CHIA SẺ

Sau đây là bài tóm lược pháp thoại ngày thứ hai, khóa thiền 3 ngày của Thiền sư Goenka dành cho thiền sinh cũ.

LỜI DHAMMA

Sau đó Đấng Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo:
“Này các tỳ kheo, bây giờ đây là những gì ta nói với các người:
Tất cả những gì kết hợp đều phù du, hãy luyện tập chuyên cần!”
Đây là những lời cuối cùng của đấng Tathāgata (Như Lai).

Mahapara Nibbāna Sutta (Kinh Nhập Đại Niết Bàn), Dighanikaya 16-6-7

Trên bề mặt, tâm chơi nhiều trò chơi khác nhau – nghĩ ngợi, tưởng tượng, mơ mộng, đưa ra những đề nghị nên thế này, nên thế nọ… Nhưng sâu tận bên trong, tâm vẫn là tù nhân của khuôn mẫu thói quen của chính nó; và khuôn mẫu thói quen tại tầng lớp sâu thẳm nhất là cảm nhận những cảm giác và phản ứng lại chúng. Nếu cảm giác là dễ chịu, tâm phản ứng bằng sự thèm muốn; nếu cảm giác là khó chịu, tâm phản ứng bằng sự chán ghét.

Sự giác ngộ của Đức Phật là đi vào tận gốc rễ của vấn đề. Nếu không luyện tập ở phần gốc rễ, chúng ta sẽ chỉ tập bằng trí thức và chỉ thanh lọc được phần bề mặt của tâm. Chừng nào gốc rễ của cây không được lành mạnh, toàn thể cây sẽ bị ốm yếu. Nếu gốc rễ lành mạnh, chúng sẽ cung cấp nhựa tốt cho toàn bộ cây. Bởi vậy hãy bắt đầu luyện tập ở phần gốc rễ. Đây là sự giác ngộ của Đức Phật.

Khi Đức Phật truyền bá Dhamma, con đường của sīla (giới), samādhi (định – khả năng hợp nhất, không dao động của tâm), paññā (tuệ chứng) – Bát Thánh Đạo – không phải là để thành lập tông phái, giáo điều, hay là đức tin. Dhamma là con đường thực tiễn.

Những ai bước đi trên con đường có thể đi tới tận bề sâu và diệt trừ được mọi khổ đau. Những người đã thực sự được giải thoát hiểu rằng, đi vào tận đáy sâu của tâm – làm một cuộc giải phẫu tâm – phải tự mình làm lấy, bằng mỗi cá nhân. Ai đó có thể hướng dẫn quý vị với tất cả tình thương và lòng trắc ẩn, ai đó có thể giúp đỡ quý vị đi trên con đường. Nhưng không một ai có thể cõng quý vị trên vai và nói: “Ta sẽ mang bạn đến đích cuối cùng. Chỉ cần tuân phục ta: ta sẽ làm mọi việc cho bạn.”

Quý vị chịu trách nhiệm về sự ràng buộc của chính mình. Quý vị chịu trách nhiệm về việc làm cho tâm mình bất tịnh, chứ không phải ai khác. Quý vị phải có bổn phận thanh lọc tâm mình, và cắt đứt mọi sự ràng buộc. Không một ai khác có thể làm giúp cho quý vị.

Và sự thực hành liên tục là bí quyết của thành công. Khi nói rằng quý vị phải ý thức một cách liên tục, có nghĩa là quý vị phải ý thức với trí tuệ về cảm thọ trên cơ thể, nơi quý vị thực sự cảm nghiệm được sự nảy sinh và diệt đi. Sự ý thức về anicca là sự thanh lọc tâm – sự ý thức về cảm thọ sinh, diệt, sinh, diệt… Tri thức hóa điều này sẽ không có ích gì cả. Quý vị có thể hiểu: “Mọi cái nảy sinh không sớm thì muộn rồi cũng diệt đi. Bất cứ ai sinh ra đời, không sớm thì muộn cũng sẽ chết. Đây là anicca.”

Quý vị có thể hiểu điều này một cách đúng đắn, nhưng quý vị đã không kinh nghiệm được nó. Chỉ có tự mình kinh nghiệm trực tiếp mới thanh lọc được tâm và giải thoát cho quý vị khỏi khổ đau. Từ “kinh nghiệm” ở Ấn Độ vào thời của Đức Phật được gọi là vedanā, cảm thấy bằng kinh nghiệm, chứ không chỉ là tri thức hóa. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi một cảm thọ được nhận ra trên cơ thể.

Anicca (vô thường, không bề vững) phải được chứng nghiệm. Nếu quý vị không chứng nghiệm được anicca thì nó chỉ là lý thuyết. Và Đức Phật không quan tâm gì đến lý thuyết. Ngay trước thời của Đức Phật, và ngay thời của Đức Phật, có những đạo sư dạy rằng, toàn thể vũ trụ là anicca; điều này không có gì là mới mẻ cả. Cái mới của Đức Phật là sự chứng nghiệm về anicca, và khi quý vị chứng nghiệm về anicca trong phạm vi cơ thể của chính mình, quý vị bắt đầu luyện tập tại tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm.

Hai điều rất quan trọng cho những ai bước đi trên con đường. Điều thứ nhất là phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa tâm ý thức và tâm vô thức. Nhưng ngay cả khi tâm ý thức của quý vị bây giờ có thể cảm thấy những cảm thọ mà trước đây chỉ do tâm vô thức cảm nhận được, chỉ điều đó không thôi cũng không có ích gì cho quý vị cả. Đức Phật muốn quý vị bước đi bước thứ hai: thay đổi khuôn mẫu thói quen phản ứng của tâm tại tầng lớp sâu thẳm nhất.

Khi tới giai đoạn quý vị nhận ra những cảm thọ là bước tốt thứ nhất, tuy nhiên khuôn mẫu thói quen về phản ứng vẫn tồn tại. Khi quý vị cảm thấy một cảm thọ khó chịu, nếu quý vị tiếp tục phản ứng – “Ồ, ta phải loại trừ nó đi” – điều đó không giúp ích gì cả. Nếu quý vị bắt đầu cảm thấy một dòng trôi chảy dễ chịu của những rung động rất vi tế khắp cơ thể, và quý vị phản ứng – “À, tuyệt quá! Đây là những gì ta đang tìm kiếm. Giờ thì ta đã có được!” – quý vị đã hoàn toàn không hiểu gì về Vipassanā.

Vipassanā không phải là một trò chơi về dễ chịu, khó chịu, dễ chịu, khó chịu. Quý vị đã phản ứng như thế suốt cả đời, qua vô lượng kiếp. Bây giờ nhân danh Vipassanā quý vị bắt đầu làm cho thói quen này mạnh hơn. Mỗi lần cảm thấy một cảm thọ khó chịu, quý vị phản ứng cùng một kiểu cách bằng sự chán ghét. Mọi lúc khi cảm thấy một cảm thọ dễ chịu, quý vị lại phản ứng cùng một kiểu cách bằng sự thèm muốn. Vipassanā đã không giúp ích gì cho quý vị bởi vì quý vị cũng không giúp ích gì cho Vipassanā.

Lúc nào quý vị phạm sai lầm một lần nữa khi phản ứng bởi vì thói quen cố hữu, hãy xét xem quý vị nhận ra sai lầm nhanh đến chừng nào: “Hãy nhìn xem – một cảm thọ khó chịu và tôi đã phản ứng bằng sự chán ghét; một cảm thọ dễ chịu và tôi đang phản ứng bằng sự thèm muốn. Đây không phải là Vipassanā. Điều này sẽ không giúp gì cho tôi cả.”

Vào thời đó, và sau này cũng vậy, tại Ấn Độ có nhiều phương pháp khi thực hành, thiền giả bắt đầu cảm thấy những rung động vi tế khắp cơ thể khi sự chắc đặc đã tan rã. Sự thật là ngay cả những rung động vi tế nhất mà ta cảm thấy vẫn là một hiện tượng nằm trong lĩnh vực của tâm và thân. Nó sinh, diệt, sinh, diệt; vẫn trong lĩnh vực của anicca vô thường, lĩnh vực không ngừng thay đổi.

Một số thiền giả thời xưa cố đặt ra giả thuyết cho những trải nghiệm tinh tế này. Sau khi tới giai đoạn mà họ không cảm thấy gì ngoài những rung động vi tế, họ mường tượng: “Trong khắp vũ trụ, có năng lượng vi tế này. Đây là Thượng Đế Toàn Năng. Tôi đang cảm nhận loại năng lượng này; tôi đang ở cùng với Thượng Đế Toàn Năng. Toàn thể vũ trụ là một. Mọi chúng sinh là Thượng đế. Tại sao ta lại thiên vị hay thiên kiến?” Một lập luận tâm linh rất tích cực. Nhưng nó chỉ hữu ích ở tầng lớp bề mặt.

Thực tế là ngay cả kinh nghiệm rất vi tế này vẫn còn nằm trong lĩnh vực của tâm và thân. Nó không phải là sự thật tối hậu nằm bên ngoài tâm và thân. Tất cả những giả thuyết này, cho dù có tích cực đến đâu đi nữa, cũng không thể giải thoát cho một ai. Quý vị phải ở với thực tế, với sự thật đúng như thật. Mọi thứ không ngừng thay đổi.

Mọi rung động đều không là gì ngoài sự thay đổi, một dòng chảy. Sự chứng nghiệm này loại trừ khuôn mẫu thói quen bám rễ sâu về sự phản ứng đối với cảm giác. Bất cứ cảm giác nào mà quý vị cảm thấy, dễ chịu, khó chịu, trung tính – quý vị hãy sử dụng chúng làm công cụ. Những cảm giác này có thể trở thành phương tiện để giải thoát quý vị khỏi khổ đau, với điều kiện là quý vị hiểu rõ sự thật đúng như thật. Nhưng cùng những cảm giác đó có thể là công cụ làm gia tăng gấp bội khổ đau của mình. Ưa thích hay ghét bỏ không nên làm quý vị sao lãng. Thực tế là: cảm giác sinh, diệt, chúng là anicca. Dễ chịu, khó chịu hay trung tính – cũng không có gì khác biệt cả. Khi quý vị bắt đầu ngộ ra rằng, ngay cả những cảm giác dễ chịu nhất mà quý vị cảm nhận được cũng là dukkha (khổ, không toại nguyện), thì rồi quý vị càng đến gần sự giải thoát hơn.

Hãy hiểu tại sao cảm giác dễ chịu cũng là dukkha. Mỗi lúc khi một cảm giác dễ chịu nảy sinh, quý vị bắt đầu tận hưởng nó. Thói quen bám víu vào cảm giác dễ chịu đã tồn tại trong vô lượng kiếp. Và bởi vì điều này, quý vị sinh chán ghét. Thèm muốn và chán ghét là hai mặt của cùng một đồng xu. Thèm muốn càng nhiều thì đương nhiên chán ghét cũng nhiều không kém. Không sớm thì muộn những cảm giác dễ chịu sẽ trở thành cảm giác khó chịu; và mọi cảm giác khó chịu trở thành cảm giác dễ chịu; đây là luật tự nhiên. Nếu quý vị bắt đầu thèm muốn cảm giác dễ chịu, quý vị mời gọi khổ đau đến.

Giáo huấn của Đức Phật giúp chúng ta làm tan rã sự chắc đặc làm chúng ta không thấy được sự thật đích thực. Ở mức độ thực thụ, mọi thứ chỉ là những rung động, không còn gì khác. Đồng thời, cũng có sự chắc đặc. Ví dụ, bức tường này là chắc đặc. Đây cũng là sự thật, sự thật hiển hiện. Ở sự thật tối hậu, cái mà quý vị gọi là bức tường thật ra chỉ là một khối rung động của những vi tử cực nhỏ.

Dhamma phát triển sự hiểu biết của chúng ta để chúng ta có thể thoát khỏi thói quen phản ứng và hiểu được rằng sự thèm muốn có hại cho chúng ta, sự thù ghét có hại cho chúng ta. Và rồi chúng ta thực tế hơn: “Hãy xem, có sự thật tối hậu, và cũng có sự thật hiển hiện, cả hai đều là sự thật.”

Tiến trình đi vào tận bề sâu của tâm để giải thoát, chỉ riêng bản thân chúng ta mới làm được, nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng thực tập với gia đình, với xã hội nói chung. Thước đo để đo mức độ chúng ta phát triển được tình thương, lòng trắc ẩn, thiện ý là xét xem liệu chúng ta có bày tỏ những phẩm chất tới những người xung quanh chúng ta hay không.

Đức Phật muốn chúng ta được giải thoát ở mức độ sâu nhất của tâm. Và điều này chỉ có thể khả thi chỉ khi nào ta ngộ được ba đặc tính: anicca (vô thường, không bền vững), dukkha (khổ, không toại nguyện), anatta (vô ngã – không có một bản ngã riêng, không tự tánh). Khi tâm giải tỏa các thói quen xưa cũ dựa vào những điều kiện, hết lớp này đến lớp khác được thanh lọc cho tới khi tâm hết sạch mọi thói quen trói buộc.

Khi đó, sự thanh tịnh trở thành một cách sống. Quý vị không cần phải thực hành Mettā (lòng từ, lòng thương xót) như quý vị hiện đang làm cuối một giờ hành thiền. Sau này, Mettā trở thành cách sống tự nhiên. Mọi lúc quý vị đều tràn đầy tình thương, lòng trắc ẩn và thiện ý. Đây là mục tiêu, đích đến của chúng ta.

Con đường giải thoát là con đường luyện tập ở tầng lớp sâu nhất của tâm. Những hình thức gợi ý tâm linh tốt đẹp (như tụng niệm, quán tưởng một đấng cao quý,…) không có gì là sai quấy cả, nhưng trừ khi quý vị thay đổi được thói quen phản ứng mù quáng ở phần sâu nhất của tâm, quý vị chưa thể giải thoát được. Không ai có thể giải thoát trừ khi phần sâu nhất của tâm được thay đổi. Và phần này luôn luôn liên hệ với cảm thọ trên cơ thể.

Chúng ta phải chia cắt, mổ xẻ, làm tan rã toàn bộ cấu trúc để hiểu được tâm và thân tương quan mật thiết với nhau như thế nào. Nếu quý vị chỉ tập với tâm và bỏ quên thân, quý vị không thực hành lời Phật dạy. Nếu quý vị chỉ luyện tập với thân và bỏ quên tâm thì quý vị không hiểu Đức Phật một cách đúng đắn.

Đức Phật dạy cho chúng ta quan sát thực tế. Mọi sự nghiện ngập sẽ hết nếu chúng ta quan sát sự thật về cảm thọ trên cơ thể, hiểu rằng: “anicca, anicca. Đây là vô thường.” Từ từ chúng ta sẽ học được cách không phản ứng nữa.

Dhamma hết sức giản dị, hết sức khoa học, hết sức đúng đắn – một luật tự nhiên áp dụng cho mọi người. Phật tử, tín đồ đạo Ấn, đạo Hồi, đạo Cơ Đốc, người Mỹ, người Ấn, người Miến, người Nga hay người Ý – chẳng có gì khác biệt cả; một con người là một con người. Dhamma là khoa học thuần túy về tâm, thân và sự tương quan giữa cả hai. Đừng biến Dhamma trở thành tông phái hay đức tin triết lý mù quáng. Điều này chẳng có ích lợi gì cả.

Nhà khoa học vĩ đại của thế giới đã luyện tập để tìm ra sự thật về sự liên hệ giữa tâm và thân. Sau khi khám phá ra sự thật, Ngài khám phá ra cách vượt ra ngoài tâm và thân. Ngài thăm dò thực tế không phải vì tính tò mò nhưng để khám phá ra cách thoát khỏi khổ đau. Đối với mọi cá nhân có khổ đau; đối với mọi gia đình, mọi xã hội, mọi Phép lạ lớn nhất là thay đổi khuôn mẫu thói quen của cái tâm lăn lộn trong khổ đau chuyển sang sự tự do khỏi mọi phiền não. Không có phép lạ nào lớn hơn phép lạ này.

Mọi bước hướng về phép lạ này đều là những bước lành mạnh và hữu dụng. Mọi phép lạ trước mắt nào khác đều là sự ràng buộc.

Nguyện cho tất cả quý vị thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi ràng buộc. Hãy thọ hưởng bình an thực sự, hài hòa thực sự, hạnh phúc thực sự.

(Ấn bản Quốc Tế – tháng 5, 1997)

Thiền sư Goenka
Nguồn: Hãy tu tập để tự cứu mình – Nghệ thuật chết