CHIA SẺ

Bài viết sau được phỏng theo pháp thoại trong khóa Satipatthana của Thiền Sư S.N. Goenka.

LỜI DHAMMA

Hiểu thấu đáo Dhamma
Và không còn khao khát nhờ tuệ giác,
Người có trí rũ sạch dục vọng
Tĩnh lặng như mặt hồ không có gió

Có bảy bojjhangas (yếu tố giác ngộ) phải được phát triển để đạt được mục tiêu tối hậu là sự giải thoát hoàn toàn. Đó là những yếu tố:
1. Sati – niệm
2. Dhammavicaya – trạch pháp
3. Vīrya – tinh tấn
4. Piti – hỷ
5. Passaddhi – khinh an
6. Samādhi – định
7. Upekkhā – Xả (bình tâm, không dính mắc)

Bojjhaṅga thứ nhất là sati, Niệm.

Không có Niệm, không thể bước đi xa hơn trên con đường. Sati, sự quan sát thực tế một cách khách quan, là yếu tố quan trọng nhất bởi vì niệm phải luôn luôn hiện diện từng khoảnh khắc cùng với mỗi yếu tố khác.

Dhamma-vicaya là bojjhaṅga thứ hai. Từ caya hay cayana nghĩa là “hòa nhập.” Sự thật hiển nhiên, chắc đặc, hòa nhập, hư ảo tạo ra lầm lẫn và bối rối, đưa đến quyết định và hành động sai lầm. Vicaya hay vicayana nghĩa là chia cắt, mổ xẻ, phân tán, tách rời là những gì Vipassanā muốn quý vị làm. Thoạt tiên, Trạch pháp chỉ ở mức độ tri thức.

Cơ thể được phân tích chỉ có bốn phần, không có “tôi” trong đó. Tâm chỉ có bốn tập hợp. Ta quan sát sáu cửa giác quan, đối tượng của giác quan, sự tiếp xúc giữa chúng và tiến trình sinh sôi nảy nở. Sự thông suốt về mặt trí thức có được nhờ tiến trình này hướng dẫn ta bắt đầu thực sự thực hành Vipassanā và nghiên cứu sự thật ở mức độ thực nghiệm để trở thành một yếu tố giác ngộ, dhamma-vicaya trạch pháp phải trở thành một sự tìm hiểu qua trải nghiệm – kinh nghiệm trực tiếp về hiện tượng sinh diệt ở mức độ cảm thọ.

Bojjhaṅga thứ ba là virya tinh tấn tương tự samma-vayamo trong Bát Thánh Đạo. Cần có cố gắng to lớn, những nỗ lực để không phản ứng, để mọi việc tự nhiên xảy ra. Dù quý vị chiến thắng cả 1,000 trận chiến với 1,000 kẻ thù, trận chiến không phản ứng trong nội tâm vẫn khó hơn nhiều bởi vì thói quen cố hữu là phải làm cái gì đó, phải phản ứng. Muốn khoan một lỗ ở viên kim cương, ta cần phải ấn mạnh, nhưng mạnh quá thì làm vỡ viên kim cương. Nó là con đường trung đạo.

Khi quý vị tiếp tục thực hành với sati, dhamma-vicaya, và virya, bất tịnh sẽ mất đi, và quý vị chứng nghiệm được bojjhaṅga thứ tư là piti, Hỷ (tâm trạng sảng khoái). Quý vị phải cẩn thận. Nếu quý vị bị ràng buộc vào dòng thông suốt của những rung động khoan khoái khắp cơ thể, nếu quý vị tìm kiếm và bị ràng buộc vào nó thì nó không còn là bojjhaṅga nữa. Nếu vẫn giữ được sự hiểu biết về anicca – rằng đây vẫn còn ở trong lĩnh vực tâm và thân, của sinh, diệt – thì piti trở thành một yếu tố giác ngộ.

Sau giai đoạn này, thiền giả chứng nghiệm được passaddhi: khinh an một trạng thái an tĩnh và tĩnh lặng rất sâu. Tâm trở nên hết sức bình an, yên lặng, và an tĩnh. Một lần nữa thiền giả có ngộ nhận rằng trạng thái an tĩnh rất sâu này, chưa từng có trước đây là sự giải thoát. Cũng như piti có thể trở thành ràng buộc nếu không hiểu đúng đắn, tương tự như thế, passaddhi cũng có thể trở thành sự ràng buộc. Quý vị phải hiểu rằng đây chỉ là trạm nghỉ chân, con đường tới mục tiêu tối hậu hãy còn rất xa. Quý vị có thể kiểm tra để thấy rằng sáu giác quan vẫn còn hoạt động: mở mắt ra, hay lắng nghe. Quý vị vẫn còn ở trong lĩnh vực sinh và diệt. Quý vị chưa vượt ra ngoài lĩnh vực tâm và thân.

Hãy kiểm tra kỹ lưỡng passaddhi khinh an này, trải nghiệm an tĩnh, tĩnh lặng rất sâu này. Mặc dù rất khó nhận ra, một dao động vi tế vẫn còn, và cảm thọ này được gọi là adukkhamasukham (không dễ chịu cũng không khó chịu). Trong piti, sự trải nghiệm là dễ chịu; bây giờ nó chỉ là an tĩnh, và sự nguy hiểm là không cảm nghiệm được anicca. Buông bỏ khỏi thèm muốn đối với cảm thọ dễ chịu hay chán ghét đối với cảm thọ khó chịu thì dễ hơn nhiều so với sự buông bỏ sự an tĩnh này. Quý vị phải hết sức chú tâm, với một cái tâm hết sức bén nhạy, cảm nhận sự dao động vi tế, kiểm tra sáu giác quan, và không ngừng hiểu rằng kinh nghiệm này là anicca. Nếu quý vị ý thức được sự dao động rất vi tế này, nảy sinh, diệt đi, thì nó trở thành một bojjhaṅga và cho quý vị sức mạnh để đi xa hơn. Sự trải nghiệm của quý vị tăng trưởng.

Thường có nhiều câu hỏi về adukkhamasukham hay cảm thọ trung tính. Đức Phật không nói về cảm thọ trên bề mặt, không dễ chịu cũng không khó chịu. Những cảm thọ này hoàn toàn khác hẳn với cảm thọ trung tính Đức Phật muốn nói đến; những cảm thọ trên bề mặt, không dễ chịu cũng không khó chịu tạo ra thèm muốn và chán ghét bởi vì người ta nhàm chán chúng, không còn hứng thú và muốn cái gì khác. Kinh nghiệm những cảm thọ này trở nên cũ kỹ. Họ muốn thêm cái gì mới, cái mà họ không có. Đây là khuôn mẫu thói quen cố hữu của họ.

Yếu tố giác ngộ kế tiếp là samādhi – Định (Tâm hợp nhất, không dao động). Samma – samādhi chánh định đưa chúng ta tới chỗ bên ngoài mọi cảnh giới của kiếp sống và kết quả là sự giải thoát hoàn toàn khỏi sự ràng buộc vào sinh, tử, và khỏi mọi loại khổ đau… Nó được thực hành với Tỉnh giác sampajāna, sự hiểu biết tỉnh táo về hiện tượng tâm-thân và ngộ được bản tánh sinh và diệt. Với sự thực hành samma-samādhi chánh định và sampajāna tỉnh giác, hết cái này đến cái khác, thiền giả đạt được quả vị Sotāpanna tu đà hoàn, sakādagāmi tư đà hàm, anāgami a na hàm, và arahant (a la hán). Như thế, samādhi trở thành một yếu tố giác ngộ.

Upekkhā – Xả, (sự bình tâm, không dính mắc) là yếu tố giác ngộ thứ bảy. Giống như sati, Niệm nó phải có mặt từ lúc đầu đến lúc cuối, ở mọi giai đoạn. Bất cứ yếu tố nào khác đang được phát triển, Niệm và Xả phải luôn luôn có mặt.

(Ấn bản Quốc Tế – tháng 5, 1997)
Thiền sư Goenka
Nguồn: Ký sự Dhamma – Chương 5: Yếu tố giác ngộ