CHIA SẺ

Xa ác cảnh nhị chướng dần tự hoại,
Lìa tán loạn thì thiện hạnh tự tăng.
Tâm trí lắng trong chân Pháp liền thấu đạt,
Thâm sơn thanh tịnh Bồ tát nương về.

Kệ thứ ba trong 37 Phẩm Bồ Tát Hạnh, câu đầu tiên sử dụng từ yulngen có nghĩa là đối tượng gây ra sự nhiễm ô hoặc gây ra các xúc tình tiêu cực. “Yul” có nghĩa là “đối tượng” và “ngen” có nghĩa là “xấu”, đối tượng xấu. Nếu muốn dần dần giảm bớt các xúc tình phiền não và không bị chướng ngại thì những đối tượng tiêu cực này cần phải được cách ly.

Tiếp đến, trong câu thứ hai, “namyeng” có nghĩa là lang thang không có phương hướng, ý chí tâm lang thang hoang dã. Loại tâm này cần phải được giảm bớt hoặc xả bỏ để bạn có thể tỉnh thức. Nếu bạn có thể hướng tâm mình vào trạng thái hoàn toàn tỉnh giác thì công đức của những hành động tốt hay công đức của những thiện nghiệp hay hai tích lũy công đức và trí tuệ chắc chắn sẽ tăng trưởng. Những ý nghĩ lan man hoang dại, không được kiểm soát cần được loại bỏ và tâm thức của chúng ta nên được giữ khỏi sự xao lãng, chúng ta nên giữ tâm trong sáng thoát khỏi mọi sự quấy rối để có thể hoàn toàn tập trung một cách chuyên nhất vào giáo Pháp và sự thực hành. Thông qua sự tập trung này, tâm sẽ trở nên trong sáng không xao lãng và bạn sẽ có được sự tự tin trong việc thực hành của mình.

Trong thực hành có ba thứ mà chúng ta cần từ bỏ: đầu tiên là từ bỏ những đối tượng tiêu cực. Cái chúng ta gọi là tiêu cực ở đây mang nghĩa chúng khuấy động những xúc tình của bạn. Đó có thể là một người bạn, một kẻ thù hay một đối tượng khác. Thứ hai là từ bỏ tâm vô định không kiểm soát và thứ ba là sự xao lãng trong tâm của chúng ta. Ba điều này có thể được xả bỏ bằng cách sống đơn độc ở một nơi thâm sơn hẻo lánh. Ở những nơi đông đúc như trong thành phố, bạn sẽ rất khó thực hành bởi ba chướng ngại trên luôn xuất hiện trong tâm bạn. Trong một đám đông, bạn không bao giờ có thể xả bỏ được chúng. Đáng lẽ tôi không nên nói “Không bao giờ” bởi nếu ai đó có sức mạnh và trí tuệ thì họ có thể làm được điều này. Nhưng xả bỏ trong điều kiện nghịch duyên như thế lại là không thể với phàm tình chúng sinh, bởi những xúc tình này thực sự quá hoang dã và khó kiểm soát, chúng ta cần có sự hỗ trợ từ ngoại duyên bằng cách lánh xa nơi đô thị ồn ào để thiền định, suy ngẫm một mình và thực hành Pháp.

Tiếp đến, mặc dù không có gì sai khi ở bên cạnh bạn bè nhưng như tôi đã nói ban đầu, một người bạn sẽ gây ra rắc rối cho chúng ta. Rắc rối theo nghĩa là sự có mặt của họ có thể cản trở chúng ta thực hành và làm lãng phí thời gian. Nếu chúng ta dành một tuần cho bạn, chúng ta lãng phí một tuần. Nếu là hai ngày, chúng ta lãng phí hai ngày hoặc thậm chí nếu chỉ có một ngày thì ngày đó cũng bị bỏ phí. Bởi vì chúng ta chưa tự kiểm soát được tâm và những ham muốn của mình nên bất cứ duyên nào từ bên ngoài cũng có thể khiến chúng ta xao lãng ngay lập tức. Do đó, chúng ta cần phải tuân theo lời khuyên này một cách cẩn thận.

Với những Bậc đã đạt tới mức độ tu tập cao cấp và hoàn toàn có thể tự kiểm soát xúc tình phiền não, các ngài không cần tới nơi thâm sơn để cô lập mình. Một trong những bậc Thầy của tôi nói rằng Ngài thích sống giữa đám đông hơn bởi tiếng ồn và tất cả mọi hỗn loạn mang đến cho Ngài rất nhiều sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ trong nghĩa Ngài có thể kiểm soát mọi thứ và phát triển trí tuệ hiểu biết của chính mình. Hơn nữa, theo ý nghĩa của thiền định, điều này khiến trí tuệ của Ngài thêm sắc bén. Vì thế mà Ngài luôn ở giữa những nơi đông đúc và ồn ào, Ngài thích sống ở trung tâm thành phố, nơi diễn ra nhiều hoạt động nhất. Còn đối với chúng ta, do chưa thể kiểm soát hoàn hảo thân tâm nên chúng ta rất cần một nơi cô tịch để tĩnh tu.

Tiếp theo nói, “Sống hoàn toàn một mình”. Ở đây, có hai cách giải thích: sống một mình về mặt vật chất và sống một mình về mặt tinh thần. Trên khía cạnh vật chất bên ngoài thì môi trường lý tưởng cho hành giả thực hành là một nơi cô tịch, yên tĩnh. Nhưng trước hết bạn cần phải biết làm thế nào để cô lập về tinh thần mặc dù trên phương diện địa điểm thì nơi hẻo lánh là rất quan trọng. Trên thực tế, nếu bề ngoài bạn nhập thất ở trên núi mà bên trong tâm thức vẫn lang thang nơi thành thị thì hoàn toàn sai lầm. Là một hành giả trên con đường Bồ tát đạo, bạn có thể sống bất kể nơi đâu, làm bất kể việc gì nhưng điều quan trọng là bạn không được bám chấp vào những nơi chốn hay hoàn cảnh đó.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Nguồn: Thâm sơn thanh tịnh là nơi phù hợp để tĩnh tu