CHIA SẺ

Mỗi vị Bổn tôn Kính ái đều sở hữu phẩm tính đặc biệt riêng. Nếu chúng ta cầu nguyện đến chư vị với lòng sùng mộ, không nghi ngờ gì, chúng ta sẽ được trao tặng tất cả các thành tựu (siddhi) mà chúng ta mong cầu.

Những lời cầu nguyện của các bạn cần hướng về chư vị quyền uy. Lời cầu nguyện hướng đến những vị không sở hữu sức mạnh siêu việt sẽ vô nghĩa dù bạn có sùng kính thế nào. Các hành động của bạn sẽ giống như cầu xin của cải lớn lao từ người nghèo khó đến mức họ không có sức mạnh để giúp đỡ bạn.

Trong Terma của Tổ Lerab Lingpa, Pháp Tu Thậm Thâm Quan Âm Quyến Sách Hư Huyễn Chín Bổn Tôn, phần lớn Bổn tôn kính ái đều xuất hiện trong tư thế hợp nhất. Vài người, với căn cơ tự nhiên thích hợp hơn với Kinh thừa, có thể thấy những hình ảnh như vậy của Đức Phật thật khó chấp nhận. Bức Thangka ở đây dựa trên bài cầu nguyện Wang Dü của Mipham Rinpoche và vì thế, không có các đại diện của sự hợp nhất. Bởi vậy, nó có thể tương đối dễ dàng chấp nhận hơn.

Pháp thân Vô Lượng Quang Phật – Kim Cương Pháp,
Báo thân Quan Âm Thế Gian Tự Tại Tôn,
Ngự giá Luân-Niết, Hóa Thân Liên Hoa Vương,
Điều phục ba cõi, Uy Hùng Hê-ru-ka,
Mật Huệ Phật Mẫu, Kim Cương Hợi Mẫu Tôn,
Thắng Lạc Diệu Dục Minh Vương – kho đại lạc,
Nhiếp tâm chúng sinh – Tác Minh Phật Mẫu Tôn,

1. Pháp thân Vô Lượng Quang

Pháp thân nghĩa là kho tàng công đức vượt khỏi mọi hình tướng và quan niệm, sự hợp nhất của tính không và trí tuệ. Chư Bổn tôn của Liên Hoa Bộ hiển bày trong ba thân. Vô Lượng Quang Phật là đại diện Pháp thân. Thân Ngài màu đỏ; Ngài hoàn toàn trần trụi không trang sức nào. Ngài xuất hiện giống như vị Phật nguyên thủy, Phổ Hiền Như Lai, mặc dù như tôi đã đề cập, Ngài màu đỏ thay vì xanh dương.

Trong Kim Cương thừa, những đại diện trần trụi của các vị Phật biểu tượng cho bản tính cố hữu của mọi hiện tượng. Thông thường, một người được vẽ mà không có quần áo được xem là thật xấu hổ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bởi bản tính của mọi hiện tượng thoát khỏi sự tồn tại cố hữu và giác tính nguyên sơ thì trần trụi, từ quan điểm này, không trang sức nào là cần thiết.

Theo Mật Điển Trưởng Tử Duy Nhất Của Phật, “Thân ánh sáng bất biến của Như Lai nguyên thủy; trần trụi, không trang sức, màu đỏ và vàng, và ngự trong thế thiền định…”. Rõ ràng, Đức Vô Lượng Quang không mang trang sức, thân Ngài màu đỏ ánh vàng, tay Ngài kết ấn thiền định và Ngài trụ trong tư thế kim cương.

Trong chín Bổn tôn kính ái chính yếu, ngoài Đức Vô Lượng Quang A Di Đà, một vài vị Dakini (Không Hành Nữ) cũng xuất hiện trần trụi. Từ quan điểm này, Kim Cương thừa thực sự là pháp tu của những vị với căn cơ cao. Nếu một người cứ khăng khăng với quan niệm về sự xấu hổ, chư Phật và Bồ Tát chỉ mang hình tướng thanh nhã và trang nghiêm. Nhưng nếu một người nhận ra bản tính trần trụi của tâm thức, mọi ý nghĩ quan niệm và bám luyến đều ngừng, thì chư Phật và Bồ Tát xuất hiện trong hình tướng khác. Vì thế, nếu một người nghĩ rằng các đại diện chư Phật trần trụi của Kim Cương thừa là không thích hợp, nó là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa sẵn sàng cho thực hành Kim Cương thừa. Bởi vậy, để bảo vệ tâm thức của những người này, hình ảnh về chư Phật trần trụi hay chư Phật hợp nhất, cùng với các pháp tu nhất định, chỉ nên được tiết lộ với sự cẩn trọng.

Chư Phật và Bồ Tát tiếp cận chúng ta theo vô số cách. Ngoài việc trao truyền Giáo Pháp cho chúng ta bằng ngôn ngữ, chư vị cũng sử dụng những cách thức độc đáo để giải thích bản tính chân thực của mọi hiện tượng. Vajravarahi – Kim Cương Hợi Mẫu đôi lúc được vẽ với đầu lợn, điều biểu tượng cho việc không còn khác biệt giữa thanh tịnh hay bất tịnh. Chúng ta đều biết rằng lợn không thể phân biệt sạch với bẩn, bởi chúng chẳng để tâm đến việc liệu thức ăn mà chúng ăn là sạch hay bẩn. Đầu lợn biểu tượng rằng Kim Cương Hợi Mẫu đã phá hủy hoàn toàn mọi ý nghĩ quan niệm về sạch và bẩn. Vì vậy, xin đừng nghi ngờ tại sao Vajravarahi có đầu lợn thay vì khuôn mặt của một thiên nữ.

Về hình ảnh chư Phật trong tư thế hợp nhất tình dục, từ quan điểm thông thường, nó xuất hiện là Phật phụ và mẫu đang ôm nhau. Nhưng cái ôm này là biểu tượng về sự hợp nhất của tính không và hình tướng, tính không và tịnh quang, tính không và hỷ lạc. Sự hợp nhất cũng có thể được giải thích là tâm và hiện tượng tan hòa vào sự hợp nhất. Một người căn cơ trung bình có thể thấy khó hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của tính không được giảng dạy trong lần chuyển Pháp luân thứ hai và quan niệm về tịnh quang Phật tính từ lần chuyển Pháp luân thứ ba. Người này có thể không thấy cách mà điều này không khác với điều khác. Bởi thế, hình ảnh chư Phật trong tư thế hợp nhất trở thành sự hỗ trợ hình ảnh để minh chứng quan niệm này. Khi thấy một vị Phật ôm phối ngẫu, một người với căn cơ cao, có thể lập tức chứng ngộ trí tuệ nội tại rằng tính không và tịnh quang là bất khả phân và có thể chuyển hóa mọi cảm xúc tiêu cực thành trí tuệ vĩ đại của lạc không hợp nhất.

Ngày nay, bởi sự phổ biến, nhiều người nghiên cứu Kim Cương thừa, nhưng rất ít người thực sự hiểu. Phần lớn chỉ tò mò. Khi họ thấy đại diện trần trụi của Đức Phật, hay một vị Phật với phối ngẫu, họ lập tức chụp hình bằng điện thoại thông minh. Họ tin rằng điều mà họ đang thấy là một hình ảnh nghệ thuật của con người; nhưng thậm chí sự hiểu lầm thô lậu hơn về Kim Cương thừa có thể khởi sinh từ hành vi thiếu hiểu biết như vậy. Một người hiểu Kim Cương thừa, đặc biệt là người có kinh nghiệm về các thực hành cao cấp, biết rằng hình ảnh như vậy chắc chắn không đại diện cho sự ham muốn bình phàm; Phật giáo Kim Cương thừa không bao giờ ủng hộ sự khiêu dâm.

Sự thật rằng Bổn tôn đầu tiên trong Wang Dü là Vô Lượng Quang làm khởi lên nguồn gốc đặc biệt để tái sinh trong cõi Tịnh độ. Kyabje Rinpoche từng nói rằng, “Tất cả các con hiện diện ở đây đều cần mong muốn tái sinh trong cõi Cực Lạc Dewachen khi chết. Trì tụng Wang Dü cùng nhau tạo ra nguyên nhân nghiệp dẫn đến sự tái sinh trong Tịnh độ. Bởi thế, những vị thực hành Tịnh Độ Tông cũng cần trì tụng Wang Dü thường xuyên.

2. Kim Cương Pháp

Theo Mật Giáo Đường Triều, Kim Cương Pháp – Vajradharma là một vị Bồ Tát của Liên Hoa Bộ. Ngài là thành viên trong đoàn tùy tùng của Vô Lượng Quang Phật. Trong các nghi quỹ nhất định của Phật giáo Tây Tạng, Kim Cương Pháp và Vô Lượng Quang là hai vị khác nhau. Nhưng trong bản văn này, Kim Cương Pháp và Vô Lượng Quang không khác. Kim Cương Pháp là hóa hiện Báo thân của Vô Lượng Quang Phật. Ngài được vẽ gần như giống hệt với Đức Kim Cương Trì (Vajradhara): Ngài ngự trong tư thế kim cương, tay bắt chéo trước ngực, một tay cầm chày và tay kia cầm chuông. Điểm khác biệt duy nhất là Kim Cương Trì màu xanh dương còn Kim Cương Pháp màu đỏ.

Kyabje Rinpoche từng nhắc đến rằng Kim Cương Trì thân đỏ xuất hiện trong các nghi quỹ của Mipham Rinpoche. Nhưng trong Wang Dü, Kim Cương Pháp là Báo thân của Vô Lượng Quang Phật. Bởi vậy, trong bức Thangka được vẽ theo yêu cầu của Kyabje Rinpoche, phù hợp với ý nghĩa bí mật của Mipham Rinpoche, Pháp thân Vô Lượng Quang ở trên, Báo thân Kim Cương Pháp ở giữa và Hóa thân Liên Hoa Sinh phía dưới.

Có nhiều bằng chứng kinh văn đáng tin cậy ủng hộ tuyên bố rằng Kim Cương Pháp và Vô Lượng Quang là một. Trong các Mật điển, Kim Cương Pháp là sự hiển bày của Vô Lượng Quang Phật là điều được tuyên bố rõ ràng: “Ánh sáng đỏ chiếu tỏa từ trán của Đức Vô Lượng Quang biến thành Đức Quan Âm đỏ; ánh sáng đỏ chiếu tỏa từ cổ họng mang hình tướng Liên Hoa Sinh; ánh sáng đỏ từ tim biến thành Hê-ru-ka và ánh sáng đỏ từ chóp mũi trở thành Kim Cương Thủ”. Vài đạo sư đã giải thích rằng Kim Cương Thủ ở đây là Kim Cương Pháp và rằng Kim Cương Pháp là Báo thân Vô Lượng Quang, cũng giống như Kim Cương Trì là Báo thân của Phổ Hiền Như Lai.

Nói về Kim Cương Trì, vài người ngày nay tuyên bố họ là vị tái sinh của Kim Cương Trì. Tôi hy vọng các bạn sẽ cẩn trọng trước những người này. Trong tiếng Tây Tạng, Vajradhara là Dorje Chang. Người Tây Tạng thích đặt tên con cái theo truyền thống Phật giáo. Nếu Dorje Chang được đặt tên cho một đứa trẻ, đó chẳng phải chuyện lớn. Nhiều người Tây Tạng không hấp dẫn được gọi là “Lhamo” nghĩa là thiên nữ. Vì thế, chẳng có gì sai nếu Dorje Chang là tên của một đứa trẻ. Nhưng nếu một người tuyên bố thực sự là Báo thân Phật Kim Cương Trì, tôi nghĩ điều này chắc chắn cần vài sự xem xét kỹ lưỡng.

Có nhiều người tuyên bố là những hóa thân của vị Phật này hay vị Phật khác. Về điểm này, tôi chưa từng nghe nói về vị tái sinh của Phổ Hiền Như Lai. Tôi không nghĩ Pháp thân Phật dễ dàng tái sinh trên thế gian này. “Thủ tục giấy tờ” có lẽ không đơn giản. Có nhiều vị tái sinh của các vị Phật và Bồ Tát khác, chẳng hạn Phật Thích Ca Mâu Ni, Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi. Những vị Phật và Bồ Tát này đều hóa thân làm người và có thể khi thời gian trôi qua, Phổ Hiền Như Lai cũng có thể tái sinh trong cõi người. Bạn không bao giờ biết. Chúng ta sẽ phải chờ đợi xem.

3.  Quán Thế Âm

Quán Thế Âm đỏ: Thông thường, tôi sẽ đi theo trình tự Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Nhưng thực hành này về căn bản là pháp tu Quán Thế Âm. Hơn thế nữa, sẽ rất khó để người bình thường như chúng ta bước vào con đường của Pháp thân và Báo thân Phật. Để làm vậy, chúng ta cần thọ nhận ân phước gia trì của Vô Lượng Quang và Kim Cương Pháp nhờ Quán Thế Âm, vì thế, bây giờ, tôi sẽ giới thiệu Quán Thế Âm trước khi giới thiệu Liên Hoa Sinh.

Các bạn có thể đều đã quen thuộc với Quán Thế Âm. Ngài có nhiều hình tướng khác nhau: Quán Thế Âm với hai tay, bốn tay, mười một mặt, một nghìn tay, một nghìn mắt… Đức Quán Thế Âm ở đây rất đặc biệt. Ngài thân đỏ và cầm bông sen bên tay trái, biểu tượng cho lòng bi mẫn hướng về mọi hữu tình chúng sinh. Tay phải kết ấn bố thí, biểu tượng cho việc xua tan phiền não và khổ đau cho mọi hữu tình chúng sinh.

Trong Phật giáo Trung Hoa, thực hành Quán Thế Âm đỏ rất hiếm, nhưng trong Phật giáo Tây Tạng, nó khá phổ biến. Ở Larung, ngày 30 hàng tháng theo Âm lịch Tây Tạng, chúng tôi trì tụng nghi quỹ Gyalwa Gyamtso, trong đó vị Bổn tôn chính là Quán Thế Âm bốn tay thân đỏ. Trì tụng danh hiệu và Mật chú của Ngài có lợi lạc lớn lao với người chết.

Các Mật điển tuyên bố rằng ánh sáng đỏ phóng từ Đức Vô Lượng Quang biến thành Quán Thế Âm. “Lời Cầu Nguyện Cực Lạc” cũng nói rằng ánh sáng từ Vô Lượng Quang Phật mang hình tướng Quán Thế Âm. Vì vậy, nhờ cầu nguyện đến Đức Quán Âm đỏ, cả thực hành Kinh thừa và Kim Cương thừa đều có thể thành tựu. Một mặt, bạn có thể thành tựu hoạt động kính ái, mặt khác, bạn có thể tái sinh về cõi giới của Đức A Di Đà.

Các thực hành Quán Thế Âm đem lại vô lượng công đức và chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết ở đây. Mở rộng về chủ đề này cần nhiều thời gian. Bất kỳ ai quan tâm có thể đọc thêm về chủ đề này trong thời gian riêng của họ.

Chúng ta cần làm sáng tỏ rằng mặc dù Wang Dü và Pháp Tu Thậm Thâm Quan Âm Quyến  Sách Hư Huyễn Chín Bổn Tôn của Tổ Lerab Lingpa đều là thực hành của hoạt động kính ái, và cả hai cầu khẩn đến chín Bổn tôn kính ái, chúng rất khác nhau. Trong Wang DüBổn tôn chính yếu là Liên Hoa Sinh, trong khi trong Pháp Tu Thậm Thâm Quan Âm Quyến Sách Hư Huyễn Chín Bổn Tôn thì không có Liên Hoa Sinh. Ở đó, Bổn tôn chính yếu là Quán Âm đỏ trong tư thế hợp nhất, tay phải cầm móc câu bằng đồng trong khi tay trái cầm cành hoa sen. Ngài ôm Không Hành Nữ Mật Huệ. Kyabje Rinpoche cũng bình luận rằng, “Một cách điển hình, nghi quỹ chín Bổn tôn của Lerab Lingpa cần bao gồm Liên Hoa Sinh. Lý do tại sao Ngài không xuất hiện trong nghi quỹ thì không rõ ràng”.

Trong Wang Dürất dễ dàng để liệt kê chín Bổn tôn. Nhưng trong nghi quỹ của Lerab Lingpa, chúng không hiển nhiên như vậy. Tôi hiểu rằng người ta cần liệt kê chín Bổn tôn trong nghi quỹ của Lerab Lingpa như sau: Vô Lượng Quang (Amitabha), Kim Cương Pháp (Vajradharma), Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), Quán Âm Đỏ (Avalokiteshvara), Mật Huệ Phật Mẫu (Guhyajnana), Hê-ru-ka, Kim Cương Hợi Mẫu (Vajravarahi), Tác Minh Phật Mẫu(Kurukulle), Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva). (Vô Lượng Quang, Kim Cương Pháp và Liên Hoa Sinh hiện diện theo cách thức không thể nhận thấy. Đầu tiên, Vô Lượng Quang, là vị chủ của Liên Hoa Bộ, ngự trên đầu của Quán Thế Âm. Thứ hai, Kim Cương Pháp, biến hóa từ Vô Lượng Quang Phật, chỉ có thể nhìn thấy bởi chư Bồ Tát với nhận thức thanh tịnh. Thứ ba, với hữu tình chúng sinh bình phàm với nhận thức cấu nhiễm, hóa hiện của Vô Lượng Quang là Liên Hoa Vương).

4. Liên Hoa Sinh

“Ngự giá Luân-Niết” cho thấy rằng Đức Liên Hoa Sinh đã đạt được thành tựu rốt ráo và vì thế, kiểm soát được tất cả luân hồi và Niết bàn. Nói cách khác, Ngài đã làm chủ tất cả hiện tượng hữu tình và vô tình.

Đức Liên Hoa Sinh màu trắng ánh đỏ, cầm chày kim cương và bát sọ người trên tay, với chĩa ba đặt ở khuỷu tay. Thông thường, Ngài được vẽ với một vị phối ngẫu, nhưng Kyabje Rinpoche yêu cầu không thêm vị phối ngẫu. Thay vào đó, chĩa ba là biểu tượng của vị phối ngẫu Dakini.

Liên Hoa Vương là một trong nhiều danh hiệu của Đức Liên Hoa Sinh. Theo tiểu sử của Ngài, khi Vua Indrabhuti xứ Orgyen trên đường trở về trên hành trình tìm kiếm kho báu, Ngài đi ngang qua một hồ nước. Ở giữa hồ, Ngài thấy một cậu bé khôi ngô ngồi trên bông sen. Cậu bé này là Liên Hoa Sinh. Đức vua rất hoan hỷ khi thấy vậy và đưa cậu về cung điện, nơi cậu được nhận nuôi và trở thành hoàng tử. Sau đấy, Đức Liên Hoa Sinh ban quán đỉnh cho đứa vua và trao truyền giáo lý bí mật cho Ngài. Vô cùng hoan hỷ, đức vua dâng tất cả của cải và tùy tùng lên Đức Liên Hoa Sinh và tôn vinh Ngài bằng danh hiệu Liên Hoa Vương.

Đức Liên Hoa Sinh thuộc về Liên Hoa Bộ ở phương Tây. Theo các Mật điển, Ngài là hóa hiện của Đức Vô Lượng Quang và Quán Thế Âm. Trong Lời Cầu Nguyện Vãng Sinh Tịnh Độ Cực Lạc của Tổ Karma Chakme Rinpoche có nói rằng Liên Hoa Sinh bắt nguồn từ ánh sáng phóng từ tim của Đức A Di Đà. Bởi Ngài có sức mạnh kiểm soát luân hồi và Niết bàn, chúng ta cần dâng lên Ngài những lời cầu nguyện chí thành nhất. Nhờ cầu khẩn đến Ngài, những sức mạnh ma quỷ và chướng ngại sẽ được tiêu trừ và chúng ta sẽ kiểm soát được thân và tâm của mình.

Các hành động của Đức Liên Hoa Sinh đã được giảng dạy trong những bài giảng trước của tôi về Bình Giảng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Đức Liên Hoa Sinh hiển bày sức mạnh và làm lợi lạc vô số chúng sinh khắp Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Hoa. Những hành động của Ngài lớn lao và vô số đến mức chúng chẳng thể tính đếm. Điều này đặc biệt đúng với Tây Tạng. Không có ảnh hưởng của Guru Rinpoche, sự hợp nhất thuận hòa của Kinh thừa và Kim Cương thừa không thể thành công như nó đã từng. Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng trên thế giới và ân phước gia trì của Đức Liên Hoa Sinh là bất khả phân. Nói rõ hơn, nếu không nhờ sự gia trì của Đức Liên Hoa, thậm chí các bạn, người đọc, cũng không thể nhận được lợi lạc từ Phật giáo Tây Tạng. Bởi vậy, chúng ta cần biết ơn Đức Liên Hoa Sinh.

Trong thời kỳ đen tối hiện nay, những giáo lý của Đức Liên Hoa Sinh đang hiển bày sức mạnh tuyệt diệu hơn bao giờ hết. Về ảnh hưởng của việc chuyển hóa các phiền não tinh thần, không có kiến thức tâm linh nào khác có thể so sánh với những giáo huấn của Đức Liên Hoa Sinh. Dĩ nhiên, vài người có thể không đồng ý, nhưng tôi nói điều này từ kinh nghiệm cá nhân có được nhờ sự hành trì của mình. Đây không phải điều gì đó vô lý để nói thậm chí từ quan điểm khách quan. Nếu tôi muốn tán dương người đầu bếp sau khi tận hưởng một bữa ăn ngon, tôi sẽ làm thế, dù cho nó làm vài người khó chịu, bởi tôi thực sự đã thưởng thức nghệ thuật nấu ăn tuyệt hảo của ông ấy.

5. Hê-ru-ka

“Điều phục ba cõi – Uy Hùng Hê-ru-ka”[2].

Trong câu trên, “mọi thứ xuất hiện và tồn tại” ám chỉ đến thế giới vô tình và hữu tình lần lượt, và “Hê-ru-ka” liên quan đến Mã Đầu Minh Vương Hayagriva. Ý nghĩa là Đức Mã Đầu Minh Vương có sức mạnh điều phục toàn bộ thế giới.

Mã Đầu Minh Vương là hóa hiện phẫn nộ của Đức Vô Lượng Quang. Trong khi vài thực hành Mã Đầu Minh Vương có thể được tìm thấy trong Mật Giáo Đường Triều, trong Phật giáo Tây Tạng, người ta thấy rất nhiều thực hành khác nhau. Xuyên suốt lịch sử Tây Tạng, nhiều vị đã đạt được thành tựu rốt ráo nhờ pháp tu Mã Đầu Minh Vương. Trong cuốn Trường Phái Nyingma Của Phật Giáo Tây Tạng: Nền Tảng Và Lịch Sử của Dudjom Rinpoche có ghi lại rằng Gyalwa Choyang, một trong hai mươi lăm tâm tử của Đức Liên Hoa Sinh, đã đạt giác ngộ nhờ nương theo các pháp tu Mã Đầu Minh Vương. Sau đấy, thành tựu giả Thangtong Gyalpo vĩ đại, người được xem là hóa thân của cả Quán Thế Âm và Mã Đầu Minh Vương, cũng đạt thành tựu rốt ráo nhờ pháp tu này.

Mã Đầu Minh Vương có sức mạnh cực kỳ lớn lao. Những dấu hiệu thành tựu diệu kỳ đồng hành cùng với sự giác ngộ nhờ Mã Đầu Minh Vương. Ví dụ, đầu ngựa có thể mọc lên từ phía trên đầu của chính bạn và cất tiếng hý, thứ vang dội vào không gian phía trên bạn, đánh bại ma quỷ của cõi trời, dội vào bên dưới, nơi nó đánh bại tất cả thế lực ma quỷ của cõi Naga, dội vào không gian bên phải, nơi tất cả những chúng sinh ma quỷ nam bị phá hủy và bên trái, nơi tất cả nữ ma quỷ bị phá hủy. Trong một thời đại như hiện nay, khi Giáo Pháp đang trên đà suy giảm, rất cần thiết phải thực hành Mã Đầu Minh Vương, vì thế chúng tôi đã phân phát nghi quỹ này cho các bạn. Tôi hy vọng các bạn sẽ thực hành với sự tinh tấn.

Ngay từ khi còn bé, tôi đã có niềm tin lớn lao với Đức Mã Đầu Minh Vương. Khi ấy, tôi thường dắt [trâu] Yak đi ăn cỏ mỗi ngày. Khi tôi đi chân trần trên núi, tôi thường quay kinh luân nhỏ trong khi trì tụng Mật chú Hayagriva: OM VAJRA KRODHA HAYAGRIVA HULU HULU HUM PHAT. Bất cứ ai thấy tôi đều tin rằng tôi là một vị Yogi Hayagriva. Chúng tôi cũng có vài con ngựa trong nhà. Người Tây Tạng trong vùng tin rằng nếu chúng tôi trì tụng Mật chú Mã Đầu Minh Vương, bầy ngựa sẽ an toàn, không bị thú hoang tấn công. Khi cha tôi trao nhiệm vụ chăm sóc lũ ngựa cho tôi, ông bảo tôi tụng Mật chú này với sự chuyên cần. Tôi cảm thấy rằng bởi tôi đã được trao nhiệm vụ quan trọng như vậy, tôi cần trì tụng thường xuyên. Hồi tưởng lại, tôi tin rằng mặc dù khi ấy tôi trì tụng vì lợi ích bản thân, tôi đã gieo hạt giống của một thói quen tốt lành.

6. Guhyajnana – Mật Huệ Phật Mẫu

Vị Bổn tôn tiếp theo là Guhyajnana, cũng được biết đến là Mật Huệ Không Hành Nữ hay Kim Cương Du Già Thánh Nữ (Vajrayogini). Bà thân đỏ, một đầu, ba mắt với bốn tay cầm dao cong, bát sọ người chứa đầy cam lồ, chĩa ba và kiếm trí tuệ. Trong các thực hành Yab-Yum của Đức Quán Thế Âm, Bà là vị phối ngẫu của Ngài.

Mật Huệ Phật Mẫu là một vị Phật rất quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Chư đạo sư Tây Tạng nói rằng dù bạn thực hành vị Phật nào, điều quan trọng là chọn Mật Huệ Không Hành Nữ là một thực hành song song. Trong thực hành Đạo Sư Du Già của Lời Vàng Của Thầy Tôi, bạn cần quán tưởng bản thân là Guhyajnana.

Về mặt lịch sử, nhiều người đã đạt thành tựu nhờ thực hành Mật Huệ Phật Mẫu. Đa số trong tám mươi đại thành tựu giả của Ấn Độ thực hành Guhyajnana. Ở Tây Tạng, Guhyajnana được thực hành trong sự bí mật nghiêm túc nhất và thậm chí khi ấy, chỉ bởi hành giả của truyền thống Sakya và Nyingma… Mãi về sau thực hành này mới được truyền cho các nhánh khác. Tôi từng nghe nói rằng trong truyền thống Sakya, thực hành Mật Huệ Phật Mẫu được trao truyền chỉ cho một người mỗi lần. Sau này, các yêu cầu được nới lỏng để cho phép từ bảy đến hai mươi mốt người của mỗi thế hệ có thể thọ nhận nó qua sự khẩu truyền. Ngày nay, sự trao truyền pháp tu này vẫn rất hiếm.

Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành Guhyajnana. Nếu chúng ta cầu nguyện một cách chân thành đến Phật Mẫu, ân phước gia trì đặc biệt của Bà sẽ giúp chúng ta nhanh chóng chuyển hóa ham muốn trong bản thân thành Diệu Quán Sát Trí và như thế, sẽ hiển bày mọi thành tựu thế gian và xuất thế gian.

7. Vajravarahi – Kim Cương Hợi Mẫu

Kim Cương Hợi Mẫu cũng màu đỏ, với một mặt, hai tay và ba mắt. Phía bên phải của mặt Bà là đầu của con lợn cái. Bà cầm dao cong trong tay phải và tay trái ở ngực cầm bát sọ người. Chĩa ba được đặt bên tay trái.

Có nhiều hình tướng Vajravarahi. Ngoài Kim Cương Hợi Mẫu đỏ, còn có hình tướng xanh dương và đen. Hợi Mẫu Kim Cương là thực hành chung cho mỗi truyền thống Tây Tạng và đặc biệt với truyền thống Kagyu. Nhiều vị đạo sư Tây Tạng đã trực tiếp thấy Đức Kim Cương Hợi Mẫu. Tiểu sử của Đức Longchenpa đề cập rằng Hợi Mẫu Kim Cương xuất hiện khá thường xuyên. Một lần, Tổ Longchenpa thậm chí hỏi tại sao Bà lại xuất hiện trước Ngài, mặc dù những lời cầu nguyện đến Bà không phải là phần đặc biệt trong thực hành của Ngài. Đức Vajravarahi cũng xuất hiện trước Tôn giả Jigme Lingpa nhiều lần.

8. Mahadeva – Đại Tự Tại Thiên

“Thắng Lạc Diệu Dục Minh Vương, kho đại lạc”.

Tiếp theo là Đại Tự Tại Thiên – Mahadeva. Cũng màu đỏ, Ngài có một đầu và hai tay, với tay trái cầm bát sọ người trước ngực và tay phải cầm đinh ba.

Theo sự giải thích của Tulku Tenzin, câu trên là sự miêu tả về Thắng Lạc Kim Cương – Chakrasamvara. Nhưng nó cũng có thể được hiểu là sự miêu tả về hai vị khác nhau: sử dụng thuật ngữ “thắng lạc” ám chỉ Thắng Lạc Kim Cương, vua của ham muốn và là vị Bổn tôn phẫn nộ và “kho đại lạc” là để chỉ Dope Gyalpo. Cá nhân tôi nghĩ rằng cả dòng này nói về Đại Tự Tại Thiên (Mahadeva). Dĩ nhiên, bởi kim khẩu của Mipham Rinpoche đôi lúc chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa bí mật, cả hai sự giải thích đều có thể chấp nhận được.

Tại sao lại sử dụng các thuật ngữ “thắng lạc”, “diệu dục” và “kho đại lạc” để miêu tả Đại Tự Tại Thiên? Bởi Bổn tôn này có thể làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh nhờ trí tuệ vĩ đại trong đó lạc và không là bất khả phân.

Vài người có thể nói rằng, “Đại Tự Tại Thiên là vị trời bình phàm trong luân hồi. ‘Xưng Tán Đấng Cao Quý’ miêu tả Ngài là vị trời thế gian chứa đầy ham muốn, vì thế tại sao lại cầu nguyện đến Ngài?”. Trong các Mật điển, có hai vị Mahadeva: một là vị trời thế gian, vị kia là sự hiển bày của Đức Quán Thế Âm. Vài Mật điển nói rằng Phật Thích Ca Mâu Ni, trong quá khứ, cũng mang hình tướng Đại Tự Tại Thiên. Vì thế, Đại Tự Tại Thiên không phải một vị trời bình phàm mà là sự hiển bày của bậc giác ngộ. Nhờ nương tựa Ngài, bạn có thể làm chín muồi khả năng làm lợi lạc hữu tình chúng sinh và năng lực kính ái. Để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, chư Phật và Bồ Tát sẽ hiển bày trong hình tướng của chư thiên. Bởi vậy, thật khó để người thường như chúng ta phân biệt. Vì vậy, đừng vội vàng kết luận khi bạn vừa nghe tên của một vị trời.

Về mặt lịch sử, nhiều người đạt giác ngộ nhờ thực hành Đại Tự Tại Thiên. Trong tiểu sử của Guru Chowang, một vị Khai Mật Tạng của truyền thống Nyingma, có nhiều câu chuyện thú vị về việc Ngài gặp gỡ Đại Tự Tại Thiên.

9. Kurukulle – Tác Minh Phật Mẫu

“Nhiếp tâm chúng sinh, Tác Minh Phật Mẫu Tôn”.

“Nhiếp tâm chúng sinh” nói với chúng ta rằng Đức Kurukulle có thể thu hút tâm thức của hữu tình chúng sinh bằng những phương pháp sáng tạo. Bà có thân tướng đẹp đẽ và oai nghiêm, làm những kẻ thấy Bà mê đắm. Bà thân đỏ, với một đầu và bốn tay. Bà cầm cung và tên bằng hai tay phía trên; hai tay dưới cầm móc sắt và quyến sách làm từ hoa sen.

Tác Minh Phật Mẫu là sự hiển bày giác ngộ của Diệu Quán Sát Trí. Sức mạnh mà Bà sở hữu rất đặc biệt. Một vị Tăng hay Ni Phật giáo mong muốn duy trì giới luật thanh tịnh, cần chí thành cầu khẩn tới Phật Mẫu, bởi Bà có sức mạnh chuyển hóa ham muốn thành trí tuệ của đại lạc và đảm bảo rằng giới luật của hành giả ấy sẽ vô cấu nhiễm. Kyabje Rinpoche đã ban những giáo lý rất rõ ràng về điều này, “Tăng và Ni, trong thời đại Giáo Pháp suy giảm, có thể lựa chọn đổi giới luật cực kỳ quý giá để lấy một khoảnh khắc lạc thú vật lý. Điều này cực kỳ đáng xấu hổ. Bằng cách chí thành cầu nguyện đến Tác Minh Phật Mẫu, những khó khăn như vậy có thể hoàn toàn được tiêu trừ”.

Với những hành giả cư sĩ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, Đức Kurukulle có thể rất hữu ích. Chính vì lý do này, Tác Minh Phật Mẫu được vài người gọi là ‘vị Bổn tôn của tình yêu’. Có nhiều nam và nữ giới độc thân đang gặp khó khăn khi tìm kiếm bạn đời. Nhiều người trong số họ đến thỉnh cầu sự giúp đỡ từ các vị Rinpoche Tây Tạng. Những vị này, vì lòng bi mẫn, gợi ý rằng họ cần trì tụng Mật chú Kurukulle (OM KURUKULLE SVAHA).

Những người tìm kiếm sự hòa thuận trong hôn nhân cũng có thể cầu khẩn sự giúp đỡ từ Tác Minh Phật Mẫu. Có một câu chuyện về một hoàng hậu đã từng rất xinh đẹp nhưng giờ đã lớn tuổi ở Ấn Độ cổ, người mất đi sự yêu mến của đức vua theo thời gian. Quyết dành lại sự yêu thương của đức vua, hoàng hậu cử hầu gái đi tìm thuốc tiên có thể khơi lại tình yêu của chồng. Người hầu gái tìm kiếm khắp nơi, không có kết quả, cho đến một ngày cô ấy gặp một người phụ nữ xinh đẹp, da đỏ. Sau khi biết về nhiệm vụ của cô gái, người phụ nữ này nhanh chóng chuẩn bị một loại thức ăn đặc biệt và đưa nó cho cô gái, bảo rằng, nếu đức vua ăn nó, mọi vấn đề của hoàng hậu sẽ được giải quyết.

Cô hầu gái trở về cung điện và thuật lại những lời này cho hoàng hậu. Lo sợ những hậu quả của việc cho đức vua ăn đồ ăn không rõ ràng, hoàng hậu ném nó vào hồ nước gần đó (Một ghi chép khác nói rằng hoàng hậu đã mất toàn bộ sự yêu thương của đức vua, bị lưu đày và vì thế không thể dâng đồ ăn lên đức vua) Một vị Naga sống trong hồ đã ăn món ăn kỳ lạ này, bị biến thành một người giống đức vua và trong hình tướng này, đã làm hoàng hậu có thai. Khi đức vua hay tin hoàng hậu mang thai, ông rất tức giận và quyết định trừng phạt. Hoàng hậu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thú nhận tất cả. Rất mơ hồ, đức vua yêu cầu cô hầu gái mời người phụ nữ da đỏ đến cung điện. Khi cô gái đứng phía trước, đức vua lập tức nhận ra rằng người phụ nữ da đỏ này chính là Phật Mẫu Kurukulle, và đỉnh lễ, thỉnh cầu giáo lý có thể giúp vượt qua mọi ham muốn. Nhờ tin tấn hành trì, đức vua cuối cùng có thể đạt giác ngộ và vì thế, đức vua là vị đầu tiên trong cõi người nắm giữ dòng truyền thừa giáo lý của Tác Minh Phật Mẫu.

Tôi hy vọng rằng câu chuyện này có thể khơi dậy niềm tin của các bạn dành cho Đức Kurukulle. Trong Phật giáo Tây Tạng, có nhiều thực hành khác nhau liên quan đến Kurukulle. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã biên soạn một nghi quỹ tán thán Phật Mẫu. Khi Ngài viếng thăm núi thánh Chimpu, Ngài đã phát lộ kho tàng chứa đựng nghi thức hành trì Tác Minh Phật Mẫu. Tôi mong rằng từ nay trở về sau, các bạn có thể thiền định về Bổn tôn này.

Tôi đã giới thiệu về từng vị trong chín Bổn tôn kính ái. Mỗi vị có những phẩm tính đặc biệt. Nếu bạn cầu nguyện đến mỗi vị trong chín Bổn tôn này, bạn sẽ nhận được ân phước gia trì không thể nghĩ bàn. Kyabje Rinpoche từng nói rằng, “Nếu con không có của cải, Wang Dü có thể cho con của cải; nếu con muốn địa vị, Wang Dü có thể giúp con có địa vị. Nương tựa vào lời cầu nguyện này, con có thể đạt được mọi thứ mà con mong muốn. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát tâm, con không thể khởi lên Bồ đề tâm, tính không và các thành tựu xuất thế gian khác; trì tụng Wang Dü với sự tinh tấn sẽ cho phép con đạt được những phẩm tính này một cách dễ dàng”. Vì thế, dù là để thành tựu mục tiêu thế gian hay xuất thế gian, con có thể cầu nguyện đến chín Bổn tôn này và nhờ nương tựa vào ân phước của chư vị, mọi mong ước của con sẽ trở thành hiện thực.

(2) Bản dịch Anh ngữ của câu này là “The overpowering Heruka — formidable subjugator of all that appears and exists”, nghĩa đen là “Đấng Hê-ru-ka oai hùng – vị điều phục mọi thứ xuất hiện và tồn tại”.

Khenpo Sodargye Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Wang Dü “Đám mây ban tặng đại ân phước”