CHIA SẺ

Một lần nọ Đức Phật đang nói với người đệ tử là Ananda về những nguyên nhân của cái chết. Đức Phật hỏi rằng: “Nếu tuyệt đối không có sự sinh của bất cứ loài nào ở bất cứ nơi đâu, của các trời vào cảnh giới trời, của thiên thần vào cảnh giới thiên thần, của những hồn ma, quỷ thần, con người, loài bốn chân, loài có cánh, và loài bò sát vào cảnh giới của mỗi loài – nếu không có sự sinh của bất kỳ loài nào vào một cảnh giới nào, vậy thì, nếu hoàn toàn không có sự sinh, thì chúng ta có cần quan tâm gì đến già và chết?”.

“Chắc chắc là không, thưa Đức Thế Tôn”, Anada trả lời.

“Vậy thì, Ananda, có phải rõ ràng là có một nguyên nhân, nguồn gốc, khởi thủy, và điều kiện cho sự già và chết. Đó chính là sinh!”.

Chúng ta được sinh ra để chết! Già và chết là những món quà sinh nhật. Như Đức Phật đã dạy, nguyên nhân của sự chết là rất đơn giản: đó là sự sinh! Chúng ta không cần đi tìm những nguyên nhân khác, bởi vì chúng ta đang sống với nguyên nhân đó bên trong chúng ta. Chúng ta tu tập sự chánh niệm về sự chết và vô thường để giúp chúng ta chấp nhận sự thật này đúng như nó là.

Chấp nhận sự không-thể-tránh-được của cái chết là tốt lành hơn về mặt tình cảm và tâm linh, hơn là sống trong sự ngu dốt và vô minh. Đức Phật đã nói rằng: “Chúng sinh phải bị chết nên thường mong ước: ‘Cầu cho cái chết đừng đến với tôi!’”. Nhưng sự cầu mong được sống cũng không tránh khỏi cái chết. Vì sự thật phũ phàng như vậy, nên Phật đã dạy chúng ta thiền về cái chết—và thậm chí dùng xác chết như đối tượng để quán niệm—để huấn luyện chúng ta đối mặt với cái chết tất yếu mà không bị sợ hãi hay mê tín.

Người ta nói rằng nếu có thế giới nào mà người ta sống được đến một ngàn năm, thì có lẽ Đức Phật sẽ không xuất hiện trong thế giới đó, bởi vì nếu sống được một ngàn năm, thì chắc chẳng ai hiểu được cái nghĩa “vô thường”. Ngay cả trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay chỉ có rất ít người sống được một trăm tuổi, vậy mà cũng chẳng có mấy ai có ý thức hay chánh niệm về cái “sự chết không thể-tránh-được” đó.

(Hàng tỷ người vì vô minh, dù biết rằng mình sẽ chết, nhưng suốt đời cũng chẳng bao giờ suy tư hay nghĩ gì về cái chết. Lẽ ra, cái gì hệ trọng đến sinh mạng của mình thì mình phải tìm hiểu về nó, những hầu hết người đời không làm!. Họ đều tránh né khi ai nói về chữ “chết”. Thật là khó hiểu.)

Nhiều người sống được trong những năm tuổi già còn khỏe mạnh thì chỉ lo tự hào hay khoe khoang về cái tuổi thọ của mình, chứ không hề nghĩ đến cái chết không thể tránh được. Nhưng nếu những người đó chịu suy nghĩ và chánh niệm về sự tất hữu của cái chết, thì họ sẽ bớt tự kiêu (về mình, về tuổi thọ của mình…) và có thể họ sẽ bao dung hơn và thông cảm hơn cho những tội lỗi của những người khác. (Ông bà ta thường nói: “Sống nay chết mai, nên phải tập sống hiền bớt lại.”)

Chúng ta không nên chờ đến khi già hay đến khi cái chết gần kề rồi mới chuẩn bị tư tưởng. Sự thực hành chánh niệm về cái chết là cách tốt nhất để chúng ta vượt qua những nỗi sợ hãi và chuẩn bị cho một cái chết thanh bình.

Đúng thật ra, chánh niệm là con đường duy nhất đánh bại được cái chết, như trong kinh Phật đã nói rằng:

Chánh niệm là con đường dẫn đến sự bất tử,

Xao lãng là con đường dẫn đến cái chết.

Người chánh niệm không chết,

Người xao lãng là đã chết rồi.

(kinh Pháp Cú–kệ 21)

Ba Loại Cái Chết

Mọi thứ tồn tại được do [tùy thuộc, nhờ vào] những nguyên nhân và điều kiện thì đều là vô thường. (Thứ gì do nhân duyên tạo ra thì là vô thường. Mọi pháp hữu vi đều vô thường!). Vì chúng ta được sinh ra từ những nguyên nhân và điều kiện [nhân duyên] nên chúng ta cũng vô thường. Khi nào chúng ta hiểu rõ về lẽ vô thường, chúng ta hiểu rõ về cái chết. Như chúng ta đã nói, mọi thứ tồn tại đều có ba lúc: lúc khởi sinh, lúc sống hay trưởng thành, và lúc chấm dứt. Mỗi tế bào trong thân thể chúng ta, mỗi cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và ngay cả bản thân tâm thức [sắc, thọ, tưởng, hành, thức] đều khởi sinh, tồn tại, và biến mất. Đó là bản chất của tất cả mọi sự vật có điều kiện, tức mọi pháp hữu vi.

Đức Phật dạy chúng ta phân biệt ba cái chết: Cái chết tức thì, cái chết thông thường, và cái chết bất diệt. Cái chết tức thì là loại chết trong từng giây khắc, trong từng giây, trong từng sát-na, vì vậy còn gọi là cái chết sát-na. Ví dụ, những tế bào tạo nên cơ thể luôn luôn chết đi trong từng giây. Các nhà sinh học chỉ ra rằng xương của chúng ta sản xuất khoảng 2.5 triệu tế bào hồng cầu trong mỗi giây để thay thế số lượng tế bào chết trong mỗi giây. Cùng một lúc, những cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và thức cũng đang chết đi, và những cảm giác mới, nhận thức, ý nghĩ, và thức mới sẽ khởi sinh và thay thế chúng. Những tiến trình tâm thậm chí còn xảy ra và thay đổi nhanh hơn cả những tế bào và những thứ vật chất (thuộc sắc uẩn). Chúng ta thực tập chánh niệm để tu tập bản thân trải nghiệm được những biến đổi nhanh chóng và khó nhận biết đó của tâm.

Ngược lại, chúng ta trở nên tỉnh giác với những dấu hiệu tàn hoại của những bộ phận của thân chỉ thông qua những dấu vết mà chúng để lại trên thân. (Vô số cái chết trong từng giây sẽ góp phần tạo ra vô số sự già nua trong thân chúng ta). Sau khi cơn bão đi qua, chúng ta nhìn thấy cây cối gãy đổ, nhà cửa sập nát, và nước chảy khắp nơi.

Cũng vậy, qua thời gian sự già nua bộc lộ thông qua những nếp nhăn, răng rụng, lưng còng, bước đi chậm, nói chậm, cổ khan, mắt mờ, ăn không còn ngon, nghe không còn rõ, và tóc bạc… Khi chúng ta thấy rõ những điều này qua thời gian, chúng ta mới nhận ra rằng mình được sinh ra với một tấm vé-một-chiều!.

Khi những tiến trình già này kết thúc, chúng ta nếm trải cái chết thông thường. Tức là cái chết mà chúng ta thường thấy và gọi là “cái chết” trong đời [mạng chung]. (Ai rồi cũng phải chết, người bình thường nào cũng chết, vì sinh lão bệnh tử). Nhưng cái chết này chỉ là cánh cửa mở ra cho một cuộc sống mới. Hết kiếp này lại đến kiếp khác. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã chết và đã bao nhiêu lần chúng ta đã tái sinh. Một vòng đời từ những cái chết sát-na dẫn đến cái chết thông thường và tái sinh thì được gọi là một cuộc-đời, hay một kiếp-sống, hay một chu kỳ sống. Một chu kỳ kế tiếp thì được gọi là một kiếp khác. Hết kiếp này đến kiếp khác, luân hồi sinh tử, gây ra cho chúng ta muôn vàn khổ đau không thể nào kể hết. Mục tiêu của việc thực hành đạo Phật là chấm dứt vòng sinh tử luân hồi một lần và mãi mãi. Đó là sự giải thoát. (Và đạo Phật là đạo giải thoát.)

Sự chấm dứt này được gọi là cái chết bất diệt. Cả hai cái chết tức thì và cái chết thông thường đều là tạm thời. Cả hai đều tạo chỗ cho tái sinh và tái sinh. Kể lại, trong một kiếp sống tạm, chúng ta phải chịu nhiều quá trình đau khổ và phải mất đi những người thân yêu, rồi bệnh tật, già nua, đối diện cái chết…Nhưng nếu chúng ta chết cái chết bất diệt thì mọi khổ đau của chúng ta cũng chết đi mãi mãi.

Chúng ta không còn phải bị trong vòng luân hồi sinh tử nữa. Mọi cái chết đều là một sự chấm dứt, nhưng cái chết bất diệt là một sự chấm dứt tái sinh, là sự chấm dứt không còn sự khởi sinh và chấm dứt nữa (không còn sinh-diệt nữa). Sự chấm dứt này là Niết-bàn, là sự tự do, là sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau. Niết-bàn là an lạc vĩnh hằng.

Những Kinh Nghiệm Cận Tử Của Tôi

Mỗi đêm khi lên giường tôi nghĩ: “Tối nay khi ngủ, tôi có thể chết”. Ý nghĩ đó chẳng làm buồn lòng tôi, vì tôi đã trải qua một ngày làm công việc Giáo Pháp. Tôi rất hạnh phúc để chết với sự thỏa mãn với công việc tốt của một ngày. Tôi cũng đã có một số kinh nghiệm về lúc-gần-chết.

Những kinh nghiệm này dạy cho tôi biết cái chết nghĩa là gì và nó diễn ra như thế nào. Sự hiểu biết này giúp tôi vượt qua nỗi sợ chết. Khi tôi còn nhỏ, đã có nhiều lần tôi sắp chết đuối. Khi còn học tiểu học, tôi và anh tôi hàng ngày phải đi qua cầu bắc qua một con con lạch nhỏ để đến trường và về nhà. Cả hai chúng tôi đều không biết bơi. Mẹ tôi rất sợ rằng chúng tôi có thể chết đuối ở đó. Mỗi ngày nghe tiếng chuông tan trường, mẹ tôi hay ra đứng ở cửa nhà để trông thấy chúng tôi về. Mẹ tôi biết sức hút của dòng nước đó, và việc anh em chúng tôi luôn muốn quăng hết sách vở, xé quần sà-rong và nhảy xuống dòng nước mát đó.

Một ngày nọ, chúng tôi đã làm. Tôi bị cuốn vào dòng nước xoáy ngay lập tức. Tôi cố vùng vẫy để thoát ra, nhưng không thể, dòng nước hút mạnh tôi xuống đáy. Trong giây phút đó, tôi không còn biết gì. Chỉ còn man mán nghĩ được rằng tôi đã sắp chết đuối. Tôi không biết bằng cách nào anh tôi đã kéo tôi lên còn sống được.

Khi tôi lớn hơn một chút, một người anh khác đã cứu tôi khỏi chết đuối dưới một dòng kênh thoát lũ chảy vào một con sông nhỏ. Tôi cũng đã chết đi và sống lại. Nhưng sự sắp chết đuối kinh khủng nhất là vào năm 1945 khi tôi đã mười tám tuổi.

Lúc đó tôi đang chờ một chuyến tàu để đến một ngôi trường dành cho những tu sĩ trẻ. Một sa-di trẻ, khoảng tám hay chín tuổi đã rủ tôi đi bơi dưới bến sông gần đó. Tôi không muốn từ chối một sa-di nhỏ, mặc dù tôi vẫn nhớ là mình không biết bơi. Sau khi chú sa-di đó nhảy xuống sông và hô giục tôi nhảy xuống, tôi đã nhảy xuống. Ngay giây khắc đó, tôi đã biết mình đã phạm phải một sai lầm lớn. Tôi cố vùng vẫy trong chốc lát, nhưng rồi nhanh chóng bị chìm xuống tận đáy bùn của con sông, bị uống rất nhiều nước dơ vào bụng. Khi chú sa-di thấy tôi đang chìm, chú bơi lại nắm đầu tôi kéo lên, nhưng chú quá nhỏ, không thể kéo tôi lên khi tôi đang vùng vẫy. Tôi bị lại bị chìm xuống và bị uống đầy nước ba lần. Lần cuối cùng tôi ngoi được lên mặt nước, tôi chỉ còn thấy cả thế giới mù tối như một quả cầu màu đỏ, và sau đó chìm hẳn xuống đáy song và không còn biết gì. Tôi tỉnh dậy, thấy một người đàn ông đang hô hấp nhân tạo cho tôi vừa xong, và hàng trăm người đang tò mò nhìn tôi sống lại.

Cho đến tận hôm nay, mặc dù đã đi khắp thế gian và vượt qua nhiều đại dương, nhưng tôi vẫn không bao giờ thấy an tâm mỗi khi lại gần nước. Nhưng từ những kinh nghiệm này và những kinh nghiệm cận-tử khác sau đó đã giúp tôi không còn sợ hãi với sự chết. Tôi đã làm hết mình cho đời tôi để sống tốt nhất theo lời dạy của Phật, tôi chỉ đơn giản nói với mình rằng “Tôi đã làm những gì mình có thể làm trong kiếp này”.

Mỗi ngày tôi khi thực hành thiền chánh niệm, tôi đều quán chiếu về tính vô thường của mọi thứ. Ý nghĩ này làm cho tôi vô cùng bình an. Theo tôi, đây là cách chúng ta nên chết, chết với một sự hiểu biết rằng mọi thứ trên đời – kể cả tôi – đều luôn luôn đang thay đổi, đang biến mất, đang chết. (Mọi thứ đều là sinh-diệt. Mọi chúng sinh đều là sinh-tử.)

Chuẩn Bị Cho Cái Chết

Mỗi ngày khi chúng ta ngồi xuống để thiền, chúng ta nên suy niệm về cái chết như là một phần của việc “thiền chánh niệm về thân”. Suy gẫm về sự “không thể tránh được” của cái chết là một cách tốt để chúng ta chuẩn bị cho một cái chết thanh bình và phúc lành. Chúng ta nhớ rằng cuộc sống là ngắn ngủi, cái chết là chắc chắn, và chúng ta không thể nào biết trước được khi nào cuộc sống này sẽ kết thúc. Nếu đã biết đời quá ngắn ngủi, thì chúng ta hãy cố sống với lòng rộng lượng, bố thí, và lòng từ bi đối với mọi người, và cố dành thời gian cho việc tu hành thiền tập một cách nghiêm túc. Luôn đánh thức những cảm giác “thúc giục về tâm linh” (samvega). Khi chúng ta thiền quán về cái chết, chúng ta tâm niệm với chính mình những điều sau:

“Có lẽ ngày mai tôi sẽ chết. Tất cả mọi người trong quá khứ đều đã chết, tất cả những ai đang sống đều đang chết, và những ai sẽ được sinh ra trong tương lai đều sẽ chết, không một ngoại lệ nào. Không có gì chắc rằng tôi sẽ sống làm xong được những việc gì gì đó, hoặc sống đến ngày, tháng, năm nào đó. Trước khi chết, tôi muốn vượt qua những tính xấu như tham, tức, giận, sợ hãi, ghen tỵ, bất an, lo lắng, ham ngủ, tự phụ, dối lừa, hám danh, và những trạng thái tâm ngu mờ khác.

“Đức Phật đã tìm cách phá bỏ những chướng ngại bên trong đó. Nhưng ngay cả Phật, người đã giác ngộ viên mãn, cuối cùng cũng phải chết. Chỉ có hiểu rõ vấn đề này một cách sâu sắc và tâm niệm nó hàng ngày, thì tôi mới có được can đảm để đối diện với cái chết.”

Chúng ta cũng có thể quán niệm những câu nói sau của Đức Phật về cái chết, như là một phần của việc thiền: “Chết luôn luôn đi cùng với sinh.” “Ngay cả những người công thành danh toại trên thế gian cũng đều chết, vì vậy, chắc chắn ta cũng phải chết.” “Ta là người đang chết trong từng mỗi sát-na thì có thể chết trong nháy mắt vào bất kỳ lúc nào.”

Sự sống của con người là vô dấu hiệu; nó dài bao lâu mình không thể biết trước được.” “Như trái cây, khi chín phải rụng, như bình gốm đất cuối cùng cũng bể vỡ, vì vậy, cuộc sống của con người cũng đến lúc kết thúc.” “Không một mảy may dừng lại được, luôn luôn tiến tới trước, cuộc sống tiến về nơi chấm dứt giống như mặt trời mọc lên đi về phía lặn của nó.

Quán Niệm Tử Thi

Một phương diện khác để đối diện với cái chết là tu tập một thái độ thực tế. Những lễ tang tôn kính người chết theo cổ truyền thường là xuất phát từ sự sợ hãi và mê tín, hoặc sự luyến ái với người chết. Những sự mê tín là sự biểu lộ về mặt tâm lý và tình cảm về sự tiếc nhớ người thân đã mất. Sự thờ cúng ông bà tổ tiên ở nhiều nền văn hóa có lẽ cũng xuất phát từ sự luyến ái tiếc thương này. Cũng có một số người luyến tiếc về xác thân mình khi chết. Một số người nói rằng: “Tôi không sợ chết, nhưng tôi chỉ sợ bị chôn hay bị thiêu xác!”. Vì nỗi sợ này, họ thường để lại di huấn cho con cháu phải làm gì với tử thi của họ sau khi họ chết, đúng theo ý nguyện của họ.

Nhưng sự luyến tiếc và mê tín này cản trở cho việc thiền chánh niệm của chúng ta về cái chết. Một số người nói với tôi rằng họ thấy việc chánh niệm về xác chết là gớm ghiếc và họ muốn bỏ qua phần thiền này. Họ không  muốn nghĩ đến những con giòi đục ăn thân xác của những thân yêu của họ. Theo Phật giáo Nguyên thủy Theravada, sau khi những cảm giác, nhiệt, và thức rời khỏi thân, thì thân chỉ còn là xác chết, giống như một khúc cây khô.

Thực dụng mà nói, nó còn tệ hơn một khúc cây. Ít nhất khúc cây vẫn còn dùng được để đốt lửa. Có lẽ khi nguồn lực sống đã lìa thân thì xác chết chỉ còn hữu ích nếu đem hiến cho những sinh viên y khoa để học về giải phẩu học và bệnh lý của con người.

Có lẽ, một lý do khiến chúng ta sợ hãi và mê tín là do ngày nay ít người có cơ hội nhìn thấy hay đụng vào tử thi. Ngay cả khi có cơ hội, người ta cũng không làm. Họ thường mướn những người bên dịch vụ tang lễ làm và lo xử lý tử thi của thân nhân họ, theo ý của họ. Họ thường nói: “Tôi không muốn nhìn hay đụng đến tử thi của mẹ hay cha tôi. Tôi chỉ muốn nhớ những người thân yêu như lúc họ còn sống khỏe mạnh”. Tất cả việc họ cần làm là trả tiền hóa đơn cho bên dịch vụ tang lễ. Cái kiểu suy nghĩ và làm như vậy, về mặt ý nghĩa, là một loại mê tín.

Thật ra, vào thời Đức Phật, người ta thường quấn tử thi bằng vải trắng rồi quăng ra ngoài bãi hoang, không chôn, để cho những loài thú có thể đến ăn. Dường như họ muốn ít nhất tử thi cũng có giá trị làm thức ăn cho những sinh vật khác. Những Tỳ kheo được chỉ dạy đi đến đó để lượm những mảnh vải người ta dùng để quấn tử thi. Y cà-sa của Phật cũng được may bằng những mảnh vải được lượm ngoài nghĩa địa. Hơn nữa, sau khi họ đã hiểu được ý nghĩa của việc “chánh niệm về thân”, Phật mới hướng dẫn những Tỳ kheo quán niệm về xác chết như là đối tượng thiền. Sự thực hành này được gọi tên là “thiền quán về nghĩa địa” hay “thiền quán tử thi”. Đây là cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi và mê tín về cái chết.

Mặc dù chúng ta ít có cơ hội chứng kiến sự hư thối của những xác chết như vào thời của Phật, chúng ta có thể sử dụng sự tưởng tượng để suy gẫm [quán tưởng] về những gì xảy ra đối với cái xác thân sau khi chết. Thiền về đề tài này không phải làm chúng ta buồn đau hay tuyệt vọng. Mà ngược lại, đó là cách tốt nhất để chúng ta phát triển sự chánh niệm về sự vô thường của xác thân ta. (Từ đẹp đẽ đáng quý ngày nào nay trở thành hôi thúi, gớm ghiếc và thành đất bụi). Tuy nhiên, sự chánh niệm về những giai
đoạn hư hoại khác nhau của một xác chết đòi hỏi thiền sinh có một mức độ chín chắn về tâm linh và bình-tâm về cảm xúc.

Một khi bạn đã thực tập hết các phương diện khác của phần chánh niệm về nhiều thứ của thân, thì bạn có thể đã sẵn sàng thực tập chánh niệm về tử thi. Trước tiên, tưởng tượng một tử thi ở nghĩa địa, một, hai, hay ba ngày sau khi chết. Rồi sau đó so sánh cái thân đang sống của mình với cái tử thi đó bằng những ý nghĩ như vầy: “Đây là bản chất của thân ta. Nó sẽ trở thành giống như tử thi đó. Điều này là không thể tránh được. Hai, ba, bốn ngày sau khi chết, thân của ta sẽ bị sình lên, xám xịt, chảy nước, hôi thối. Nó không còn cảm giác, nhận thức, hay ý nghĩ. Nó thối nát. Động vật ăn nó. Da thịt biến mất ; máu khô mất, gân đứt gãy; xương rớt rời ra. Xương cũng mục nát. Chúng bị mục rã và từ từ tan biến thành bột và bụi đất. Rồi một ngày gió mạnh thổi qua, chỗ bụi đất này cũng biến mất.”

Và chúng ta cũng có thể quán niệm về những câu nói sau của Phật như một phần của việc thiền tập: “Khi nguồn sống, nhiệt, và thức đã rời khỏi xác thân, thì nó chỉ còn là một thứ bỏ đi, làm thức ăn cho những loài khác, không còn ý hành.” “Dù cho còn lâu, nhưng rồi cũng đến ngày thân này sẽ bị vứt đi ngoài bãi đất hoang, bị mất hết tất cả thần thức, giống như một khúc cây vô dụng.

Những Điểm Chính để thực hành Chánh Niệm về Cái Chết

► Đức Phật đã đưa ra nhiều ví dụ để bạn luôn nhớ rằng cuộc sống là ngắn ngủi, cái chết là không thể tránh được, và thời gian chết là không đoán trước được. Ví dụ, Phật nói, sự sống mong manh và nhanh chóng giống như “ngọn đèn trước gió“, “như điện chớp, như bọt nước, như giọt sương, hay như một đường kẻ ngang nước“. Thiền về những ẩn dụ này của Phật chắc chắn sẽ giúp bạn phát triển được sự chánh niệm về cái chết.

► Cũng nên ghi nhớ rằng, không có một người nào đã từng sống, dù là thành đạt, nổi tiếng, hay thánh thiện, mà có thể thoát khỏi cái chết. Ngay Phật cũng chết.

► Cũng ghi nhớ luôn rằng nguyên nhân của chết chính là sinh, và từ lúc ta vừa được sinh ra, ta đã bắt đầu chết.

► Dùng cách thiền để phát triển sự chánh niệm về sự vô thường của tất cả mọi thứ, bao gồm cả sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý nghĩ, và tâm thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), sẽ giúp bạn suy nghĩ một cách thực tế về cái chết.

► Quan trọng, việc chánh niệm về cái chết đánh thức chúng ta về “sự thúc giục về mặt tâm linh“, về sự khẩn trương tu hành để mau được giải thoát. Chánh niệm về cái chết giúp ta chuẩn bị cho một cái chết thanh bình và một sự tái sinh nhiều phúc lành!.

► Sự luyến ái hay luyến tiếc một xác chết một cách mê tín chẳng có ý nghĩa gì. Thiền chánh niệm về cái chết sẽ giúp bạn vượt qua những mê tín này.

► Một khi bạn đã thực tập hết các phương diện của phần chánh niệm về nhiều thứ của thân: “Hơi thở”, “Bốn tư thế của thân”, “Sự hiểu biết rõ ràng”, “32 bộ phận của thân”, “Bốn yếu tố tứ đại”,  và bạn đã đạt được một trình độ chín chắn về mặt tâm linh và bình tâm về mặt cảm xúc, thì bạn nên thiền quán về những giai đoạn [hư hoại, thối nát, phân rã, và tan biến] của tử thi.

Thiền sư Henepola Gunaratana