CHIA SẺ

Khi tôi giảng dạy phương pháp hành Thiền, tôi thích bắt đầu bằng giai đoạn đơn giản là buông bỏ gánh nặng của quá khứ và tương lai. Có lẽ bạn nghĩ rằng đây là một việc dễ làm, nhưng không phải vậy đâu. Buông bỏ quá khứ nghĩa là không nghĩ đến công việc, gia đình, những cam kết, những trách nhiệm, những quãng đời niên thiếu của bạn với tất cả chuyện vui buồn, v.v… Bạn buông bỏ mọi kinh nghiệm quá khứ bằng cách không nghĩ đến chúng nữa. Trong lúc hành Thiền, bạn trở thành một con người không có quá khứ. Bạn không nghĩ đến việc bạn sống ở đâu, bạn sinh ra ở đâu, cha mẹ bạn là ai, bạn được nuôi dưỡng như thế nào. Bạn từ bỏ tất cả quá khứ đó. Bằng cách này, nếu bạn đang cùng hành Thiền với những người khác, tất cả trở thành bình đẳng – bạn chỉ là một thiền sinh. Không có gì quan trọng dù bạn là một hành giả nhiều kinh nghiệm hay chỉ là kẻ tập sự.

Nếu chúng ta buông bỏ tất cả quá khứ ấy, chúng ta trở nên bình đẳng và tự do.Chúng ta tự giải phóng mình khỏi một số điều bận tâm, những tri giác, hay tư tưởng có thể làm giới hạn, ngăn cản ta phát triển sự an tịnh phát sinh nhờ tâm buông bỏ. Mỗi phần đời quá khứ của ta cuối cùng được giải phóng, ngay cả ký ức về những gì chỉ xảy ra vài giây phút trước đây. Dù bất cứ cái gì xảy ra cũng không làm chúng ta quan tâm, chúng ta buông xả hết. Chúng không còn vang vọng trong tâm ta.

Tôi mô tả việc phát triển tâm giống như một căn phòng nhỏ có bọc nệm cách âm. Khi có một kinh nghiệm, một tri giác hay tư tưởng chạm phải bức tường của căn phòng này, nó không dội lại. Nó chỉ chìm sâu vào trong lớp nệm bọc và ngừng ngay. Quá khứ không vang vọng trong tâm thức ta. Một số người nghĩ rằng nếu họ quán tưởng về quá khứ, họ có thể rút ra bài học và giải quyết được vấn đề của họ. Nhưng khi chúng ta nhìn về quá khứ, chúng ta thường nhìn qua một lăng kính lệch lạc. Dù ta nghĩ chúng như thế nào đi nữa, thật sự chúng chẳng phải y như vậy! Đó là lý do tại sao người ta thường tranh cãi về những gì xảy ra thậm chí chỉ vài phút trước đây.

Giới chức cảnh sát điều tra về tai nạn giao thông thường biết rất rõ là hai nhân chứng khác nhau, cả hai đều hoàn toàn thành thật, có thể đưa ra những lời tường thuật mâu thuẫn nhau về cùng một tai nạn. Khi chúng ta thấy được ký ức của chúng ta không đáng tin cậy chút nào, chúng ta sẽ không còn đánh giá quá cao về quá khứ. Chúng ta có thể chôn vùi nó, giống như chúng ta chôn vùi một người đã chết. Chúng ta chôn vùi chiếc quan tài hay hỏa thiêu thi hài người chết, thế là xong.

Đừng vương vấn quá khứ. Đừng tiếp tục mang theo các quan tài chất đầy những khoảnh khắc đã qua. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ tự đè nặng mình bằng những gánh nặng mà thật ra không còn thuộc về bạn. Khi bạn buông bỏ quá khứ, bạn sẽ được tự do trong giây phút hiện tại. Còn đối với tương lai – những dự đoán, sợ hãi, kế hoạch, và mong đợi – cũng cần phải buông bỏ. Có lần Đức Phật đã dạy,” Bất cứ các ông nghĩ đến một việc gì sẽ xảy ra như thế nào, nó sẽ luôn luôn xảy ra khác với điều các ông nghĩ “(Trung BK, 113, 21). Đối với bậc hiền trí thì tương lai rất mơ hồ, không biết được, không tiên đoán được. Dự đoán về tương lai thật là vô ích, và đó luôn luôn là một việc đại lãng phí thì giờ trong lúc hành Thiền.

Tâm Tuyệt Vời và Lạ Lùng

Khi bạn làm việc với tâm, bạn thấy nó thật lạ lùng. Tâm có thể làm được những việc bất ngờ và tuyệt diệu. Những thiền sinh gặp khó khăn khi họ không đạt được trạng thái tâm an tịnh, đôi lúc bắt đầu nghĩ: ”Đây nữa, ta lại phải chịu thêm một giờ bực bội”. Nhưng thường lại có chuyện lạ xảy ra: Mặc dù họ đang dự đoán một sự thất bại, họ lại đạt đến một trạng thái hành thiền rất an tịnh.

Mới đây, tôi nghe nói đến một thiền sinh lần đầu tiên tham dự một khóa thiền ẩn cư mười ngày. Sau ngày đầu tiên, anh ta cảm thấy đau nhức đến nỗi anh ta xin được về nhà. Vị thầy hướng dẫn bảo:” Tôi hứa với bạn là chỉ cần ở lại thêm một ngày nữa thôi, bạn sẽ hết đau nhức”. Thế là anh ta ở lại thêm một ngày nữa, nhưng cơ thể anh vẫn đau nhức tệ hơn. Một lần nữa, anh ta lại muốn về nhà. Vị thầy lặp lại lời hướng dẫn, “Chỉ thêm một ngày nữa thôi, cơn đau nhức sẽ hết”. Anh ta ở lại qua ngày thứ ba, nhưng cơ thể vẫn đau nhức tệ hại hơn nữa. Mỗi buổi tối trong chín ngày đầu tiên, anh đều đến gặp vị thầy để xin về nhà. Và vị thầy chỉ nói, “Chỉ thêm một ngày nữa thôi là hết đau”. Ngày cuối cùng của khóa tu, trong buổi ngồi thiền đầu tiên, anh hết sức kinh ngạc khi thấy cơn đau nhức biến mất và không còn trở lại. Anh có thể ngồi lâu hơn mà không đau chút nào. Anh ngạc nhiên thích thú khi thấy tâm kỳ diệu biết bao trước những kết quả thật bất ngờ anh có thể đạt được. Vì vậy bạn không thể biết được tương lai. Những gì sẽ xảy ra trong tương lai có thể thật lạ lùng, kỳ quặc, vượt ra ngoài những dự đoán của bạn. Những kinh nghiệm của thiền sinh này có thể giúp bạn có đủ trí tuệ và can đảm để buông bỏ mọi ý nghĩ và mong đợi về tương lai.

Trong lúc hành thiền mà bạn cứ nghĩ:”Còn bao nhiêu phút nữa đây? Ta còn phải chịu đựng như thế này đến bao giờ?” nghĩa là bạn đang phóng tâm vào tương lai. Cơn đau nhức có thể biến mất trong nháy mắt. Bạn không thể biết được khi nào chuyện ấy sẽ xảy ra.

Trong một khóa thiền ẩn cư bạn có thể nghĩ rằng không có buổi thiền tập nào của bạn thành công cả. Nhưng trong buổi hành thiền tiếp theo, có thể khi ngồi xuống bạn lại cảm thấy tâm thật thoải mái và an tịnh. Bạn nghĩ: “Ồ, bây giờ mình có thể thiền được rồi”. Nhưng rồi buối ngồi thiền tiếp theo bạn lại cảm thấy bực bội như những lần đầu. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Vị thầy đầu tiên dạy Thiền cho tôi nói với tôi những điều nghe có vẻ rất lạ vào thời đó. Thầy nói rằng không có cái gọi là hành thiền yếu kém. Thầy nói đúng. Tất cả những buổi thiền tập mà bạn gọi là yếu kém hay đầy bực bội ấy chính là giai đoạn bạn làm việc cật lực để được “lãnh lương”. Cũng giống như một người làm việc suốt ngày Thứ Hai mà cuối ngày chẳng nhận được đồng nào. Anh ta nghĩ:” Ta làm việc như thế này để làm gì nhỉ?”. Anh ta lại làm việc suốt ngày Thứ Ba và rồi cũng chẳng nhận được đồng nào. Lại một ngày không ra gì. Cứ thế suốt ngày Thứ Tư đến Thứ Năm anh ta tiếp tục làm việc nhưng vẫn không thấy được đền đáp công lao khó nhọc. Bốn ngày tệ hại liên tục. Cho đến ngày Thứ Sáu. Anh vẫn làm việc y hệt những ngày trước, và cuối ngày ông chủ đã đến trả lương cho anh. Ồ! tại sao mỗi ngày lại không phải là ngày lãnh lương nhỉ?

Tại sao mỗi buổi hành thiền lại không phải là ngày lãnh lương? Bạn hiểu được ví dụ ấy không? Trong những lần cố gắng hành thiền một cách khó nhọc, bạn đã tích lũy vốn liếng, nhân duyên cho sự thành công sau này. Chính các buổi thiền tập đầy khó khăn ấy đã giúp bạn tích lũy sức mạnh để tạo thành động lực đưa đến an tịnh. Rồi khi vốn liếng đã đầy đủ, tâm tự nhiên tiến vào một trạng thái an tịnh thật tốt đẹp, và đó là ngày lãnh lương. Nhưng bạn nên nhớ rằng chính trong những buổi hành thiền sớm. Thật ra, các buổi thiền tập đều có một thời lượng giống nhau, mỗi buổi đúng một giờ.

Khi bạn chờ đợi tương lai bằng cách suy nghĩ:” Còn bao nhiêu phút nữa thì chuông reo nhỉ?” bạn đã tự hành hạ mình. Vì thế hãy thận trọng đừng vác lên vai gánh nặng của thời gian “Còn bao nhiêu phút nữa đây?” hay “Ta phải làm gì tiếp theo nhỉ?”. Nếu đó là điều bạn đang suy nghĩ, thì bạn đã không chú tâm đến những gì đang xảy ra trong hiện tại. Bạn chẳng phải đang hành thiền, mà bạn đang mời sự phiền bực đến quấy nhiễu bạn đấy.

Trong giai đoạn thiền tập này hãy giữ sự chú tâm vào ngay giây phút hiện tại, thậm chí đến mức độ bạn không còn biết ngày giờ, sáng hay chiều? – không cần biết! Bạn chỉ biết có một điều là ngay giây phút này đây. Bằng cách ấy bạn đi vào “thời khắc của tu viện” tuyệt vời, nơi bạn đang hành thiền trong lúc này. Bạn không cần biết bao nhiêu phút đã trôi qua và bao nhiêu phút còn lại. Thậm chí bạn cũng không còn nhớ là ngày nào nữa.

Khi còn là một tăng sinh trẻ tuổi ở Thái Lan, thật sự tôi đã quên đó là năm nào! Thật là kỳ diệu khi được sống trong một cảnh giới phi thời gian, một cảnh giới được tự do hơn nhiều so với cái thế giới bị thời gian chi phối mà chúng ta đang sống. Trong cảnh giới phi thời gian, bạn cảm nhận được phút giây hiện tại – giống như tất cả bậc hiền trí đã từng thể nghiệm được giây phút này hàng ngàn năm nay. Bạn đã đi vào thực tại của bây giờ và ở đây.

Thực tại của bây giờ và ở đây thật huy hoàng và đáng kinh ngạc. Khi bạn đã từ bỏ hết cả quá khứ và tương lai, bạn như là người mới sống lại. Bạn ở đây, bạn đang giữ chánh niệm. Đây là giai đoạn đầu của hành thiền, chỉ cần giữ vững chánh niệm trong giây phút hiện tại. Đạt đến giai đoạn này, bạn đã trải qua nhiều nỗ lực. Bạn đã buông bỏ gánh nặng đầu tiên vốn làm trở ngại cho bước tiến sâu hơn vào thiền định. Vì vậy điều quan trọng là bạn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố cho giai đoạn đầu tiên này thật mạnh mẽ, ổn định và vững chắc.

Thiền sư Ajahn Brahm

Nguyên tác: Mindfulness, Bliss, and Beyond – A Meditator’s handbook ( Từ Chánh niệm đến Giác ngộ – Cẩm nang của người tu thiền)

Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch

Nhà xuất bản Phương Đông