào mang ý nghĩa chân thật (liễu nghĩa), kinh nào mang ý nghĩa giai đoạn (bất liễu nghĩa)[ii]. Ðây là việc làm cần thiết, vì có một số kinh Phật nếu hiểu theo nghĩa đen sẽ đưa đến nhiều nghịch lý, trái với kinh nghiệm thực chứng. Các vị hành giả và đạo sư trong Ðại thừa vẫn thường phân tích mổ xẻ lời Phật dạy, mặc dù lòng tin nơi Phật của chư vị vững vàng không lay chuyển, có vị sẵn sàng vì chánh pháp mà xả bỏ tánh mạng. Cả những vị thầy với lòng tin toàn hảo như vậy cũng vẫn thường mang lời Phật ra phân tích mổ xẻ.

Dựng nền tảng nương Thầy vững chắc

Trong Lamrim Ðại Luận, Lama Tông Khách Ba nói tiếp về phương pháp xây dựng và phát huy nền tảng nương dựa vững chắc nơi đấng đạo sư. Ngài viết  như sau “Nương dựa đạo sư là gốc rễ của đường tu, vì đạo sư cội nguồn của tất cả mọi lợi lạc, nhất thời và cứu cánh”. Câu này có nghĩa là nếu chúng ta gặp được bậc đạo sư chân chính, vị này sẽ có khả năng giúp chúng ta khai mở mắt tuệ, đưa chúng ta vào với Phật đạo.

Nội dung pháp tu nương dựa đạo sư bao gồm cả hai lãnh vực, ý nghĩ và việc làm, nhưng nương dựa trong ý nghĩ mới là điều đáng nói.  Công phu này liên quan đến hai phẩm hạnh cần huân dưỡng, tin Thầy và kính Thầy. Hệ giáo pháp lam-rim thường trích dẫn kinh điển Kim cang thừa dạy rằng chúng ta phải thấy Thầy mình chính là Phật. Hiểu rõ tầm vóc của pháp hành này là điều tối quan trọng.

Giáo pháp lam-rim khuyến khích quí vị tu sao để có thể thấy được Thầy mình chính là đấng giác ngộ, nhưng nói như vậy không phải là nói rằng pháp tu nương dựa đạo sư là pháp tu bắt buộc phải có. Nhìn lại cấu trúc của toàn bộ giáo pháp lam-rim, mọi pháp môn được xếp theo ba loại căn cơ. Trong đó, pháp tu dành cho hai loại căn cơ đầu được gọi chung là “pháp tu phổ thông”, chữ “phổ thông” ở đây có nghĩa là các pháp tu này tự nó chưa đủ.

Đường tu sơ căn nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự khởi tâm muốn sinh vào thiện đạo và bao gồm những pháp tu  tương ứng. Đường tu trung căn nói về ba môn vô lậu học Giới Ðịnh Tuệ, nhưng chưa nói hết trọn vẹn vì vẫn còn thuộc lãnh vực của đại thừa hiển tông. Ðiều đáng nói là giáo pháp lam-rim mặc nhiên khẳng định mục tiêu tối hậu của người tu là vào Kim cang thừa, đạt quả giác ngộ viên mãn (thượng căn). Vì vậy cho dù giáo pháp Lam-rim có nhắc tới pháp tu thấy Thầy là Phật, nói như vậy không phải là nói bất cứ pháp tu nào cũng đều phải có tâm này. Huân dưỡng tâm thấy Thầy là Phật chỉ cần khi bước vào Kim cang thừa chứ không cần phải có trên  đường tu phổ thông.

Tâm nương đạo sư có được là nhờ nuôi nấng một số tâm ý đặc biệt như là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, sùng kính, phát xuất từ cảm nhận mãnh liệt về lượng từ bi của Thầy. Nhưng chưa hết.

Huân dưỡng tâm này thật ra mục tiêu chính là để tăng trưởng sự tinh tấn tu hành. Nhờ nuôi tâm ý kính Thầy, ngưỡng mộ Thầy, quí vị sẽ hiểu được sâu xa hơn về những gì Thầy hiện thân, nhờ đó sự tinh tấn và sự phát nguyện của quí vị sẽ tự nhiên tăng trưởng. Không sự cúng dường đạo sư nào hơn là tu theo pháp Thầy dạy. Như đức Milarepa nói, “Tôi không có tài vật gì để có thể cúng dường Ân sư, nhưng tôi có được cúng phẩm quí giá nhất, đó là công phu tu tập và kinh nghiệm thực chứng”.

Trong số tất cả những tác phẩm của các bậc cao tăng, có một câu tụng nói rằng định chỉ có giúp giải thoát hay không hãy còn phải xét lại chứ tin Thầy, hướng Thầy và kính Thầy chắc chắn sẽ mang lại giải thoát. Câu nói này có nghĩa là, trên đường tu Kim cang thừa, nếu quí vị cảm nhận sâu xa, nhất tâm tin tưởng và tôn kính Thầy, chắc chắn quí vị sẽ có được năng lực tinh tấn vượt bực để bước những bước tiến vĩ đại trên đường tu.

Vị thầy Chakrasamvara xứ Ấn tên Gandapa[1] có viết rằng đấng đạo sư có thể một mình dắt đệ tử đến bờ giải thoát. Lama Tông Khách Ba giải thích câu này nói rằng chữ “một mình” ở đây không có nghĩa loại bỏ điều gì cả, chỉ là để nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm nương dựa đạo sư trong Kim cang thừa. Tôn kính ân sư không có nghĩa là loại bỏ mọi pháp tu khác, vì chỉ bằng lòng tôn kính mà thôi thì không thể giải thoát. Quí vị cần phải hiểu theo đúng tọa độ để thấy rõ phương diện nào là đúng. Nếu quí vị hiểu được giáo pháp nương dựa đạo sư này một cách rộng rãi trọn vẹn, điều này sẽ giúp quí vị đương đầu với một số vấn đề khủng hoảng liên quan đến việc nương dựa đạo sư đời nay.

HỎI ĐÁP

Hỏi. Nếu tôi hiểu không sai lời ngài vừa nói, thì trong pháp tu nương dựa đạo sư có khi đệ tử phải nêu ra những điểm sai lầm của sư phụ. Ðiều thứ nhất, xin hỏi phải nên làm gì khi không thể nào lên tiếng vì những người xung quanh sư phụ đều hết lòng ngăn cản không để cho ai có ý kiến? Ðiều thứ nhì, khi cái nhìn của mình hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Thầy thì phải làm sao?

Ðáp. Khi một vị lama hay đạo sư phạm điều sai trái cần phải chỉ trích, những người quanh Thầy như thị giả hay đệ tử thân gần có thể cố tình bưng bít hoặc ngăn cản không cho người khác nói chạm đến vấn đề này trước mặt Thầy. Thái độ như vậy có thể đến từ hai loại động cơ khác nhau. Có khi không phải vì ý xấu, họ chỉ muốn bảo vệ giúp đỡ sư phụ. Làm như vậy chỉ vì mê muội nhiều hơn là cố tình muốn thao túng, nhưng dù sao vẫn rất tai hại cho Thầy. Tây tạng có câu thành ngữ nói rằng đệ tử mà tôn thờ Thầy quá đáng sẽ có khả năng biến bậc chân sư thành tên bịp bợm.

Cũng có khi những người quanh Thầy vướng phải loại động cơ thế tục hơn nhiều, ví dụ không muốn người khác biết đến việc làm sai trái của Thầy vì sợ Thầy mang tiếng xấu. Ðiều này sai quấy vô cùng, bạn phải kiếm cách nói cho Thầy biết. Tuy vậy cũng cần xét kỹ xem động cơ của mình có trong sáng hay không. Không nên làm như vậy vì mang ác cảm với Thầy, hoặc chỉ vì muốn bày tỏ sự bất bình của mình. Như giáo pháp đại thừa luôn nói, chúng ta cần sao cho lời Thầy dạy phải luôn phù hợp với chánh pháp. Và cũng nên nhớ áp dụng câu “y pháp bất y nhân.”[i]

Ðể trả lời cho câu hỏi thứ hai, phải nói rằng rất hiếm khi nào đệ tử lại bất đồng ý kiến với sư phụ trên mọi điểm. Ðiều này hầu như không thể. Vậy thì lời dạy nào phù hợp với nền tảng của Phật pháp thì nên tiếp nhận hành trì, còn lời dạy nào không phù hợp thì nên bỏ qua.

Hỏi. Muốn giác ngộ có cần phải có đạo sư hay chỉ cần học hỏi Phật pháp, sống đạo đức, tham dự các buổi thuyết pháp và tu thiền là đủ?

Ðáp. Ðương nhiên là có thể tu, học, và giữ đạo đức mà không cần tìm đạo sư. Tuy vậy có một điều ta cần hiểu rõ, đó là khi nói đến “giác ngộ,” chúng ta không nói tới thứ có thể đạt được sau vài năm, mà là nói đến loại chí nguyện có khi cần nhiều đời kiếp, nhiều lần vô lượng đời kiếp để thực hiện. Nếu quí vị không tìm được bậc Thầy đáng tin tưởng để nương dựa thì dĩ nhiên tốt hơn hãy nên nương dựa vào Phật Pháp để mà tu.

Để tôi kể quí vị nghe câu chuyện này. Dromtönpa là đấng đạo sư vĩ đại, hiện thân của giáo pháp hoán chuyển ngã tha. Vào những năm cuối đời, vị thầy này mang hết tâm sức ra lo cho người cùi. Thầy sống chung với họ, và đã chết vì chứng bịnh này, nhất là phần ngực bị hư hỏng rất nhiều.

Khi sắp qua đời, Dromtönpa nằm đặt đầu vào lòng đại đệ tử là ngài Potowa, thấy đệ tử mình đang khóc. Potawa khi ấy nói, “Thầy đi rồi chúng con biết nương dựa ai để tu? Nên chọn ai làm đạo sư?”  Dromtönpa trả lời, “con đừng bận tâm. Thầy đi rồi các con vẫn sẽ còn sư phụ là tam tạng kinh điển. Hãy đặt lòng tin nơi tam tạng, chọn Tam tạng làm thầy”.

Tuy vậy, khi chúng ta tiến dần trên đường tu, sẽ có lúc chúng ta chắc chắn sẽ gặp được một người Thầy xứng đáng.

Hỏi. Nhiều kinh điển nói rằng mục đích tu là để thành Phật. Tuy vậy trong số những vị Thầy Tây phương theo mùa lại có những người có vẻ như thiên về mục tiêu bé nhỏ hơn, như thể thành Phật là chuyện không thể có. Khuynh hướng mới này chấp nhận tâm phàm phu thỉnh thoảng dấy lên vài giai đoạn tâm linh, có lẽ vì chính những vị thầy này không có khả năng tự giải thoát. Trong thời kỳ mà đức Phật gọi là thời kỳ đen tối này, mục tiêu một đời thành Phật có còn là một mục tiêu có thể thực hiện được hay không?

Ðáp. Nếu anh (chị) hiểu về quá trình thành tựu quả vị Phật theo quan điểm của đại thừa, thì nói tu ba thời kỳ vô số để thành Phật hãy còn là nhanh. Kinh Phật có nơi nói tới bốn mươi thời kỳ vô số! Tuy vậy, theo giáo pháp phổ thông trong Kim cang thừa thì người tu trình độ chứng ngộ cao có thể kéo dài mạng sống của mình và thành Phật nội trong một kiếp. Mật tông tối thượng du già nói rằng ngay trong một kiếp người ngắn ngủi vẫn có thể thành tựu được quả vị Phật.

Ngoài ra còn có chuyện thành Phật sau ba năm nhập thất, điều này cũng không khác gì mấy câu tuyên truyền biểu ngữ. Tôi nói như vậy là có phần đùa, có phần nghiêm chỉnh. Chờ đợi thời gian tu mau chóng bao nhiêu thì nguy cơ thoái chí nản lòng lại càng lớn bấy nhiêu. Không cần biết phải tu ba thời kỳ vô số hay bốn mươi thời kỳ vô số để giác ngộ, một khi đã dấy lên trong tim cảm giác sâu thẳm mạnh mẽ như lời nguyện sau đây của ngài Tịch thiên Shantideva:

Không gian chưa cùng
chúng sinh chưa tận
nguyện con còn vẫn
ở lại chốn này
xua tan khổ nạn
cho khắp thế gian.

Bấy giờ thời gian nhanh hay chậm không quan trọng nữa, chúng ta đã bước vào cõi vô lượng. Ngoài ra, kinh sách đại thừa có nói tới hạnh nhẫn “ví như giáp bào” của bồ tát, ở đây cũng vậy, thời gian hoàn toàn vô nghĩa.

Đức Dalai Lama XIV

Việt dịch: Hồng Như