CHIA SẺ

1 – Tháng Giêng

Theo trí tuệ của Đức Phật, chúng ta thật sự có thể dành cả cuộc sống để chuẩn bị cho cái chết. Chúng ta cũng không phải chờ cái chết đau đớn của một người thân hay cú sốc về một căn bệnh nan y buộc chúng ta nhìn lại đời mình. Chúng ta cũng không bị buộc phải đi tay không vào lúc lâm chung gặp cái bất khả tri. Chúng ta có thể bắt đầu, tại đây và ngay bây giờ, tìm ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta có thể biến mỗi phút giây thành cơ hội để thay đổi và chuẩn bị – một cách toàn tâm toàn ý, chính xác và thanh thản – cho cái chết và sự vĩnh hằng.

2 – Tháng Giêng

Học thiền định là món quà quý báu nhất mà bạn có thể tự ban cho mình trong kiếp sống này. Vì chỉ nhờ thiền định bạn mới có thể đảm nhận cuộc hành trình khám phá chân tánh và nhờ đó, tìm thấy sự kiên định và niềm tin chắc chắn mà bạn sẽ cần để sống, cũng như để chết.

Thiền định là con đường đi tới giác ngộ.

3 – Tháng Giêng

Mỗi khi dạy thiền định, tôi thường bắt đầu bằng câu nói : “Hãy đưa tâm bạn về nhà. Hãy buông xả. Và thư giãn.”

Đưa tâm về nhà có nghĩa là đưa tâm trạng thái an trú nhờ thực tập chánh niệm. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, đưa tâm về nhà là xoay tâm vào trong và an trú trong bản tánh tự nhiên của nó. Điều này chính là thiền định tối thượng.

Buông Xả là giải phóng tâm trí khỏi ngục tù chấp thủ, vì đã nhận ra rằng mọi đau khổ, sợ hãi và rối loạn phát sinh do lòng tham lam chấp thủ này. Ở mức độ sâu hơn, sự thực chứng và đức tin nảy sinh do hiểu biết chín chắn của bạn về bản chất của tâm sẽ thôi thúc lòng độ lượng tự nhiên và sâu rộng giúp bạn buông bỏ mọi luyến chấp để chúng tự tan biến trong nguồn cảm hứng của thiền định.

Thư giãn nghĩa là khoáng đạt, giải tỏa tâm khỏi mọi căng thẳng. Sâu hơn nữa, bạn thể chấp vào trạng thái Rigpa, bản chất chân thật của tâm. Giống như khi đổ một nắm cát lên trên một mặt phẳng thì mỗi hạt cát sẽ yên vị theo đúng bản chất của nó. Đây là cách bạn thư giãn trong chân tánh, để tất cả ý nghĩ và xúc động lắng xuống và tan biến vào trong trạng thái bản nhiên của tâm.

4 – Tháng Giêng

Biết bao nhiêu người trong chúng ta bị cuốn trôi bởi cái mà tôi gọi là “sự lười biếng tích cực”? Dĩ nhiên có nhiều loại lười biếng khác nhau: lười biếng phương Đông và lười biếng phương Tây. Lười biếng phương Đông là không làm gì hết, thả rong vơ vẩn cả ngày ngoài trời, tránh né mọi công việc hay hoạt động có ích để chỉ uống trà hay tán gẫu với bạn bè.

Lười biếng phương Tây thì khác hẳn. Nó nhồi nhét vào đời sống chúng ta những hoạt động đầy hào hứng khiến không còn chút thời gian nào để đối phó với những vấn đề chủ yếu.

Nếu nhìn kỹ cuộc sống, chúng ta thấy rõ ràng là nó đầy ắp những công việc không quan trọng, những cái được mệnh danh là “trách nhiệm”. Một nhà sư so sánh chúng với “việc quản lý nhà cửa trong mơ”. Chúng ta tự nhủ là muốn dành thời giờ cho những việc quan trọng, nhưng không bao giờ có thời giờ cả.

Bất lực, chúng ta nhìn tháng ngày tràn ngập những cú điện thoại, những dự án nhỏ nhặt, với quá nhiều trách nhiệm mà đáng lẽ chúng ta nên gọi là vô trách nhiệm?

5 – Tháng Giêng

Trong cuộc sống, bạn không biểu lộ tình yêu và sự trân trọng, hoặc cầu xin sự tha thứ, thì sự mất mát người thân nhắc nhở bạn một cách sâu sắc về những gì có thể xảy ra và do đó khiến bạn quan tâm hơn đến những người bạn yêu thương.

Elisabeth Kubler-Ross nói: “Điều mà tôi cố giảng cho người ta là hãy sống sao cho trong khi bạn nói những điều đó, người khác vẫn có thể lắng nghe.” Và Raymond Moody, sau khi đã dành cả đời mình cho việc nghiên cứu kinh nghiệm cận tử, viết “ Tôi đã bắt đầu nhận ra rằng chúng ta đã cận kề với cái chết như thế nào trong cuộc sống thường nhật. Giờ đây, hơn bao giờ hết, tôi rất cẩn thận trong việc để người tôi yêu biết tôi cảm nghĩ như thế nào.”

6 – Tháng Giêng

Một phương pháp có tác động mạnh để gợi lên lòng từ bi là hãy nghĩ đến những người khác giống chính như bạn. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích, “Nói cho cùng, mọi người đều giống nhau, được tạo ra bằng da, xương, thịt và máu. Tất cả chúng ta đều muốn tìm hạnh phúc và tránh đau khổ. Hơn thế nữa, chúng ta đều có quyền hưởng hạnh phúc như nhau. Nói cách khác , điều quan trọng là phải nhận ra được tính cách giống nhau của mọi chúng ta”

7- Tháng Giêng

Dù chúng ta nói gì về tính thực dụng, thì thực dụng ở phương Tây thường có nghĩa là lối sống ích kỷ, thiển cận u mê. Sự tập trung “thiển cận” của chúng ta vào kiếp này, và chỉ vào kiếp này thôi, là một lầm lạc lớn, nguồn gốc của lối sống trục vật của thế giới hiện đại. Không ai bàn về cái chết và về kiếp sau, vì con người được đào tạo để tin rằng bàn đến điều đó chỉ làm cản trở cái được gọi là sự tiến bộ xã hội.

Nếu niềm khao khát sâu xa nhất của chúng ta là thật sự được muốn sống và sống mãi thì , tại sao chúng ta cứ khăng khăng một cách mù quáng rằng chết là hết? Tại sao không để ra một chút cố gắng thăm dò xem coi có kiếp sau không? Hơn nữa, nếu ta thực dụng như ta quả quyết, thì tại sao không bắt đầu nghiêm túc tự hỏi: Tương lại thực sự của ta nằm ở đâu? Nói cho cùng, rất ít người thọ hơn một trăm tuổi. Rồi sau đó, là cả một thời gian vô tận kéo dài, không sao giải thích được…

8 – Tháng Giêng

Từ quan điểm Phật Giáo Tây Tạng , chúng ta có thể chia toàn bộ sự hiện hữu của con người thành bốn thực tại nối kết liên tục: 1.  Đời sống; 2. Hấp hối và chết; 3. sau khi chết; và 4. Tái sinh.

Bốn đoạn này được biết như là bốn phân giới (bardo)

  • Phân giới tự nhiên của kiếp sống này
  • Phân giới vật vã lúc hấp hối
  • Phân giới tỏa sáng của dharmata hay pháp giới tánh
  • Phân giới nghiệp lực đưa đến tái sinh.

Các phân giới là những cơ hội đặc biệt để giải thoát, vì giáo lý cho biết, có những lúc nhất định nào đó bạn mạnh mẽ hơn nhiều so với lúc khác và được trao nhiều khả năng hơn, để bất cứ điều gì bạn làm đều có tác động mang tính quyết định và ảnh hưởng sâu rộng.

Tôi nghĩ phân giới thì giống như cái khoảnh khắc bạn bước gần mép một vực thẳm,  chẳng hạn cái khoảng khắc một bậc thầy dẫn nhập đệ tử cái bản tánh thiết yếu, độc đáo và sâu thẳm nhất của tâm họ. Tuy nhiên, thời điểm quan trọng nhất là thời điểm lâm chung.

9 – Tháng Giêng

Vạn vật không có sự tồn tại cố hữu của riêng nó và sự thiếu vắng sự tồn tại độc lập này là cái mà chúng ta gọi là “không”. Chẳng hạn khi nghĩ đến một cái cây, bạn có khuynh hướng nghĩ đến một vật thể xác định rõ rệt; và điều này đúng ở mức độ nào đó. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng, rốt cuộc nó không có sự tồn tại độc lập nào.

Khi nhìn và suy ngẫm về cái cây, bạn sẽ nhận thấy rằng nó hòa nhập trong một mạng lưới gồm những mối quan hệ vô cùng tinh vi giăng khắp vũ trụ. Mưa rơi trên lá, gió làm cây đu đưa, đất nuôi dưỡng cây, mùa màng và thời tiết, ánh trăng, ánh sao và ánh nắng – tất cả đều đóng góp vào sự hình thành của cây này.

Càng suy ngẫm về cây, bạn càng khám phá ra rằng mọi thứ trong vũ trụ góp phần làm cho cây trở thành cái mà nó đang hiện hữu; rằng vào mọi lúc, nó không thể tách khỏi bất cứ thứ gì khác; và rằng vào mọi lúc, bản chất của nó đều thay đổi một cách khó nhận thấy. Đây là những gì chúng ta muốn nói khi chúng ta nói rằng vạn vật là không, vạn vật không có sự tồn tại độc lập.

10 – Tháng Giêng

Khi có nhiều người hơn biết bản chất của tâm mình, họ cũng sẽ biết bản chất rực rỡ của thế giới họ đang sống, và sẽ phấn đấu một cách cấp thiết và dung cảm để bảo tồn nó. Thật thú vị khi chữ Tây Tạng dùng để chỉ “Phật tử” là nangpa. Nó có nghĩa là “người bên trong”: người ta tìm kiếm chân lý không phải bên ngoài mà bên trong bản chất của tâm mình. Tất cả giáo lý và tu tập trong Phật giáo đều nhắm vào điểm duy nhất: nhìn sâu vào bản chất của tâm, và do đó, giúp chúng ta thoát khỏi nỗi sợ chết và tỏ ngộ chân lý của đời sống.

11 – Tháng Giêng

Các thiền sư Phật giáo biết tâm thật dễ uốn nắn và sai khiến. Nếu ta huấn luyện được nó, thì không có gì là không làm được. Thật ra, mỗi chúng ta đã được huấn luyện thuần thục bởi luân hồi để tiếp tục luân hồi, để đố kỵ, giành giật, lo âu, buồn rầu, tuyệt vọng và tham lam, để phản ứng một cách giận dữ với bất cứ những gì khiêu khích ta. Thật vậy, ta được huấn luyện đến mức các cảm xúc tiêu cực này nổi lên một cách tự phát, không cần ta hữu ý tạo ra chúng.

Vì vậy, trên hết là vấn đề rèn luyện và sức mạnh của thói quen. Nêu tâm chuyên chú vào sự hỗn độn, thì ta sẽ biết, thậm chí quá rõ, nếu ta thành thật, rằng tâm sẽ trở thành một chúa tể nham hiểm chuyên gây rối loạn, nghiệp ngập, xảo quyệt và luồn cúi quá đáng trong lề thói nô lệ của nó. Nếu tâm chuyên chú tu thiền sẽ giải thoát bản thân nó khởi ảo tưởng, thì ta sẽ thấy rằng, cùng với thời gian, nhẫn nại, kỷ luật, và rèn luyện đúng hướng, tâm ta sẽ bắt đầu tự gỡ rối và thọ hưởng niềm phúc lạc và trong sáng cố hữu của nó.

12 – Tháng Giêng

Một trong những lý do chính khiến ta gánh chịu quá nhiều khổ não và khó khăn trong việc đối mặt với cái chết là ta bỏ qua chân lý vô thường.

Trong tâm ta, thay đổi luôn sánh vai với mất mát và đau khổ. Và nếu chúng đến, ta cố làm cho bản thân mất sự cảm nhận càng nhiều càng tốt. Ta giả định một cách ngoan cố và mù quáng rằng vĩnh cửu cung cấp sự an toàn còn vô thường thì không. Nhưng thật ra, vô thường giống như người ta mới gặp – lúc đầu, khó khăn và phiền nhiễu, nhưng càng quen biết thì càng trở nên thân thiện, gần gũi hơn.

13 – Tháng Giêng

Con người để trọn cuộc sống để chuẩn bị , chuẩn bị và chuẩn bị… Chỉ để tiếp nhận kiếp sống kế tiếp mà không có chuẩn bị nào.

Drakpa Gyaltsen

14 – Tháng Giêng

Bản chất của tâm là gì? Hãy tưởng tượng bầu trời trống không, bao la, và tinh khiết từ lúc khởi nguyên; yếu tính của tâm giống như thế đấy. Hãy tưởng tượng mặt trời, rực rỡ , trong sáng, không bị che khuất , và hiện diện một cách tự phát, bản chất của tâm cũng giống như thế. Hãy tưởng tượng mặt trời đó chiếu sáng một cách vô tư lên chúng ta và vạn vật, thâm nhập vào mọi ngõ ngách; năng lượng của tâm, một biểu thị của lòng từ bi, thì cũng giống như thế : Không gì có thể cản trở nó thâm nhập mọi nơi.

15 – Tháng Giêng

Lòng từ bi không cần cố gắng có thể nảy sinh nơi những người chưa nhận ra được chân tánh của họ. Nó vô hạn đến nỗi, nếu nước mắt diễn tả được nó thì bạn chắc sẽ khóc không ngừng. Không chỉ lòng từ bi, mà những phương tiện cực kỳ khéo léo có thể được sinh ra khi bạn nhận được bản chất của tâm. Bạn cũng được giải phóng mọi đau khổ và sợ hãi, như sợ sinh đẻ, sợ chết và sợ trạng thái trung gian. Sau đó, nếu nói đến niềm vui và hạnh phúc phát sinh từ sự tỏ ngộ này, chư Phật phán rằng, nếu bạn gom góp tất cả vinh quang, thích thú, khoái lạc và hạnh phúc trên đời, rồi kết hợp lại thì tất cả những thứ đó cũng không sánh được một phần nhỏ cái phúc lạc mà bạn hưởng được tỏ ngộ bản chất của tâm.

Nyosshul Khen Rinpoche

 16 – Tháng Giêng

Thật quá gay go để có thể xoay sự chú ý của chúng ta vào bên trong!

Ta dễ dàng vướng vào thói quen cũ, đặt ra những mẫu mực để nó trở lại khống chế ta! Cho dù chúng mang lại đau khổ, ta chấp nhận chúng một cách cam chịu, vì ta đã quen đầu hàng chúng. Ta có thể xem tự do giải thoát như một lý tưởng, nhưng khi động tới những thói quen của mình thì ta hoàn toàn biến thành nô lệ.

Mặc dù vậy, nhờ thiền định ta có thể dần dần đạt đến sáng suốt. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hết lần này đến lần khác rơi vào những mẫu mực cố định, nhưng dần dần chúng ta có thể ngoi lên và bắt đầu thay đổi.

17-Tháng Giêng

Trong tiếng Tây Tạng , từ thay cho “thể xác” là “lü”, có nghĩa là “cái bạn để lại phía sau”, như hành lý. Mỗi lần nói “lü”, ta nhớ rằng, mình chỉ là những lữ khách tạm thời cư trú trong cuộc đời này và trong thể xác này. Ở Tây Tạng , dân chúng không xao lãng thời giờ vào việc làm cho hoàn cảnh sống thêm tiện nghi. Họ hài lòng nếu họ có đủ thực phẩm, quần áo và một mái nhà.

Nếu cứ tiếp tục thì công việc ấy như chúng ta đang làm, nghĩa là cố cải thiện tình trạng của chúng ta, có thể trở thành một cứu cánh, và đó là một sự xao lãng vô nghĩa. Có người nào mà tâm trí lành mạnh nghĩ đến việc trang hoàng lại căn phòng khách sạn mỗi lần họ thuê để ở không?

 18 – Tháng Giêng

Nghiệp lực không phải là định mệnh hay tiền định. Nghiệp lực có nghĩa là khả năng của chúng ta để sáng tạo và để thay đổi. Nó có tính sáng tạo vì ta có thể quyết định thế nào và tại sao chúng ta hành động. To có thể thay đổi. Tương lai nằm trong tay ta và trong  cả trái tim ta.

Đức Phật nói:

Nghiệp lực tạo ra tất cả như một họa sĩ,

Nghiệp lực sáng tác như một vũ công.        

 19 – Tháng Giêng

Ở Tây Tạng , chúng tôi gọi bản chất cốt lõi của tâm là Rigpa – một ý thức nguyên sơ, thuần khiết, thông minh, hiểu biết, rạng rỡ và luôn tỉnh táo. Bản chất của tâm này, tinh túy tận cùng nhất của nó, tuyệt đối và luôn luôn không bị suy suyển bởi đổi thay hay chết chóc. Hiện giờ, nó đang ẩn kín bên trong cái tâm sem thường nhật của chúng ta, bị bao phủ và che khuất bởi những lăng xăng rộn ràng do ý nghĩ và cảm xúc. Cũng như mây có thể bị thổi tan bởi một trận gió lớn để hé lộ mặt trời rực sáng và bầu trời rộng mở, do đó, trong một vài tình huống, một cảm hứng nào đó có thể vén mở cho ta hé thấy bản chất tâm. Tuy những hé thấy này có mức độ sâu cạn khác nhau, nhưng đều mang lại cho ta tuệ giác, chân nghĩa và tự do.

Đó là do vì bản chất của tâm sự nó chính là căn nguyên của trí tuệ.

20 – Tháng Giêng

Tâm của ta có thể tuyệt vời, nhưng đồng thời, nó cũng có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của ta vì đem lại quá nhiều phiền muộn. Thỉnh thoảng, tôi ước tâm giống như bộ răng giả, có thể lấy ra và để trên bàn cạnh giường ngủ suốt đêm. Ít ra, ta tạm thoát khỏi những hành vi gây xáo trộn và mệt mỏi của nó.

Ta quá phó mặc cho tâm đến nỗi ngay cả khi ta thấy rằng một giáo lý tâm linh làm ta xúc động hơn bất cứ những gì ta từng trải qua, ta vẫn do dự, vì một nỗi ngờ vực nào đó đã bén rễ và không thể giải thích được.

Mặc dù vậy, ta không nên hồ nghi. Phải buông bỏ sự nghi ngờ hay hoài nghi, vốn đã được cho là che chở ta, nhưng không bao giờ làm được, và cuối cùng chỉ làm ta thương tổn.

21 – Tháng Giêng

Một phương pháp thiền định mà nhiều người nhận thấy rất có ích là để tâm an trú thanh thản trên một đối tượng. Bạn có thể sử dụng một cái đẹp trong giới tự nhiên để gợi lên một cảm hứng đặc biệt nào đó, chẳng hạn một đóa hoa hay một vật bằng pha lê. Nhưng một vật thể hiện thân cho chân ký, như hình ảnh Đức Phật hoặc Đấng Christ, hay nói riêng, tôn sư của bạn, thậm chí còn có uy lực hơn.

Tôn sư của bạn là mối nối sống với chân lý, và vì mối quan hệ cá nhân của bạn với vị tôn sư này, chỉ cần thấy gương mặt người cũng đủ liên kết bạn với nguồn cảm hứng và chân lý của tự tánh của bạn.

22 – Tháng Giêng

Hãy tưởng tượng một người đột nhiên tỉnh dậy trong bệnh viện sau một tai nạn xe hơi và thấy rằng mình hoàn toàn mất trí nhớ. Về mặt hình thức, mọi thứ vẫn nguyên vẹn: cũng cùng khuôn mặt và hình dáng đó. Các giác quan và tâm trí vẫn còn đó, nhưng người đó không có một ý tưởng hay một dấu vết ký ức nào về chính mình.

Cũng giống như vậy, ta không thể nhớ con người thực sự của ta, bản tánh nguyên thủy của ta. Điên cuồng và sợ hãi, chúng ta chạy đôn chạy đáo và ứng tác một lai lịch khác, một lai lịch mà chúng ta bám chặt lất với tất cả nỗi tuyệt vọng của kẻ đang rơi vào vực thẳm. Cái lai lịch dối trá được định một cách ngu nguội này là “cái tôi”.

 23 – Tháng Giêng

Một điều thường chưa được nhấn mạnh đủ là, chính sự thật của giáo lý mới cực kỳ quan trọng, chớ không phải cá nhân của người thầy. Đây là lý do tại sao Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta Bốn Điều y cứ ( Tứ y pháp)

Dựa vào thông điệp của người thầy, không phải vào nhân cách người đó ( Y pháp bất y nhân)

Dựa vào ý nghĩa, không phải đưa vào lời ( Y nghĩa bất y ngữ);

Dựa vào ý nghĩa thật sự, không dựa vào ý nghĩa nhất thời ( Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa)

Dựa vào trí tuệ sáng suốt của con, không dựa vào khả năng thông thường ( Y trí bất y thức).

Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là người thầy chân chính là người phát ngôn chân lý :  “sự thể hiện sáng suốt” lòng từ bi của chân lý. Tất cả chư Phật, cao tăng, và nhà tiên tri đều là những biểu hiện của chân lý này, hóa hiện bằng vô số hình dạng từ bi và thiện xảo để hướng dẫn chúng ta, thông qua việc giảng day, trở về với chân tánh.

Trước hết, quan trọng hơn việc tìm thầy là tìm thấy và theo chây lý của lời giảng dạy, vì chính nhờ mối liên kết với chân lý giảng huấn mà bạn khám phá mối liên kết sống động với tôn sư.

24 – Tháng Giêng

Theo truyền thống, chúng tôi tôn kính các cao tăng vì họ thậm chí còn tốt hơn chư Phật. Mặc dù lòng từ bi và pháp lực của chư Phật luôn hiện hữu, nhưng sự u mê ngăn không cho ta có cơ hội mặt đối mặt với chư Phật. Nhưng chúng ta có thể gặp gỡ các cao tăng; họ đang ở đây, sống, thở, nói và hành động trước mặt ta để chỉ cho ta thấy, bằng mọi cách có thể, con đường giải thoát của chư Phật.

Đối với tôi, tôn sư là hiện thân của chân lý sống, là dấu hiệu không thể chối cãi chứng tỏ rằng sự ngộ đạo rất có thể thực hiện trong thể xác này, trong kiếp sống này, trong đời này, ngay cả ở đâu và ngay bây giờ, những cảm hứng tột cùng trong việc hành đạo, trong công việc, trong cuộc sống, và trong cuộc hành trình hướng tới giải thoát của tôi. Các tôn sư, đối với tôi, là hóa thân của việc tôi cam kết rằng phải đặt sự giác ngộ lên hàng đầu trong tâm trí cho đến khi tôi thành đạo. Tôi tuy không biết nhiều, nhưng cũng đủ để biết rằng, chỉ khi nào tôi đạt được giác ngộ tôi mới hiểu rõ về các tôn sư thật sự là ai, và lòng bao dung, yêu thương, trí huệ vô hạn của các ngày.

25 – Tháng Giêng

Niềm ao ước đầy lòng trắc ẩn để đi tới giác ngộ, vì lợi ích của tha nhân, trong tiếng Phạn, được gọi là Bodhicitta hay Bồ đề tâm. Bodhi ( bồ đề) đề cập đến bản tánh sáng suốt của chúng ta, còn citta có nghĩa là “tâm” . Vì vậy chúng ta có thể dịch nó như là “tâm của trí tuệ sáng suốt của chúng ta”. Đánh thức và phát triển bồ đề tâm là kiên định vun trồng hạt giống Phật tánh của chúng ta. Hạt giống mà, cuối cùng, khi sự tu tập lòng trắc ẩn đã trở nên hoàn hảo và bao gồm tất cả, sẽ nở rộ một cách rực rỡ thành quả Phật. Bồ đề tâm, lúc bấy giờ, là căn nguyên và cội nguồn của toàn bộ con đường tâm linh. Đây là lý do tại sao trong truyền thống của chúng tôi, chúng tôi cầu nguyện vô cùng khẩn thiết:

Với những ai chưa khởi phát Bồ đề tâm quý báu,

Xin cầu chúc họ khởi phát,

Với những ai đã rồi,

Xin cầu chúc Bồ đề tâm của họ không giảm bớt

mà càng lúc càng lan tỏa.

26 –Tháng Giêng

Mục đích của sự quán niệm về cái chết là để tạo ra một sự thay đổi thật sự trong tâm khảm chúng ta. Thường thì điều này đòi hỏi một giai đoạn ẩn dật trần tư quán tưởng, vì chỉ như thế ta mới có thể thật sự mở mắt ta đã làm gì với cuộc đời ta.

Suy tư về cái chết sẽ mang lại cho bạn một cảm giác sâu xa hơn về cái mà chúng ta gọi là “sự từ bỏ” , tiếng Tây Tạng là ngéjung. Ngé nghĩa là “thật sự” hay “đứt khoát”, còn jung là “lộ ra” , “ nổi lên” , hay “sinh ra”. Thành quả của sự ngẫm nghĩ thường xuyên  và sâu xa về cái chết là, bạn sẽ thấy mình ngoi lên, thông thường là cảm giác chán ngấy, khỏi những mẫu mực thói quen của bạn. Bạn sẽ thấy mình càng lúc càng thêm sẵn sàng buông bỏ chúng. Rồi cuối cùng, bạn sẽ có thể thoát khỏi chúng một cách êm thấm nhẹ nhàng, “như rút một sợi tóc ra khỏi một miếng bơ”.

27 – Tháng Giêng

Dzogchen Tantras, bí điển cổ xưa mà xuất phát từ đó là những chỉ dẫn về phân giới ( bardo), kể chuyện một loài chim thần thoại, chim garuda ( Kim xí điểu), hoàn toàn trưởng thành ngay lúc được sinh ra. Hình ảnh này tượng trưng cho bản tánh nguyên sơ, vốn đã hoàn hảo của ta. Chim garuda, tuy lông cánh đã phát triển đầy đủ trong trứng, nhưng không thể bay được trước khi trứng nở. Chỉ vào lúc vỏ trứng nứt nẻ, nó mới có thể bay vút lên bầu trời. Tương tự, các tôn sư bảo chúng ta, những phẩm chất của Phật tánh bị thể xác che mờ, và ngay khi thể xác được loại bỏ, các phẩm chất này sẽ hiển lộ rạng rỡ.

 28 –  Tháng Giêng

Tuệ giác mang tính cách mạng của Phật giáo là sinh và tử đều ở trong tâm, không đâu khác. Tâm được phát hiện như là nền tảng phổ quát của kinh nghiệm –  kẻ kiến tạo ra hạnh phúc và đau khổ kẻ sáng tạo những gì mà chúng ta gọi là sự sống và cái mà chúng ta gọi là sự chết.

29 – Tháng Giêng

Dudjom Rinpoche vừa lái xe xuyên qua nước Pháp cùng vợ mình, vừa ngắm cảnh đẹp đồng quê. Họ vượt qua một nghĩa trang dài vừa được sơn mới lại và được tô điểm thêm những bông hoa. Người vợ nói , “Nhìn kìa, Rinpoche! Mọi thứ ở phương Tây sao mà ngăn nắp và sạch sẽ quá. Thậm chí những nơi gìn giữ xác chết cũng tươm tất. Ở phương Đông, ngay cả nhà cửa của người sống cũng không được sạch sẽ như thế.”

Ông ấy trả lời, “ À, đúng, đó là sự thật; đây là một xứ văn minh mà. Họ xây những ngôi nhà thật tuyệt cho xác. Nhưng em không để ý à? Họ cũng có những ngôi nhà tuyệt vời cho những các xác còn sống.”

30 – Tháng Giêng

Nếu bạn ngồi, mà tâm trí của bạn không hoàn toàn hòa điệu với cơ thể – chẳng hạn, nếu bạn đang lo âu hau bị bận tâm bởi điều gì đó – cơ thế sẽ bực bội, và các khó khăn phát sinh dễ dàng hơn. Còn như nếu tâm trú trong trạng thái thanh thản và hứng khởi thì, nó sẽ tác động lên toàn bộ tư thế, bạn có thể ngồi tự nhiên hơn và thoải mái hơn. Vì vậy, thật sự quan trọng khi hợp nhất tư thế của cơ thể với niềm xác tín phát sinh do sự thể nhận rõ ràng bản chất của tâm.

31- Tháng Giêng

Kiến là gì? Nó không có gì khác hơn việc thấy trạng thái thật sự của những sự việc như chúng hiện có; nó là việc biết chân tánh của tâm trí là chân tánh của vạn vật; và nó là việc nhận ra chân tánh của tâm trí là chân lý tuyệt đối.

Dudjom Rinpoche nói: “ Kiến là sự lĩnh hội của cái thấy thuần túy vốn bao hàm mọi nhận thức giác quan và sự tồn tại của hiện tượng, luân hồi và niết bàn. Cái thấy này có hai khía cạnh: ‘không’ là khía cạnh tuyệt đối, và ‘tướng’ hay ‘nhận thức’ là khía cạnh tương đối.”

Đức Sogyal Rinpoche