CHIA SẺ

Thường thì sân có hai loại, đó là, sân hung hăng và sân trầm uất. Để chế ngự hay vượt qua loại sân thứ nhất, tu tập tâm từ là pháp môn tốt nhất, bởi vì sân và từ là hai thái cực không thể cùng hiện hữu. Vì lẽ trong một sát -na tâm, chỉ có một tâm duy nhất có thể khởi lên, nên khi từ tâm có mặt, sân tâm không thể khởi lên, và ngược lại.

Sân hận  

Trong kinh Tương Ưng (Saṃyutta Nikāya), Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh họa sân hận như sau:

‘ Nếu có một bình nước đun nóng trên lửa, nước sẽ sủi bọt và sôi lên, một người với thị lực bình thường, nhìn vào bình nước ấy, không thể nhận ra và thấy được hình ảnh của khuôn mặt mình một cách đúng đắn. Cũng tương tự như vậy, khi tâm một người bị sân hận ám ảnh, bị sân áp đảo,họ không thể thấy được lối thoát khỏi sân hận đã khởi lên một cách đúng đắn; từ đó họ cũng không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của mình, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của người, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của cả hai; những bài pháp đã học thuộc lòng trước đây không đi vào tâm của họ ( không nhớ được), nói gì đến những bài pháp không thuộc.’

Trong Eka-Nipāta của Tăng Chi Kinh ( Aṇguttara Nikāya ), Đức Phật nói như sau:

‘Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy khiến cho sân chưa sanh, sanh khởi, hay, sân đã sanh khiến cho mãnh liệt, tăng trưởng, như nét đáng chán (đối ngại tướng).

Nơi người nào phi lý tác ý đến nét đáng chán, sân hận chưa sanh sẽ sanh khởi, hay, sân hận đã sanh trở nên mãnh liệt, tăng trưởng.’

‘ Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào có sức mạnh như vậy, ngăn được sự sanh khởi của sân, nếu chưa sanh, hay, nếu sân đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như từ tâm giải thoát.

Nơi người nào như lý tác ý đến từ tâm giải thoát thì sân, nếu chưa sanh, không sanh, hay, sân, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ.’

Cũng trong Tăng Chi Kinh ( Aṇguttara Nikāya ), bài pháp vượt qua sân hận được Đức Phật dạy như sau:

‘ Này các Tỳ kheo, có năm cách vượt qua sân hận. Bất luận khi nào sân hận khởi lên nơi một vị Tỳ kheo, nó cần phải được vượt qua một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

‘ Nếu lúc nào sân hận khởi sanh nơi một người, trong người ấy, từ phải được tu tập, trong người ấy, bi phải được tu tập, trong người ấy xả phải được tu tập, trong người ấy trạng thái không nhớ (vô niệm) không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận cần phải được tu tập, trong người ấy ý thức về sự kiện nghiệp (kamma) của một người là tài sản riêng của người ấy phải được tu tập… Như vậy sân sẽ được vượt qua nơi người ấy. Quả thực, đây là năm cách vượt qua sân hận. Ở đâu sân hận khởi lên nơi một vị Tỳ kheo, ở đó nó sẽ được vượt qua một cách hoàn toàn.’

Thường thì sân có hai loại, đó là, sân hung hăng và sân trầm uất. Để chế ngự hay vượt qua loại sân thứ nhất, tu tập tâm từ là pháp môn tốt nhất, bởi vì sân và từ là hai thái cực không thể cùng hiện hữu. Vì lẽ trong một sát -na tâm, chỉ có một tâm duy nhất có thể khởi lên, nên khi từ tâm có mặt, sân tâm không thể khởi lên, và ngược lại.   Như vậy khi quý vị có tâm từ, sân không thể nào sanh khởi. Nếu quý vị thường xuyên trau dồi tâm từ, dần dần nó sẽ trở thành một phần nhân cách của quý vị, và quý vị sẽ không thể dễ dàng nổi sân như trước nữa.

Ở đây tôi sẽ đưa ra một thí dụ để giải thích pháp môn ‘ trong người ấy trạng thái nhớ nghĩ (vô niệm) và không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận phải được tu tập’. Giả sử, trong khi đi trên đường, quý vị nhìn thấy một đống phân hôi thối, quý vị có cần hốt nó lên, bỏ vào túi, rồi nổi giận với mùi hôi thối của nó và trách cứ tại sao nó làm bẩn áo quần của quý vị hay không? Tất nhiên điều đó không cần. Quý vị chỉ việc đi ngang qua và hoàn toàn không cần phải để ý gì đến nó. Tương tự, một ác nhân ngu si cũng giống như một đống phân hôi thối. Quý vị không cần bận tâm đến anh ta để chuốc lấy phiền phức vốn không đem lại tốt lành gì cho cả hai đàng. Quý vị nên tự hỏi mình như vầy: nổi giận có giúp ích gì cho việc hành thiền không? Nếu có thì quý vị nên nổi giận. Song đó là chuyện không thể. Vì thế cớ sao lại phải nổi giận?

Đối với loại sân trầm uất vốn bao gồm tất cả các loại ưu sầu, buồn bã, than khóc, tuyệt vọng (sầu, bi, khổ, ưu, não) v.v… quý vị cũng nên tác ý theo cách như trên. Tức là, nếu sân này có ích cho việc hành thiền, thời quý vị nên tu tập nó. Thực sự, nó không lợi ích cho thiền mà chỉ có hại mà thôi. Như vậy, sao chúng ta lại ngu ngốc đến độ để rơi vào tình trạng sân đã không hoàn toàn không có lợi mà còn có hại này chứ? Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên, tất cả các vị Thánh A-la-hán và Thánh Bất lai không bao giờ ưu sầu, buồn bã, than khóc và tuyệt vọng. Tại sao chúng ta không học những người thánh thiện, trí tuệ ấy? Tóm lại, ưu sầu, buồn bã, than khóc và tuyệt vọng thuộc về những kẻ yếu đuối, và nó không đáng cho chúng ta tu tập vậy.

Lại nữa, chú giải Tứ Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) nói rằng có sáu pháp lợi ích cho việc chế ngự sân hận:

  1. Học cách thiền tâm từ;
  2. Dành hết nỗ lực cho việc hành thiền tâm từ;
  3. Suy xét rằng ta là chủ nhân và kẻ thừa tự của nghiệp (Kamma)
  4. Thường xuyên tác ý đến nó;
  5. Thiện bạn hữu;
  6. Nói chuyện thích hợp.  

Trong chương chín của bộ Thanh tịnh Đạo (Visuddhimagga) có một bản luận giải chi tiết về cách làm thế nào để chế ngự sân hận. Vì thấy nó rất hữu ích, nên tôi sẽ mô phỏng lại đây cho quý vị biết:

Nếu sự tức giận khởi lên nơi hành giả khi hướng tâm đến một người thù vì nhớ lại lầm lỗi người ấy đã làm (với mình), hành giả nên gạt bỏ cơn giận bằng cách liên tục nhập vào thiền (Jhāna) tâm từ hướng tâm đến bất kỳ hạng người nào đã đề cập trước đó, (đó là một người thân, một người rất thân và một người không thân không thù) và rồi, sau mỗi lần xuất thiền, hướng tâm từ đến người (thù) đó.

Nhưng nếu sự tức giận vẫn không dứt sạch bất chấp những nỗ lực của hành giả, thì:

Hãy nhớ đến cái cưa

Với những hình ảnh tương tự khác,

Và cứ nỗ lực liên tục như thế,

Để bỏ xa sự tức giận phía sau.

Hành giả nên tự răn bảo mình theo cách này: Này kẻ đang sân hận kia, chẳng phải Đức Thế Tôn đã nói, ‘ Này các Tỳ kheo, dù bọn lục lâm thảo khấu có man rợ cưa đứt tay chân các người với cây cưa hai tay nắm, người nào vì thế mà ôm lòng sân hận sẽ không phải là người thực hành giáo pháp của ta’ đó sao? (M. I, 129) và,

‘ Lấy sân đáp người sân

Tệ hơn người sân trước;

Không sân đáp người sân

Thắng trận chiến khó thắng.

Vì lợi ích cả hai,

Lợi mình và lợi người

Một khi ta đã biết,

Kẻ thù là sân hận,

Chánh niệm giữ bình yên.’ (S.i, 162)

‘Ở đây, này các Tỳ kheo, có bảy pháp làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nữ hay nam. Thế nào là bảy ? Này các Tỳ kheo, ở đây một kẻ thù mong muốn cho người nó thù như vầy ” Mong cho nó bị xấu xí.” Tại sao vậy ? Vì kẻ thù không cảm thấy thích thú với dung sắc của người thù. Bây giờ người bị phẫn nộ chi phối này là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị ; dù cho tắm kỹ, có xức dầu thơm, với tóc râu khéo cắt tỉa và mặc quần áo trắng tươm tất, nó vẫn cứ xấu, do là miếng mồi cho sân hận vậy. Đây là pháp thứ nhất làm lợi ích và thỏa mãn cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận vậy, dù là nam hay nữ. Lại nữa, một kẻ thù mong cho người nó thù như vầy, ” Mong cho nó ngủ trong khổ sở !” Tại sao vậy ? Này các Tỳ kheo, bây giờ người bị sân hận chi phối này, là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị, dù có nằm trên ghế dài, nệm trải bằng len, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là   kadali, tấm thảm với lọng che phía trên, ghế dài có đồ gối chân màu đỏ. Tuy vậy, nó vẫn cứ ngủ một cách khổ sở, do là vì miếng mồi cho sân hận vậy. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ hai làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ. Lại nữa, này các Tỳ kheo, một kẻ thù mong muốn cho người nó thù như vầy : ” Mong cho nó không có lợi ích !” Tại sao vậy ? Này các Tỳ kheo, kẻ thù không hoan hỷ người thù của nó được lợi ích. Bây giờ người bị sân hận chi phối này, là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị, thu hoạch điều bất lợi lại nghĩ rằng : ” Ta không được lợi ích.” Những pháp này được nắm giữ khiến người khác trở thành kẻ thù địch, đưa đến không hạnh phúc, đau khổ lâu dài, do là vì miếng mồi cho sân hận vậy. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ ba làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ. Lại nữa, này các Tỳ kheo, một kẻ thù mong muốn cho người nó thù như vầy : ” Mong rằng nó không có tài sản !” Tại sao vậy ? Này các Tỳ kheo, kẻ thù không hoan hỷ người nó thù được tài sản ! Bây giờ, người bị sân hận chi phối này, là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị, những tài sản nào nó thu hoạch được do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thu hoạch hợp pháp. Các tài sản ấy bị vua cho chở về ngân khố của nhà vua, do vì miếng mồi cho sân hận vậy. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ tư làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ. Lại nữa, này các Tỳ kheo, một kẻ thù mong muốn cho người nó thù như vầy : ” Mong rằng nó không có danh tiếng !” Tại sao vậy ? Này các Tỳ kheo, kẻ thù không hoan hỷ người nó thù có danh tiếng. Bây giờ, người bị sân hận chi phối này, là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị, nếu có danh tiếng gì nhờ không phóng dật thu được, danh tiếng ấy xa lánh họ, vì miếng mồi cho sân hận vậy. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ năm làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ. Lại nữa, này các Tỳ kheo, một kẻ thù mong muốn cho người nó thù như vầy : ” Mong rằng nó không có bạn bè !” Tại sao vậy ? Này các Tỳ kheo, kẻ thù không hoan hỷ người nó thù có được bạn bè. Bây giờ, người bị sân hận chi phối này, là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị, nếu có bạn bè thân hữu , bà con huyết thống gì, họ sẽ xa lánh, từ bỏ người đó, do vì là miếng mồi cho sân hận vậy. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ sáu làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ. Lại nữa, này các Tỳ kheo, một kẻ thù mong muốn cho người nó thù như vầy : ” Mong rằng nó sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!” Tại sao vậy ? Này các Tỳ kheo, kẻ thù không hoan hỷ người nó thù sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.   Bây giờ, người bị sân hận chi phối này, là miếng mồi cho sân hận, bị sân hận thống trị, làm các ác hạnh với thân, nói lời ác với khẩu, và nghĩ điều ác với ý, khi thân hoại mạng chung, sanh vào trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục do vì là miếng mồi cho sân hận vậy. Này các Tỳ kheo, đây là pháp thứ bảy làm thỏa mãn và lợi ích cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ.

Bảy pháp này, này các Tỳ kheo, làm lợi ích và thỏa mãn cho kẻ thù xảy ra đối với một người sân hận, dù là nam hay nữ.

Kẻ sân hận xấu xí

Đau khổ khi nằm ngủ,

Được các điều lợi ích,

Lại cho là bất lợi.

Sân hận, nó đã thương,

Với thân và lời nói,

Làm mồi cho sân hận,

Tài sản bị tiêu vong.

Bị sân hận điên loạn

Danh dự bị hủy diệt,

Bà con cùng bạn bè,

Lánh xa người sân hận.

Sân hận sanh bất lợi,

Sân hận giao động tâm,

Sợ hãi sanh từ trong,

Người ấy không biết rõ.

Sân hận không biết lợi,

Sân hận không thấy pháp… (A. iv, 94)

Và,

‘ Như một khúc gỗ từ giàn hỏa thiêu, bị cháy cả hai đầu, khúc giữa lại bị thối, chẳng dùng làm gỗ (xây dựng ) ở làng, cũng chẳng dùng làm gỗ ở rừng được, Ta nói, một người làm mồi cho sân hận cũng thế’ (A.ii, 95, Iti.90)

Nếu bây giờ mi sân hận, mi sẽ là một người không thực hành lời dạy của Đức Thế Tôn, do lấy sân hận đáp lại người sân hận, mi còn tệ hơn người sân ấy và không thắng được cuộc chiến khó thắng; chính mi sẽ làm cho mi những điều vốn chỉ có lợi cho kẻ thù, làm cho kẻ thù thỏa mãn, và mi cũng chẳng khác gì khúc gỗ ở giàn hỏa thiêu.

Nếu, sự tức giận của hành giả lắng xuống khi cố gắng và nỗ lực theo cách này, thì tốt. Bằng không, hành giả nên loại trừ sự khó chịu bằng cách nhớ lại một điều gì đó nơi người ấy đã được chế ngự, trong sạch, cổ vũ cho niềm tin khi nhớ đến.   

Vì một người có thể chế ngự hành vi nơi thân của mình với sự chế ngự trong quá trình thực hiện một  nhiệm vụ rộng lớn nào đó đã được mọi người biết, mặc dù những hành vi về lời nói và ý nghĩ không được chế ngự. Thời những khẩu hành và ý hành ấy cần phải được bỏ qua và chỉ nhớ đến sự chế ngự nơi thân hành của người ấy mà thôi.

Một người khác có thể chế ngự được hành vi về lời nói của mình, và sự chế ngự của anh ta mọi người đều biết –anh ta có thể lanh lợi tự nhiên trong việc tiếp đón (khách) một cách lịch thiệp, dễ nói chuyện, tương đắc, cởi mở, biết tôn trọng trong cách nói và có thể diễn giảng Pháp (Dhamma) với chất giọng ngọt ngào, giải thích Pháp với văn cú đầy đủ – mặc dù hành vi về thân và ý của anh ta không được chế ngự. Thời hai hành vi sau nên bỏ qua và chỉ nhớ sự chế ngự nơi khẩu hành của người ấy mà thôi.

Trong khi một người khác có thể chế ngự được hành vi ý thức của mình, và sự chế ngự của anh ta được thể hiện trong lúc lễ bái tại các điện thờ v.v… rất hiển nhiên với mọi người. Vì khi một người không có sự chế ngự trong tâm đảnh lễ tại các điện thờ (Phật, xá-lợi) hay tại cây Bồ đề hoặc đảnh lễ các bậc Trưởng lão, họ không làm điều ấy một cách cẩn trọng, và khi ngồi trong giảng đường hay nghe Pháp, tâm họ phóng đi lung tung hay ngủ gà ngủ gật. Ngược lại, người tâm được chế ngự đảnh lễ một cách thận trọng và có suy nghĩ, nghe Pháp một cách chăm chú, ghi nhớ pháp, và biểu lộ niềm tin trong tâm của mình qua thân và khẩu. Vì thế, người khác chỉ có thể chế ngự được hành vi ý thức của mình, dù thân và khẩu không được chế ngự. Thời hãy nhớ đến sự chế ngự nơi hành vi ấy và bỏ qua thân và khẩu hành của họ.

Nhưng có thể một người khác thậm chí không có một hành vi nào trong ba hành vi này được chế ngự nơi họ. Thời lòng bi mẫn đối với người đó phải được khơi dậy như vầy: Mặc dù hiện tại hắn ta đang lang thang trong thế giới loài người, tuy nhiên sau một số ngày nào đó hắn ta sẽ thấy mình nơi (một trong) tám đại địa ngục hay nơi mười sáu địa ngục nổi tiếng. Thì sự khó chịu cũng lắng dịu nhờ lòng bi mẫn vậy.

Vẫn có một người khác cả ba hành vi đều được chế ngự. Trong trường hợp như vậy hành giả có thể nhớ đến bất cứ hành vi nào trong ba hành vi nơi người ấy mà hành giả thích nhất; vì sự tu tập tâm từ đến với một người như vậy rất dễ.

Và để làm rõ ý nghĩa bài kinh sau đây từ quyển V của Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikāya) sẽ được trích dẫn đầy đủ: ‘ Này các Tỳ kheo, có năm cách xua tan hiềm hận, hiềm hận khởi lên ở một chỗ nào nơi một vị Tỳ kheo, có thể được xua tan một cách hoàn toàn.’

Nhưng nếu sự khó chịu vẫn khởi lên bất chấp những nỗ lực của hành giả, thời hành giả tự nên cảnh tỉnh mình như sau:

‘ Nếu như có kẻ thù làm hại

Mi biết rồi lãnh vực của y

Sao lại còn tự hại thân mình

Tâm mi? Đâu phải lãnh vực của nó.

Với nước mắt mi từ bỏ gia đình

Họ cũng nhân từ và giúp ích.

Thế sao không từ bỏ kẻ thù,

Sân hận đem hại đến cho mi?

Sân hận này gặm mòn tận gốc

Mọi giới đức mi từng gìn giữ-

Hỏi còn ai ngu ngốc như mi?

Người kia làm những điều bất thiện.

Vậy là mi bực, đúng không?

Có nghĩa là mi muốn bắt chước

Những lỗi lầm mà hắn phạm chăng?

Nếu người khác, gây nên phiền muộn,

Với hành vi khả ố của mi,

Sao để cho nổi lên sân hận,

Và làm như hắn muốn mi làm?

Nếu như mi nổi giận, thì sao

Mi làm hắn khổ, hay không khổ!

Dù đã đau do sân mang lại

Chắc chắn mi bị phạt bây giờ.

Nếu kẻ thù do sân mù quáng

Khởi sự trên đường khổ bước đi

Liệu mi có nổi sân như hắn

Nối gót theo đường khổ hay không?

Nếu kẻ thù làm mi tổn hại

Lầm lỗi do sân hận của mi

Thì hãy mau dập tắt nó đi,

Vì sân ấy thật là phi lý.

Các pháp vốn sát na tồn tại

Ngũ uẩn kia, qua đó họ làm

Việc khả ố, giờ cũng đã diệt,

Thế thì mi giận với cái chi ?

Nó hại ai, và ai hại lại nó

Chính sự hiện hữu của mi

Mới là nhân gây đau khổ

Vậy cớ sao mi còn nổi sân?’

Nhưng nếu khi đã tự cảnh tỉnh mình như vậy mà sự tức giận vẫn không lắng xuống, thì hành giả nên xét đến sự kiện rằng cả hành giả và người kia đều là những chủ nhân của nghiệp (kamma).

Ở đây, trước hết hành giả nên xét lại điều này nơi tự thân: Bây giờ điều quan trọng của việc mi nổi sân với hắn là gì? Chẳng phải nghiệp (kamma) bắt nguồn từ sân hận này của mi sẽ dẫn đến sự tự hại mình sao? Và mi là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là cha mẹ, là quyến thuộc, là nơi nương nhờ của mi; mi sẽ trở thành kẻ thừa tự những nghiệp mà mi đã làm. Và nghiệp mà mi làm đây không phải là nghiệp mang mi tới sự giác ngộ viên mãn, đến sự giác ngộ không tuyên bố (Độc Giác Phật) hay đến đẳng cấp của vị đệ tử Phật, hoặc đến bất kỳ địa vị nào như địa vị của phạm thiên hay Đế Thích(Sakka), hay ngai vàng của một Chuyển Luân Vương, hay một vị vua thường v.v…, mà đúng hơn đây là loại nghiệp sẽ dẫn đến sự xa rời Giáo Pháp của mi, thậm chí đến địa vị của một người ăn những vật bỏ đi v.v.., và đến nhiều loại khổ khác trong các địa ngục, và vân vân. Do làm (nghiệp) này mi chẳng khác gì một người muốn đánh người khác lại lượm một hòn than hồng đang cháy hay một cục phân nhơ nhớp trong tay và trước hết tự làm phỏng tay mình hay làm dơ tay mình vậy.

Sau khi đã xét lại quyền sở hữu của nghiệp nơi tự thân theo cách này, hành giả cũng nên suy xét nó nơi người khác nữa: và điều quan trọng của việc hắn nổi sân với ta là gì? Chẳng phải nghiệp (kamma) bắt nguồn từ sân hận này của hắn sẽ dẫn đến sự tự hại mình sao? Vì hắn là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là cha mẹ, là quyến thuộc, là nơi nương tựa của hắn; hắn sẽ trở thành kẻ thừa tự của những nghiệp mà hắn đã làm. Và nghiệp mà hắn đang làm đây không phải là loại nghiệp mang hắn tới sự giác ngộ viên mãn, đến sự giác ngộ không tuyên bố (Độc Giác Phật) hay đến đẳng cấp của vị đệ tử Phật, hoặc đến bất kỳ địa vị nào như địa vị của phạm thiên hay Đế Thích(Sakka), hay ngai vàng của một Chuyển Luân Vương, hay một vị vua thường v.v…, mà đúng hơn đây là loại nghiệp sẽ dẫn đến sự xa rời Giáo Pháp của mi, thậm chí đến địa vị của một người ăn những vật bỏ đi v.v.., và đến nhiều loại khổ khác trong các địa ngục, và vân vân. Do làm (nghiệp) này hắn chẳng khác gì một người muốn ném bụi vào người khác lại đứng ngược gió và chỉ lãnh bụi đầy mình mà thôi.

Vì điều nay được Đức Thế Tôn nói đến:

‘ Khi kẻ ngu hại người vô hại,

Người thanh tịnh, không làm điều lầm lỗi,

Điều ác ấy sẽ quay lại kẻ ngu,

Như ngược gió mà nhè người quăng bụi.’

(Dhp. 125)

Nhưng nếu sân hận vẫn không lắng xuống khi hành giả suy xét về nghiệp theo cách này, thì hành giả nên suy xét đến những đức đặc biệt trong cách cư xử của Đức Phật trước đây.

Đây là cách suy xét: Bây giờ mi, người đã xuất gia, chẳng phải là khi Đạo Sư (Đức Phật) của mi còn là một vị Bồ -tát, trước khi tìm được sự giác ngộ viên mãn, lúc vẫn còn đang thực hành để chu toàn các ba-la-mật suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, ngài đã không để cho sân hận làm ô nhiễm tâm ngài ngay cả khi những kẻ thù cố tìm mọi cơ hội để giết hại ngài đó sao? Chẳng hạn như, trong chuyện tiền thân Sīlavant (Sīlavant Jātaka 1, 216) khi những người bạn ngài đồng đứng lên để ngăn vương quốc ba trăm lý của ngài bị chiếm giữ bởi một vị vua thù nghịch, người đã bị một viên đại thần độc ác xúi dục và chính hoàng hậu đã gieo sự hận thù đó vào tâm trí ông ta, nhưng ngài không để cho những người bạn của mình cầm vũ khí. Lại nữa, khi ngài bị chôn sống, cùng với một ngàn người bạn, đất lấp lên tới cổ trong một cái hố mà người ta đào trong nghĩa địa, ngài cũng không khởi một ý sân hận. Và, sau khi tự cứu mạng mình bằng một nỗ lực anh hùng được giúp đỡ bởi những con chó rừng cào đất ra khi chúng đến để ăn những xác chết, ngài đã đi về phòng ngủ của mình với sự trợ giúp của một phi nhân và nhìn thấy kẻ thù của mình đang nằm trên chính giường của ngài, ngài không nổi giận mà đối xử với y như một người bạn, cùng nhau đưa ra lời hứa, và rồi Ngài tuyên bố:

‘Lòng khát khao dũng cảm

Bậc trí không thất vọng;

Ta đã thấy chính ta

Như ta đã ước nguyện.

Và trong chuyện tiền thân Khantivādi (Khantivādi Jātaka), vua Kasi ngu ngốc hỏi ngài, ‘Này nhà sư, ông dạy pháp gì?’ và ngài trả lời, ‘Ta dạy pháp nhẫn nhục’, và khi nhà vua cho người đáng ngài bằng roi gai và chặt đứt tay chân của ngài, ngài vẫn không cảm thấy chút sân hận nào (Ia. Iii, 39)

Có lẽ khi một người trưởng thành và thực lòng xuất gia sống đời không gia đình hành động theo cách này thì không có gì là kỳ diệu lắm; nhưng khi còn là một đứa trẻ thơ, Ngài cũng đã làm như vậy. Vì trong chuyện tiền thân Cūla- Dhammapāla ( Cūla- Dhammapāla Jātaka) tay chân ngài đã bị phụ vương, đức Vua Mahā Patāpa, ra lệnh cho quân lính cắt đứt giống như bốn búp măng, và mẫu hậu đã than khóc ngài như thế này:

‘Ôi đôi tay con ta, Dhammapāla, đã bị cắt đứt

Đôi tay đã từng được tắm trong trầm hương;

Con là kẻ thừa tự của toàn cõi đất;

Hỡi đức Vua, ta nghẹn thở mất đi thôi!’

(Jā, iii, 181)

Thế mà cha ngài, vẫn không thỏa mãn, còn ra lệnh cho cắt đứt luôn đầu ngài. Nhưng ngay cả lúc đó ngài cũng không chút dấu vết sân hận, vì lẽ ngài đã quyết định vững chắc: ‘ Giờ là lúc để ta chế ngự tâm của ta; này hỡi Dhammapāla kia, hãy vô tư đối với bốn người này, đó là, đối với người cha đang ra lệnh cắt đầu ngươi, đối với người đang chặt đầu ngươi, đối với người mẹ đang than khóc của ngươi, và với chính bản thân ngươi.’

Và có lẽ, một chúng sinh được làm người hành động theo cách này thì không có gì đáng kinh ngạc lắm; nhưng khi làm thú vật ngài cũng đã hành động như thế. Vì trong lúc Đức Bồ tát còn là một con voi có tên là Chaddanta, ngài đã bị người ta đâm vào rốn bằng một mũi lao tẩm thuốc độc. Nhưng ngay cả như vậy ngài cũng không để cho sân hận đối với người thợ săn đã đâm ngài bị thương làm ô nhiễm tâm của ngài, vì như chuyện kể:

‘ Con voi khi bị đâm bằng một mũi lao,

Đã nói với thợ săn với tâm không sân hận:

“Mục đích của ngươi là gì? Lý do tại sao

Ngươi lại giết ta như vậy? Mục đích để làm gì?”

(Jā. V, 51)

Và khi voi nói như vậy, người thợ săn trả lời ‘ Thưa ngài, hoàng hậu của vua Kāsi phái tôi đến đây để lấy cặp ngà của ngài’, để hoàn thành ước muốn của hoàng hậu, ngài đã cắt cặp ngà của mình, cặp ngà mà sự rực rỡ tuyệt vời của nó chiếu sáng với những tia sáng sáu màu, và trao nó cho người thợ săn.

Lại nữa, khi đức Bồ tát làm Khỉ Chúa , người đàn ông mà ngài đã cứu mạng hắn bằng cách kéo hắn lên khỏi vực đá nghĩ:

‘Đây món ăn cho người

Như những thú rừng khác,

Vậy sao người đang đói

Không giết khỉ để ăn?

Ta sẽ đi tự tại

Lấy thịt khỉ để dành;

Ta sẽ vượt hoang địa

Với thịt khỉ làm lương.’

(Jā. v. 71)

Nghĩ rồi hắn liền lượm một hòn đá ném mạnh vào đầu ngài. Nhưng khỉ chúa nhìn hắn với đôi mắt đẫm lệ và nói,

‘Ồ chớ có làm thế,

Bởi vì nếu không thì

Số phận mà ngươi gặt

Sẽ cản trở lâu dài

Đã có những người khác

Bị những nghiệp như vậy

Như ngươi làm hôm nay.’

Và với tâm không sân hận, bất chấp sự đau đớn, ngài đã đưa người đàn ông ấy đến cuối cuộc hành trình của hắn một cách an toàn.

Khi làm Long vương Campeyya cũng vậy, ngài không để cho sân hận khởi lên trong tâm lúc bị một ông thầy bắt rắn đối xử một cách độc ác, vì như chuyện kể,

‘Ta đang sống trong Pháp

Giữ giới Bát quan trai

Thầy rắn tới bắt ta

Diễn trò tại cổng thành

Màu sắc nào hắn nghĩ,

Màu xanh, vàng hay đỏ,

Tùy theo ý hắn nghĩ

Ta biến màu hắn muốn;

Ta biến đất thành nước,

Và biến nước thành đất.

Nếu như ta nổi giận

Ta có thể đốt cháy

Khiến y thành tro tàn,

Nếu không làm chủ tâm

Ta đã làm hỏng giới;

Và ai làm hỏng giới

Không thể nào đến đích.’

Còn khi ngài làm Long Vương Saṇkhapāla, lúc bị gánh đi trên một cây sào bởi mười sáu cậu bé trong làng sau khi chúng đã dùng những mũi giáo nhọn đâm ngài bị thương ở tám chỗ và nhét dây gai vào miệng vết thương, chúng còn làm cho ngài đau đớn, quằn quại khi xỏ một sợi dây rắn chắc qua mũi ngài và kéo lê để cho thân ngài va vào mặt đất, mặc dù chỉ cần liếc một cái ngài có thể biến những đứa trẻ ấy thành than, song ngài thậm chí không tỏ chút dấu vết sân hận nào trên đôi mắt, vì như chuyện kể:

‘ Này Ālāra,

Ngày mười bốn, mười lăm,

Ta thường giữ Trai Giới,

Mười sáu đứa bé đến

Mang theo dây và giáo.

Chúng tách mũi ta ra,

Và qua khe hở đó

Chúng luồn vào sợi dây

Kéo lê ta như thế,

Dù đau đớn, quằn quại,

Ta không để sân hận

Quấy động ngày trai giới.’

(Jā.v, 172)

Ngài đã thực hiện không chỉ những điều kỳ diệu ấy mà còn nhiều điều kỳ diệu khác như đã được kể trong Mātuposaka Jākata (Jā, iv,90). Bây giờ, ở mức độ cao nhất sẽ là không thích hợp và không xứng đáng để cho mi khởi lên những ý nghĩ tức giận, bởi lẽ mi đang cố gắng để được giống như vị Đạo Sư của mi, rằng Đức Thế Tôn đã đạt đến Toàn Giác và là bậc có đức kham nhẫn đặc biệt không ai sánh bằng trong thế gian với các hàng chư thiên của nó.

Nhưng nếu, khi hành giả đã suy xét đến những phẩm chất đặc biệt trong cách ứng xử trước đây của bậc Đạo Sư, mà sự tức giận vẫn không lắng xuống, bởi vì từ lâu hành giả đã quen làm nô lệ cho những phiền não, thời hành giả nên hồi tưởng đến các bài kinh(Sutta) đề cập đến sự vô thỉ (không khởi đầu) của vòng sinh tử luân hồi.

Đây là những gì Kinh nói :

‘ Này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sinh nào trước đây chưa từng là mẹ của các ông, là cha của các ông, là anh của các ông, là chị của các ông, là con trai của các ông, là con gái của các ông’ (S.ii, 189-190)

Do vậy, hành giả nên nghĩ về người đó như vầy :

‘Hình như người này, khi là mẹ ta trong quá khứ đã mang ta trong bào thai cả mười tháng trường và đã lau chùi phân, nước tiểu,   nước rãi, nước mũi v.v… cho ta không hề nhờm gớm, coi đó như thể trầm hương vàng, và để ta đùa chơi trên lòng bà, cho ta bú mớm, bồng bế ta đi đây đó. Và người này khi là cha ta đã phải đi trên những con đường mòn dê đi và những con đường làm trên những cột trụ cheo leo , v.v… để theo đuổi việc buôn bán, đã vì ta mà liều mạng đi vào trong chiến trận giữa hai hàng quân, hay trên những chiếc tàu vượt đại dương và làm những việc khó khăn khác. Bằng phương tiện này hay phương tiện khác, ông đã đem của cải về nhà nghĩ là để nuôi dưỡng con cái. Và khi là anh, là chị, là con trai, con gái của ta, người này đã giúp ta việc này, việc nọ. Vì thế, thật không xứng đáng cho ta để ôm ấp oán thù người ấy trong tâm.’

Nhưng nếu hành giả vẫn không thể dập tắt ý nghĩ đó theo cách trên, hành giả nên ôn lại những lợi ích của tâm từ như thế này : Bây giờ, mi là người xuất gia, chẳng phải Đức Thế Tôn đã nói như sau :

‘ Này các Tỳ kheo, khi từ tâm giải thoát được trau dồi, tu tập, được thực hành thường xuyên, được làm cho thành cỗ xe, làm cho thành nền tảng, được thiết lập, củng cố vững chắc, và thọ trì thích hợp, mười một phước báu có thể trông đợi. Thế nào là mười một ? Người ấy ngủ trong an lạc, thức trong an lạc, không có những ác mộng, người ấy thân ái đối với mọi người, thân ái đối với các hàng phi nhân, chư thiên hộ trì người ấy, lửa, thuốc độc, và vũ khí không làm hại được người ấy, tâm dễ đắc định, về mặt an tịnh, chết không rối loạn, nếu không đắc cao hơn, vị ấy sẽ tái sanh vào cõi Phạm Thiên’(A.v, 342)

Nếu không chấm dứt những ý nghĩ hiềm hận, kể như mi phủ nhận những lợi ích này vậy.

Nhưng nếu hành giả vẫn không chấm dứt (sân hận) theo cách vừa nói, hành giả nên cố phân giải thành các yếu tố. Như thế nào ? Bây giờ mi, người đã xuất gia, khi mi tức giận hắn, mi tức giận với cái gì ? Phải chăng mi tức giận tóc ? Hay lông ? Hay móng (tay, chân) ? Hay mi tức giận nước tiểu ? Hoặc, phải chăng mi tức giận yếu tố đất (địa đại) trong tóc v.v… ? Hay yếu tố nước ? Hay yếu tố lửa ? Hay phải chăng mi tức giận yếu tố gió ? Hay trong số năm uẩn hay mười hai xứ hay mười tám giới mà với những yếu tố đó vị này được gọi bằng tên như vậy, như vậy, thì cái nào, có phải mi tức giận sắc uẩn ? Hay thọ uẩn ? Hay tưởng uẩn ? Hay hành uẩn ? Hay thức uẩn ? Hay có phải mi tức giận nhãn xứ? Hay sắc xứ ? Hay mi tức giận ý xứ ? Hay mi tức giận ý xứ ? Hay mi tức giận pháp xứ? Hay phải chăng mi tức giận nhãn giới? Hay phải chăng mi tức giận ý giới? Hay pháp giới? Hay ý thức giới? Vì khi hành giả cố phân giải thành các yếu tố, sự tức giận của hành giả không thể tìm thấy chỗ đứng, giống như hạt cải (đặt) trên đầu mũi dùi hay bức vẽ trên hư không.

Nhưng nếu hành giả không thể thực hiện sự phân giải thành các yếu tố được, hành giả nên cố gắng tặng một món quà. Món quà có thể do bản thân của hành giả tặng cho người kia hay tự mình chấp nhận món quà của người kia. Tuy nhiên nếu sự nuôi mạng (sinh kế) của người kia không thanh tịnh và những món vật dụng của họ không thích hợp để sử dụng, thì chính hành giả phải là người cho. Và nơi người làm điều này sự khó chịu đối với người kia sẽ hoàn toàn lắng xuống. Và nơi người kia ngay cả sự oán hận đã từng bám sát họ từ đời kiếp trước lúc đó cũng hạ xuống ngay, như đã xảy ra đối với ngài trưởng lão cao hạ, người đã nhận được một bát nước trao cho ngài tại tu viện Cittalapabbata do một vị trưởng lão thấp hạ chuyên ăn trong bát [1] người đã ba lần bị ông ta làm cho phải rời chỗ trú ngụ, và vị trưởng lão này đã dâng tặng cái bát ấy với những lời này, ‘Bạch ngài, cái bát này đáng giá tám ducats đã được mẹ tôi, một tín nữ, dâng cúng và nó được nhận một cách chính đáng, mong cho tín nữ hiền thiện ấy có được phước báu.’

Chú thích: [1] Chuyên ăn trong bát ở đây muốn ám chỉ một vị tu pháp khổ hạnh, chỉ ăn những đồ ăn khất thực trong bình bát mà thôi.

Hành động dâng tặng hay bố thí này thực là có hiệu quả. Và điều này đã được nói như sau:

‘Tặng quà (để) thuần hóa kẻ chưa thuần,

Tặng quà cho ta mọi sự tốt lành;

Nhờ tặng quà (mà) tình thế bớt căng,

Và hạ mình để nói lời tử tế.’

Trên đây là những gì được đưa ra trong Thanh Tịnh Đạo liên quan đến việc làm thế nào để loại trừ sân hận. Tuy nhiên chỉ khi hành giả đắc Bất Lai Thánh Đạo, lúc đó sân mới không còn khởi lên nữa mà thôi.

Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw

Dây trói buộc và Vượt qua chướng ngại

Việt dịch: Tỳ kheo Pháp Thông