CHIA SẺ

Khi yêu cầu chúng ta thực hành chánh niệm về thân, Phật đang nhắc chúng ta nhìn xem “thân trong thân”. Khi nói vậy, Phật muốn chỉ rằng thân không phải là một (thân) thể, một nhất thể ‘nguyên khối’ và chắc chắn, mà nó gồm nhiều bộ phận khác nhau. Móng tay chân, răng, da, xương, tim, phổi, và những bộ phận khác—mỗi thứ đều là một “thân nhỏ” nằm gắn liền với cái thân lớn mà ta gọi là một cơ thể hay thân thể. Theo cách phân loại truyền thống, cơ thể gồm 32 bộ phận, và chúng ta tu tập để chánh niệm về từng mỗi bộ phận đó. Nếu chúng ta chánh niệm về toàn bộ cơ thể một lúc, thì cũng giống như ta đang cố ôm lấy một đống trái cam. Kết quả là chẳng nắm được trái nào hết!. Hơn nữa, luôn nhớ rằng sự việc “thân bao gồm nhiều bộ phận” như vậy sẽ giúp chúng ta nhìn thấy được “thân trong thân”—chứ không phải là cái thân của tôi hay bản thân tôi, mà thân chỉ là một dạng (sắc) thể vật chất giống như những dạng (sắc) thể vật chất khác. Cũng như mọi thể vật chất khác, thân được ra đời, có mặt trong hiện tại, và rồi sẽ biến mất [sinh, trưởng, hoại, diệt]. Vì thân phải chịu tổn thương, hư hoại, bệnh tật, và chết đi, nên cái thân thực sự là một thứ bất toại nguyện, chứ không phải là niềm sung sướng lâu bền gì cả. (Đây là một lẽ thật). Vì nó không phải là cái bản thân ta, nên thân cũng có thể gọi là “vô ngã”. Một khi chánh niệm giúp ta nhận ra được cái thân là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã, theo như lời Phật nói, thì lúc đó chúng ta đã “biết được thân đúng-như-nó-đích-thực-là”.

Tương tự, khi Phật yêu cầu chúng ta thực hành chánh niệm về những cảm giác [thọ], Phật đang bảo chúng ta nhìn kỹ “cảm giác trong những cảm giác”: [quán thọ trong thọ]. Những chữ này nhắc chúng ta rằng, cũng giống như thân, những cảm giác cũng được gồm bởi nhiều loại cảm giác. Theo truyền thống phân loại, có ba loại cảm giác: Cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu, và cảm giác trung tínhvi . Mỗi loại là một “cảm giác” trong “những cảm giác”. [Cảm giác: những sự ý thức của tâm]. Cảm giác trong những cảm giác. Vào mỗi một khoảng khắc [giây khắc, sátna] nào đó, chúng ta chỉ có thể nhận biết được một loại cảm giác mà thôi!. Một khi cảm giác dễ chịu có mặt, thì cảm giác khó chịu hay trung tính không có mặt. Tương tự như vậy đối với hai loại cảm giác kia. Nghĩa là khi một cảm giác có mặt, hai loại cảm giác còn lại không có mặt.

Chúng ta xem xét [quán niệm] những cảm giác theo cách này của chúng thì sẽ giúp ta phát triển một sự tỉnh giác đơn thuần và không-phán-xét về cái chúng ta đang trải nghiệm— nghĩa là: nhìn xem một cảm giác nào đó là một trong những cảm giác, chứ không phải là cảm giác của tôi hay là một phần của cái tôi. Khi chúng ta quan sát mỗi cảm xúc hay cảm nhận khi nó khởi sinh, đang có mặt, và biến mất, chúng ta quan sát được rằng bất kỳ cảm giác nào cũng luôn biến đổi, vô thường. Bởi vì cảm giác dễ chịu thì không tồn tại bền lâu và cảm giác khó chịu thì thường là khổ đau, nên chúng ta hiểu rằng loại cảm giác nào cũng đều là bất toại nguyện!. Nhờ việc nhìn thấy được một cảm giác chỉ đơn thuần là một cảm xúc [của tâm] và cảm nhận [của thân] chứ không phải là cảm giác của tôi, chúng ta sẽ biết được cảm giác cũng là “vô ngã”. Sau khi nhận ra những lẽ thật này, chúng ta đã “biết được những cảm giác đúng như-chúng-đích-thực-là”.

Cùng một tiến trình quán sát như vậy, chúng ta chánh niệm về tâm. Mặc dù chúng ta hay nói về một “cái tâm” hay một cái “bản tâm” như thể nó là một thực thể riêng biệt vậy; nhưng đích thực thì tâm hay thức là một chuỗi tiếp nối của những “khoảng khắc” (sát-na) liên tục của “tâm trong tâm”. Việc tu tập chánh niệm giúp chúng ta có thể biết được rằng thức khởi sinh liên tục trong từng khoảng khắc (sát-na) tùy theo thông tin truyền đến (i) từ những giác quan bên ngoài [cái ta thấy, nghe, ngửi, nếm, và chạm xúc] và (ii) từ những trạng thái tâm bên trong [những ký ức, ý nghĩ, ý tưởng, tưởng tượng, và vọng tưởng].

Khi chúng ta nhìn vào tâm, chúng ta không chỉ đang nhìn vào thức mà thôi. Bản thân tâm không tồn tại một mình, mà chỉ tồn tại những trạng thái tâm xuất hiện tùy theo những điều kiện [duyên] bên ngoài hay bên trong như đã nói trên. Khi chú tâm nhìn vào cách mà mỗi ý nghĩ luôn khởi sinh, có mặt và biến mất [sinh diệt], chúng ta học được cách dừng ngay cái ý nghĩ bất toại nguyện vốn luôn luôn nghĩ hết cái này đến cái khác. (Ý nghĩ bất toại nguyện của chúng ta như con tàu chạy suốt, thoắt chạy, thoắt chạy đến bến bất toại nguyện này, rồi đến bến bất toại nguyện khác, cứ mãi mãi đi tìm sự toại nguyện vốn tuyệt đối không bao giờ có). Nhờ đó, chúng ta buông bỏ được ít nhiều và hiểu ra rằng chúng ta không phải là những ý nghĩ của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta đi đến “biết được tâm đúng-như-nó-đích-thực-là”.

Khi yêu cầu chúng ta thực hành chánh niệm về các pháp, (dhamma: tức là về các hiện tượng), thì đơn giản là Phật đang khuyên chúng ta hãy chánh niệm về những giáo lý của Phật. Những giáo lý của Phật cũng được gọi là Giáo Pháp hay Pháp, khi ta viết hoa chữ “Dhamma”. Phật cũng đang nhắc chúng ta rằng giáo pháp [sự thật, lẽ thật, chân lý, quy luật] mà chúng ta quán sát cũng nằm ngay bên trong chúng ta. Lịch sử nhân loại cũng đầy ắp những người đi tìm chân lý của sự sống. Đức Phật là một trong số họ. Hầu hết họ đều đi tìm chân lý từ bên ngoài bản thân mình. Ban đầu, tức trước khi giác ngộ, thì Phật cũng vậy. Tu sĩ khổ hạnh Cồ-Đàm cũng cố đi tìm cho ra ai là người sáng tạo ra mình, ai làm cho mình hiện hữu, ai tạo ra cái thân-tâm của mình, ai là người mà Phật thường gọi là ‘người xây ngôi nhà này’. Nhưng ngài Cồ-Đàm khổ hạnh không tìm ra được người đó. Thay vì vậy, Người chỉ tìm thấy lẽ thật rằng bản thân mình là phụ thuộc vào sinh, già, bệnh, chết; buồn đau, sầu não, và bất tịnh. Khi nhìn ra bên ngoài, Người cũng thấy rằng tất cả mọi người khác cũng bị phụ thuộc vào những khổ đau và rủi ro như vậy. Không ai thoát khỏi. Sự nhận biết này giúp Người thấy rằng không ai bên ngoài có thể giúp mình giải thoát khỏi những khổ đau nói trên. Vì vậy, Người bắt đầu tìm kiếm bên trong mình. Sự tìm kiếm bên trong được gọi là “đến và thấy”. Và chỉ khi tìm kiếm bên trong, Phật mới thực sự tìm thấy câu trả lời. Ngay sau đó, Phật đã nói lên rằng (tạm dịch ý): Nhiều kiếp ta lang thang trong vòng luân hồi sinh tử Tìm mãi nhưng không thấy được ‘người xây căn nhà này’ Đau buồn thay, ta lại tiếp tục bị tái sinh lần này lần khác Này hỡi! Người xây ngôi nhà có thấy không. Không cần phải xây thêm ngôi nhà nữa. Tất cả rường, cột, mái nhà đã bị phá bỏ, Tâm đã chứng đạt sự vô vi (Niết-bàn). Đã chứng đắc sự vô dục. Phát minh vĩ đại của Đức Phật chính là cái chân lý nằm bên trong chúng ta. Toàn bộ Giáo Pháp mà Phật đã giảng dạy đều dựa trên sự chứng ngộ này. Khi chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta đi đến hiểu biết được ý nghĩa của Bốn Chân Lý Cao Diệu [Tứ Diệu Đế] – đó là giáo lý cốt lõi đầu tiên của Phật. Chúng ta tìm thấy khổ đau ở đâu? Chúng ta trải nghiệm nó bên trong chúng ta. Và nguyên nhân của những khổ đau đó, là dục vọng, thì ở đâu?. Dục vọng thì cũng ở bên trong chúng ta. Và làm thế nào chúng ta diệt bỏ được nó, tức là chấm dứt được khổ đau? Chúng ta cũng tìm ra cách làm điều đó từ bên trong chúng ta. Và từ đâu chúng ta tu tập chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định của con đường Bát Chánh Đạo — con đường chấm dứt mọi khổ đau? Chúng ta cũng tu dưỡng những phẩm chất này từ bên trong thân và tâm chúng ta. Cội rễ khổ đau nằm bên trong thân và tâm chúng ta. Và vì vậy phương pháp để nhổ sạch gốc rễ mầm mống gây ra đau khổ cũng nằm bên trong chúng ta. Khi chúng ta thực hành chánh niệm, chúng ta theo gương Đức Phật nhìn vào bên trong mình. Chúng ta trở nên tỉnh giác ý thức được rằng chính tham, sân, si là những nguyên nhân tạo ra bất hạnh của chúng ta. Khi chúng ta thay thế ba thứ độc hại tham, sân, si này bằng lòng rộng lượng, bố thí, từ, bi, hỷ, hòa, tử tế, và trí tuệ, thì chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và sự bình an của tâm mà chúng ta đã đi tìm kiếm. “Việc ngồi thiền trên gối thiền trong giờ thiền là kiểu bài tập ở nhà. Phần còn lại của cuộc sống là kiểu bài tập ngoài trời. Để tu tập chánh niệm, ta cần cả hai thứ”.

Xin nói lại, dù có lẽ nhiều người cũng đã biết. Một nghĩa khác của chữ “dhamma” chỉ đơn giản là “những hiện tượng”. Khi chúng ta học theo lời dạy của Đức Phật và “sống quán sát pháp trong các pháp”, chúng ta sẽ đi đến hiểu biết được rằng mỗi một hiện tượng riêng lẻ bên trong thực tại mà ta trải nghiệm cũng đều khởi sinh, có mặt và biến mất [luôn sinh diệt]. Nói gọn thì đó là bản chất luôn sinh-diệt của mọi pháp. Những hiện tượng thân tâm bao gồm: những đối tượng thuộc sắc thân [sắc], những cảm giác [thọ], những nhận thức [tưởng], những hành vi của tâm [hành], và thức [thức]. Tương tự như vậy, những thói quen [tập khí] tiêu cực và bất thiện của cái tâm chưa-giác-ngộ luôn trói buộc chúng ta vào sự khổ (dukkha) này đến những sự khổ khác. Những thói tâm tiêu cực đó, được gọi là những gông cùm, thì cũng là vô thường. Bằng sự nỗ lực tu tập, thì từng mỗi gông cùm—như tham dục, sân giận, và ngã chấp (quan niệm sai lầm về một cái ‘ta’ hay ‘linh hồn’)—đều được nhận dạng và được trừ bỏ. Về cốt lõi thì con đường giáo pháp là rất thẳng thắn và trực chỉ. Tức là chúng ta tu tập để trừ bỏ từng thói thân và thói tâm xấu ác và tu dưỡng những phẩm chất tốt lành dựa trên sự hiểu biết đúng đắn từng giáo lý của Giáo Pháp của Phật. Đến khi mà cái gông cùm cuối cùng cũng bị phá bỏ, thì chúng ta đạt được sự tự do, sự giải thoát khỏi mọi khổ đau. Vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu thiền chánh niệm như thế nào?. Tôi luôn luôn khuyên rằng bạn nên bắt đầu bằng cách tập chú tâm vào hơi thở, đó là cách tốt nhất để thực tập chánh niệm!. Trong quyển sách “Chánh Niệm – giảng bằng ngôn ngữ thông thường”, tôi đã giảng giải những phương cách căn bản và cốt lõi về “Thiền về Hơi Thở” và thực hành chánh niệm. Trong quyển sách này, tôi cũng giảng giải lại những hướng dẫn về việc ngồi thiền và đi thiền trong các chương nói sự chánh niệm về thân. Ngay sau phần giới thiệu này, tôi muốn gợi ý về những cách các bạn đưa bài kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” vào trong việc thực hành hàng ngày. (Bạn cần nắm rõ “những phần nội dung” của bài kinh, mà Phật đã đưa ra, để thực hành chánh niệm). Có nhiều người đang thực hành thiền vì những lợi ích thư giãn tuyệt vời, vì để giảm stress và giảm đau đớn, và để mang lại sức khỏe chung chung cho thân và tâm. Nhưng mục tiêu của thiền về “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” thì không phải như vậy. Người tu hành dành riêng thời gian để nỗ lực và thực hành thiền đều đặn với mục tiêu là hướng đến những thành tựu về tâm linh như sau:

Thứ nhất, thiền giúp chúng ta hoàn toàn tỉnh giác về những gì đang diễn ra trong thân và tâm ngay tại đây và ngay bây giờ. Bởi vì thông thường thì tất cả chúng ta đều sống giữa ban ngày mà như đi mộng du, tâm trí chỉ lo nghĩ nhớ về quá khứ và mơ tưởng về tương lai. Chánh niệm luyện cho chúng ta cắt ngang màn sương mù và mang sự chú tâm về lại giây phút hiện tại.

Thứ hai, nhờ vào sự tỉnh giác mới này, chúng ta có thể đánh giá được mục đích và sự phù hợp của mọi sự việc mình nói và làm. Kết quả là, chúng ta tạo ra được nhiều sự lựa chọn khôn ngoan và lợi lạc hơn trước kia.

Thứ ba, thiền dạy cho chúng ta nhìn thấy được thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và thức [sắc, thọ, tưởng, hành, thức] một cách chính xác đúng-như-chúng-là trong từng mỗi khoảng khắc. Nhìn thấy rõ chính bản thân mình là một bước đầu căn bản cần phải có để chúng ta tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc sống của mình.

Thứ tư, khi sự thực hành của chúng ta càng thêm sâu sắc, chúng ta có thể nhìn thế giới xung quanh ta theo một cách đặc biệt, không hề méo mó hay xuyên tạc. Chúng ta đi đến hiểu biết rằng mỗi sự vật tồn tại — bao gồm cả chúng ta—đều tương quan và phụ thuộc với sự vật khác, và trong đó, tất cả mọi sự vật đều luôn luôn đang biến đổi. Vì lẽ này, chúng ta hiểu được rằng, chẳng có gì, chẳng có cá nhân nào, nơi nào, sự vật nào, hay hoàn cảnh nào có thể tồn tại thường hằng và mỹ mãn cả. Tất cả đều là bất toại nguyện và là khổ.

Thứ năm, và cuối cùng, chúng ta học cách dành hết thời gian và nỗ lực vào sự quán chiếu và hành thiền, nhận biết rằng chỉ có đi theo con đường của Phật thì mới hy vọng tìm được niềm hạnh phúc và an lạc vĩnh hằng. Nói tóm lại, thiền chánh niệm [thiền Minh Sát] huấn luyện cho tâm luôn được tỉnh giác suốt 24 giờ một ngày. Với sự khai sáng mới mẻ này, chúng ta bắt đầu nhận thức được rằng những đối tượng về vật chất thì không phải là chắc chắn và bền vững như là cách chúng ta thường cảm nhận về chúng. Thực tế thì thực trạng của chúng cũng biến đổi và giống tựa những ảo ảnh lung linh trên sa mạc. Cùng một cách nhận thức mới như vậy, chúng ta cũng nhận thấy rằng những ý nghĩ và cảm giác của chúng ta là luôn luôn ở dạng một dòng chảy. Đúng đích thực, chúng chỉ xuất hiện và biến mất chớp nhoáng, giống như những bọt bóng xà bông. Sự tỉnh giác giúp chúng ta bước ra khỏi dục vọng nắm-giữ những sự vật và những con người với ý nghĩ ‘đây là của Ta’, và cố chấp một cách sai lầm rằng thân và tâm của ta là cố định và bất biến, với ý nghĩ “đây là Ta”, hoặc “đây là bản thân ta”. “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” là một giáo lý mạnh mẽ và công hiệu. Thật như vậy, chính Đức Phật đã hứa rằng bất cứ ai thực hành đúng theo lời hướng dẫn của Phật, miên mật và không bỏ sót phần nào, thì người đó có thể chứng đắc giác ngộ – giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau – ngay trong kiếp sống này; thậm chí có thể chứng đạt một trong bốn thánh đạo quả trong một thời gian ngắn là bảy ngày! Lời hứa bảo đảm của Phật nghe rất đáng ngạc nhiên, nhưng nó mang lại ý nghĩa tuyệt luân cho sự mong mỏi của những người đi tìm sự vĩnh hằng. Hãy thử tưởng tượng tâm của bạn sẽ trong sạch và sáng tỏ đến mức nào nếu chúng ta luôn luôn chánh niệm vào từng giây phút tỉnh giác liên tục trong suốt một ngày từ sáng đến tối. Rồi tưởng tượng tâm của bạn sẽ càng trong sạch và sáng tỏ đến mức nào nếu bạn chánh niệm miên mật như vậy suốt hai ngày, ba ngày, hay bốn ngày… Khi chúng ta chánh niệm liên tục, không gián đoạn, thì tâm càng được trong sạch và trở nên sáng tỏ. Mỗi ngày chúng ta thực hành chánh niệm thì chúng ta càng xích lại gần hơn đến sự giác ngộ và giải thoát.

Thiền sư Henepola Gunaratana