CHIA SẺ

Một thiền giả trong cõi người có thể đạt được tứ thiền cõi trời sắc giới và tứ thiền cõi trời vô sắc giới. Tùy trạng thái nhập thiền cao thấp, mà tầng thiền tăng giảm khác nhau. Tuy nhiên, các tầng thiền vô sắc giới không hữu ích cho việc nuôi dưỡng trí tuệ bởi lẽ tâm trí còn kẹt vào thức định. 

Trong kinh điển của Pāli, Đức Phật mô tả chánh định qua tứ thiền (jhāna), được phân biệt bởi các yếu tố thành phần của chúng. Trong khi, các kinh sớ trong A tỳ đạt ma luận (Abhidhamma) phân tích tứ thiền khác biệt một cách siêu nhiên và chúng cũng đến cùng một điểm chung. Bảng ở trang sau cho thấy cả hai cách trình bày này.

Lực thiền là tập trung, sáng suốt và không bị căng thẳng. Thiền đạt được thông qua những nỗ lực cân bằng tâm nhưng không chặt chẽ. Tâm hoàn toàn không vướng mắc vào sáu trần, mặc dù có một số ý kiến khác nhau về việc có nhận thức âm thanh hay không. Nhưng ngay cả khi có nhận ra âm thanh, nó cũng không làm phiền tâm trí. Tâm trí bị tách rời khỏi các trạng thái phi đạo đức và năm triền cái.

Một số người hiểu lầm rằng Phật giáo đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ niềm vui. Ở đây, chúng ta thấy không phải như vậy. Chúng ta chủ động trau dồi hỷ và lạc tràn ngập toàn thân trong giai đoạn đầu tiên của sơ thiền (jhāna) (MN. 39:15). Hỷ và lạc giúp ngăn chặn sự ám ảnh của tâm trí với niềm vui cảm xúc có thể ngăn chặn việc tạo ra các nghiệp xấu khi tiếp xúc sáu trần.

Cũng như sự chuyên nhất trong tập trung là cần thiết trước khi đạt được sơ thiền (jhāna), cần phải có sơ thiền trước khi đi đến nhị thiền, v.v… Điều này liên quan đến việc hoàn thiện kỹ năng của chúng ta trong các tầng thiền thấp để chúng ta có thể bước vào, an trú và từ đó nhập thiền mà không gặp khó khăn. Chúng ta có thể trú trong thiền đó đến khi nào mà chúng ta muốn và khi đó tâm trí chúng ta sẽ hiện lên rõ ràng, không có bối rối về trạng thái đang có hoặc những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Sau khi xuất thiền, chúng ta có thể xem lại những trải nghiệm thiền vị, lưu ý quá trình mà chúng ta nhập vào, an trú, và xuất thiền. Phân tích và hiểu rõ từng tiến trình của chúng.

Hành giả phải phát triển vài kỹ năng thiền định trong một tầng thiền (jhāna) trước khi tiếp tục bước lên tầng thiền cao hơn (SN 34): biết các thiền chi mà tầng thiền jhāna yêu cầu; nhập thiền (jhāna) dễ dàng; an trú trong jhāna; và có thể xuất thiền jhāna vào thời điểm chúng ta đã xác định trước khi vào nó; tâm trí thanh thản và làm cho nó linh hoạt; tỉnh giác và cảm thấy thoải mái với các trần; nhận biết một hay ba pháp ấn đang là đối tượng thiền, dần dần lực thiền sẽ được nâng cao hơn; Giữ tâm cẩn thận khi nhập jhāna; Duy trì tính liên tục trong việc nhập thiền; và thực hiện những phẩm chất cần thiết và có lợi cho sự tập trung của thiền vị.

Khi chúng ta phát triển những kỹ năng này và trở nên quen thuộc với sơ thiền (jhāna), chúng ta bắt đầu trầm tư rằng sơ thiền thật là tuyệt vời và chắc chắn hơn cả thú vui của dục giới, vì dục giới vẫn có một số lỗi, chưa thoát khỏi dục tâm với năm triền cái, phiền não, tầm và tứ là các yếu tố tương đối thô. Chúng ta nhớ lại rằng Đức Phật có nói về một tầng thiền khác thậm chí tuyệt vời và hỷ lạc hơn, trong đó thô và tế hoàn toàn vắng mặt. Sau khi quán chiếu nhiều lần những khiếm khuyết của sơ thiền và những lợi ích của nhị thiền, chúng ta quyết tâm đạt được nhị thiền (jhāna). Theo các sớ luận Pāli, sự nhận hiểu này xảy ra sau khi chúng ta đã rời khỏi sơ thiền và tiếp tục ý thức bình thường, bởi vì không có tư duy hoặc các cân nhắc khi nhập thiền.

Khi xả thiền, chúng ta nhận được tứ sự cúng dường – thực phẩm, nơi trú ngụ, y áo và thuốc men – với cách sống chánh mạng, chúng ta thường thiền hành, thiền tọa, và chánh niệm kiểm soát giấc ngủ vào giữa đêm. Trong các buổi hành thiền, chúng ta tiếp tục tập trung vào các đề mục thiền và tăng cường sự tập trung, để đi thẳng vào thiền thứ hai mà không đi qua sơ thiền.

Để đạt được sơ thiền, tầm và tứ là cần thiết để hướng tâm đến đối tượng thiền và giữ trạng thái an trú đối tượng đúng. Bây giờ lên trạng thái nhị thiền, các yếu tố khác thực hiện các chức năng này, do đó, tầm và tứ không còn nữa. Sự tĩnh lặng bên trong và sự rõ ràng của tâm trở nên nổi bật hơn. Hỷ và lạc hiện diện và sự thống nhất một chiều của trí tuệ đã hiển hiện một phần, do đó sự tập trung càng tăng lên. Trong khi hỷ và lạc trước đó chưa có do bị năm triền cái cản trở, bây giờ chúng hiện diện rõ ràng do sức mạnh của định lực (samādhi).

Giống như tiến trình của sơ thiền, khi chúng ta làm quen và luyện tập trong nhị thiền (jhāna) này, phát triển các kỹ năng đã đề cập ở trên. Mặc dù, chúng ta mới trải nghiệm nhị thiền (jhāna) là cao hơn rất nhiều so với sơ thiền, sau một thời gian chúng ta phát hiện thấy những khiếm khuyết của nhị thiền như: khi sự tập trung sâu hơn, trạng thái hỷ phấn khích quá mạnh làm cho tâm trí quá phấn khởi. Hiểu sâu hơn về các tầng thiền, chúng ta quyết tâm tiến tới để đạt những tầng cao hơn. Với ý định buông xả hỷ, chúng ta làm mới sự luyện tập với đề mục, tăng cường định lực cho đến khi hỷ biến mất. Khi đó, tam thiền sẽ xuất hiện. Thân chúng ta trở nên an lạc nhẹ nhàng. Hỷ biến mất, chỉ còn một trạng thái an lạc toàn thân gọi là “ly hỷ diệu lạc”. Tam thiền thâu nhiếp năm chi hành xả, chánh niệm, chánh tuệ, thọ lạc cùng tâm nhất tánh cảnh. Vì Tam thiền xả bỏ hỷ lạc tối thắng của Nhị thiền mà trụ vào “hành xả” đối với phi khổ phi lạc cảnh giới, nhờ tiếp tục tu tập chánh niệm chánh tri nên sinh ra “ly hỷ diệu lạc”. Vì “vui như cõi tam thiền”, nên cơ thể của chúng ta tràn đầy một niềm an lạc dễ chịu. Nuôi dưỡng thiền chi trong nhiều khía cạnh của tam thiền, chúng ta được phát triển và thấm đẫm trong sự thành thục của thiền vị đó.

Cũng giống những cái trên, một thời sau, chúng ta nhận thấy rằng tam thiền còn thiếu sót bởi vì cảm giác vui là vẫn rơi vào trạng thái chấp thủ thô sơ hoặc vi tế. 

Một cảm giác trung lập không khổ, không vui sẽ là sự hỗ trợ tốt nhất cho việc xả niệm thanh tịnh. Biết được còn có tầng thiền cao hơn, chúng ta quyết tâm đạt được tứ thiền (jhāna) và thực hành thâu nhiếp bốn chi hành xả, niệm thanh tịnh, phi khổ lạc thọ cùng tâm nhất tánh cảnh. Khi các chi này đủ mạnh, lạc sẽ biến mất và chúng ta bước vào trạng thái thiền thứ tư. Khổ và lạc biến mất, hành giả lúc này ở trong trạng thái thiền định tâm nhất tánh cảnh và cứ như vậy tiến hành, cho nên được gọi là “Tự tánh chi” hay còn gọi là “Xả niệm thanh tịnh”. Bây giờ, hành giả: “đang tràn ngập thân thể này với một tâm trí thanh tịnh, để không có phần nào của toàn thể thân thể không được tràn ngập bởi tâm thanh tịnh” (MN. 39:18). Tâm sáng suốt an trú trong xả niệm thanh tịnh, không bị xáo trộn bởi hỷ.

Trạng thái này là tầng thiền cao trong tâm phàm phu, bởi lẽ sức tập trung sâu hơn, linh hoạt hơn, tinh tế hơn và có khả năng nhận thức rõ ràng hơn so với các trạng thái thiền khác còn bị che khuất bởi dục vọng. Những hành giả đã đạt được bất kỳ tầng thiền nào của bốn thiền sẽ thấy niềm vui dục giới là vô nghĩa và nhàm chán. Hành giả hưởng thiền vị, đạt được cái cực thiện thanh tịnh, nên là nơi có thể trú trong nhiều ngày và sau khi xuất thiền thì thân tâm rất tươi mới an lạc, không giống người phàm đi du lịch các kỳ nghỉ, nhưng khi trở về thì mệt mỏi, sức khỏe cạn kiệt.

Một số thiền sư khuyến khích các môn đệ sử dụng tuệ tri sâu sắc để phân tích các trạng thái xuất và nhập thiền (jhana) để giác tỉnh rằng những trạng thái hỷ lạc phát sanh và tùy thuộc vào nhiều yếu tố nguyên nhân và các điều kiện, nên chúng là vô thường, vô ngã.

Quán chiếu phân tích như vậy sẽ giúp hành giả không tham ái và khao khát những chứng nghiệm thiền vị này cho lợi ích tiến thêm của họ. Nó cũng ngăn cản hành giả tránh quan điểm sai lầm khi cho rằng những trạng thái định này là chính tôi hoặc tôi đã đến đích tiếp xúc một đấng tối thượng. Hơn nữa, những quán chiếu như vậy ngăn cản các sự cám dỗ tự phát. Thay vào đó, hành giả lại thấy một lần nữa rằng các pháp là vô ngã.

Tứ Không (bốn tầng thiền của cõi vô sắc) vượt trên tứ thiền (jhānas) là bốn trạng thái thiền tứ không sâu xa, trong đó sự an lạc tinh thần vẫn không bị quấy rầy. Trong khi tiến bộ từ một thiền kế tiếp một tầng thiền khác bằng cách từ bỏ những yếu tố tinh thần thô, để nhận tế và tuần tự tiến triển qua bốn trạng thái thiền vô sắc giới. 

Bốn tầng thiền đó là: 

– Cõi Không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana, ākāśānantyāyatana), 

– Cõi Thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana, vijñānānantyāyatana),

– Cõi vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana, ākiñcanyāyatana), 

– Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ (n’evasaññānāsaññāyatana, naivasañjñānāsañjñāyatana)

Trạng thái cuối cùng gọi là đỉnh của luân hồi (saṃsāra) bởi vì còn chút xíu chấp vào thức định vi tế nên còn kẹt trong luân hồi.

Để đi vào cảnh thiền vô sắc giới, chúng ta tập trung vào một cõi sáng suốt hoặc màu xanh sáng rực rỡ, đó là dấu hiệu tương ứng của thiền và nó mở rộng cho đến khi lớn như không gian. Không phân chia biên giới, liền mạch, và tràn ngập không gian, màu xanh là điều duy nhất trong lĩnh vực thiền của chúng ta có khả năng có thể nhận thấy. Chúng ta nhập thiền trong sắc thái rộng lớn này với tâm trí của tứ thiền (jhāna) để nhập vào cõi không vô biên xứ. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy rằng thiền thứ tư là xả thanh tịnh, vẫn bị khiếm khuyết vì đối tượng của nó là một hình thức, và một sự hấp thụ thiền quán không có hình thức sẽ cao hơn và an lạc hơn. Do đó, chúng ta có thể tiến lên để đạt được thiền của không gian vô hạn và quyết lòng: “Hãy để hình thức thiền thứ tư này biến mất”, chúng ta loại bỏ các màu xanh bao trùm tất cả không gian. Khi tâm của chúng ta được chuẩn bị chu đáo, ánh sáng xanh biến mất, và tất cả những gì còn lại như một đối tượng của nhận thức là không gian vô tận nơi mà ánh sáng chói lọi đã được hiện lên. Tâm thức đang hòa nhập trong không gian vô hạn, không có nhận thức nào về các hình thức. Do đó, chúng ta bước vào và ở trong không gian vô hạn, gọi là cõi Không vô biên xứ, thiền đầu tiên của cõi trời vô sắc.

Khi chúng ta quen với không gian vô hạn, chúng ta quán sát rằng ý thức nhận thức được không gian vô hạn như thể ý thức tràn ngập khắp không gian vô hạn. Chuyển sự chú ý của chúng ta từ không gian vô hạn đến vô tận của ý thức bao trùm nó, chúng ta quyết tâm đạt được sự hấp thụ vào ý thức vô tận.

Bằng phương cách xác định và thực hành liên tục lặp đi, lặp lại, nhận thức về không gian trôi đi và chỉ có ý thức mở rộng vô hạn. Chúng ta nhập vào trạng thái vô sắc thứ hai là Thức vô biên xứ.

Khi chúng ta quen thuộc với sự nhập thiền vô thức, chúng ta lại quán chiếu rằng trạng thái này còn khiếm khuyết. Bây giờ chúng ta tập trung vào bản chất vô hạn của tâm thức vô hạn cho đến khi nhận thức về ý thức giảm đi và chỉ có nhận thức về hư vô. Tập trung vào sự không tồn tại của ý thức về không gian vô hạn, chúng ta đi vào nhập thiền trên nền tảng hư không của thiền vô sắc thứ ba gọi là Cõi vô sở hữu xứ.

Sau khi trở nên quen thuộc với điều này, chúng ta chú ý tới sự hiểu biết về sự trống rỗng. Ý thức đó rất tinh tế, và khi chúng ta tập trung vào nó, chúng ta bước vào trạng thái vô sắc thứ tư có đối tượng của nó là ý thức nhận thức được tính không. Sự nhập thiền này rất tinh tế khi ở trạng thái trong đó, chúng ta không thể nói liệu sự thị hiện thiền này có hay không. Không phân biệt đối tượng, không phải không phân biệt đối tượng là đề mục của thiền thứ tư vô sắc Cõi phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Những hành giả được sinh ra trong cõi vô sắc do đạt được những trạng thái thiền định khi họ ở trong những trạng thái samādhi này trong nhiều năm. Khi nghiệp báo cõi trời của họ cạn kiệt, những vị này sẽ tái sanh trong cõi luân hồi (saṃsāric) khác.

Khi Đức Phật vẫn còn là Bồ tát, đã luyện tập với hai vị thiền sư và nắm được sự hấp thụ về không phân biệt, không phân biệt đối xử. Nhận ra rằng tâm trí của mình vẫn không hoàn toàn thoát khỏi những phiền não, Đức Phật trân trọng khởi hành. Dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật đạt được toàn giác. 

Tám Giải Thoát Đức Phật nói về tám trạng thái giải thoát (vimokkha, vimokṣa), các trạng thái thiền định sâu lắng sẽ mang lại sự giải thoát tạm thời khỏi các phiền não (MN. 77:22) như bốn thiền (jhāna) đã dùng: 

(1) Một hình thức bên trong được diễn tả giải như là như một màu sắc trên thân thể của người khác. 

(2) Một hình thức bên ngoài, được diễn tả như một màu (kasiṇa) hoặc một màu sắc trong cơ thể của người khác. 

(3) “Sự tuyệt đẹp” được mô tả như một màu sắc (kasiṇa) thanh tịnh hay bốn phạm thiên (brahmavihāras). 

(4-7) Bốn cõi thiền vô sắc. 

(8) Không còn tưởng và cảm xúc (saññāvedayitanirodha, saṃjñāveditanirodha), còn được gọi là sự chứng Diệt tận định (nirodhasamāpatti).

Trạng thái cuối cùng, sự dừng lại tạm thời của tất cả hoạt động hiển nhiên của sáu ý thức, đòi hỏi có cả định và tuệ. Không giống như bảy giải thoát đầu tiên, có thể đạt được bởi những người phàm, còn bậc giải thoát thứ tám chỉ có thể đạt được do bậc A na hàm và A la hán, là những vị thánh giả đã chứng bốn thiền (jhānas) sắc giới và bốn thiền vô sắc giới.

“Abhisamayālaṃkāra” của Bồ tát Di Lặc (Maitreya) trong truyền thống Phạn ngữ (Sanskrit) cũng giải thích tám giải thoát định nghĩa rằng “Các bậc thánh giả ở các bậc thiền này sẽ không bị ô nhiễm bởi những phiền não”. Ba bậc đầu tiên được gọi là “ba lộ trình buông xả” bởi lẽ không còn chấp trước vào các hình thái, Bồ tát loại bỏ những trở ngại phát sinh nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu của chúng sinh. Ở đây các ngài (1) phát ra nhiều hình thức trong khi cơ thể của các ngài vẫn còn có thể nhìn thấy được người khác, (2) phát ra nhiều hình dạng trong khi cơ thể của các ngài không nhìn thấy được người khác, và (3) các ngài vượt trên sự thích và không thích những hình dạng đẹp và không đẹp tương ứng. Bồ tát thực hành tám giải thoát và chín tầng thiền (Tứ thiền, Tứ không và Diệt thọ tưởng định) vì lợi ích của chúng sanh.

Đức Dalai Lama 14 & Ni Sư Thubten Chodron
Việt dịch: Ni Sư Thích Giới Hương & Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh
Nguồn: Một bậc đạo sư, nhiều truyền thống