CHIA SẺ

Dù bao lâu ta sống cùng quyến thuộc,
Sẽ đến một ngày sinh tử biệt ly.
Bao tài sản một đời ta nỗ lực,
Phút lâm chung để lại hết cho đời.
Thân ta quán trọ, Tâm là khách,
Sẽ đến ngày khách từ giã ra đi.
Vậy nên chi bám chấp đời này,
Xả chấp trước là hạnh chân Phật tử.

Có một sự thật về cuộc sống được đề cập ở đây là cho dù những người bạn tốt và những người thân sống cùng bạn bao lâu đi chăng nữa thì cũng sẽ có một ngày họ cũng phải rời xa bạn. Tương tự như vậy, cho dù bạn xây bất cứ cái gì, dù là một bức tường hay cả tòa nhà thì một ngày nào đó chúng cũng sẽ sụp đổ. Do tất cả những mối quan hệ hòa hợp sớm hay muộn cũng phải đến hồi kết thúc nên việc bám chấp kiên cố vào đó chẳng có ý nghĩa gì. Điều này không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến mọi thứ hay cần phải phá hủy chúng mà trước hết hãy quán xét lại thái độ chấp thủ của chính mình khi nghĩ rằng chúng sẽ trường tồn. Thật ra không có gì tồn tại cả, cho dù là tình bạn, sự ghen ghét hay sân giận đối với kẻ thù. Do sân giận, bạn và kẻ thù đó không bao giờ có thể trở thành bạn bè, nhưng điều này cũng vô thường giống như tất cả mọi thứ khác. Năm nay anh ta có thể là kẻ thù nhưng sang năm anh ta có thể trở thành một người bạn, có thể tôi là bạn của anh ta trong năm nay nhưng lại trở thành tồi tệ với anh ta trong năm tới. Ai biết được điều gì có thể xảy ra khi trên thực tế bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

Thậm chí một đôi vợ chồng đã sống hòa hợp cùng nhau bốn mươi hay năm mươi năm, chưa bao giờ tranh cãi lời qua tiếng lại một lần nhưng cuối cùng họ cũng đều phải chết. Điều này tương tự với sự giàu có, tài sản của chúng ta, chúng có được nhờ rất nhiều công sức và nỗ lực, nhưng tất cả đều bị bỏ lại phía sau và không cần thiết vào lúc lâm chung. Có thể một sự vô thường nào đó sẽ xảy ra, tài sản của chúng ta sẽ bị cháy hoặc bị ăn trộm hoặc chúng ta chẳng may vỡ nợ ngân hàng hay bất cứ điều gì tương tự. Bạn có thể đã tích lũy được vô số thứ quý giá bằng cách nỗ lực tạo ra của cải vật chất nhưng có thể chúng không còn là của chúng ta vào ngày mai hoặc sẽ mất đi trong vài năm tới. Nếu may mắn, bạn có thể giữ được chúng trong nhiều năm nhưng thực sự cuối cùng đến lúc nào đó bạn cũng phải xa lìa chúng. Trên khía cạnh tương đối, việc có được của cải, danh tiếng hay những mối quan hệ hữu hảo với cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè là điều tốt, tuy nhiên sự thật là bạn sẽ không có cách nào có thể giữ được những thứ này mãi mãi bên mình.

Điều này rất đúng với thân thể của bạn. Đây là thứ mà chúng ta bám chấp kiên cố nhất nhưng rồi chúng ta cũng sẽ phải lìa bỏ nó. Cho dù có yêu quý tài sản, cha mẹ hay bạn bè bao nhiêu đi chăng nữa thì bạn vẫn yêu quý cái thân của mình hơn. Không có nó, chúng ta không thể tồn tại nhưng nó cũng sẽ bị bỏ lại phía sau mà thôi. Thân như một quán trọ và tâm chỉ là khách trọ. Khi chết đi, bạn không có sự lựa chọn nào khác: căn phòng trọ.

Thân như một quán trọ và Tâm chỉ là khách trọ. Khi chết đi, bạn không có sự lựa chọn nào khác, căn phòng trọ không thể đi cùng với hạn. Nếu ai đó biết cách xả bỏ những bám chấp trong nhiều khía cạnh thì đó là người hạnh phúc nhất thế gian.

Cách chúng ta đối xử với bạn bè, kẻ thù, tiền bạc, của cải, với chính mình… tất cả mọi thứ không thực sự tốt chỉ vì chúng ta bám chấp một cách mù quáng. Tốt hơn hết chúng ta không nên cư xử theo cách đó nữa. Nói vậy không có nghĩa là bạn không nên có bạn bè hay mối quan hệ tốt với cha mẹ mình, cũng không có nghĩa là bạn không nên trân trọng cuộc sống hay sức khỏe của mình. Trên thực tế, việc tích lũy của cải vật chất cho đến việc chăm sóc sức khỏe, uống thuốc và tập thể dục đều rất quan trọng bởi nếu không bạn sẽ không thể tồn tại trên thế giới này. Nhưng điều đáng nói ở đây là cách thức bạn đối xử với chúng hay sử dụng chúng một cách có ý nghĩa như thế nào.

Điều tôi muốn nói là tâm chúng ta cần xả bỏ sự chấp trước vào cuộc sống này. Nếu ai đó biết cách xả bỏ những bám chấp trong nhiều khía cạnh thì đó là người hạnh phúc nhất thế gian. Tôi có thể khẳng định điều này một cách chắc chắn. Với sự xả bỏ chấp trước, người này có thể mang lại nhiều hạnh phúc cho cuộc sống của chính mình. Anh ta có thể giúp đỡ người khác một cách bình đẳng vô tư vì anh ta đã vượt qua được rào cản của chấp thủ. Và tất nhiên, về mặt thực hành giáo pháp, khi không còn rào cản nào nữa thì cũng sẽ không còn chướng ngại trên đường tu tập.

Chấp thủ nghĩa đen là rào cản giữa bạn và cái mà bạn đang cố gắng đạt tới, một bức tường vững chắc ngăn cản mọi khía cạnh và mọi hành động của bạn. Chấp thủ khiến bạn bị bó hẹp và không thể trải rộng tâm mình. Từ bỏ chấp thủ tất nhiên sẽ giúp mở rộng sự hiểu biết của bạn. Chẳng hạn như, khi bạn phải đối mặt với một vấn đề lớn thì vấn đề đó dường như không còn nghiêm trọng như trước bởi nó đã được xả bỏ trong chính bạn. Giống như chiếc máy tính đã được lập trình sẵn, không cần vội vàng; khi thời gian đến nó sẽ tự vận hành như chương trình có sẵn. Mọi thứ sẽ an bình hơn và cuộc sống sẽ tốt hơn nếu bạn thực hành được điều này.

Tôi có một người bạn làm nghề kinh doanh ngoại hối. Tôi không biết chính xác công việc của ông ta là gì, nhưng ông ấy là đệ tử của tôi và đã thực hành pháp này trong rất nhiều năm. Một vài năm trước, ông ta và đối tác gặp phải vấn đề khó khăn nghiêm trọng trong kinh doanh, ngân hàng của họ bị phá sản và họ mất hết toàn bộ tiền. Mọi người đều đau khổ, Giám đốc ngân hàng nhảy lầu tự tử, rất nhiều đối tác của ông bị đau tim và một số thì chết trong bệnh viện, một số khác thì phát điên và vẫn đang phải điều trị. Nhưng nhờ thực hành sâu sắc pháp này mà đến bây giờ, ông ấy là người duy nhất trong số họ có được bình yên. Tôi gặp ông ấy hai tuần sau khi sự việc xảy ra và ông ấy vẫn an ổn, cười lớn và khá thoải mái. Ông ta đã không ngốc nghếch, ông vẫn quan tâm đến gia đình mình và công việc kinh doanh, không đến nằm viện điều trị hay cần tư vấn thêm về mặt tâm lý.

Điều tôi muốn nói ở đây là ông ấy đã thực hành thiền định và xả ly chấp thủ trong suốt hai mươi năm. Hiện nay ông ta đã khá già nhưng tôi vẫn không biết mức độ thực hành mà ông ấy đạt tới cho đến khi chuyện này xảy ra. Điều đó cho thấy sự khác nhau giữa một người không thực hành và một hành giả thực sự, một người chấp thủ và một người biết xả ly. Thật đáng ngạc nhiên. Quả thực, tôi đã bị bất ngờ. Tôi khá do dự khi thấy ông ta bởi vì tôi nghĩ ông ấy có lẽ đã suy sụp hoặc đau khổ rất nhiều hoặc tương tự như vậy. Nhưng không, ông ấy vẫn mỉm cười như thường lệ, ông đưa tôi đi dạo một vòng, tâm sự như bình thường và mọi chuyện vẫn ổn.

Nếu bạn thực hành xả chấp với tâm tha thiết chân thành thì dù có vấn đề nghiêm trọng, bạn vẫn an nhiên bình tĩnh như không có việc gì xảy ra. Những người khác đau khổ vì họ không biết. Như vậy, mặc dù trải qua cùng một hoàn cảnh nhưng thái độ đau khổ và cảm xúc của mỗi người lại hoàn toàn khác nhau. Tôi muốn nói rằng những người thực hành không bám chấp vào của cải, tài sản, thân thể… là những người may mắn nhất trên thế gian.

Không có lý do thỏa đáng nào để bám chấp bởi vì mọi thứ bao gồm cả thân thể của bạn cũng sẽ phải ra đi. Mọi người có thể nói như một lời biện minh: “Tôi cần cái này cho cái kia, cái kia cho cái này và tôi thích điều đó bởi vì điều này”. Có rất nhiều thứ để nói và nghe có vẻ hợp lý, nhưng những lý do kiểu như vậy không bao giờ thỏa đáng. Chúng ta không cần phải chấp thủ, chúng ta vẫn có thể làm công việc kinh doanh của mình, chăm sóc gia đình và tồn tại mà không cần đến chấp thủ. Do đó, hãy sống tốt và có ý nghĩa.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Trích: 37 phẩm Bồ Tát hạnh – Nhà xuất bản tôn giáo, 2011