CHIA SẺ

Một trong những phương tiện chữa bệnh và quan trọng hiệu quả nhất là chuyển từng bước cuộc sống hàng ngày của bạn vào những bài tập chữa bệnh. Thay vì phân chia thiền định và đời sống thành những ngăn riêng, hãy đem chúng lại với nhau. Bằng việc đem tỉnh giác trống trải vào bất cứ điều gì bạn làm, sự thản nhiên, trong sáng và hoan hỷ đều có cơ hội được phát triển rực rỡ. Nếu chúng ta xây dựng những thói quen đúng, tất cả mọi việc trở thành một sự chữa lành. Vậy chúng ta phải kiên định cố gắng thiết lập một cách nhìn, suy nghĩ và hành động đúng đắn.

Tỉnh thức là chìa khóa để chuyển hóa cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Hãy buông đi những lo nghĩ và những ghét bỏ theo thói quen, và hãy đơn giản là dòng chảy của những hoạt động của bạn. Hãy nuôi dưỡng trạng thái rộng mở và thư giãn, cho dù bạn đang suy nghĩ với trí thông minh hay hoạt động với thân thể mình. Khi bạn đi, đứng, nằm, ngồi hãy hiến mình cho điều đó. Khi bạn nhìn ngắm một cái bàn, một bức tranh, hay đang lắng nghe nhạc hoặc người khác, bạn hãy nhìn ngắm hay lắng nghe với trạng thái đó. Hãy trọn vẹn với bất cứ những gì bạn làm. Điều này đem lại sự rộng mở và tỉnh giác và nới lỏng sự trói buộc của bản ngã.

Hãy tiếp cận với cuộc sống trong tinh thần vui thích ấm áp. Chỉ một vài ngày trên tờ lịch được đánh dấu như là ngày lễ, nhưng chúng ta không cần chờ đợi chúng để được vui vẻ và hạnh phúc. Dù khi những khó khăn hay thách thức xảy đến, một thái độ rộng mở sẽ hướng dẫn chúng ta đi theo con đường tâm linh.

Những kinh văn của Phật giáo Tây Tạng cung cấp nhiều kỹ thuật đặc biệt để chuyển đổi những hoạt động hàng ngày thành sự thực hành tâm linh. Theo thông lệ, chúng ta cần biết lời khuyên nào thích hợp nhất với những nhu cầu của chúng ta.

Ngài Yukhog Chatralwa, một đại sư mà tôi được biết vào khoảng tôi mười tuổi, cho một giáo huấn khiến hợp nhất tất cả cuộc sống với sự thực hành thiền quán một bổn tôn, đó sẽ là bất cứ nguồn sức mạnh nào cho chúng ta:

Trong lúc ngồi, quán tưởng đạo sư quý báu nhân từ vô song (nguồn của năng lực)
Trên đỉnh đầu của bạn và
Tiếp nhận nhiều lần sự ban phước (ánh sáng).
Điều này hợp nhất tâm bạn với tâm chứng ngộ của đạo sư.
Trong lúc bạn đang làm những hoạt động hàng ngày,
Hãy thấy những hình tướng xuất hiện như những hình tướng của đạo sư,
Tất cả những âm thanh là âm điệu của Ngài
Và tất cả những tư tưởng xấu hay tốt đều là tâm trí huệ của Ngài.
Đây là giáo huấn về những hình tướng khởi lộ như những
đức hạnh của đạo sư.
Trong khi ăn, hãy quán tưởng đạo sư trong cổ họng và
Dâng cúng Ngài cam lồ của thức ăn và nước uống.
Bấy giờ thức ăn và nước uống sẽ không tạo những nhiễm ô trong bạn, và
Chúng được chuyển hóa thành một lễ cúng thiêng liêng.
Trong khi ngủ, hãy quán tưởng Ngài trong trung tâm trái tim bạn.
Những ánh sáng của thân Ngài chiếu sáng thế gian và tất cả chúng sanh.
Chuyển hóa họ thành ánh sáng và rồi hòa tan họ vào trong bạn.
Đây là giáo huấn về chuyển đổi giấc ngủ và giấc mơ thành sự thể nhập tánh sáng (quang minh, tịnh quang).
Khi bạn đang rời bỏ cuộc đời để đến cuộc sống kế tiếp (cái chết),
Không có xáo trộn trong quá nhiều lo nghĩ,
Hãy tham thiền về sự hợp nhất tính giác của bạn và
Tâm giác ngộ của đạo sư.

Thức dậy

Lúc thức dậy, có thể là thời gian an bình và ấm áp lớn lao. Thân và tâm sống cùng nhau một cách tự nhiên trong giấc ngủ, và rồi bình minh của sự tỉnh giác của bạn xảy đến vào buổi sáng. Thay vì nhảy vào sự xáo động của những bổn phận hàng ngày, hãy dùng thời gian của bạn để kinh nghiệm sự hợp nhất của tâm và thân. Hãy thoải mái với cảm giác rộng mở và thư giãn.

Hãy thở sâu thư giãn, một hay hai lần, và giải phóng bất cứ những căng thẳng hay không trong sạch nào đã tích tụ suốt đêm. Hãy dành một vài phút để sống với thân và những cảm giác của bạn. Hưởng thụ sự ấm áp tự nhiên của thân bạn, từ đầu đến lòng bàn chân. Đơn giản là rộng mở một cách không giới hạn. Hãy cảm nhận cảm giác của sự ấm áp, rộng mở và hãy là một với cảm giác đó.

Sự định hướng của thân và tâm này cần là nền tảng đơn giản nhất cho phần còn lại của cả ngày. Khi bạn thức dậy để bắt đầu cho buổi sáng, bạn có thể nghĩ: “Tôi sẽ chú tâm dùng sự tỉnh thức và năng lực này như là nền tảng của những hoạt động trong ngày.” Sau đó, trong suốt ngày, từ lúc này đến lúc khác, hãy đem trở lại sự ấm áp và bình an bạn đã cảm nhận lúc thức dậy, và hãy để nó thấm vào tâm bạn giống như năng lực và sự tĩnh lặng của đại dương bao la bên dưới những cơn sóng của nó.

Dù có thể bạn cảm thấy một loại đau đớn cảm xúc nào đó vào lúc thức, lúc bắt đầu tỉnh giác sẽ cho ta một khoảnh khắc tốt để chữa lành. Vì tỉnh giác cũng rộng mở khi chúng ta thức dậy, chúng ta có thể hòa nhập ý thức của mình với cơn đau, và sau đó cảm giác có thể trở nên an bình hơn. Nếu bạn cảm thấy lo âu khi bắt đầu một ngày, hãy nhẹ nhàng tự làm dịu bạn trong những sinh hoạt của mình, và tâm trạng có thể thay đổi. Hay bạn có thể sử dụng những bài tập chữa bệnh để khai thông những năng lực bị bế tắc.

Khi thức dậy, bạn cũng có thể tưởng tượng mình đang thức dậy từ vô minh của giấc ngủ và mở rộng con mắt tâm mình tới trí huệ của an bình, hoan hỷ, ánh sáng và tỉnh giác. Bạn có thể cầu nguyện như vậy cho tất cả chúng sanh.

Ngay khi chúng ta vừa mới thức dậy, thật là khó mà không nghĩ tới những lo lắng, tham muốn và xúc cảm quen thuộc và “sát sườn”. Tuy nhiên, nếu chúng ta quay trở lại với cảm giác trống trải rỗng không, thì thay vì bám níu vào những cảm xúc đó hoặc để cho tâm chúng ta chạy theo như bị gió thổi, dần dần chúng ta sẽ phát triển thói quen thức dậy với thái độ này một cách tự nhiên.

Nhiều sự tu tập khác nhau của đạo Phật khuyến khích thái độ này. Một cách là quán tưởng bạn được đánh thức vào buổi sáng từ giấc ngủ của vô minh bởi giọng nói hoan hỷ của những bậc Giác Ngộ – cái mà đạo Phật gọi là “những đấng trí huệ” – hay những âm thanh của những nhạc cụ của họ như trống cầm tay. Một cách khác là tiếp nhận những ban phước từ nguồn sức mạnh của bạn.

Tiếp nhận những ban phước

Trước khi đi vào giấc ngủ buổi tối, hãy quán tưởng nguồn sức mạnh trong trái tim hay ở trên bạn, ánh sáng ban phước chiếu sáng suốt trong giấc ngủ của bạn. Lúc đột nhiên thức dậy, cảm nhận sự hiện diện của nguồn sức mạnh sẵn sàng ở trên bạn. Hoặc quán tưởng nó đi lên xuyên qua thân và sau đó ngồi trên đỉnh đầu bạn, như người thủ hộ và dẫn đạo. Hãy hưởng thụ sự ấm áp và mạnh khỏe của sự hiện diện này. Hãy chia xẻ những cảm giác của bạn với toàn thể vũ trụ, và tiếp nhận an bình, hoan hỷ với bạn trong suốt ngày.

Làm vệ sinh

Khi rửa mặt, đánh răng hay tắm, Hãy tưởng tượng rằng tất cả những gì không trong sạch của bệnh tật, phiền não và căng thẳng được rửa sạch bởi nước tinh khiết và toàn thân bạn được chiếu sáng với năng lực chữa lành.

Khi cảm thấy căng thẳng, bạn có thể làm việc lặt vặt như một sự chữa lành, cũng như trong câu chuyện Ngài Lamchungpa vị giáo trưởng đạo Phật trong chương 4. Khi bạn lau nhà, giặt quần áo, đổ rác, hình dung rằng những cảm xúc, tinh thần (tâm thức) hay những sự không trong sạch vật chất cũng được tẩy sạch hoặc được đem đi giống như bụi và rác rưởi.

Thở

Hơi thở là sợi dây mà cuộc sống được treo lên đó. Nó là lực thân thiết của cuộc sống mà mỗi người thường trực phụ thuộc vào. Nếu có thể chuyển việc thở thành sự trợ giúp của việc chữa lành tâm linh, việc tu tập của chúng ta sẽ tỏa khắp vào từng phần của đời sống mình.

Hít thở vài hơi sâu, chậm với ý định mở thoát những lo nghĩ hay tiêu cực. Khi cảm thấy bị trói buộc hay dưới sự căng thẳng, hãy để hơi thở của bạn hoàn toàn thư thả. Hãy vui thích với bất cứ cảm nhận tích cực nào, ngay cả sự thay đổi nhỏ nhất trong tâm thức, hay cảm giác rộng mở. Hãy mong muốn rằng tất cả mọi người có thể kinh nghiệm an bình và thoát khỏi đau khổ.

Tỉnh giác hơi thở trong từng lúc suốt ngày đưa chúng ta về nhà của chính mình. Trong lúc luyện tập thân thể, bạn có thể phóng lớn những lợi ích tinh thần và vật chất bằng hơi thở tự do trong sự liên kết với những vận động của thân thể và hưởng thụ cảm giác của sự mở thoát và năng lực của hơi thở.

Ăn và uống

Vào sáng sớm, để mạnh khỏe, hãy uống một tách nước nóng. Nó thanh lọc hệ thống tiêu hóa, mở rộng các mô, và cải thiện sự tuần hoàn của máu và năng lực. Quan trọng là hưởng thụ thức ăn tốt và đem lại sức khỏe và uống với số lượng vừa phải. Thực phẩm được tiêu thụ không phải là một sự nỗ lực vô ích để thỏa mãn những cảm xúc thèm muốn mà là để hòa hợp với những nhu cầu thực tế của thân thể. Hãy xem thức ăn là để duy trì và nuôi dưỡng, và hưởng thụ nó với sự tỉnh thức vào mỗi vị mà bạn ăn. Hãy cố gắng nhận biết quá trình của một hớp chất lỏng và một miếng thức ăn, ý thức đi theo sự di động thức ăn trong cơ thể đến chỗ xa nhất mà bạn có thể. Hãy cảm nhận thức ăn và uống không chỉ thỏa mãn sự đói, khát của bạn mà còn phát sinh sức khỏe trong thân và tâm. Hãy ước muốn sự hưởng thụ như vậy cho tất cả mọi người. Cảm kích và cám ơn vì sự hài lòng của từng miếng ăn, hớp nước mà bạn nhận.

Một số những tu tập của đạo Phật xem thực phẩm như những phương tiện của sự chữa bệnh. Ví dụ, hãy tưởng tượng ánh sáng ban phước từ nguồn sức mạnh chuyển hóa thực phẩm thành cam lồ chữa bệnh. Sau đó hưởng thụ nó như một chất được ban phước cung cấp cho bạn hoan hỷ và sức khỏe.

Hoặc khi bạn thưởng thức món ăn, hãy nghĩ: “Món ăn này cho tôi sức mạnh để nâng cao cuộc sống tôi và để phục vụ những người khác.”

Hoặc nghĩ thực phẩm như một tặng phẩm thuần khiết và tuyệt vời, và nó cung cấp cho nguồn sức mạnh. Hãy quán tưởng nguồn sức mạnh tiếp nhận sự cúng dường với hài lòng và ban phước nó vì lợi ích của bạn để đáp trả. Sau đó thưởng thức món ăn với tỉnh giác rằng nó đã được ban phước. Sự tu tập này phối hợp sùng mộ với những thực hành sự rộng lượng và tri giác thanh tịnh.

Hoặc với lòng bi mẫn với vô số chúng sanh sống trong cơ thể bạn dưới dạng vi khuẩn, hãy thưởng thức món ăn, biết rằng nó cũng sẽ nuôi sống chúng.

Hay với tri giác thanh tịnh, hãy tự quán tưởng bạn dưới dạng một bổn tôn, hoặc thậm chí như một chúng hội hàng trăm bổn tôn. Hãy hưởng thụ thực phẩm như một sự cúng dường được ban phước, một phương tiện thiện xảo của trí huệ, đem đến sự chứng ngộ an bình và phúc lạc.

Đi bộ

Đi dạo là hoạt động thông thường và đơn giản nhất của nhân loại, có thể hoàn toàn là một niềm vui sướng. Cho dù chúng ta ra ngoài tản bộ hay sải bước đến một vài nơi có mục đích, thì một thái độ thoải mái và sự cảm kích chuyển việc đi bộ thành một tu tập trí huệ của chánh niệm và chữa lành.

Đi bộ tự nhiên, đem tỉnh giác trọn vẹn vào đó hay bất cứ hoạt động nào có thể là sự thực hành. Thoạt tiên, có thể khó khăn để nhận biết việc đi bộ như một dòng tương tục trong đó những động tác riêng biệt và những hình thái xảy ra một cách tách biệt. Vào lúc khởi đầu, hãy lựa chọn riêng biệt một hình thái đi, chẳng hạn động tác của mỗi một bước như là mục tiêu của sự tập trung. Với sự phát triển chú tâm, hãy mở rộng ra với năng lực ban sức mạnh chung quanh bạn: mặt đất, không khí, âm thanh, mùi và cái thấy. Hãy sung sướng với sự tác động qua lại không kẽ hở của thân và tâm và đi, đi, đi.

Trong nhiều loại thực hành đi bộ, bạn có thể quán tưởng nguồn sức mạnh ở trên vai phải và hình dung rằng bước đi của bạn dẫn bạn đi vòng quanh một hình ảnh an bình này. Sự đi vòng quanh đó là một cử chỉ để tỏ lòng kính trọng với nguồn sức mạnh.

Khi đi vào một căn nhà, building hay phố, bạn có thể tỏ lòng kính trọng với mọi người ở bên trong bằng cách nghĩ: “Tôi đang đi vào thế giới của những người khổ đau để giúp đỡ họ”, hay “Tôi đang đi vào một vào một cõi tịnh độ của chư Phật.” Khi đi ra bạn có thể nghĩ: “Tôi đang dẫn dắt mọi người ra khỏi khổ đau”, hay “Tôi cám ơn cơ hội được thấy những người này như các vị Phật.”

Ngồi và đứng

Ngồi là tư thế thân thể chủ yếu để thiền định, giúp cho tâm trí được buông lỏng và phát triển ít bị quấy rối nhất. Khi bạn không thiền định, một tư thế tốt và một vị trí thích hợp kích thích sự chú tâm chánh niệm hàng ngày. Bạn cũng có thể nhận biết ngồi vững chãi sẽ phát sinh một trạng thái tâm thức có nền tảng và kiên cố.

Khi đứng, hãy mở rộng thân bạn trong một tư thế tốt, buông lỏng, như thể một sợi dây tưởng tượng tại đỉnh đầu kéo bạn đứng lên theo đường thẳng đứng với trục xương sống. Việc thực hành này có lợi ích làm giảm mệt mỏi. Nó cũng giúp bạn rộng mở hơn với những người khác khi liên hệ với họ. Nếu bạn phải đứng trong hàng ở siêu thị hay trạm xe, cố gắng rộng mở thế đứng. Thay vì phiền toái hay chán nản, việc mở rộng tư thế có thể giúp bạn hoan hỷ và rộng mở với khoảnh khắc quý báu của đời sống phơi bày khi bạn đang chờ đợi.

Làm việc

Làm việc tiêu hao phần lớn cuộc sống lúc thức của chúng ta. Từ lúc còn bé đến khi bắt đầu trưởng thành, chúng ta làm việc siêng năng như học sinh từ năm này sang năm khác. Sau đó, chúng ta bận rộn tạo một nghề và kiếm sống. Cuối cùng chúng ta về hưu và làm việc siêng năng chỉ để sống còn, để giữ thân và tâm hòa hợp với nhau, và để xua đi nỗi buồn tẻ và cô đơn của tuổi già. Trong cuộc sống trần tục thời gian mất nhiều cho làm việc và giấc ngủ hơn bất cứ cái gì khác.

Nếu sử dụng làm việc trong đời sống của mình như một công cụ chữa lành, chúng ta có thể chuyển hóa cuộc sống mình thành một mỏ vàng tâm linh và tình cảm. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách trau dồi một trung tâm an bình trong chính mình ở mỗi hoàn cảnh có sự làm việc của chúng ta.

Bất cứ những gì ta làm – công việc văn phòng, làm vườn, làm mộc, vẽ, hay viết – chúng ta có thể sử dụng việc làm như một biểu hiện của bản tánh an bình nội tại của chúng ta. Hãy cố gắng tìm ra công việc gì bạn tự nhiên thích thú, mà cũng cố gắng thích thú với bất cứ việc gì bạn làm.

Khi việc làm tiến triển tốt, hãy hoan hỷ và tán thưởng nó một cách chánh niệm. Khi chúng ta cảm thấy buồn tẻ hay chán nản, ta cũng có thể đem sự tĩnh lặng và chánh niệm vào việc này. Hãy thấy tất cả việc làm là thích thú, hoặc tối thiểu tìm thấy một cái gì thích thú nơi nó. Hãy vui thích với những người bạn đến tiếp xúc, hãy vui mừng và vừa lòng với những vấn đề đã được giải quyết. Cố gắng thấy việc làm cực nhọc như một thách thức tích cực, và những kinh nghiệm xấu là một bài tập nhẫn chịu và buông bỏ. Nếu cảm thấy kẹt trong một tình thế đặc biệt, chúng ta có thể tự nhủ: “Không có nơi nào khác hơn chỗ tôi đang ở. Tôi thích ở ngay đây.” Bằng cách tự nhủ điều này một cách tin tưởng, bản tánh trống không của chúng ta có thể được mở ra.

Những thái độ như lòng bi mẫn, và những phương tiện thiện xảo như thiền định về ánh sáng, không phải là những lý thuyết trên trời. Chúng ta có thể đem chúng vào ngay công việc. Đặc biệt, thái độ của sự rỗng rang, như được kinh nghiệm ngay lúc tỉnh thức hay tiếp nhận những ban phước vào buổi sáng, có thể là nền tảng cho tất cả ngày làm việc của chúng ta. Với rỗng rang, mỗi một hoàn cảnh có thể hòa vào kinh nghiệm tâm linh, giống như những bông tuyết rơi vào đại dương.

Nhìn

Nhìn là một cái gì hơn hẳn việc thụ động nhận lấy những hình tướng và màu sắc chung quanh chúng ta. Cặp mắt chúng ta là cửa sổ qua đó chúng ta phóng chiếu năng lực tinh thần của mình. Với một cái nhìn đơn giản thoáng qua, đôi mắt chúng ta có thể truyền thông lòng nhân ái và hoan hỷ. Đôi mắt của một người tiêu cực có thể làm tràn ngập người khác với những chua cay và đau khổ.

Với đôi mắt tươi cười và nồng ấm, hãy để lòng bi mẫn chiếu ra ngoài. Trong cách này, hành động nhìn trở thành một sự cầu nguyện, một sự thiền định và một con đường chữa lành. Nếu chúng ta nhìn người khác với một con mắt nhân ái và chăm sóc, chúng ta không cần những cầu nguyện hay bài tập tâm thức nào khác. Nếu chúng ta nhìn thế giới bên ngoài một cách tĩnh lặng và trong sáng, con người bên trong chúng ta sẽ phản ảnh năng lượng tích cực này, như trong một tấm gương.

Nói

Như cách chúng ta nhìn người khác, ngôn ngữ và âm điệu có thể có tác động sâu sắc lên trái tim của chúng ta và những người quanh ta. Vậy, lời nói nhân từ, chăm sóc trở thành lời cầu nguyện. Giọng nói hàng ngày của chúng ta có thể êm dịu, nhẹ nhàng, mạnh mẽ và cũng dứt khoát khi cần thiết. Nếu chúng ta cảm thấy cứng lưỡi và không thể truyền đạt với người khác, chúng ta có thể cầu khẩn sức mạnh từ nguồn sức mạnh và tưởng tượng lời nói mình đã được tịnh hóa. Hãy để âm thanh của giọng nói bạn vang ra ngoài một cách tự tín, như thể nó khởi phát tự nhiên từ nguồn sức mạnh.

Nếu chúng ta có thói quen nói trước khi nghĩ, điều này có thể gieo rắc mọi thứ phiền não cho chính chúng ta và người khác. Hãy suy nghĩ, rồi mới nói. Và hãy học cách lắng nghe. Hơn là sử dụng việc nói chuyện, như thể nó chỉ là một cơ hội để khích lệ chương trình làm việc của chúng ta, giống như một sự thu băng chương trình từ trước, hãy lắng nghe một cách rộng mở điều mà người khác nói. Điều này dường như hiển nhiên, nhưng trong chúng ta có bao nhiêu người thực sự làm như vậy? Chúng ta có thể phát triển cái lợi của lắng nghe, nó là một cách khác để thoát khỏi sự chấp chặt vào bản ngã.

Ngủ

Trong sự tu tập cao cấp nhất của đạo Phật, trong giấc ngủ tâm thức hòa nhập vào trạng thái sáng tỏ quang minh (tịnh quang), và sự tỉnh thức trong đó biểu hiện như là trí huệ siêu việt của tánh giác, thoát khỏi chấp ngã. Cần nhiều kinh nghiệm tâm linh để trải rộng thiền định vào giấc ngủ, điều này có thể được với sự tu tập thành tâm và chuyên nhất.

Dù nếu chúng ta không thể chuyển giấc ngủ thành tỉnh giác trong sáng của thiền định, một số những thực hành đơn giản của đạo Phật giúp ta thoải mái khi rơi vào giấc ngủ, và tự thân điều này là sự chữa lành. Hãy quán tưởng ánh sáng một cách rất bình an. Hoặc quán tưởng với lòng sùng mộ nhẹ nhàng nguồn sức mạnh ở trung tâm thân hay ở trên thân bạn, chiếu sáng thân bạn và ánh sáng tỏa ra bên ngoài, thế giới và vũ trụ.

Nếu bạn thích trải rộng sự tu tập của mình vượt trên ý thức của lúc tỉnh thức, hãy có ý định mạnh mẽ rằng bạn sẽ đem tỉnh giác trong sáng của thiền định vào giấc ngủ, và lưu giữ quán tưởng ngay cả lúc tâm thức bạn bắt đầu đi vào trạng thái ngủ. Cuối cùng, nếu chúng ta giữ sự thực hành như vậy, tỉnh giác sáng suốt này có thể khởi lên tự nhiên trong giấc ngủ.

Nếu bạn thức dậy giữa đêm, hãy lập lại sự thiền định của bạn với một cảm nhận rỗng rang. Cảm nhận rằng bạn là một thân thể bằng ánh sáng cũng là một thực hành tốt nếu bạn bị mất ngủ. Hay đặt nền tảng cho những tư tưởng tán loạn của bạn bằng cách đem tỉnh giác nhẹ nhàng vào chân hay vùng bao tử ngay dưới rốn và cảm nhận sự hiện diện của ánh sáng ở đó. Tỉnh giác buông xả hơi thở cũng làm cho rất bình lặng và có thể đưa bạn chắc chắn trở lại giấc ngủ.

Những giấc mơ như một phương tiện để tỉnh thức

Một tu tập khác của đạo Phật là tham thiền về những giấc mộng trong giấc ngủ và trong cuộc sống lúc thức. Chúng ta thường nghĩ những giấc mơ vào ban đêm của mình như những ảo giác. Nhưng một trí huệ lớn hơn là đánh giá sự hiện hữu của lúc thức như một giấc mộng và ảo giác hoàn toàn. Tham thiền về sự thật này là một cách để làm yếu đi những bám luyến và tham dục hàng ngày của chúng ta.

Suy nghĩ về những giấc mộng, và đời sống giống một giấc mộng như thế nào, có thể mở rộng cánh cửa đến với tâm trong giấc ngủ. Lúc lên giường ngủ, hãy nghĩ nhiều lần: “Tôi sẽ nhận ra những giấc mộng của tôi chỉ là những giấc mộng, và không bị vướng mắc hay sợ hãi chúng như thể chúng có thật.” Một số thiền giả có thể đem một tỉnh giác sắc bén vào giấc ngủ. Trong lúc mộng, họ nhận ra giấc mộng như một ảo giác, và như thế, chẳng hạn họ có thể bay lượn một cách an lạc bên trên nguy hiểm hay chuyển đổi một con quỷ thành một vị Phật.

Thế nên, chúng ta nhận biết những giấc mộng như là những giấc mộng – và những hình tướng xuất hiện lúc thức cũng như giấc mộng nữa! Một sự hiểu biết sâu sắc về điều này giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc của những thèm muốn và luyến chấp.

Với người theo đạo Phật, sự bình thản mà thực hành này đem lại được xem là sự chuẩn bị tuyệt hảo cho trạng thái chuyển đổi quan trọng giữa lúc sống sang lúc chết. Điều này cũng là một tu tập làm nhẹ đi những đau khổ của đời sống chúng ta lúc thức. Dĩ nhiên, chúng ta phải duy trì lương tri thông thường và sự thăng bằng của chúng ta. Ở Tây Tạng, tôi nhớ có một người bị lầm lạc đi đến cực đoan là giết mổ một số trâu bò, rồi dùng những giáo lý về giấc mộng như một sự tha thứ. Sự tiếp cận lành mạnh là phát triển một trí huệ chơi đùa về “thực tại”. Chúng ta chịu trách nhiệm về những hành vi của mình; định luật nhân quả cho ta biết điều đó. Cùng thời điểm đó, cũng hoàn toàn thật rằng đời sống là biến dịch, thoảng qua và như huyễn. Những quốc gia lớn và những chế độ khởi lên và suy thoái, người ta sống và chết, sự vật hiện ở đây và rồi biến mất.

Trong sự hiện hữu lúc thức của chúng ta, chúng ta có thể vui đùa hơn với những tri giác của chúng ta về những sự kiện “có thực” đè nặng lên chúng ta. Hãy tưởng tượng chúng sẽ như thế nào trong một trăm năm nữa, hay thậm chí vài tháng, vài ngày nữa. Những chiến thắng và thảm kịch vĩ đại có vẻ như cứng chắc và thật hôm nay, nhưng với một ít thời gian trôi qua, chúng chỉ còn tính chất của những chuyện thần thoại thích thú. Thế nên chúng ta không cần phải xem mọi việc của chúng ta là quá quan trọng. Chúng ta có thể thư giãn đồng thời tiến bước trên chánh đạo của cuộc đời.

Một thực hành đơn giản

Chúng ta có thể cảm thấy trói buộc vì bổn phận với gia đình, bạn bè và công việc ngay lúc chúng ta thức dậy đến nỗi có vẻ khó có thể tu tập tâm linh. Nếu trường hợp là như thế, tốt hơn chúng ta thực hành đơn giản trên giường trước khi thức dậy vì bị phóng tâm bởi cuộc chạy đua của đời sống hàng ngày.

Thực hành tỉnh thức trong sự rộng mở, đã mô tả ở phần đầu chương này, là một rèn luyện đặc biệt có kết quả. Tâm thức ở chỗ an trụ của nó, trong sự ấm áp và tĩnh lặng. Nên biết rằng bạn có thể trải rộng cảm giác trống trải đến mọi hoàn cảnh.

Bắt đầu với thực hành buổi sáng làm gia tăng ảnh hưởng của năng lượng chữa lành, giống như một buổi sáng bắt đầu với mặt trời mọc đẹp đẽ.

Ba điểm quan trọng để tập trung vào

Cách tốt nhất để sống là gì? Một trả lời rất tốt cho câu hỏi này là đặt sự nhấn mạnh trên khoảnh khắc hiện tiền, chỉ ngay ở đây, ngay bây giờ, điểm chính xác trong đó chúng ta đang sống và trên đó chúng ta đang ngự trị một cách trực tiếp và tức thời. Vậy, trước hết, hãy nắm lấy thời gian đích thực này và sống một cách khôn ngoan, tốt đẹp trong hiện tại, không lãng phí sự tập trung của bạn vào quá khứ, tương lai hay một nơi nào khác.

Thứ hai, chúng ta phải tập trung chú ý vào đời sống của mình và những người mà ta có trách nhiệm. Bằng sự ứng xử thực tế với những người trong vòng hiện sinh của chúng ta, chúng ta sẽ không rơi vào sự khái quát hóa mơ hồ và những thế giới mộng tưởng. Bắt đầu từ bây giờ hãy là một nguồn hạnh phúc cho những ai hàng ngày tại đây, bao gồm gia đình, bạn bè, hàng xóm – và chính bạn.

Thứ ba, chúng ta phải tự hiến dâng mình cho lợi lạc và hạnh phúc của tất cả mọi người, đặc biệt với những người chúng ta có liên hệ. Điều này là tinh túy của tâm linh. Như người ẩn sĩ nói cho vị vua vào lúc cuối truyện “Ba câu hỏi” của Leon Tolstoy:

Hãy nhớ: chỉ có một thời gian quan trọng – bây giờ. Và nó quan trọng vì đó là thời gian duy nhất chúng ta có chủ quyền trên chính mình; và người quan trọng nhất là người mà bạn đang hiện hữu với hắn, vì hiện giờ đó là mối liên hệ duy nhất đang có, và việc theo đuổi quan trọng nhất là làm tốt đẹp cho hắn, vì chính đó là mục đích duy nhất mà người ấy được gửi vào đời sống này.

Tulku Thondup Rinpoche
Việt dịch: Tuệ Pháp
Trích: Năng lực chữa lành của Tâm – NXB Tôn giáo