CHIA SẺ

1. Nhận diện ra vọng tưởng, cái khổ đích thực

Muốn chấm dứt khổ, ta phải biết nhận diện ra những hình thái của khổ cùng những nguyên nhân và yếu tố hay điều kiện sinh khởi của nó để diệt tận gốc. Cũng như muốn diệt kẻ thù cần phải nhận ra kẻ thù và chỗ ở của nó.

Ai cũng thuộc lòng một bảng kê đầy đủ về Khổ mà Phật đã dạy, như ba loại khổ là khổ khổ, hành khổ, hoại khổ, hoặc tám loại khổ là sinh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oan gia tụ hội, cầu không được, năm ấm lẫy lừng… Nhưng Phật khuyên chúng ta mỗi người phải nhìn vào bản thân mình để thấy rõ đau khổ thực sự là gì? Nó nằm ở đâu?

Khổ cũng như vui, là một cảm thọ. Nếu không có cảm thọ thì không có khổ. Vậy vấn đề về khổ vui rút gọn lại chỉ là vấn đề cảm thọ, tức là nhận vào, thâu nạp một cảm giác, mà ta gọi là “cảm thọ của tôi”. Cảm thọ tự nó đã là khổ: Phật thường ví dụ đời sống cảm thọ như con bò bị lột da, hết sức đau khổ dù nó đứng bất cứ nơi nào, dưới nước hay trên khô, gặp nóng hay gặp lạnh. Có cảm thọ là không bao giờ có thỏa mãn. Trong mọi cuộc vui, mọi yến tiệc, hay bất cứ tình trạng nào được mệnh danh là hạnh phúc, luôn luôn người ta cảm thấy còn thiếu một cái gì, còn có cái gì chưa trọn vẹn. Không bao giờ mọi sự hoàn toàn tốt đẹp như ý. Dù có sở hữu toàn thể vũ trụ, có cảm thọ là vẫn còn đau khổ, vì ta không bao giờ toại ý thỏa lòng, như câu thơ của thi sĩ BG trong Mưa nguồn:

Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa
Gởi hồn đi phương hướng hút heo ngàn
Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ:
Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian?

Cái khổ càng đậm đà hơn khi ta nghiền ngẫm nó, đặt tên cho nó, xem nó là “tôi” và “của tôi.” Ngày xưa, có người hỏi tôn giả Xá Lợi Phất rằng, làm sao có hạnh phúc được, khi không còn cảm thọ? Tôn giả đã trả lời một câu rất thâm thúy: “Không có cảm thọ mới chính thực là hạnh phúc.” Ở đây ta phải hiểu câu trả lời này trong bối cảnh đích thực của nó là phát ngôn của một bậc a la hán, đã chứng quả Vô sinh, không còn chấp ngã, nên được tự tại trước những bận tâm của thế tục như còn mất, vinh nhục, sống chết, được thua… Đối với một vị như vậy thì sinh như mùa đông mặc thêm áo, tử như mùa hạ cởi bớt áo. Sinh già bệnh chết nơi vị A la hán không còn là “khổ” như quan niệm thường tình khi còn chấp thủ một bản ngã.

Trong kinh Đại Bát nhã, Phật cũng dạy rằng đặc tính của thọ nơi người phàm là “nhận lãnh, thâu nạp vào mình” nên phải khổ vì tâm luôn giao động bởi những cuộc thăng trầm. Nhưng với Bồ tát, thì thọ là “không”, vì Bồ tát không nạp thọ những gì bên ngoài đưa tới, khi giác quan và đối tượng (căn trần) gặp gỡ. Có lần một người ngoại đạo đến mắng Phật nhưng ngài vẫn ngồi điềm nhiên như không, bèn hỏi sao ngài có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công với đủ lời sỉ nhục như vậy. Phật trả lời vì ngài không thọ, cũng như được ai biếu quà mà không nhận, chỉ có thế. Khi nghe lời ấy, người kia được cảm hóa, xin trọn đời quy ngưỡng. Đó là “tính không” của cảm thọ mà người thiếu tu tập không thể làm nổi. Nghe người khác mắng chửi nhục mạ mình, thì trừ phi tai mình bị điếc hoặc ngu si không hiểu gì, mới làm thinh được như Phật. Người thế tục thường dính mắc điểm này, tự hỏi thế thì tu hành hóa ra cũng như bị tàn tật, dốt nát hay sao? Tu hành để đi đến chỗ không có cảm thọ như người bị bệnh tê liệt thần kinh hay sao. Cái cực thiện và cái cực ác có một bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nên dễ đánh lừa người thiếu trí. Người tu hành đến chỗ làm chủ được cảm thọ thì ngược lại rất bén nhạy, thường được gọi là thần thông, như tha tâm thông (biết được tâm niệm người khác), thiên nhĩ thông (nghe rất xa) thiên nhãn thông (thấy được những gì người khác không thấy) vân vân. Người phàm phu chỉ nhạy cảm đối với những gì liên hệ đến “tôi” và “của tôi” cho nên cảm thọ của họ hết sức hạn chế và dễ gây đau khổ cho mình và người. Đức Phật nhờ không thọ lời nhục mạ nên ngài không tự làm khổ mình, không gây thêm thù oán, mà trái lại còn cảm hóa được đối phương.

Nguồn gốc của đau khổ như vậy, chính là cảm thọ do chấp ngã, hay bám lấy quan niệm về một cái tôi, mà kinh Kim cương gọi là ngã tưởng. Đây là vô minh căn bản, còn gọi là SI. Khi đã chấp có tôi thì cũng chấp luôn những cái khác với tôi, gồm thế giới và chúng sinh trong đó đều bị tách phân thành ba loại là cái tôi ưa, cái tôi chán và cái tôi dửng dưng. Khai thác tối đa những gì tăng cường tiện nghi cho tôi và bà con tôi, dân tộc tôi, bất kể tàn hại bao nhiêu dân tộc khác, loài khác, cây cỏ và sinh vật khác. Niết bàn và sinh tử, thiên đường và địa ngục, mê và ngộ vân vân đều phát sinh từ đấy. Sự yêu thích cái gì hợp với tôi gọi là THAM, ghét cái không hợp với tôi gọi là SÂN. Chính từ ba phiền não hay vọng tưởng căn bản THAM SÂN SI này mà phát sinh những thói xấu khác như bám víu, kiêu căng ngã mạn, sân hận, nghi ngờ, ganh tị v.v. có đến tám muôn bốn ngàn thứ, nghĩa là rất nhiều. Duy thức học gọi đấy là những bất thiện tâm sở, nghĩa là tất cả đều là sở hữu tùy tùng của một cái TÂM vô hình vô tướng nhưng lại là năng lực điều động tất cả sự sống chết, vui buồn, mê ngộ, đau khổ và hạnh phúc của ta, TÙY THEO CÁCH TA SỬ DỤNG NÓ. Biết sử dụng những bất thiện tâm sở này để chuyển hóa chúng vào mục đích tu học thì cũng như khoa học gia chuyển hóa năng lượng mặt trời và thác nước, hoặc như Gia Cát Lượng trong Tam Quốc đã dùng mưu lược để thu hết ba chục ngàn mũi tên của quân Tào tháo bắn sang đem về cho Chu Du.

Vì mục đích giảng dạy mà Phật chia thành ba: do phiền não hay vọng tưởng hay HOẶC (tham sân si chấp ngã…) mà có ra NGHIỆP (như rượu chè cờ bạc) rồi do nghiệp mà có quả báo là KHỔ. Nhưng ở đây ta cần nhận diện VỌNG TƯỞNG ĐÍCH THỰC LÀ ĐAU KHỔ. Người học Phật thì không đợi đến khi bị bắt bị ngồi tù vì tội trộm cướp mới thấy khổ, mà thấy khổ ngay lúc bắt đầu nổi lòng tham muốn chiếm đoạt của người khác, vì lòng tham ấy phát xuất từ cái thấy sai lầm (vọng tưởng) cho rằng cái tôi là trên hết. Vậy bước đầu để chấm dứt khổ là nhận diện ra cái khổ chính: sự chấp ngã, vọng tưởng gốc. Khi nhận ra nó rồi, muốn tận diệt nó ta phải tìm hiểu môi trường hoạt động của nó, và những yếu tố giúp nó tăng cường hoạt động. Cũng như người săn bắt cướp cần phải biết sào huyệt, sở thích, đường đi lối về của bọn cướp.

2. Những yếu tố làm tăng vọng tưởng

(hay HOẶC, hay PHIỀN NÃO, hay VÔ MINH, hay ĐAU KHỔ)

Theo đức Tsongkhapa vị tổ PG Tây tạng, có sáu nguyên nhân gây ra và tăng cường vọng tưởng:

– Nguyên nhân thứ nhất: nghiệp hay những ấn tượng do ác nghiệp từ đời trước còn lưu lại trong dòng tâm thức kiếp này.

Những hành động thiện ác đã làm trong một đời, khi chết rút lại thành những hạt giống trong kết sinh thức mang theo sang đời sau, gặp hoàn cảnh hay môi trường thuận tiện thì lại đâm chồi nẩy lộc như hạt giống gặp đất, nước, mặt trời, phân bón…

Ví dụ, hai người cùng sống trong môi trường giống nhau, cùng gặp một nghịch cảnh giống nhau, nhưng một người thì nhẫn nhục, không tức giận và dễ dàng cho qua ngay sau đó, còn người kia lại vô cùng tức tối và ôm hận lâu dài. Nguyên nhân là do tính tình đã thuần thục trong dòng tâm thức mỗi người, một người quen nhẫn nhục, một người quen nổi sân. Người nổi sân dễ dàng là người đau khổ, bất kể có lý do chính đáng hay không. Tất cả những thói khác như tham lam, kiêu căng ngã mạn… cũng đều đau khổ như thế. Như người kiêu căng là cho cái tôi của mình vô cùng quan trọng, thì sẽ rất đau khổ khi bị người khác không coi ra gì. Cái khổ của tham hơi vi tế khó nhận diện, vì người ta ưa biện hộ rằng nhờ có tham mới có tiến bộ, thêm của cải vật chất cho con người hưởng dụng. Nhưng xét kỹ sẽ thấy sự tiến bộ khoa học không phải có được nhờ những người tham vơ vét để có thêm tiện nghi vật chất, mà có được nhờ những nhà khoa học đã bất chấp tiện nghi vật chất, bất chấp hạnh phúc gia đình để miệt mài với công trình nghiên cứu của mình hết đời này đến đời khác. Nhất là khi tham cái gì có được ngay cái ấy, người ta cảm thấy sung sướng, nên khó mà nhận ra cái khổ bị khuất lấp trong cảm thọ khoái lạc. Đấy là trạng huống của chúng sinh ở các cõi trời hoặc của một số người tây phương. Vì quen sống tiện nghi, và đời sống ổn định, họ nghĩ rằng họ không cần tu tập vì họ không có khổ thì đâu cần tu để diệt khổ. Khi du lịch đến các nước nghèo, họ không chịu nổi cả đến việc ngồi xe hơi mà thiếu máy lạnh. Có những người Mỹ tốn hàng ngàn Mỹ kim đi đến Kathmandu Ấn độ để tập tu thiền, nhưng đến nơi bị muỗi đốt một đêm chịu không thấu mà phải cuốn gói về Mỹ. Như vậy chỉ vì cảm thọ khổ bị ẩn tàng trong họ không có dịp bộc phát nên họ có ảo tưởng là họ không khổ.

– Nguyên nhân thứ hai: đối tượng bên ngoài

Khi đã có thói quen sân giận, thì ta cũng dễ gặp những chuyện bực mình, và ta đổ thừa “tại vì nó mà tôi nổi sùng.” Tâm và cảnh thu hút lẫn nhau như nam châm hút sắt. Vì ta dễ nổi nóng cho nên cũng dễ gặp những người, việc làm ta nổi nóng. Nhiều khi đối tượng của sự tức giận chỉ là một cái cớ (excuse) chứ không phải là một lý do (raison). Lý do chính là cái tâm không được điều phục, kiểm soát.

– Nguyên nhân thứ ba: môi trường sống

Con người gọi là y báo, hoàn cảnh là chính báo, hai cái luôn đi đôi với nhau. Phần nhiều con cái chịu ảnh hưởng của gia đình, nhất là những thói hư tật xấu. Cha mẹ ưa cãi nhau thì con cái cũng ưa cãi. Những thói bạo động, tham lam của trẻ phần lớn là do ảnh hưởng của xã hội và gia đình. Ảnh hưởng của phim ảnh, quảng cáo truyền hình, sách báo… đều hỗ trợ cho sự tác thành một con người, ngoài nghiệp đời trước mà kết sinh thức mang lại.

Ba nguyên nhân vừa kể có tương quan mật thiết và đều thuộc về quả “dị thục” (chín vào thời khác). Mỗi nghiệp thiện hay ác đã làm đều đưa đến ít nhất ba thứ hậu quả: một là thói quen, hai là quả báo chính thức (thân thể), ba là quả báo hoàn cảnh hay môi trường. Ví dụ hiện tại làm nhiều nghiệp sát hại thì đưa đến thói ưa giết hại trong đời sau, gọi là quả báo thói quen, sinh làm người nhiều bệnh tật, tai nạn, chết yểu vân vân gọi là quả báo chính thức, sinh vào một nơi có nhiều chiến tranh nhiều kẻ thù gọi là quả báo môi trường. Về thiện nghiệp cũng thế. Quen hành thiện trong đời hiện tại thì tương lai cũng ưa làm việc thiện, đó là quả báo thói quen, sinh làm người khỏe mạnh đẹp đẽ gọi là quả báo chính thức, sinh vào gia đình lương thiện, hiểu đạo, ở chỗ tốt lành gọi là quả báo môi trường. Biết như vậy thì ta sẽ cẩn thận khi gieo nhân, và không than trách khi gặp quả xấu vì tính tình ta, môi trường ta sống… đều liên hệ mật thiết đến nhân ta đã gieo.

– Nguyên nhân thứ tư: tà thuyết, thầy bạn xấu

Như Angulimala theo một thầy dạy rằng giết đủ ngàn người sẽ thành Phật nên đã trở thành một kẻ cướp ghê gớm vào thời Phật. Hoặc vua A xà thế theo bạn ác là Devadatta nên đã phạm tội giết cha.

– Nguyên nhân thứ năm: vọng tưởng nổi bật

Trong sáu phiền não gốc tham sân si mạn nghi và tà kiến, người nặng về thói nào thì dễ đọa về thói ấy nếu không coi chừng và không áp dụng biện pháp chữa trị thích ứng. Có người nhẹ về việc đời, nặng việc đạo, ham tu, nhưng lại gặp thầy tà bạn ác, rốt cuộc chẳng ích lợi gì mà càng thêm tai họa cho bản thân và gia đình.

– Nguyên nhân thứ sáu: thói ưa phóng đại

Tục ngữ nói khi yêu trái ấu cũng tròn, đấy là thói phóng đại những ưu điểm nơi người và vật hợp ý mình, bóp méo sự thật.

Ngược lại đối với người và vật ta ghét, ta lại có thói phóng đại những khuyết điểm, hoặc dù họ có làm gì tốt, ta cũng cho là giả dối.

3. Cách chuyển hóa đau khổ (chuyển phiền não thành bồ đề)

Chúng ta đã thấy rằng khổ vui là vấn đề cảm thọ, và có cảm thọ là do có tâm. Như vậy muốn hết khổ thì việc cốt yếu là chuyển cái tâm hiện tại của ta. Không chuyển tâm mà chỉ thay đổi hoàn cảnh, thì không bao giờ có giải thoát thực sự, mà chỉ là thay đổi kiểu đau khổ. Tu hành nói gọn chính là việc chữa trị tâm bệnh, hay chuyển tâm.

Ba phương pháp chính yếu để vượt thoát khổ đau được đề cập trong hầu hết kinh sách đại thừa theo truyền thống Tây tạng là từ bỏ, bồ đề tâm và chính kiến. Đấy là ba yếu tố giúp ta không những chuyển hóa được phiền não hiện tại mà còn tiêu trừ được vô lượng ác nghiệp và khổ báo nhiều đời, đưa đến giải thoát giác ngộ như Phật.

Từ bỏ là từ bỏ cái thấy sai lạc về một cái tôi riêng rẽ, biệt lập với tất cả cái khác, mà không thấy lý duyên sinh nhân quả chằng chịt giữa tôi với tất cả mọi người mọi vật trong thời gian cũng như không gian. Khi từ bỏ cái thấy nặng ngã chấp thì đồng thời cũng bỏ được hay giảm bớt vô số đau khổ kèm theo. Chẳng hạn khi ta phải sống trong một môi trường hay cãi cọ, mọi người ưa gây sự với ta, thay vì cảm thấy khó chịu, đau khổ, bực tức, ta sẽ nhớ lại rằng hoàn cảnh này là dư báo của quá khứ, có lẽ trong quá khứ ta đã từng gây nhiều oan trái với họ, bây giờ đến lúc trả. Ta nên vui vẻ mà trả nợ, đây là cơ hội tốt. Khi nghĩ vậy ta sẽ không gây thêm oan trái, mà còn có thể giải trừ được những oán thù đã qua. Trong Kinh Kim Cương Phật dạy ai tụng kinh ấy mà bị người khinh chê thì sẽ tiêu trừ được quả báo ác nghiệp nhiều đời trước, và mau đắc đạo. Ngược lại khi gặp thuận cảnh, như được vinh dự, được thăng chức, được nhiều tiền… ta sẽ từ bỏ bám víu tiền tài danh vọng, nhớ lời Phật dạy về vô thường, vô ngã để đem san sẻ cho người khác những gì ta có. Tu tập như vậy thì dù có bị mất mát bớt tài sản ta không buồn khổ lắm, vì ít ra cũng đã sử dụng tài sản vào một vài việc hữu ích. Khi được ta không bo bo giữ của mà ban phát rộng rãi để thêm nhiều người được sung sướng. Shakespeare có câu thơ: “Virtue is twice blessed: it blesses him that gives and him that takes.” (Bố thí – hay bất cứ đức hạnh nào – đem lại hạnh phúc cho cả hai bên, người cho và kẻ nhận.) Người ích kỷ chấp ngã tóm lại là người đau khổ nhất, dù có sở hữu toàn thế giới.

Như vậy, cần hiểu đức tính TỪ BỎ có nghĩa là từ bỏ thói tham lam, chấp thủ bản ngã hẹp hòi, chứ không phải cạo đầu lên rừng tu khổ hạnh mới gọi là từ bỏ.

Chính kiến là có cái nhìn đúng như thật về bản thân, mọi người và thế giới, nên trong không bị tham sân chi phối, ngoài không bị giả tướng đánh lừa.

Khi chấp ngã, ta thường có cái nhìn sai lạc về bản thân và mọi thứ bên ngoài. Cái gì hợp với ta đều tốt. Cái gì chống lại ta đều xấu. Sự tốt xấu mà ta gán cho người hay vật khác đều do tâm phân biệt tùy hứng của ta, hoàn toàn không dính dấp gì đến người hay vật. Mọi sự là “tính không”. Ví dụ, cùng một cảnh vật ấy, đối với người này là thiên đường mà đối người khác lại là địa ngục. (Ví dụ sự xuất hiện của bà vợ nhỏ: ông chồng thấy như tiên, bà vợ lớn thấy như quỷ. Kỳ thực bà vợ nhỏ không tiên cũng không quỷ, tiên quỷ đều do tâm người nhìn, không có một thực tại tương ứng, nên gọi là tính không. Không tiên không quỷ, chứ không phải không có bà vợ nhỏ.) Hoặc cùng một con người ấy lúc đầu ta cho là bạn, lúc sau ta cho là kẻ thù. Tất cả quan niệm trái ngược như vui khổ tốt xấu bạn thù … đều do tâm chấp ngã phát sinh. Sự thật hoàn toàn không có những thuộc tính do ta thêm thắt vào như vậy, nên gọi là tính không.

Thấy được như vậy tạm gọi là có chính kiến về tính không. Có chính kiến thì ta không còn bị dẫn dắt bởi cơn thịnh nộ khi gặp người mà ta cho là kẻ thù, cũng không bị lôi cuốn bởi sự ái luyến khi gặp người mà ta cho là bạn thân thiết, cũng không thờ ơ lãnh đạm khi gặp một người mà ta cho là người dưng. Cả ba thái độ đều do chấp thủ bản ngã mà có.

Có được hai yếu tố trên đây, chính kiến về tính không và từ bỏ cái thấy đầy ngã chấp cùng tất cả thói xấu kèm theo (như phóng đại ưu điểm của những gì ta ưa, thổi phồng khuyết điểm của những gì ta ghét), đồng thời tu tập những tính như nhẫn nhục (do thấy rõ nhân quả), khiêm cung (do thấy vô thường, duyên sinh, không có gì là tôi và của tôi thực sự), là đã sống được một cuộc đời giải thoát an vui. Tột đỉnh của sự tu tập này là quả vị a la hán, đạt giải thoát cho bản thân, thoát ngoài hệ lụy sinh tử luân hồi, nhưng chưa đạt đại giác ngộ, thành Phật để cứu vớt chúng sinh. Bởi vậy cần có một yếu tố quan trọng hơn tất cả trên đường tu tập, đó là tâm bồ đề. Có phát tâm bồ đề mới đi đúng quỹ đạo của Phật và thành Phật được. Nên bồ đề tâm được gọi là hạt giống Phật, và trong kinh điển đại thừa, chỉ có Bồ tát, người đã phát tâm bồ đề và đang thực hành hạnh lợi tha, mới được gọi là Phật tử, người con đích thực của Phật.

Bồ đề tâm là cái tâm lợi tha cầu giác ngộ thành Phật để có thể cứu giúp vô lượng chúng sinh. Nhưng trước khi có được tâm bồ đề, thì cần phải từ bỏ cái thấy sai lạc là có một cái tôi biệt lập không dính dấp gì đến người khác, và có chính kiến rằng mọi sự khổ hay vui đều không thực có, đều do tâm chấp ngã tạo ra.

Ngõ rẽ giữa tiểu thừa và đại thừa nằm chính ở chỗ này, là trong khi tiểu thừa nhắm mục đích triệt tiêu, hủy diệt bản ngã, hủy diệt dục vọng vì cho nó là nguồn gốc đau khổ, thì pháp tu đại thừa trái lại, chuyển hóa dục vọng thành tâm bồ đề, chuyển đam mê -passion – thành tâm đại bi, compassion. Đại thừa chuyển hóa vị kỷ thành vị tha, xem tất cả chúng sinh như chính bản thân mình, để từ đó, mưu cầu hạnh phúc cho tất cả chúng sinh bằng bồ đề nguyện và bồ đề hạnh. Và nhờ có tâm bồ đề mà ta chuyển hóa được tất cả nghịch cảnh trên đời thành pháp tu. “Lâm nhất sự, trưởng nhất trí”: chuyển oan gia thành bạn đạo, chuyển bệnh tật thành thuốc hay. Vận dụng được tâm bồ đề thì tăng trưởng vô lượng phước đức và diệt trừ vô biên nghiệp chướng. Vậy bồ đề tâm là cách chuyển hóa khổ đau tốt nhất trong bất cứ trường hợp nào. Và sở dĩ ta có thể chuyển hóa được, là vì mọi thứ ta thấy theo kiểu chấp ngã thông thường đều không thực, khổ vui và mọi đối đãi khác như ta bà tịnh độ vân vân đều do tâm ta tưởng tượng. Cả hai đều không thực chất, tính không, đều do tâm biến. Nhưng chúng sinh thì “biến” theo lối ích kỷ hẹp hòi chấp ngã, đem lại đau khổ cho mình và mọi người mọi vật, còn kiểu “biến” của Bồ tát thì đem lại giải thoát an vui cho mình và tất cả chúng sinh. Bởi vậy ta nên học cách “biến” của Bồ tát thì đỡ khổ bội phần, và công đức vô lượng.

Vậy, đại thừa trên phương diện lý là thấy rõ tính không, không thật có một bản ngã, nhưng khi tu tập thì sử dụng tự ngã để tu hành, nghĩa là “suy bụng ta ra bụng người”. Suy từ bản thân không thể chịu nổi khổ đau, nên cẩn thận không gieo đau khổ cho bất cứ ai. Suy từ bản thân muốn được tuyệt đối an lạc, nên tìm cách đem lại an vui tuyệt đối cho tất cả mọi loài. Bởi vậy, đào luyện từ bi phải bắt nguồn từ tự ngã. Và từ bi chính là căn bản để phát tâm bồ đề.

Kinh sách truyền thống đại thừa của Tây tạng ghi có bảy giai đoạn đưa đến sự phát bồ đề tâm:

· Thứ nhất là tâm xả: xem tất cả chúng sinh bình đẳng, không chia thân, thù, dửng dưng. Đối với người ta đặc biệt yêu mến, nên nghĩ trong quá khứ có thể họ đã hại ta mà ta không nhớ. Vậy không lý do gì để quyến luyến họ. Đối với người ta thù ghét, nên nghĩ trước kia họ cũng là cha mẹ bà con; không lý gì ghét họ. Đối với người ta dửng dưng, nên nghĩ họ đã từng là người thân trong quá khứ. Như vậy cả ba đối tượng đều giống nhau, không lý do gì để phân thành ba hạng, nên trải lòng thương bình đẳng lên tất cả, xem như chính bản thân mình.

· Thứ hai là nghĩ tất cả chúng sinh đã từng là mẹ ta trong nhiều đời kiếp, từ khi còn làm thú vật, côn trùng…

· Thứ ba là nhớ đến những sự hi sinh của bà mẹ đối với con cái. Ngay cả khi làm thú vật, như con gà chẳng hạn, mặc dù gà mái nổi tiếng hèn nhát, nhưng khi ta làm gà con, thì mẹ gà cũng đã nhiều lần mạnh dạn dang đôi cánh bao bọc lấy ta trước hiểm họa diều hâu, hoặc nhịn đói, để dành những con giun bà kiếm được mà mớm cho ta ăn. Vậy tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ ta, chỉ vì thay hình đổi dạng qua nhiều đời không nhận ra nhau.

· Thứ tư là nghĩ cách báo ơn tất cả chúng sinh vì tất cả đều đã thương yêu ta rất mực, không khác gì mẹ ta đã thương ta trong kiếp này, nên ta phải đền trả ơn ấy. Chẳng những thế mà ngay hiện tại, mọi thứ giúp cho ta sống cũng đều nhờ vào tất cả chúng sinh.

· Thứ năm là phát tâm từ đối với tất cả. Đặc điểm của tâm từ là lôi cuốn ta đến với chúng sinh, do chỉ thấy vẻ dễ thương nơi họ mà bỏ qua những khuyết điểm.

· Thứ sáu là tâm đại bi mà đặc điểm là thương xót, muốn giảm thiểu những thống khổ của chúng sinh.

· Thứ bảy là tâm vị tha, là tâm bi trở thành hành động tích cực muốn đích thân cứu khổ chứ không chỉ ngồi mà chép miệng suông.

· Cuối cùng là tâm bồ đề.

Bảy tâm trên đây là trình tự mà chúng ta phải tu tập nếu muốn phát tâm bồ đề. Khi đích thân làm việc vị tha cứu khổ, ta mới thấy việc mình làm chỉ như đem muối bỏ biển, vì ta thiếu hai điều kiện quan trọng là trí tuệ và phương tiện để cứu giúp chúng sinh. Trí tuệ để biết rõ sở thích trình độ chúng sinh, phương tiện là những phương pháp đem lại cho họ an lạc lâu dài, thoát khổ vĩnh viễn. Việc ấy duy chỉ có Phật mới làm nổi. Vậy ta phải thành phật để làm lợi lạc cho tối đa hữu tình.

Khi đã phát tâm bồ đề, không những ta chuyển hóa được đau khổ mà còn tận dụng được những thói xấu trong ta, như chuyển ái dục thành từ bi, chuyển sự cố chấp thù dai thành lòng nhớ ơn sâu sắc. Và những nghịch cảnh khi ấy chẳng những không chướng ngại gì mà càng giúp thêm cho sự tu tập của ta thêm vững mạnh.

Nói tóm, cách tốt nhất để chuyển hóa đau khổ chính là phát tâm bồ đề, nhưng trước đó phải từ bỏ cái thấy sai lạc “chỉ biết có bản thân mình” và phải có chính kiến về tính không, vì mọi sự ta thấy đều do cái nghiệp của ta chủ động, không ai giống ai, và đều sai lạc như người mù sờ voi khi chưa giác ngộ. Nếu nghiệp sân nhiều, cái thấy biến ra lửa, nghiệp ái nhiều, cái thấy biến ra nước, như trong kinh Lăng nghiêm Phật dạy “Tính hỏa chân không, tính không chân hỏa.” Có nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp riêng không ai giống ai: cùng một cảnh mà mỗi người thấy một cách, như tùy góc độ người nhìn mà núi Lô sơn có hình dạng khác nhau. Nghiệp chung là như cùng mang thân người nên cùng thấy dòng sông là thức uống mát mẻ, trong khi loài trời thấy ra lưu ly, loài cá cho đó là đất sống, còn ngạ quỷ thì thấy ra lửa bốc cháy. Không có một cái thấy nào trên đây là đúng như thật một cách tuyệt đối về dòng sông, nên gọi là “tính không”, chứ không phải dòng sông hoàn toàn không thực có. Cần nhấn mạnh như thế, vì nghĩa chữ Không thường bị hiểu lầm.

Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải
Nguồn: Bóng nguyệt lòng sông