CHIA SẺ

Một Tỳ kheo trẻ từng là học trò của Ngài Xá-lợi-phất (Sariputa), một trong những vị đại đệ tử xuất sắc của Đức Phật. Khi vị Tỳ kheo trẻ bị quấy nhiễu bởi sự ái dục, ngài Xá-lợi-phất chỉ vị ấy đi vào rừng để thiền quán về sự không trong sạch (bất tịnh) của thân thể. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, vị Tỳ kheo trẻ vẫn thấy ái dục càng gia tăng. Vì vậy, ngài Xá-lợi-phất bèn dắt người học trò đến gặp Đức Phật.

Phật đưa tay cầm một cành bông huệ và bảo vị Tỳ kheo trẻ hãy chánh niệm về màu sắc tươi sáng của bông hoa. Dùng phương pháp này, vị Tỳ kheo đã đạt được những trạng thái tập trung (định) cao.

Do vị Tỳ kheo trẻ rất hài lòng với Đức Phật và cách thiền mà Phật đã gợi ý, nên vị ấy phát sinh một trạng thái tâm dính chấp lớn với Đức Phật.

Khi vị Tỳ kheo đang tập trung, thì vị ấy cứ nhớ đến thân sắc đẹp đẽ, sáng ngời, tĩnh lặng và (phong thái) hoàng tộc, giọng nói nhẹ nhàng, và khuôn mặt thông thái của Phật.

Bất ngờ hình ảnh của Phật xuất hiện trong tâm của vị Tỳ kheo , và vị ấy nghe giọng nói của Phật:

Diệt bỏ sự ràng buộc với cái tự ngã,
Như hoa huệ úa tàn trên tay,
Tu dưỡng con đường dẫn đến bình an,
Là Niết-bàn do bậc Siêu Thoát đã chỉ dạy.

Khi mở mắt ra, vị Tỳ kheo trẻ thấy bông hoa huệ đó, đã từng tươi, sáng, và sống động, nay đã héo tàn.

Như vậy, vị Tỳ kheo trẻ thiền quán về sự vô thường của sắc đẹp, của sự tươi thắm, và đời sống của hoa huệ đó. Quán chiếu rằng cái thân đẹp đẽ, khỏe khoắn, và mạnh mẽ của mình rồi cũng già đi và tàn tạ giống như bông hoa kia, vị Tỳ kheo ấy không còn dính chấp vào thân, vào những cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và thức của mình nữa.

Khi chúng ta nhìn mình trong gương, ta thường cảm thấy tự hào về những bộ phận của cơ thể trông có vẻ đẹp đẽ, và ta cũng thường cảm thấy không hài lòng với những bộ phận trông có vẻ già xấu, không còn hấp dẫn của mình. Những ý kiến đẹp hoặc không đẹp kiểu này sẽ dẫn tới sự mê đắm hoặc chán ghét, hai thái độ thường trực của tâm.

Ưa thích thì dẫn đến sự mê đắm [dính chấp] vào những bộ phận của thân [ví dụ như làn tóc sáng, làn da láng mịn…], và không ưa thích thì dẫn đến sự chê ghét [buồn bực, ác cảm] những bộ phận của thân [ví dụ như hàm răng hô lệch, cái đầu rụng tóc, bàn tay nhăn nheo của mình…]

Chương này tập trung vào việc học cách nhìn vào thân thể của chúng ta một cách khác đi. Thông qua sự chánh niệm, chúng ta nhìn vào thân mình một cách không thiên vị: Thân chỉ là một sự kết hợp của 32 bộ phận —không chỉ những bộ phận bên ngoài chúng ta có thể nhìn thấy trong gương, mà cả những bộ phận bên trong như xương, máu, ruột, gan… Như chúng ta đã nói trước đây, tất cả mỗi bộ phận đều có yếu tố cứng là yếu tố đất, hoặc có yếu tố lỏng là yếu tố nước. Cũng như các đối tượng vật chất khác, mỗi bộ phận đều luôn luôn đang thay đổi. Nói cách khác, tất cả các bộ phận của thân đều là vô thường, giống như “bông hoa huệ héo tàn” trong tâm ảnh của vị Tỳ kheo trẻ về Đức Phật.

Về mặt thực hành, thiền về những bộ phận và những yếu tố của thân mở cho tâm một cách nhìn và chấp nhận thân mình nhưđang, mà không có những phản ứng tình cảm mà người đời và chúng ta vẫn luôn luôn có. (Không mê hay thích, không ghét hay bực tức về những bộ phận mà mình cho là đẹp hay xấu). Điều này giúp chúng ta vượt qua được cái thói tính tự hào và/hoặc tự ghét mình, và từ đó chúng ta có thể nhìn nhận thân mình bằng sự cân bằng của cái tâm buông xả. Phật đã đưa ra một ví dụ để minh họa điểm này: “Ví như có một bao có hai túi miệng đựng đầy những loại ngũ cốc—lúa, lúa nương, lúa thóc, đậu xanh, lúa mì, đậu bò, hạt mè và hạt cải. Và khi một người với đôi mắt sáng, mở miệng bao, người ấy nhận ra các loại hạt ngũ cốc, và nói như vầy: “Này là lúa, lúa nương, này là lúa thóc, này là đậu xanh, này là lúa mỳ, này là đậu bò, này là hạt mè, và này là hạt cải” —nhưchúng. Người ấy không cần phải nói:
“Đây là lúa mì. Tôi ghét lúa mì”. Người ấy cũng không cần phải ý kiến: Đây là hạt cải. Tôi thích hạt cải”.

Tương tự như vậy, chúng ta tu tập để nhìn thấy đúng về thân của ta một cách rõ ràng, giống như một người với đôi mắt sáng nhìn thấy từng thành phần trong cái bao trong ví dụ trên của Phật. Chúng ta khám phá ra rằng bởi vì tất cả các bộ phận trong thân đều phụ thuộc vào bệnh tật, thương tổn, và chết, không có bộ phận nào có thể mang lại sự thỏa mãn dài lâu cho chúng ta. Điều quan trọng nhất, chúng ta thấy được chẳng có một thực thể hay một ‘con người’ nào trong bất kỳ bộ phận nào của thân hay tâm mà chúng ta có thể gọi là cái ‘Ta’. Từ đó, chúng ta cũng suy ra rằng thân của chúng ta cũng là vô ngã.

Ghi nhớ ví dụ trên của Đức Phật, chúng ta có thể gọi tên cách này là cách “Thiền về ngũ cốc”, có ý nghĩa là “ngược dòng” hay “ngược ý muốn”. Nói rõ hơn, đây là một cách nhìn mới và đúng về thân thể của chúng ta, nó ngược với cách nhìn đầy kiến chấp theo thói thường của chúng ta.

Chúng ta cần tiếp cận đề tài thiền này một cách cẩn thận, bởi vì việc thiền quán về thân của ta [hoặc về những thân thể của người khác] có thể dẫn đến sự dính-chấp hay mê-đắm về thân, nếu sự chánh niệm không được đúng đắn, như trong trường hợp vị học trò trẻ của ngài Xá-lợi-phất.

Ngược lại, những loại tình cảm khác như không-thích, thậm chí là căm-ghét, đều có thể xảy ra nếu chúng ta không chánh niệm đúng đắn. Mục đích của chúng ta là nhìn xem những bộ phận của thân mình một cách đúng như chúng là, không làm méo mó hay sai khác về chúng; và để chúng ta thấy biết rằng chúng không phải là xấu hay đẹp, mà chúng chỉ đơn giản là những bộ phận của một tiến trình luôn luôn thay đổi.

Năm Bộ Phận Đầu Tiên

Theo truyền thống, thân được bao gồm 32 bộ phận khác nhau. Danh sách liệt kê sẽ được ghi ra sau trong chương này. Để bắt đầu thực tập, chúng ta hãy chú tâm chánh niệm vào năm bộ phận đầu tiên là: tóc, lông, móng, răng, và da.

Chúng ta bắt đầu với những bộ phận này vì chúng là dễ thấy nhất; khi ta gặp bất cứ ai, những bộ phận này ‘bắt’ vào mắt chúng ta nhanh nhất. Sự thật là người đời cũng bỏ ra nhiều tiền để làm đẹp hay trang hoàng cho những bộ phận này. Chúng ta cắt, sửa, nhuộm tóc, làm trắng răng, sửa răng, và làm ‘thẩm mỹ’ da mặt… để cảm thấy mình hấp dẫn và quyến rũ hơn, tuy nhiên, sự thật là, cũng để đánh lừa mọi người về cái diện mạo đích thực của mình.

Chúng ta cũng có thể dễ dàng dùng năm bộ phận này để đại diện cho những bộ phận khác của thân, bởi vì những bộ phận khác đều nằm ở giữa tóc trên đầu và móng dưới chân.

Việc suy xét [quán chiếu] một cách chánh niệm hoàn toàn và đúng đắn một bộ phận trong năm bộ phận này thì cũng đủ cho một số người chứng ngộ được trí tuệ minh sát.

Đúng vậy, ví dụ, khi chúng ta suy xét bằng “sự hiểu biết rõ ràng” về tóc, chúng ta thấy rằng nó luôn luôn thay đổi. Khi chúng ta áp dụng trí tuệ này để quán chiếu soi xét vào tất cả các bộ phận khác của thân, chúng ta nhận biết rằng những gì [bản chất luôn thay đổi] của những bộ phận nhìn thấy bên ngoài thì cũng là bản chất tương tự của các bộ phận khác nằm khuất bên trong da thịt. Đây là một số cách để bắt đầu thiền chánh niệm về năm bộ phận đầu tiên:

Tóc

Bởi vì tóc là luôn luôn dễ thấy được và luôn có mặt trong tâm của chúng ta, nên chúng ta dễ dàng nhìn thấy những thay đổi của tóc xảy ra theo từng ngày và từng tháng, từng năm. Thứ Hai tóc mềm mại và bóng mượt, nhưng đến thứ Ba tóc trở nên xơ cứng hay thậm chí hôi hám, nếu chúng ta không kịp gội đầu. (Nó cần điều kiện tác động thì mới tồn tại và khỏe mạnh được). Qua nhiều năm tháng, tóc thay đổi rõ ràng hơn. Làn tóc xanh đen đã chuyển qua muối tiêu hay bạc trắng, hay rụng đi ít nhiều, và sớm để lộ da đầu ra.

Chúng ta có thể làm sâu sắc trí tuệ này bằng cách nghĩ về cái thái độ của chúng ta đối với mái tóc đã thay đổi như thế nào, tùy theo ‘thời’ của tóc. (Chúng ta ưa thích khi nó còn xuân xanh, và chán chường nhìn nó khi nó bắt đầu bạc phai, gãy rụng). Và liệu có đáng để chúng ta tự hào về tóc khi chúng ta bưng đổ hết một tô canh ngon khi có một cọng tóc rớt vào trong đó?. (Có những người còn ghê tởm và đổ hết đi tô thức ăn ngay cả khi cọng tóc đó là tóc của mình rớt vào). Nhiều người ghê tởm khi một cọng tóc rớt vào thức ăn như vậy, nhưng cũng có những người thì không kinh tởm gì về tóc mà còn có thể dùng tóc cho mục đích thiêng liêng. Chuyện kinh điển kể lại rằng, một vị công chúa tên là Hemamala đã giấu xá lợi răng của Phật vào trong chỗ bím tóc của cô để không ai thấy và lấy cắp, và cô đã mang được xá lợi qua xứ Tích Lan bằng cách đó.

Khi chúng ta quán chiếu về bản chất của tóc bằng “sự hiểu biết rõ ràng”, thì dù là tóc trên đầu hay tóc trong tô canh hay tóc để che giấu xá lợi thiêng liêng: thì thái độ của chúng ta là như nhau. (Tóc là tóc, luôn thay đổi và tàn phai.)

Lông

Thái độ của chúng ta về lông trên thân thể cũng luôn luôn thay đổi. Một người đàn ông có thể luôn dành thời gian với bộ râu của ông ta; ông cắt, tỉa, xoắn, giữ nó và cạo nó để làm tăng thêm nét hấp dẫn, theo ý ông ta. Nhưng nếu cũng bộ râu y hệt nhưng nằm tách riêng khỏi cơ thể thì ông ta có thể nhìn thấy ghét hoặc ghê tởm.

Phụ nữ cũng vậy, họ luôn luôn dành thời gian để chăm chút, sửa đẹp lông mày, lông mi và loại bỏ những phần lông khác mà mình không muốn có. Suy xét về điểm này, chúng ta nhận ra rằng: “Lông chỉ là lông. Dù là lông ở trên thân hay không, nó không có nghĩa gì về bản chất. Hơn nữa, lông trên thân không phải là ‘của tôi’. (Vì nếu là của tôi, khi tôi muốn nó đẹp, mọc hay không mọc, muốn nó không rụng thì sao nó không xảy ra theo ý tôi !). Nó cũng chẳng là tôi hay là bản thân tôi. Nó là vô thường, cũng như bất kỳ mọi thứ khác trong cái thân và tâm này. Nó biến mất. Nó là trống không.”

Móng

Khi nào móng còn ở trên các ngón tay và ngón chân, thì chúng còn hấp dẫn. Nhiều người sơn móng tay bằng nhiều màu thẩm mỹ để tăng sự hấp dẫn của thân mình. Móng rất có ích cho con người vì chúng bảo vệ các ngón tay và ngón chân. Nhưng những phần móng chân được cắt bỏ ra thì không phải là đẹp hay hấp dẫn gì!. Móng tay thường tích đất bụi hay chất dơ bẩn khi chúng ta xử lý, cầm nắm, hay làm việc bằng tay, và dính những phần da chết khi chúng ta gãi móc da dầu, chân, lỗ tai…Vẻ đẹp trẻ trung, mạnh mẽ và khỏe khoắn của móng tay móng chân sẽ trở nên già đi, chuyển sang màu vàng và dễ gảy khi chúng ta già đi. Nấm mốc, móng mọc ngược, và những chỗ bị xước hay bị gãy có thể là những lý do làm cho chúng ta bị đau và khổ sở.

Nghĩ về những bản chất và đổi thay của móng theo cách này, chúng ta  cũng thấy được móng cũng là vô thường. Chúng cũng không phải là cái Tôi’ hay là ‘bản thân tôi’.

Răng

Răng thì có ích hơn nhiều so với tóc, lông, và móng. Chúng ta luôn thấy vui khi răng mình còn mạnh chắc và khỏe khoắn. Nhưng răng có thể làm cho chúng ta khổ sở. Nhiều người sợ phải đến nha sĩ khám răng. Chúng ta  có thể nhớ lại cái cảm giác đau thốn khi nha sĩ đang nhổ cái răng của chúng ta, hoặc cái lúc nha sĩ đang cạo răng, trám răng một cách gây ê buốt. Dù răng từng là hữu ích, mạnh và đẹp như thế nào, nhưng ngay sau khi một cái răng được nhổ ra thì nó lập tức trở thành xấu xí và vô dụng. Ngay cả khi các nha sĩ thường đặt cái răng mới nhổ vào lòng bàn tay chúng ta, chúng ta cũng ít khi nào muốn nhìn lâu cái răng đó hoặc muốn mang nó về nhà làm kỷ niệm. Cũng như những bộ phận khác của thân, răng cũng là vô thường và bất toại nguyện. Mặc dù nó từng ở trong miệng ‘của tôi’, nhưng nó không phải là ‘của tôi’ hay là ‘bản thân tôi’.

Da

Da có thể dấu hiệu của vẻ đẹp, nhưng chỉ khi nó có màu đẹp, trẻ và khỏe khoắn nào đó, và chưa có nếp nhăn. Dĩ nhiên, màu sắc của da có thể thay đổi từ màu đẹp này sang màu đẹp khác khi chúng ta di chuyển sang những vùng khí hậu khác nhau. Da cũng rất hữu dụng. (Thật ra, hầu như tất cả mỗi bộ phận trên thân chúng ta cũng đều hữu ích và có chức năng của nó, trừ một vài thứ phái sinh vô ích như…ruột thừa). Chúng ta nhận biết được những chạm xúc cứng, mềm, thô, và mịn nhờ những thông tin chúng ta nhận được qua da. Da cũng điều hòa thân nhiệt. Khi chúng ta nóng, da giãn nở ra để thân tỏa nhiệt theo đường mồ hôi.

Sự tiếp xúc da-với-da là rất quan trọng đối với những đứa bé sơ sinh, chúng có thể chết nếu không được tiếp xúc với người mẹ hoặc người hộ sản ngay khi chào đời.

Nhưng da cũng là nguồn gốc gây ra khổ, cũng như răng. (Nếu chúng ta nhìn da mình bằng một cái kính lúp thì sẽ thấy rõ được làn da của chúng ta là không ‘đẹp’ tí nào như chúng ta tưởng). Những vết nám hay bệnh da liễu có thể là khó chịu, đau đớn. Mặc dù đã có hàng ngàn thứ mỹ phẩm và phương pháp chăm sóc da, da cũng phải bị nhăn nheo, bị sệ và thâm màu khi chúng ta già đi. Mỗi ngày da chúng ta khô và chết đi. Nếu nhìn kỹ hoặc nhìn bằng kính hiển vi thì chúng ta sẽ thấy được bụi ở trong một ngôi nhà bình thường chứa đầy những phần da chết!. Trong lịch sử nhiều đau thương của nhân loại, rất nhiều người cũng kỳ thị hay phân biệt màu da, mà cho đến tận hôm nay sự phân biệt gây ra nhiều khổ đau đó vẫn còn ít nhiều trong từng lớp học, từng khu phố, từng xứ sở của trái đất này. Suy xét những điều hiển nhiên đó, chúng ta có thể kết luận rằng: “Cũng như những bộ phận khác của thân, da không phải là đẹp đẽ hay xấu xí. Nó là rất hữu ích cho thân thể chúng ta, nhưng nó cũng là một nguồn khổ vì thay đổi, vì bệnh tật. Vì vậy, da cũng là vô thường và bất toại nguyện. Nó không phải là ‘của tôi’. ‘Tôi’ không phải là da. Đó không phải là ‘bản thân tôi’. (Như đã nói, nếu nó là tôi hay là của tôi, thì tôi đã giữ được nó mãi mãi không già và tươi sáng theo ý tôi. Tuy nhiên, nó cứ già đi, nhăn nheo, rồi thâm màu, gớm ghiếc theo năm tháng…cho dù tôi đã cố gắng dùng rất nhiều thứ dưỡng da hay biện pháp đắt tiền để hy vọng giữ cho nó trẻ mãi.)

Chánh Niệm về 32 Bộ Phận của Thân

Những bộ phận của thân mà chúng ta đã xem xét từ nãy giờ chỉ là năm bộ phận đầu tiên trong 32 bộ phận của thân.

Theo truyền thống Phật giáo, tất cả những bộ phận được chia thành hai nhóm chính. Trong đó, 20 bộ phận đầu tiên là thuộc nhóm yếu tố đất. 12 bộ phận còn lại là thuộc nhóm yếu tố nước. Và nhóm nước này lại được phân thành hai nhóm, mỗi nhóm 6 bộ phận.

Phần liệt kê dưới đây là theo cách phân chia theo truyền thống.

• 20 Bộ Phận thuộc nhóm yếu tố đất của thân:

► tóc, lông, móng, răng, da
► thịt, gân, xương, tủy, thận
► tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi
► ruột già, ruột non, toàn bộ bao tử, phân, óc

• 12 Bộ Phận thuộc nhóm yếu tố nước của thân:

► mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ
► nước mắt, bạch cầu, nước bọt, chất nhầy, chất nhờn ở các khớp, nước tiểu

Và dưới đây, tôi xin gợi ý một phương pháp để bắt đầu thiền chánh niệm về ba mươi hai bộ phận của thân.

■ Những Điểm Chính để Thiền v32 Bộ Phận của Thân

Thiền về các bộ phận của thân giúp cho bạn có thể chăm sóc bản thân mình một cách bình lặng khi có vấn đề gì xảy ra. Đôi khi, chúng ta có thể giúp chữa trị nhanh chóng bằng cách tập trung tâm vào bộ phận đang bị đau bệnh để giúp cơ thể truyền những hóa chất tích cực đến bộ phận đó.

Để làm được việc đó, chúng ta cần có sự chú tâm, chánh định và sự quán tưởng mạnh mẽ; việc thực tập thiền này sẽ giúp làm được những việc đó.

Một lợi ích nữa là khi bạn đã hiểu rõ được bản chất của thân, bạn sẽ không còn bị thất vọng sầu não khi bị đau đớn hay bệnh tật, hoặc sẽ không cảm thấy tuyệt vọng với ngay cả cái ý nghĩ về cái chết.

► Bắt đầu việc thiền bằng việc tu dưỡng Tâm Từ đối với tất cả mọi chúng sinh. Niệm tâm từ trước khi thiền để tâm được thanh tịnh.

► Tâm niệm rằng ý định thiền về 32 bộ phận của thân là để vượt qua tính tự-hào và tự-ghét mình vì sự-đẹp và sự-xấu của thân thể của mình; và vượt qua ái-dục và sự-ghê-tởm đối với thân thể của những người khác. Bạn muốn xem tất cả mọi thân thể và các bộ phận của chúng bằng cái tâm cân bằng và buông xả.

► Thiền về năm (5) bộ phận đầu tiên thuộc nhóm yếu tố đất, dùng những cách suy nghĩ như cách tôi đã chỉ ở trên. Hãy tập thiền cho xong năm bộ phận này cho đến khi chúng trở nên rõ ràng trong tâm bạn!

► Sau đó, thiền về năm bộ phận tiếp theo. Suy xét và quán chiếu chúng cũng theo cách thức tương tự mà chúng ta đã dùng để quán chiếu năm bộ phận đầu tiên. Ví dụ, trước tiên hãy nhớ đến sự quan trọng và hữu ích của xương. Chúng giúp thân mình thẳng đứng khi mình đứng và đi và trong tất cả mọi tư thế hoạt động của thân. Nhưng xương có thể cũng là nguồn gốc đau khổ, như bất cứ ai đã bị gãy xương tay, xương chân, hoặc bị các bệnh khác về xương thì chắc đã biết rõ sự đau khổ là như thế nào. Xương cũng bị hư hao, giòn, dễ gãy, và bị đau nhức khi chúng ta càng già đi.

► Kế tiếp, kết hợp hai nhóm bộ phận đầu tiên này lại và thiền về mười (10) bộ phận đầu tiên này. Tiếp tục thêm vào những nhóm năm khác cho đến khi bạn thiền đủ hai mươi (20) bộ phận đầu tiên thuộc nhóm yếu tố đất.

► Nếu bạn muốn nhớ các bộ phận bằng cách lặp đi lặp lại tên của các bộ phận thì cách đó không tốt. Hãy dùng sự tưởng tượng để quán tưởng những bộ phận bên trong, nằm khuất bên dưới da. Suy xét và quán niệm về mỗi bộ phận theo như cách chúng ta đã dùng để thiền quán năm bộ phận đầu tiên.

► Sau đó thêm vào sáu (6) bộ phận đầu tiên của nhóm yếu tố nước của thân, và thiền về sáu bộ phận đó cho đến khi tất cả chúng đều rõ ràng trong tâm bạn. Cuối cùng, thêm sáu (6) đối tượng cuối cùng của nhóm yếu tố nước.

► Khi bạn thiền về mười hai (12) bộ phận cuối cùng của thân, bạn nên nhớ một điều là không có một bộ phận nào trong nhóm này có thể khiến ta tự hào vì có nó, hoặc vì nó giúp ta tạo được sự hấp dẫn với người khác cả. (Bởi vì chúng đều nằm khuất bên trong thân). Tuy nhiên, cũng như mọi chức năng của tất cả những bộ phận khác, những bộ phận thuộc nhóm yếu tố nước cũng là không thể thiếu được và hữu ích. Hãy nhớ rõ những ưu điểm ích lợi này để vượt qua những cảm giác ghê tởm về chúng.

► Nếu có bộ phận nào không rõ ràng trong tâm của bạn, thì hãy tập trung thiền quán vào những bộ phận đã rõ ràng trong tâm. Khi nào bạn đã thiết lập được sự chánh niệm tốt trên những bộ phận đã rõ ràng, rồi sau đó bạn mới quay lại những bộ phận còn mơ hồ, và thiền về chúng cho đến khi chúng cũng trở nên rõ ràng với bạn.

► Thời gian bao lâu để bạn thiền về mỗi bộ phận hay một nhóm bộ phận là còn tùy vào mỗi thiền sinh. Một số người cần ít thời gian, số khác thì cần có nhiều thời gian tu tập hơn người khác thì mới đạt đến sự “chánh niệm” và “sự hiểu biết rõ ràng“.

► Nên nhớ và luôn tâm niệm rằng mục tiêu của bạn là nhận ra mỗi bộ phận trong 32 bộ phận đều là vô thường. Bởi vì mỗi bộ phận đều phụ thuộc vào sự sinh, trưởng, hư hao, bệnh yếu, và chết, nên nó không thể nào mang lại sự toại nguyện dài lâu mãi mãi. Cuối cùng, bạn nhận ra được rằng mỗi bộ phận “không phải là ‘của tôi’, không phải là ‘tôi’, và không phải là ‘bản thân tôi’.” Nói chung, thân này không phải là ‘tôi’ hay ‘của tôi’.

Chánh Niệm về Những Yếu Tố Của Thân

Chúng ta đã từng nói về bốn yếu tố tứ đại [đất, nước, nhiệt, khí] khi ta đã bàn về sự chánh niệm về hơi thở và những tư thế của thân. Như tôi đã giải thích, 32 bộ phận của thân được phân ra thành hai nhóm: nhóm yếu tố đất và nhóm yếu tố nước. Những bộ phận thuộc hai yếu tố đất và nước là hữu hình, dễ thấy, và do vậy là dễ dùng để tu tập sự chánh niệm.

Yếu tố nhiệt và yếu tố khí thì khó hình dung hơn. Tuy nhiên, thiền về những yếu tố này là cũng rất quan trọng cho phần việc phát triển “chánh niệm về thân“, bởi vì chúng chịu trách nhiệm cho các tiến trình không thể thiếu được của sự sống, như là hệ tiêu hóa và tuần hoàn.

Những yếu tố của thân không đơn giản chỉ là những thành tố cấu tạo nên thân, giống như những phân tử cấu tạo nên một vật chất mà các nhà vật lý đã nghiên cứu. Khi những tập hợp uẩn được gắn kết với những yếu tố tứ đại, thì thân tồn tại và sống, hơi thở có mặt. Có lẽ chúng ta nên dùng một ví dụ để làm rõ vấn đề ở chỗ này.

Ví như có một người bán thịt làm thịt một con heo và cắt thành bốn phần. Khi bán thịt, người bán thịt không còn khái niệm về con heo. Chỉ đơn giản là ông ta bán thịt heo— thịt đùi hay nạc hay thịt mông hay thịt của phần khác. Trước khi con heo biến thành thịt heo, nó là một sinh vật sống với đủ năm uẩn: sắc thân, cảm giác, nhận thức, [có lẽ một số] ý nghĩ, và tâm thức – (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Những tập hợp uẩn này được gắn kết với những yếu tố tứ đại khi con heo còn sống. Nhưng khi con heo đã chết đi, chỉ còn lại bốn yếu tố tứ đại mà thôi.

Con người cũng vậy. Khi chúng ta còn sống, năm tập hợp uẩn gắn kết với bốn yếu tố tứ đại của thân. Mọi hoạt động—suy nghĩ, thở, nhận thức, muốn, và ý thức rõ về vô số sự việc— đều khởi sinh tùy theo sự kết hợp của năm uẩn và bốn yếu tố tứ đại. Khi những cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và tâm thức (thọ, tưởng, hành, thức) của đời sống biến mất, thì thân này cũng chết theo. Không có những tập hợp uẩn này thì thân xác chỉ giống như một khúc gỗ hay một cục đá trơ mà thôi. Tất cả cái xác còn lại chỉ là bốn yếu tố tứ đại.

Nếu ta chúng ta suy nghĩ được theo cách đúng như vậy, thì chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy rằng không có sự khác nhau giữa những yếu tố bên-trong thân và bên-ngoài thân.

Cả hai đều là vô thường, khổ, và vô ngã. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn bốn yếu tố để giúp ta dễ dàng phát triển sự “chánh niệm về thân về những tiến trình của thân”.

Đất

Yếu tố đất thì chiếm chỗ, chiếm không gian. Nó là cứng hay mềm. Nó có thể giãn ra hoặc co lại. Nó là nhìn thấy được, là hữu hình và cảm giác được. Nó có hình dạng, kích thước, và màu sắc. Đó là tất cả những định nghĩa chúng ta biết về yếu tố đất. Nhưng mặc dù chúng ta có thể nhìn thấy thân, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy yếu tố đất một cách riêng rẽ trong thân.

Cũng giống như mọi yếu tố, yếu tố đất là vô thường. Dù là to, cứng, mạnh, có màu sắc, hay uy lực đến đâu, yếu tố đất cũng luôn luôn biến đổi. Không có cách nào để cản bước tiến trình tự nhiên này. Tuy nhiên, cũng không có ai có thể làm cho yếu tố đất biến mất. Hãy lấy ví dụ hành tinh Trái Đất: hàng tỷ người như chúng ta có thể tiểu tiện, đại tiện, nhổ khạc lên nó, đào sâu xuống nó, thải rác lên nó…, hoặc ngược lại hàng tỷ người chúng ta cố gắng làm nó trong sạch…

Dù như vậy, dù chúng ta có cố làm gì, yếu tố đất cũng chẳng bao giờ tỏ ra phẫn nộ hoặc hài lòng với chúng ta. Nó vẫn cứ luôn luôn thay đổi theo đường lối của nó, theo (chu kỳ) thời gian riêng của nó, và nó không quan tâm hay liên quan đến những gì chúng ta làm với nó. Tuy nhiên, đất dạy cho chúng ta một bài học: Kiên định và nhẫn nhục. Chúng ta nên bắt chước đất, rất quan trọng: Chúng ta phải vững vàng và kiên định như trái đất về quyết tâm tu tập sự chánh niệm.

Khi chúng ta thiền một cách chánh niệm về yếu tố đất trong các bộ phận của thân, chúng ta cảm giác được sự cứng mềm và sự co giãn. Cảm giác này có thể là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Khi mà chúng ta chú tâm về một cảm nhận nào đó, thì tự nó biến đi, và cảm nhận khác lại khởi sinh. Tiến trình này lặp đi lặp lại liên tục. Nếu chúng ta chỉ chú tâm quan sát mà không định dạng hay khái niệm những cảm giác đó, thì những cảm giác đó sẽ tự động biến mất, chỉ còn lại đơn thuần là sự tỉnh giác của ta mà thôi.
Chúng ta yên lặng và an bình mà không phản ứng gì về cảm xúc. Chúng ta bình tâm, buông xả.

Nước

Yếu tố nước thì lỏng và mềm. Nó luôn chảy xuống. Tất cả mọi bộ phận của thân cần có nước để sống, tất cả chúng sinh đều vậy. Nước có đặc tính dính kết. Bột, hay những chất dạng bột như xi-măng và cát không thể dính kết với nhau, nếu không có nước. Bởi vì tính chất này, yếu tố nước không thể tách rời hoàn toàn khỏi những yếu tố khác. Khi yếu tố nước có nhiều [chiếm ưu thế] trong một bộ phận, chúng ta nói rằng bộ phận đó thuộc nhóm yếu tố nước [như nước bọt, máu, nước tiểu] và những yếu tố khác [chảy, uyển chuyển…] của nhóm nước, mặc dù những yếu tố này cũng có chứa các yếu tố đất, nhiệt, và khí.

Nước đủ mạnh để cuốn trôi những thành thị và xuyên thủng những khối đá núi. Khi sức mạnh của nước được khai thác, nó có thể dùng để cắt cả sắt thép và sản xuất ra điện lực. Chúng ta có thể bắt chước theo nước để khai thác sự tập trung chánh định của chúng ta để nhìn xuyên suốt bên trong một đối tượng thiền, ví dụ như một bộ phận của thân, để chúng ta có thể hiểu thấu và nhận ra bản chất vô thường, khổ và vô ngã của nó. Nước cũng có thể giặt, rửa, cuốn, tẩy sạch những dơ dáy và ô nhiễm, cũng như thiền làm trong sạch và thanh lọc tâm vậy. Nhưng một dòng nước thì mềm mại, uốn nắn, và nhẹ nhàng. Khi chúng ta thiền, chúng ta cũng phải nên biết linh động, uốn nắn và uyển chuyển như dòng nước để thích ứng được với môi trường sống mà không than phiền, chúng ta cứ ‘trôi chảy’ mà không vấp vào mọi người hay hoàn cảnh gây khó nào.

Tức là chúng ta phải biết khôn khéo, uyển chuyển, ‘lựa đường mà chảy’, chứ không phải để mình rơi vào tình huống để cho những giá trị đạo đức, giới hạnh và sự chánh niệm bị trộn lẫn vào những người không đạo đức, không giới hạnh và không có chánh niệm.

Khi chánh niệm về yếu tố nước một cách chánh niệm, chúng ta cảm giác được hơi nước thẩm thấm vào yếu tố đất. Cảm giác này có thể là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Nếu chúng ta chỉ quan sát nó mà không định dạng hay khái niệm nó theo cảm giác hay ý kiến nào hết, thì nó sẽ tự  biến mất. Chúng ta vẫn tĩnh lặng và bình an, buông xả, không có phản ứng hay xúc cảm nào cả.

Nhiệt

Mặc dù không có bộ phận nào trong 32 bộ phận là thuộc về yếu tố nhiệt, nhưng thân vẫn cần phải có phần nhiệt để duy trì sức khỏe tốt lành. Nhiệt tiêu hóa thức ăn, giữ thân nhiệt, và giúp cơ thể phát triển. Chúng ta nếm trải yếu tố nhiệt khi chúng ta cảm thấy sự ấm, cảm giác bức xạ chiếu sáng, hay cảm giác bị nóng ran ở trong một bộ phận nào đó trong thân.

Nhiệt là cực kỳ hữu ích. Con người dùng lửa để nấu ăn và sưởi ấm. Lửa đốt rác và những thứ phế thải, cũng giống như thiền đốt cháy những ô nhiễm và bất tịnh trong tâm.

Nhưng lửa cũng là nguy hiểm và tàn phá. Nó có thể cháy cho đến khi mọi thứ chỉ còn là tro bụi. Nhưng chúng ta có thể khôn khéo dập tắt những ngọn lửa nguy hiểm bằng nước. Tương tự vậy, khi những ngọn lửa tham, sân, si bốc lên chuẩn bị thiêu rụi sự bình an của tâm, chúng ta có thể dùng sự chánh niệm và chánh định để dập tắt chúng.

Khi chúng ta chánh niệm về yếu tố nhiệt, chúng ta cảm giác được sự tiếp xúc ít, nhiều, hay không có gì về nhiệt. (Nóng, lạnh, hay bình thường). Cảm giác này có thể là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Nếu chúng ta không cần định dạng hay khái niệm những cảm giác này và không cần phản ứng hay cảm xúc gì, thì chúng sẽ tự biến mất, chỉ còn lại đơn thuần là sự tỉnh giác, bình an và buông xả.

Khí

Chức năng của yếu tố khí trong thân là sự dao động và chuyển động. Nó có thể len lỏi vào bất kỳ không gian nào trong thân. Nó chuyển động vào ra hai lỗ mũi khi chúng ta thở; chúng di chuyển giữa những lá phổi, bao tử, và những ruột non, ruột già; nó lưu thông máu và những chất khác; nó thoát khỏi cơ thể khi chúng ta thở ra, ợ ra, hay bài tiết dạng hơi.

Yếu tố gió bên ngoài rất là hữu ích. Nó làm mát cơ thể, như gió mát, và thổi sạch bụi bặm. Khi Đức Phật quan sát cả thế gian để xem có ai chịu lắng nghe và có thể hiểu được Phật Pháp hay không, Phật nghĩ rằng: “Chắc phải có một số người ít có bụi trong mắt. Khi tiếp xúc với luồng gió mát của Giáo Pháp, họ có thể thổi sạch bụi khỏi hai mắt và nhìn thấy chân lý”. Chúng ta thiền với mục tiêu thổi sạch bụi dơ ô nhiễm của tâm. Như Phật cũng từng nói với người con trai của Người là ngài Rahula: “Thiền giống như hơi gió.

Khi chúng ta thiền về yếu tố khí một cách chánh niệm, chúng ta cảm giác được sự tiếp xúc nhẹ, nhiều, hay không có gì. (Ít, nhiều, hay không có gì). Cảm giác này có thể là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Nếu chúng ta không cần định dạng hay khái niệm những cảm giác này, thì chúng sẽ tự biến mất, chỉ còn lại đơn thuần là sự tỉnh giác và buông xả. Chúng ta vẫn tĩnh lặng và an bình.

Khi chúng ta thiền về 32 bộ phận của thân, chúng ta cũng suy xét sự gắn kết của chúng với bốn yếu tố tứ đại. Ví dụ, khi chúng ta hình dung và liên tưởng máu lọc sạch những chất dơ bẩn khỏi cơ thể, bởi vì máu chảy như yếu tố nước và chuyển động như yếu tố khí.

Khi chúng ta thiền về những bộ phận và những yếu tố của thân, chúng ta luôn ghi nhớ rằng mọi bộ phận và yếu tố đều là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Theo như lời Đức Phật nói trong bài kinh (*) về bốn yếu tố tứ đại của thân như sau:

“Này Tỳ kheo, cái “Tôi là” là một sự khái niệm; “Tôi là cái này” là một sự khái niệm; “Tôi sẽ là” là một sự khái niệm; “Tôi sẽ không là” là một sự khái niệm“Tôi sẽ có sắc thân” là một sự khái niệm; “Tôi sẽ là vô sắc” là một sự khái niệm…. Bằng cách vượt qua tất cả những khái niệm, này Tỳ kheo, một người được gọi là một bậc trí hiền an lạc. Và bậc trí hiền an lạc không còn sinh, già, bệnh, chết; người ấy không còn bị lay chuyển và không còn bị kích động. Bởi vì người ấy không còn gì bên trong để tái sinh. Không có sinh, thì sao có già?. Không có già, thì sao có chết?.
Không chết, thì sao có thể bị lay chuyển?. Không bị lay chuyển, thì tại sao phải bị kích động?.”

Sự tỉnh giác sâu sắc về lẽ thật này sẽ giúp chấm dứt mọi khổ đau.

(*) Trích trong Trung Bộ Kinh, Kinh 140 – bài thuyết giảng quan trọng mà Phật đã nói cho người ẩn sĩ trẻ Pukkhusati trong một đêm yên tĩnh trong một xưởng gốm.

Thiền sư Henepola Gunaratana