CHIA SẺ

Bát Chánh Đạo gồm tám yếu tố, hay tám chi, được kể ra như sau:

1.- Chánh kiến (Samma ditthi)
2.- Chánh Tư Duy (Samma Samkappa)
3.- Chánh Ngữ (Samma Vaca)
4.- Chánh Nghiệp (Samma Kammanta)
5.- Chánh Mạng (Samma Ajiva)
6.- Chánh Tinh Tấn (Samma Vayama)
7.- Chánh Niệm (Samma Sati)
8.- Chánh Định (Samma Samadhi)

1. Chánh Kiến là hiểu biết đúng đắn, tức am hiểu tận tường Tứ Diệu Đế. Nói một cách khác, Chánh Kiến là thấu triệt thực tướng của bản thân mình. Kinh Rohitassa Sutta dạy rằng tất cả chân lý trong vũ trụ đều nằm vỏn vẹn trong tấm thân một trượng nầy.

Chánh Kiến là yếu tố tất yếu trong Phật Giáo để thành tựu mục tiêu cứu cánh.

2. Chánh Tư Duy là chi thứ nhì của Bát Chánh Đạo: Do sự hiểu biết chân chánh, có những tư tưởng đúng đắn. Nhận định rằng Chánh Tư Duy là “quyết định”, hay “có nguyện vọng”, chân chánh ắt không đúng hẳn với Phạn ngữ Sampaka. Ý nghĩ chân chánh, hay suy niệm chân chánh, có phần sát nghĩa hơn. “Có những tư tưởng chân chánh” được coi là chính xác hơn hết.

Trong Bát Chánh Đạo, Samkappa đồng nghĩa với “Vitakka”, “Tầm”, là một tâm sở rất quan trọng giúp ta gạt bỏ những ý tưởng và những khái niệm sai lầm, đồng thời tạo những tâm sở có tính cách thiện.

Tâm làm cho con người dơ bẩn hay trong sạch. Tâm xây đấp bản tánh và gầy dựng số mạng con người. Tư tưởng thấp hèn làm cho ta trở nên bần tiện. Trái lại, tư tưởng trong sạch nâng đỡ con người đến chỗ thanh cao siêu thoát. Lắm khi chỉ một tư tưởng cũng đủ tiêu diệt thế gian.

Chánh Tư Duy gồm ba phần:

a. Nekkhamma. Xuất gia, là sự từ khước những dục vọng trần tục, hay lòng vị tha, nghịch nghĩa với tâm luyên ái, vị kỹ, bám níu vào tư sản.

b. Avyapada, tâm từ ái, thiện chí , hay hảo tâm, nghịch nghĩa với thù hận, ác ý, ganh ghét.

c. Avihimsa, không hung bạo, hay ôn hòa, hiền lương, bi mẫn, nghịch nghĩa với tính hung bạo, tàn ác.

Những đức tánh và những tật xấu kể trên luôn luôn ngủ ngầm bên trong mọi người. Ngày nào mà chúng ta còn là phàm nhân thì các đức tánh và tật xấu ấy cón có thể đột ngột bộc phát và biểu hiện ra ngoài với sức trỗi dậy khó lường trước được.

Đến khi tận diệt mọi ô nhiễm và đắc quả A La Hán rồi tâm mới hoàn toàn trong sạch.

Trong thế gian vô minh nầy, tham, sân, si là nguồn cội của tất cả tội lỗi. Kẻ thù độc hiểm nhất của nhân loại là lòng tham, tức sự luyến ái, bám níu vào cái được gọi là “Ta”, hay “Của Ta”. Tất cả mọi nghiệp dữ đều có thể xảy ra do lòng tham gây nên.

Khi bị trở ngại, lòng tham tức giận, sanh ra thù hằn. Chúng ta luôn luôn lựa chọn. Hoặc vui thích với những gì vừa ý, hoặc ghét bỏ điều gì phật lòng. Vừa ý thì luyến ái, bám níu. Trái lòng thì bất mãn, xua đuổi, sân hận, oán ghết. Lòng tham thường thúc giục ta bám níu vào dục lạc và tìm mọi phương cách để thỏa mãn nhục dục. Tâm sân làm cho ta tức giận, lắm khi đến độ cố gắng tiêu diệt điều mình không ưa thích. Đến khi diệt được tự ngã, không còn chấp cái “Ta” nữa thì ta nhận thức rằng tất cả đều tạm bợ, và tất cả đều nằm dưới sự chi phối của định luật vô thường. Lúc ấy tham và sân tự nhiên tiêu tan, không còn nữa.

Kinh Pháp Cú có ghi:

“Không có lửa nào như lửa tham
Không có ngục tù nào như lòng sân
Không có lưới nào như vô minh
Và không có dòng sông nào như ái dục”. (câu 251)

Trong khi lần bước trên bậc thang tiến hóa tinh thần, chúnh ta lần hồi từ bỏ mọi luyến ái, thô kịch và vi tế, mọi hình thức đeo níu vào những gì có liên quan đến “Của Ta” và “Ta”, tựa hồ như em bé kia, càng trưởng thành, em dần dần từ bỏ những món đồ chơi thân yêu quý chuộng một thời nào. Nếu lúc còn trẻ thơ mà có người đến giải thích cho rằng các món đồ chơi kia là vô ích, nên bỏ đi, thì chắc là em không bằng lòng. Vì tuổi còn thơ, em không thể có sự hiểu biết của người đã trưởng thành, không thể tin được rằng những thú vui tạm bợ ấy không đem lại lợi ích. Nhưng đến lúc lớn lên, hiểu biết rộng hơn, em bé tự nhiên vứt bỏ không chút luyến tiếc, những vật mà trước kia em tưởng chừng như không thể rời được.

Cùng một thế ấy, khách lữ hành trên đường tiến bộ tinh thần để đến chổ tuyệt đỉnh cao thượng, nhờ chuyên chú suy niệm và tinh thần hành thiền, một ngày kia sẽ nhận thức rằng những thích thú khoái lạc mà thủa nào tưởng chừng như là điều kiện tất yếu của đời sống, chỉ là những giọt mật hiếm hoi thỉnh thoảng rơi vào miệng, trong lúc đó ta đang sống giữa khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn, vô cùng gian lao nguy khốn. Đến chừng ấy hành giả tự nhiên xem thường dục lạc, lần hồi chấm dứt mọi hình thức luyến ái và một ngày tươi đẹp kia, hoàn toàn dập tắt lửa tham.

“Thế gian nầy, không luyến ái là hạnh phúc.Và vượt hẳn lên mọi hình thức dục lạc là hạnh phúc”.

Đức Phật nhiều lần khuyên dạy và nhắc nhở hàng môn đệ như thế.

Sân hận là một bẩm tánh khác rất khó đối trị, Phạn ngữ “Vyapada” bao hàm ý nghĩa tức giận, ác ý, không thỏa mãn, bất toại nguyện, thù hận. Tâm sân hận không những hao mòn người ôm ấp dưỡng nuôi nó mà còn ảnh hưởng không tốt đến những người ở xung quanh. Vyapada là kém tình thân hữu.

Nghịch nghĩa của sân hận (vyapada) là Avyapada, Từ ái, có thiện chí, một Phạn ngữ đồng nghĩa với tâm “Từ”. Từ (Metta) là hiền lành, hảo tâm, tình thương bao trùm tất cả chúng sanh không có bất luận sự phân biệt nào.

Người có tâm Từ không thể sân hận, thù oán, và không khàc nào một bà từ mẫu. Luôn luôn sẵn sàng nâng đỡ và bảo bọc đứa con duy nhất, dầu có phải hy sinh tánh mạng cũng vui lòng. Một hành giả noi theo đường “Trung Đạo” cũng tự mình đồng nhất với tất cả chúng sanh, rải tâm Từ đến tất cả, không thấy mảy may khác biệt nào giữa mình và chúng sanh khác, dầu đó là một con vật câm điếc, người bạn xấu số của chúng ta. Hành giả hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Trong tâm không còn một điểm vị kỷ, hành giả vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư. Không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, hành giả nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình và mọi người, mọi chúng sanh, là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.

Avihimsa hay Karuna – không hung bạo, hay tâm Bi – là yếu tố thứ ba của Chánh Tư Duy. Tâm “Bi” hay lòng bác ái, là một đức độ êm dịu có đặc tính làm rung động những tâm hồn trắc ẩn cao thượng trước cảnh khổ của người khác. Cũng như tâm Từ, tâm Bi không bị hạn định trong một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp, hay một loại chúng sanh nào. Tình thương mà có giới hạn thì không phải là tâm Bi.

Người có tâm Bi mềm dịu như một tai hoa, nhưng lắm khi ý chí muốn giúp người thoát ra cảnh khổ cũng làm cho tâm Bi cứng rắn như một hòn đá. Ngày nào chưa cứu giúp được người đau khổ, tâm Bi cũng không thể thỏa mãn. Lắm khi, để làm êm dịu cảnh đau khổ của kẻ khác, người có lòng bi mẫn không ngần ngại hy sinh đến cả sanh mạng mình. Trong Túc Sanh Truyện (Jataka), mỗi truyện tích đều chỉ cho ta thấy rằng Bồ Tát luôn luôn hết sức cố gắng giúp đỡ người bất hạnh và sẵn sàng tạo hạnh phúc cho mọi chúng sanh.

Tâm Bi giống như tình thâm của một bà từ mẫu thương xót đứa con đang lâm bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói, và hành động, đều tập trung lại để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ. Người có tâm Bi không bao giờ hành hung hay làm hại ai. Hành tâm Bi đúng mức, ta có thể tiệu diệt mọi hình thức hung bạo, tàn ác.

Kẻ thù trực tiếp của tâm Bi là lòng độc ác, hung tợn, tàn bạo. Kẻ thù gián tiếp của tâm Bi là âu sầu, ủ dột, phiền muộn. Tâm Bi trong Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt chảy suông trước sự đau khổ của kẻ khác.

Tâm Từ bào trùm tất cả càn khôn vạn vật, nghèo cũng như giàu, tốt như xấu, thân như sơ, thù như bạn. Tâm Bi trái lại, chỉ nhằm vào hạng chúng sanh xấu số, chuyên lo nâng đỡ người thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người đau ốm bệnh hoạn, khuyên nhủ và an ủi người thất bại, dẫn dắt và cứu vớt người tội lỗi, và soi sáng người tối tăm.

Tâm Bi là quy tắc đạo đức căn bản của người tu Phật, xuất gia cũng như cư sĩ. Đề cập đến tâm Bi trong Phật Giáo, Aldous Huxley viết như sau:

“Tánh chất ôn hòa của người Ấn Độ biểu hiện trọn vẹn giáo lý của Đức Phật. Phật Giáo truyền bá tinh thần bất bạo động (ahimsa), tức lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Đối với người cư sĩ Phật tử, chế tạo và buôn bán súng đạn, buôn bán chất độc, chất say, giết hại cầm thú, đều là những giới luật không nên vi phạm.”

Đức Phật khuyên hàng đệ tử như sau:

“Nầy hỡi các Tỳ khưu, dầu có người bình phẩm, chỉ trích các con như thế nào,đúng hay sai, hợp thời hay không, lễ độ hay thô bỉ, hợp lý hay điên rồ, ngay thẳng hay gian xảo, các con hãy cố gắng tự rèn luyện tâm tánh giữ tâm luôn luôn trong sạch, không khi nào thốt ra một lời xấu xa bất thiện, luôn luôn dịu hiền và bi mẫn đối với những người ấy. Các con hãy mở rộng tấm lòng để tâm từ cuồn cuộn chảy đến họ như một dòng suối trường lưu bất tức. Các con nên rãi tâm Từ bao trùm cả càn khôn vạn vật, dồi dào, phong phú, vô lượng vô biên. Không bao giờ thù oán, không sân hận, các con phải cố gắng tự trau giồi như thế.”

Người đã thanh lọc mọi tham vọng ích kỷ, thù hận, mọi tư tưởng hung ác, tàn bạo, và đượm nhuần tinh thần vị tha từ ái và ôn hòa sẽ thấy đời sống mình an lành vui vẽ.

3. Chánh Tư Duy dẫn đến Chánh Ngữ, lời nói chân chánh, chi thứ ba của Bát Chánh Đạo. Chánh Ngữ là không nói dối, không nói đâm thọc, làm cho người nầy phiền giận người kia, không nói lời thô bỉ và nói nhảm nhí. Người đã tận diệt tham vọng tất nhiên không thể có lời nói giả dối, phỉ báng, thô bỉ vì một mục tiêu ích kỷ nào, mà luôn chân thành, trung tín, luôn tìm cái đẹp cái tốt nơi người khác hơn là lừa dối, vu oan sĩ nhục, chia rẽ những người bạn đồng cảnh ngộ với mình. Một nhân vật hòa nhã và đượm nhuần tâm Từ không thể có lời nói thô lổ cộc cằn để làm suy giảm giá trị mình và gây tổn hại đến người khác. Lới lẽ của người giàu lòng từ ái bi mẫn không những chân thật dịu dàng mà còn hữu ích và luôn đem lợi lộc lại cho kẻ khác.

4. Sau Chánh Ngữ là Chánh Nghiệp, hành động chân chánh, khả dĩ tạo thiện nghiệp. Hành động chân chánh là không sát sanh, không trộm cắp, và không tà dâm.

Nguyên nhân của tâm luyến ái, thù hận, và tánh hung bạo độc ác là tham, sân, si. Hành giả đã tẩy sạch tham sân si, và giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh thì những xu hướng xấu xa không khởi sanh lên được. Tâm thanh ý tịnh thì đời sống cũng được trong sạch. Người không tham, không sân, không si, ắt cũng không thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

5. Chi thứ năm của Bát Chánh Đạo là Chánh Mạng, hành nghề sinh sống chân chánh. Giữ thân, khẩu, ý trong sạch, hành giả cố gắng sống đời trong sạch, lánh xa năm nghề nuôi mạng khả dĩ tạo nghiệp xấu là buôn bán khí giới, buôn bán nô bộc, nuôi thú vật để bán cho người ta ăn thịt hoặc làm nghề đồ tể, bán vật thực có chất say, và buôn bán độc dược.

Đối với hàng xuất gia, đạo đức giả dối không phải là Chánh Mạng.

6. Chánh Tinh Tấn, cố gắng chân chánh, chi thứ sáu của Bát Chánh Đạo, chia làm bốn:

a.- Cố gắng tiêu trừ các ác pháp phát sanh.
b.- Cố gắng đè nén các ác pháp đang, hoặc chưa phát sanh.
c.- Cố gắng làm cho thiện pháp phát sanh.
d.- Cố gắng trau giồi các thiện pháp đã phát sanh.

Chánh Tinh Tấn rất quan trọng. Theo Phật Giáo, chính sự cố gắng liên tục là yếu tố cần thiết để giải thoát chớ không phải nương nhờ hay van vái ai mà thực hiện được mục tiêu. Bên trong mỗi người đều có một kho tàng đức hạnh cao thượng và một hầm tật xấu đê hèn. Chánh Tinh Tấn là đè nén, tuyệt trừ tật xấu và cố gắng vun xới đắp bồi tánh tốt.

Tóm tắt, Chánh Tinh Tấn là cố gắng chú tâm kiểm soát thân, khẩu, ý.

7. Chánh Tinh Tấn liên quan mật thiết với Chánh Niệm, tức liên tục chú tâm quán tưởng đến thân, thọ, tâm, và pháp – niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, và niệm pháp.

Suy niệm chân chánh về bốn đề mục trên có khuynh hướng tận diệt bốn sai lầm rất phổ thông trong đời sống là:

– Ưa thích (Subha) cái không được ưa thích.
– Thấy đau khổ (dukkha) là hạnh phúc (sukha).
– Xem cái vô thường (anicca) là trường tồn bất biến (nicca).
– Vô ngã (anatta), lại cho là linh hồn trường cửu (atta).

8. Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm dẫn đến Chánh Định, nhiếp tâm an trụ vào một điểm duy nhất. Chánh Định là yếu tố rất cần thiết giúp minh sát sự vật để thấy rỏ thực tướng của vạn hữu.

Trong tám yếu tố hay chi nầy:

– Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thuộc về Trí tuệ (panna).
– Chánh Ngữ , Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng thuộc về Giới Hạnh(sila).
– Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định thuộc về Định(samadhi).

Chánh Ngữ Giới
(Sila)
Chánh Nghiệp
Chánh Mạng
Chánh Tinh Tấn Định
(Samadhi)
Chánh Niệm
Chánh Định
Chánh Kiến Tuệ
(Panna)
Chánh Tư Duy

Theo thứ tự phát triển, Giới (Sila), Định (Samadhi) và Tuệ (Panna) là ba giai đoạn của con đường. Một cách chính xác, tám chi của Bát Chánh Đạo là tám tâm sở (cetasika) luôn luôn nằm trong bốn loại tâm siêu thế (lokuttara cita) có đối tượng là Niết Bàn.

Tám tâm sở ấy là tuệ căn (pannindriya), tầm (vitakka), ba điều kiêng cữ (virati), tinh tấn (viriya), niệm (sati) và nhất điểm tâm (ekaggata).

Tất cả tám yếu tố ấy cũng cho thấy tâm trạng của người có chú nguyện cố gắng thành đạt giải thoát.

Hòa thượng Narada
Trích trong Đức Phật và Phật Pháp