CHIA SẺ

Một lần, khi Ngài Anuruddha đang thiền ở một nơi ẩn dật, bảy ý nghĩ xảy ra với ngài. Biết được những ý nghĩa của ngài Anuruddha, Đức Phật xuất hiện trước ngài.

Đức Thế Tôn ngồi xuống chỗ ngồi đã dọn sẵn và nói rằng: “Lành thay, này Anuruddha, rất tốt. Điều tốt lành là thầy đã nghĩ đến bảy ý nghĩ này về một người cao quý:

Giáo Pháp này dành cho người khiêm tốn, không phải cho kẻ khoác lác; dành cho người biết hài lòng, không phải cho kẻ bất mãn; dành cho người ẩn dật, không phải kẻ lăn lộn ngoài xã hội. Giáo Pháp này dành cho người siêng năng, không phải cho kẻ lười biếng; dành cho người chánh niệm, không phải cho kẻ không chánh niệm; dành cho người có tâm tập trung, không phải cho kẻ có tâm xao lãng; dành cho người sáng suốt, không phải cho kẻ lơ đễnh.

“Vậy bây giờ, này Anuruddha, thầy hãy suy nghĩ về ý nghĩ thứ tám về một người cao quý: Giáo Pháp này dành cho người có trí tuệ, không phải cho kẻ chìm đắm trong si mê.’’ Sau đó, Đức Phật đã hướng dẫn cho ngài Anuruddha cách dùng những trí tuệ hiểu biết để đạt những trạng thái đạt định thâm sâu…

Sống một mình, ẩn dật, chú tâm, nhiệt thành, và kiên định, ngài Anuruddha thực hành theo những lời hướng dẫn của Phật và sau một thời gian ngắn, ngài chứng ngộ đến sự giải thoát – mục tiêu tột cùng của đời sống tu hành thánh thiện. Khi trở thành một bậc thánh A-la-hán, ngài Anuruddha đã đọc bài kệ như vầy: (tạm dịch ý)

Biết được những ý nghĩ của tôi, người Thầy đã đến với tôi.
Phật dạy về những điều tôi đã nghĩ, và còn dạy thêm nữa,
Đắm chìm trong vô-si, Phật dạy ta trí tuệ.

Biết được Phật Pháp, ta vui thích làm theo lời chỉ dẫn của Người.
Tri kiến đã được chứng ngộ; Lời dạy của Phật đã được thực hiện.

……..

Bây giờ chúng ta đi vào phần cuối cùng của Kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm”: sự “chánh niệm về pháp”.

Phần này đưa ra những hướng dẫn và lời khuyên thực hành để giúp chúng ta vượt qua những thứ kéo lùi chúng ta khỏi tu tiến về thiền. Như câu chuyện về ngài Anuruddha đã minh họa, cần phải có nhiều phẩm chất quan trọng của tâm và tấm lòng mới có thể thành tựu được những mục tiêu tu hành tâm linh của chúng ta. Chúng ta phải khiêm tốn, biết hài lòng, sống ẩn dật, chánh niệm, chánh định, sáng suốt, và trí tuệ. Nếu một người đã có sẵn những phẩm hạnh cao quý này, thì Giáo Pháp sẽ mang lại lợi lạc cho người đó bằng cách dẫn dắt hướng thượng đến sự giải thoát. Nếu chúng ta không có những phẩm hạnh này, thì Giáo Pháp sẽ giúp chúng ta tu dưỡng những phẩm hạnh đó. Về các phương diện thực hành, thì chính sự chánh niệm của chúng ta sẽ dần dần giúp chúng ta tăng trưởng những yếu tố giúp giác ngộ đó.

Để bắt đầu, chúng ta loại bỏ những thói tâm cản trở sự tu tiến của chúng ta trên con đường đạo. Nhiệm vụ của chúng ta giống như việc chuẩn bị một thửa đất để trồng một vườn cây vậy. Trước tiên, chúng ta phải phát quang các lùm cây, bụi cỏ, và những thứ còn cản trở. Trong Giáo Pháp, chúng ta gọi những thứ cản trở này là những “chướng ngại”. Ngay trong chương này, chúng ta sẽ xem xét năm chướng ngại và cách làm thế nào để loại bỏ chúng. Khi thửa đất đã được dọn dẹp sạch sẽ, ít nhất là trên bề mặt, chúng ta bắt đầu làm những việc ở mức sâu hơn.

Trong Chương 11, chúng ta đào sâu xuống tận gốc rễ của những chướng ngại, như là: năm tập hợp uẩn dính chấp, sự tiếp xúc của các giác quan và những đối tượng giác quan, và mười gông cùm khởi sinh từ sự tiếp xúc đó.

Chỉ khi nào chúng ta nhổ sạch được tận gốc những nguyên nhân sâu xa này, thì bảy yếu tố tích cực trợ giúp giác ngộ mới bắt đầu mọc lên và tăng trưởng. Chúng ta sẽ khám phá “Bảy yếu tố giác ngộ” này trong Chương 12.

Cuối cùng, trong Chương 13, chúng ta xem xét về sơ đồ con đường Giáo Pháp của Đức Phật được gọi là “Bát Chánh Đạo”, về “Tứ Diệu Đế” và về tám bước chánh niệm. Toàn bộ sẽ khái quát nên hành trình mà chúng ta cần phải bước đi từ khổ đau cho đến sự giải thoát.

Năm chướng ngại

Khi chúng ta thực hành thiền chánh niệm thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ biết được ngay là việc tập trung tâm [định] không phải luôn dễ dàng. Cho dù chúng ta đã cố hết sức tập trung vào đối tượng hơi thở, hay quan sát những thay đổi về thân, về những cảm giác, hay về những ý nghĩ, nhưng những sự xao lãng luôn luôn xuất hiện và chúng luôn có cách kéo chúng ta lạc khỏi mục tiêu. Những sự xao lãng mạnh nhất được gọi là những “chướng ngại”. Chúng xen vào và phá hỏng khả năng tập trung của tâm trong lúc ngồi thiền và trong những lúc sinh hoạt khác hàng ngày.

Chúng ta đã đề cập một số những chướng ngại. Ví dụ, chúng ta nhận biết rằng sự tham muốn của chúng ta đối với khoái lạc và sự sân giận của chúng ta đối với những khổ đau là nằm ẩn đằng sau nhiều cảm giác của ta. Những chướng ngại khác cản trở sự tu tiến của chúng ta là sự bất an và lo lắng, sự buồn ngủ và đờ đẫn (còn gọi là hôn trầm), và sự nghi ngờ. Chánh niệm giúp chúng ta thấy biết rõ năm điều quan trọng về những chướng ngại: khi chúng có mặt, khi chúng không có mặt, cách chúng khởi sinh, cách làm cho chúng biến mất, và cách làm cho chúng không khởi sinh trở lại.

Khi những chướng ngại đã được đối trị, tâm tự động trở nên tĩnh lặng, sáng tỏ, và trong sạch. Sự trong sạch này là điều cần phải có để dẫn đến trí tuệ minh sát nhìn thấu bên trong bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của mọi sự vật đang hiện hữu.

Chúng ta xem xét qua từng chướng ngại :

1. Chướng ngại Tham Dục

Là một chướng ngại, tham dục là thực sự ‘nặng đô’ chứ không phải chỉ là sự “dính chấp” bình thường. Trong tiếng Pali, chữ được dùng cho nghĩa này trong Kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” là chanda. Có nghĩa là : “ý muốn hay ý chí có được khoái lạc giác quan”, ở đây ta gọi là tham dục.

Như chúng ta đã ghi nhận, những tham muốn [có được những thứ sướng khoái như cảnh nhìn, âm thanh, mùi hương, mùi vị, và các chạm xúc] thường làm xao lãng chúng ta khi chúng ta đang cố gắng tập thiền. Như chúng ta cũng từng kinh nghiệm, tham dục cũng quấy nhiễu chúng ta khi chúng ta đang tập trung làm việc hay khi chúng ta đang cố gắng làm xong công việc nhà cửa. Chúng ta thường bị mất tập trung khi bỗng nhiên thèm một ly kem mát lạnh mình ưa thích, hay khi nghĩ đến sự đụng chạm ái tình với bạn trai hay bạn gái, đã bao nhiêu lần chúng ta đã bị những xao lãng kiểu như vậy? Những sự xao lãng như những thứ đó là những chanda, đó là tham muốn khoái lạc thuộc thân [nhục dục] khởi sinh từ những giác quan.

Tham dục cũng có thể khởi sinh ở giác quan thứ sáu, đó là tâm. Vì vậy, nhiều lúc đang ngồi thiền âm thanh một bài hát mình ưa thích bắt đầu chạy xuyên qua tâm chúng ta. Rồi thì, thay vì chú tâm vào sự khởi sinh và biến mất của nó, chúng ta lại thích tiếp tục thưởng thức cái âm thanh bài hát đó. Nếu ta không cẩn thận thì trong chốc lát sự chú tâm của chúng ta là tập trung vào bài hát hơn là vào hơi thở [hay đề mục thiền] là đối tượng chú tâm chính của ta từ lúc đầu.

Bước thứ nhất để đối trị chướng ngại tham dục là nhận biết chúng ta đang có nó. Như vậy, khi ý thích đi coi một bộ phim làm xao lãng chúng ta khỏi mục tiêu đang thiền, chúng ta phải liền nhận biết “Ta đang có tham muốn đi coi phim”. Bước tiếp theo, thay vì bơm thêm năng lượng bằng cách tưởng tượng đến sự thưởng thức bộ phim đó, chúng ta phải liền dùng sự chánh niệm hiểu rõ nguồn gốc nó và chế ngự nó ngay. Chẳng hạn, chúng ta nhớ lại rằng khoái lạc khởi sinh từ tiếp xúc giác quan là phù du, chỉ tồn tại thoáng qua và biến mất nhanh chóng, và để lại mình ta bị thất vọng. Chúng cũng có thể suy xét rằng tham dục là có hại, hay đích thực chẳng có gì là hấp dẫn. Chẳng hạn có thể quán niệm như vầy “Kem là không tốt đối với tôi. Nó làm cho mặt tôi phệ ra và tôi mập lên vì đường!”. Hay có lẽ nên quán chiếu rằng “Sự tham muốn này đang làm ‘bể’ sự tập trung [định tâm] của tôi và làm cản trở quá trình thiền tập tu tiến của tôi. Tôi sẽ không nghĩ đến nó nữa !”.

Khi tham dục biến mất, chúng ta nhận biết nó biến mất. Bước cuối cùng, chúng ta dùng nỗ lực cảnh giác để chắc chắn rằng nó không khởi sinh trở lại, ít nhất là trong buổi thiền hôm nay. Một điều không may là những thủ thuật này cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Tham dục nó vẫn còn tiếp tục quay lại và quay lại, cho đến khi chúng ta có thể bứng hết gốc rễ của nó thông qua sự chánh định thâm sâu.

2. Chướng ngại Ác Ý

Ác ý ở đây bao gồm tất những sự ghét bỏ [không ưa thích] từ mức độ bực bội nhẹ cho đến sự sân giận hung dữ. Như chúng ta đã từng thảo luận, ngay cả một sự sân giận nhỏ cũng cũng làm chúng ta cảm thấy không hay và làm hỏng hết khả năng chánh niệm của chúng ta.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một vị tăng bỏ ra nhiều năm tu thiền ẩn dật trong một hang động. Cuối cùng, ông cũng ta rời khỏi hang và xuống núi đến một ngôi làng, một người đi ngang vô ý đụng vào ông và đạp lên mấy ngón chân của ông. Ngay lập tức, vị tăng đó la lên “Tránh ra!”. Dĩ nhiên, chúng ta phải cho rằng vị tăng bất hạnh này chắc là đã không tu thiền một cách đúng đắn để dùng chánh niệm và chánh định để loại bỏ và tiêu diệt tận gốc những chướng ngại.

Phương pháp đối trị chướng ngại ác ý thì cũng giống như cách đối trị chúng ta đã đề cập đối với tham dục. Khi sự bực bội khởi sinh, chúng ta cố gắng nhận biết nó lập tức, để ta có hành động đối trị nó ngay trước khi nó lên cao. Những hướng dẫn thực hành để đối trị với sân giận đã được chỉ ra ở trong phần “Những Điểm Chính để đối trị sự Sân Giận” của Chương 7. Trước tiên, bạn nên bắt đầu thực hành theo những hướng dẫn này là tốt nhất. Nên ghi nhớ rằng tất cả mọi ác ý đều khởi sinh từ ý muốn tách ly hay cách xa mình khỏi những thứ làm mình khó chịu hay đau khổ. (Ví dụ khi ta đến chỗ tanh hôi, làm ta khó chịu và kinh tởm, thì tâm khởi sinh sự ghét và muốn mình tránh xa nó). Cũng nhớ thêm rằng, ác ý và những nguyên nhân của nó cũng là vô thường. Nếu nghĩ lại, chúng ta thường hay thấy ngượng ngùng mắc cỡ vì mình đã nổi giận với những điều lặt vặt, tầm thường. Qua thời gian, giống như mọi thứ khác, sự sân giận cũng phai biến đi.

Trước khi sân giận biến mất, chúng ta tập tính nhẫn nhịn để giữ mình không phản ứng theo những cách để sau đó phải hối tiếc hay ngượng ngùng. Sự thực hành sâu sắc về tính nhẫn nhịn làm cho tâm tĩnh lặng và làm cho ta bình an. Dĩ nhiên, nhẫn nhịn không phải là để cho người ta chửi bới làm nhục mình. Nó chỉ có nghĩa là bạn phải bỏ thêm thời gian để cảm xúc nóng giận từ từ mát nguội và chúng ta có thể cư xử một cách tử tế và đúng đắn. Nếu ác ý khởi sinh trong khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta nên nhắc nhớ rằng sân giận làm mất khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng, giận mất khôn, và cản trở sự tu tiến của chúng ta.

Một trong những cách mạnh mẽ nhất để loại bỏ tính sân giận là tu dưỡng tâm từ (metta). Cho dù ai có làm điều gì khiến ta tức giận, ta luôn luôn có thể tìm một lý do để thương cảm họ. Tuy nhiên và nhiều lúc, có lẽ người đang chửi bới ta là đang thực lòng muốn giúp ta hay cảnh báo ta, hoặc người đó đang ‘có vấn đề bức xúc’, ví dụ như đang chịu đau bệnh về thể xác hay nhiều nỗi đau buồn. Tâm từ làm mềm tấm lòng ta và giúp chúng ta cảm thấy tiếc thương cho người kia đang hành động một cách không khôn khéo. Thay vì phản bác hay công kích lại người kia, ta có thể suy nghĩ rằng: “Làm cách nào ta có thể giúp người này?”.

(Sự giúp đỡ có thể là mời người kia ngồi xuống để mình giãi bày một cách nhẹ nhàng, có tình có lý; hay có thể nhẹ nhàng chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của hành vi của người kia; xoa dịu cơn nóng giận của người đó bằng thái độ nhẫn nhịn, từ bi và lịch sự; tìm cách an ủi hay chỉ ra cách để người ấy bớt đau khổ thể xác hay vượt qua nỗi đau buồn…).

Khi những ý nghĩ như vậy đã giúp ta đối trị xong ác ý hay sân giận, chúng ta nhận biết sự ác ý đó đã biến mất.

Chúng ta dùng chánh niệm và nỗ lực tinh tấn để phòng ngăn không cho nó khởi sinh trở lại.

3. Chướng ngại Lười Biếng và Đờ Đẫn

Còn được gọi là thụy miên và hôn trầm (HV), vì trong chướng ngại này có gồm cả sự buồn ngủ. Lười biếng là chỉ về sự thụ động, biếng nhác của thân. Còn ngu mờ hay đờ đẫn là chỉ về sự thụ động, lầm lẫn và ngu đần của tâm.

Trong cuộc sống hàng ngày, sự lười biếng về thể xác sinh ra từ nhiều lý do. Đối với một số người, sự lười biếng trong mọi chuyện chỉ là một thói quen, là một tật xấu. Đối với những người khác, thì đó là một cách trốn tránh những cảm giác bất mãn, buồn bực, hay chán chường [chán đời].

Còn nữa, khi chúng ta ăn uống quá nhiều thức ăn thức uống, hoặc tập luyện thể lực quá nhiều, thì sau đó chúng ta thường bị buồn ngủ. (Đơn giản là cơ thể muốn ngủ để tiêu hóa thức ăn hoặc khôi phục lại sức lực đã tập luyện. Làm việc vất vả cũng dẫn đến mệt mỏi và buồn ngủ sau đó).

Nhưng khi sự lười biếng đã xảy ra thường ngày, nó trở thành một vấn đề khó khăn, bởi vì chúng ta không còn động lực hay năng lượng. Khi đã lười biếng thì chẳng có việc gì chúng ta muốn làm hay chẳng có việc gì được làm tốt. Tất cả những gì chúng ta muốn là nằm xuống và ngủ.

Sự đờ đẫn về tâm thì còn là trở ngại lớn hơn cho việc tập trung tu tập. Tâm trở nên ỳ ạch và mờ mịt, giống như nước bị tảo rong che mờ. Mọi thứ chúng ta cố tập trung vào đều không phân biệt được và xa mờ. Chúng ta không thể đọc, không thể nghĩ, không thể nói rõ ràng, và ngay cả một câu hỏi giản đơn nhất cũng làm ta lầm lẫn. Chúng ta chẳng còn biết cái gì đang diễn ra bên ngoài và bên trong chúng ta. Trạng thái ngu đần này rất gần giống với si mê hay vô minh, mà đôi khi người ta gọi là một giấc thụy miên vĩnh hằng, một giấc ngủ dài u mê không tỉnh thức.

Còn nữa, khi chúng ta thiền, vì hơi thở, thân, và tâm trở nên thư giãn nên chúng ta cũng dễ bị ‘rớt’ vào trạng thái buồn ngủ hay ‘phê mê’. Đành rằng trạng thái buồn ngủ là rất dễ thương, ngon lành, và chúng ta thường phải cần có nó vào những lúc cần ngủ. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có được sự tập trung tâm [chánh định] từ sự lười biếng của tâm như vậy. Yếu tố hỷ lạc từ sự chánh định cũng không khởi sinh trong tình trạng đó. Chúng ta không nên lẫn lộn giữa cảm giác dễ chịu khoan khoái khi thân hay tâm được thư giãn và sự hỷ lạc được tạo ra từ những trạng thái thiền định thâm sâu. Hai cái là hoàn toàn khác nhau và không liên quan gì nhau. Còn trí tuệ minh sát thì đòi hỏi phải có năng lượng, nỗ lực, và sự sắc bén.

Khi chúng ta nhận biết mình đang bị lười biếng, ta chú tâm vào trạng thái đó. Chúng ta ghi nhớ rằng sự lười biếng và đờ đẫn cản trở sự chánh niệm và ta lập tức dùng phương pháp để đối trị nó. Chẳng hạn, chúng ta nên thuộc nhớ lại về ngài Anuruddha siêng năng, người đã chứng đắc sự giải thoát bằng cách thực hành thiền một cách kiên trì và miên mật, chứ không phải bằng sự ngủ! Giống như ngài Anuruddha đã chứng ngộ và như Phật đã nói: “Giáo Pháp này dành cho người siêng năng, không phải cho kẻ lười biếng!”.

Cách hữu ích khác là ta có thể đối thoại với sự lười biếng của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể nói thầm: “Ta được sinh ra làm người. Được làm người là rất hiếm hoi. Cách sử dụng cuộc sống con người không phải là để đắm chìm vào trạng thái ngái ngủ ngu mờ và không làm gì cả. Tâm của ta phải được trong sáng để ta được giải thoát khỏi sợ hãi, căng thẳng, và lo lắng. Mục tiêu tột cùng của ta là thoát khỏi tham, sân, si. Một kẻ lười biếng không bao giờ có được niềm hạnh phúc và bình an thực sự”. Trong một bài kinh khác, cách đối thoại nhiệt thành với bản thân mình theo kiểu như vậy đã được ví như một mục đồng dùng roi điều hướng những con bò vậy. Khi có con bò nào chạy lệch hướng, người mục đồng sẽ quất roi và hướng con bò đó quay trở lại cùng đàn bò.

Đến khi nào sự lười biếng biến mất, chúng ta nhận biết nó. Chúng ta dùng chánh niệm để chắc chắn phòng ngăn không cho nó khởi sinh lại.

Dưới đây là một số gợi ý khác để đối trị chướng ngại lười biếng và buồn ngủ, và để phòng ngừa chắc chắc là nó không khởi sinh trở lại:

Những Điểm Chính để đối trị sự Lười Biếng và Buồn Ngủ

► Khi buồn ngủ hay đờ đẫn, mở mắt ra và xoay hai tròng mắt trong vài giây. Nhắm mắt lại, và tiếp tục tập trung chánh niệm.
► Hình dung một ánh sáng, một bầu trời nắng sáng, hay một cánh đồng tuyết trắng lóa. Tập trung tâm vào một hình ảnh đó trong vài giây. Ngay khi bạn hình dung [quán tưởng] về hình ảnh đó, sự buồn ngủ biến mất.
► Hít vào một hơi thở thật sâu và giữ càng lâu càng tốt. Rồi từ từ thở ra. Làm lại vài lần cho đến khi cơ thể ấm lên và có hơi mồ hôi. Sau đó, quay lại tiếp tục thực tập chánh niệm.
► Đứng dậy và thiền trong tư thế đứng vài phút cho đến khi cơn buồn ngủ biến mất. Nếu nó không hết, chuyển qua tư thế đi thiền như đã được hướng dẫn trong phần “Những Điểm Chính về Đi Thiền” trong Chương 2, cho đến khi sự buồn ngủ biến mất. Sau đó thì quay trở lại tư thế ngồi thiền ban đầu.
► Rửa mặt bằng nước lạnh. Hoặc nhéo mạnh hai dái tai đến khi cảm giác thấy đau.
► Nhớ hay tưởng niệm lại những đức hạnh của Đức Phật và dùng tấm gương Phật để khuyến khích bạn nỗ lực tỉnh thức để tu tập.
► Nếu sự buồn ngủ hay đờ đẫn xảy ra thường xuyên, bạn nên đổi thời gian ngồi thiền của mình. Một số người tỉnh thức nhất vào buổi sáng sớm; số khác thì tỉnh nhất trước giờ đi ngủ. Hãy tập thiền vào những khoảng thời gian khác nhau và chọn ra thời gian nào mình thiền tốt nhất, tỉnh thức nhất.
► Cân nhắc thay đổi cách giờ giấc, ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ để tạo ra thời gian tốt nhất cho thiền. Ví dụ, không nên ăn quá gần tới giờ thiền, vì như vậy sẽ làm thân bạn buồn ngủ khi thiền.
► Nếu những phương pháp trên đều không giúp gì cho bạn, hãy thực hành Tâm Từ cho chính bản thân mình, để thấy thương mình, và ngủ vài phút.

4. Chướng ngại Bất An và Lo Lắng

Chướng ngại này thì ngược lại với chướng ngại “lười biếng và đờ đẫn” vừa mới nói xong. Thay vì ngừng nghỉ và đi ngủ, tâm cứ luôn bất an và hiếu động. Tâm cứ như sóng nước trong trời gió. Chúng ta thường lo lắng về những việc chưa làm xong hay những việc đã làm không đúng đắn. Chúng ta lo lắng về sự an toàn. Chúng ta lo lắng không biết có chuyện gì xảy ra ở nhà hay không, hay lo lắng về công việc làm, về gia đình, về sức khỏe, về kinh tế. Chúng ta lo lắng về những thời sự trong thành phố, đất nước, hay thậm chí về chuyện bên kia nửa vòng trái đất. Khi loại tâm này có mặt, chúng ta luôn luôn tìm thấy thứ này hay thứ khác để lo lắng. Tâm bị bất an.

Sự bất an về thân cũng có thể là vấn đề khó khăn. Người ta đầy ắp những lo lắng, xốn xang và đứng ngồi không yên. Ta cứ giậm chân, nhấc điện thoại và bỏ điện thoại, mở tủ lạnh dù chẳng cần dùng gì. Ta không biết tại sao mình lại bất an như vậy; thực ra nhiều khi… chẳng có lý do gì.

Cũng như những chướng ngại khác, bước đầu là chúng ta phải tỉnh giác nhận biết rằng ta đang bất an hay lo lắng.

Chúng ta ghi nhớ rằng những trạng thái này làm mất khả năng tập trung và cần phải có hành động để đối trị chúng ngay. Giải pháp tốt nhất là ngồi thiền chú tâm vào hơi thở.

Như chúng ta đã biết từ lâu, khi chúng ta chú tâm vào hơi thở, tâm của ta sẽ tự nhiên tĩnh lặng. Khi hơi thở trở nên tĩnh lặng, thân và tâm sẽ trở nên tĩnh lặng.

Chúng ta dùng kỹ thuật đếm mà chúng ta đã nói trước đây. Thở vào và thở ra. Đếm “một”. Thở vào và thở ra. Đếm “hai”. Thở vào và thở ra. Đếm “ba”. Tiếp tục, đếm đến mười. Sau đó làm tương tự, đếm từ mười đến một. Lặp  lại chu kỳ đếm, lần này đếm từ một đến chín, và rồi từ chín xuống một. Lần thứ ba, đếm từ một đến tám, và rồi từ tám xuống một. Tiếp tục đếm cho đến khi tâm và thân lắng xuống.

Để phòng ngăn không cho bất an và lo lắng khởi sinh trở lại, hãy tu tập một cảm giác tin tưởng thành tín vào Đức Phật và giáo lý của Phật, tin chắc rằng con đường đạo của Phật đã được rất nhiều người từ bao nhiêu đời tu theo để đối trị những chướng ngại và giải thoát họ khỏi mọi đau khổ.

5. Chướng ngại Nghi Ngờ

Có nghi ngờ là điều tự nhiên thôi. Sự nghi ngờ thông minh – dùng kinh nghiệm và sự phán đoán tốt nhất để chắc chắn là mình đang đi đúng đường – thì thực sự là rất hữu ích để tu tiến trên con đường đạo. Nhưng khi sự nghi ngờ lấn lướt, chi phối và ngăn cản chúng ta tu tập chánh niệm, thì lúc đó nó là một chướng ngại. Ví dụ, đôi khi chúng ta vừa mới ngồi xuống để thiền, lập tức ta bắt đầu tự hỏi tại sao ta phải làm việc này. Chúng ta cũng chẳng biết liệu cái ‘pháp môn’ tu này có hiệu nghiệm gì không, hoặc không biết ‘pháp môn’ tu nào là thích hợp với ta. Chúng ta lại hay thoáng nghĩ không biết mình đã thực sự hiểu rõ lời chỉ dạy của ‘sư phụ’ hay chưa, hoặc không biết mình có phải là loại người phù hợp với việc tu thiền này không. Khi nghi ngờ đang có mặt, nó càng lúc càng lớn lên. Chúng ta cứ tự hỏi không biết thiệt hư thế nào về cái gọi là sự giác ngộ, hoặc không biết cả hệ thống tu thiền như vầy có ý nghĩa và kết quả gì không.

Bước đầu, cũng như các chướng ngại khác, là nhận biết sự nghi ngờ khởi sinh. Đơn giản quan sát nó cho đến khi nó biến mất. Nếu nó không hết, dùng phương pháp mạnh hơn. Hãy tưởng nhớ đến những phẩm hạnh của Đức Phật và những giáo lý về Giáo Pháp của Phật. Nhớ rằng những người khác đã tu tập theo giáo lý này và đã trở thành những tấm gương truyền cảm hứng và khích lệ tu hành.

Nhớ lại những thành công đã làm được trước đây, chẳng hạn như những giờ ngồi thiền đầy an định và thanh bình; nhớ lại những lúc các chướng ngại như buồn ngủ hay bất an đã được đối trị và chấm dứt; hoặc nhớ lại những lúc mình tự thay đổi để phù hợp với công việc tu tập và có kết quả tốt hơn. Đối thoại với sự nghi ngờ. Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Chẳng hạn, có thể nói với mình rằng: “Cuộc sống là ngắn ngủi. Ta không để cho sự nghi ngờ này nọ làm cản trở con đường tu tiến của ta.”

Khi nghi ngờ biến mất, nhận biết nó biến mất. Giữ chánh niệm để phòng ngăn không cho sự nghi ngờ khởi sinh trở lại.

Chúng ta được gì?

Khi chúng ta đối trị được các chướng ngại, ngay cả là tạm thời, đó là một chiến thắng to lớn. Chúng ta đã dọn sạch sẽ miếng đất để làm vườn, và chúng ta có được những phẩm chất tốt như là – lòng tin, nỗ lực, chánh niệm, chánh định, và trí tuệ – và ta bắt đầu vun trồng chúng. Trong một bài kinh, Đức Phật đã mô tả lại sự chiến thắng này mang lại cảm giác tốt lành như thế nào, như vầy:

“Ví như một người có nhiều tiền bạc và của cải đang đi trên con đường sa mạc khan hiếm thức ăn và nhiều nguy hiểm. Sau một thời gian, ông ta qua hết sa mạc và đi đến một ngôi làng an toàn và không còn nguy hiểm. Ông ta sẽ suy nghĩ về điều này, và lẽ nhiên, ông ta sẽ trở nên vui mừng và nếm trải niềm vui đó.

“Cũng cách như vậy, khi một Tỳ kheo nhìn thấy năm chướng ngại này… đã được buông bỏ bên trong người ấy, người ấy sẽ coi đó như là sự trả hết nợ nần, như là sức khỏe tốt, như là sự giải thoát khỏi ngục tù, như là sự giải thoát khỏi đời nô lệ, như là một nơi chốn an toàn… Sự vui mừng khởi sinh.

Khi người ấy được vui mừng, niềm hỷ lạc khởi sinh. Khi tâm mình có đầy niềm hỷ lạc, thân người ấy trở nên yên tịnh. Yên tịnh trong thân, người ấy trải nghiệm niềm hạnh phúc. Khi được hạnh phúc, tâm người ấy trở nên tập trung.”
(bản dịch từ tiếng Pali của Bhikkhu Bodhi)

Thiền Sư Henepola Gunaratana
Việt dịch: Lê Kim Kha
Trích: Bồn nền tảng chánh niệm – Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016