CHIA SẺ

Machig Ongjo sinh tại Tsang trong miền Yug. Gia đình thân phụ bà có một trăm thế hệ Bồ Tát và gọi bà là Ongjo. Khi còn trẻ, bà có niềm tin và lòng sùng mộ to lớn. Thích cầu nguyện và cảm thấy buồn bã khi nhìn nỗi đau khổ trong thế giới. Bà tinh tấn và chăm chú lắng nghe bất kỳ khi nào giáo lý được ban tặng. Bà nghe và hiểu tất cả mọi điều được nói ra.

Vị Thầy là Gyalwa Kyang Tsangpa; đệ tử của Rechung Dorje Dragpa. Ngay khi gặp ngài, bà phát sinh niềm tin to lớn. Nhận thấy niềm tin và lòng sùng mộ của bà, ngài nhận bà làm đệ tử và ban cho những giáo lý thì thầm-bên tai bí mật. Giáo lý được Guru ban cho người trì giữ dòng truyền thừa của ông. Trong trường hợp này, dòng truyền được truyền từ Marpa qua Milarepa tới Rechungpa, Kyung Tsangpa. Sau đó là Machig Ongjo. Bà trải phần lớn đời mình trong ẩn thất và tịnh hóa mọi nghiệp tiêu cực (1). Sau đó sự thiền định trở nên rõ ràng và bà đạt được nhiều thành tựu .

Bà trở nên thành tựu (Yon-then) trong: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, khả năng giữ tâm trên con đường và không phí phạm thì giờ, khả năng giữ tâm an định, sự chứng ngộ không có thực thể nào có một bản tánh riêng hay bản ngã. Thành tựu sau cùng được chứng ngộ nhờ việc sử dụng năng lực “ Trí Huệ Sâu Xa Vô Thủy ” (2).

Những Thành Tựu Của Machig Ongjo

Bố thí (Dana)

Trước hết bà cúng dường mọi vật sở hữu cá nhân cho Guru. Khi ngài hỏi có phải sau này bà không cần đến của cải này nữa. Bà trả lời: “Ngài là Guru của con và là hiện thân của đức Phật. Con hoàn toàn tin tưởng nơi ngài. Tất cả những vật này đều vô thường và không có thực chất. Con không dính mắc vào chúng. Những giáo lý của đức Phật quý báu hơn của cải này nhiều. Sẽ không có ý nghĩa gì khi thực hành giáo lý của đức Phật đồng thời lại bám chấp vào vật chất. Giờ chết không thể xác định được. Tốt hơn đừng trì hoãn mà hãy thực hành giáo lý ngay từ bây giờ ”.

Trì giới (Sila)

Trong ẩn thất Ga Gong bà đạt được thành tựu thứ hai. Bà là thủ lãnh của tất cả các tu sĩ và ni cô. Có lần tại tiệc cúng dường bà nói với các đệ tử: “Ta từng tích tập công đức (3) trong nhiều đời. Nhờ lý do này ta có thể gặp được Guru vĩ đại. Có được thân người quý báu và không phí phạm thân này. Vì ta đã dùng nó để thực hành Pháp. Ta đã giữ gìn các giới nguyện. Nên cho dù có chết ngay bây giờ cũng không hối tiếc ”.

Nhẫn nhục (kShanti)

Ở Ngopa Na Shugpa bà đề cập đến nhẫn nhục: “Pháp tánh (Dharmata) thanh tịnh như bầu trời. Tâm thức tự nó quang minh và không ô nhiễm. Gốc rễ bản ngã không nối kết với trạng thái tự nhiên. Đây là sự thấu suốt kiên cố của ta về giáo huấn cốt tủy. Đây là viên ngọc của dòng thầm thì-bên tai (4). Ta đã thoát khỏi mọi nghi ngờ nhờ sự truyền dạy của những giáo lý. Nên không lãng phí thời giờ và thấu hiểu mọi sự”.

Tinh tấn (Virya)

Ở Bul Ngag bà thực hành bốn thời thiền định một ngày về thực hành quán tưởng. Thế nên thân, khẩu, ý thế tục trở thành thân, khẩu và ý được chuyển hóa và tịnh hóa của Bổn Tôn được quán tưởng. Bà nói về thời kỳ này: “Khi ta thực hành thiền định với Prana và Nadis (5). Tâm ta không lang thang. Ta đã chứng ngộ Đại Lạc của trạng thái tự nhiên bất nhiễm. Hiểu rõ điều này, tâm ta lưu chuyển như nước chảy ”.

Thiền định (Dhyana)

Trong ẩn thất tại Dzarana, bà nói: “Hiểu rõ bản chất của bổn tâm. Bất kỳ tư tưởng lan man nào xuất hiện. Ta không xao lãng, vẫn an trụ trong trạng thái tỉnh giác”.

Trí huệ sâu xa (Prajna)

Ở Kyung Tsang, bà nói: “Tác nhân phân biệt mọi hiện tượng là tánh Không. Sự giải thoát tự nhiên là Đại Lạc tự thân. Nó là Pháp Thân vô thủy, siêu vượt danh xưng và ngôn từ. Ta thấu suốt điều này nhờ vào lòng nhân từ của Guru. Trạng thái tự nhiên, tính tự sinh, tự nó xuất hiện. Đây là sự hỉ lạc của việc thấu biết bản thân không tách biệt”.

Đây là sự trình bày ngắn gọn về những thành tựu và chứng ngộ của Machig Ongjo .

Chú thích:

1.Kết quả của những hành động xảy ra tự nhiên trong vô minh. Khi ta hành động và phản ứng một cách liên tục và bất giác. Những nguyên nhân dẫn đến các kết quả, mọi hành động phản ứng tương đương như trong vật lý học. Nếu ngừng tạo tác những hành động hấp tấp. Khi đó, chúng ta có thể bắt đầu làm việc với mọi xung lực và “ những dấu vết nghiệp ” đã xây dựng. Trong ẩn thất, không chỉ tránh xa thế giới là nơi tạo tác quá nhiều nghiệp vô minh. Nhưng cũng có thời gian áp dụng những phương pháp hiệu quả trong việc quét sạch những dấu vết nghiệp chúng ta in sâu vào tâm thức.

2.sKye.med Shes.rab: Skye med là “ vô sanh ”. Điều này biểu thị Prajna – Trí Huệ nằm ngoài sự hiện hữu được quy định. Bởi sinh ra thì cũng sẽ chết đi và “ không sinh ” sẽ không nằm trong những giới hạn này. Bởi “ cái gì không có sự bắt đầu ” cũng khác biệt với sự vĩnh cửu. Vì vĩnh cửu biểu thị cho những gì nằm trong giới hạn nào đó .

3.Sự tích tập công đức : Xem chú thích 33 trong tiểu sử của Nangsa Obum .

4.Dòng thì thầm-bên tai : Dòng Kagyu.

5.Tsa.rlung : Những kinh mạch vi tế và năng lực được kiểm soát nhờ thực hành Yoga .

Tsultrim Allione

Việt dịch: Liên Hoa