CHIA SẺ

New Delhi, Ấn Độ – Khi nhà từ thiện người Mỹ Bobby Sager lần đầu tiên gặp Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào 19 năm trước, ông đã yêu cầu Ngài về một dự án để thực hiện và Ngài đã gợi ý cho ông nên giúp tạo điều kiện về sự giáo dục khoa học trong các tu viện Tây Tạng. Sáng nay, họ gặp lại nhau khi Sager đi cùng với 47 nhà lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu để diện kiến Ngài.

Nhà từ thiện người Mỹ Bobby Sager giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc bắt đầu cuộc gặp gỡ với các nhà Lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu ở New Delhi, Ấn Độ vào 7 tháng 4, 2019. Ảnh của Tenzin Choejor
Nhà từ thiện người Mỹ Bobby Sager giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc bắt đầu cuộc gặp gỡ với các nhà Lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu ở New Delhi, Ấn Độ vào 7 tháng 4, 2019. Ảnh của Tenzin Choejor

 

Nói chuyện với họ như những người anh chị em quý mến; Ngài nói với họ rằng Ngài rất vinh dự khi được gặp những người cam kết cùng một mục tiêu chung là hạnh phúc của loài người.

“Hôm qua, tôi đã đề cập rằng mọi thứ đều thay đổi. Nó là một phần của tự nhiên. Những điều tồi tệ không được giữ lại theo cách đó, mà những điều tốt cũng không như thế. Mọi thứ thay đổi do các nguyên nhân tạo ra chúng, cũng như do các yếu tố khác. Cho dù mọi thứ nghiêm trọng đến mức nào, nếu chúng ta sử dụng trí thông minh của mình và suy nghĩ đúng đắn về chúng, không để trí thông minh của mình bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, thì trí thông minh của mình sẽ có khả năng nhìn thấy được sự thật. Khi cảm xúc can thiệp vào, chúng ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh. Khi tâm thức của chúng ta bình tĩnh, trí thông minh của ta có thể nhìn thấy được trọn vẹn sự thật.

Tôi chỉ là một trong số 7 tỷ người đang sống hiện nay; và vì thế tôi cố gắng phát huy lòng từ bi của con người dựa trên ý thức rằng tất cả nhân loại là một. Cách suy nghĩ này mang lại lợi ích lớn lao đối với tôi. Khi tôi gặp một ai đó, với hai mắt, một mũi và vân vân, tôi nhận ra họ là những con người mà về mặt thể chất, tinh thần và cảm xúc đều giống như tôi. Tôi cảm thấy họ là em gái hoặc anh trai của tôi.

“Là một tu sĩ Phật giáo, tôi cảm thấy có trách nhiệm cần phải thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Giết hại lẫn nhau nhân danh tôn giáo, như chúng ta thấy ngày nay, là điều không thể tưởng tượng được. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương, thực hiện các phương pháp khác nhau để phù hợp với những căn cơ khác nhau của mọi người. Mục đích của các tôn giáo là để cho mọi người trở nên trung thực và chân thành hơn. Ở Ấn Độ, chúng ta thấy sự hài hòa chiếm ưu thế trong số tất cả các truyền thống tôn giáo phát triển ở đây. Chẳng hạn như, tôi không bao giờ nghe thấy về sự xung đột giữa người Sunni và người Shias ở đất nước này; và người Hồi giáo Ấn Độ đang triệu tập một cuộc hội nghị vào tháng 6 tới để làm rõ điều đó.

Tôi cũng là một người Tây Tạng, một người mà nhân dân Tây Tạng đã đặt hết niềm hy vọng của họ vào. Nhưng liên quan đến trách nhiệm chính trị thì tôi đã nghỉ hưu vào năm 2001. Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nhận thức được rằng, đặt tất cả quyền lực trong tay một Vị nhiếp chính hoặc một Đức Đạt Lai Lạt Ma là sai lầm. Sau khi tôi chấp nhận trách nhiệm chính trị vào năm 1950, tôi đã thành lập một ủy ban cải cách, nhưng sự thành công của nó đã bị hạn chế vì người Trung Quốc muốn bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều phải được thực hiện theo phương cách của họ. Năm 1960, sau khi đến Ấn Độ, chúng tôi bắt đầu làm việc để thiết lập một hệ thống dân chủ, và sự lãnh đạo được bầu cử hoàn toàn đầu tiên của chúng tôi đã đạt được vào năm 2001.

Trong khi đó, tôi lên tiếng để bảo vệ môi trường Tây Tạng, bởi vì rất nhiều con sông lớn được bắt nguồn từ trên cao nguyên Tây Tạng, rất quan trọng đối với các dân tộc ở Nam và Đông Nam Á. Nhưng điều tôi quan tâm nhất là việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, nơi mà chủ yếu bảo tồn Truyền thống Nalanda của Ấn Độ được thành lập ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 theo lệnh của Quốc Vương Tây Tạng – Trisong Detsen. Chúng tôi đã gìn giữ truyền thống này, tập trung vào triết học, tâm lý học và logic, tồn tại hơn một nghìn năm. Đây là một phương pháp mà không tìm thấy được ở các quốc gia Phật giáo khác.

Bậc Đạo Sư Tây Tạng thế kỷ 13 – Sakya Pandita đã viết về logic, và người Tây Tạng chúng tôi đã nghiên cứu điều này và các tác phẩm của Ngài Trần Na và Pháp Xứng. Tôi cho rằng sự nhạy bén của tâm trí tôi hiện nay có được là nhờ sự rèn luyện của tôi về logic học.

Tôi cam kết cố gắng làm sống lại kiến thức Ấn Độ cổ đại ở Ấn Độ hiện đại, bởi vì tôi tin rằng đây là quốc gia duy nhất có thể kết hợp kiến thức này với nền giáo dục hiện đại. Trong các trường đại học tu viện được tái thiết lập lại ở miền Nam Ấn Độ, chúng tôi có khoảng 10.000 Tăng sĩ và 1000 Ni Cô được đào tạo về kiến thức lâu đời này về hoạt động của tâm thức và cảm xúc.

Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng chuỗi tràng hạt của mình để giải thích một điểm trong cuộc nói chuyện với Lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu tại New Delhi, Ấn Độ vào 7 tháng 4, 2019. Ảnh của Tenzin Choejor
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng chuỗi tràng hạt của mình để giải thích một điểm trong cuộc nói chuyện với Lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu tại New Delhi, Ấn Độ vào 7 tháng 4, 2019. Ảnh của Tenzin Choejor

 

Khoa học như chúng ta đã biết – nó không được nghiên cứu tại Nalanda, nhưng ngày nay nó đã có một ý nghĩa rất lớn. Các cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học và các hành giả và học giả Phật giáo Tây Tạng đã cùng có lợi. Đức Phật đã dạy về hai sự thật (nhị đế), sự thật thông thường (tục đế) và sự thật tối thượng (chơn đế), mà các nhà khoa học đã chấp nhận. Trong hơn 300 tập văn học Phật giáo đã được dịch, các nhà khoa học đã tìm thấy ở đó rất nhiều điều thú vị.

Khi một thành viên của khán giả đề cập đến nghiệp chướng trong câu hỏi của cô, Ngài đã trả lời rằng, đổ lỗi cho những gì xảy ra là do nghiệp, như vẻ không có thể làm được điều gì đối với nó, đó là một thái độ lười biếng. Ngài nói với cô ấy, chúng ta nên hỏi, ai tạo ra nghiệp chướng này, câu trả lời là, chính chúng ta đã làm.

Ngay cả khi chúng ta đã tạo ra nghiệp xấu, chúng ta vẫn có thể thay đổi nó bằng cách tạo nên nghiệp tốt. Chúng ta có xu hướng gây ra những vấn đề rắc rối bởi cái nhìn thiển cận của mình. Con người có một trí thông minh tuyệt vời cho phép chúng ta thay đổi như là kết quả của sự giáo dục. Chúng ta cần nhìn mọi thứ từ các góc độ khác nhau. Chúng ta tìm hiểu mọi thứ bằng phương pháp tiếp cận với khoa học và điều tra, phân tích về cách mà chúng phát sinh. Mọi người chọn các quan điểm triết học khác nhau vì những căn cơ khác nhau của họ. Ngay cả trong Phật giáo cũng có hàng loạt các quan điểm triết học.

Ngày nay, trong các xã hội dân chủ, mọi người có quyền lựa chọn truyền thống tôn giáo để theo. Chúng ta không thể nói rằng Phật giáo hay bất kỳ truyền thống tôn giáo nào khác là tốt nhất, cũng như chúng ta không thể nói rằng một loại thuốc cụ thể nào đó là tốt nhất được.

Một thành viên của khán giả hỏi Ngài một câu hỏi trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu ở New Delhi, Ấn Độ vào 7 tháng 4, 2019. Ảnh của Tenzin Choejor
Một thành viên của khán giả hỏi Ngài một câu hỏi trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Thanh niên Toàn cầu ở New Delhi, Ấn Độ vào 7 tháng 4, 2019. Ảnh của Tenzin Choejor

 

Ngài đã được hỏi về trí thông minh nhân tạo, và Ngài trả lời rằng có rất nhiều ứng dụng trong đó nó rất hữu ích. Tuy nhiên, vì trí thông minh nhân tạo – suy cho cùng – cũng là được tạo ra bởi trí thông minh của con người, thế nên Ngài không nghĩ rằng nó sẽ thống lĩnh như một số người lo sợ. Ý thức thì không giới hạn đối với các chức năng cảm giác; ý thức tinh thần thì rất tinh vi, vi tế và mạnh mẽ.

Cuối cùng, Ngài đã được hỏi về cách làm thế nào để nuôi dưỡng lòng từ ái và sự dịu dàng.

“Chúng ta có thể củng cố và nâng cao những phẩm chất tự nhiên của con người như thế này thông qua sự giáo dục và đào tạo để rồi cuối cùng chúng ta phát triển bồ đề tâm. Như Ngài Tịch Thiên đã viết trong cuốn ‘Nhập Bồ tát Hạnh’:

Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình.

Nếu tôi không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật tôi sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi tôi sẽ chẳng thể nào vui.

Lòng vị tha là nguồn hạnh phúc tối thượng; sự ái trọng tự thân chỉ mang lại sự lo lắng và căng thẳng. Hãy nghĩ đến kẻ thù như là những người có tiềm năng sẽ trở thành bạn bè của bạn! Hãy nghĩ đến tất cả 7 tỷ con người như là một phần của một cộng đồng.

Nguồn:https://vn.dalailama.com/news/2019/giao-lưu-với-các-nhà-lãnh-đạo-thanh-niên-toàn-cầu