CHIA SẺ

Phàm là người thế gian đều phải chịu cái khổ sanh, lão, bệnh, tử. Chúng ta phải biết mình từ đâu sanh ra, chết đi về đâu. Con cái càng đối xử tốt với ta, ta càng khó xa lìa chúng. Vì quyến luyến thế gian nên không biết thoát ly khổ hải, vẫn ở mãi trong vòng luân hồi. Ấy là do nghiệp chướng quá nặng, mà nghiệp chướng là phiền não, là vướng víu, như vướng víu con cái trong gia đình. Mỗi người bị vướng víu khác nhau, nhưng đều vì thế mà quên mất con đường sanh tử của chính mình, thậm chí khi sắp chết, cũng chẳng quan tâm sẽ đi về đâu.

Trẻ con mà đã biết kính Phật đó là nhờ thiện căn từ kiếp trước.

Cho nên nói rằng chúng sanh tùy nghiệp chuyển; chúng sinh nghiệp chướng không giống nhau, không chuyển được nghiệp thì phải luân hồi, chịu phiền não vô tận. Người già biết sám hối thì khỏi thác sanh vào bốn loài; bằng không, ắt sẽ có chỗ của mình trong đó.

Có người hỏi Ngài rằng “Định nghiệp không thể chuyển ? ”, Ngài nói : “Nếu hiểu đạo, tin Phật sám hối Phật thì định nghiệp có thể chuyển được”. Nghiệp cảm của mỗi người không giống nhau; không giác ngộ thì ở cõi Ta-bà mà cho là chốn Cực lạc. Như dòi bọ trong nhà xí, như người ăn thịt đi mua gà vịt ở chợ rất lấy làm sung sướng; khi hiểu ra rồi, mới biết đó là tội lỗi. Người ăn chay nhìn thấy người ăn mặn mắc tội, mới cảm thấy ăn chay là hạnh phúc. Người đang hưởng phước thế gian tự cho mình đang ở thế giới cực lạc, mà chẳng biết hưởng phước như vậy có vĩnh viễn không ? Khi phước hưởng đã hết thì khổ não và phiền não sẽ đến. Cho nên chúng ta đã quy y Tam Bảo, phải thường xuyên niệm Phật, không bận bịu vì con cháu, không vướng víu với người khác, phải vứt bỏ tất cả. Rất ít người được hưởng phước mãn đời, có kẻ hưởng phước bao nhiêu thì lại chịu khổ bấy nhiêu. Ở nhà phải tinh tấn lễ Phật niệm Phật, ít nói chuyện phù phiếm, ngõ hầu thoát khỏi biển khổ.

Con người ai cũng mang nghiệp chướng, mà đời người thì ngắn ngủi; còn nghiệp chướng là còn sanh tử luân hồi. Ngay trong bốn loài, thân người cũng khó được; người phiền não thác sinh vào bốn loài, các loài đều có khổ não riêng, như gà có khổ não của gà . . . Chỉ có niệm Phật thì mới dứt đường sanh tử.

Chúng sanh tùy nghiệp mà lưu chuyển, có kẻ đầu thai làm trâu, heo, gà, bướm …. Chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi phải nhất tâm niệm Phật. Nếu không như vậy thì tùy theo nghiệp mà lăn lộn mãi trong sáu đường. Có người vì mắt phàm không thấy, chẳng tin có luân hồi; song chúng ta có thể nhìn thấy điều đó trong cuộc sống, những súc vật như heo, bò do nghiệp gì mà đầu thai ? Chúng sanh do nghiệp chuyển, muốn nhờ Phật lực chuyển không phải dễ; mong giải thoát quả thực rất khó khăn. Tập khí, cá tính mỗi người khác nhau, nhưng nói chung thân thể ta cũng giống như một địa ngục mà tâm linh vào lưu trú.

Người tại gia khó mà hiểu được sự tu hành của người xuất gia. Cùng là người cả nhưng chúng ta không thể nói “người tại gia giống như người xuất gia”. Người xuất gia biết được căn cơ của người tại gia, có thể hướng dẫn họ về với Đạo mà không đòi hỏi tiền của. Nếu mưu cầu tiền của thì rơi vào tham ái; phải cảm hóa tín chúng tại gia một cách vô hình.

Hai chữ giải thoát không đơn giản; độ chúng sanh cần phải tùy duyên, cần lòng từ bi; không thể đem phương pháp độ người xuất gia mà độ người tại gia. Mong rằng các vị sau này tu hành như chúng tôi, khi có đủ đức hạnh, nói một câu cũng có thể độ được người. Mặc vào chiếc áo của người xuất gia đâu phải là việc giản đơn.

Lại nữa, thế nào là người tội lỗi lại cần được độ ? Bồ Tát Địa Tạng phát đại nguyện thế nào, tại sao các vị không làm giống như Ngài ? Chẳng qua là việc rất khó. Lời nguyện lớn của Ngài là “ Địa ngục còn một chúng sanh, ta thề không thành Phật ”, nếu tâm chúng ta đều phát ra thệ nguyện lớn như Ngài thì địa ngục có thể không còn chúng sanh.

Trong cõi ngũ trược và trong bốn loài, chúng sinh ăn thịt lẫn nhau, Bồ Tát Địa Tạng muốn chúng ta ăn chay là để chấm dứt cái vòng luân hồi sinh tử. Nếu con nói sai, xin Bồ Tát Địa Tạng tha thứ, con xin sám hối với Ngài”.

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật
Nam-mô A-Di-Đà Phật
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Ngày 12 – 7 – 1974

Hòa thượng Quảng Khâm
Trích trong Những lời khai thị của Hòa thượng Quảng Khâm