CHIA SẺ

Phật pháp không có mục đích nào khác hơn là làm lợi ích cho loài người. Hạnh phúc của loài người là đối tượng độc nhất từ hoạt động của chư Phật. Vì vậy chương này có ba phần mô tả cách thức Đức Bà Tsogyel phụng sự chúng sinh. Phụng sự thứ nhất nói về việc Bà thiết lập vững chắc Phật Giáo quý báu, hóa độ kẻ thù địch và những người bất tín. Phần thứ nhì diễn tả việc Bà truyền bá kinh điển và mật điển, duy trì và mở rộng các cộng đồng tu sĩ. Phần thứ ba nói về việc Bà cất giấu vô số những bảo tạng giáo lý để người đời sau tìm lại và như vậy Lời của các Đấng Điều Ngự không bị mai một mà lại tăng thêm cho đến khi cõi luân hồi không còn dục vọng phàm tục.

Nyatri Tsenpo, thuộc bộ tộc Sakya của Ấn Độ, lên ngôi vua toàn xứ Tây Tạng và truyền bá Đạo Bon. Khi vị Vua cuối cùng của triều đại này là Lhatotori, trị vì. Phật Giáo được đưa vào Tây Tạng. Tên của Đức Sakyamuni được nổi tiếng trong bốn quận của Trung Tây Tạng và dân Tây Tạng được thực hành mười điều tốt (thập thiện). Vào lúc này giáo lý Đạo Bon Cải Cách cũng được truyền bá rộng rãi, cách thực hành cũng phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Đạo Bon Cải Cách và tin tưởng rằng Đức Phật Thích Ca và Giáo Chủ Đạo Bon, Shenrab, là hai hóa thân của cùng một bản thể, và các cuộn tranh vẽ mô tả mối liên hệ này đã trở thành phổ thông. Phong trào mới này được gọi la Phái Bản Dịch Mới Zhang Zhung (cứ địa của Đạo Bon), Hoàng Đế Phật Giáo Songtsen Gampo, một hóa thân của Đức Quán Thế Âm, lúc còn sinh thời, bức tượng Đức Phật được đưa tới Tây Tạng đặt tại Chùa Lhasa và Chùa Ramoche. Việc xây cất hai chùa đó dành cho mục đích này. Vua dựng thêm một trăm lẻ tám ngôi chùa để giáo hóa. Bốn Quận và vùng biên địa. Nhiều tượng bằng đất hay bằng đồng và nhiều tranh vẽ mô tả các vị thần, tất cả điều theo kiểu Nepal hay Trung Hoa, trở thành phổ thông.

Khi một bức tượng hiển lộ tự nhiên được gọi là JowoZhalzema (Đại Mẫu Tara) xuất hiện một cách kỳ diệu ở Trandruk, nhà Vua xây một ngôi chùa đặc biệt đẹp đẽ như bức tượng. Hồng danh của Tam Bảo như thần linh, pháp niệm Thần Chú Sáu Chữ (OM MANI PADMA HUN) và tượng của Đức Đại Bi (Mahalamnika) được phổ biến khắp xứ Tây Tạng, đến tận biên giới Trung Hoa. Cả Phật Giáo lẫn Đạo Bon Cải Cách (tức Đạo Bon Bí Truyền) đều cùng được truyền bá, không có thành kiến. Không có sự phân biệt giá trị của các pháp môn khác nhau, thí dụ việc đi nhiễu quanh; nhiễu quanh từ bên trái của đối tượng cho thấy đó là pháp Dzogchen, nhiễu quanh từ bên phải là “mahamudra (Đại ấn), và phục lạy là Umachembo (Đại Trung Đạo). Nhà Vua đặt ra luật dựa trên mười điều tốt. Tonmi Sambhota dịch nhiều nghi quỹ của Tujechembo (Đức Đại Bi), hoặc nguyên văn, rút ngắn, hay tinh yếu. Nhà vua, các quan, các hoàng phi và các cung nhân đều sống đúng theo giới nguyện mà họ đã phát ra trước Đức Đại Bi.

Hai mươi lăm năm sau khi vị Thần Vương này qua đời, Đạo Bon tà giáo (không phải đạo Bon Bí Truyền) gia tăng ảnh hưởng, và Phật Giáo cũng như đạo Bon Cải Cách bị ngược đãi dữ dội. Các tín đồ Bon Cải Cách bị ngăn cấm giống như ngày nay, một số bị đày tới Kham, Jar, và có người bị đầy tới vùng biên địa cho tới khi không còn ai trong số những tín đồ Bon đó còn lại ở Trung Tây Tạng. Khi Phật Giáo bị đe dọa tiêu diệt, Nhà Vua và các quan không đồng ý kiến với nhau, nhưng ảnh hưởng của họ cũng làm cho cuộc ngược đãi này không trầm trọng hơn, dù niềm tin vào chánh đạo vẫn ở mức thấp. Đạo Bon tà giáo làm hư hỏng xứ Tây Tạng, vì vậy sau này, vào thời Hoàng Đế Phật Giáo Trisong Detsen, việc truyền bá Giáo Pháp đã gặp nhiều điều kiện rất khó khăn.

Đạo Bon tà giáo cho rằng không có tịnh thổ hay cõi cực lạc nào cả. Các vị thần của họ là những tinh linh như gyalpo, gongpo và những thứ khác trong tám loại quỷ thần, các thần đồng ruộng và các thần đất, các thần tài lộc Cha hay Yang, và các quỷ thần phàm tục khác, tôn giáo này đặt ra phép trao đổi con gái để họ làm vợ các con trai cùng bộ tộc, và lễ cưới được tổ chức cầu kỳ. Các giáo lý của họ mang hình thức truyện truyền kỳ hay truyện ngụ ngôn. Họ tế lễ các thần tài lộc Cha và Yang bằng cách nhẩy múa và ca hát. Vào mùa thu, họ tế bằng máu của một ngàn con lừa hoang. Mùa xuân, họ dùng chân của một con nai cái làm lễ vật dâng các vị thần để chuộc sự sống mới. Mùa đông họ làm lễ tế huyết vị Thần Bon, và mùa hè họ giết thú vật làm lễ tế huyết Giáo Chủ Shenrab. Như vậy họ tạo ác nghiệp vì làm mười việc xấu và các tội lớn. Họ tin vũ trụ được làm bằng chất trí siêu vật chất trong hình dạng các quỷ thần, và do đó bất cứ cái gì tâm trí nghĩ tới cũng là một vị thần. Ý nguyện cao nhất của họ là tái sinh vào cõi cực hư vô; nếu không được như vậy thì cũng tái sinh trong cõi vô cực hoặc ít ra cũng tái sinh trong cõi không hữu mà cũng không phi hữu. Các lễ tế của họ có kết quả khi vị thần hiện ra trước mặt họ và có thể ăn thịt uống máu một sinh vật, hay ít nhất cũng xuất hiện như một cầu vồng. Người dân thường ít hiểu biết rất sợ và tin những hiện tượng đó, và Đạo Bon tà giáo đưa họ tới tai họa. Đạo Bon xấu xa này lan ra khắp xứ nhờ được ủng hộ bởi đa số các quan thuộc bộ tộc Zhang Zhung. Trong lúc đó các bức tranh và các bức tượng Phật Giáo biến mất, giáo lý của Đức Phật không được truyền dạy, các ngôi chùa ở Lhasa và Tranduk bị đổ nát, các ngôi khác ở khắp địa phương đều bị phá hủy.

Trong khi Tây Tạng đang lâm vào tình trạng vô chính phủ thì Bồ Tát Văn Thù thị hiện ra một hóa thân là Hoàng Đế Phật Giáo Trisong Detsen để khôi phục truyền thống Phật Giáo. Nhà Vua mời nhiều học giả Ấn Độ tới Tây Tạng, trong đó có Bồ Tát xứ Zahor, Santaraksita. Các chùa ở Lhasa, Trandruk và Ramoche, vốn đã được xây để thực hiện lời thề nguyện của Hoàng Đế Songtsen Gampo, nay được trùng tu và làm lễ khánh thành lại. Sau đó người ta sửa soạn xây Chùa Samye, nhưng quỷ thần và người Tây Tạng cũng như các tín đồ Đạo Bon gây nhiều trở ngại đến nỗi việc xây cất phải đình lại. Sư Trưởng Santaraksita khuyên với nhà Vua: “Không con người nào hay quỷ thần vô hình nào có thể làm hại được một người đã đắc kim cương bất hoại. Vậy, hãy mời Đại Sư Liên Hoa Sanh, xứ Orgyen tới đây, nếu không ngài và tôi, Vua và Pháp Sư, sẽ phải đối diện với những trở ngại bất cứ lúc nào”.

Nhà vua bèn cho ba cận thần tín nhiệm tinh thông các thứ tiếng sang Ấn Độ để mời Guru Rinpoche Orgyen về Tây Tạng. Ba dịch giả này tới tận nơi gặp gỡ Đại Sư mà không gặp khó khăn nào trên đường đi, và trình lên ngài lời mời của Vua Trisong Detsen rồi vội cùng ngài lên đường trở về Tây Tạng.

Một phái đoàn được cử đi tới tận Zhongda để tiếp đón Đạo sư; phái đoàn thứ nhì đón ngài ở Lhasa. Nhà vua và đoàn tháp tùng chào mừng ngài ở vườn Ombu. Nhà vua đích thân cầm dây cương dắt con ngựa của vị khách tới Samye, như vậy ngài đã được tiếp xúc trực tiếp với Vị Thầy và pháp sư của mình. Nhà vua và mọi người chiêm ngưỡng Đức Liên Hoa Sanh một cách sùng kính và sững sờ vì vẻ uy nghi của ngài, và hào quang tỏa ra chiếu sáng từ thân thể ngài, họ cảm thấy sẵn sàng làm theo lời ngài không chút do dự. Sư Trưởng Santaraksita cũng phục lạy Đại Sư và đàm đạo với ngài về tôn giáo.

Sau đó, Đại Sư xem xét địa điểm xây chùa. Vua Trisong Detsen nói: “Trong thời Tiên Tổ, Songtsen Gampo của tôi đã cho xây một trăm lẻ tám ngôi chùa. Nhưng vì ở cách xa nhau, không thể trông coi hết được, chúng đã bị hư hại. Vì vậy tôi muốn xây một trăm lẻ tám ngôi chùa ở bên trong một bức tường”.

Đức Đại Sư đồng ý. Ngài nhập định rồi phóng ra linh ảnh bốn ngôi chùa (nằm bên trong một bức tường), mỗi ngôi có hai ngôi chùa phụ, ở giữa là một ngôi đền, một cảnh mà mọi người đều trông thấy. Các ngôi chùa này tượng trưng cho Núi Mera (Tu Di) với các lục địa và tiểu lục địa vây quanh.

Đại Sư hỏi: “Thưa Đại Vương, ngôi chùa theo linh ảnh ngài muốn xây vật liệu bằng gỗ và đá phải không?”

Nhà Vua sung sướng đáp: “Thật là kỳ diệu! Làm sao có thể thực hiện được một giấc mơ như vậy! Nếu xây được thì toàn thể các chùa này sẽ được gọi là Samye, Bất Khả Tư Nghị”.

Đại Sư nói: “Thưa Đại Vương, xin ngài mở rộng tầm mắt. Hãy hành động thì sẽ không có gì cản trở được ngài. Ngài ngự trị những con người, những sinh linh có xác thân của Tây Tạng, còn ta thì chế ngự quỷ thần vô hình thể, vậy tại sao chúng ta không thành công?”

Thế là chùa Samye được xây dựng. Sau lễ khánh thành, chùa chất đầy kinh sách, tranh tượng và các bảo tháp, là những vật chứa Thân, Khẩu, Ý của Đức Phật. Rồi tăng đoàn được tu tập. Một trăm lẻ tám dịch giả giỏi, có nghiệp tốt, được chọn theo trí xét đoán của Đại Sư. Ba ngàn người được tập hợp từ mười ba xứ của Tây Tạng, trong số đó ba trăm người được Sư Trưởng làm lễ thọ giới tỳ khưu. Đại Sư Liên Hoa Sanh trở thành thầy của họ. Nhưng khi công việc dịch kinh sách bắt đầu thì các quan theo Đạo Bon chống Phật Giáo và các pháp sư Bon tà giáo cũng rục rịch gây chướng ngại. Mấy lần các dịch giả bị lưu đầy riêng rẽ đi các vùng biên địa do âm mưu của những kẻ tà quái này. Sau khi công việc của các dịch giả bị gián đoạn lần thứ ba, nhà vua buộc lòng phải cho Đạo Bon được quyền bình đẳng với người Phật Giáo, và các tu sĩ Đạo Bon được thiết lập ở Yarlung một tu viện tên là Bongso.

Sau khi nhà Vua và các quan đã hòa giải, hai mươi mốt học giả Ấn Độ tức khắc được mời tới Tây Tạng. Một trăm lẻ tám dịch giả trước đây bị phân tán, nay tập hợp lại ở Samye, và ba ngàn ứng viên tu sĩ đến từ mười ba xứ của Tây Tạng được thọ giới cùng một lúc. Từ Zhang-Zhung và các vùng Bon khác, bảy học giả Bon và bảy pháp sư Bon được mời tới Ombu. Nhà Vua cử ba triều thần đi đón đại dịch giả Drenpa Namkha Wongchuk. Ngài dâng con tuấn mã tên là Chín Chim Thần Garuda Bay cho Đức Đại Sư, lúc đó đang ở Womphu Taktsang cùng với ta. Tất cả các dịch giả và các ứng viên tu sĩ được ngài gửi tặng một con ngựa và một con lừa. Như vậy tất cả chúng ta tới Samye mau hơn.

Dọc đường Đại Sư Liên Hoa Sanh quyết định ghé Lhasa, ở đây ngài đoán bảy điềm tốt báo trước sự thành công của công cuộc thiết lập Mật Giáo. Vào lúc này Tượng Thích Ca ở Lhasa bỗng phát ra tiếng nói, báo điềm may mắn. Đại Sư trở về Samye từng chặng một và gặp phái đoàn đến tiếp ở trước cái bình bằng đá ở Zurkgar.

Một ngai cao được đặt ở Đồng Bằng Yobok gần Samye. Khi Đại Sư ngồi lên, hai mươi mốt học giả Ấn Độ và các dịch giả Tây Tạng đảnh lễ ngài. Hai mươi mốt dịch giả đồng thanh nói;

“A la la! Chỉ lần này chúng tôi mới hân hạnh được gặp đích thân Đức Sư Liên Hoa Sanh! A la la! đây là kết quả công đức gieo trồng từ bao đời của chúng tôi!” Rồi họ vừa khóc vừa chiêm ngưỡng Đại Sư. Đặc biệt cuộc gặp gỡ giữa đại sư và học giả Vimalamitra diễn ra trong niềm hân hoan lớn, như thể hai cha con gặp nhau. Sau đó, tay trong tay hai vị thả bước tới Chùa Utse.

Trong điện ở tầng thứ nhất của Chùa Utse, nhà Vua, các quan và Sư Trưởng phục lạy, rồi đi lên ngồi ở điện trên tầng thứ hai, chỗ thờ Phật Vairocana. Ở đây, Đại Sư nói rằng để việc quảng bá giáo lý của Đức Phật được thuận lợi, nên làm ba lễ khánh thành Chùa Samye và ba lễ tế lửa để trừ tà. Ba lễ khánh thành được tổ chức, nhưng do xao lãng, nhà Vua quên mời Đại Sư cử hành lễ tế lửa thứ ba, nên Đại Sư cho bỏ lễ này. Sau đó, ngài nói với nhà Vua: “Nếu muốn biết về tương lai, thì Phật Giáo tất nhiên sẽ được hoằng truyền, nhưng sức mê hoặc của ma quỷ cũng sẽ tăng theo”.

Trong tháng cuối năm, vào dịp lễ Loze Daze (Năm Cùng Tháng Tận) các tu sĩ Phật Giáo cũng như Bon tập trung ở Samye để cầu phước cho Vua Tây Tạng. Năm học giả Bon được nhà Vua mời riêng tới Samye không công nhận các biểu tượng thiêng liêng của Thân, Khẩu, Ý Phật, cũng như không chấp nhận mười đức hạnh. Họ không phục lạy hay nhiễu quanh mà ngồi, thành hàng một, quay lưng lại các bức tượng. Nhà Vua và đa số các quan tức giận trước thái độ của họ. Sáng sớm hôm sau, nhà vua gặp các học giả Bon ở trước bức tượng Vairocana trong chùa Utse. Họ hỏi ngài: “Thưa Đại Vương, bức tượng để mình trần này và tám bức tượng mình trần phò tá là của vị nào? Họ là người xứ nào? Họ có phải là các học giả Ấn Độ?”.

Nhà Vua trả lời “Bức tượng ở giữa là Phật Vairocana, ở xung quanh là tám vị Phật Hùng lớn. Bức tượng được coi là Thân Phật, cần phải thờ lạy nhờ vậy mà nghiệp xấu được hóa giải, công đức được tăng thêm”.

Các học giả Bon lại hỏi: “Hai bức tượng trông dễ sợ ở cửa là ai? Họ có phải là bọn giết người không? Hai bức tượng đó làm bằng gì? Nhằm mục đích gì?”

Nhà Vua đáp: “Đó là hai bức tượng thần giữ của Lekden Nakpo Vinh Quang, Thần Đại Phẫn Nộ, Thần Chủ Pháp Thuật. Ngài là đao phủ thủ của những người phạm giới, nhưng ngài bảo hộ những người tin theo Đại Thừa. Hai bức tượng này được các thánh nhân làm bằng đá quý và đã được đại thánh Liên Hoa Sanh người Ấn Độ ban phước. Vị thần này làm công việc quan trọng là ban rải giáo lý Phật Giáo và tẩy trừ trược nhiễm cho chúng sinh”.

Các học giả Bon chỉ trích: “Tượng đất do thợ khéo tay làm ra thì có lợi ích gì. Thưa Đại Vương, ngài đã bị lừa bịp, bị dụ dỗ. Ngày mai, những người theo Đạo Bon chúng tôi sẽ làm một lễ tế lớn giúp đổi mới hoàn toàn đạo tâm của ngài’’.

Ra ngoài thấy có nhiều bảo tháp, họ hỏi nhà Vua: “Mấy cái đài kia ở trên có một đống phân kên kên, ở giữa là mấy khoanh mở, còn dưới chân là một đống phân chó đó là cái gì?”

Nhà Vua trả lời: “Đó là những bảo tháp, chứa xá lợi và là biểu tượng của pháp thân Phật. Tháp này không có gì tượng trưng cho báo thân Phật. Còn cái tháp thân Phật bằng đất đá huyền ảo là nơi tiếp nhận sự cúng dường của chúng sinh, và được gọi là “nơi thờ phụng” hay “vật chúa, đồ cúng”. Phần trên của tháp là mười ba cái đĩa tượng trưng mười ba bánh xe pháp, có một cái lọng che và các vật trang trí tượng trưng tám mươi tướng hảo của đức Phật. Mái vòm tượng trưng bốn phẩm tính vô lượng (tứ vô lượng tâm) của pháp thân: từ, bi, hỷ, xả. Chân tháp có hình sư tử vừa là xe, vừa là ngai, tượng trưng kho tài vật và những ý nguyện thành tựu”.

Các học giả Bon nói: “Các cái tháp tốn nhiều công xây dựng này hoàn toàn vô dụng, không thể dùng làm hàng rào cho các chiến sĩ can đảm mà cũng không thể dùng làm chỗ nấp cho người hèn nhát. Kỳ lạ thật, có lẽ một tên Ấn Độ gian tà nào đó đã mê hoặc nhà Vua”.

Nghe nói như vậy nhà Vua và các quan đều xuống tinh thần.

Các tu sĩ Bon tụ tập ở ba chùa Đức Bà (Jowo Ling) đề làm lễ thờ Vua còn các pháp sư Bon ngụ ở tâm ngôi chùa nhỏ, (Các học giả Bon ngụ ở Chùa Tamdin). Họ nói: “Vì đây là lễ dành cho một đại vương nên chúng tôi cần có một con nai đực sừng lớn, một con nai cái cổ đeo vòng lục ngọc, một ngàn con trâu Yak đực và một ngàn con trâu Yak cái, cừu và dê, các y phục hoàng gia mỗi thứ một bộ”.

Nhà Vua cung cấp ngay cho họ. Họ lại đòi hỏi: “Chúng tôi cần tất cả mẫu vật cỏ trên thế gian này”. Nhà Vua cũng nhanh chóng làm theo lời họ: “Chúng tôi cần tám loại rượu và chín loại gạo”. Họ được cung cấp đủ.

Sau khi nhận được lời mời chính thức của Đạo Bon, nhà Vua, các hoàng hậu, các quan và các cung nhân tới dự lễ. Chín học giả Bon ngồi thành một hàng ở giữa, các hàng ở bên trái và bên phải là chín pháp sư Bon và các đạo sĩ Bon khác. Có nhiều đồ tể gọi là Người Hầu Tế Sinh mỗi người mang một con dao. Nhiều người cầm gáo nước bằng vàng vẩy lên các con vật hy sinh để thanh tẩy chúng. Những người khác được gọi là Bon Đen ném gạo lên những con vật đó. Rồi các đồ tể hô to “Một con nai!” và cắt cổ vật để tế các vị thần cùng một lúc. Họ chặt bốn chân của một con nai cái để làm lễ. Tiếp theo họ vừa la vừa chặt chân từng con vật, “Một con trâu cái”, “Một con cừu cái!”, “Một con dê cái!”. Ba ngàn con vật sống bị các đồ tể chặt chân như vậy. Ngựa, bò, la, chó, chim và heo bị hy sinh bằng các cách khác nhau. Sau cuộc sát sinh mùi lông cháy tỏa ra khắp Samye khi thịt của các con thú được nướng để tế thần.

Một pháp sư gọi là Bon cắt Thịt, chặt những miếng thịt nướng, một pháp sư gọi là Bon Chia Thịt phân phối thịt cho các chức sắc, một người gọi là Bon Bói Toán lo việc tính toán. Các chức sự Lấy Huyết đổ máu của các con thú vào các chậu bằng đồng rồi xếp các chậu này lên những tấm da thú, trong khi các pháp sư khác cũng xếp thịt lên những tấm da. Xong việc tất cả họ tụng những bài cầu khẩn. Trong khi nhà Vua và các triều thần lo ngại nhìn thì những chậu huyết bỗng bốc hơi và sôi lên. Trong làn hơi, những bóng ma sáng bóng như cầu vồng hiện ra, và nhiều giọng nói ma quỷ vang lên the thé hay như say rượu, cùng với tiếng thở nặng nề hay tiếng cười khàn khàn. Các đạo sĩ Bon vui vẻ nói lớn: “Đây là giọng nói của các vị thần Chữ Vạn, Cha, Thần May Mắn, và Yang, Thần tài Lộc”. Rồi họ dâng chúng ta thịt và huyết để ăn uống.

Nhà Vua hỏi: “Cuộc tế lễ đẫm máu này có lợi ích gì không?”

Các tu sĩ Bon đáp: “Lễ này tốt cho nhà Vua. Còn chúng tôi thì không được lợi lộc gì nhiều. Thưa Đại Vương, ngài có hài lòng không? Ngài có ngạc nhiên không?”

Nhưng nhà Vua cảm thấy buồn, còn những người khác thì bối rối và đầy thắc mắc khi họ trở về Chùa Utse. Các học giả và các dịch giả chứng kiến cuộc lễ này đều có cùng ý kiến: “Một giáo lý không thể có hai vị thầy. Nếu hướng đông đi xuống thì tất nhiên hướng tây đi lên. Nước và lửa không bao giờ có thể kết hợp với nhau. Không có ích lợi gì để trộn giáo lý Mật Giáo với đạo của bọn cuồng tín cực đoan đó. Người khôn ngoan không làm bạn với kẻ xấu. Chúng ta sẽ không đi cùng đường với bọn ngu xuẩn đó một khoảnh khắc nào. Chúng ta sẽ không uống nước của thung lũng nơi bọn phạm giới đó sống. Thà sống an vui ở vùng biên địa còn hơn”.

Phái Phật Giáo dâng nhà Vua chín lần những lời quyết định này: “Hoặc giáo lý của Đức Phật được thiết lập một mình ở Tây Tạng hoặc Đạo Bon được để cho hưng thịnh ở xứ này. Hai tôn giáo này không thể nào phối hợp với nhau được”.

Khi lời thỉnh nguyện này được dâng lên lần thứ chín, nhà Vua triệu tập các quan và triều thần rồi nói với họ: “Các quan chức và thần dân Tây Tạng, hãy nghe ta nói! Tập quán của người Phật Giáo và cửa tín đồ Đạo Bon trái ngược nhau như lưng bàn tay và lòng bàn tay. Hai bên không ngừng tố cáo nhau. Vậy người nào có thể giữ niềm tin vào một bên. Các học giả Ấn Độ, các dịch giả và tu sĩ mới thọ giới của Tây Tạng, các người đã đưa cho ta lời thỉnh nguyện không khoan nhượng này, chúng ta phải làm gì?”

Các quan phái Zhang theo đạo Bon đáp: “Thưa Thần Vương, khi lòng sông và luồng nước cùng một lưu lượng thì có sự điều hòa. Trước đây khi vấn đề này phát sinh, chúng ta đã thấy cần phải lưu đầy nhiều dịch giả. Bây giờ nếu ngài cũng dùng biện pháp đó thì các tín đồ Đạo Bon cũng như Đạo Phật có thể ngủ yên ổn, và xứ này sẽ được hòa bình”.

Trưởng lão Go bảo mọi người yên lặng rồi nói: “Khi Đạo Bon lớn mạnh thì nhà Vua lo lắng không yên. Khi Đạo Phật bành trướng thì các quan rúng động. Khi Đạo Bon và Đạo Phật được quyền bình đẳng thì giống như nước với lửa, hai bên trở thành hai kình địch một mất một còn. Cho nên cuộc tranh chấp rắc rối này phải được chấm dứt. Một tòa án sẽ phân biệt thật với giả. Giá trị của hai tôn giáo sẽ được cân nhắc và so sánh. Nếu cái thật được phân biệt với cái giả thì vấn đề được giải quyết. Vậy ngày mai, với sự chủ tọa của Đại Vương, các quan và triều thần ngồi ở hàng đầu, phái Phật Giáo ngồi một hàng ở bên phải nhà Vua và phái Bon ngồi ở bên trái, một cuộc thi sẽ được tổ chức. Hai bên sẽ được đánh giá về môn luận lý. Bên nào thật sẽ được công nhận và thưởng bằng một ly rượu, theo thông lệ, bên nào giả sẽ bị phạt. Hai bên tranh chấp còn phải biểu diễn pháp thuật để chứng minh lẽ phải của mình và tài năng sáng tạo của mình được thực hiện bằng sức mạnh tâm linh. Vậy nếu giáo lý Đức Phật được chứng minh là có giá trị thì Phật Giáo sẽ được bảo tồn và củng cố thêm sức mạnh, Đạo Bon bị loại bỏ, bằng ngược lại. Nếu Đạo Bon tự chứng minh, là có giá trị thì Phật Giáo bị hủy diệt và Đạo Bon sẽ được thiết lập. Một sắc luật về việc này sẽ được ban hành. Ai không tôn trọng sắc luật này sẽ bị luật pháp xét xử dù người đó là vua, quan, hay thường dân. Tất cả mọi người phải tuyên thệ tuân theo sắc luật này”.

Nhà Vua, các quan và mọi người điều chấp nhận ý kiến này, và tất cả thề tôn trọng sắc lệnh. Các quan theo Đạo Bon muốn thi đua tài năng, vì họ tin rằng người Phật Giáo không thể thắng bằng pháp thuật được.

Nhà Vua gửi thư phúc đáp lời thỉnh nguyện của các học giả Phật Giáo:

“Hỡi các vị thần thánh, các vị thầy trí huệ, và năng lực Người Phật Giáo và tín đồ Đạo Bon đối xử với nhau như các đao phủ thủ,

Và vì không bên nào nói tốt cho bên nào,

Nên Vua, quan, và các hoàng hậu không tin tưởng cả hai. Cả người Phật Giáo lẫn tín đồ Đạo Bon đều nghi ngờ, lo sợ.

Vì vậy, ngày mai, các vị sẽ thi đua với các đạo sĩ Đạo Bon

Về bằng chứng của sự thật, của năng lực và pháp thuật. Pháp nào gây niềm tin trong nhà Vua và các quan

Pháp đó sẽ được chúng ta tin theo

Điều giả dối sẽ bị loại bỏ hoàn toàn

Người giả dối sẽ bị lưu đầy tới vùng biên địa để sống với các giống người man rợ.

Nhà Vua và các quan ra lệnh này. Hãy suy nghĩ và hành động khôn ngoan”.

Nhận được bức thư này, các học giả hài lòng phúc đáp: “Mong được như vậy, thưa Chúa Tể của Loài Người Đấng Thần Vương thiêng liêng!

Đây là cách làm của tất cả các vị minh quân

Người chánh đại sẽ thắng kẻ bất chánh.

Chân lý sẽ đánh bại bọn gian tà

Vì tất cả các vị đại thánh và các bậc thầy đều có mặt nơi đây,

Nên ma quỷ sẽ bị tiêu diệt nhiều hơn ở Vajrgasana

Giáo Pháp của chúng ta trước đây đã thường đánh bại bọn thù địch

Vậy tại sao chúng ta phải sợ bọn Bon tầm thường này?

Kẻ thua phải bị người thắng trừng phạt,

Người nào thua cuộc phải bị lưu đầy”

Nhà Vua rất hài lòng với những lời này. Ngài nói các điều kiện của cuộc thi cho các tín đồ Đạo Bon biết và bảo họ chuẩn bị. Phái Bon quả quyết với nhà Vua rằng chín người học giả của họ sẽ thắng cuộc thi tài vì khả năng huyền thuật của họ là vô địch.

Vào ngày rằm tháng giêng, một cái ngai cao được đặt ở giữa đồng bằng Yobok gần Samye để nhà Vua ngồi chủ tọa cuộc thi giữa hai phe tôn giáo tranh chấp nhau. Các học giả và các dịch giả Phật Giáo ngồi ở phía bên phải, các Đạo sĩ Bon ngồi ở phía bên trái, còn các quan và triều thần ngồi thành nhiều hàng ở trước mặt ngài. Phía sau họ là một đám người rất đông mặc áo đỏ hay đen, tụ tập từ bốn quận trung Tây Tạng.

Nhà Vua tuyên bố : “HO !… Nhân dân xứ Tây Tạng của ta, các vị thần và các người, tín đồ Phật Giáo và tín đồ Đạo Bon, các quan, các hậu phi và các triều thần, hãy chú ý nghe ta nói. Các vua đời trước đã cho phép Phật Giáo và Đạo Bon cùng hoạt động. Rồi Đạo Bon chiếm ưu thế. Ta đã cố gắng giữ cho Phật Giáo và Đạo Bon bình đẳng với nhau, giống như tổ phụ của ta Songtsen Gampo đã làm như vậy nhưng Phật Giáo và Đạo Bon kình địch nhau, tố cáo nhau và do đó làm cho Vua và các quan không biết phải làm gì. Nay chúng ta sẽ so sánh và đánh giá luận lý của hai tôn giáo này. Tôn giáo nào chinh phục được niềm tin của chúng ta thì sẽ được chấp nhận. Người nào từ chối theo giáo lý của bên thắng cuộc sẽ bị hủy diệt. Những tín đồ của tôn giáo được chứng minh là tà ngụy sẽ bị đầy ra vùng biên địa, để cho cả cái tên của tôn giáo của họ cũng không còn được ai nhớ tới ở xứ này. Sắc lệnh này quyết định rằng kẻ thua cuộc sẽ nhận lãnh những hậu quả xứng đáng. Chúng ta sẽ dành tất cả những lời ca tụng cho phe chiến thắng và mọi người sẽ quy y giáo lý của họ”. Nhà Vua lập lại sắc lệnh này bảy lần, các quan cũng xác nhận sắc lệnh này bằng cách nhắc lại các điều khoản được viết trong cuốn văn bản, và mọi người đều đồng ý.

Đức Orgyen Vĩ Đại dùng pháp khinh thân, bay lên cao tới ngang ngọn cây cọ rồi nói với hai bên tham dự cuộc thi.

“Chúng ta cần phải phân biệt giữa giáo lý Phật Đà và Đạo Bon. Trước hết là phần mở đầu theo thông lệ của mọi cuộc tranh luận chính thức, các người hãy mài giũa tài ứng đáp của mình bằng cuộc thi câu đố. Rồi dùng biện tài trình bày trọn vẹn đạo pháp của tôn giáo mình, vì việc này là niềm vui của mọi phái. Sau đó, lý luận của hai phe, từ phần đầu cho tới phần cuối, sẽ được phán xét, vì lý luận chân xác là dấu hiệu của đạo lý vững chắc. Sau cùng hai bên sẽ biểu diễn thần thông, vì khả năng huyền thuật của các người sẽ làm cho Đức Vua và triều đình tin tưởng”.

Tuyên bố xong, ngài biến thân của mình thành Đức Phật Thích Ca tỏa hào quang bao trùm nhà Vua và mọi người; ngài biến một hóa thân Khẩu của mình thành Liên Hoa Sanh (phương diện Đại Sư trong tám phương diện) làm cho các học giả và các dịch giả thêm can đảm và tin tưởng; một hóa thân Ý của ngài có hình dạng Dorje Trollo, đánh bại kẻ chấp giữ biên kiến và biểu diễn nhiều huyền thuật dị thường, tới nỗi cả những người theo Đạo Bon cũng tin tưởng và thán phục ngài.

Atsara Pelyang và một tu sĩ Bon so tài trong cuộc thi giải các câu đố, và phe Bon thắng cuộc. Các tín đồ Bon vui mừng phất cờ và ca tụng vị thần của họ. Nhà Vua ban cho họ một chén rượu còn các quan theo đạo Bon cũng hài lòng thưởng rất nhiều cho những người cùng phe. Thấy nhà Vua có vẻ lo ngại, các học giả Phật Giáo nói: “Ăn sâm thì sẽ bị đau nhiều. Họ thắng cuộc thi câu đố vì môn giải câu đố không có trong giáo lý Phật Giáo. Bây giờ họ sẽ phải tranh luận về tôn giáo với chúng tôi”.

Đại Học Giả Vimalamitra đứng dậy nói :

“Vạn pháp đều phát khởi từ một nhân duyên,

Như Lai đã dạy lý nhân duyên đó.

Để tiêu diệt nguyên nhân

Đấng Đại Phạm Hạnh đã nói rằng:

Đừng làm điều xấu,

Nên làm điều lành,

Giữ cho tâm trí thanh tịnh”.

Nói xong, ngài ngồi theo thế hoa sen trên không tỏa hào quang sáng rỡ. Ngài bật ngón tay ba lần, tức khắc chín đạo sĩ Bon bất tỉnh, còn chín học giả Bon thì ngồi sững sờ không nói được gì cả. Hai mươi lăm học giả Ấn Độ và một trăm lẻ tám dịch giả cũng lần lượt đọc một đoạn kinh, chọn một đề tài và trình diễn thần thông để chứng minh. Những người của phái Bon đều như chết sững và xuống tinh thần vì họ không thể phô diễn được một pháp thuật nào cả.

Các quan theo Đạo Bon thúc giục họ: “Các người phải thắng cuộc thi này. Hãy cho họ thấy quyền năng của các người. Các tu sĩ Phật Giáo đã làm cho thần và người Tây Tạng phải ngạc nhiên vì huyền thuật và biện luận một cách vững chắc. Thái độ và hành vi của họ làm cho người ta vui lòng. Họ biểu lộ tính tốt và sự vui vẻ. Có lẽ hy vọng của chúng ta đã bị phản bội. Nếu các người có một chút pháp thuật, quyền năng tâm linh, huyền thuật hay bùa chú gì đó thì hãy mang ra biểu diễn ngay”. Các quan Đạo Bon lo sợ và tức giận thúc dục các đạo sĩ của họ bằng những lời nguyền rủa dữ dội.

Các tu sĩ Đạo Bon nói với nhau: “Bọn Ấn Độ man rợ này đã xúc phạm các vị Thần Chữ Vạn của chúng ta. Chúng ta đừng tranh luận với các học giả mà hãy dùng pháp thuật giết họ sau. Chúng ta chỉ nên tranh luận với các dịch giả, vì họ là người Tây Tạng”.

Trong khi đó, Nhà Vua khen ngợi các học giả phật Giáo, thưởng cho mỗi người một cân vàng bụi, một bình bát bằng vàng và một cái áo gấm. Cờ giáo Pháp được thả tung bay trong tiếng tù và cùng một cơn mưa hoa rơi xuống. Trên trời các vị thần cất tiếng chào mừng họ bằng văn vần, và hiện thân cho mọi người trông thấy. Các điều này làm cho dân chúng Tây Tạng ngạc nhiên và khóc như mưa trong niềm tin vào Giáo Pháp.

Đối với phái Bon thì chỉ có mưa đá, vì vậy các quan Đạo Bon nói rằng các vị thần đã cho thấy bằng chứng về mức thành tựu của hai phái, và họ quy phục giáo lý của Đức Phật, đặt bàn chân của các học giả Phật Giáo lên đầu họ và công nhận là đã có lỗi với các dịch giả. Đức Văn Thù hiện ra trước nhà Vua chỉ cho ngài thấy, đâu là chánh đạo và đâu là tà giáo.

Đa số người chứng kiến cuộc thi cho rằng phe Phật Giáo đã thắng, Phật Pháp là siêu đẳng, và họ sẽ theo Phật Giáo tất cả. Khi họ sắp giải tán thì Nhà Vua ra lệnh cho họ ở lại để xem các dịch giả Phật Giáo tranh luận với các tu sĩ Đạo Bon.

Trước hết, đại dịch giả Vairotsana tranh luận với đạo sĩ Tangnak. Rồi Namkhai Nyingpo tranh luận với Tongyu. Cứ như vậy, mỗi dịch giả Phật Giáo tranh luận với một đạo sĩ Bon, và không có một người nào của phe Bon có tài lý luận ngang với đối thủ của mình. Nhà Vua dành một hòn sỏi trắng trong mỗi câu nói hay hành động có giá trị và một hòn sỏi đen cho mỗi câu nói hay hành động không chân xác. Vairotsana được chín trăm hòn sỏi trắng còn Tangnak lãnh năm ngàn hòn sỏi đen. Các dịch giả cảm thấy dễ chịu, và lá cờ của phái Phật Giáo lại được phất cao. Sau khi tranh luận, Namkhai Nyingpo được ba ngàn hòn sỏi trắng, Tongyu bị ba mươi ngàn hòn sỏi đen. Một lần nữa các dịch giả vui mừng phất cờ.

Ta, Tsogyel, tranh luận với một nữ đạo sĩ Bon tên là Bonmo Tso thuộc Bộ Tộc Chokro, kết quả là ta chiến thắng. Ta cũng trổ tài huyền thuật, nhưng sẽ kể việc đó sau, còn Bonmo Tso thì chịu thua tới mức không nói gì được cả. Rốt cuộc tất cả một trăm lẻ tám dịch giả đều thắng cuộc, trong khí đó cả chín người học giả Bon cũng phải chịu thua, ngồi lặng người, lưỡi và môi tê liệt, mặt đổ mồ hôi, hai chân run rẩy, không thốt được một lời nào.

Trong cuộc thi quyền năng, Vairotsana nắm ba cõi trong bàn tay, Namkhai Nyingpo cưỡi tia sáng mặt trời và biểu diễn nhiều huyền thuật. Sangye Yeshe chỉ cần múa dao thiêng (phurba) là gọi được ma quỷ, làm một động tác với dao thiêng là giết được kẻ địch, đâm một nhát Phurba là xuyên thủng một tảng đá. Doije Dunjom chạy nhanh như gió, trong chớp mắt đi một vòng quanh bốn lục địa rồi dâng nhà Vua bảy đồ thất bảo để chứng minh kỳ công của mình Gyehva Chokyang từ đỉnh đầu của mình phóng ra hình Hayagriva, vị Thần cổ Ngựa, rồi tức khắc hí vang ba ngàn thế giới. Tsangri Gompo chinh phục ba cõi trong khoảnh khắc, rồi dâng bánh xe chín căm của vị thần Brahma như bằng chứng kỳ công của mình. Gyelvva Lodro đi trên mặt nước. Denma Tsemang tranh luận và đại thắng phái Bon, bằng trí nhớ diễn giảng quyển kinh “Kanjur Rochok” (tập hợp các bài thuyết pháp của Đức Phật), phóng chiếu hình các chủng tự lên không trung. Kaba Peltsek kiềm chế hàng đoàn ma quỷ. Odren Zhonnu bơi trong biển như cá. Jnana Kumara trích cam lộ từ một tảng đá. Ma Rinchen Chok ăn sồi như ăn bột. Pelgyi Dotje đi xuyên qua đá và núi vô ngại. Sokpo Lhapel gọi một con cọp cái động đực từ miền nam tới bằng thử ấn, thần chú, và định lực. Drenpa Namkha gọi một con trâu yak tới từ miền bắc. Chokro Lui Gyeltsen mời gọi Ba Thân Phật xuất hiện trên trời ở trước mặt mình. Langdro Konchok lungden gọi xuống mười ba tia chớp một lúc rồi phóng chúng đi như những mũi tên tới bất cứ nơi nào mình muốn: Kyeuchung bắt trói tất cả các Dãkinĩ bằng lực thiền định. Gyelmo Yudra Nyingpo nhiếp phục các tín đồ Bon bằng các môn văn, học, luận lý và khoa học và bằng trí huệ của lực thiền định vượt qua sắc tướng bề ngoài biến hóa thành nhiều hình dạng. Gyehva Jangchub tự nhấc bổng mình lên cao trong thế ngồi hoa sen. Tingdzin Zangpo bay lên không trung, nhìn khắp bốn lục địa cùng một lúc. Như vậy, tất cả Hai Mươi Năm Đại Thành Tựu Giả của Chimphu biểu diễn quyền năng thần thông của họ. Thêm nữa, Tám Thành Tựu Giả Xứ Yerpa, Ba Mươi Tu Sĩ Mật Giáo Xứ Sheldrak, Năm Mươi Lăm nhà Ẩn Tu Xứ Yong Dzong, và nhiều người khác cũng phô diễn huyền thuật của mình. Họ biến lửa thành nước và nước thành lửa, nhảy múa trên không, biến nhiều thành ít và ít thành nhiều, đi xuyên qua núi đá một cách tự nhiên, hay đi trên mặt nước, làm cho dân chúng Tây Tạng thâm tín Phật Pháp, và phái Bon không thể nào thắng nổi họ. Các quan có cảm tình với Đạo Bon đành phải im lặng.

Trong cuộc thi huyền thuật của ta với những người của phái Bon thì họ bị thua, nhưng sau đó họ đặt ra chín lời nguyền được gọi là Mùi Chồn Hôi Kỳ Diệu, Liệng Đồ Ăn Cho Chó, Dập Tắt Đèn Bỏ Với Máu, Da Huyền Diệu Đen, Hoá Hiện Thần v.v…Với những lời nguyền này họ đánh hạ chín tu sĩ trẻ một lúc, nhưng ta nhổ nước bọt vào miệng mỗi tu sĩ làm cho họ đứng dậy mạnh khỏe như thường, và như vậy cho thấy tài huyền thuật của chúng ta còn nhiều hơn trước. Thế là phe đạo Bon lại thua một lần nữa. Rồi ta đe dọa chỉ ngón tay vào chín đạo sĩ Bon và hô “PHAT!” chín lần, làm cho họ tê liệt và bất tỉnh. Để hồi phục họ ta hô “HUNG” chín lần. Ta cho họ thấy khả năng nhiếp phục các lực tứ đại như bay bổng lên không trong thế hoa sen và các công phu khác, ở đầu năm ngón tay của bàn tay phải, ta quay năm bánh xe bốc lửa năm màu, làm cho phe Bon hoảng sợ, rồi phóng ra các dòng nước năm mầu từ đầu năm ngón tay của bàn tay trái, các dòng nước, này xoáy đi thành một hồ nước. Ta lại lấy một tảng đá Chimphu đập nó nát ra như đập một miếng bơ rồi nặn tảng đá thành nhiều bức tượng. Ta cũng hóa hiện hai mươi lăm hình người giống hệt mình, mỗi hình đó biểu diễn một huyền thuật.

Mọi người dân chứng kiến cuộc thi nói: “Mấy đạo sĩ Bon này không thắng nổi một người đàn bà”.

Các tu sĩ Bon vẫn đe dọa: “Ngày mai chín đạo sĩ chúng ta sẽ gọi chín tia chớp xuống cùng một lúc để đánh cho Chùa Samye này tan thành tro bụi”. Rồi họ đi tới Hepori gọi xuống các tia chớp, nhưng ta cuộn mấy tia chớp này quanh đầu ngón trỏ, làm một cử chỉ đe dọa và liệng chúng lên trên vùng Ombu của đạo Bon, phá hủy vùng này. Sau khi bị ta gọi mười ba tia chớp giáng xuống đầu, các đạo sĩ Bon đều đi về Samye để sám hối.

Kết quả là sau khi thua cuộc thi tài huyền thuật, các tu sĩ đạo Bon bị phạt lưu đày, nhưng hai viên quan Takra và Lugong cùng những người khác tuyên bố là họ sẽ không thi hành lệnh phạt này mà sẽ trở về Qmbu, và ở đây họ đã chuẩn bị kĩ càng để hủy diệt Tây Tạng bằng cách dùng lực của Pelmo, một vị thần đạo Bon, qua các lời nguyền được liệng vào lửa, vào nước, vào đất và vào không khí bằng một cây cờ và nhiều điều khác. Nhà Vua thuật lại toàn bộ sự việc này rồi nhờ các học giả và các dịch giả giải các lời nguyền tai hại này. Đại Sư Liên Hoa Sanh cam đoan với nhà Vua và mọi người là mọi sự sẽ tốt đẹp, và ngài giao cho ta việc bảo vệ họ. Ta bèn đi tới Chùa Utse để trình bày mandala của Thần Dorje Phurba và làm lễ Phurba cho đến khi các vị thần của mandala này xuất hiện bảy ngày sau khi bắt đầu cuộc lễ. Lễ này làm cho các kẻ địch trở thành đao phủ thủ của chính họ.

Như vậy những người thuộc phái Bon tự hủy diệt Takra và Lugong cùng năm viên quan hung hăng chống Giáo Pháp đều chết tức khắc. Trong số chính đạo sĩ Bon thì tám người chết, chỉ có một người sống sót. Vậy huyền thuật của chúng ta làm cho các tu viện Bon trống rỗng, các tu sĩ Bon đều bị đánh bại.

Hoàng Đế lập tức giam tất cả các tu sĩ Bon ở Samye và bắt họ chịu một số hình phạt. Đức Đại Sư quyết định số phận của các tín đồ Đạo Bon với những lời như sau:

“Vì các tín đồ Đạo Bon Bí Truyền (hay Cải Cách), có niềm tin phù hợp với Phật Giáo nên họ được ở lại nhà của họ. Còn các pháp sư Bon là những người theo tà giáo nên phải bị đầy ra vùng biên địa không cần phải giết chết họ”.

Theo lời Đại Sư, nhà Vua chia các kinh sách của Đạo Bon thành hai loại là Bí Truyền và Phủ thủy hay tà Giáo. Các sách tà giáo đều bị đốt, còn các sách của Đạo Bon Cải Cách được cất giấu như những bảo tạng để đời sau tìm lại. Các tu sĩ Đạo Bon Bí Truyền được trở về Zhang-Zhung và các địa phương khác trong khi những người thuộc phái Bon Tà Giáo bị lưu đầy ở Treulakchan, Mông cổ.

Từ đó nhà Vua, các quan cùng các triều thần cũng như nhân dân Tây Tạng và cả những ngoại nhân nữa đều phải tuân hành đạo luật là không được theo tà đạo Bon và chỉ theo Phật Giáo mà thôi. Theo luật này tất cả miền Trung Tây Tạng và xứ Kham cho tới tận biên giới Trung Hoa sẽ chỉ có Phật Pháp và các tăng sĩ Phật Giáo. Nhiều tu viện cũng được xây dựng thêm.

Sau khi nhà Vua ban hành đạo luật thứ nhì này, ở Samye người ta đánh trống, thổi tù và treo cờ, và bày ngai của Giáo Pháp. Hai mươi mốt học giả Ấn Độ ngồi trên chín lớp nệm gấm, còn Đức Liên Hoa Sanh, Bồ Tát Sư Trưởng Xứ Zahor, và Đại Học Giả Vimalamitra xứ Kashmir thì ngồi trên ngai lớn bằng vàng có chín lớp nệm gấm. Hai dịch giả Vairotsana và Namkhai Nyingpo cũng ngồi trên chín lớp nệm gấm trong khi các dịch giả khác ngồi hai hay ba lớp nệm gấm. Nhà Vua thưởng cho mỗi dịch giả rất nhiều vàng và những món khác. Ngài tặng cho mỗi học giả Ấn Độ chín cuộn gấm, ba bình bát bằng vàng, ba cân vàng bụi cùng nhiều tặng phẩm khác chất cao như núi. Ngài dâng lên ba đạo Sư mỗi vị một mâm vàng và lục ngọc, một đống gấm và nhiều lễ vật quý giá khác, rồi thỉnh cầu các vị truyền dạy giáo lý đã ghi trong các kinh điển cũ như mật điển ở Tây Tạng. Các học giả tươi cười nhận lời, còn Đức Đại Sư, Sư Trưởng và Đạo Sư Vimalamitra nghiêm nghị nói rằng các ngài sẽ truyền bá giáo lý của Đức Phật cho đến khi nào ý nguyện của nhà Vua được thành tựu.

Sau đó, bảy ngàn tăng sĩ tới trú ngụ ở tu viện Samye, chín trăm người tới chùa Chimphu, một ngàn người tới tu viện Trandruk, một trăm người tới chùa Yong Dzong, ba ngàn người tới tu viện Lhasa, và năm trăm người tới chùa Yerpa. Các tu sĩ mới này thọ giới tại sáu nơi nói trên trong vòng một năm. Nhiều tu viện, chùa và tịnh thất khác được thiết lập ở Langtang thuộc tỉnh Kham, ở Rabgang thuộc Minyak, ở Gyltam thuộc Jang, ở Jatsang thuộc Mar, ở Rongzhi và Gangdruk thuộc Kham ở Dongchu thuộc Powo, ở Ronglam thuộc Barlam, ở Buchu thuộc Kongpo, ở Chimyul, ở Danglung thuộc Dakpo, ở Tsuklak thuộc bốn quận trung Tây Tạng, và ở Takden Jomo Nang thuộc Tsang. Nhiều tu viện cũng được xây dựng ở núi Everest, khắp miền Tsang, Tsangrong, và Ngari.

Phần Thứ Hai của Chương Bảy nói về việc Đức Bà Yeshe Tsogyel có lòng tốt duy trì các Cộng Đồng Tu Sĩ.

Giáo Lý Phật Đà, các tu viện, các trường Mật Giáo, và truyền thống bình giảng giáo lý đựợc phổ biến và gia tăng ở Tây Tạng mà không gặp sự chống đối nào. Các học giả người Ấn Độ, Trung Hoa và Nepal được tạ ơn với nhiều vàng và các phẩm vật, và họ vui vẻ trở về quê hương của mình. Bồ Tát Sư Trưởng, Đại Sư Liên Hoa Sanh và Đại Học Giả Vimalamitra ở lại Tây Tạng để dạy kinh điển và các mật điển, rồi chẳng bao lâu ước nguyện của Vua Trisong Detsen được thành tựu hoàn toàn. Uy quyền của nhà Vua lên cao hơn trời; quân địch ở bốn vùng biên cương được diệt trừ và đạo Bon tà giáo không còn nữa. Khi thấy mình đã làm xong tất cả những việc cần phải làm trong đời, nhà Vua chỉ định Hoàng Tử Mune Tsenpo kế vị mình để được thảnh thơi thoát khỏi mọi sự lo nghĩ của một vị vua. Vậy trong trạng thái tâm trí chuyển từ hoan lạc khác cao hơn vào buổi hoàng hồn trước khi ngài qua đời, nhà Vua dạy các lời giáo huấn cuối cùng với Hoàng Tử, các Hoàng Hậu, Cung Nhân và quan lại. Lúc nửa đêm ngài làm lễ dâng hoa cho các chùa và ban phước. Trước khi trời sáng vào ngày hôm sau. Ngài tụng nghi thức thiền quán vị Yidam của mình, và sau khi trời sáng ngài tan hòa vào khối thanh quang trong tim của Đức Văn Thù, không còn lưu lại thế gian nữa.

Sau đó không lâu Hoàng Tử Mune Tsenpo bị một hoàng hậu âm mưu hạ sát. Hoàng Tử Mutri Tsenpo được tôn lên làm vua. Lúc đó các Hoàng Hậu rất thù ghét Phật Giáo, tìm cách làm cho hai phái Phật Giáo tranh chấp nhau, nhưng với lòng từ bi ta đã khéo léo hòa giải hai phái này. Từ đó mọi tranh chấp trong Tăng Đoàn bị cấm tuyệt. Trong thời gian này một nữ đạo sĩ thuộc Đạo Bon Bí Truyền tên là Bonmo Tso người Bộ Tộc Chokro sống ở Hepori gần Samye, là người Ta đã biết rõ từ khi con nhỏ, mang đến thuốc bổ có pha thuốc độc một cách tinh vi.

Ta biết nhưng vẫn thản nhiên uống chén thuốc rồi nói:

“Nghe đây, bạn lòng của ta,

Thuốc bổ cam lộ này thật là ngon!

Bản thân ta, thân kim cương phi vật chất này,

Nguyên là cam lộ được chuyền thành tinh túy,

Thật là huyền diệu!

Khi tham vọng của người chưa thành tựu,

Ý nguyện của ta đã được thực hiện

Đừng ganh tị nữa,

Mà hãy thực hành Đạo Bon và Đạo Phật không thiên kiến

Cầu nguyện vị thần Yidam,

Hãy có cái nhìn trong sạch về những người cùng đi tìm chân lý với mình.

Đấng Từ Bi, xin hãy ngừng phô diễn quyền lực,

Ban niềm tin và lòng tôn sùng đối với Đức Đại Sư.

Thân của ta trở thành một khối hào quang ngũ sắc, và mỗi lỗ chân lông của ta có một chùy kim cương. Người nữ hành giả đạo Bon đó quá hổ thẹn không muốn ở lại đó lâu hơn mà đi qua một xứ khác.

Các bà hậu phi thù địch đầy ta đi xứ Tsang, nơi đó ban đầu ta trú ngụ ở Kharak Gang và lập một thiên viện thu nhận khoảng ba trăm tu sĩ. Về sau nơi này nổi tiếng với cái tên Jomo Kharak. Trong số các tu sĩ ở thiền viện Kharak, ba mươi chín người thành tựu, đạt quyền năng thần thông, và trong ba mươi chín người này, hai mươi người có khả năng giúp đỡ người khác, bảy người có trình độ ngang với ta và đạt thành tựu khả năng vô tận phụng sự người khác. Sau đó ta hành thiền ở một nơi về sau được gọi là Jomo Nang, ở đó có một ngàn nữ tu sĩ trú ngụ, và trong số đó một trăm người đạt khả năng giúp người khác thực hành, bảy người đạt trình độ ngang với ta và năm trăm người thành tựu.

Ta đến Sangak Ugpalung để hoằng dương Phật Pháp và danh tiếng ta lan ra khắp xứ Tsang. Một ngàn tu sĩ cùng một ngàn năm trăm nữ tu sĩ Mật Giáo tu tập đạt giải thoát bằng Nghi Quỹ Tối Thượng, một số họ quyết tâm chứng đạo quả. Bảy người trong số họ về sau được gọi là Bảy Người Hiền Xứ Tsang, tám mươi người khác được gọi là Tám Mươi Đại Thành Tựu Giả vì đã nhận được giáo lý khẩu truyền. Còn ở Jomo Nang ta dạy các giáo lý bí mật bằng cách truyền nói thầm, và ở Ugpalung ta truyền pháp bằng văn tự, nhiều người ở Kharak và Jomo Nang đạt thành tựu.

Sau đó ta trở về sống ở Shampo Gang là nơi ta bị bảy tên cướp hãm hiếp và chiếm đoạt tài sản. Ta hát cho họ nghe bài ca giới thiệu bốn hoan lạc như sau :

“NAMO GURU PADMA SIDDHI HRI !

Các con đã gặp một người phối ngẫu siêu diệu, Đại Mẫu,

Do công đức đời trước,

Nay ngẫu nhiên các người đã nhận được bốn lễ điểm đạo. Hãy tạo bốn cấp hoan lạc (hỏa xà vươn lên qua bốn luân xa).

Ngay khi các người để mắt tới “mandala” thân thể của ta,

Tâm trí các ngươi đã bị dục tình chiếm ngự.

Sự tự tin này mang lại cho các người Điềm Đao Bình. Hãy hiểu tính chất của tính dục,

Nhận ra nó là hình quán tương vị thần của mình,

Và không là gì khác hơn vị thần Yidam

Hãy thiền quán về dục tình như Thiêng Liêng

Hợp nhất với cõi không, mandala bí mật về người phối ngẫu của mình,

Đại lạc kích thích các luân xa,

Thôi hung dữ, các người phát tâm từ bi

Lực đại lạc mang tới cho các người Điểm Đạo Huyền Bí.

Hãy hiểu tính chất của hoan lạc

Hòa nhập hoan lạc với sinh lực rồi giữ lại một lúc,

Đó chính là Mahamudra, đại ấn.

Hãy chứng nghiệm hoan lạc như Mahamudra (cấp hoan lục thủ nhất)

Được kết hợp với cõi đại lạc của người phối ngẫu,

Qua nỗ lực tự sinh (vô vi)

Tâm các người hòa với tâm ta

Phúc lạc đó mang lại cho các người Điểm Đạo Trí Huệ.

Hãy giữ gìn không xao lãng tính chất hoan lạc,

Nhận biết đại lạc là Tính Không,

Và đó chính là hoan lạc chân không

Hãy chứng nghiệm đại lạc như “hoan lạc tối thượng” (cấp hoan lạc thứ hai).

Hợp nhất ở kinh mạch hoan lạc của người phối ngẫu,

Hai cam lộ của chúng ta hòa nhập thành thần dược.

Khi hiện tượng mình và người (tha ngã) không còn,

Trí huệ đó mang lại cho các người Điểm Đạo Quán Tưởng.

Hãy giữ thanh tịnh tự nhiên trong thế gian sắc tướng,

Đồng hóa ái dục của mình với Tính Không,

Đó chính là Dzogchen, Đại Hoàn Thiện.

Hãy chứng nghiệm “hoan lạc tự nhiên” như “hoan lạc không” (tất cả là bốn hoan lạc).

Đây là giáo lý bí mật cao cả và dị thường,

Nếu cố thực hành thì pháp này nguy hiểm,

Nhưng tình cờ khám phá thì nó mang lại giải thoát kỳ diệu.

Các người đạt bốn lễ điểm đạo một lúc,

Và đạt thành tựu qua bốn cấp hoan lạc này,”

Ngay khi ta nói xong bảy tên cướp đồng thời giác ngộ và giải thoát, biết vận động các luồng tinh lực và đạt bốn hoan lạc. Không rời bỏ thể xác, bảy Đại Thành Tựu Giả nguyên là bảy tên cướp này đi tới xứ Orgyen phụng sự chúng sinh đạt mục đích tối thượng.

Sau đó, ta trở lại thung lũng Nepal, ở đây các thí chủ cũ của ta cũng như Vua Jila Jipha của Nepal giúp đỡ ta truyền bá nhiều giáo lý bí mật của Đại sư Liên Hoa Sanh, ở xứ này có một cô gái mười bốn tuổi tên là Dãkinĩ, con của Bhadana và Nagini, được ta nhận làm đệ tử và đặt tên là Kalasiddhi vì cô ta sẽ thành tựu Mật Giáo trong gia tộc các hóa thân Dãkinĩ. Rồi từ Khosho chúng ta đi từng chặng tới Mangyul, nơi ta trình bày mandala Tantra Guru, và trong một năm Kalasiddhi, Lodro Kyi, Dechenmo, Selta củng mấy người khác hành thiền và thành tựu với sự hướng dẫn của ta. Có tới hai trăm tín đồ tụ tập ở đó, và dù trước đó Phật Giáo chưa phát triển nhiều trong xứ, sau khi ta tới những người tại gia nam nữ ít nhất cũng biết giáo lý căn bản về nhân quả.

Khi ta đang ở Mangyul, Vua Mutri Tsenpo cử ba sứ giả đến mời ta trở về Samye. Cử nữ tu sĩ Lodro Kyi làm đại diện cho ta ở Mangyul rồi ta lên đường đi Tây Tạng với mười hai đệ tử. Dọc đường ta được cúng dường và tôn vinh nồng nhiệt ở Kharak, Jomo Nang và Ugpalung. Nhà Vua tổ chức một cuộc tiếp đón trọng thể với một đoàn tu sĩ, hân hoan rước ta về chùa Utse. Các quan cùng mọi người trong hoàng gia và các dịch giả thật vui mừng chào đón cứ như là ta vừa mới sống lại sau khi chết, nhưng ngay sau đó ta đi ra bảo tháp thờ xá lợi của Đại Sư Trưởng Santaraksita, dâng cúng bảy nắm vàng bụi và chín tấm lụa trên một cái mâm mandala rồi khóc lớn;

“Than ôi! Vị thầy tốt nhất, đấng thánh nhân

Bầu trời thì rộng và đầy sao,

Nhưng nay Mặt Trời Bẩy Ngựa đã đi đâu

Để không ai dẹp tan màn vô minh cho chúng tôi?

Ngọn đèn sáng của hòn đảo tối Tây Tạng đâu rồi?

Quả cầu thạch anh lửa tinh tuyền ở đâu?

Nay những tia sáng từ bi của ngài không còn chiếu lên chúng tôi,     

Ai sẽ dẫn dắt người mù mắt trắng như tượng?

Kho tàng nhà Vua đầy phẩm vật,

Nhưng viên ngọc như ý của chúng ta đã không còn,

Ai sẽ cho chúng ta được như nguyện?

Ai là người giải thoát xứ quỷ đói chúng ta?

Ngài đã đi đâu, Viên Ngọc Như Ý qúy báu?

Nay suối ước nguyện của chúng ta không còn nuôi chúng ta nữa,

Ai sẽ giúp người què có chân mà không dùng được?

Trong ba ngàn thế giới có nhiều vị vua,

Nhưng không có vị chuyển luân vương thì ai bảo hộ chúng ta?

Chúng ta biết nương tựa ai trong xứ Tây Tạng man rợ này?

Hỡi vị chuyển luân vương, chúa của chúng tôi, ngài đã đi đâu?

Nay vị luật sư không còn chống đỡ cho chúng ta,

Ai sẽ bảo vệ người câm có lưỡi mà không dùng được?

Ở Magadha, Ấn Độ, có nhiều thánh hiền,

Nhưng không có ngài, Đại Sư Trưởng, ai sẽ cầm ngọn đuốc giáo pháp?

Ngài đã đi đâu, người thay mặt cao cả của Đức Phật?

Nay vị thầy dạy kinh điển không còn trợ giúp chúng ta,

Ai sẽ bảo hộ những cái xác biết đi và nghĩ này?

Than ôi! Bậc đại hiền triết, học giả Santaraksita,

Bồ Tát, thần của các vị thần,

Qua lòng từ bi của ngài, nguyện con và chúng sinh

Được gặp giáo pháp trong mỗi kiếp, và dễ dàng

Đạt đạo và giải thoát qua giáo lý kinh điển và mật điển,

Đạt lợi ích chúng sinh qua bốn điều thu phục người khác (tứ nhiếp pháp: bố thí, nói dịu dàng, ái ngữ cùng làm việc, làm lợi cho người khác)

Thực Hành hoàn hảo các hạnh Bồ Tát.

Nguyện con trở thành thủ lãnh của giáo lý và của các vị thầy,

Dựng cờ giáo pháp để còn mãi,

Trong thân người vượt biển bằng thuyền giáo pháp,

Nguyện Con là Lama, của người và là người cầm lái thuyền”.

Bỗng từ phần trên của tháp một giọng nói vang lên:

“OM AH HUNG !

Hãy làm những việc mà chư Phật ba đời vẫn làm,

Việc làm của con sẽ lan rộng với bầu trời,

Lan rộng rễ và cành của Phật Giáo, khắp mười phương

Mẹ của chư Phật ba thời bao trùm tất cả và đầy ơn phước.”    

Mọi người tụ tập ở đó đều nghe thấy các lời này và đều sung sướng.

Ta trở thành nữ pháp sư của nhà Vua và sống ở Chimphu trong mười một năm cùng với Thầy của ta, hoằng truyền giáo lý và pháp thực hành Phật Giáo. Đại Sư ban cho ta tất cả các giáo lý bí mật chứa trong kho tàng tâm trí của ngài, không giữ lại một pháp nào cả, giống như nước trong một cái bình được trút hết vào một cái bình khác. Ngài nói với ta điều quan trọng đặc biệt này: “Sắp tới lúc ta đi Ngayab Khandroling, xứ của các Dãkinĩ. Ta phải để lại vô số giáo lý cao rộng và thâm sâu, ở khắp vương quốc Tây Tạng. Con phải hấp thụ cẩn thận giáo lý của ta, rồi soạn thành bảo tạng để truyền cho đời sau. Còn điều này nữa, vì cô gái Kalasiddhi đã thực hiện ý nghĩa của cái tên của mình do đã đạt thành tựu Mật Giáo trong gia đình các Dãkinĩ hóa thân, cô ta sẽ là người phối ngẫu của ta trong công việc làm ra nhiều giáo lý Mật Giáo bí mật và sâu xa không có ở nơi nào khác, và sẽ được ta cất giấu như những bảo tạng dành cho đời mạt thế”.

Làm theo lời, ta giao cô gái Kalasiddhi cho ngài. Sau đó ta trình bày mandala Tập Hội Tâm Lama, làm cho Vua Mutri Tsenpo giác ngộ và giải thoát, và nhờ đó tiếp tục theo Phật Giáo như các tổ tiên của mình.

Tất cả các giáo lý mà Đại Sư đã truyền dạy đều được viết lại và được cất giấu như những bảo tàng dành cho đời sau. Namkhai Nyingpo có tài tốc ký, Atsara Pelyang có tài viết chữ đẹp, Denma Tsemang có tài chính tả, Chokro Lui Gyeltsen có tài viết văn trong sáng, Yudra Nyingpo là bậc thầy về văn phạm và luận lý, Vairotsana là bậc thầy về mọi tài năng, và ta có trí nhớ hoàn hảo, tất cả hai mươi lăm đệ tử sơ cơ góp công sức trong việc biên soạn giáo lý của Đức Liên Hoa Sanh. Có người viết tiếng Sanskrit, có người viết chữ Dãkinĩ, chữ Newari, có người viết chữ lửa, chữ nước, có người viết chữ thường hay chữ hoa Tây Tạng hoặc các kiểu khác, với chữ trang trí trên giấy đen, theo kiểu chữ Bru và Gilgit, kiểu Kongseng hay kiểu Khyi nyul, tất cả đều được ngắt câu đúng. Chúng ta chép một triệu tập Thành Tựu Tâm, một trăm ngàn tập Giọt Tim (hai loại terma thường được tìm thấy), các nghi quỹ, luận thư, giáo lý bí mật, tất cả đều sâu rộng, một số rất sâu xa nhưng đưa tới kết quả nhanh, số khác dài nhưng quan trọng, một số văn bản ngắn nhưng trọn vẹn, một số dễ thực hành nhưng mang lại nhiều ơn phước. Tất cả các văn bản này được sắp xếp theo những bản hướng dẫn, đó là những danh sách các văn bản được cất giấu hai lần, danh sách các lời tiên tri, và nhiều loại khác, để gây niềm tin và giúp đỡ các terton tương lai, và tất cả các văn bản được sắp xếp thứ tự.

Vị Guru và Dãkinĩ, hai đồng tu, có cùng ý nguyện là phụng sự chúng sinh bằng phương tiện thiện xảo và trí huệ. Với cùng hoạt động về Khẩu, chúng ta giảng giải các kinh điển và mật điển. Với cùng các hóa thân chúng ta kiểm soát thế giới hiện tượng. Với cùng tri thức và tài năng chúng ta làm việc vì ích lợi của Giáo Pháp và của chúng sinh. Với cùng các hoạt động, chúng ta tùy ý dùng các pháp nhiếp phục. Rốt cuộc, Liên Hoa Sanh và Yeshe Tsogyel giống như Kuntuzangpo và Kuntuzangmo (Kunzang yab-yum, hợp nhất âm dương trong cõi pháp giới): Thân, Khẩu, Ý, Hoạt Động, và Phẩm Tính của chúng ta hòa nhập vào cõi không thấm nhập tất cả.

Từ Chimphu chúng ta đi bộ từ chỗ này sang chỗ khác, ban phước cho tất cả các địa điểm năng lực ở toàn cõi Tây Tạng. Trước hết chúng ta đi tới ba xứ Taktsang. Ở Paro Taktsang, Bhutan, chúng ta phân phối các bảo tạng và để lại các bản tiên tri. Đại Sư cầu nguyện: “Đây là địa điểm Tâm Ý Đạo Sư, ai hành trì ở đây sẽ thành tựu mahamudra. Khi đạo sư trụ ở cõi trời cao nhất (Sắc Cứu cánh Thiên), các biểu tượng Thân, Khẩu, Ý của ngài sẽ tự nhiên hiển lộ”. Ngài lại cầu nguyện và ban phép lành cho bức tượng Doije Trollo, một bảo tháp tự hiển lộ cùng Thần Chú Lục Tự một cách tự nhiên.

Sau đó, chúng ta đi tới Womphu Taktsang thuộc miền Trung Tây Tạng, là nơi Đại Sư ra lệnh cho các vị Thần giữ Kho Tàng bảo hộ các bảo tạng mà ngài giao phó, phân phối các bản tóm tắt. Ngài cầu nguyện: “Đây là địa điểm năng lực. Ai hành thiền ở đây sẽ đạt sinh lực trường sinh. Khi Đạo Sư sinh ra trên hồ Dhanakosa, các biểu hiện Thân, Khẩu, Ý của ngài sẽ tự hiển lộ”. Rồi cũng như lần trước, ngài cầu nguyện và ban phép lành cho các bức tượng, Thần Chú Ba Chữ, Thần chú Chín Chữ RULU, một bảo tháp và một chùy kim cương, ở Taktsang thuộc tỉnh Kham, khi cất giấu từng bảo tạng một, ngài buộc các vị Thần Giữ Kho Tàng phải thề bảo hộ các bảo tạng này, ngài cũng làm các bài tiên tri và phân phối các bản tóm tắt để hướng dẫn đời sau tìm lại các bảo tạng. Ngài cầu nguyện: “Đây là địa điểm năng lực Khẩu Đạo Sư. Ai hành thiền ở đây sẽ đạt danh tiếng và ơn phước lớn, nhưng nếu ai không phát nguyện samaya thì sẽ gặp chướng ngại lớn. Ở đây hành giả có thể đạt được các quyền năng thần thông thế gian cũng như tối thượng. Khi bánh xe pháp được quay, ma quỷ bị nhiếp phục, và những người thuộc tà giáo được hóa độ như ở các thánh địa Vajrasana, Samath, và những nơi khác, thì Thân, Khẩu, Ý, Phật sẽ hiển lộ tự nhiên, và Thần Chú Sáu Chữ, Thần Chú Ba Chủng Tự, Thần Chú Mười Hai Chữ sẽ xuất hiện cùng với một bảo tháp”. Rồi ngài cầu nguyện và ban phép lành.

(Để biết chi tiết hoạt động của Đại Sư và Vị Phối Ngẫu ở nhiều địa điểm năng lực khác, hãy xem các bản tiểu sử của Đạo Sư Tôn Quý và các sách khác)

Đức Đại Sư và ta trở về Chùa Utse với tư cách pháp sư và nữ pháp sư của Hoàng Đế Tây Tạng. Sau khi ban giáo lý khẩu truyền, liệt kê các bảo tạng cùng các terton, và lời hướng dẫn cá nhân cho nhà Vua, các quan, các hoàng hậu, cung nhân, và nhiều dịch giả, vào ngày mùng mười tháng mười năm thân (năm 790 hoặc 802 dương lịch) Đức Đại Sư cưỡi trên các tia mặt trời đi tới đảo Ngayab ở miền Tây Nam. Vì lợi ích của nhà Vua và vì ta là Sư Trưởng của sáu thư viện, ta ở lại phụng sự chúng sinh, cất giấu các bảo tạng thuộc giáo lý của Đại Sư ở khắp nơi.

Trong đoàn người đưa tiễn Đại Sư, Nhà Vua, các thí chủ và mọi người nâng ngài trên vai họ đi tới Đèo Gungtang. Tại đó, họ khẩn cầu ngài ban lời hướng dẫn và lời tiên tri sau cùng. Khi ngài đi rồi, họ buồn thảm trở về Samye. Cưỡi các tia sáng mặt trời, ta đi theo ngài tới tận Tsashorong vùng biên giới Nepal, nơi đây chúng ta hạ đáp xuống Hang Bí Mật Tsashorong và lưu lại hai mươi mốt ngày, ở đây Đại Sư trình bày mandala Dzogchen Ati Khyabdal (một pháp môn được coi là nguy hiểm) và truyền pháp cho ta. Khi thấy nữ pháp sư Chonema lộ vẻ nghi ngờ và lưỡng lự, Đại Sư nói: “Giáo lý Mật Giáo đã được truyền bá ở Tây Tạng. Nhưng Ati, giáo lý tối thượng của Đại Thừa, đã gây nhiều tranh luận. Người ta không đạt giác ngộ qua giáo lý này nhiều như qua dòng giáo lý khẩu truyền hay dòng bảo tạng được xuất lộ. Hơn nữa, các hành giả tu pháp này không có ý định phụng sự người khác. Các điều kiện thực hành của pháp này, cũng như của Mật Giáo nói chung, sẽ dẫn tới sự tăng và giảm nhanh về quyền năng giới hạn của hành giả.” Thế là ngài không truyền pháp cho Chonema. Nhưng đối với ta, ngài truyền trọn vẹn pháp môn này, không giữ lại một điều nào cả. Ngài bảo:

“Nay con đã sẵn sàng thọ nhận giáo lý cao cấp này, mọi lý luận đều là thừa. Không thể truyền giáo lý này quá sớm hay quá muộn, vào lúc không thuận lợi hay cho người nào chưa sẵn sàng, vì cũng giống như lúa chín không thể được để lại ngoài đồng, sau khi đắc quả hành giả không được kéo dài đời sống ở thế gian này. Trong đạo pháp này không có nghiệp tốt hay nghiệp xấu; không có người trên kẻ dưới, không có linh lợi hay trì độn, không có trẻ hay già, mà mục tiêu là sự hòa nhập trọn vẹn (chìm đắm) vào cõi pháp giới (cõi chân không bất nhị) nơi toàn thể thực tại không còn. Nếu giáo lý này được truyền quá sớm cho một người giống như con để bước vào hoạt động phụng sự chúng sinh, truyền bá giáo lý của Đức Phật, và cất giấu các bảo tạng vì lợi ích của những người đời sau, thì mọi việc này sẽ thêm khó khăn. Tại sao lại như vậy? Vì thể xác vật chất của con sẽ bị tiêu hao ngay. Bây giờ con nên thiền quán không lơ đãng giây phút nào về thực tế biểu lộ (cấp đầu tiên của bốn cấp thiền quán togal giải trừ sắc thân thành thân ánh sáng), mà vẫn giữ thân xác, con sẽ mau đắc Phật Quả. Sau khi ta đi rồi, con hãy tham thiền ở Zapu và Tidro cũng như ở những địa điểm tương tự; sau ba năm kinh nghiệm thiền quán của con sẽ gia tăng, và sau sáu năm con sẽ đạt tri kiến tự nhiên siêu diệu. Lúc đó, con sẽ cất giấu những bảo tạng còn lại để người đời sau được hưởng. Qua việc trao truyền các giáo lý bí mật, con sẽ hoàn thành bổn phận của mình đối với người khác. Sau đó con hãy đi tới Kharchu ở Lhodrak để tiếp tục tu luyện, thi triển huyền thuật, xuất hiện trong nhiều hình dạng khác nhau để giúp đỡ một số người tùy theo nhu cầu của họ. Sau hai trăm năm sắc thân con sẽ không còn, và con sẽ gặp ta trong cõi Trí Huệ ở Ngayab Khanđro Ling, Xứ của các Dãkinĩ; ở đó chúng ta hợp nhất bất khả phân như một cõi tịnh để hoạt động vì lợi ích của chúng sinh.”

Sau khi báo cho ta biết trước về tương lai như thế rồi ngài sẵn sàng cưỡi tia sáng mặt trời ra đi, nhưng ta vẫn cúi mình than thở với ngài :

“Ôi ! Thưa Đại Sư Orgyen

Ngài đang ở đây mà trong khoảnh khắc đã đi rồi,

Thật giống như sinh tử vô thường.

Làm sao con có thể làm cho sống chết ngừng lại

Ôi! Thưa Đại Sư Orgyen,

Chúng ta đã sống với nhau lâu rồi

Mà nay trong khoảnh khắc sẽ phải chia xa

Trùng phùng và biệt ly là như vậy.

Làm sao con có thể ở bên ngài mãi mãi?

Ôi ! Thưa Đại Sư Orgyen,

Trước đây ngài đã ở khắp Tây Tạng,

Mà nay chỉ còn giấu vết của sự hiện diện nơi ngài,

Vô thường là như vậy.

Làm sao con có thể ngăn cản gió nghiệp?

Ôi! Thưa Đại Sư Orgyen,

Trước đây lời khuyên bảo của ngài đã làm cho Tây Tạng phấn khởi,

Mà nay chúng con chỉ còn được nghe kể những sự tích

Biến dịch là như vậy.

Làm sao con có thể đặt niềm tin kiên cố?

Ôi! Thưa Đại Sư Grgyen,

Cho tới lúc này con đã là đồng hành trung thành của ngài,

Mà nay, Đức Đại Sư đang đi vào cõi trời,

Để lại con với nghiệp xấu của mình.

Ai sẽ ban phước và phò hộ con?

Ôi! Thưa Đại Sư Orgyen,

Lời nói của ngài là những giáo lý sâu xa,

Nhưng nay bất tử ngài tan hòa vào cõi không

Để lại con bị giam trong xác thân này.

Con biết nhờ ai dẹp chướng ngại và dạy bảo?

Ôi! Thưa Đại Sư Từ Bi,

Xin ngài ban cho con vài lời khuyên,

Xin luôn từ bi quán xét con

Xin nhớ tới Tây Tạng trong lời cầu nguyện của ngài. ”

Nói xong ta thẩy mười ba nắm vàng bụi lên Thân của Đại Sư, và trong khi ta vẫn đang đau khổ, Đức Đại Sư cưỡi trên các tia mặt trời ở trên cao ngang đầu người, trả lời ta:

“Hãy nghe đây, con gái, Biển Thiện xảo,

Liên Hoa Sanh ra đi để nhiếp phục bọn la sát

Hành động thiện xảo của Thân, Khẩu, Ý Phật hoàn hảo này

Không thể đem so sánh với việc phá vỡ luân hồi.

Nếu sợ sinh tử, hãy làm theo giáo lý Đức Phật,

Và khi đã kiểm soát được dòng sinh lực và tiến trình tạo nghiệp,       

Con sẽ dứt luân hồi bằng phương pháp siêu diệu nhất.

Hãy nghe đây, người phối ngẫu trung thành, đức hạnh,

Liên Hoa Sanh ra đi vì lợi ích chúng sinh.

Tâm từ bi vô lượng và vô phân biệt

Không thể đem so sánh với màn vô minh của phàm nhân.

Muốn được mãi ở bên ta thì hãy thực hành Đạo Sư Quán (Guru Yoga),

Lúc đó những linh ảnh sẽ xuất hiện như vị Lama của con;

Muốn tránh chuyện hợp tan thì đó là cách tốt nhất.

Hãy nghe đây, Đức Bà mỹ lệ,

Liên Hoa Sanh ra đi để hóa độ người khác một cách vô vị kỷ.

Thân Tối Thượng, vô nhiễm, vô vật chất này,

Không thể đem so sánh với những người mang nghiệp xấu.

Ta đã dạy nhiều đệ tử và thành tựu giả ở Tây Tạng;

Nếu con thiền quán về mahamudra để hiểu vô thường,

Và an nhiên tự tại trong luân hồi cũng như niết bàn,

Thì đó là cách tốt nhất để chặn đứng gió nghiệp.

Hãy nghe đây, người con gái trung thành, mãi mãi trẻ trung.

Liên Hoa Sanh ra đi để dạy đạo trong cõi la sát.

Thân kim cương tối thượng, bất biến này,

Không thể đem so sánh với thân người bệnh tật.

Ta đã truyền dạy giáo lý Đức Phật ở khắp Tây Tạng.

Để giáo pháp được tồn tại con hãy giảng nói và quán tưởng,

Hãy học tập, chiêm nghiệm và thiền định để duy trì Phật Pháp.

Lợi ích cho mình và người sẽ tự nhiên thành tựu;

Đó là cách tốt nhất để tránh biến dịch và hư hoại

Hãy nghe đây, người con gái trung thành xứ Kharchen.

Liên Hoa Sanh ra đi tới cõi liên hoa quang.

Giống như ý nguyện của Chư Phật ba đời,

Không thể so sánh ta với loài người bị Diêm Vương theo đuổi.

Nữ đệ tử sau khi thành tựu, đắc ki thân,

Hãy kêu cầu sự gia hộ của trí bát nhã,

Vì đó là đại diện tối thượng của Đức Đại Sư.

Hãy nghe đây,Yeshe Tsogyel,

Liên Hoa Sanh ra đi tới cõi đại lạc

Vị thần bất tử trụ trong Không Thân này,

Không thể đem so sánh với loài người thân và tâm phân biệt.

Tsogyel đã được giải thoát bằng giáo lý bí truyền sâu xa,

Hãy thiền quán về Dzogchen Ati để diệt thân vật chất giả tạm,

Thiền định và niệm chú sẽ giải trừ chướng ngại và nhận được cảm hứng.

Đó là cách tốt nhất để vượt trở ngại đi tới tâm từ bi của Đại Sư.

Hãy nghe đây, Ánh Sáng Xanh Chói Lọi thành tựu.

Ta đã khuyên dạy con trong quá khứ,

Tất cả những giáo lý đó được thu tóm trong lời dạy sau cùng này,

Hãy thực hành môn Guru Yoga sau đây :

Cách một sải ở trên đầu con, trên tòa sen và mặt trăng,

Trong một vầng hào quang ngũ sắc,

Là Liên Hoa Sanh, Đạo Sư của mọi người,

Với một mặt và hai tay, cầm chày kim cương cùng chén sọ,

Mặc áo trong  áo ngoài, váy và khăn quàng,

Một khăn quàng ngoài và một áo choàng rộng,

Biểu thị ngài đã thành tựu viên mãn sáu thừa tu tập,

Ngài đội mũ với lông kên kên và đeo hoa tai,

Ngồi thế hoa sen, tỏa sáng hào quang,

Với tám mươi hảo tướng,

Giữa các Dãkinĩ lung linh trong ánh sáng năm mầu,

Sáng và rõ như ánh sáng của tâm,

Khi linh ảnh này hiện rõ, hãy nhận sự gia hộ và trụ trong đại định.

Nếu linh ảnh không rõ, hãy thiền quán tinh tấn hơn,

Rồi tụng các thần chú Guru Siddhi căn bản và tinh yếu,

Và sau cùng hòa nhập vị Lama vào thân khẩu ý của mình,

Chia sẻ công đức và nguyện đạt được phẩm tính của vị Lama,

Và đắm mình trong cõi vô vi của pháp Dzogchen

Như vậy là tốt nhất, hỡi Tsogyel.

Và lòng từ bi của ta không hề tăng giảm bất thường.

Không thể bẻ gẫy luồng từ bi của ta rọi trên Tây Tạng.

Ta luôn có mặt trước những đệ tử nào cầu nguyện ta.

Ta không bao giờ phân cách với các đệ tử trung tín.

Với người cứng đầu thì dù ta hiện diện bằng thân xác cũng như không.

Tâm từ bi không ngừng sẽ làm cho đệ tử của ta có nhãn quan trong sáng.

Vậy trong tương lai, vào ngày mùng mười mỗi tháng.

Ta sẽ xuất hiện cưỡi trên tia sáng của Thần Mặt Trời,

Trong các hình dạng hiền hòa, gia trì, nhiếp phục, và hủy diệt,

Trong bốn thời liên tiếp của một ngày,

Để giúp các đệ tử của ta đạt thành tựu.

Ta cũng xuất hiện vào ngày thứ mười cuối tháng,

Đặc biệt là để thành tựu các hoạt động nhiếp phục và hủy diệt.

Vào ngày rằm, cưỡi tia sáng trăng,

Ta khuấy động các cõi luân hồi bằng lời cầu nguyện đầy từ bi của ta,

Làm cho tất cả các cõi thấp đều trống không,

Với lực hành động hoàn hảo vì lợi ích chúng sinh,

Vào ngày mùng tám, sau khi trời tối và trước khi bình minh,

Lúc hoàng hôn và bình minh, cưỡi con ngựa toàn trí của ta,

Đi qua các địa điểm năng lực của thế giới,

Ta sẽ mang mọi thành tựu

Trong xứ quỷ cái độc ác, ta sẽ quay bánh xe pháp;

Cho chúng sinh ở hai mươi mốt đảo man rợ,

Và ba mươi xứ dã man nhất,

Để hóa giải, gia trì, nhiếp phục hay hủy diệt,

Xuất hiện như lửa, gió hay nước,

Như bầu trời, cầu vồng, động đất hay sấm sét,

Ta sẽ biến thành một triệu hóa thân để hướng dẫn chúng sinh tới an lạc,

Không có gì để cản trở ta hành động vì chúng sinh.

Hỡi nữ đệ tử, con sẽ sống hơn một trăm năm nữa,

Để đem hạnh phúc cho chúng sinh Tây Tạng.

Sau một trăm lẻ một năm, con có thể tới Ngayab Ung,

Ở đó, không phân ly với Liên Hoa Sanh, con sẽ bảo hộ các đệ tử của con.

Tên của con sẽ là “Trí Giả Ánh Sáng Xanh Chói Lọi”,

Mãi mãi thân khẩu ý của các con hợp nhất với ta.

Dòng sinh tử chấm dứt, nghiệp lực không còn,

Con sẽ phóng ra các hóa thân vì lợi ích của người đời sau.

Ở Tây Tạng các hóa thân của con sẽ còn mãi,

Làm việc không mệt mỏi hay ân hận, vì lợi ích chúng sinh.

Vậy hãy bình tĩnh, hỡi Tsogyel!

Con và ta sẽ không bao giờ phân ly.

Nhưng ở cõi vô thường này, Từ Biệt !

Và qua lời cầu nguyện từ bi của ta, Tây Tạng sẽ an lạc”.

Sau khi Đức Liên Hoa Sanh nói xong, trên bầu trời xuất hiện vô số Bồ Tát và Dãkinĩ tấu nhạc cùng ca hát, mang lều vải, phướn chiến thắng, cờ, lọng tròn, lọng vuông, thảm, chiêng, trống, tù và, kèn, kèn xương đùi, trống bỏi, trống lớn, đàn các loại, trống đồng, cờ, quạt, và các dụng cụ nghi lễ khác. Đức Đại Sư biến đi trong những tia sáng lấp lóe ở giữa đoàn thiên nhạc này. Quá đau khổ vì phải xa cách ngài, ta kêu lên: “Ôi! Đức Đại Sư Tôn Quý! Tấm Gương ‘Phật Đà độc nhất! Cha Già và Người Cứu Độ độc nhất của chúng con! Con mắt độc nhất của Tây Tạng! Trái tim độc nhất của con. Tại sao ngài không thương xót con mà lại hành hạ con như vậy! Than ôi! “Cứ như thế ta cầu xin ngài quay trở lại và ta cứ như phủ phục than khóc mãi. Rốt cuộc ngài quay lại lần cuối cùng và nói với ta lời phó chúc thứ nhất (trong số ba lời phó chúc) mà ta sẽ không tiết lộ ở đây, rồi ngài lại biến vào vùng ánh sáng lung linh, mặt ngài quay về hướng Tây Nam. Một lần nữa ta nhào xuống đất; lăn lộn như một đứa bé con và kêu cầu ngài: “Than ôi! thật là khốn khổ cho con! Đức Đại Sư Orgyel, ngài nỡ lòng nào bỏ lại một xứ Tây Tạng trống rỗng? Ngài nỡ lòng nào thu lại ánh sáng từ bi của mình? Ngài nỡ lòng nào để cho Phật Pháp không được truyền dạy đầy đủ ở xứ này? Ngài nỡ lòng nào bỏ rơi dân Tây Tạng? Không lẽ ngài để cho Tsogyel này không nơi nương tựa? Xin ngài từ bi nhìn lại!” Ta cứ kêu khóc như vậy cho tới khi không biết từ đâu vọng lại rõ mồn một tiếng ngài nói với ta điều phó chúc thứ nhì. Một lần nữa bầu trời và mặt đất tràn ngập ánh sáng, và khối ánh sáng lung linh chuyển thành hình dạng một Dãkinĩ, và rồi khuôn mặt chói sáng của Dãkinĩ này mờ dần cho tới khi biến mất. Lại một lần nữa ta vật vã mình trên đá, xé rách từng miếng thịt, để cho những dòng máu chảy ra và dâng máu thịt này lên cho ngài như một lễ cúng, rồi lại kêu khóc với ngài:

“Than ôi! Than ôi! Tấm Lòng Từ Bi!

Hành vi của Đại Sư cùng là một với cõi không,

Nhưng ngày nay chuyện vị Đại Sư của Tây Tạng đã xong.

Người đen đầu đều có số phận riêng của họ,

Nhưng ngày nay toàn xứ Tây Tạng đã gặp số phận tàn nhẫn của mình.

Mỗi người đều có nỗi sung sướng đau khổ riêng,

Nhưng ngày nay đau khổ đã rơi xuống đầu con.

Than ôi là khốn khổ, xin ngài hãy mở lòng từ bi”

Bỗng có tiếng nói đáp lại: “Tsogyel, nhìn đây”. Và khi nó quanh, ta trông thấy một quả cầu ánh sáng lớn bằng cái đầu của ta từ trên trời rơi xuống. Bên trong là di vật thứ nhất về việc nhập niết bàn của ngài (trong số ba di vật vốn là ba kinh nghiệm từ ba thân của ngài). Rồi khối ánh sáng tràn ngập Tây Tạng bây giờ cô đọng lại thành một quả cầu và biến đi trong ánh sáng rực rỡ về hướng Tây Nam cùng nơi với Đức Đại Sư. Ta lại đau khổ cầu khẩn ngài: “Đức Orgyen Tôn Kính, xin ngài đừng rút lại tâm từ bi! Xin đừng rời xa con!” Như lần trước, tiếng nói bảo ta nhìn và một cái hộp bằng ánh sáng lớn như nắm tay chứa di vật thứ nhì do việc nhập niết bàn của ngài rơi xuống trước mặt ta. Ánh sáng ban ngày và ánh sáng của mặt trời tập trung rồi biến về hướng Tây Nam. Trong ánh sáng mờ còn lại, ta tỉnh lại như trong một giấc mơ nhớ lại Đức Đại Sư với các Dãkinĩ vây quanh, và trong nỗi xúc động lớn đến chảy nước mắt, ta cất tiếng ca những lời đau khổ trong nỗi mơ ước gặp lại thầy:

“Than ôi! Đức Orgyen Rinpoche tôn kính,

Người cha cũng là người bảo hộ độc nhất của Tây Tạng,

Nay ngài đã đi tới Xứ Khandro,

Nên Tây Tạng trở thành trống rỗng

Viên Ngọc Quý, ngài đang ở đâu bây giờ?

Không có đi hay đến,

Nhưng hôm nay ngài đã đi tới cõi Orgyen.

Sau đầu của thần và người mặt trời đã lặn,

Ai sẽ sưởi ấm kẻ không y phục?

Loài người đã bị móc mắt,

Ai sẽ dẫn dắt kẻ mù với cái nhìn trống không?

Loài người đã bị moi tim,

Ai sẽ hướng dẫn những xác thân còn ý thức đó?

Ngài đã đến đây vì lợi ích chúng sinh,

Sao không ở lại đây mãi mãi?

Ôi, khốn khổ cho con! Đức Orgyen Rinpoche!

Thời u ám đã đến xứ Tây Tạng,

Thời các am thất trống không,

Thời Ngài Giáo Pháp không có ai ngự,

Thời Bình Nước Điểm Đạo không đựng cả,

Thời việc trí Tâm bị pha trộn với kiêu ngạo,

Thời người ta chỉ có thể tìm lời dạy trong kinh điển,

Thời chúng con chỉ có thể quán tưởng Đức Đại Sư,

Thời người ta nương tựa vào tranh và tượng,

Thời chỉ tìm gặp linh ảnh trong những giấc mơ.

Đó là những điều không hay của thời hắc ám đang rơi lên đầu chúng con.

Than ôi! Đức Orgyen Tôn Kính

Xin hãy từ bi để mắt tới chúng con, Đức Orgyen, Vị Thầy của Chân Lý”.

Sau lời yêu cầu đó, một cái hộp ánh sáng không lớn hơn một đốt ngón tay xuất hiện ở đầu tia sáng từ hướng Tây Nam chiếu tới. Trong hộp ta thấy di vật thứ ba về việc nhập niết bàn của Đức Đại Sư và tức khắc ta đạt tín tâm không hề thoái chuyển. Các mong ước và lo sợ sâu kín trong lòng ta đều tan biến hết, mọi ưu tư của ta cũng giảm bớt và ta trực nhận được sự hiện diện ở khắp nơi mãi mãi của Đức Đại Sư.

Rồi với sự thành kính vô cùng, ta trình bày mandala Tập Hội Huyền bí của Đạo Sư. Sau ba tháng tu luyện, ta gặp Đại Sư cả sáu thời ngày đêm, nhận được nhiều lời dạy bí truyền của ngài trong linh ảnh.

Sau đó, để giúp Dewamo phục hồi trọn vẹn linh thị về Đại Sư của cô ta, với sự cho phép của Đại Sư, ta soạn một nghi thức hành trì gọi là “Yang Phur Drakma”, có phần cao cấp là một nghi thức căn bản Yangdak, còn phần sơ cấp liên quan tới Kim Cương Zhonnu, Đấng Giải Trừ Chướng Ngại. Nghi thức này được dạy cho nhiều đệ tử trung thành, đặc biệt là Dawamo, rồi sau đó được truyền qua cả hai dòng khẩu truyền và dòng bảo tạng cất giấu.

Ta trở về Mangyul và được các tu sĩ, tu sinh, và nữ tu Lodro Kyi đầy lòng tôn sùng vui mừng làm lễ đánh giấu ngày ta trở lại. Họ thỉnh cầu ta ở đó vĩnh viễn, nhưng ta chỉ ở lại một tháng để hướng dẫn họ tu tập, dẹp chướng ngại, khuyên bảo, chỉ dẫn về thiền quán để họ nhận ra thành tựu của mình. Sau đó ta lên xứ Tsang. Đi tới đâu dân bản xứ cũng đều nói: “Dù Đức Đại Sư Tôn Quý đã đến xứ la sát, nhưng vì Đức Bà đã trở về đây, nên chúng tôi hết sức biết ơn”. Họ dành cho ta sự tôn sùng cũng y như Đức Đại Sư, đến nỗi cản trở đường đi của ta bằng lòng thành tín của họ. Ta truyền pháp và chỉ dạy tất cả bọn họ không phân biệt kẻ hơn người kém.

Kế đó ta đến ở Zurpisa, một năm nhận thấy những người như Nyen Pelyang, Be Yeshe Nyingpo, Lasum Gyelwa Jangchub, Odren Pelgyi Zhonnu Trẻ, Langlab Jangchub Kim Cương và Dacha Rupa Kim Cương, em bé bảy tuổi, đều thích hợp cho việc tu tập, nên ta nhận họ làm đệ tử, rồi đưa họ tới giác ngộ và giải thoát. Từ Zurpisa ta tới Shang sống ở trong mấy cái hang Pama Gang được ba năm, làm vô số lợi lạc cho chúng sinh. Từ Shang ta tới Zapu, thiền quán về thực tế tối thượng vô công (Ati) của Đại Thừa, và sau một năm thể nghiệm về linh thị đã gia tăng, ta thấy một nguồn năng lực lớn và sức mạnh phụng sự mới. Ta cất giấu mười ba bảo tạng ở đó. Từ Zapu ta đến ở Tiro xứ Zho sáu năm thì đạt Trí vi diệu, thâm nhập tận cốt tủy của Dzogchen, (Sự tích Tsogyel phụng sự nhiều Dãkinĩ và đi qua sáu mươi hai tịnh thổ được cất giấu ở chỗ khác).

Chính trong giai đoạn này ta thực hành pháp khổ tu cuối cùng, đó là pháp “Trao đổi nghiệp của mình với nghiệp của người khác”. Viên quan quái ác Santipa, trước đây gây cho ta nhiều đau khổ, bị tái sinh vào địa ngục não nhiệt, chỉ nhờ lực từ bi của ta mà hắn được đưa ra khỏi đó.

(Tsogyel đã đưa ra khỏi các địa ngục nhiều tội nhân vốn có nhân duyên kiếp trước với bà và những người bà có tình cảm vô vị kỷ với họ, nhưng chuyện này được kể trong các sách khác viết về bà).

Thêm nữa chính thân xác này ta đã dâng cho thú đói ăn thịt, hay nuôi người thiếu ăn, cho người nghèo quần áo, của cải, người bệnh được thuốc men, cho người không nhà không chỗ ở, ngay cả người tham dâm cũng nhận được những bộ phận sinh dục của ta. Tóm lại, để làm lợi ích chúng sinh, ta cho họ thể xác và sự sống của ta cho mà không luyến tiếc hay vụ lợi nên Thần Indra và Long Thần Ananda sai quyến thuộc tới thử thách.

Số là ở Tiro có một người què được ba người hầu thay phiên nhau cõng đến tìm ta hỏi: “Các người từ đâu? Tới đây có việc gì?”

Người què đáp: “Chúng tôi từ Ombu, Miền Trung Tây Tạng đến, bị nhà Vua trừng phạt oan uổng nên cả hai xương đầu gối của tôi bị bẻ ra. Nhiều y sĩ giỏi Tây Tạng bảo rằng duy chỉ một cách là lấy xương đầu gối của đàn bà ráp vào thì sẽ mau bình phục. Nay nghe nói Đức Bà sẵn lòng cho bất cứ cái gì người ta cần có, vì vậy tôi đến đây để xin Đức Bà giúp tôi việc này, là có thể thỏa mãn lời thỉnh cầu của tôi được không?” Vừa nói người què thở dài ảo não.

Lòng thương xót dâng lên tràn ngập trong lòng nên ta trả lời tùy ý mà lấy vì đã phát đại nguyện trước đạo sư là tùy thuận chúng sinh ưa thích, mà làm cho thỏa mãn.

Họ rút dao ra nói: “Cần phải rạch một vết lớn để lấy xương đầu gối của Đức Bà ra. Đức Bà chịu đau nổi không?”

Ta đáp: “Dù xảy ra điều gì, các ngươi cứ làm những gì cần phải làm”.

Họ rạch hình chữ thập trên hai đầu gối của ta rồi nạy lấy hai cái xương ra, nghe xương chạm vào dao và gây phát ra tiếng “Cắc !”, “Cắc !”. Rốt cuộc họ đặt hai cái xương đẫm máu gớm ghiếc trước mặt ta. Lúc đó thần thức của ta đã tạm thời thoát xác. Khi tỉnh lại, ta bảo họ mang hai cái xương đi và họ ra về một cách sung sướng.

Thời gian sau, khi hai đầu gối của ta đã lành, một người cùi tàn tạ hơn tất cả những người cùi khác, tới gặp ta khóc lóc. Toàn thân của người đó đầy máu và mủ, mũi của hắn chỉ còn là một lổ hổng lớn, mùi hôi thúi từ hai cái môi rữa nát bốc ra nồng nặc.

Ta hỏi: “Tại sao ngươi khóc? Tình trạng hiện tại là hậu quả của các hành động trong quá khứ của ngươi có kêu khóc cũng vô ích. Ngươi nên niệm chú và quán tưởng vị thần Yidam. Như thế sẽ có lợi”.

Người cùi nói: “Tôi cũng biết bệnh tật là nỗi khổ của kiếp luân hồi, nhưng tôi là nạn nhân của cái gì đó còn tệ hơn bệnh tật nữa”.

Ta hỏi: “Cái gì mà tệ hơn bệnh tật?”

“Một con ma hung dữ đã làm cho tôi bị cùi, nhưng tệ hơn nữa, tôi có một người vợ cũng là con gái của một vị thần như bà vậy, cô ta đuổi tôi ra khỏi nhà để dẫn một người đàn ông khác về khi đã chán chê tôi. Nay nghe nói bà là người dâng hiến trọn cuộc đời của mình cho người khác, vậy bà có vui lòng làm vợ tôi không?

Dứt lời người cùi bật khóc. Thấy anh ta thật đáng thương, ta trả lời: “Đừng khóc nữa. Em sẽ làm theo mọi ý muốn của anh”.

Từ đó ta sống với người cùi, làm tròn bổn phận của người vợ gương mẫu.

Ta còn giúp đỡ nhiều người khác nữa. Bảy tín đồ Đạo Bon tới xin bộ da của ta để cúng Thần Tài Yang. Ta tự lột da mình đưa cho họ. Nhiều người tới xin ta mắt, đầu, tay, chân, lưỡi và nhiều thứ khác ta đều cho họ. Ta còn cầu nguyện cho họ được sự gia hộ về tinh thần.

Sau đó một thời gian, Thần Indra đích thân xuất hiện biếu ta bảo vật của các vị thần, năm cái áo lụa thiêng, một bình cam lộ bảy món thiêng và quý, và ca tụng ta:

Nữ nhân, người siêu diệu,

Hành giả như các Bồ Tát ngày xưa,

Sẵn lòng hy sinh thân mạng cho người khác,

Đức Mẹ từ bi, ta quy y ngài.

Con người tối siêu diệu, ta sùng bái ngài.

Từ đây cho tới muôn đại kiếp sau,

Nữ Hoàng thiêng liêng, dù ngài quay bánh xe pháp nào, Ta cũng hộ trì ngài.

Nói xong, Thần Indra biến đi thân thể của ta lành lặn trở lại như trước. Ngoài ra, người chồng cùi hủi của ta biến thành rắn thần Ananda, chất đầy trước mặt ta những báu vật của các thần naga, chắp tay một cách thành kính, Ananda tán thán:

“Đạo Sư Yeshe Tsogyel!

Ngài làm chìa khóa huyền diệu của Liên Hoa sanh!

Ngài từ bi gánh chịu đau khổ của người khác,

Ngài không phân biệt “tịnh ” và “bất tịnh ”,

Tự ái của ngài đã được tịnh hóa,

Vị Thầy của Giáo Pháp, Mẹ của Chư Phật, ta cúi chào ngài.

Đạo Sư Liên Hoa Chuỗi Sọ Thiện Xảo là Lama của ta,

Vì vậy, xin bà chị từ bi để tâm tôi ta.

Nguồn của biển pháp và của mọi nghi quỹ,

Nguồn ý nghĩa về các giáo lý khâu truyền và công truyền của Liên Hoa sanh,

Riêng ngài giữ nhiệm vụ quảng bá,

Suốt kiếp ta theo hầu ngài,

Bảo hộ ngài,

Làm điều lợi và ngăn điều dữ; cho ngài”.

Dứt lời Ananda biến vào lòng đất với hình dạng thật của mình.

Được biết ta đang ở Tiro, Thần Vương Mutri Tsenpo mời ta tới Samye, và ta sống ở Chimphu sáu năm. Các dịch giả, triều thần, quan lại và các hoàng hậu được sự hướng dẫn của nhà vua đều đến viếng ta, khiêm tốn hầu hạ ta. Từ lễ thọ giới của các tu sĩ trước đây.

Vì ý câu trên chỉ thời gian nên câu dưới có thể chỉ nơi chốn nên các vị hộ pháp theo hộ trì dù phương tiện thuận hay nghịch cũng là sự hộ trì nhân số tại các tu viện ở Chimphu và các nơi khác đã giảm một chút, các mahasiddha (đại thành tựu giả) tự đạt giác ngộ đã phân tán khắp nơi để phụng sự chúng sinh, những người khác đã già hoặc đã nhập niết bàn. Nhờ ơn vua, một ngàn năm trăm tăng sĩ mới được thọ giới cùng một lúc, và nhà vua cử hiền gia Ấn Độ Kamalasila làm sư trưởng mới. Ta hướng dẫn các tu sĩ mới và sau đó họ tới Chimphu để tập thiền, có kết quả tốt. Nhiều người trong số họ đạt thần thông, có thể phô diễn quyền năng để chứng tỏ kết quả tu luyện của mình.

Trong khoảng thời gian này xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai phái Tonmin và Tsemin (Đốn Môn và Tiệm Môn). Đạo Sư Hashang dạy các tà thuyết bài bác giáo lý chính thống mà ông ta muốn phá hủy. Tu viện Samye chia rẽ thành hai phái, Đạo Sứ Kamalasila trụ trì Chùa Tamdin, còn Hashang giữ Chùa Jampa. Hai bên có tranh chấp nhau một chút, vì vậy ta cùng với một trăm tăng sĩ từ Chimphu đi xuống Samye để hòa giải: Lúc đầu hai bên không nghe lời ta, nhung sau khi ta biểu diễn huyền thuật thì cả hai môn phái đốn và tiệm đều tin tưởng ta và chấp nhận điều luật quy định giáo lý và thực hành tu tập phải theo môn phái tiệm của Kamalasila; còn Hashang và những người của môn phái đốn (Thiền Tông) phải trở về Trung Hoa, quê hương của họ, sau khi được tặng rất nhiều vàng.

Hoàng Đế trợ cấp hậu hĩ các tu viện ở Lhasa, Samye, Trandruk và các nơi khác. Mười ba ngàn tu sĩ mới tu được thọ giới ở Chimphu ta đảm nhiệm việc giảng giáo lý và dạy thực hành tu tập cho các đệ tử đã được Đại Sư Liên Hoa Sanh thu nhận, cũng như các tăng sĩ mới, các đệ tử thuộc gia đình của ta, những người mới phật tâm tin tưởng vào Đạo Sư Tôn Quý ở các xứ Ngari, Mangyul, Purang, Bhutan, Tsang, Jar, Loro, Kongpo, Bốn quận Trung Tây Tạng, Bốn Tỉnh Miền Bắc, Gangdruk Xứ Dokham, cũng như thuộc Trung Hoa, Jang, Hor, Minyak, và nhiều xứ khác. Vậy tầm hoạt động vô vị kỷ của ta vươn cao tới tận trời, và các dòng đệ tử của ta có mặt ở khắp thế giới.

(Phần thứ ba Chương bảy này trình bày sơ lược về việc Đức Bà Tsogyel cất giấu các “Bảo Tạng Bộ Hành” chứa giáo lý của Đạo Sư Liên Hoa sanh. Với lòng từ bi vì chúng sinh không phân biệt, bà đi bộ tới các địa điểm năng lực nhỏ, các thung lũng và các quận để cất giấu các bảo tạng).

Sau đó ta nghĩ rằng mình đã thực hiện được ước vọng hoằng dương giáo pháp và phục vụ lợi ích chúng sinh. Một nửa cuộc đời của mình mà Đại Sư đã tiên tri nay đã trôi qua, Tri Kiến của ta đã đạt tiềm năng cao nhất. Hành vi của ta đạt mức lão luyện. Vì vậy ta phải hành thiền ở tất cả những địa điểm năng lực đã được Đại Sư Tôn Quý ban phước trước đây, để cất giấu các “Bảo Tạng Bộ Hành”, ban phép lành và phát các lời cầu nguyện của mình.

Trước hết, ta đi tới Tiro, ở lại đó một năm bảy tháng, cất giấu mười bảo tạng và cầu nguyện rằng bất cứ ai có may mắn liên hệ tới Đại Sư hay tới ta ở vùng đó sẽ đạt được ý nguyện, sau đó ta ban phép lành cho địa điểm này. Ta lại đi tới Sheldrak ở xứ Yar Lung, cất giấu năm bảo tạng, sau khi ở đó mười ba tháng ta cũng cầu nguyện. Tới Yong Dzong, ta ở lại một năm, cất giấu mười bảo tạng, ở Yerpa, trong một tháng ta cất giấu mười bảo tạng. Rồi từ từ đi về hướng đông tới Tsari Gang, ta ở lại đó một năm bốn tháng, cất giấu ba mươi bảo tạng lớn. Ở xứ Kongpo ta cất giấu cả thảy một trăm năm mươi bảo tạng. Sau đó ở miền Nam, trong Rặng Núi Trung Nepal, ta ở lại mười ba tháng, cất giấu ba mươi lăm bảo tạng, ở miền tây, trong Rặng Núi Lachi, ta ở lại bốn tháng, bảy ngày, cất giấu tám bảo tạng, ở miền Bắc, trong Rặng Núi Noichin, ta ở lại ba tháng, năm ngày, cất giấu ba bảo tạng, ở miền đông nam, ở Kempa Lung xứ Gyel, ta ở lại một năm và nửa tháng, cất giấu mười bảo tạng. Ở miền tây nam, ở Draphu Lung, ta ở lại năm tháng mười ngày, cất giấu bảy bảo tạng, ở miền tây bắc, ở Jakma Lung, ta ở lại một năm năm tháng, cất giấu chín bảo tạng lớn. Ở miền đông bắc ở Droma Lung, ta ở lại mười một tháng, cất giấu năm bảo tạng. Trong Rặng Núi Yarba ta ở lại một tháng, mười ngày, cất giấu ba bảo tạng. Trong Rặng Núi Selje ta ở lại một năm, cất giấu mười bảo tạng. Trong Rặng Núi Yu Lung ta ở lại ba tháng, cất giấu ba bảo tạng. Trong rặng núi Drongje ta  lại mười ngày, cất giấu ba bảo tạng. Trong Rặng Núi Yul Lung ta ở lại ba tháng, cất giấu bốn bảo tạng. Trong Rặng Núi Jomo ta ở lại một tháng, cất giấu mười bảo tạng. Trong Rặng Núi Nyewo ta ở lại năm tháng cất giấu bốn bảo tạng. Trong Rặng Núi Dzayul ta ở lại hai mươi mốt ngày, cất giấu một bảo tạng. Trong Rặng Núi Manam ta ở lại bảy ngày, cất giấu năm bảo tạng. Trong Rặng Núi Lhorong ta ở lại ba tháng bảy ngày, cất giấu mười ba bảo tạng. Trong Rặng Núi Rongtren ta ở lại bảy tháng, cất giấu mười lăm bảo tạng. Trong Rặng Núi Sheldrang ta ở lại hai tháng, mười ngày, cất giấu năm bảo tạng. Trong Rặng Núi Gampo ta ở lại một năm, một tháng, một ngày, cất giấu hai mươi bảo tạng. Trong Rặng Núi Jephu ta ở lại một tháng, cất giấu mười bốn bảo tạng. Trong Rặng Núi Bubol ta ở lại hai mươi mốt ngày, cất giấu ba bảo tạng. Trong Rặng Núi Sengtom ta ở lại bảy ngày, cất giấu hai bảo tạng. Trong Rặng Núi Tsonak ta ở lại chín ngày và nửa tháng, cất giấu một bảo tạng, ở miền đông, ta ở lại Makung Lung một tháng, cất giấu mười ba bảo tạng, ở miền nam, tại Bachak Sri, ta ở lại một năm, cất giấu bảy bảo tạng. Miền Tây tại Drangmen Lung ta ở lại một tháng, cất giấu ba bảo tạng. Miền Bắc tại Semodo, ta ở lại một tháng, cất giấu bốn bảo tạng.

Ngoài ra, ở cao nguyên Tsari Dzong, ở trung nguyên Kharak Dzong, ở bình nguyên Gere D.zong, ở Phari Dzong xứ Bhutan, ở Buchu Dzong xứ Kongpo, ở Bakyul Dzong xứ Puwo, ở Dorje Dzong xứ Den, ở Nabun Dzong xứ Cham, ở Nering Senge Dzong, ở Yari Drakmar Dzohg, ở Rating Sinpo Dzong, ở Lhari Yuru Dzong, ở Pelbar Dzong xứ Tola, ở Bumo Dzong xứ Rekha, ở Drakmar Dzong xứ Ling, ở Lhadrak Dzong xứ Dri, ở Kongme Drakar Dzong, và ở các nơi khác, ta ở lại mấy tháng hay mấy ngày, lập liên hệ vững chắc và cất giấu bảo tạng mỗi địa điểm năng lực.

Ta cũng đi tới Tám Đại Thung Lũng Bí Mật: Dremoshong ở Trung Nepal, Pemako ở Lhoyul, Zapu Lung xứ Shang, Gowo Jong xứ Me, Gyelmo Mudo Jong, Lhamo Ngulkhang Jong, Gyellung Jokpo Lung bà Budum Lung xứ Bhutan. Mỗi nơi ta ở lại một năm, cất giấu nhiều bảo tạng tùy theo tầm quan trọng của địa điểm năng lực.

Như vậy ta đã đi tới Hai Mươi Lăm Rặng Núi, Bốn Địa Điểm Năng Lực Được Ban Phước, mười tám địa điểm năng lực ở Mười Tám Đồn Lớn, và một trăm lẻ tám địa điểm năng lực nơi Đại Sư Tôn Quý đã hành thiền, và ở những chỗ này ta hành trì vài năm, mấy tháng hay mấy ngày, cầu nguyện và ban phước.

Lại nữa, đặc biệt là ở vùng Dokham, ta ban phước và cất giấu các bảo tạng ở tám địa điểm năng lực mang tám danh hiệu của Đại Sư Tôn Quý và được ngài ban phước, ở năm địa điểm năng lực của Năm Phương Diện Chuỗi Sọ Thiện Xảo, ở mười hai địa điểm năng lực nghiệp vi diệu, ở ba địa điểm năng lực được ban phước bởi các tiên tri.

(Như vậy Đức Bà Tsogyel cất giấu các bảo tạng của Đại Sư Liên Hoa tại một trăm lẻ năm địa điểm năng lực lớn và một ngàn bảy mươi địa điểm năng lực nhỏ ở Đại Tây Tạng. Còn hàng triệu địa điểm khác có thể được nói tới nhưng tên gọi ý nghĩa và số lượng của những địa điểm đó sẽ chiếm rất nhiều chỗ trong văn bản này. Thêm nữa, cách cất giấu các bảo tạng ở Đại Tây Tạng và đặc biệt là ở Samye, Lhasa và Trandruk đã được nói tới trong các bản liệt kê bảo tạng và trong các sách tiểu sử dài của Đại Sư.

Tới đây là chấm dứt chương thứ bảy diễn tả hoạt động vì chúng sinh của Đức Bà Yeshe Tsogyel.

SAMAYA GYA GYA GYA ITHI GLHYA KHA-THAM MANDA ZAB GYA.

Khai Mật Tạng Taksham Samten Lingpa khám phá
Việt dịch: Lục Thạch
Trích: Vũ điệu Dakini