CHIA SẺ

“Tôn sư trọng Đạo” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nghìn năm văn hiến. Vậy nên không khí ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm đều ấm áp, rực rỡ với những bó hoa tươi thắm và những lời chúc đậm đà ân tình thầy trò.

Và không khí của ngày tôn sư trọng đạo ấy luôn hiện diện trong mỗi mái chùa, vì Tam Bảo là vị thầy dẫn đường cho mọi người hàng ngày tu tập để có được cuộc sống an vui.

Từ thuở bé thơ ở nhà, mỗi người chúng ta đều được người lớn dạy dỗ cách bầy tỏ sự tôn kính với thầy cô giáo hàng ngày ở trường. Khi đến chùa, ta được Uy Nghi Quốc Ngữ dạy cách bày tỏ sự kính trọng đối với những bậc sư trưởng, ở ngay 2 chương đầu tiên:

“Một rằng kính đại Sa môn
Chẳng được hô hoán húy ngôn tên Người
Chẳng được trộm thính chê cười
Chẳng được đem nói sự Người thị phi
Dù thấy Sa môn bước đi
Khởi thân hành lễ một khi tôn nhường”

Các thầy cô giáo ở trường thay thế, giúp đỡ cha mẹ giáo dục trẻ em nên người. Có thể nói, ở nhà trẻ em được bố mẹ dạy dỗ như thế nào, ở trường trẻ em cũng được thầy cô uốn nắn như thế. Vậy nên thầy cô chính như cha mẹ tinh thần của mỗi người vậy.

Cũng vậy, các quý Thầy chốn tùng lâm chính là những hóa thân của chư Phật – Bồ tát như kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn đã dạy, các Thầy nối bước chư Phật – Bồ tát đi cứu độ chúng sinh bằng Giáo Pháp vi diệu của Đức Phật. Hình dáng thanh cao của các Thầy có gợi chăng cho chúng ta nghĩ đến hình ảnh Đức Thế Tôn còn sinh thời?

Nhắn nhủ với các bạn ai mộ Phật, cần luôn biết quy kính các quý Thầy. Vì các Thầy không những là Tăng Bảo – hóa thân của chư Phật, mà các thầy còn có công lao rất lớn trong công cuộc giữ nước – dựng nước trường kỳ của dân tộc. Văn tự trên chùa Bổ Đà (Bắc Giang) ghi lại như vậy:

“Khi nước có ngoại xâm giày xéo
Gấp cà sa khoác áo chiến bào
Thật là vinh dự xiết bào
Tinh thần vô úy góp vào giang sơn”

Tấm gương Bồ tát Thích Quảng Đức hy sinh sắc thân để đạo Pháp trường tồn với dân tộc qua thời Mỹ – Diệm, đã giúp nhân dân ta giữ được mái chùa chở che hồn dân tộc từ năm 1963 đến nay. Người Việt Nam cần lắm những ngôi chùa, những phong tục thờ tự để hướng con người về cõi Thiện, bớt tính ác, tâm hồn từ đó sẽ không còn cằn cỗi nghèo nàn, sẽ sống có ký ức và có cội nguồn hơn.

Những mái chùa cổ kính đã từng chở che tinh thần yêu nước từ trong những thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Tiêu biểu như tấm gương cố Đại lão Hòa thượng Thích Chí Tín từng mở rộng cửa chùa bảo vệ cho cán bộ Việt Minh thời chống thực dân Pháp, và cho dân tị nạn tá túc trong cả chính điện. Cho đến khi hòa bình lập lại đến nay, những lớp dạy văn hóa bổ túc chốn thiền môn vẫn tiếp tục giảng giải đạo lý truyền thống và cái chữ đến mọi người như từ thời Lý – Trần, và người dạy không ai khác chính là các sư thầy.

Đó là lý do vì sao tăng sĩ Phật giáo vốn được tôn xưng là sa môn từ xã hội Ấn Độ cổ, nay còn được tôn xưng là quý Thầy, kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam.

Hẳn ai đã hiểu về văn hóa – lịch sử Việt Nam đều có lòng kính trọng xuất phát từ sự biết ơn các vị tu sĩ khả kính, vì những công đức cao cả mà các Thầy đã đóng góp cho đất nước, vì đạo pháp.

Lòng biết ơn là thái độ rung cảm chân thành trước sự hy sinh, hiến dâng, được khắc ghi sâu đậm trong Tâm, và có ý muốn đền đáp bằng cách này hay cách khác trong tương lai.

Năng lượng biết ơn khi được phát sinh, không những tạo nên sự hài hòa trong các mối liên hệ, mà còn có công năng đánh thức những hạt giống cao quý trong tâm hồn, và đốt cháy những năng lượng độc hại do ta vô tình lầm lỡ gây ra trong quá khứ.

Chỉ cần duy trì ý niệm biết ơn là ta đã thừa hưởng rất nhiều. Huống chi, khi ta biến nó thành hành động tạ ơn, thì năng lượng lớn mạnh gấp bội. Nó khiến kẻ đền đáp và người tiếp nhận đều hạnh phúc.

Đó là ý nghĩa nhân văn của câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” : một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Bạn sẽ có rất nhiều giữ được niềm tin và biết ơn trọn vẹn trong tâm khảm, bạn sẽ mất rất nhiều nếu đánh mất niềm tin và lòng biết ơn vào Tăng Bảo.

Vì niềm tin là mẹ của mọi công đức, và niềm tin là của bạn, nó do bạn tạo ra và cũng do bạn vứt bỏ nó đi. Và ai làm cho bạn tin tưởng? Đó là Tam Bảo: Phật Bảo – Pháp Bảo – Tăng Bảo. Theo nhà hiền triết Socrates “Người thầy vĩ đại có thể khơi dậy cảm hứng và niềm tin nơi học trò”.

Mặt trăng trên mặt nước, và mặt trăng trên đầu ngón tay cũng đều là mặt trăng. Cũng giống như mọi vị Thầy bạn gặp đó, đều là hóa thân của Đức Tam giới Đại Sư, Tứ sinh Từ phụ, thiên bách ức hóa thân Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Diệu Hòa