CHIA SẺ

Các vũ điệu Kim Cương Thừa Tây Tạng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ví dụ, khi một vũ công đeo mặt nạ đầu hươu dùng thanh gươm cắt đứt một hình nộm thì đó không phải là một hành động tàn ác, mà để tượng trưng cho sự diệt trừ bản ngã bằng lưỡi gươm đại trí tuệ. Những vũ công mang mặt nạ chạy rượt đuổi nhau trong cảnh náo loạn ồn ào không phải để diễn tả cảnh truy đuổi ma quỷ mà tượng trưng cho nguồn năng lượng bên trong cơ thể không ngừng khuấy động tâm thức của chúng ta. Màn múa lặng lẽ yên bình tiếp theo sau đó tượng trưng cho sự an tĩnh nội tại có được khi vắng bặt mọi vọng niệm. Tuy nhiên, chỉ một vài yếu tố mang tính tượng trưng như thế này không đủ để nêu biểu được hết ý nghĩa thâm sâu mà các vũ điệu Mật thừa chứa đựng trong cảnh giới thiền định rộng lớn vô biên về ‘linh ảnh’, bản tâm nguyên thuỷ thanh tịnh của vạn pháp vô vi và hữu vi.

Vũ điệu Mật thừa là sự phản chiếu của tâm giác ngộ. (Lochen Dharmashri)

Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, khi Thái tử Siddharta thành tựu đại trí tuệ và trở thành Đức Phật Thế Tôn Shakya Muni. Từ năm ba mươi tuổi đến tận lúc thể nhập niết bàn ở tuổi tám mươi, Đức Thế Tôn không ngừng sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh hoá độ vô số đệ tử. Giáo pháp của Ngài vô cùng phong phú và ở nhiều mức độ khác nhau để khế hợp với căn tính của chúng sinh vô lượng.

Đối với một số đệ tử xuất chúng, Đức Phật hoá thân thành những bản tôn như Kalachakra (Thời Luân Kim Cương) và Guhyasamaj để giúp họ tấn tốc thành tựu trên con đường tu tập Phật đạo sử dụng những kỹ thuật thiền định thiện xảo. Khi ấy, Đức Phật còn hóa hiện thành những Bản tôn mang hình tướng phẫn nộ tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi. Những bản tôn đó nhảy múa theo hàng nghìn giai điệu oai nghiêm khác nhau, diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của các ngài. Đây là nguồn gốc ra đời các vũ điệu Mật thừa thiêng liêng ở Ấn Độ. Chúng thường được phô diễn trong những buổi đại lễ cúng dường Ganachakra.

Trong những dịp như thế, những vũ công thường nhảy múa một cách tự nhiên, tự do không bó buộc, không ngần ngại hay ức chế. Theo thời gian, các vũ điệu được hệ thống hoá: chúng được truyền dạy lại cho những người tài năng xuất chúng và được cắt nghĩa chú giải. Sự truyền thừa không gián đoạn từ thầy xuống đệ tử đồng thời được các kinh nghiệm thực chứng của các đại thiền sư làm cho phong phú hơn đã bảo lưu gìn giữ được pháp môn này.

Mãi đến thế kỷ thứ V sau CN, Đạo Phật mới được truyền vào Tây Tạng khi vua Lhatori Nyentsen lần đầu tiên truyền bá bộ kinh Phật. Sau đó, phải đến thời vua Songtsen Gampo và Trisong Detsen (742-787) thì Đạo Phật mới thực sự hoằng truyền khắp đất nước Tây Tạng. Vua Trisong Detsen đã thỉnh mời Phương Trượng người Ấn Độ Shantarakshita tới kiến lập một ngôi đại tự viện. Ngài Shantarakshita vì không thể chế ngự được các thế lực chống phá Phật Pháp và quỷ thần nên tuyên bố rằng chỉ có Đức Liên Hoa Sinh Padmasambhava mới có thể hàng phục và hoàn thành được sứ mạng này. Đạo sư Mật thừa đầy quyền năng được biết đến với danh hiệu Guru Rinpoche (Đức Đạo Sư Tôn Quý) được người dân Tây Tạng tôn kính như đức Phật thứ hai. Ngài đến từ Uddiyana (hiện nay là thung lũng Swat miền bắc Pakistan). Ngài du hoá tới Ấn Độ, sau đấy là Tây Tạng. Tại đây, ngài kiến thiết nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Đạo Phật. Ngài xây dựng và cử hành lễ gia trì cho ngôi tự viện Samye đầu tiên của Tây Tạng. Khi chuẩn bị gia trì cho khu vực tự viện Samye, ngài đã bay lên không trung và hàng phục quỷ thần thổ địa bằng một vũ điệu oai vũ. Chuyện kể rằng khu vực bóng râm của ngài phủ xuống đất đánh dấu ranh giới của ngôi đại tự. Về sau, sự kiện này được tưởng niệm bằng những vũ điệu gắn liền với bản tôn Vajrakilaya (Phổ Ba Kim Cương), một pháp tu vẫn còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Các vũ điệu Mật thừa bắt nguồn từ những linh ảnh. Những linh ảnh từ đó phát xuất các vũ điệu Mật Thừa thường là sự thực chứng của những đạo sư “khám phá kho tàng” (terton), các ngài được tôn kính là những hoá thân của các đệ tử Liên Hoa Sinh. Sau khi truyền pháp quán đỉnh cho các đệ tử để thiền định về một mandala nào đấy (mandala là sự trình bày mang tính biểu tượng về Pháp giới và những Hoá thần an trú trong đó), và ban dạy tất cả những giáo pháp cần thiết, Đạo Sư Liên Hoa Sinh đã giao phó lại cho các đệ tử những giáo pháp được viết trên những tấm da bằng thứ ngôn ngữ mang tính biểu tượng mà ngài cất giữ trong không trung, mặt đất, khe núi, hồ nước hoặc một biểu tượng linh thiêng nào đó. Rồi ngài thọ ký cho một trong những đệ tử của mình có mặt lúc bấy giờ sẽ trở thành người thừa kế một kho tàng tâm linh thiêng liêng nhất định, đồng thời, huyền ký vào thời gian nào, nơi nào, và trong hoàn cảnh nào thì thân tái sinh của người đệ tử đó sẽ khám phá ra kho tàng giáo pháp (terma) để mang lại lợi lạc cho chúng sinh vào thời đại tương ứng. Những giáo pháp này vô cùng nhiệm màu vì đặc biệt khế hợp với từng thời đại mà chúng xuất hiện.

Một số các kho tàng này chứa đựng những chỉ dạy về các vũ điệu mới. Nổi tiếng nhất là kho tàng giáo pháp do Guru Chowang (1212-1270) khám phá ra. Trong một linh kiến, ngài thấy mình đang cưỡi trên lưng bạch mã chở ngài bay thẳng lên không trung tới ngọn núi màu đồng rực rỡ. Ở đó, ngài gặp tám hoá thân của Đạo Sư Liên Hoa Sinh và thụ nhận giáo pháp về chân tâm. Ngài còn nhìn thấy hải hội Thánh chúng đang nhảy múa trước đức Đạo Sư Liên Hoa Sinh. Sau sự thực chứng này, ngài phát minh ra đại lễ kỷ niệm Liên Hoa Sinh mùng mười tháng giêng hàng năm trình diễn bằng vũ điệu lịch sử truyền pháp của Liên Hoa Sinh vào Tây Tạng.
Một số những kinh nghiệm thực chứng ấy diễn ra như những phép màu. Trong tiểu sử của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I Tsangpa Gyare, một Thánh Tăng sống vào thế kỷ thứ XII, ghi lại:

‘Khi đại hành giả yogi Tsangpa Gyare sắp khai mở cánh cửa tâm linh của vùng thánh địa Tsari ở miền Nam Tây Tạng, ngài đi đến bên hồ rùa ngọc. Quỷ thần bảo vệ hồ nước biến hoá thành một con rùa lớn như trâu yak và chặn đường đi của ngài. Những người cũng đi với ngài ai cũng giật mình kinh sợ song Đức Tsangpa Gyare lập tức nhảy lên lưng con rùa. Ngài hét lên ‘Những kẻ muốn thử sức mình chống lại đệ tử dòng truyền thừa rồng sấm (Drukpa) hãy hiện nguyên hình’ và nhảy múa trên lưng con quái vật. Ngay lập tức, con rùa biến thành viên đá cuội. Đức Tsangpa Gyare dùng tay và chân nghiền nát hòn đá như thể nó làm bằng đất sét và chế ngự mạng sống của ác thần. Ngài giao cho nó sứ mệnh bảo hộ vùng thánh địa và phát thệ nguyện cứu giúp tất cả các hành giả Phật Pháp. Trên phiến đá ấy vẫn còn lưu giữ dấu tay và chân của Đức Tsangpa Gyare cho đến tận ngày nay.’

Nguồn: Drukpa Vietnam