CHIA SẺ

Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826)
Chùa Kiến Sơ hương Phù Đổng, huyện Tiên Du. Thiền sư họ Trịnh, vốn người Quảng Châu (Trung Quốc) thuở nhỏ ham thích môn Không học, bỏ gia sản đến thụ nghiệp tại chùa Song Lâm ở Vụ Châu. Tính sư cẩn trọng, trầm lặng, nói ít hiểu nhiều, thông đạt sự lý, vì thế người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông (sách Truyền đăng chép là Bất ngữ thông).

Một hôm sư đang lễ Phật, có vị thiền khách đến hỏi:
– Thầy đang lễ gì đó?
Sư đáp:
– Lễ Phật.
Vị thiền khách chỉ tượng Phật mà hỏi:
– Đây là cái gì?
Sư không trả lời được. Tối hôm ấy, sư ăn mặc chỉnh tề đến lạy vị thiền khách, thưa rằng:
– Hôm nay thầy hỏi, tôi chưa hiểu rõ ý chỉ thế nào?
Khách hỏi:
– Thầy xuất gia đến nay đã mấy hạ?
Sư đáp:
– Mười hạ.
Khách hỏi:
– Đã từng xuất gia chưa?
Sư tỏ ra bối rối. Khách hỏi:
– Nếu không hiểu điều đó thì dù trăm hạ cũng chẳng ích gì.
Nói đoạn bèn dẫn sư cùng đi yết kiến Mã Tổ. Đến Giang Tây thì tổ đã thị tịch, vị thiền khách bèn đưa sư đến yết kiến thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.

Bây giờ có vị tăng hỏi Bách Trượng:
– Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại Thừa?
Bách Trượng đáp:
– Đất lòng rỗng không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu.
Sư nghe lời nói ấy cảm thấy có điều sở đắc, bèn trở về trụ trì tại chùa Hòa An ở Quảng Châu. Có người hỏi sư:
– Thầy là thiền sư chăng?
Sư đáp:
– Bần đạo chưa từng học Thiền.
Hồi lâu sau sư mới gọi người kia, chỉ vào cây thôi lư (cây xoan). Người ấy im lặng không hỏi nữa.

Khi thiền sư Ngưỡng Sơn còn làm sa di, sư từng gọi bảo:
– Này Tịch, đem chiếc giường kia lại đây cho ta!
Ngưỡng Sơn khiêng giường đến, sư lại nói:
– Đưa về chỗ cũ!
Ngưỡng Sơn làm đúng như thế. Sư lại hỏi:
– Này Tịch, bên kia có cái gì?
Ngưỡng Sơn đáp:
– Không có vật gì.
Sư lại hỏi:
– Bên này có gì?
Đáp:
– Không có vật gì.
Sư gọi:
– Này Tịch!
Ngưỡng Sơn dạ đáp, sư bảo:
– Đi đi!

Tháng chín năm Canh Tý niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ 15 (820), sư đến chùa Kiến Sơ. Ngoài hai bữa cơm cháo, suốt ngày sư chỉ ngồi quay mặt vào tường, không nói một lời, chuyên chú tu tập thiền định làm vui. Suốt mấy năm liền như thế nên người ngoài không ai biết sư, chỉ có sư trụ trì chùa là Cảm Thành hết lòng kính cẩn hầu hạ. Cảm Thành gần gũi bên cạnh sư để học hỏi những điều cơ vi huyền diệu, hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông.

Một hôm sư không bệnh, tắm rửa, thay quần áo rồi gọi Cảm Thành đến bảo:
– Ngày trước tổ ta là Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư, khi quy tịch có bảo rằng:
Nhất thiết chư pháp
Giai tòng tâm sinh
Tâm vô sở sinh
Pháp vô sở trụ
Nhược đạt tâm địa
Sở tác vô ngại
Phi ngộ thượng căn
Thận vật khinh hứa.

Dịch:

Tất cả các pháp
Đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh
Pháp không chỗ trụ
Nếu đạt đất lòng
Làm gì chẳng ngại
Không gặp thượng căn
Cẩn thận chớ nói

Nói đoạn sư chắp tay mà qua đời. Thiền sư Cảm Thành làm lễ hỏa táng 41 rồi thu xá lợi, dựng tháp phụng thờ ở núi Tiên Du. Bây giờ là ngày 12 tháng giêng năm Bính Ngọ niên hiệu Bảo Lịch thứ 2 (826) thời thuộc Đường.

Lại cách hai mươi tám năm (?) đến năm Đinh Sửu niên hiệu Khai Hựu thứ 24 (1337)  Thiền học nước Việt ta bắt đầu từ [Vô Ngôn] Thông thiền sư 42 ở chùa Kiến Sơ vậy.

Thiền uyển tập anh
Ngô Đức Thọ dịch thuật chú giải