CHIA SẺ

Nói đến Phật giáo xứ Trầm Hương (Khánh Hòa), ta liên tưởng ngay đến nơi phát tích của Bồ tát Quảng Đức (1897-1963), người đã làm nên ánh lửa trời kỳ diệu, xóa sạch si mê hôn ám, đem lại huy hoàng cho Phật giáo Việt Nam với minh chứng hùng hồn trái tim Bồ tát bất diệt. Không chỉ un đúc nên trái tim Xá lợi của Bồ tát Quảng Đức, xứ Trầm Hương hiện còn lưu dấu hai pho nhục thân Xá lợi của Tổ Pháp Thân – Đạo Minh (1684-1803) nơi linh địa Núi Đất (Ninh Hà, Ninh Hòa) và nhục thân Xá lợi của Thiền sư Viên Chiếu – Như Cự (1892-1943) trên núi thiêng Hòn Lớn (Ninh Hưng, Ninh Hòa). Một lần tìm theo dấu xưa, chồn chân vì đá núi, rồi phủ phục dưới nền đá lạnh rêu phong của tháp Tổ Viên Chiếu – Như Cự, để cảm niệm ân đức tu hành vĩ đại của tiền nhân, để nghe gió ngàn trò chuyện và để… suy ngẫm lại chính mình.

Xuất gia học đạo

Theo sách Nơi Bồ tát ẩn tu (Thích Như Hoằng, Nxb.Tôn Giáo, 2006), Thiền sư húy Như Cự, hiệu Viên Chiếu, tông Lâm Tế, đời thứ 41. Ngài tên Lê Văn Cự, người huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. Lúc chưa xuất gia, ngài cùng với gia đình sống trong hoàng cung triều Nguyễn với phận sự may thêu truyền thống phục vụ cung đình. Năm 1935, sau khi mẹ mất, quán thấu đời vô thường, công danh bèo bọt, ngài sắp xếp chuyện gia đình rồi quyết chí xuất gia học đạo.

Từ kinh thành Huế, ngài băng rừng lội suối vào đến tận Sài Gòn. Đầu trần chân trụi vượt qua muôn dặm đường dài, vừa đi vừa khất thực đồng thời cũng vừa mong tìm được minh sư. Đến Sài Gòn, ngài lại tiếp tục du hành sang Campuchia và đến tận Thái Lan. Năm 1937, ngài quay về Sài Gòn, nuôi ý định sang Tây Tạng cầu pháp. Duyên may cùng thời gian ấy, Hòa thượng Lạt ma Chơn Phổ – Nhẫn Tế du học Tây Tạng vừa trở về Bình Dương. Ngài Như Cự cùng với hai huynh đệ Như Thượng, Như Trạm (cùng quê Thừa Thiên-Huế) đến đảnh lễ Hòa thượng Chơn Phổ – Nhẫn Tế cầu pháp. Sau gần bốn năm tu học với Thubten Osall Lama (pháp danh Hòa thượng Nhẫn Tế được Lạt ma quốc vương Tây Tạng ban vào năm 1936) tại chùa Thiên Chơn (chùa Tây Tạng hiện nay), ngài và các huynh đệ đã đắc pháp và được ban hiệu Như Cự (Viên Chiếu), Như Thượng (Thường Chiếu), Như Trạm (Tịch Chiếu) vào năm 1941.

Cuối năm 1941, Thiền sư xin phép rời Bình Dương trở lại Khánh Hòa gặp Bồ tát Quảng Đức tại Tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh). Sau khi hội kiến với Bồ tát Quảng Đức, Thiền sư cùng Bồ tát đến chùa Hội Phước, chuẩn bị hành trang lên núi thiêng Hòn Lớn, khu vực Suối Cát để chuyên tu thiền định. Bồ tát Quảng Đức đã cùng tu tập và trợ duyên với ngài một thời gian. Sau Bồ tát Quảng Đức xuống núi hành đạo cứu đời, còn Thiền sư Viên Chiếu ẩn tu thiền định ở Hòn Lớn cho đến ngày viên tịch.

Ẩn tu nơi núi thiêng Hòn Lớn

Nơi Thiền sư dừng chân ẩn tu là một vách đá ở lưng chừng Hòn Lớn. Một hòn đá núi to tọa trên phiến đá bằng phẳng, chồm ra ngoài tạo thành hốc núi che được nắng mưa. Bấy giờ, Hòn Lớn rừng núi thâm u hiểm trở, lam sơn chướng khí, nhiều cọp beo và rắn độc, chỉ có dân đi điệu (những người đi lấy trầm hương) mới dám bén mảng đến khu vực này. Hành trang của ngài thật đơn giản, ngoài y bát là một ít thực phẩm khô như đậu, mè và nổ. Một mình thiền định giữa núi cao rừng thẳm, đối diện với vô vàn thử thách cam go nhưng không làm cho ngài sờn lòng. Nhờ đắc mật pháp nơi Hòa thượng Lạt ma Nhẫn Tế và nhờ sự trợ duyên, chia sẻ kinh nghiệm tu núi của Bồ tát Quảng Đức nên Thiền sư Viên Chiếu đã thể nhập, an trú thiền định rất thâm sâu. Chỉ có những bậc thành tựu thiền định thì mới có thể bám trụ ở những nơi thâm sơn cùng cốc đầy hiểm nguy như thế.

Ngày nay, khi người dân đã khai phá và trồng trọt hoa màu đến gần nơi am thất của Thiền sư mà đường lên núi vẫn còn nhiều gian truân, vất vả. Lối mòn phủ kín cỏ dại và gai góc chằng chịt, phải vượt qua ba con suối cùng đá núi gập ghềnh. Vào mùa mưa, nước hỗn trên núi tràn về rất dữ dội, nếu không cẩn thận thì sẽ rất nguy hiểm cho người qua lại. Hồi tưởng lại hơn 60 năm trước thì nơi đây hiểm trở đến dường nào và càng bội phục trước chí nguyện tu hành của Thiền sư.

Lưu nhục thân bất hoại

Những ngày tháng ẩn tu thiền định tại Hòn Lớn, thỉnh thoảng một đôi lần Thiền sư xuống núi khất thực. Và người dân địa phương (chủ yếu là người tìm trầm) cũng đôi lần thăm viếng và cung cấp ít thực phẩm khô cho ngài. Còn lại, Thiền sư sống khổ hạnh với rau rừng, quả núi và chuyên tâm thiền định. Cho đến một ngày gần cuối năm 1943, tình cờ có người lên núi phát hiện ra ngài đã viên tịch tự lúc nào. Thiền sư ngồi dưới vách đá thâu thần thị tịch trong tư thế kiết già tọa thiền rất vững chãi. Dân làng vô cùng kính phục đức hạnh cao cả của ngài, sau khi lễ bái liền gom đá núi xếp chồng lên quanh nhục thân làm thành bảo tháp.

Rồi chiến tranh nổ ra, gần mấy chục năm trời không ai được phép lên núi. Sau 1975, người dân lên núi chặt cây, đào củ kiếm sống nhưng vật đổi sao dời không ai còn nhớ rõ hang Tổ ở chốn nào. Thời gian sau, chư Tăng và Phật tử Ninh Hòa đã phát động một cuộc tìm kiếm quy mô trên Hòn Lớn và phát hiện được nhục thân của Thiền sư, xương cốt vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế ngồi kiết già như mấy chục năm về trước, sau đó xây bảo tháp tôn trí nhục thân ngài như hiện nay.

Dấu xưa tháp Tổ

Bảo tháp tuy đơn sơ, ẩn dật trên núi cao nhưng đã ghi dấu địa linh, thánh tích huy hoàng về sự nghiệp tu tập của Thiền sư Viên Chiếu lưu lại nhục thân bất hoại. Và đã có hai vị Tăng trẻ hậu thế từng theo gương tiền nhân, phát nguyện ẩn tu thiền định bên tháp Tổ nhưng đã xuống núi du phương hoằng hóa nên hiện nay thánh tích vẫn cô tịch, hoang lạnh và rêu phong. Mặc dù, cuộc đời của Thiền sư là “Nhạn quá trường không” nhưng trong bối cảnh hiện nay việc làm rạng danh chốn Tổ để cảm niệm ân đức của tiền nhân, nêu gương sáng tu hành cho hậu thế là điều mà những người con Phật chúng ta cần suy ngẫm và thực hiện.

Nhiên Tự

Nguồn https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2017/11/02/52D643/