CHIA SẺ

Hai mươi năm sau khi Phật giác ngộ, một tu sĩ tên là Ananda trở thành người hầu cận của Phật. Một ngày nọ ngài Ananda hỏi Phật:
“Thưa Thế Tôn, nếu người ta hỏi con rằng Thế Tôn có còn thực hành thiền hay không, con sẽ trả lời họ ra sao?” Đức Phật trả lời “Có. Phật vẫn còn tiếp tục thiền.”
“Vậy Thế Tôn đang thực hành loại thiền gì?”, ngài Ananda hỏi.
“Chánh niệm về hơi thở”, Phật đáp lại.

Thiền về hơi thở là phương cách lý tưởng nhất để bắt đầu thực tập sự chánh niệm. Hơi thở là hành động đều đặn nhất của thân chúng ta. Tâm luôn luôn có thể quay về hơi thở như một đối tượng mục tiêu, bởi vì hơi thở luôn luôn có sẵn nơi chúng ta. Chúng ta không cần phải được dạy để thở. Chúng ta cũng không cần phải có kinh nghiệm thiền tập lâu năm mới có thể đặt sự chú tâm vào hơi thở. Hơi thở cũng chính là nguồn lực sống của chúng ta. Không có bộ phận nào trong cơ thể có thể hoạt động nếu không có nguồn cung cấp dưỡng khí ô-xy mà chúng ta lấy được bằng sự thở vào và thở ra. Hơn nữa, thở không phải là hoạt động của riêng ai. Mọi sinh vật khác nhau về hình dạng và hành vi. Chúng ăn những thức ăn khác nhau. Chúng ngủ ở những nơi khác nhau. Nhưng tất cả mọi sinh vật đều thở. Thở không khác 40 nhau về tôn giáo, những người theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hindu, đạo Hồi… và những người phi tôn giáo đều phải thở. Người giàu và nghèo, tư bản hay xã hội chủ nghĩa, đều thở. Tất cả mọi người và chúng sinh đều phải thở. Khi chúng ta chú tâm vào hơi thở, chúng ta trở nên chánh niệm về bản chất phổ biến này của tất cả mọi chúng sinh. Mặc dù chúng ta đã và đang thở cả một đời, nhưng chúng ta chẳng bao giờ chú tâm vào hơi thở và chẳng bao giờ biết được cái gì đang thật sự diễn ra với hơi thở. Khi ta chú tâm vào hơi thở, chúng ta phát hiện ra mọi thứ đều liên quan đến hơi thở. Việc tu tập sự chú tâm vào hơi thở là căn bản và không thể thiếu được để tạo ra sự bình an cho tâm và sự tiến bộ về tâm linh. Vì vậy, Đức Phật mới khuyên dạy mọi người thực tập thiền về hơi thở. Ngay chính Đức Phật cũng dùng cách thiền về hơi thở để thành tựu mục tiêu tu hành của mình. Sau khi giác ngộ, Phật đã kể lại rằng trước kia Người đã từng thiền tập bằng cách kiểm soát và điều khiển hơi thở một cách cực kỳ khắt khe và kỷ luật. Nhưng Người phát hiện ra rằng phương pháp ép giữ hơi thở hay thay đổi hơi thở như vậy chẳng giúp gì để trừ bỏ được những ô nhiễm trong tâm. Vì vậy, Người đã bỏ cách tập kiểm soát hơi thở và chọn cách thực hành theo con đường trung đạo. Vào buổi chiều tối, trong cái đêm Phật giác ngộ thành đạo, Người đã tự hỏi chính mình: “Ta nên thiền về cái gì?”. Rồi Người nhớ lại: “Àh, lúc còn nhỏ ta đã từng dùng hơi thở. Vậy bây giờ ta sẽ dùng hơi thở để thiền”. Rồi Người bắt đầu chú tâm vào hơi thở như-nó-là. Không điều khiển hay can thiệp gì vào hơi thở. Sau nhiều giờ chánh niệm và định sâu một cách một cách không lay chuyển, mọi sự đều trở nên sáng tỏ đối với Người. Mầm mống cuối cùng của những thói tâm [tập khí] xấu cũng đã biến mất, và Phật đã chứng đắc sự Giác Ngộ – sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau.

Những Lời Hướng Dẫn Của Đức Phật

Trong một trong những bài kinh quan trọng nhất, Đức Phật đã giảng giải một chi tiết về cách thực hành chánh niệm về hơi thở. Phật khuyên mọi người đi đến một nơi yên tĩnh, ví dụ như là một nơi trong rừng hay trong ngôi nhà ít tiếng ồn — một nơi nào vắng vẻ để ta không bị quấy rầy và không còn bận tâm với những mối lo toan hàng ngày. Ngồi ở đó và bắt đầu thiết lập sự chánh niệm “trước mặt”, theo lời Phật dạy. Trong lời dạy này, Phật không phải chỉ chúng ta đặt sự chú tâm vào một cái gì ở trước mặt chúng ta. Mà ý Phật chỉ chúng ta phải chú tâm vào giây phút hiện tại. Chúng ta không thể sống trong quá khứ, cũng không thể sống trong tương lai. Ngay cả khi chúng ta đang nhớ về một điều gì trong quá khứ, chúng ta nên hiểu rằng sự-nhớ đó là đang diễn ra ngaybâygiờ. (Trong tiếng Việt, chúng ta cũng hay dùng cụm từ “ngay trước mặt” hay “ngay trước mắt” để chỉ một sự việc đang diễn ra ngay trong khoảnh khắc hiện tại, ngay trước sự chứng kiến của mắt ta). Chỉ có một nơi và thời gian duy nhất thực sự có mặt cho chúng ta đó là tại đây và ngay bây giờ. Vì lý do đó, chúng ta thiết lập sự chánh niệm bằng cách chú tâm vào ngay cái khoảng khắc của hơi thở-vào và hơi thở-ra. Phật tiếp tục dạy, ngay sau khi ta đã thiết lập tâm có mặt trong khoảng khắc hiện tại, ta bắt đầu ngồi xuống với tư thế thoải mái, hai chân chéo nhau, giữ thân ngồi thẳng — thẳng tự nhiên chứ không phải thẳng một cách cứng nhắc hay gồng cứng. [Những tư thế thoải mái để ngồi thiền sẽ được nói rõ trong chương tiếp theo]. Rồi sau đó ta tập trung tâm vào hơi thở đang đi vào và đang đi ra, vào và ra, vào và ra…

Trong nhiều hướng dẫn, Phật cũng nói về thở hơi thở dài, thở hơi thở ngắn. Chúng ta ý thức được rằng đôi lúc hơi thở nó dài, đôi lúc hơi thở nó ngắn. Sự thay đổi ngắn dài là tự nhiên. Nếu chúng ta nhìn một đứa bé đang nằm ngủ, ta sẽ thấy bé bắt đầu thở đều đặn bình thường. Sau đó bé chuyển qua hơi thở dài. Và lúc khác thì quay lại hơi thở đều đặn bình thường. (Hơi thở lúc đều, lúc ngắn, lúc dài một cách tự nhiên). Phật dạy rằng, khi thở vào hơi thở dài, chúng ta biết “Ta thở vào hơi thở dài” và khi thở hơi ra hơi thở dài, ta biết “Ta thở ra hơi thở dài”. Thở vào hơi thở ngắn, ta biết “Ta thở vào hơi thở ngắn” và thở ra hơi thở ngắn, ta biết “Ta thở ra hơi thở ngắn”. Điều đó không có nghĩa là Phật chỉ ta phải cố ý thở dài hay thở ngắn, không có nghĩa là ta phải hít vào hơi thở dài và đẩy ra hơi thở dài, hay phải hít vào hơi thở ngắn và đẩy ra hơi thở ngắn. Nếu chúng ta o ép hơi thở như vậy, thì hơi thở không thở theo nhịp tự nhiên của nó. Và chúng ta sẽ bị mệt. Thiền về hơi thở không phải là bài tập thể dục về thở. (Không phải như các động tác thể dục hay tập khí công). Khi thiền, chúng ta chỉ đơn giản là dùng hơi thở làm đối tượng để tu tập sự chánh niệm vào đó. (Vì vậy, hơi thở nó thở sao, ta chỉ cần quan sát nó như vậy). Chúng ta khám phá ra được rằng, khi chúng ta chú tâm vào nhịp thở tự nhiên của hơi thở thì hơi thở sẽ êm dịu lại. Đồng thời, tâm cũng lắng lặng xuống. Tất cả đều xảy ra một cách tự nhiên. Sự chú tâm chánh niệm tự nó làm cho hơi thở êm dịu, nhẹ nhàng. Nếu cố ý hay o ép hơi thở thì sẽ tác dụng ngược lại. Khi chúng ta bị kích động hay cố sức làm gì, thì hơi thở sẽ nhanh hơn, gấp hơn. Trong tình huống này, chúng ta nên chú tâm vào hơi thở nhanh và nhận biết sự kích động, thì ta sẽ làm cho tâm dịu lại và sự kích động sẽ tự nó biến mất. Chúng ta cũng nhận biết rằng, khi chúng ta thở vào và thở ra một cách chánh niệm, chúng ta trải nghiệm cảm giác từng hơi thở vào và hơi thở ra. Những cảm nhận sẽ thay đổi khi hơi thở thay đổi. Do vậy, chúng ta quan sát hơi thở thay đổi và những cảm nhận thay đổi đó. Chẳng hạn, chúng ta sẽ nhận thấy rằng đôi lúc hơi thở là cạn, đôi lúc hơi thở là sâu. Đôi khi dễ thở; lúc khác thì khó thở. Chúng ta quan sát những biến đổi đó. Cũng vậy, chúng ta có thể nhận biết những loại cảm giác vi tế [tinh vi], kiểu như cảm giác “một chút bất an và sự giải tỏa bất an”, hay “một chút áp lực và giải tỏa áp lực” vậy. Chánh niệm giúp chúng ta nhận biết được rằng khi phổi chúng ta đầy dưỡng khí, chúng ta cảm thấy ‘một chút’ áp lực hay căng thẳng ở phổi. Và khi chúng ta thở ra, căng thẳng từ từ được giải tỏa. Nhưng đến khi phổi hết sạch dưỡng khí, chúng ta cảm thấy ‘một chút’ bất an bởi vì không có dưỡng khí trong phổi. Vì vậy, ta thở vào và sự bất an từ từ được giải tỏa. Như cách hơi thở vận hành, chúng ta vừa có được sự dễ chịu, nhưng cũng vừa nhận lại áp lực. (Hình như đó là cơ chế sòng phẳng và động lực tự nhiên của sự sống). Dĩ nhiên, chúng ta phải chú tâm vào chu kỳ hơi thở vào ra để nhận biết được những sự thay đổi đó. Rồi chúng ta hiểu ngay được rằng: không thể nào chúng ta tránh né được chúng. Rằng khi chúng ta thở vào, cảm thấy dễ chịu, và rồi căng thẳng. Khi chúng ta thở ra, cảm thấy giải tỏa căng thẳng, và rồi bất an. Nhưng ngay cả cái cơ chế nhỏ bé tinh vi này cũng dạy cho chúng ta được bài học. Đó là: Sau khi đã biết vậy, chúng ta nên chắc nhở mình không nên bực tức hay thất vọng khi chúng ta gặp căng thẳng. Đó là: Khi chúng ta cảm thấy dễ chịu sướng khoái, hãy nhắc nhở mình không nên dính mắc hay tham chấp vào nó. (Đó là bài học giúp chúng ta giữ cho tâm được quân bình và buông xả trong mọi sự sướng hay sự khổ). Vì vậy, khi chúng ta thở vào và thở ra, chúng ta cố gắng duy trì sự buông xả, một sự cân bằng của tâm [sự bình  tâm]. Chúng ta nhắc nhở mình rằng, sự ưa thích những cảm giác dễ chịu [lạc thọ] thường khởi sinh từ tham muốn, và nó sẽ dẫn đến dục vọng về khoái lạc giác quan [nhục dục]. Nhưng khi chúng ta thèm khát khoái lạc, chúng ta thường bị khổ đau, bởi vì cũng giống như tất cả mọi thứ vô thường, khoái lạc rồi cũng đổi thay và phai biến. Chúng ta cũng nhắc nhở mình rằng, thói quen né tránh những cảm giác khó chịu [khổ thọ] thường khởi sinh từ sự bực bội hay bất mãn, và nó có thể dẫn đến sự tức giận [sân, ác ý]. Vì vậy, chúng ta cứ để cảm giác khó chịu đó biến đi, và ta quay lại chú tâm vào hơi thở.

Thân—Hơi Thở

Chúng ta cũng cần chú tâm vào phần bắt đầu, giữa, và kết thúc của từng hơi thở vào và hơi thở ra. Việc tỉnh giác ý thức vào toàn bộ chu kỳ hơi thở được gọi là sự chánh niệm về thânhơi thở. Khi tâm đang tham dự vào thânhơi thở, thì tâm và hơi thở được thư giãn. Khi cả hai được thư giãn, thì thân cũng được thư giãn. Điều này có được như vậy là vì hơi thở là một phần của thân. Việc chú tâm vào thân-hơi thở là một phần của sự chánh niệm “thân trong thân“, theo như lời hướng dẫn của Phật. Sự chánh niệm giúp chúng ta nhìn thấy được hơi thở và thân là không hoàn toàn riêng rẽ.

Chúng ta trải nghiệm được mối quan hệ giữa hơi thở và thân khi chúng ta nhận biết sự lên xuống của vùng bụng khi đang thở vào ra. Một số thiền sư khuyên dạy chú tâm vào sự chuyển động lên xuống của bụng để theo dõi hơi thở vào ra, (như thiền sư Mahasi ở Miến Điện). Khi chúng ta thở vào thì bụng giãn ra, khi ta thở ra thì bụng xẹp lại. Nhưng thực tế, sự chuyển động lên xuống của bụng là bước thứ hai của sự lên xuống của thân. Bước đầu xảy ra ở ngay chóp mũi. Thở vào là sự lên, thở ra là sự xuống. Bằng sự chánh niệm, chúng ta có thể nhận biết một cách siêu vi rằng cơ thể của chúng ta giãn ra [phồng lên] khi chúng ta thở vào và nó co lại [xẹp xuống] khi chúng ta thở ra. Trong khi nhận biết những sự việc này, chúng ta cũng cảm giác được sự giãn ra, sự co lại, và nhiều chuyển động vi tế trong toàn bộ cơ thể. Những chuyển động này cũng xảy ra tương tự trong tất cả sự vật vật chất khác. Ngay cả những bức tường cũng thở! Vào mùa hè, chúng giãn ra; vào mùa đông, chúng co lại. Những nhà vật lý thiên văn cũng đã nói với chúng ta rằng toàn bộ vũ trụ đều thực sự đang luôn luôn co giãn. Tuy nhiên, để thực hành sự chánh niệm cho mục tiêu thiền của ta, ta chỉ cần ý thức chú tâm vào sự co giãn của thân chúng ta mà thôi.

Những Yếu Tố Bên Trong & Bên Ngoài

Một cách khác để chúng ta thấy rõ mối quan hệ giữa hơi thở và thân là nhận biết được hơi thở bao gồm bốn yếu tố: đất, nước, khí, nhiệt. Tất cả mọi vật chất, bao gồm cả thân thể, đều bao gồm những yếu tố này. (Ta thường gọi là bốn yếu tố “tứ đại”, tức là bốn yếu tố lớn, bốn yếu tố chính.) Khi chúng ta thực hành chánh niệm về hơi thở, chúng ta nhận ra yếu tố đất (thể cứng) trong hơi thở làm khởi sinh lên áp lực, sự giải tỏa, và những cảm nhận khác khi hơi thở tiếp xúc với mũi, phổi, và bụng. Tương tự, chúng ta cũng có thể nhận biết hơi thở là khô khi yếu tố nước thấp. Khi chúng ta cảm thấy độ ẩm ướt trong hơi thở, thì yếu tố nước là cao. Chức năng của yếu tố khí là sự chuyển động và năng lượng. Chúng ta trải nghiệm hay cảm nhận được hơi thở là nhờ yếu tố gió (khí động) của nó. Còn nhiệt độ của hơi thở là do yếu tố nhiệt trong nó. Nhiệt biến đổi nóng lạnh. Khi yếu tố nhiệt cao, ta nói hơi thở nóng. Khi yếu tố nhiệt thấp, ta nói hơi thở lạnh.

Bên cạnh bốn yếu tố tứ đại này, những bộ phận trong cơ thể chúng ta – bao gồm cả hơi thở – được phân loại theo bên trong và bên ngoài. Những yếu tố bên trong cơ thể gọi là bên trong; những yếu tố bên ngoài cơ thể là bên ngoài. Nếu nghĩ theo cách phân biệt này, thì hơi thở hít vào là yếu tố bên trong. Khi thở ra, hơi thở hòa vào không khí bên ngoài, thì hơi thở ra là bên ngoài. Chúng ta cũng có thể nói rằng thân trong là sự thở vào, và thân ngoài là sự thở ra.

Trong kinh ‘Đại Kinh Giáo Giới Rahula‘ (Maha Raulavada Sutta), Phật cũng đã giải thích cho người con trai Rahula (La-hầu-la) của mình ý nghĩa những chữ “bên trong” và “bên ngoài” khi nói về bốn yếu tố của cơ thể. Về yếu tố khí, Phật nói rằng: “Bất cứ khí nào nằm bên trong thân một ngườikhí đang đi lên, khí đang đi xuống, khí trong tứ chi, hơi thở vào và hơi thở rathì được gọi là yếu tố khí bên trong“. Phật cũng giảng giải thêm rằng, “Cả yếu tố khí bên trong và yếu tố khí bên ngoài chỉ đơn giản là yếu tố khí“. Chỗ này cũng rất quan trọng, bởi vì chúng ta thường bị dính chấp vào những thứ gì chúng ta nhận thức [tưởng] là thuộc về chúng ta. Nếu nhìn bằng ‘trí tuệ đúng đắn’, chúng ta sẽ biết được ngay cả hơi khí chúng ta hít thở vào [khí bên trong] thì cũng “không phải là của ta, đó không phải là ta, và nó không phải là bản thân ta. Khi người ấy thấy rõ đích thực nó là như vậy…thì người ấy trở nên không còn ảo tưởng với yếu tố khí nữa và làm cho tâm không còn dính chấp vào yếu tố khí nữa“. Đi xa hơn, Phật giảng thêm về yếu tố khí như vầy. Đôi khi không khí bị tác động mạnh (như áp cao, áp thấp khắp nơi) thì nó có thể “cuốn sạch các làng mạc, đô thị, thành phố, quận lỵ và các xứ sở“, ví dụ như những trận bão cuốn hay lốc xoáy. Khi khác thì khí không động, vào tháng cuối cùng của mùa nóng, người ta phải “tìm gió bằng cách dùng quạt hay ống bễ thổi, và thậm chí không một cọng tranh nào ở rìa mái nhà lay động“. Những sự biến đổi theo mùa của khí bên ngoài, mà tất cả chúng ta đã từng nếm trải, chứng minh một cách sinh động rằng “yếu tố khí là lớn mạnh, là vô thường, luôn luôn biến đổi, tàn phai, và biến mất“. Một cách tương tự, bản chất của ba yếu tố đất, nước, nhiệt bên trong và bên ngoài cơ thể cũng giống như vậy. Vì lẽ này, Đức Phật mới bảo rằng, “Thân này là cái gì, khi nó chỉ là sự tham chấp bằng dục vọng và chẳng tồn tại bao lâu?“. Phật nhắc nhở ta rằng, thân này được làm từ bốn yếu tố luôn luôn đang bị tiêu hủy, đang biến mất, hay đang biến đổi. Vì vậy, “Không thể nào coi nó là cái tôi hay của tôi hay thân tôi.”

Hơi Thở & Tập Hợp Uẩn

Từ những giảng giải trên đây về các yếu tố tứ đại trong hơi thở, chúng ta thấy rằng sự chánh niệm về hơi thở chỉ cho chúng ta một hướng đi quan trọng. Nếu chúng ta thực hành theo gương của Phật và dùng hơi thở để xem xét hệ thống thân-tâm như nó là, thì chúng ta sẽ có được trí tuệ nhìn sâu vào một số vấn đề căn bản của Giáo Pháp. Như Đức Phật đã giải thích: “Tất cả các pháp khởi sinh từ sự chú tâm“. Trong số các pháp, chúng ta bắt đầu học hỏi về năm tập hợp [uẩn]—bao gồm các tập hợp về thể vật chất, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và thức [sắc, thọ, tưởng, hành, thức]—Năm tập hợp uẩn này cấu thành nên thân và tâm.

Chúng ta hãy nhìn qua năm uẩn khi áp dụng vào hơi thở. Thân-hơi thở và tất cả những thể vật chất bao gồm cả cơ thể là thuộc về tập hợp vật chất [sắc uẩn]. Chúng ta đã từng ghi nhận chúng ta cảm nhận sự tiếp xúc của hơi thở ở mũi, ở phổi và ở bụng bởi vì hơi thở là một loại thể chất hay thể dạng. Trong từng mỗi khoảng khắc, thể dạng của hơi thở thay đổi, như khi chúng ta chú tâm vào mũi hay bụng. (Ví dụ, thể dạng vật chất của hơi thở là như một luồng khí hẹp đi qua lỗ mũi, nhưng thể dạng của nó thay đổi và tỏa rộng ra khắp nơi trong những bộ phận nằm bên trong vùng bụng.) Bốn tập hợp kia thì mô tả những trải nghiệm về tâm.

Tập hợp cảm giác [thọ uẩn] chỉ về những cảm nhận về hơi thở và cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm theo cảm nhận đó. Sự bất an mà chúng ta cảm giác khi chúng ta cảm nhận hai lá phổi trống không, và cảm giác giải tỏa khi chúng ta thở vào đều thuộc về tập hợp uẩn này.

Thứ ba là tập hợp nhận thức [tưởng uẩn]. Chúng ta có thể dùng hơi thở như một đối tượng thiền chính là bởi vì tâm chúng ta nhận thức được nó. (Nếu tâm không nhận thức được hơi thở thì chúng ta đã không dùng hơi thở để thiền, để quan sát, để chú tâm vào nó).

Thứ tư là tập hợp ý nghĩ [hành uẩn] bao gồm tất cả những hành động của tâm [hành động cố ý, hành động tạo tác], bao gồm cả những ý nghĩ, ý kiến, ý định, và quyết định. (Đây cũng được gọi là những hành động tạo nghiệp bởi vì chúng là những hành vi có chủ ý). Cái ý nghĩ “đây là cảm giác về hơi thở” và sự quyết định chú tâm vào hơi thở đều là thuộc về tập hợp hành uẩn này.

Thứ năm là tập hợp thức [thức uẩn], nó là cơ sở của tất cả mọi trải nghiệm thuộc về tâm. Chúng ta trở nên tỉnh giác biết được những thay đổi trong bốn tập hợp uẩn kia là nhờ có tập hợp thức-uẩn này. Nhưng thức cũng luôn luôn thay đổi khi thể dạng vật chất của hơi thở và những cảm giác, nhận thức, và ý nghĩ thay đổi. (Thức luôn thay đổi khi sắc uẩn của hơi thở và các thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thay đổi). Trong bài kinh nói về chánh niệm hơi thở, Đức Phật dạy chúng ta rằng: “Chánh niệm về tính vô thường, thở vào; chánh niệm về tính vô thường thở ra. Chánh niệm về sự không tham chấp, thở vào; chánh niệm về sự không tham chấp, thở ra. Chánh niệm về sự chấm dứt, thở vào; chánh niệm về sự chấm dứt thở ra. Chánh niệm về sự buông bỏ, thở vào, chánh niệm về sự buông bỏ, thở ra“.

Khi chúng ta áp dụng những lời kinh này vào năm tập hợp uẩn của hơi thở, chúng ta nhận biết tất cả năm tập hợp uẩn đều gồm có ba (3) khoảng khắc vi tế: khoảng khắc khởi sinh, khoảng khắc sống hay kéo dài, và khoảng khắc biến mất. (Sinh, trụ, diệt). Tất cả mọi sự vật hiện tượng [mọi pháp] đều có cùng bản chất này. Hoạt động “sinh, trụ, diệt” này không bao giờ ngừng lại. Đó là bản chất của tính vô thường. Thể vật chất, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và ngay cả thức [sắc, hay thọ, tưởng, hành, hay thức] không bao giờ còn tồn tại một mình ở đâu đó. Chúng chấm dứt không để lại một dấu vết gì. Một khi chúng đã biến mất, thì biến mất vĩnh viễn. Năm uẩn mới: thể vật chất mới, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ và thức mới [sắc, thọ, tưởng, hành, thức mới] luôn luôn xuất hiện. Khi quan sát những bản chất tự nhiên và quy luật tự nhiên này, chúng ta học được cách buông bỏ cái thói tâm tham chấp và luyến ái vào các bộ phận của thân.

Lòng Kiên Nhẫn & Niềm Vui

Ngay sau đây tôi sẽ gợi ý về kỹ thuật căn bản để các bạn bắt đầu thực tập thiền chánh niệm về hơi thở. Hãy dành thời gian để thực tập. Cố gắng đừng mất kiên nhẫn hay nôn nóng trải nghiệm được ngay những điều mới lạ. Hãy để mọi sự bộc lộ và đến với bạn một cách tự nhiên. Người đời ngày nay rất giỏi thao tác mọi việc xảy ra một cách nhanh chóng. Máy vi tính, email, và điện thoại di động là rất nhanh chóng. Máy giặt và máy sấy, máy làm bánh mì ăn liền, và mấy pha cà-phê uống ngay là những tiện nghi tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Nhưng rất nhiều người không có thời gian để cười. Họ không có thời gian để cho niềm vui phát triển một cách tự nhiên. Một ngày nọ, có một người muốn chụp hình tôi và bảo tôi hãy thư giãn và tự nhiên khi ông ấy chụp hình. Khi ông cầm máy sẵn sàng, ông lại bảo: “Thầy, cười lên”. Vì vậy nên tôi hỏi ông ta: “Anh bảo tôi tự nhiên. Bây giờ anh bảo tôi cười lên. Vậy ông muốn tôi tự nhiên hay tôi cười lên?”. Khi điều gì vui hay đáng cười, thì nụ cười sẽ xảy ra tự nhiên. Chúng ta cũng cười khi mình bị stress, căng thẳng, và cười để giúp sự sợ sệt biến mất. Khi khuôn mặt của chúng ta trở nên tĩnh lặng và thanh bình, và chúng ta cười bằng trái tim thanh thản mà không cần phải mở miệng để lộ hàm răng. Đó là kiểu nụ cười của Đức Phật. Theo kinh điển, Phật luôn luôn có một nụ cười trầm mặc và đầy trí tuệ như vậy. Khi chúng ta có được kinh nghiệm bằng sự chánh niệm về hơi thở, chúng ta sẽ dần dần vượt qua được những chướng ngại như buồn ngủ, bất an, và những chướng ngại khác cản trở sự định tâm. Khi tâm được định thâm sâu, chúng ta cười bằng trái tim. Điều này không quá khó hiểu. Như chúng ta đã thấy, hơi thở là một phần của thân. Khi chúng ta thư giãn hơi thở, thân trở nên thư giãn. Hơi thở thì không có tham, sân, si, và nỗi sợ nào cả. Khi tâm hòa nhập với hơi thở thì tâm tạm thời không bị dính tham, sân, si, và sợ hãi. Thư giãn hơi thở, thở vào. Thư giãn hơi thở, thở ra. Thì niềm vui [hỷ lạc] sẽ sinh ra một cách tự nhiên. Với từng bước nhỏ của thiền tập, bạn sẽ có thêm một ít trí tuệ. Hãy thiền tập với lòng kiên nhẫn. Đừng vội vã nôn nóng. Hãy để những trí tuệ tự hiển lộ. Hãy liên tưởng đến ví dụ về những con gà mái nôn nóng. Nó nôn nóng thấy các con gà con nở ra, nên nó cứ đứng lên, lật lật, xoay xoay mấy cái trứng để coi. Nhưng nó chẳng bao giờ thấy con gà con nào nở ra từ những cái trứng đó. Có những con gà mái khác thì kiên nhẫn nằm ấp trứng. Khi trứng được ấp đủ nhiệt lượng và thời gian một cách đúng đắn, những con gà con sẽ từ từ mổ lớp vỏ trứng để chào đời. Lúc đó con gà mẹ sẽ thấy được kết quả những con gà con lành lặn và khỏe mạnh.

Những Điểm Chính để Thực Hành Thiền về Hơi Thở

► Chọn một nơi yên tĩnh, nơi bạn có một mình và không bị quấy rầy.
► Mang sự chú tâm về ngay hiện tại.
► Chọn một tư thế ngồi mà mình thoải mái, ngồi với thân thư giãn và thẳng đứng, không phải thẳng cứng. Tốt nhất là tập cách ngồi kiết già hay bán già.
► Đặt hai tay lên lòng chân, dưới bụng, hai bàn tay ngửa lên, bàn tay phải đặt lên bàn tay trái, hai đầu hai ngón tay cái chạm nhau.
► Nhắm mắt lại, hoặc có thể hé nửa hai mắt.
► Tập trung sự chú tâm vào hơi thở, đi vào và đi ra.
► Để tạo sự chánh niệm sâu hơn, cố gắng đếm: Thở vào và thở ra. Nói thầm “một”. Thở vào và thở ra. Nói thầm “hai”. Thở vào và thở ra. Nói thầm “ba”. Tiếp tục đếm đến mười. Thở vào và thở ra. Nói thầm “mười”. Thở vào và thở ra. Nói thầm “chín”. Thở vào và thở ra. Nói thầm “tám”. Tiếp tục đếm đến một.
► Khi bạn hoàn thành xong vòng đếm như vậy, trụ tâm vào đối tượng thiền chính – đó là hơi thở (hoặc cảm giác, ý nghĩ, hay sự phồng lên-xẹp xuống, hoặc thức).
► Nếu có sự xao lãng như sự bất an, kích động, hay nghi ngờ xảy ra, đừng có theo sự xao lãng mà làm cho nó lớn thêm. Thay vì vậy tự nhắc thầm với mình: “Để ta nghĩ ta bắt đầu từ đâu. Ta đã bắt đầu từ hơi thở. Không khó để tìm lại hơi thở của ta”. Thở nhanh vài nhịp và kéo sự chú tâm về lại hơi thở và nhịp điệu tự nhiên của nó.
► Nếu tâm lăng xăng xao lãng khỏi sự chú tâm vào hơi thở, đừng bực mình. Cứ đơn giản nghĩ rằng từ nãy giờ mình đã đang nghĩ tưởng, vọng tưởng, hay lo lắng lan man. Như vậy là thành công tuyệt vời. Ngay sau đó, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết kéo sự chú tâm về lại hơi thở. Và cứ làm như vậy trong lần kế tiếp, và lần tiếp theo, và lần tiếp theo nữa.
► Khi bạn cảm thấy buồn ngủ hay ngu mờ, hãy cố gắng thêm một chút chú tâm vào cảm nhận về sự tiếp xúc của hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu sự chú tâm mạnh hơn như vậy cũng không giúp được, thì hãy đứng dậy và tiếp tục thiền trong tư thế đứng, hoặc thử tư thế đi thiền. Bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn về hai tư thế đứng và đi thiền này trong chương tiếp theo.
► Nếu bạn bắt đầu thấy đau, cố gắng giải quyết cách bên ngoài trước. Nới lỏng y phục và kiểm tra tư thế ngồi xem mình có đang ngồi xiêu vẹo hay không. Chuyển sang tư thế ngồi nào mà mình có thể duy trì sự cân bằng được lâu nhất (được mô tả trong chương tiếp theo). Nếu những sự điều chỉnh này không giúp được, thì làm việc thẳng với sự đau: dùng cái cảm nhận đau đó làm đối tượng của thiền. Quan sát cảm nhận và quan sát nó thay đổi như thế nào.
► Nếu còn thắc mắc vấn đề gì, hỏi nhờ người có kinh nghiệm thiền để được giúp đỡ. Hãy nhớ rằng có hàng triệu người đã thực hành thiền chánh niệm về hơi thở để đạt được sự sáng tỏ và bình an của tâm.
► Tiếp tục thực hành với lòng kiên nhẫn.

Thiền sư Henepola Gunaratana