CHIA SẺ

Shamatha là phương pháp thiền định giúp ta phát triển sự nhất tâm, nhờ đó tâm không theo đuổi những niệm tưởng lan man, mà thư thản trong trạng thái tĩnh lặng và thoải mái. Ta cần thực hành shamatha bởi suốt trong những cuộc đời trước đây từ vô thủy, ta đã phát triển những tập quán vô cùng mạnh mẽ của sự che chướng và tư tưởng lan man, chúng làm cho ta không nhận ra bản tánh nền tảng của ta, bản tánh bẩm sinh của tâm. Tâm giống như một đại dương với nhiều con sóng và ta đành phó mặc cho những con sóng niệm tưởng liên tục tung ném.

Khi phát triển shamatha, ta phát triển sự an bình và hạnh phúc sâu xa. Tâm trở nên vui vẻ và thư thản, vì thế thực hành shamatha sẽ mang lại lợi lạc cho ta trong đời này, và nó cũng sẽ làm lợi lạc cho ta trong những đời sau.

Tôi có kinh nghiệm khi tiếp xúc với các hành giả đã phát triển rất tốt và có shamatha kiên cố. Có một vài biểu hiện ở họ cho thấy họ đã phát triển khả năng an trụ trong sự định tĩnh. Chẳng hạn như, điều đầu tiên mà tôi chú ý là những người ấy rất thư thản và nhẫn nại, rất khó làm họ nổi nóng. Dù ở trong hoàn cảnh nào và dù gặp những khó khăn đến đâu chăng nữa, họ cũng không bị rối loạn. Họ không mất đi sự quân bình và tâm họ không mất sự yên tĩnh. Tôi cũng nhận ra rằng thân thể vật lý của họ cũng có một chút khác biệt. Họ không có thân thể của một người bình thường; họ có khuynh hướng khỏe mạnh và vì lý do nào đó, thân thể họ thật khác biệt. Khi có sự hiện diện của những người như thế, tôi cảm thấy vui vẻ và an bình một cách tự nhiên. Tâm thức kiên cố của những người đã phát triển sự an định ảnh hưởng đến tâm của người tiếp xúc với họ. Vì thế nếu ta thực hành shamatha và tự ta phát triển những phẩm tính đó, điều đó không chỉ làm lợi lạc cho ta mà ta cũng có thể làm lợi ích những người khác.

Trái lại, nếu ta nghĩ về hoàn cảnh của ta như những chúng sinh bình thường, ta rất thường bị lầm lạc bởi dòng tư tưởng miên man không dứt của ta, và bị trói buộc và dính mắc vào chúng đến nỗi chúng đưa ta đi khắp nơi.

Shamatha không phải là cái gì ta có được một cách bất ngờ; nó là một thực hành phải được phát triển theo thời gian. Khi ta nhìn vào hoàn cảnh của riêng ta, ta nhận ra rằng tâm ta không phát triển sự kiên cố, nhất tâm nào. Có rất nhiều tư tưởng, và chúng thay đổi liên tục. Đôi khi ta có những tư tưởng sân hận hay ghen tị, và đôi khi ta có những tâm thái đức hạnh chẳng hạn như lòng bi mẫn, niềm tin, sự từ bỏ, và ước muốn làm lợi lạc chúng sinh; nhưng tất cả những tư tưởng này thì nhất thời và thoáng qua. Chúng phát khởi, giảm sút, và chúng đưa ta đi đây đi đó, vì thế tâm ta không kiên cố. Dường như ta không có sự tự chủ; dường như ta hoàn toàn phó mặc những tư tưởng lan man thoáng qua của ta. Và vì thế, dựa trên những tâm thái thay đổi liên tục này, ta tạo ra rất nhiều nghiệp. Bởi tâm thức hoàn toàn bận rộn, ta không bao giờ thực sự có được một lúc ngơi nghỉ, ta chẳng bao giờ thư thản. Thay vì hiểu rằng sự an bình và hạnh phúc đó đến từ bên trong và có thể đạt được bằng cách phát triển sự tĩnh lặng của tâm, ta có cảm tưởng rằng bằng cách này hay cách khác, ta sẽ tìm ra sự an bình và hạnh phúc ở bên ngoài ta. Nhưng điều đó không thể xảy ra. Không điều gì ở bên ngoài có thể mang lại cho ta hạnh phúc lâu dài. Cho dù những sự vật bên ngoài khiến ta được hạnh phúc nhất thời nhưng chúng thay đổi, vì thế những đối tượng của hạnh phúc không thể tin cậy được. Ta chỉ cần nhìn vào những người có mọi thứ ở bên ngoài mà ta cho là các nguồn mạch của hạnh phúc. Chẳng hạn như những người có của cải và những tiện nghi vật chất rất thường không có sự an bình và hạnh phúc sâu xa. Rất nhiều người trên khắp thế giới khát khao của cải vật chất.

Dường như có một giả định là nếu ta giàu có, ta sẽ hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, nếu bạn xem xét sự giả định đó thì chỉ một mình của cải vật chất sẽ không thể mang lại cho ta sự an bình và hạnh phúc thâm sâu, đích thực.

Cho dù việc tìm kiếm an bình và hạnh phúc ở bên ngoài của ta khó khăn đến đâu chăng nữa, ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó. Cùng cách đó, người ta luôn luôn tìm kiếm điều mới mẻ – một địa điểm hay một hoàn cảnh mới mẻ – cuối cùng sẽ khiến họ hạnh phúc. Nhưng cho dù bạn đi đâu, hay dù bạn ở trong hoàn cảnh nào, nếu tâm bạn không hạnh phúc thì việc di chuyển đến một nơi chốn mới mẻ hay tìm kiếm một hoàn cảnh mới sẽ không làm bạn hạnh phúc. Cách thức duy nhất để được hạnh phúc là nhìn vào trong và điều phục tâm thức. Bao giờ mà tâm bạn không được điều phục, cho dù bạn đi đâu hay thâu đạt điều gì theo một ý nghĩa thế tục, điều đó sẽ không mang lại lợi lạc thâm sâu cho bạn. Đó là lý do vì sao việc phát triển shamatha thực sự lợi lạc cho chúng ta. Shamatha hầu như chắc chắn mang lại sự an bình, hạnh phúc, và an lạc nói chung.

Để thực hành shamatha, ta phải ngồi theo một tư thế đúng đắn. Nói chung, đó là tư thế bảy điểm của Vairochana. Chỉ riêng tư thế này đã mang lại rất nhiều lợi lạc cho việc thiền định, bởi khi bạn ngồi trong một tư thế thích hợp, thân bạn trở nên thẳng. Khi thân thẳng thì kinh mạch thẳng, và vì thế tâm cũng trở nên thẳng. Tâm thẳng thắn được điều phục và kiên cố, và không dễ bị những cảm xúc khác nhau cuốn đi đây đó. Điều quan trọng là ngồi thẳng và không ngả về một phía. Tư thế không đúng đắn ảnh hưởng đến việc thực hành của ta; ta có thể dễ trở nên lười biếng và dửng dưng hơn.

Mắt ta hơi hướng xuống chóp mũi. Lý do của điều này là cái nhìn vững chắc sẽ giúp cho tâm được kiên cố. Khi ta nhìn quanh và thấy nhiều sắc tướng, tâm ta sẽ xao lãng và lang thang khắp nơi. Khi ta nhìn quanh và thấy rất nhiều hình tướng, tâm ta trở nên xao lãng và lang thang.

Ta cũng chạm lưỡi lên vòm miệng ngay dưới răng. Điều này giúp cho miệng bạn tiếp tục tạo ra nước miếng và không bị khô.

Đôi bàn tay có thể nghỉ ngơi trên đùi hay trong tư thế thiền định trong lòng bạn. Những gì khiến việc thiền định của bạn dễ dàng hơn hay thoải mái hơn đều tốt.

Có hai loại shamatha, một loại có các đặc tính và một loại không có các đặc tính. Trong loại shamatha có các đặc tính, có loại thực hành với một sự hỗ trợ và một thực hành không có sự hỗ trợ. Nói chung, ta bắt đầu sử dụng một vật hỗ trợ, một đối tượng để tập trung vào. Ta nên đặt trước mặt ta một vật nhỏ (như phương tiện) để ta đặt mắt và tâm ta vào đó. Chỉ cần một vật nhỏ là đủ, nhưng dùng một vật màu trắng có thể làm mắt bạn bị tổn hại.

Không xao lãng, hãy an trụ trong một trạng thái nhất tâm trong sự sáng tỏ và tánh Không. Nếu các niệm tưởng sinh khởi và tâm bạn bắt đầu lang thang, hãy đưa tâm trở về đối tượng. Bạn không nên bị vướng kẹt trong sự khái niệm hóa về tự thân đối tượng, chẳng hạn như nghĩ “Đối tượng bị kéo vào tâm,” hay “Tôi đang gởi tâm tôi đến đối tượng,” hoặc “Tâm tôi và đối tượng là một,” hoặc “Chúng khác biệt nhau.” Thay vào đó, hãy dùng đối tượng như một điểm quy chiếu cho tâm, một khí cụ hữu ích để củng cố sự tĩnh lặng và để cho tâm an trụ trong trạng thái tự nhiên của nó.
Ngoài việc tập trung tâm vào một đối tượng bên ngoài, thiền định shamatha cũng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một đối tượng để quán tưởng (như ta làm khi thực hành giai đoạn phát triển). Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là hết sức tập trung vào đối tượng thiền định của bạn. Tuy nhiên, sự nhất tâm đó nên được hợp nhất với sự sáng tỏ và tánh Không, khiến nó sống động và trong sáng, vô cùng tỉnh thức, và không bị xao lãng bởi các tư tưởng. Hãy duy trì sự nhất tâm, tỉnh thức sống động đó càng lâu càng tốt mà không bị vướng kẹt trong những tư tưởng phóng dật. Khi bạn thực hành tu tập này, bạn sẽ lập tức nhận thức khi những tư tưởng đưa bạn rời khỏi đối tượng thiền định của bạn.

Khi bạn nhận thấy mình đã xao lãng, hãy kéo tâm bạn về trọng tâm của sự thiền định. Mỗi lần bạn trở nên tỉnh giác về những tư tưởng xao lãng, hãy đưa tâm trở lại trọng tâm của sự thiền định. Đừng trở nên bị kích động hay căng thẳng về việc nhìn thấy sự xao lãng, nhưng hãy tỉnh giác, kiên định và thư thản.

Khi ta tập trung vào một quán tưởng, chẳng hạn như Đức Tara, ta phát triển sự quán tưởng rõ ràng về thân tướng của ngài giống như trong thangka, với những món trang sức quý báu và y phục lụa là, nhưng không quá cứng nhắc về các chi tiết. Bạn không nên căng thẳng bởi tập trung vào từng chi tiết một; điều quan trọng là tâm an trụ tự nhiên trong trạng thái tĩnh lặng của nó. Khi bạn thư thản trong sự nhất tâm, việc quán tưởng sẽ trở nên rõ ràng một cách tự nhiên. Đây cũng là cách chúng ta nên thực hành giai đoạn phát triển.

Tóm lại, để thực hành shamatha với sự hỗ trợ, có hai lựa chọn: ta sử dụng một sự hỗ trợ bên ngoài, vì thế đối tượng tập trung của bạn là một đối tượng vật chất chẳng hạn như một thangka hay pho tượng. Cách thứ hai là tập trung vào một đối tượng bên trong, vì thế bạn sử dụng một hình ảnh để quán tưởng như vật hỗ trợ của bạn. Trong cả hai trường hợp, tâm bạn đi vào thiền định nhờ nghỉ ngơi trên một đối tượng đặc biệt, ở bên trong hay bên ngoài.

Trong thiền định shamatha với vật hỗ trợ, có shamatha sử dụng sự hỗ trợ bên trong là hơi thở. Khi sử dụng hơi thở, tâm ta ở trong sự tỉnh giác nhẹ nhàng về hơi thở. Khi ta thở, có sự thở (hít) vào, an trụ, và thở ra, và tâm ngự trên sự nhịp nhàng của hơi thở. Khi tâm tập trung, ta phát triển khả năng an trụ một cách tự nhiên, và tâm dễ dàng rơi vào trạng thái thiền định.

Khi ta thực hành sử dụng hơi thở như một đối tượng của sự thiền định, ta không nên vướng vào những khái niệm về hơi thở. Ta không nên nghĩ “Ồ, bây giờ hơi thở đi ra.” Ta không nên có một đàm thoại về hơi thở; ta nên để cho tâm an trụ tự nhiên ở nơi chốn của nó với sự tỉnh giác về hơi thở. Đối với thiền định không có sự hỗ trợ mà cũng không có việc theo đuổi hơi thở, đối tượng hỗ trợ duy nhất chính là tâm thức. Đây là thực hành cho phép tâm an trụ trong nơi chốn tự nhiên của nó mà không có bất kỳ đối tượng tập trung nào. Nếu tâm trống không thì tâm nghỉ ngơi trong tánh Không đó. Nếu tâm sáng tỏ thì tâm nghỉ ngơi trong sự quang minh. Tâm nghỉ ngơi, không giả tạo và không tạo tác. Có hai phẩm tính trong Shamatha không có những đặc tính, đó là căng thẳng và lơi lỏng. Thường thì ta bắt đầu với thiền định căng thẳng.

Đây là thái độ vô cùng cẩn trọng và quyết tâm của ta trong việc thiền định và trong việc muốn có một thiền định mỹ mãn. Với tư thế, ta tinh tấn thiền định. Với nỗ lực, ta chuyên chú vào việc thiền định và cẩn trọng để không bị xao lãng tác động, và không theo đuổi các tư tưởng liên quan đến quá khứ, hiện tại hay tương lai. Ta quyết định là ta sẽ ngồi xuống, không để các tư tưởng khái niệm sinh khởi và quyết định là ta sẽ thiền định. Đó là một thái độ cam kết mãnh liệt.

Với sự lơi lỏng, tâm được để cho thư thản nhưng nó không được phép theo đuổi những tư tưởng lan man. Khi ta thực hành với sự căng thẳng và tâm ta trở nên không thoải mái, nếu thân và tâm ta trở nên mệt mỏi, ta cần lơi lỏng một chút. Ta cần để cho tâm ta thư thản; nhưng nếu ta có những tư tưởng lan man, thô lậu hay những cảm xúc phiền não, ta phải tiệt trừ chúng một cách có ý thức và cố gắng không chạy theo chúng. Cũng có những tư tưởng vi tế có thể được bỏ mặc trong tâm thức, bởi tự chúng sẽ tan biến một cách tự nhiên. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là thực hành trong những khoảng thời gian ngắn nhưng thật thường xuyên. Điều này sẽ giúp ta kháng cự lại sự mệt mỏi và cũng kháng cự sự xao lãng hay lười biếng. Nó sẽ bảo đảm là thiền định của ta có phẩm tính tốt đẹp, và giúp ta an trụ trong những khoảng thời gian lâu hơn trong một thiền định không bị ô nhiễm.

Thực ra, sự căng thẳng và lơi lỏng thì tùy thuộc vào cá nhân. Những cá nhân khác nhau có những khuynh hướng khác nhau, vì thế họ cần những phương pháp khác nhau để đối trị những khiếm khuyết đặc biệt của họ. Một số người có khuynh hướng đặc biệt mạnh mẽ đối với yếu tố gió (phong đại). Họ rất nhanh lẹ, tâm họ nhạy bén, họ có nhiều tư tưởng và suy nghĩ mau chóng; tâm họ như những con khỉ. Đối với những người này, cách tốt nhất là thực hành với sự buông lỏng.

Những người khác có khuynh hướng đối nghịch và bị yếu tố đất (địa đại) tác động nhiều hơn. Họ chậm chạp hơn, tâm họ lờ đờ hơn và không minh mẫn. Đối với những người này, cách tốt nhất là nên thực hành với sự căng thẳng. Bởi điều đó tùy thuộc vào cá nhân nên điều quan trọng là phải khảo sát bản tánh của bạn và áp dụng phương pháp thích hợp. Trong mọi trường hợp, tốt nhất là nên thiền định trong những khoảng thời gian ngắn. Nếu thiền định quá lâu và tâm quá căng thẳng, kích động có thể xảy ra. Nếu thiền định quá lâu với tâm quá lơi lỏng, ta có nguy cơ rơi vào sự lờ đờ, không sáng tỏ hay buồn ngủ. Mỗi người cần tìm ra một sự quân bình trong việc thiền định của mình. Đức Phật nói: “Hãy căng thẳng thích hợp và lơi lỏng thích hợp,” và thiền định của bạn sẽ trở nên thâm sâu và tiến triển từng bước một.

Tác giả: Khenpo Samdup

Nguyên tác: TU HỌC PHẬT PHÁP – Nguồn mạch của Hạnh phúc Nhất thời và Vĩnh cửu

Virginia Blum dịch sang Anh ngữ

Biên tập: Kay Candler, Dianne McKinnon

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ