CHIA SẺ

Có rất nhiều lợi ích từ thiền định (samādhi) và thiền chỉ (samatha, Śamatha). Thiền chỉ kết hợp với thiền quán tuệ minh sát (vipassanā, vipaśyanā) sẽ giúp nhổ gốc rễ vô ngã, nguyên nhân chính của luân hồi (saṃsāra). Định mở cửa cho chúng ta phát triển phẩm chất đạo đức, hòa nhập Pháp vào tâm trí của chúng ta, và đạt được những trí tuệ siêu việt, đây là điều thiết yếu để đem lại lợi ích cho số đông một cách hiệu quả nhất. Nếu chúng ta nghiêm chỉnh thực hiện phương cách này, thì thực hành định lực (samādhi) là điều thiết yếu.

Thật hữu dụng khi tâm chúng ta định lại một chỗ, trước tiên chúng ta nên tập trung vào việc phát triển một sự hiểu biết rộng rãi về Phật Pháp và phát tâm cho việc thực hành những lời dạy của đức Phật, chẳng hạn như hạnh buông xả hoặc phát bồ đề tâm (bodhicitta). Nếu chúng ta phát triển samādhi với động cơ để có năng lực siêu nhiên thần thông, nổi tiếng, hoặc vẫn ở trạng thái nhập thiền an lạc, là chúng ta đang làm hại mình. Nỗ lực chúng ta đặt vào thiền định sẽ mang lại ít lợi ích, so với kết quả khi định được nuôi dưỡng với động cơ mong muốn giải thoát hoặc tỉnh giác.

Ý nghĩa của định cũng phụ thuộc vào ngữ cảnh. Định tâm luôn hiện diện trong tâm trí của chúng ta, mặc dù nó đang thiếu phát triển. Các nghệ sĩ, học sinh, thể thao viên và thợ máy cần sức tập trung của định. Khác với chánh định trong bát chánh đạo, đặc biệt tác ý đến sự tập trung đơn hướng, dẫn đến bốn trạng thái thiền định (jhāna, dhyāna). Định lực là một trạng thái tâm mạnh mẽ có thể kiểm soát các hoạt động tinh thần và sự sinh khởi của phiền não. Thiền chỉ có được là do sự an lạc của định lặng đưa đến (passaddhi, praśrabdhi) để có thể giữ tâm trí cân bằng với các đối tượng. “Thiền định” cũng đề cập đến các thiền định đặc biệt cho phép hành giả dấn thân tham gia vào các hoạt động cụ thể (đi, đứng, nằm, ngồi).

Thiền định căn bằng hợp nhất tâm với các yếu tố tinh thần liên quan đối tượng thiền bằng cách tác ý liên tục, chánh niệm về đối tượng khiến không loạn động và được sự an tĩnh khinh an vô biên. Do buông xả các phiền não, nên tâm trong sáng như một tấm gương phản chiếu rõ ràng đối tượng. Khi định kết hợp với trí tuệ, thì tâm sẽ được giác ngộ sâu sắc. Điều này rất khác với tâm trí bình thường của chúng ta hay bị phân tâm, chỉ thấy bề ngoài và thường gây ra phiền não.

Điều quan trọng là phải hành thiền (samādhi) dưới sự hướng dẫn của thiền sư có chứng nghiệm. Trải nghiệm tâm linh là một sự khám phá tinh tế, và nếu không có hướng dẫn đúng, chúng ta có thể dễ lạc lối. Một thiền sư giỏi sẽ có nhiều kinh nghiệm để san sẻ và hướng dẫn thiền sinh một cách khéo léo chính xác và khẳng định sự tiến bộ của chúng ta, như vậy sẽ tránh lo lắng vì đi đường vòng không cần thiết trong thực tập.

Chính Đức Phật đã nhấn mạnh đến việc nhập thiền (samādhi) và chứng các tầng thiền (jhānas). Trong truyền thống Pāli, các hướng dẫn thiền định chi tiết được tìm thấy trong các bài sớ giải và Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga). Theo truyền thống tiếng Phạn, các sớ luận của Bồ Tát Di Lặc (Maitreya), Vô Trước (Asaṅga) và Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) đã thảo luận về thiền chỉ và thiền định rất sâu sắc.

Các cảnh giới hiện hữu và các phạm vi thuộc ý thức.

Nhiều thiền sư quen thuộc với các cõi (tồn tại, bhūmi – địa) và các lĩnh vực thuộc ý thức (avacara), như được trình bày trong Pali A tỳ đạt ma (Pāli Abhidhamma). Điều này rất hữu ích trước khi huấn luyện để giúp đạt được định (samādhi). Luân hồi (Saṃsāra) bao gồm ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Tương ứng với đó là ba lĩnh vực của ý thức: ý thức dục giới (kāmāvacaracitta), ý thức sắc giới (rūpāvacaracitta) và ý thức vô sắc giới (arūpāvacaracitta) (CMA trang. 29- 31).

Còn có tâm thức siêu việt (lokuttaracitta). Cảnh giới của ý thức là các trạng thái tinh thần, trong khi cõi là những hành tinh có sự tồn tại mà trong đó chúng sinh được sinh ra.

Ba lĩnh vực của ý thức là những trạng thái ý thức trần tục; Chúng bao gồm trong luân hồi (saṃsāra) và đau khổ thường xảy ra thường xuyên nhất trong cảnh giới tương ứng của nó, một phạm vi ý thức đặc biệt không giới hạn ở lĩnh vực đó. Ví dụ, ý thức cõi sắc giới xảy ra thường xuyên nhất cho những vị trời sinh trong cõi sắc giới.

Tuy nhiên, con người trong dục giới khi nhập thiền sâu, có thể bước vào cảnh định, tâm của vị ấy trở thành ý thức của cõi sắc giới. Tùy theo độ sâu của thiền, mà vị ấy đạt được tầng thiền (jhāna) thứ nhất, thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư. Nếu sự tập trung càng tinh tế hơn, thì tâm trí của vị ấy trở thành ý thức của cõi vô sắc giới, nhưng khi xuất định thì trở về trạng thái cũ của cõi dục giới.

Nếu một vị đạt được mức thiền cụ thể nào đó và duy trì nó trong suốt phần đời còn lại của mình, vị ấy sẽ tạo nghiệp báo, sau khi chết, sẽ sinh ra trong cảnh sắc giới hay vô sắc giới tương ứng với mức thiền đạt được. Thí dụ, thiền sinh đã đạt được tâm thức được gọi là căn bản của cảnh vô sắc, tạo ra nghiệp báo được sinh ra trong cõi vô sắc sau khi chết.

Truyền thống Pāli 

Những bộ sớ giải truyền thống Pāli chính thức hóa trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) nói về bốn mươi đối tượng thiền để đạt được sự dừng lại của thiền chỉ. Tùy theo tính cách mỗi thiền sinh, thiền sư thường khuyên nên thực hiện một trong những đối tượng thiền như sau:

i. Đề mục mười tướng (kasiṇas): đất, nước, gió, lửa, màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không giới hạn và ánh sáng. 

ii. Đề mục bốn đối tượng (asubha): tử thi trong quá trình tan hoại. 

iii. Đề mục mười hạnh (anussati, anusmṛti): quán niệm về Đức Phật, pháp và tăng già (saṅgha), giới, bố thí, thiên (cõi trời), chết, 32 phần của cơ thể, hơi thở và Niết bàn.

iv. Đề mục bốn Vô lượng tâm: (brahmavihāra hoặc appamañña, apramāṇa): từ (mettā, maitrī), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā, upekṣā) 

v. Đề mục bốn cõi trời vô sắc: Tứ không (arūpa): Trời Không Vô biên xứ; Trời Thức Vô biên xứ; Trời Vô sở hữu xứ; Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

vi. Đề mục bột tướng (ekasaññā): quán sự phân hủy của thực phẩm. 

vii. Đề mục bốn đại (dhātuvavaṭṭhāna): đất, nước, gió, lửa. 

Không phải tất cả bốn mươi đối tượng thiền đều là duy nhất của Phật giáo. Các đề mục (kasiṇas) và đối tượng bốn cõi vô sắc, thân, hơi thở, thực phẩm và bốn yếu tố của cận định để mang lại sự tập trung (upacāra samādhi) cũng được các hành giả của các tôn giáo khác quán chiếu. Tất cả những đề mục khác cũng mang lại thiền vị đầy đủ (appanā samādhi), tức là jhānas. Bất kỳ đề mục (kasiṇa) nào cũng là điều kiện đạt được trí tuệ siêu việt đầu tiên trong năm trí tuệ.

Mỗi hành giả thích nghi nhất định với đề mục thiền cụ thể riêng. Một số vị hay bị dính mắc thích hợp với sự tập trung vào mười đối tượng bất tịnh hay các bộ phận của cơ thể. Ai thường đau khổ từ sự tức giận thì quán bốn vô lượng tâm hay bốn màu sắc (kasiṇas). Ai dễ phân tán tâm thì trụ nơi hơi thở. Ai nghiêng về đức tin thì tu sáu quán niệm. Ai thông minh thì quán cái chết, Niết bàn (nibbāna), bốn đại và sự phân hủy của thức ăn. Các đề mục (kasiṇas) còn lại và đề mục bốn cõi vô sắc tất cả mọi người có thể quán.

Trước khi đi đến một nơi yên tĩnh để thực hành, hãy nghĩ rằng chúng ta đang cống hiến cuộc đời của mình cho Đức Phật. Điều này sẽ giúp làm mạnh mẽ thêm tâm trí. Một động cơ tốt với sự quyết tâm mạnh mẽ để đối đầu với các phiền não là yếu tố cần thiết để bắt đầu vào cửa tu tập. Yêu cầu thiền sư đề nghị một đối tượng thiền cho mình và nhận hướng dẫn về cách phát triển thiền (samādhi) qua sự trải nghiệm đối tượng đó.

Khi bắt đầu một buổi thiền, hãy xem xét các bất lợi của dục lạc và khởi ý muốn thoát ly khỏi chúng. Nhớ lại những phẩm chất thánh thiện của Tam Bảo, cảm thấy vui mừng rằng chúng ta đang bước vào con đường xuất ly thế gian mà tất cả các bậc thánh xưa kia đã làm và tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được an lạc hạnh phúc của Niết bàn (nibbāna).

Có ba bước trong quá trình phát triển samādhi:  

1) Chuẩn bị sơ khởi (parikamma nimitta),

2) Thực hành chánh niệm (uggaha nimitta), và

3) An trú liên tục nhờ duy trì nhất tâm trên đối tượng quang tướng (paṭibhāga nimitta).

Ví dụ quán đất (kasiṇa), chuẩn bị một đĩa tròn của đất sét sạch khoảng bốn ngón tay, được đặt trên một bảng ở phía trước hành giả. Với đôi mắt mở to, chúng ta nhìn vào nó, suy nghĩ “đất, đất”. Khi hình ảnh của đất vững chắc trong tâm trí, chúng ta liền nhắm mắt lại và tiếp tục tập trung “đất, đất”. Đối tượng thực tế của thiền bây giờ là hình ảnh của đất, đó là một đối tượng của tâm thức, chứ không phải ý thức về thị giác. Đây là dấu hiệu chuẩn bị sơ bộ. Nếu hình ảnh mờ dần, chúng ta mở mắt và nhìn vào đất để làm mới sức nhìn của ta và rồi khép đôi mắt lại và thiền định về hình ảnh của đất xuất hiện với ý thức tinh thần của ta. Bằng cách này, chúng ta “phát triển đối tượng này”, hình thành hình ảnh trong đầu dù khi chúng ta mở mắt và đóng lại.

Ở giai đoạn đầu của thực hành gọi là bước đầu sơ khởi (parikamma samādhi) và phần lớn nỗ lực tác ý đến đối tượng, quán sát sự tán tâm khi có các trở ngại khác xuất hiện, thì phải áp dụng phương pháp chuyển hóa (thuốc giải độc) để đưa tâm trở lại đối tượng thiền. Hành giả tiếp tục phát triển tu tập bước đầu (parikamma nimitta), cho đến bước hai là thực hành chánh niệm (uggaha nimitta). Bước hai này đối tượng vi tế hơn, dù mình nhắm hay mở mắt, đối tượng vẫn hiện ra trước mắt. Bây giờ nếu hành giả không nhìn vào tướng bên ngoài mà chỉ tập trung chủ yếu vào đối tượng trong tâm, thì đối tượng vẫn hiện trong tâm rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu đề mục bị phai mờ, hành giả nhìn vào tướng đất (kasiṇa) bên ngoài bằng mắt lại. Tầm (vitakka) là tìm kiếm đối tượng bên ngoài là quan trọng bởi giúp hành giả trở nên quen thuộc với các đối tượng.

Khi hành thiền, năm triền cái sẽ bị dập tắt do năm tầng thiền chỉ (jhānaṅga). Ở đây “diệt trừ” có nghĩa là những chướng ngại không xuất hiện nữa. Sự dập tắt năm triền cái đưa đến sự thanh tịnh và khả năng phân biệt các chức năng của tâm. Khi thân và tâm khinh an; Tâm sáng suốt và hành giả cảm thấy hoặc là an lạc hoặc khinh an thanh thản.

Do không bị chi phối bởi những phiền não và năm triền cái, tâm trở nên tập trung hơn, thì bước thứ ba cuối là an trú liên tục nhờ duy trì nhất tâm trên đối tượng quang tướng (paṭibhāga nimitta) sẽ đạt được. Tâm trong sáng, thanh tịnh và sống động, không có màu sắc hoặc hình thể vật chất và là một đối tượng duy nhất của ý thức tinh thần. Nó không có ba đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã, v.v…

Ổn định vững vàng vào giai đoạn ba là khó, vì vậy thiền sinh phải duy trì mức chánh niệm cẩn thận và tiếp tục thực hành để đạt được thiền chỉ đầy đủ.

Thiền chỉ bắt đầu với trạng thái tập trung trước khi có thiền chỉ (jhāna) đầu tiên. Trong khi tiếp cận thiền, còn được gọi là giai đoạn buông bỏ (vikkhambhana-pahāna), được đánh dấu bởi sự dập tắt năm triền cái, thiền chỉ (jhāna) đầu tiên được đánh dấu bằng sự phát triển đầy đủ, ổn định của năm yếu tố: ly dục sinh hỷ, còn tầm còn tứ (xóa bỏ ái dục, đạt được an vui, nhưng còn tiềm ẩn).

Sơ thiền là mức nhập định (thiền chỉ) đầu tiên, nhưng phải là đã chứng được chánh niệm tỉnh giác và phá trừ xong năm triền cái. Hành giả như sống trong trạng thái thanh tịnh hơn và tự động, chứ không còn phải gắng sức giữ gìn như trong chánh niệm tỉnh giác nữa. Khi chứng được chánh niệm, hành giả thấy tâm mình cũng đã là thanh tịnh rồi, nhưng còn phải khéo léo giữ gìn nhẹ nhẹ. Nhưng từ Sơ Thiền trở đi, hành giả không còn phải giữ gìn nữa mà tâm tự động an trú trong định. Hành giả thấy thân của mình chuyển động từ trạng thái thô (lúc phá xong triền cái trạo cử) sang trạng thái mềm lỏng như một khối nước gì nhớt nhớt giống như xà bông. Trong sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ, vừa thanh khiết, không cần phải giải trí bằng vật chất bên ngoài. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui sướng nhè nhẹ và tràn đầy. Sau khi chết, nếu vẫn còn giữ được trình độ này thì sẽ sinh vào sơ thiền của cõi trời sắc giới.

Các thiền sư gợi ý sử dụng hơi thở như là đối tượng thiền vì khi tập trung vào hơi thở khiến khả năng suy nghĩ chậm lại và làm định tâm khỏi tán loạn. Trong trường hợp này, ai bắt đầu bằng cách quan sát các cảm giác vật lý của hơi thở ở mũi và môi trên thì sẽ cảm giác hơi thở đi vào và thoát ra. Tác ý là một hình ảnh phát sinh từ cảm giác vật lý này. Khi hơi thở xuất hiện, người thiền tập chuyển sự chú ý của mình sang một tướng (nimitta) – một quả cầu đầy màu sắc hoặc một ánh sáng rực rỡ – và điều đó trở thành đối tượng thiền định của hành giả.

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14th & Ni Sư Thubten Chodron
Việt dịch: Ni Sư Thích Giới Hương & Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh
Nguồn: Một bậc đạo sư, nhiều truyền thống