CHIA SẺ

Trong Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh), Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh họa hôn trầm và thụy miên như sau:

“ Nếu có một lu nước, phủ trùm với rêu và thủy tảo, một người với thị lực bình thường, nhìn vào lu nước ấy, không thể nhận ra và đúng với hình ảnh của khuôn mặt mình.  Cũng vậy, khi tâm bị ám ảnh bởi hôn trầm và thụy miên, hành giả không thể thấy một cách đúng đắn lối thoát khỏi hôn trầm và thụy miên đã sanh; vì lý do đó hành giả không thể thấy và hiểu đúng lợi ích của bản thân, không thấy và hiểu đúng lợi ích của kẻ khác, không thấy và hiểu đúng lợi ích của cả hai; những pháp hành giả đã thuộc lòng trước đây còn không đi vào tâm (không nhớ được) nói gì đến những pháp không thuộc.’

Trong Eka-Nipāta của Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh), Đức Phật nói như thế này:

‘ Này các Tỳ Kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho hôn trầm và thụy miên chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như không hăng hái, lơ đãng, biếng nhác dài thây, buồn ngủ sau khi ăn và tâm trí thụ động.’

Nơi người nào tâm trí thụ động, hôn trầm và thụy miên nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc nếu đã sanh, được mạnh mẽ và tăng trưởng.’

‘Này các Tỳ kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hôn trầm và thụy miên, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như yếu tố khơi dậy nghị lực của một người (tinh cần giới), yếu tố khơi dậy sự nỗ lực (tinh tấn giới), yếu tố khơi dậy sự nỗ lực liên tục của một người (dõng mãnh giới).

Nơi người nào phấn đấu một cách đầy nghị lực, hôn trầm và thụy miên chưa sanh, sẽ không sanh,hôn trầm và thụy miên nếu đã sanh, được đoạn trừ.’

Chú giải kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭthāna Sutta) tuyên bố rằng có sáu pháp đưa đến sự đoạn trừ của hôn trầm và thụy miên:

  1. Biết rằng ăn quá no là một nguyên nhân gây ra hôn trầm và thụy miên.
  2. Thay đổi oai nghi;
  3. Nghĩ về tướng ánh sáng;
  4. Ở nơi thoáng khí;
  5. Bạn lành;
  6. Nói chuyện thích hợp.

Những pháp sau cũng hữu ích trong việc khắc phục hôn trầm và thụy miên:

  1. Niệm sự chết

Như: ‘ Hôm nay nhiệt tâm làm; ai biết chết (sẽ đến) ngày mai?’

  1. Tưởng khổ trong vô thường

Như đã được nói trong kinh Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh): ‘Nơi vị Tỳ kheo quen thấy khổ trong vô thường và thường xuyên áp dụng pháp quán này, thời một ý thức thấm thía về sự nguy hiểm của lười biếng, dễ duôi, lơ đãng, thụ động và vô tư lự sẽ được thiết lập nơi vị ấy, như thể vị ấy đang bị đe dọa bởi một tên sát nhân với thanh kiếm đã rút ra vậy.’

  1. (Hoan) hỷ:

Như đã nói trong Tương Ưng Kinh (Saṃyatta Nikāya): ‘ Khi tâm chậm chạp, không nhanh nhẹn, thì đó không phải là lúc thích hợp để tu tập các chi phần giác ngộ sau: tịnh giác chi, định giác chi và xả giác chi, bởi vì một cái tâm không nhanh nhẹn khó có thể khơi dậy được bằng các chi phần ấy vậy.’

  1. Quán tưởng về cuộc hành trình tâm linh:

Như đã tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo: ‘ Ta phải bước đi trên con đường đó, con đường mà chư Phật, chư Phật Độc Giác và các bậc Thánh Đệ Tử đã đi; nhưng nếu là một con người biếng nhác thì làm sao có thể bước đi trên con đường đó được.’

  1. Quán tưởng về sự vĩ đại của Bậc Đạo Sư:

Như đã tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo: ‘ Dốc hết tinh tấn lực đã được Bậc Đạo Sư của ta khen ngợi, và trong sự chỉ dẫn và giúp đỡ đệ tử không có ai sánh bằng Ngài. Ngài được tôn kính nhờ thực hành Pháp (Dhamma), chứ không bằng gì khác.’

  1. Quán tưởng về sự vĩ đại của di sản Giáo Pháp:

Như đã tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo: ‘Ta phải trở thành người chủ sở hữu của di sản vĩ đại, gọi là Diệu Pháp này, còn người lười biếng không thể nào nắm giữ Giáo Pháp.’

  1. Làm thế nào để khích lệ tâm:

Như đã tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo: Hành giả khích lệ tâm như thế nào lúc tâm cần khích lệ? Nếu do chậm chạp trong việc áp dụng trí tuệ hay do chưa đạt đến lạc của khinh an, tâm của hành giả cùn nhụt không sắc bén, thì hành giả nên đánh thức nó bằng sự hồi tưởng lại tám pháp động (tâm). Tám pháp đó là: sanh, hoại, bệnh và chết; cái khổ trong các cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh…);cái khổ của sanh tử luân hồi trong quá khứ, cái khổ của sanh tử luân hồi trong tương lai, cái khổ ở hiện tại gốc ở việc phải tìm kiếm thức ăn.

  1. Làm thế nào để vượt qua hôn trầm

Một thuở nọ Đức Thế Tôn nói với Tôn giả Mục Kiền Liên như vầy: ‘Này Mục Kiền Liên, có phải ông ngủ gật? Này Mục Kiền Liên, có phải ông ngủ gật?’ – ‘Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.’

‘ (1) Vậy thì, này Mục Kiền Liên, bất cứ khi nào ý nghĩ buồn ngủ xảy đến, ông không nên tác ý đến ý nghĩ ấy, ông không nên thường xuyên trú trong ý nghĩ ấy. Nhờ làm như vậy, có thể cơn buồn ngủ sẽ biến mất.’

‘ (2) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông nên nghĩ tưởng và suy xét trong tâm về Pháp (Dhamma) như ông đa được nghe và học nó, và ông nên ôn lại trong tâm pháp ấy. Nhờ làm như vậy, cơn buồn ngủ sẽ biến mất.’

‘ (3) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông nên học thuộc lòng Pháp (Dhamma) với từng chi tiết của nó, như ông đã được nghe và học, và ông nên ôn lại trong tâm pháp ấy. Nhờ làm như vậy, có thể cơn buồn ngủ sẽ biến mất.

‘ (4) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông nên lắc lỗ tai, và chà xát chân tay với lòng bàn tay của ông. Nhờ làm như vậy, có thể cơn buồn ngủ sẽ biến mất.

‘ (5) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông nên đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, và sau khi rửa mắt với nước mát, ông nên nhìn quanh các hướng và nhìn lên các vì sao trên bầu trời. Nhờ làm như vậy, có thể cơn buồn ngủ sẽ biến mất.’

‘ (6) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông nên thiết lập vững chắc tưởng ánh sáng: ngày như thế nào,đêm cũng như vậy; đêm như thế nào, ngày cũng như vậy. Với một cái tâm trong sạch và không bị tắc nghẽn như thế, ông nên tu tập một ý thức đầy đủ sáng suốt. Nhờ làm như vậy, có thể cơn buồn ngủ sẽ biến mất.’

‘ (7) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông nên nhận biết đâu là phía trước,đâu là phía sau, đi lên và đi xuống, với các căn hướng bên trong, với tâm không đi ra ngoài. Nhờ làm như vậy, có thể cơn buồn ngủ sẽ biến mất.’

‘ (8) Nhưng nếu làm như vậy mà cơn buồn ngủ không biến mất, ông có thể nằm xuống bên hông phải, trong thế nằm của con sư tử, chân này trên chân kia –chánh niệm, và tỉnh giác, giữ trong tâm ý nghĩ đứng dậy. Sau khi đã thức dậy, ông phải nhanh chóng đứng lên, nghĩ rằng, “Ta sẽ không đắm chìm trong sự hưởng thụ thú nằm và tựa, trong sự hưởng thụ ngủ nghỉ!”

‘ Này Mục Kiền Liên, ông hãy nên học tập như vậy!’

  1. Suy xét về năm nguy hiểm đang đe dọa

Trong Cuốn Năm của Anguttara Nikāya (Tăng Chi Kinh), Đức Phật nói rằng có năm nguy hiểm đang đe dọa:

‘ Này các Tỳ kheo, nếu vị Tỳ kheo nào nhìn thấy năm nguy hiểm đang đe dọa này, thật là vừa đủ cho vị ấy để sống không dễ duôi, nhiệt tâm, với tâm quyết định thành tựu những gì chưa thành tựu, đạt đến những gì chưa đạt đến, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Năm nguy hiểm ấy là gì?’

‘ (1) Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo suy xét như vầy: “ Bây giờ ta còn trẻ, còn thanh niên, tuổi trẻ, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong giai đoạn đầu của cuộc đời. Nhưng một thời nào đó sẽ đến khi mà thân xác này sẽ bị gò bó trong tuổi già. Mà người bị tuổi già khuất phục thì không dễ gì suy tưởng những Lời Dạy của Đức Phật, thật không dễ cho người ta để sống trong những nơi hoang vu hay rừng núi, hay trong những chỗ ở hẻo lánh. Trước khi tình trạng không ai muốn này,tình trạng không đáng ưa, không vừa ý này, đến với ta, trước khi đó, ta hãy thu hết nghị lực để thành tựu những gì chưa thành tựu, đạt đến những gì chưa đạt đến, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, nhờ chứng đạt trạng thái đó ta sẽ sống an vui, dù có bị già.”

‘ (2) Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo suy xét như vầy: “Bây giờ ta không ốm đau, không bệnh tật, khả năng tiêu hóa của ta làm việc trơn tru, thể chất của ta không quá lạnh và không quá nóng, được quân bình và thích hợp cho việc nỗ lực tinh tấn. Nhưng một thời nào đó sẽ đến khi mà thân này bị gò bó trong bệnh tật. Mà người bị ốm đau bệnh tật thì không dễ gì suy tưởng những Lời Dạy của Đức Phật, thật không dễ cho người ta để sống trong những nơi hoang vu hay rừng núi, hay trong những chỗ ở hẻo lánh. Trước khi tình trạng không ai muốn này,tình trạng không đáng ưa, không vừa ý này, đến với ta, trước khi đó, ta hãy thử hết nghị lực để thành tựu những gì chưa thành tựu, đạt đến những gì chưa đạt đến, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, nhờ chứng đạt trạng thái đó ta sẽ sống an vui, dù có bị bệnh.”

‘ (3) Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo suy xét như vầy, “ Bây giờ có được dồi dào thực phẩm, mùa màng tươi tốt, dễ nhận được đồ ăn khất thực và của cúng dường. Nhưng một thời nào đó sẽ đến khi mà nạn đói, mùa màng hưn hỏng, sẽ khó mà có được một bữa ăn khất thực, khó mà sống được nhờ khất thực và khó mà có các của cúng dường. Và trong nạn đói người ta phải di cư đến những nơi ở đây thực phẩm được thoải mái, và nơi đó sự trú ngụ sẽ bị tụ tập lại đông đúc. Mà chỗ nào sự trú ngụ bị tụ tập lại đông đúc người ta không dễ gì suy tưởng những Lời Dạy của Đức Phật; thật không dễ cho người ta sống trong những nơi hoang vu hay rừng núi, hay trong những chỗ ở hẻo lánh. Trước khi tình trạng không ai muốn này,tình trạng không đáng ưa, không vừa ý này, đến với ta, trước khi đó, ta hãy thu hết nghị lực để thành tựu những gì chưa thành tựu, đạt đến những gì chưa đạt đến, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, nhờ chứng đạt trạng thái đó ta sẽ sống an vui, dù có bị nạn đói.”

‘ (4) Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo suy xét như vầy, “ Bây giờ con người sống trong hòa hợp và tình thân thiện, sống trong tình bạn bè hữu nghị như sữa hòa trong nước và nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm. Nhưng một thời nguy hiểm sẽ đến, tình trạng náo động giữa các bộ tộc khi dân chúng phải leo lên xe để chạy trốn và những người lâm vào cảnh sợ hãi phải di chuyển đến những nơi an toàn, và ở đó sự trú ngụ sẽ bị tụ tập lại và đông đúc. Mà chỗ nào sự trú ngụ bị tụ tập lại và đông đúc người ta không dễ gì suy tưởng những Lời Dạy của Đức Phật; thật không dễ cho người ta sống trong những nơi hoang vu hay rừng núi, hay trong những chỗ ở hẻo lánh. Trước khi tình trạng không ai muốn này,tình trạng không đáng ưa, không vừa ý này, đến với ta, trước khi đó, ta hãy thu hết nghị lực để thành tựu những gì chưa thành tựu, đạt đến những gì chưa đạt đến, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, nhờ chứng đạt trạng thái đó ta sẽ sống an vui, dù có sống vào thời nguy hiểm.”

 

‘ (5) Lại nữa, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo suy xét như vầy, “ Bây giờ Tăng Chúng (đoàn thể các vị Tỳ kheo ) sống trong hòa hợp và tình thân thiện, không cãi nhau, sống an vui dưới một giáo lý. Nhưng một thời sẽ đến khi có sự chia rẽ trong Tăng Chúng. Và khi Tăng Chúng bị chia rẽ người ta không dễ gì suy tưởng những Lời Dạy của Đức Phật; thật không dễ cho người ta sống trong những nơi hoang vu hay rừng núi, hay trong những chỗ ở hẻo lánh. Trước khi tình trạng không ai muốn này,tình trạng không đáng ưa, không vừa ý này, đến với ta, trước khi đó, ta hãy thu hết nghị lực để thành tựu những gì chưa thành tựu, đạt đến những gì chưa đạt đến, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, nhờ chứng đạt trạng thái đó ta sẽ sống an vui, ngay cả khi Tăng Chúng bị chia rẽ.”

Trong kinh Cara Sutta của Bộ Itivuttaka, Đức Phật đưa ra một định nghĩa rất rõ ràng về một vị Tỳ kheo lười biếng và một vị Tỳ kheo siêng năng. Trong bài kinh ấy, Ngài nói như sau:

‘ Này các Tỳ kheo, nếu trong khi đang đi, một ý nghĩ tham dục hay một ý nghĩ sân hận hay một ý nghĩ độc ác khởi lên nơi một vị Tỳ kheo, và nếu vị ấy không có phản kháng, không có bỏ đi, không có xua đuổi, không có loại trừ và đưa nó đến chỗ chấm dứt, vị Tỳ kheo với thái độ như vậy là thiếu nhiệt tâm và không sợ hãi làm điều bất thiện, vị Tỳ kheo ấy được gọi là lười biếng không ngừng và thường xuyên thụ động. Nếu trong khi đang đứng… Nếu trong khi đang ngồi… Nếu trong khi đang nằm, một ý nghĩ tham dục hay một ý nghĩ sân hận hay một ý nghĩ độc ác khởi lên nơi một vị Tỳ kheo, nếu vị Tỳ kheo không chấp nhận nó, bỏ đi, xua đuổi, loại trừ và đưa nó đến chỗ chấm dứt, vị Tỳ kheo với thái độ như vậy là có nhiệt tâm và biết sợ hãi làm điều bất thiện, và được gọi là tinh tấn  không ngừng và cương quyết không ngừng. ‘

Dù khi đi hay đứng

Dù khi ngồi hay nằm

Ai nghĩ những ý nghĩ

Độc ác và trần tục-

Thời đang theo tà đạo,

Cuồng dại với si pháp.

Vị Tỳ kheo như vậy

Không thể nào đạt đến

Sự Giác ngộ tối cao.

Dù khi đi hay đứng

Dù khi ngồi hay nằm

Ai diệt những ý ấy

Vui thích trong việc diệt (những tà ý)

Vị Tỳ kheo như vậy

Sẽ có ngày đạt đến

Sự Giác ngộ tối cao.

Là một vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni, quý vị được những người cư sĩ hộ độ. Lãng phí cuộc đời sau khi thọ dụng vật thực do tín thí cúng dường là một điều đáng hổ thẹn. Như quý vị phải cố gắng có được tinh tấn lực như Đức Phật đã nói.

Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw

Dây trói buộc và Vượt qua chướng ngại

Việt dịch: Tỳ kheo Pháp Thông