CHIA SẺ

Nếu bị thôi thúc bởi các cảm xúc phiền não mà tôi vạch ra lỗi lầm của các vị Bồ Tát khác thì tôi đang tự hại chính mình. Bởi thế, không nói về những lỗi lầm của bất kỳ ai đã bước vào con đường Đại thừa là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Bạn có thể không chỉ coi tất cả các hành giả Pháp khác mà còn tất cả các chúng sinh theo nhiều cách khác nhau là người thân. Tất cả họ chắc chắn đều là cha mẹ bạn đời này hay đời khác. Hơn nữa, tất cả đều sở hữu cùng một bản tánh tuyệt đối, tathagatagarbha hay Phật tánh. Như người ta thường nói:

Phật tánh hiện hữu trong tất thảy chúng sinh

Không một ai thiếu nó.

Như ngài Gampopa giải thích trong phần bắt đầu của Sức trang hoàng của sự giải thoát, sự thật rằng chúng sinh đều có Phật tánh là nền tảng mà cho họ khả năng trở thành Phật khi được hiện thực hóa hoàn toàn. Vì thế chê bai bất kỳ ai trong số họ là điều không thích hợp; chúng ta nên kính trọng tất thảy. Như Đức Phật từng nói: “Một người bình thường không thể đánh giá một người bình thường khác, chỉ một vị Phật mới có thể”.

Một điều còn quan trọng hơn là không chỉ trích tất cả những người giống như con trai và con gái của cùng cha mẹ, bởi vị họ đều đã quy y nơi Tam Bảo và bắt đầu trên con đường giáo lý Phật Đà nhờ niềm tin vào sự thật cơ bản về những điều ngài đã giảng – ví dụ: “Mọi thứ được tạo ra đều vô thường; mọi thứ bị bôi nhọ đều khổ đau; mọi hiện tượng đều không thực sự tồn tại; thứ vượt khỏi khổ đau là an bình[1].

Thậm chí còn liên quan mật thiết hơn là những người trong số chúng ta đã bước vào con đường Đại thừa. Chúng ta nên cùng nhau như một nghìn vị hoàng tử và công chúa của vị vua vũ trụ, người không bao giờ cảm thấy thù ghét hay khinh bỉ người khác, mà thay vào đó luôn tán dương công đức và nhũng phẩm tánh của người khác. Hãy đối xử với nhau bằng tình yêu thương và sự cởi mở vĩ đại, và trên tất thảy đừng tìm kiếm lỗi lầm của người khác. Khi bắt đầu tìm kiếm các lỗi lầm ở đâu đó, bạn sẽ thấy chúng ở khắp nơi và trong tất cả mọi người. Bằng cách tuyên bố lỗi lầm của ai đó đến tất cả mọi người, bạn đang thiêu chiếu cháy bản thân và làm tổn thương người khác – điều này là rất sai lầm. Chính Tăng đoàn là người nắm giữ giáo lý; thành viên của Tăng đoàn cần phải sống hài hòa và trì giới hoàn hảo. Hãy phát triển niềm tin và quan kiến thanh tịnh. Kính trọng Tăng đoàn – tất cả những người thọ nhận giới tu sĩ và những người bước vào con đường Pháp – là lới hứa nguyện của giới Quy y. Hãy coi tất cả các anh chị em trong Pháp là hoàn toàn thoát khỏi các lỗi lầm.

Đặc biệt, việc chỉ trích cay nghiệt các truyền thống khác của Pháp là nguyên nhân chính của việc Pháp đang suy giảm và làm hỏng. Hãy coi tất cả các truyền thống và tri kiến là không mâu thuẫn, và là sự hiển bày chân thực giáo lý Phật Đà. Như ngài Panchen Lobsang Yeshe[2] từng nói:

Các tri kiến khác nhau

Đều là các giáo lý của Đấng Chiến Thắng

Thay vì ngọn lửa thù hằn được nhóm lên bởi ma quỷ bộ phái, sẽ tốt hơn

Khi nhìn mọi thứ được đốt lên bởi viên ngọc chói ngời của nhận thức thanh tịnh!

Nhận thức bất tịnh của bạn về thế giới có thể dễ dàng bóp méo cách bạn nhìn nhận các hành động của chư Bồ Tát. Thực sự, bất kỳ lỗi lầm bạn có thể nhìn thấy trong họ chỉ bởi vì sự thiếu hoàn hảo của bạn, giống như vỏ ốc trắng có thể thành vàng với ai bị bệnh vàng da. Vì thế, bất cứ khi nào bạn nghĩ bạn đã thấy thấy lỗi lầm ở hành động hay suy nghĩ của một vị Bồ Tát, hãy nhắc nhở bản thân rằng vấn đề là nhận thức sai lầm của bạn, và thực tế người đó hoàn toàn không có lỗi gì.

Bạn nên biết rằng từng hành động của các bậc giác ngộ, các vị thầy tâm linh và chư Bồ Tát đều có ý nghĩa sâu sắc, cho thấy ý định làm lợi lạc chúng sinh. Bởi các ngài thị hiện theo vô số cách để giúp đỡ khác, thật dễ dàng để nhầm một vị Bồ Tát là chúng sinh bình phàm. Các ngài có vẻ là những chúng sinh bình thường tham gia vào các hoạt động thế tục; các ngài thậm chí có thể mang hình tướng là loài vật hoang, chim chóc hay chó. Cũng có rất nhiều các vị Bồ Tát thị hiện dưới hình tướng ăn xin hay những người thấp kém, xấu xí với nghề nghiệp không thích hợp và không có những phẩm tánh tốt rõ ràng. Ngài Tilopa đã giết cá, Saraha là một thợ rèn tên, và Shavaripa là thợ săn. Bất kỳ ai bạn gặp, vì thế, có thể là một vị Bồ Tát thật sự, người mang hình tướng bình phàm, hay thậm chí khó ưa, bởi vậy bạn nên kính trọng bất kể chúng sinh và coi họ là vị thầy.

Khi bạn nghe các câu chuyện về những đời trước của Phật Thích Ca, bạn có thể hiểu mỗi lần ngài thị hiện theo một cách khác biệt, đó là sự hiển bày ý định giúp đỡ chúng sinh của ngài, hoạt động Bồ Tát vô tận của ngài. Chư Bồ Tát thoát khỏi các ý định ích kỷ cá nhân, và mọi thứ các ngài làm đều là sự áp dụng của phương tiện thiện xảo. Giống như cách một giọt thủy ngân rơi xuống bụi vẫn sạch mà không bị thứ gì bám vào, bởi vậy các vị Bồ Tát thị hiện trên đời mà không bị vấy bẩn.

Nhận ra sự tốt lành hoàn hảo của chư Bồ Tát, và với niềm tin chí thành để nhận thấy mọi thứ đều thanh tịnh, sẽ chắc chắn rằng thực hành Pháp của bạn không trở nên hỏng từ gốc. Niềm tin là thứ mở ra cánh cửa giáo Pháp. Trong bảy phẩm tánh cao quý[3], niềm tin là cao quý nhất. Với niềm tin và lòng sùng mộ trọn vẹn, hãy thấy rằng vị thầy của bạn là Đức Phật thực sự và bất cứ điều gì ngài làm đều là sự hiển bày của trí tuệ hoàn hảo của ngài.

Cách bạn hành xử nên hài hòa với vị thầy và với tất cả các bạn Pháp. Làm cho các hành động của bạn phù hợp với bất cứ điều gì người khác đang làm, hãy chắc chắn rằng sự hiện hữu của bạn không bao giờ đối nghịch hay miễn cưỡng – giống như một cái thắt lưng thoải mái có thể được đeo mọi lúc mà không cảm thấy gì. Hãy bước vào mọi hoàn cảnh mà không tạo ra các vấn đề và khó khăn – giống như muối tan vào nước. Hãy thọ nhận giáo lý và chỉ dẫn từ vị thầy mà không tạo ra sự bất tiện nào cho ngài, và hành xử hướng về những người bạn tâm linh theo cách mà không làm họ rắc rối – như con thiên nga trong hồ sen, bay liệng mà không làm nước đục và bơi giữa những bông sen mà không ảnh hưởng đến chúng.

Hãy giữ cho ý định của bạn thanh tịnh, thấy tất cả những gì xuất hiện đều thanh tịnh. Như thế mọi thứ sẽ cuốn hút bạn vào thực hành Pháp, và mọi thứ sẽ là ví dụ minh họa cho Pháp. Như ngài Milarepa từng nói:

Thế giới xung quan là cuốn sách tốt nhất –

Tôi không cần đọc cuốn sách nào khác.

Với Kim Cương thừa, niềm tin và quan kiến thanh tịnh là hai gốc rễ chính của thực hành. Nếu bạn chưa có chúng, hãy cố gắng làm chúng khởi lên. Khi bạn đã phát triển chúng, hãy cố gắng liên tục làm chúng tăng trưởng. Ngay khi bạn nghĩ hay làm điều gì trái ngược với niềm tin và quan kiến thanh tịnh, hãy nhận ra nó, sám hối và làm lại cho đúng. Hãy nhận ra các lỗi lầm của bạn, thay vì tuyên bố lỗi lầm của người khác. Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ sự thanh tịnh của giới nguyện, và duy trì sự hòa hợp trong Tăng đoàn, điều rất hữu ích cho giáo lý.

Sau khi nhận quán đảnh từ một bậc Kim Cương đạo sư, bạn cần phải duy trì sự hòa hợp với các anh chị em Kim Cương, những người bước vào cùng mạn-đà-la với bạn, cho đến ngày bạn đạt đến giác ngộ, giống như bấc đèn và ngọn lửa luôn ở cùng nhau cho đến khi cháy hết. Làm hỏng hay suy giảm các giới nguyện, sợi dây linh thiêng kết nối bạn với các đệ tử khác sẽ ngăn cản các kinh nghiệm và chứng ngộ tâm linh của bạn, và cản trở việc chứng đạt các thành tựu thông thường và siêu việt của giác ngộ. Phương pháp đối trị là nhận thấy sự thanh tịnh nguyên sơ của tất cả. Đây là Pháp hành chân chính của chư Bồ Tát.

[1] Những câu nói này là “Bốn Pháp ấn của giáo lý Phật Đà”.

[2] Lobsang Yeshe 1663 – 1737, là vị Panchen Lama đời thứ V.

[3] Bảy phẩm tánh hay sự giàu có cao quý gồm: niềm tin, trì giới, cẩn thận, khiêm tốn, uyên bác, hào phóng và trí tuệ.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Trích: Trái Tim Từ Bi