CHIA SẺ

Tâm ta, tâm thầy và giác ngộ hoàn toàn không tách rời được. Nghĩ và tu như vậy, chúng ta sẽ thấy được bản chất thật của tâm ta.

Khi ta thiền, thái độ đầu tiên là đi tìm sự yên tĩnh và an ổn, điều này dựa trên sự thích bình yên của cái ngã. Chúng ta cố loại bỏ các tư tưởng, cho rằng thiền là sự không có khái niệm. Sự đi tìm dễ chịu không kìm hãm được chỉ mang đến buồn ngủ, một sự hôn trầm hơi giống trạng thái tâm của một số súc vật đang ngủ, chúng ta có cảm giác là một thiền giả lớn, trong khi thực ra chúng ta đang ngủ trong một lớp sương mù hơi mờ mịt, nhưng dễ chịu. Đây là một cái bẫy phải tránh.

Một cái bẫy khác trong sự thiền là cương quyết muốn ngưng lại những dòng tâm thức. Sự cố gắng hủy bỏ đi sự chuyển động của các tư tưởng đòi hỏi một cố gắng không thể tưởng tượng. Chúng ta cố gắng không lay động, thu mình lại, để ngăn các tư tưởng lay động nơi ta. Chúng ta còn thở nhẹ nữa. Ta hết sức tránh động đậy, và tư thế chúng ta cho thấy điều đó. Chúng ta cố dồn nén các tư tưởng và cố ngăn chúng sảy đến. Trong một thời gian đầu, mình làm được điều này. Khi dồn nén tâm, ta làm khựng lại tất cả các năng lực của thân. Các năng lực không lưu thông nữa, tất nhiên có một sự không chuyển động. Chúng ta rất hài long và nghĩ: “ta đã thành công, đó là thiền, không có gì động đậy nữa”. Nhưng do phát triển ý đó và nhất là sự vui do đã được cái mà ta tìm cầu với biết bao nhiêu cố gắng, tạo nên nhiều lay động. Ta phải cố gắng nhiều hơn nữa để trấn giữ lại sự lay động thêm vào ấy. Càng lúc chúng ta càng căng thẳng, co quắp và lo âu. Điều đó làm tâm rối loạn, thân căng thẳng, và sau cùng sẽ mang đến nhiều đau khổ.

Vì sao trong trạng thái ấy chúng ta khổ? Ta khổ vì ta gắn bó các tư tưởng. Chúng ta đã chặn chúng lại. Chúng không đi ra được, không giải thoát được và tất nhiên, chúng không biến đi được. Ở lại đó, chúng làm ta rối loạn. Điều này hơi giống như chúng ta cầm một sợi dây thừng với một cái gì chuyển động ở đầu bên kia, ví dụ một con chó lớn. Con chó bị giữ bằng dây đó, kéo chúng ta về bên phải, kéo chúng ta về bên trái. Nó lôi chúng ta đi mọi phía, và chúng ta không làm gì được để chống lại. Nếu bây giờ chúng ta để sợ dây đó đi, thì con chó sẽ làm điều gì nó muốn. Cũng thế, thân và tâm chúng ta có thể yên ổn nhưng vì chúng ta cố giữ, chặn lại các tư tưởng, điều này như thể chính chúng ta tự cột mình vào một sợi dây. Tất cả các lay động đó của tâm làm chúng ta rối loạn và cho ra những đau khổ.

Rốt cuộc thiền là gì? Người ta dùng các kĩ thuật, nhưng thiền không thể đồng hóa với các kĩ thuật ấy. Thiền không phải là sự tập trung lên các hình dáng hay màu sắc khác nhau. Thiền là rời bỏ hết tất cả các ràng buộc, tất cả các ngăn ngại giam giữ tâm lại: các thói quen , các khuynh hướng, các luyến ái gò bó tâm khiến nó khổ. Thiền là để tất cả những gì giam giữ và giới hạn tâm lại, được ra đi dần dần, khiến tâm tìm lại được sự tự do tự nhiên, sự thoải mái ban đầu.

Tất cả các trở ngại ấy, tất cả các sự giới hạn ấy, tất cả các luyến ái ấy không bị bên ngoài áp đặt vào bên trong. Đó không phải là các yếu tố kích thích, làm cho tâm bị bó buộc. Chính tâm tự cột lại, tự giới hạn, tự vặn vẹo trong các mâu thuẫn của nó. Phải làm việc từ trong ra ngoài. Sự buông bỏ không tiến hành bên ngoài, nhưng ngay ở bên trong chúng ta. Nếu trong tâm không còn nắm bắt điều này hay điều kia, chính tâm từ bên trong, tự giải thoát. Khi tự giải thoát, nó tìm lại được bản chất ban đầu của nó. Chúng ta tự đặt mình trong bản chất ấy  một cách thanh tịnh, tự nhiên, không xảo thuật, bằng cách để tâm tự nhiên, không ép buộc nó bằng bất cứ giá nào. Nó bèn an trú và chúng ta ở trong một cảm giác dễ chịu, hạnh phúc và có không gian, trong đó mọi hình thức luyến ái tan ra từ bên trong ra bên ngoài.

Người ta nói về những nguồn gốc của luyến ái: đó là các vật luyến ái vì có luyến ái, chứ không phải vì các vật. Vậy, phải tháo bỏ luyến ái từ bên trong. Những vật ấy không còn là những vật của sự luyến ái nữa mà là những vật. Không còn chuyển động của khái niệm để muốn nắm bắt hay vứt bỏ chúng đi. Không còn dòng tâm thức, như vậy không còn xáo động trong tâm. Tâm tìm lại được sự bình an vì không còn bị xáo trộn bởi chuyển động của các tư tưởng. Nó trở nên bình lặng, an trú, tự ổn định. Đó là ý nghĩa của Si-nê trong tiếng Tây Tạng: “Si-wa” có nghĩa là làm yên đi, “Nê-pa” là sự ổn định, nghĩa là làm yên các cảm xúc nẩy sinh từ luyến ái và sự ổn định tự nhiên của tâm trong trạng thái của nó.

Làm sao để thoát khỏi các tư tưởng? Không thể bằng cách cấm chúng. Khi chúng ta hiểu rằng tương lai chưa đến, nó không có, quá khứ không còn nữa, nó không có, và hiện tại là một lúc không định nghĩa được giữa quá khứ và tương lai, vậy nó không là gì hết, thì chúng ta hiểu rằng không có gì để tâm có thể chạy theo. Một khi đã hiểu được như vậy, tâm không còn đi tìm nữa. Sự xáo động của tâm là cái gây nên cái mà chúng ta gọi là các tư tưởng. Vậy, chúng lắng dịu đi và nếu không còn sự luyến ái ấy đối với quá khứ, hiện tại và tương lai, làm sao có thể có một cái “tôi” vốn là khái niệm và tư tưởng chuyển động? Chúng ta bị nhiều xáo trộn trước hiện tại, quá khứ và tương lai rất nhiều tư tưởng, nuối tiếc, hối hận và nhớ tưởng nảy sinh từ quá khứ, những hi vọng và lo sợ sinh từ tương lai. Hiện tại không là gì cả. Thời gian là một ảo tưởng, các phút nối tiếp nhau. Thời gian luôn thay đổi. Rốt cuộc tương lai là quá khứ của ngày mai. Hiện tại, quá khứ, tương lai là những khái niệm chỉ tạo nên các tư tưởng, các hi vọng và lo sợ làm xáo trộn tâm. Tốt hơn là hãy cho qua tất cả các khái niệm  ấy, hãy rời bỏ chúng để tìm lại sự vững vàng và yên ổn của tâm.

Bản chất thật của tâm là rỗng lặng, không có vật chất, không có gì sờ được. Chúng ta có rất nhiều ý về thế giới, sự vật có hay không có, chúng ở đó hay không ở đó. Tất cả những khái niệm đó chỉ là những xáo trộn của tâm. Không cần phải nghĩ đến nhiều điều để hiểu được bản chất rốt ráo của thực tế của các hiện tượng, bản chất rốt ráo của thực tế của tâm. Chỉ cần hiểu rằng các hiện tượng ấy không thể tách rời tâm, và ngay chỗ ấy chúng chung nhau một đặc tính, một bản chất là sự rỗng lặng. Khi chúng ta hiểu được điều đó, sự luyến ái bất cứ cái gì có thể nổi lên trong tâm, bất cứ cái gì được xem như hiện tượng, lập tức bị bỏ đi, vì chúng ta biết rằng bản chất của mọi thứ ấy là rỗng lặng. Chúng ta không cần níu lấy những gì gọi là ảo huyễn.

Vậy, sự biểu hiện của hình tướng bên ngoài là kết quả của tâm. Nếu vậy, nó không thể tách rời tâm. Nếu nó là tâm và tâm thì rỗng lặng, hình tướng ấy có một hình dạng, một màu sắc thực sự không? Tuy nhiên, các hiện tượng rỗng ấy được trông thấy. Chúng  ta thấy sự vật. Chúng  ta trông thấy các vật ấy vốn chỉ là tâm về bản chất, là rỗng lặng. Khi chúng ta giải quyết điều có vẻ mâu thuẫn này, chúng ta hiểu được cái mà người ta gọi là sự kết hợp rỗng lặng và các hiện tượng trong cách nhìn của Đại thủ ấn (Ma-ha-mu-dra). Người ta không thể khẳng định rằng sự vật có. Người ta cũng có thể khẳng định ngược lại rằng sự vật không có. Người ta không thể khẳng định rằng chúng là sự phối hợp của cả hai, vừa có vừa không có. Người ta cũng không thể khẳng định rằng chúng là sự chối bỏ của sự phối hợp ấy. Vậy, khi chúng ta quan niệm rằng các hiện tượng ở ngoài các thái cực có và không có, chúng ta hiểu rằng tâm ở bên ngoài tất cả các khả năng và các bài tập trí tuệ, chúng ta thấy rằng các hình tướng ấy không là tất cả, chúng bị giới hạn và không bao gồm hết tâm. Khi chúng ta thây bản chất của tâm rỗng lặng và cùng không gian trong đó mọi sự biểu hiện lên, mà hai khía cạnh ấy không mâu thuẫn nhau, chúng ta phát triển trí tuệ thăng hoa. Người ta gọi đó là sự hoàn thiện của trí khôn là Praj-na-pa-ra-mi-ta. Tuy nhiên trí huệ ấy không là một đối tượng của sự hiểu biết. Nó là trí huệ “nguyên thủy”. Nếu ai hiểu biết điều gì, người đó không hiểu gì cả! Thực vậy, nếu ai hiểu điều gì, như vậy là có sự chấp có hai: có một vật và một chủ thể, có kẻ thấy và cái gì được thấy. Trí tuệ có tính thăng hoa, vì ở ngoài sự hiểu biết của trí tuệ, nó là kinh nghiệm đầu tiên của tâm nơi chính tâm, do chính tâm.

Nếu chúng ta có thể lý luận như thế, nghĩa là một cách không có hai (bất nhị nguyên), chúng ta có thể gọi đó là một sự “không hiểu” tức là sự hiểu rốt ráo. Bấy giờ không còn chủ thể, không còn đối tượng, hay đúng hơn, không còn suwjphaan chia giữa hai chủ thể và đối tượng. Không còn căng thẳng, không còn người bị căng thẳng. Sự chấp có hai, vốn là nguyên nhân của sự đau khổ này, tan ra trong cái thấy của tâm bởi chính nó. Đó là công việc của sự thiền: đạt đến chỗ tâm chứng được bản chất thật của nó là tự thấy nơi mình, sao cho mọi chấp có hai, nguồn gốc của mọi sự khổ, tan ra.

Nếu chúng ta đi tìm giác ngộ ngoài chúng ta, chúng ta rơi vào sự chi phối của hi vọng. Nếu chúng ta sợ không lấy được nó, chúng ta bị lo sợ chi phối. Vậy phải bỏ đi hi vọng và lo sợ đó. Không phải lấy được nó, vì nó là bản chất của tâm chúng ta. Chúng ta đã có được giác ngộ rồi, chúng ta chỉ không biết điều đó. Không phải phát triển hi vọng tao được một trạng thái khác. Tâm ta ở đó, và không phải đi tìm giác ngộ và Phật ở chỗ nào ngoài nó. Nếu chúng ta không còn khi thì hi vọng khi thì lo sợ, chúng ta an trú một cách tự nhiên trong tâm đầu tiên, tâm bình thường. Tâm “bình thường” vì nó không ở “bên ngoài”. Đó chính là tâm và cùng lúc, đó là giác ngộ. Không có gì phải xây dựng, không có gì phải làm. Chúng ta chỉ tự đặt trong bản chất của tâm một cách tự phát, không tìm cầu, cũng không theo phương pháp nào để xây dựng cái gì, vì tâm tự nó đã hoàn toàn. Nếu chúng ta thiền một cách giả tạo, đầy hi vọng lo sợ, chúng ta khái niệm hóa kinh nghiệm của mình và sẽ không bao giờ chạm được cái tâm bình thường, cái tâm đầu tiên. Chúng ta sẽ luôn luôn quan sát kinh nghiệm của mình, phê bình nó, nghĩ rằng: “Đúng nó rồi, không phải nó rồi. Tốt, không tốt. Mình đã đạt, mình không đạt”. Trong trường hợp, khi chúng ta nói: “tôi đã đạt” chúng ta không đạt vì chủ thể quan sát kinh nghiệm. Vẫn có hai.

Phải từ từ đạt đến chỗ tự đạt một cách tự phát, tự nhiên, mà bỏ qua tất cả những gì thuộc phẩm chất: thiền tốt, thiền xấu, hoặc những gì do trí phán đoán “tôi đã đạt, tôi không đạt”. Trong sự buông xả ấy, trong sự bỏ đi các khái niệm, tâm đầu tiên sẽ biểu hiện ra chính nó.

Đức Lama Gendun Rinpoche

Việt dịch: Viên Huệ