CHIA SẺ

Đạo sư Kyunga Sodpa Gyatso (1911-1980) xuất thân từ vùng Kham và được xem là một đạo sư chứng ngộ cực kỳ cao cấp, (và là Bổn sư của Lama Sonam Jorphel Rinpoche_Trong một lá thư gần đây Đức Chetsang Rinpoche đã gọi Khyunga Rinpoche là Vua của các Thành tựu giả – Lord of Siddhas). Ngài là một nhân vật với cá tính mạnh mẽ, không hề biết khuất phục, và nghiêm khắc chẳng khác nào đại đạo sư Marpa.

Vào mùa thu năm 1978, khoá nhập thất 3 năm tổ chức lần thứ nhì đã bắt đầu tại tu viện Lamayuru dưới sự chỉ đạo của ngài Kyunga, và trong khóa nhập thất này thì có cả sự tham dự của Sư Tổ Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, là một trong hai vị Thủ Ngôi dòng truyền thừa Drikung Kagyu. [khoảng 32 tuổi vào năm 1978]. Gelek Rinpoche đã tháp tùng Sư Tổ Chetsang Rinpoche đến tận cái nơi mà ngài sẽ phải bắt đầu nhập thất ẩn tu. Khi nhìn thấy cái thất quá ư xác xơ, khiêm tốn mà Sư Tổ Chetsang Rinpoche sẽ phải lưu lại trong một số năm kế tiếp, ngài Gelek Rinpoche đã động lòng và muốn xin cho Tổ Chetsang Rinpoche được miễn thứ, khỏi phải trải qua toàn bộ cuộc nhập thất gắt gao đúng theo truyền thống. Gelek Rinpoche đã cố gắng điều đình với đạo sư Drubwang Kyunga và đã thưa với đạo sư rằng, “Sư Tổ Chetsang là tái sanh của đức Shiwe Lodro, vị Bổn sư gốc của ngài. Rinpoche không phải là một người phàm phu mà là một mahasiddha, một đại thành tựu giả đã quay trở lại hóa hiện trong cõi luân hồi. Rinpoche đã phải chịu đựng biết bao gian khổ trong một xứ sở Tây Tạng bị chiếm đóng! Xin ngài hãy cho phép Chetsang Rinpoche hạ bớt số lượng lễ lạy xuống, coi như là một sự cân nhắc đặc biệt và xin hãy gấp rút ban truyền cho Chetsang Rinpoche toàn bộ những pháp môn hành trì của dòng truyền thừa!”

Nhưng đạo sư Kyunga đã quyết liệt, một mực từ chối lời thỉnh cầu ấy. Chẳng những không dành cho Tổ Chetsang Rinpoche một ngoại lệ nào cả, mà ngược lại, đạo sư Khyunga đã lại trả lời rằng: “Ngài là hoá thân của Thánh Giả Shiwe Lodro, thế thì ngài bắt buộc phải thực hành nhiều hơn những người khác nữa, để chứng minh về những phẩm hạnh của ngài.” Sau khi quay trở về lại Dharamsala, Gelek Rinpoche đã rất nản lòng và thưa lại với đức Đạt Lai Lạt Ma về cuộc đối thoại ấy. Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra cực kỳ hoan hỉ và đáp lại rằng: “Kyunga Rinpoche là một bậc guru (đạo sư) đích thực!” Đạo sư Kyunga đã nói với Sư Tổ Chetsang Rinpoche rằng, Tổ cần mất bao lâu thời gian để lễ lạy cũng không quan trọng bằng việc ngài phải lễ rạp toàn thân [thay vì chỉ lạy trên hai đầu gối]. Đạo sư Kyunga giống như một ngọn núi không gì lay chuyển được và ngược lại, Sư Tổ Chetsang Rinpoche cũng không hề muốn mình được ban cho bất kỳ đặc ân nào. […]

Trong vòng bốn mươi ngày, Sư Tổ Chetsang Rinpoche đã hoàn tất hết 100 ngàn lạy [của pháp tu sơ khởi Ngondro] và mỗi đêm, ngài chỉ ngủ khoảng năm tiếng đồng hồ. Đôi khi ngài phải dừng lại nửa chừng khi ngài gặp phải vấn đề khí huyết không lưu thông, hoặc khi ngài nôn mửa [vì mệt mỏi quá độ]. Đầu gối của ngài đầy vết trầy sướt và một đôi khi, trán của ngài cũng rướm máu, nhưng Chetsang Rinpoche đã không cảm thấy hài lòng và ngài tiếp tục lạy thêm 200 ngàn lạy nữa. Căn thất của Tổ Chetsang Rinpoche nằm trên tầng cao nhất của tu viện, hệt như là một căn phòng [thô sơ] của người Spartan [thời cổ Hy Lạp]; nền nhà làm bằng đất nén, với một chiếc giường hẹp và một chiếc bàn thấp bé kiểu truyền thống dùng để làm bàn ngồi đọc sách. [Trong hoàn cảnh như thế,] ngay cả nếu chỉ được ban cho một tấm chăn mỏng thôi thì các hành giả cũng vô cùng biết ơn. Có một vị tăng sĩ tên Konchog Sempa được chỉ định làm thị giả cho Sư Tổ Chetsang Rinpoche và cho đến ngày hôm nay, vị ấy vẫn tiếp tục là một thị giả của ngài. Vị ấy trồng khoai tây và đem bán khoai tây cho quân đội Ấn để có thể hộ thất cho Sư Tổ trong thời gian ngài ẩn tu. Thực đơn của Tổ Chetsang trong suốt thời gian đó phần lớn chỉ bao gồm toàn khoai tây và củ cải.

Mùa đông lạnh như cắt vào những khi có những trận bão tuyết khổng lồ; tu viện bị cắt đứt khỏi toàn bộ thế giới bên ngoài và thầy Konchog Sempa đã phải lết đi trong băng tuyết suốt ba giờ đồng hồ để đem về được một ít củi từ những người dân ở tại làng Kaltse. Những pháp môn hành trì sơ khởi [bao gồm một trăm ngàn lần lễ lạy, quy y, phát bồ đề tâm, tịnh hoá Kim Cang Tát Đoả, cúng dường mạn đà la và bổn sư du già] ..

Qua đến năm thứ nhì của chương trình nhập thất của Sư Tổ Chetsang Rinpoche thì ngài Kyunga lìa đời. Đây là hậu quả muộn màng của những vết nội thương không được trị liệu mà ngài đã phải chịu đựng sau khi trải qua một tai nạn xe buýt một vài năm trước đó.

Trước khi thị tịch, ngài sách tấn các đệ tử không được bỏ ngang việc nhập thất dưới bất kỳ hoàn cảnh nào và qua đến ngày hôm sau thì ngài gặp gỡ nói chuyện riêng với Tổ Chetsang. Bằng một giọng nói hết sức yếu ớt, đạo sư Khyunga đã lên tiếng nói với Sư Tổ Chetsang Rinpoche rằng, “Nếu ngài là hoá thân của đức Shiwe Lodro [Tổ Chetsang Rinpoche đời trước] thì ta không bao giờ muốn xa lìa ngài. Ta đã khẩn nguyện về điều này. Ta đã chém ngang không gian bằng một thanh kiếm báu. Thanh kiếm ấy không tìm thấy bất kỳ một chướng ngại nào trong hư không, nó tự do tuyệt đối.”

Và đạo sư Khyunga đã kết thúc buổi gặp riêng Sư Tổ Chetsang Rinpoche bằng những lời sau đây: “Trong quá khứ, ngài đã chẳng thể nào vượt thoát khỏi Tây Tạng và ta đã lo lắng về ngài. Sau khi trốn thoát, ngài đã đi qua xứ Mỹ và ta đã lo lắng về ngài. Giờ đây, ngài đang ở Ấn Độ, đang hoàn thiện việc học tập và công phu tu hành của mình và ta không còn gì lo lắng về ngài nữa. Và như thế thì ta sẽ có thể lìa đời với một tâm thức yên bình. Vạn pháp đều vô thường. Ngài có trọng trách đối với dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Đây là một trách vụ khó khăn: thật là điều tốt lành ngài đã nhận lãnh trọng trách ấy. Hãy quay trở về nhập thất đi.”

Câu chuyện về Sư Ông Kyunga và Sư Tổ Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche được trích từ Chương 15 (trang 210-213 và trang 215-217) và từ Chú thích (trang 299-300) trong tập sách tiểu sử của đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, mang tên “Đến Từ Giữa Lòng Tây Tạng: Tiểu Sử Của Vị Thủ Ngôi Dòng Truyền Thừa Drikung Kagyu” (From the Heart of Tibet) (Boston, Massachusetts: Shambhala Publications, 2010) do tác giả Elmar R.Gruber biên soạn.

Tâm Bảo Đàn (Konchog Changchup Drolma) chuyển Việt ngữ.