CHIA SẺ

Sau khi Giác Ngộ, Đức Phật đã quán chiếu về những chân lý sâu sắc của Giáo Pháp mà Phật đã chứng ngộ. Phật nhận thấy rằng hầu hết chúng sinh đều đang chìm đắm trong vô minh, ngay cả khi Phật phổ biến những chân lý này, người ta chắc khó mà hiểu được.

Nhưng sau đó Phật tự nghĩ rằng: “À, có một số chúng sinh dính ít bụi trong mắt họ. Họ giống như những bông sen trong một cái ao. Một số người giống như những búp sen đang nằm bên dưới nước bùn. Một số đang sắp ngoi lên mặt nước. Những bông khác thì đã ngoi lên khỏi mặt nước, mặc dù chúng vẫn chưa nở hoa. Nhưng có một số đã sẵn sàng nở hoa. Vì lợi ích của họ, ta sẽ dạy Giáo Pháp”.

………………………………………………………..

Sau khi Giác Ngộ, Đức Phật đã giảng tại Vườn Nai gần Varanasi bài khai giảng đầu tiên mà sau này được biết đến với tên gọi là Bốn Chân Lý Cao Diệu. Thường đã được quen gọi là Tứ Diệu Đế (HV). Sau đó, trong suốt 45 năm truyền dạy giáo Pháp, Đức Phật đã nhiều lần giảng đi giảng lại về bốn chân lý này. Việc chánh niệm về bốn chân lý Tứ diệu đế và con đường Bát chánh đạo là chìa khóa để chúng ta tự chứng đạt được sự bình an nội tại và sự giải thoát.

Vậy những chân lý đó là gì? Nói ngắn, chân lý đầu là sự khổ, là sự bất toại nguyện và sự bất hạnh đau khổ mà chúng ta không thể tránh né trong đời. Nó luôn có mặt mọi lúc, nơi, dưới mọi hình thức trong mọi sự sống của tất cả chúng sinh. Thứ hai là nguồn gốc hay nguyên nhân khổ tức là cái tâm đầy dục vọng và chấp thủ chưa được thuần hóa hay khai ngộ. Thứ ba là sự chấm dứt khổ, đó là sự thật rằng chúng ta có thể chấm dứt khổ bằng cách từ bỏ những tham muốn và dục vọng. Thứ tư là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ, đó là con đường tám phần, hay còn gọi là Bát chánh đạo, mà chúng ta phải thực hiện để mong đạt đến mục tiêu chấm dứt khổ.

Chánh niệm về Tứ diệu đế

Nhiều người thấy mình dễ nghĩ về những khó khăn của người khác hơn là khó khăn của bản thân mình. Thậm chí họ vẫn luôn theo dõi và quan tâm đến những tình hình của thế giới. Họ thường nói: “Nhìn vào cảnh thế giới, đầy những bệnh tật, đói nghèo, thất nghiệp, ly dị, chiến tranh, tai nạn, và những thứ kinh khủng khác”. Những vấn nạn như động đất và dịch bệnh (cúm gà, bệnh Aids…) là thực tiễn và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đối với bất kỳ ai trong chúng ta, và chúng ta cũng dễ dàng cảm thấy bi thương cho những nạn nhân bất hạnh. Tất nhiên, thật tuyệt vời khi chúng ta biết cảm động với sự đau khổ của người khác và tìm cách hay góp phần giúp đỡ. Nhưng có một điều, đôi khi những sự quan tâm đại trà đó là một cách để chúng ta quên đi hoặc phớt lờ những khổ đau của chính mình phải trải qua mỗi ngày.

Thông điệp của Phật trong chân lý hay Diệu đế thứ nhất là mọi chúng sinh đều nếm trải sự khổ đau. Khổ đau tức là sự chịu đựng theo toàn bộ các nghĩa đen về thể xác và tâm linh. Không phải tất cả mọi sự khổ đều là thê thảm. Hầu hết đó là những đau khổ thông thường. Kinh sách Phật giáo đã liệt kê nhiều ví dụ. Chúng ta khổ vì chúng ta phải trải qua già, bệnh, chết. Chúng ta chịu đựng hay khổ về thể xác và tình cảm bởi vì những bất trắc, xui xẻo, và vô phước đủ tất cả các loại và các kiểu. Chúng ta thường xuyên nếm trải những nỗi buồn và phiền muộn. Hơn nữa, chúng ta khổ bất cứ lúc nào chúng gặp thứ gì hay người nào khó ưa, khó chịu hay có hại đối với mình. (Khổ mỗi khi gặp thứ hay người mình không thích). Chúng ta khổ khi phải rời xa hay mất những thứ hay người dễ chịu, đáng yêu mà mình yêu thích. (Khổ vì phải xa những thứ hay người mình yêu thích, như: tiền bạc, nhà cửa, của cải, môi trường dễ chịu, mất cha mẹ, con cái, người thân, bạn thân… hay thậm chí khổ chỉ vì vừa mới mất một cái kẹp tóc mình thích.)

Chỉ cần vài phút suy xét lại, chúng ta có thể liệt kê ra rất nhiều trải nghiệm khổ của cá nhân mình. Dù chúng ta có khái niệm hóa sự khổ bằng những từ ngữ như stress, bất an, phiền muộn, bệnh mãn tính, nỗi sợ, hay thần kinh hoảng loạn, tinh thần nao núng, thì lẽ thật thứ nhất Phật đã nói luôn nhắc chúng ta luôn nhớ rằng: khổ là “không thể nào tránh được” cho tới khi nào tâm ta còn chưa trong sạch, chưa được giác ngộ và giải thoát.

Chánh niệm giúp chúng ta nhận ra rằng, nằm ẩn bên dưới tất cả mọi khổ đau này chính là dục vọng hay tham chấp. Tất cả năm uẩn của thân và tâm luôn luôn biến đổi, hư bệnh, già đi, và chết đi trong từng giây phút. Bởi vì chúng ta dính chấp vào cái thân (là ‘của ta’), nên khi nó già đi hay suy yếu, chúng ta bị đau khổ về thể xác và sầu khổ về tinh thần. Vì chúng ta luôn muốn “nắm giữ” những cảm giác dễ chịu và sướng khoái, và muốn “né tránh” những cảm giác khó chịu và đau khổ, cho nên khi có những sự thay đổi, lên xuống thăng trầm không thể tránh được của đời sống thì chúng ta cảm thấy khổ đau, buồn rầu và bất hạnh.

Mọi nhận thức về cái đẹp và ngay cả những ý nghĩ, dù hay ho, rực rỡ, huy hoàng đến mức nào cũng chỉ khởi sinh lên trong một khoảng khắc, nếu chúng ta dính chấp vào bất kỳ tập hợp uẩn nào, nó sẽ trở thành uẩn dính chấp, như chúng ta đã gọi và nó trở thành nguyên nhân của khổ.

Tuy nhiên, sự khổ có thể được chấm dứt, như Đức Phật đã hứa trong Diệu đế thứ ba. Như Phật đã giải thích một cách thật đơn giản và chân phương: “Hạnh phúc là sự bình an chúng ta có được khi chấm dứt khổ”. Về thực hành, thì hạnh phúc là sự bình an và tĩnh lặng có được khi chúng ta thoát khỏi những trạng thái tâm xấu ác như: tham, sân, si; sinh, trưởng, già, bệnh, chết, và buồn rầu, sầu bi, khổ đau, bất mãn, và tuyệt vọng. Khi nào chúng ta từ bỏ được sự thèm khát những khoái lạc của những giác quan [nhục dục] thì chúng ta sẽ dừng hết khổ đau ngay trên vết xe đổ của nó. Những mắt và hình sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và mùi vị, thân và chạm xúc, và tâm và đối tượng của tâm (pháp) – tất cả chúng – đều di chuyển trên một chuyến tàu mang đầy những sự kiện chạy đến dục vọng và chở đầy những trạng thái tâm xấu, bất thiện và tiêu cực khác. Nhưng một khi sự chánh niệm giúp chúng ta nhận ra được rằng mỗi thứ trải nghiệm, dù là hạnh phúc hay thống khổ, cũng chỉ diễn ra trong một chốc lát và chỉ là phù du, thì ta sẽ có khả năng làm ‘chập mạch’ ngừng ngay cái tiến trình khổ đau này. (Nói cách khác, sau khi đã ‘sáng mắt’ nhận ra bản chất khổ đau của hành trình dục vọng tìm kiếm khoái lạc giác quan, chúng ta có thể quyết tâm ngừng ngay chuyến tàu dục vọng của cuộc đời.)

Khổ đau ngừng lại, và chúng ta được bình yên, và thấy biết được bản chất thực tại như nó là vô thường, khổ và vô ngã.

Chánh niệm về Bát chánh đạo

Chân lý hay Diệu đế thứ tư chính là con đường tám phần của Đức Phật, vốn hay được gọi trước giờ là Bát chánh đạo (HV). Trong kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” này, bốn chân lý Tứ Diệu Đế thì được xếp ngay sau Bảy Yếu Tố Giác Ngộ trong phần “Chánh niệm về Pháp”.

Nói cách khác, đề tài Tứ Diệu Đế được xếp ngay sau yếu tố cuối cùng của Bảy Yếu Tố Chánh Niệm: đó là sự buông xả. Sự xếp đặt này cũng có ý nghĩa rất hay của nó. Khi chúng ta trải nghiệm sự buông xả, chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự khổ của chính mình một cách thực tế. Chứ không còn bị kẹt trên lý thuyết. Chúng ta cũng nhìn thấy (i) cách chúng ta gây ra khổ đau, và biết rằng (ii) khổ đau thì có thể được làm cho chấm dứt. Những sự nhận biết này là nền tảng để thực hành tám phần của con đường Bát chánh đạo. Tám phần, hay tám bước, hay tám chi đó có thể được dễ dàng ghi ra và thuộc lòng, nhưng mỗi phần là một đề tài sâu sắc và bao quát, đòi hỏi phải có một sự hiểu biết về những phương diện khác nhau của giáo lý của Phật. Tôi cũng đã giảng giải chi tiết của tám phần này trong quyển sách “Tám Bước Chánh Niệm Để Đi Đến Hạnh Phúc”. Ngắn gọn, danh sách tám phần như sau:

1. Sự hiểu biết đúng đắn: (Chánh kiến)

Chúng ta thấy rằng mỗi hành động chúng ta làm là nguyên nhân dẫn đến tác động hay kết quả. Chúng ta thừa nhận rằng chính bản thân mình mới tạo ra những nguyên nhân tốt để tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho hiện tại và tương lai.

2. Sự suy nghĩ đúng đắn: (Chánh tư duy)

Chúng ta tư duy những ý nghĩ thiện lành, như là lòng rộng lượng bố thí, cho đi, lòng từ bi. Chúng ta biết suy nghĩ một cách đúng đắn trước khi hành động việc gì, trước khi nói ra lời gì, và để nhận biết được điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì là có lợi, điều gì là không có lợi.

3. Ngôn từ đúng đắn: (Chánh ngữ)

Bao gồm cả lời nói đúng đắn, lời viết đúng đắn. Chúng ta nói lời sự thật, chân thật, tránh nói những lời dối trá, lừa bịp, lời nói khó nghe, gắt gỏng, và tránh nói những lời ngồi lê đôi mách, vô nghĩa, vô ích.

4. Hành động đúng đắn: (Chánh nghiệp)

Chúng ta sống đời sống đạo đức, kiêng cữ và tránh bỏ việc hãm hại hay sát sinh, trộm cắp, quan hệ nam nữ bất chính hay tà dâm, và uống rượu bia hay dùng những chất độc hại như ma túy, thuốc lá.

5. Nghề nghiệp đúng đắn: (Chánh mạng)

Tức là những công việc hay nghề nghiệp mình làm để mưu sinh, chúng ta nên chọn những nghề có đạo đức, và không vi phạm đạo đức, tránh làm những nghề nghiệp thất đức hay làm những hành động thất đức như buôn gian bán lận, lừa gạt, gian trá, cho vay nặng lãi, việc làm lợi mình hại người. Hãy luôn chọn làm những việc làm lương thiện và lành mạnh, dù khó khăn, túng thiếu cũng cố không làm những việc thất đức, thiếu đạo lý hay thiếu nhân đạo. (Bạn sẽ học nhiều chi tiết hơn về những giới hạnh đạo đức trong những kinh sách khác.)

6. Nỗ lực đúng đắn: (Chánh tinh tấn)

Chúng ta nỗ lực hết sức để ngăn phòng và vượt qua những trạng thái xấu, ác, bất thiện của tâm, và tu dưỡng và duy trì những trạng thái tốt, thiện và tích cực của tâm.

7. Chú tâm đúng đắn: (Chánh niệm)

Đây tức là sự “chánh niệm” mà chúng ta đã và đang nói trong suốt quyển sách này. Chúng ta phải thực tập, thực hành sự chánh niệm hàng ngày trong những giờ ngồi thiền và thực hành sự chánh niệm khi đang tiếp xúc với mọi sinh hoạt bên ngoài của đời sống hàng ngày.

8. Định tâm đúng đắn: (Chánh định)

Có nghĩa là thiền định đúng đắn, chân chính. Chúng ta tập luyện tâm mình mục tiêu vào đối tượng nhất điểm để tiến đắc lên các tầng thiền định [jhana] thâm sâu cần thiết. Những trạng thái định sâu hỗ trợ chánh niệm giúp ta nhìn thấy bạn chất đích thực của mọi hiện tượng đúng như chúng là, như đã giải thích nhiều lần trong quyển sách này.

Và, tóm lại, chỉ có thực hành một cách chuyên cần và siêng năng tám phần này của con đường đạo thì chúng ta mới có cơ hội và có thể chứng đạt những trạng thái dẫn đến sự giác ngộ và giải thoát.

Những kết quả tu tập của con đường đạo

Như trong lời của Phật trong kinh “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” này:

“Nếu ai tu tập một cách đúng đắn bốn nền tảng chánh niệm này trong bảy năm… hoặc thậm chí trong bảy ngày, người ấy có thể trông đợi đạt được một trong những kết quả sau: Tri kiến Cao nhất (A la hán) vào một lúc nào đó. Hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được thánh quả Bất lai.”

Cụm từ “một cách đúng đắn” ở đây cho chúng ta biết rằng để tu tập con đường đạo của Phật, chúng ta cần phải có nỗ lực. Chắc chắn rằng, tiếp tục những thói quen xấu của dục vọng về khoái lạc giác quan như: tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn ngon, ngủ sướng… thì rất dễ dàng, đa phần ai cũng khởi tâm và sống chạy theo chúng như vậy.

Nhưng, sự tu tập chánh niệm thì giúp được chúng ta giảm bớt những tham, sân, si, và những thói tâm xấu ác, và cũng giúp được chúng ta giảm bớt những bất toại nguyện và bất hạnh. (Càng ít dục vọng tham muốn thì càng ít bị thất vọng và ít khổ đau khi không đáp ứng được nó). Chánh niệm thúc giục chúng ta chịu khó tu tập hơn để mau đạt đến được mục tiêu giải thoát một lần, và mãi mãi.

Khi khả năng thâm nhập vào thiền định được vững mạnh hơn, chúng ta có thể chứng đạt các kết quả của con đường đạo. Trước tiên, chúng ta phải dung hòa “bốn yếu tố cơ sở” cần phải có để thành tựu một việc gì. Bốn cơ sở ở đây là: ước muốn, nỗ lực, tâm, và điều tra. Về căn bản, ước muốn chấm dứt mọi khổ đau và nỗ lực tinh tấn vào việc tu thiền phải được cân bằng với nhau một cách hoàn hảo.

Khả năng chánh định để giúp chúng ta điều tra tìm hiểu những hiện tượng thân tâm phải được cân bằng, không quá yếu, cũng không nên quá mạnh một cách không cần thiết. Khi bốn “yếu tố giúp thành công này” được cân bằng, tâm trở nên mở rộng hơn, trong suốt hơn và sáng tỏ hơn. Và nhờ đó chúng ta sẽ phát triển được iddhipada – những năng lực tâm linh. Những năng lực này mới đủ sức mạnh giúp chúng ta tiêu diệt những gông cùm ở giai đoạn tu tiến cao hơn và cao hơn về sau.

Con đường đạo đi đến sự giác ngộ có bốn giai đoạn hay bốn tầng: Nhập Lưu (bước vào thánh đạo), Nhất Lai (chỉ còn tái sinh một lần), Bất Lai (không còn tái sinh nữa), A la hán (tri kiến cao nhất, niết bàn). Khi một người thực hành con đường Bát chánh đạo càng lúc càng sâu sắc hơn, người ấy càng tiến bộ qua những trình độ thành tựu này.

1. Nhập lưu

Đích thứ nhất chúng ta đạt đến được gọi là Nhập Lưu, có nghĩa là bước vào dòng thánh đạo, bước hẳn vào con đường đạo và không còn thối chuyển nữa.

(Chữ “đắc đạo” theo cách nói của nhiều người có lẽ là đúng nhất đối với một người Nhập Lưu. Tức là người đó đã “đắc” được con đường “thánh đạo”, đã bước được vào hẳn dòng thánh đạo. Đắc đạo chưa có nghĩa là giác ngộ hoàn toàn như một bậc A la hán hay một vị Phật.)

(Một người tu hành dù lâu năm nhưng có lúc hoàn tục, thì người đó đã chưa từng chứng quả Nhập Lưu này!)

Sau đây là đoạn kinh ghi lại những lời một lần Đức Phật đã nói với ngài Xá lợi phất, như sau:

“Này Xá lợi phất, ở đây nói rằng: “Dòng chảy, dòng chảy”. Vậy dòng chảy ở đây là gì, này Xá lợi phất?”
“Con đường Bát Chánh Đạo này chính là dòng chảy đó, thưa Thế Tôn”, ngài Xá lợi phất trả lời.
“Lành thay, lành thay, Xá lợi phất”, Đức Phật nói.
“Này Xá lợi phất, bây giờ ở đây nói: “Một người bước vào dòng chảy, một người bước vào dòng chảy”. Vậy người bước vào dòng chảy ở đây là gì, này Xá lợi phất?”

“Đó là người đã có được [chứng đắc] con đường Bát Chánh Đạo này, thưa Thế Tôn, người đó được gọi là người (đã) bước vào dòng chảy.”

Đây là một đoạn kinh cực kỳ quan trọng! Con đường Bát Chánh Đạo là “dòng chảy chúng ta bước tiến vào” để cho nó mang chúng ta đến bến bờ giác ngộ. Khi chúng ta tu tập thiền sau một khoảng thời gian đáng kể, tâm chúng ta từ từ trở nên sáng tỏ. Nghi ngờ biến mất. Chúng ta càng thấy một cách rất rõ rệt về sự liên lụy giữa tham dục và khổ đau. Thực ra, hai thứ này hầu như chỉ là một. (Tức là như hình với bóng, nếu không có này, không có kia; không có dục vọng, không có khổ; không có khổ, vì không có dục vọng.)

Bây giờ chúng ta tu hành theo Bát Chánh Đạo bằng một niềm tự tin vững chắc, không còn nghi ngờ. Giới Hạnh đạo đức [năm giới đối với người tại gia] tốt đẹp trở thành bản chất thứ hai. Chúng ta kiêng cữ và không giết hại, không lấy những thứ không được cho, không quan hệ trai gái bất chính. Chúng ta kiêng cữ và không nói lời sai sự thật, gian dối, lời gay gắt, lời nói gây chia rẽ thù hận và lời vô nghĩa, nhiều chuyện. Chúng ta tu tập những ý nghĩ thiện lành và quyết tâm vượt qua những trạng thái xấu và bất thiện của tâm, và tu dưỡng những trạng thái tốt và thiện lành của tâm.

Làm tốt được ba hành động [ba nghiệp thân, ý, miệng] tốt thiện như vậy, thì ba gông cùm đầu tiên sẽ bị tiêu diệt đó là:

(1) Niềm tin sai lầm về cái ‘ta’ hay một ‘linh hồn’ [ngã chấp],

(2) Sự nghi ngờ, và

(3) Sự dính chấp hay mê tín vào những lễ nghi, cúng bái, hay sự hành xác khổ hạnh.

Chúng ta đã hiểu được tất cả năm tập hợp uẩn thân tâm đều có cùng bản chất: khởi sinh và biến mất, sinh rồi diệt.

Chúng ta không còn ham muốn nếm trải thêm những nỗi buồn thiên thu về sinh, lão, bệnh, tử cứ lặp đi lặp lại. Mục tiêu duy nhất của chúng ta là giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử (samsara) và thoát khỏi mọi khổ đau truyền kiếp mà nó mang lại.

Sau khi bước vào dòng thánh đạo, người nhập lưu có thể tuyên bố với chính mình: “Ta đã giã từ địa ngục, giã từ cõi súc sinh, giã từ cõi ngạ quỷ, giã từ những cảnh giới thống khổ, những cảnh giới tái sinh thấp xấu. Ta là một người Nhập Lưu, không còn bị dính vào định mệnh tái sinh nữa, với sự giác ngộ là đích đến của ta.”
(bản dịch từ tiếng Pali của Bhikkhu Bodhi)

Nhất lai

Kế tiếp, chánh niệm giúp chúng ta càng ngày càng thêm tỉnh giác với từng khoảng khắc thay đổi bên trong tấm thân năm uẩn của chúng ta. Kết quả là, phần dễ thấy và thô tế nhất của hai gông cùm kế tiếp là (4) dục vọng khoái lạc giác quan [tham] và (5) sân giận, ác ý [sân] bị tiêu diệt.

Nếu làm được vậy, người tu trở thành bậc Nhất Lai. Điều này có nghĩa là người này chỉ còn phải bị tái sinh vào cõi người tối đa một lần nữa trước khi đạt được giác ngộ hoàn toàn.

Bất lai

Ở giai đoạn thứ ba này, sự thiền định thâm sâu của ta tiêu diệt những phần vi tế tinh vi còn lại của hai gông cùm tham và sân vừa nói trên [tức là gông cùm 4 và 5 trong danh sách mười gông cùm]. Sau khi làm được vậy, người tu trở thành một bậc Bất Lai. Điều này có nghĩa là người này không còn bị tái sinh vào cõi người một lần nào nữa.

Thay vì vậy, người ấy sẽ được tái sinh lên Cõi Trời Thanh Tịnh (Suddhavasa), mà một số truyền thống Phật giáo khác cũng gọi là Cõi Lành hay Tịnh Độ (HV). Từ đây, chúng ta có thể tiếp tục tu hành hướng về sự giải thoát hoàn toàn.

A la hán (Arahant)

Đến giai đoạn cuối cùng của con đường thánh đạo, năm gông cùm còn lại bị tiêu diệt bằng sự thiền định cao sâu nhất. Chúng ta không còn tham muốn tu thành tiên, tức không còn (6) sự tham đắm vào những cõi trời sắc giới và (7) sự tham đắm vào những cõi trời vô sắc giới.

Cũng trong giai đoạn cuối này, chúng ta bứng nhổ tận gốc luôn gông cùm (8) kiêu ngạo ngã mạn và gông cùm (9) bất an lo sợ.

Những tâm tính này không còn là chướng ngại, là khuynh hướng [gông cùm] trong tâm người tu nữa.

Lúc này, tâm của người tu thật sắc bén, trong suốt và sáng tỏ đến mức chúng ta có thể thấy rõ được bốn chân lý của Tứ Diệu Đế – “Khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ” – vận hành như là một.

Cuối cùng, tâm chúng ta cũng từ bỏ hoàn toàn cái quan niệm sai lầm là có cái ‘Ta’ bên trong cái thân năm uẩn.

Những mảnh vụn vỡ cuối cùng của gông cùm vô minh:

(10) sự si mê ngu dốt về Tứ Diệu Đế cũng đã bị tiêu diệt, và người tu trở thành bậc A la hán – người đã giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau. Người ấy đã đạt được mục tiêu của con đường đạo. Và người ấy biết rõ rằng: “Sinh đã tận, đời sống thánh thiện đã bắt đầu, những gì cần làm đã làm xong, không còn gì để làm nữa từ đây.”

Như ngài Xá lợi phất cũng từng giảng giải: “Này đạo hữu, đối với một A la hán, không còn gì nữa cần phải làm và cũng không cần phải lặp lại những gì đã làm xong.”

Khổ đau của kiếp này và tất cả tương lai đã chấm hết, như ngài Xá lợi phất giảng giải tiếp: “Khi tất cả những điều này đã được tu tập và tu dưỡng, chúng dẫn đến sự sống an lạc ngay trong kiếp này và dẫn đến sự chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng.”

Chỉ có một cửa để chứng đắc những đạo quả này – đó là chúng ta phải dành trọn thời gian và nỗ lực có thể có được để tu thiền về “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm”.

Những điểm chính để tu tập theo con đường “Bát Chánh Đạo”

► Cách tốt nhất để ôn lại những “Điểm Chính” [đề mục chính] của “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” là đọc lại, tụng niệm lại bản kinh tóm lược đã được ghi trong phần đầu nói về bài kinh này của quyển sách.

► Chánh niệm mang lại cho bạn trí tuệ để nhìn thấy bên trong những bản chất của mọi sự vật hiện hữu: Vô thường, bất toại nguyện (khổ), và vô ngã.

► Bạn có được trí tuệ này bằng cách dùng sự chánh niệm để điều tra suy xét về thân, về những cảm giác, ý nghĩ, và những hiện tượng bên trong thân và tâm.

► Như đã nói nhiều lần, cách tốt nhất để bắt đầu tu thiền chánh niệm là thực tập thiền về hơi thở, bởi vì hơi thở luôn luôn có mặt và dễ quan sát. Khi tâm đã hòa nhập với hơi thở, thì tâm của bạn có mặt ngay trong hiện tại.

► Sự “chánh niệm” và “sự hiểu biết rõ ràng” cho thấy rằng 32 bộ phận của thân được bao gồm bởi bốn yếu tố tứ đại [đất, nước, khí, nhiệt] vốn luôn luôn (ở những trạng thái) đang thay đổi. Bởi vì thân phụ thuộc vào sự sinh trưởng, già, bệnh, chết, cho nên thân không mang lại sự thỏa mãn dài lâu mãi mãi cho bạn. Điều quan trọng nhất là: Thân không phải là ‘của tôi’, không phải là ‘tôi’, không phải là ‘bản ngã của tôi’.

► Chánh niệm về những cảm giác giúp bạn trở nên tỉnh giác được rằng khổ đau khởi sinh từ những phản ứng thói quen của tâm đối với ba loại cảm giác – tham muốn những cảm giác dễ chịu, từ chối kháng cự những cảm giác khó chịu, và trải nghiệm một cảm nhận sai lầm về cái ‘ta’ hay ‘linh hồn’ khi có một cảm giác trung tính. Cũng giống như tất cả mọi thứ khác, cảm giác khởi sinh, lên cao, và biến mất. [Luôn luôn sinh diệt].

► Chánh niệm về tâm giúp bạn trở nên tỉnh giác được rằng những ý nghĩ và những trạng thái tâm cũng luôn luôn đang thay đổi.

► Khi bạn chánh niệm về pháp [các hiện tượng thân tâm], bạn trở nên tỉnh giác về sự khởi sinh và sự biến mất của năm chướng ngại, về mười gông cùm, năm tập hợp uẩn, sáu giác quan và những đối tượng giác quan, bảy yếu tố giác ngộ, Tứ diệu đế, và tám phần của con đường Bát chánh đạo của Phật.

► Việc thực hành một cách đúng đắn sự chánh niệm về “Bốn Nền Tảng Chánh Niệm” thì sẽ dẫn đến Niết bàn: sự giải thoát, sự hoàn toàn tự do khỏi mọi khổ đau. Đức Phật đã hứa rằng bạn có thể chứng đắc được mục tiêu này ngay trong kiếp này. Sự chánh niệm một cách đúng đắn cũng làm giảm bớt những khổ đau ngay trong hiện tại và làm cho cuộc đời ta dễ chịu, bình an, và hạnh phúc hơn.

Thiền Sư Henepola Gunaratana
Người dịch: Lê Kim Kha
Trích: Bốn nền tảng chánh niệm – Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016