CHIA SẺ

Sau nhiều năm chịu đựng, gia chủ tên Nakulapita đã đến gặp Phật. Ông ta thưa rằng: “Thưa đức ngài, tôi đã già, đã đến giai đoạn cuối, đau khổ trong thân, thường hay bệnh yếu. Xin Đức Thế Tôn hãy chỉ dạy cho tôi.

Thì ra vậy, này gia chủ”, Đức Phật trả lời, “Nếu có một ai mang cái xác thân này của ông mà nói là khỏe mạnh một giây phút nào, thì đó chắc là một điều ngu xuẩn, phải không?. Ông nên tập bản thân như vầy: ‘Ngay cả khi tôi khổ sở với thân, tâm của tôi không bị làm đau khổ’.”

Ông Nakulapita vui mừng trước những lời dạy của Đức thế Tôn. Ông cúi đầu chào Phật và ra về. Sau đó, ông đến gặp Ngài Xá-lợi-phất và thỉnh cầu ngài giải thích giùm cho ông ý nghĩa câu nói của Phật.

Ngài Xá-lợi-phất giảng rằng: “Một người chưa quen thuộc với những lời dạy của Đức Phật nên đã coi năm uẩn chính là mình. Nên khi những tập hợp uẩn này biến đổi và tàn hoại, thì khởi sinh trong người ấy sự buồn đau, sầu bi, khổ sở, phiền não, và tuyệt vọng. Vì vậy, người ấy sẽ bị đau khổ cả về thân và tâm.”

Trái lại, một người đệ tử thánh thiện đã nghe học Giáo Pháp thì không coi năm uẩn là mình. Nên khi những tập hợp uẩn này biến đổi và tàn hoại, thì sự buồn đau, sầu bi, khổ sở, phiền não, và tuyệt vọng không khởi sinh trong người ấy. Như vậy, mặc dù người ấy bị khổ thân, nhưng người ấy không bị khổ tâm”.

Ông Nakulapita nghe thấy vui mừng, bởi vì những lời khuyên dạy thông thái này có lẽ sẽ giúp ông sống một cuộc sống phúc lành và hạnh phúc về lâu dài (trong những tháng ngày còn lại).

Chúng ta có thể nói rằng, toàn bộ giáo lý của Đức Phật là dựa trên những cảm giác [thọ]. Cho đến cuối đời, sau bốn mươi lăm năm truyền dạy giáo lý, Đức Phật đã nói rằng: “Này các Tỳ kheo, ta đã dạy hai điều: khổ và sự chấm dứt khổ.” Câu chuyện trên đây về gia chủ Nakulapita thể hiện cốt lõi của giáo lý của Đức Phật về sự chấm dứt cảm giác khổ đau. Bởi vì thân, những cảm nhận, và thức của chúng ta chưa được tu tập cho nên chúng ta chịu khổ đau về thân xác, ví dụ, do bệnh tật, già yếu gây ra, và những buồn đau về mặt cảm xúc, ví dụ, sự buồn khổ và phiền não.

Sự khổ đau của chúng ta khởi sinh, như cách ngài Xá-lợi-phất giải thích cho ông Nakulapita, là bởi vì chúng ta coi năm uẩn là mình, là cái ‘ngã’ của mình. Năm tập hợp uẩn đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thật vậy, cái cảm giác mà chúng ta đều có về cái ‘Tôi là’ hay ‘Tôi hiện hữu’ [mà tâm lý học phương Tây gọi là bản ngã hay ‘ego’] là phát sinh từ sự dính chấp của chúng ta vào năm uẩn này, và chúng ta đã coi năm uẩn đó là ‘của tôi’, là cái ‘tôi’.

Nhưng khi chúng ta đã học và tu tập qua nền tảng chánh niệm thứ hai này – “chánh niệm về cảm giác” – thì chúng ta có thể huấn luyện bản thân dùng những sự đau đớn, ví dụ những sự bệnh tật, già yếu… để làm đối tượng thiền quán. Tuy nhiên, chúng ta không nên chờ cho đến khi già và bệnh yếu như ông Nakulapita rồi mới chánh niệm hay thiền quán về những điều đó. Nếu bạn tu tập được thói quen chánh niệm ngay từ bây giờ thì mỗi khi bạn nếm trải những cảm giác đau đớn, thì bạn sẽ hiểu được rằng sự đau  đớn là vô thường, cũng giống như mọi sự khác. Bạn sẽ hiểu thêm rằng, không có một cái ‘ta’ hay bản ‘ngã’ nào nếm trải sự đau đớn đó!. Khi chúng ta tu tiến và nhận ra được lẽ thật này, thì lúc đó chúng ta không còn sự đau đớn về thân xác hay sự bất hạnh về tinh thần có thể làm chúng ta đau khổ.

Khi chúng ta bắt đầu tập thực hành chánh niệm về cảm giác, chúng ta nên nhớ rõ hai điều. Trước tiên, về ngôn ngữ chung, chúng ta nên dùng từ “cảm giác” theo hai cách riêng, phân thành hai loại. “Cảm giác” là một danh từ chung. Cảm giác bao gồm (i) sự “cảm nhận thuộc về thân” khởi sinh khi thân tiếp xúc với những đối tượng bên ngoài, và (ii) sự “cảm xúc thuộc về tâm” được tạo từ bên trong, nó thuộc về tâm hay thuộc về tâm lý.

Nhưng trong giáo lý của Phật, từ “cảm giác” [thọ] bao gồm cả hai, gồm những cảm nhận về thân và những cảm xúc thuộc về tâm. [“Cảm giác”: vedana trong tiếng Pali và tiếng Phạn]. Nói rõ hơn, những “cảm nhận” là những cảm giác khởi sinh khi có sự tiếp xúc giác quan với đối tượng bên ngoài, còn những “cảm xúc” là những cảm giác được tạo ra từ bên trong (tâm). Khi tôi dùng từ “cảm giác” trong quyển sách này, tôi bao hàm cả hai thứ: “cảm nhận” và “cảm xúc”.

Thứ hai, chúng ta cũng phải nhận ra rằng tất cả những sự đau đớn và đau buồn, và những cảm nhận và cảm xúc khó chịu khác không phải là những cảm giác duy nhất làm chúng ta đau khổ. Những cảm giác dễ chịu: như sự ràng  buộc, tham muốn và dính chấp, cũng làm chúng ta khổ.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) có ghi đại ý rằng: “Người mà tham ái, dính chấp chẳng khác gì như một người bị thần chết đến mang đi, giống như cuồng lũ đến, cuốn trôi làng mạc đang ngủ trong đêm”. Sự ràng buộc, dính chấp vào bất cứ thứ gì—con cái, gia súc, của cải, hay bất kỳ người nào, nơi nào, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc, hay ý tưởng… — thì cũng như đang bị ngủ mê. Khi chúng ta bị ràng buộc dính chấp vào thứ gì, ngay cả đó là niềm sung sướng hay khoái lạc, thì lúc đó chúng ta không có chánh niệm, và vì vậy chúng ta dễ bị khổ đau. (Ví dụ, những cái sướng rồi cũng bị thay đổi và biến mất, ta lại bị khổ đau, thất vọng). Nhưng nếu chúng ta không còn tham muốn và dục vọng, thì ngay cả khi thế giới tiếp tục đổi thay, chúng ta cũng không bị khổ!.

Ba Loại Cảm Giác

Bước đầu tiên trong việc phát triển thiền “chánh niệm về cảm giác” là phân biệt các loại cảm giác chính. Đôi khi Đức Phật nói có hai loại: dễ chịu [sướng] và khó chịu [khổ]. Nhưng trong những lần giảng khác, Phật nói rõ hơn là có ba loại: dễ chịu [sướng], khó chịu [khổ], và trung tính [không sướng không khổ]. (HV: Lạc thọ, khổ thọ, và vô ký thọ).

Khi chúng ta có một cảm giác dễ chịu, chúng ta nên chánh niệm rằng ta đang có cảm giác dễ chịu. Điều đó là thẳng thắn. Khi chúng ta cảm giác sự sướng, chúng ta biết  đó là sự sướng. Tương tự, khi chúng ta có cảm giác đau khổ, chúng ta biết đó là cảm giác đau khổ, và ta có thể chánh niệm về nó. Một cách tự nhiên và theo bản năng, mọi người đều biết được thế nào là cảm giác sướng (dễ chịu) và cảm giác khổ (khó chịu) từ khi mới sinh ra mà không cần phải được giải thích nhiều. Tuy nhiên, loại cảm giác thứ ba [cảm giác trung tính] thì có thể hơi khó hiểu đối với một số người, nếu họ không có sự chú tâm đến những cảm giác. Điều này cũng giúp ta ghi nhớ rằng: trong Giáo Pháp của Phật không có loại ‘cảm giác hỗn hợp’!, tức là không có loại cảm giác như ‘vừa sướng vừa khổ’, ‘vừa ngon vừa dở’… như cách người đời hay tả. (Cảm giác trung tính cũng là một loại cảm giác riêng biệt, chứ không phải là cảm giác hỗn hợp. Ví dụ, trong một khoảnh khắc thời gian, ta có thể có nhiều cảm giác ngon, dở và không ngon cũng không dở, chứ không phải là một cảm giác hỗn hợp của hai hay ba loại cảm giác này xảy ra trong cùng một khắc. Không bao giờ có vậy!).

Việc chánh niệm về ba loại cảm giác này là tương đối dễ dàng, vì ngay khi ta chú tâm, chúng ta nhận biết được ngay chúng ta đang trải nghiệm một cảm giác dễ chịu, không có mặt cảm giác khó chịu hay cảm giác trung tính. Tương tự, khi cảm giác khó chịu có mặt, thì cảm giác dễ chịu và cảm giác trung tính không có mặt. Khi cảm giác trung tính có mặt, thì hai loại cảm giác kia không có mặt. Nói cách khác, chúng ta chỉ trải nghiệm một loại cảm nhận hay cảm xúc trong mỗi lần lần cảm giác (dù là chỉ trong một sát-na).

Thêm nữa, khi chúng ta chánh niệm, chúng ta nhận biết nhanh rằng những cảm giác thay đổi rất nhanh mà không có một sự kiểm soát nào của ý thức. Ví dụ như, chúng ta đang trong trạng thái sung sướng. Một ngày nắng đẹp, chúng ta làm xong công việc, và đang đi về nhà ăn một bữa cơm tối ngon lành. Nhưng sau phút chốc, mặc dù ai cũng muốn duy trì cái cảm giác hạnh phúc dễ chịu đó, cảm giác đó biến mất, và một cảm giác trung tính thay vào. Rồi thì chẳng ai xui khiến, ta chợt nhớ đến chuyện tranh cãi với một người bạn chiều nay, cảm giác trung tính có thể nhường chỗ cho một cảm giác khó chịu, bực mình. Từ chỗ trải nghiệm thực tế đó, chúng ta thấy rằng mọi cảm giác của ta đều là vô thường, dù cho nó là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Trong khi chúng ta đang quan sát những cảm giác thay đổi nhanh chóng đến mức nào, và không cần phải cố sức quá nhiều, chúng ta cũng nhận ra một sự thật khác. Chúng ta bắt đầu thấy được những cảm giác chỉ là những cảm giác, không phải là cảm giác của tôi hay là những phần của tôi. Chúng ta nhận ra rằng ta vẫn thường hay nhận định những cảm giác một cách gần gũi như thể chúng là những phần của ‘bản sắc’ hay ‘căn cơ’ gì gì đó của ta vậy. Đó là sự nhận lầm. Chúng ta thường hay nói “Chân của tôi bị đau mỗi lần tôi ngồi thiền”, hay “Tôi tức giận với vài người thiếu trách nhiệm”… như thể những cảm giác đó là những phần cố định và bất biến của cái ‘tôi’ cũng cố định và bất biến, vậy. Như, thử nghĩ, nếu những cảm giác đó chính là cái ‘tôi’ + cái ‘tôi’ là cố định và bất biến, vậy thì những  cảm giác về cái đau hay sự tức giận cũng phải là bất biến chứ. Nhưng kinh nghiệm có ta thấy chẳng có cảm giác nào là không thay đổi hết. (Tất cả mọi cảm giác đều thay đổi, thậm chí chỉ sau một sát-na). Những cảm giác luôn luôn thay đổi, và cái ‘tôi’ đó đâu có kiểm soát gì được chúng đâu. (Ví dụ, mình bị gãy chân đau nhói đến tận óc, nhưng mình đâu có điều khiển được cái cảm giác đau khổ đó bớt đi hay hết đau cho được. Mình bệnh và liệt giường, nhưng mình đâu có điều khiển được cảm giác đau bệnh, và cũng đâu có bảo được cả cái thân mình hết bệnh được đâu). Vì lẽ này, vì quan sát thấy được lẽ thật này, chúng ta biết rằng cái ‘Ta’ hay cái ‘ngã’ rõ ràng không phải là một thực thể thường trụ, cố định và bất biến. Nói cách khác, không thể có một cái ‘Ta’ thường hằng và cố định.

Xử Lý Sự Đau Đớn

Trong ba loại cảm giác cơ bản mà chúng ta đã đang thảo luận ở đây thì loại “cảm giác khó chịu” [khổ thọ] về sự đau đớn có lẽ là loại cảm giác khó-xử-lý-nhất. Khi nào chúng ta còn thân và còn thức, thì chúng ta còn có đau.

Ngay cả những bậc giác ngộ cũng bị đau. Một lần khi ông Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) leo lên đỉnh Linh Thứu (Gijjhakuta) canh Phật đi qua và xô một tảng đá xuống để giết Phật. Mảnh đá văng ra trúng chân Phật. Lương y Jivaka dùng thuốc đắp vào chỗ vết thương. Đêm đó, Phật đã nếm trải sự đau nhức dữ dội. Nhưng nhờ sự chánh niệm, Người chịu được cơn đau.

Chúng ta khác Phật, khi cảm giác đau đớn khởi lên thì chúng ta thường bất an, bực tức, bức xúc, hoặc suy sụp. Chúng ta phản ứng như vậy vì chúng ta không biết cách đối trị cơn đau. Đức Phật đã giảng giải cho các Tỳ kheo về điểm này một cách rất rõ ràng: “Khi [một Tỳ kheo] đang cảm giác một cảm giác đau đớn, người ấy trở nên chánh niệm rằng mình đang cảm giác một cảm giác đau đớn.

Như vậy, bước đầu là chúng ta chỉ đơn giản nhận biết ta đang cảm giác đau đớn. Thêm nữa, lời dạy này chỉ cho ta biết rằng cảm giác đau đớn có hai mặt về thân và về tâm lý.

Sự đau đớn về thân thường có thể vượt qua được bằng trị liệu y học. Cho nên, trước mắt, chúng ta cần phải tìm mọi cách để giảm cơn đau, chẳng hạn đi gặp bác sĩ hay uống thuốc. (Ngày nay, có rất nhiều thuốc và phương pháp trị liệu giảm đau). Tuy nhiên, có những loại đau vẫn dai dẳng, dù đã dùng nhiều thuốc thang, trị liệu. Trong trường hợp đó, chúng ta cần phải làm theo gương Đức Phật: dùng cảm giác đau đớn như một đối tượng để thiền quán.

Khi chúng ta chú tâm một cách chánh niệm vào một cảm nhận đau đớn, điều đầu tiên chúng ta nhận biết là cảm nhận đó luôn đang thay đổi. Ví dụ, một cảm giác đau nhói óc qua một lúc có thể chuyển thành cảm giác đau ê buốt, rồi chuyển thành đau rát. Nói cách khác, sự đau là vô thường, cũng như mọi cảm giác. Khi chúng ta đã “nhập tâm” vào việc quan sát những cảm nhận đang thay đổi đó, thì chúng ta bắt đầu thư giãn và buông bỏ sự kháng cự với cơn đau. Khi rào cản giữa cái ‘ta’ và cơn đau [tức sự kháng cự] đã bị dẹp bỏ, và chúng ta quan sát những cảm nhận lên và xuống hay mạnh và yếu, chúng ta có thể ngạc nhiên nhận ra rằng ta chúng ta không còn đau đớn nữa. Cơn đau có thể cũng vẫn còn đó như một dòng những cảm nhận, nhưng cái ‘ta’ bị đau đớn đã biến mất. Không còn ‘ai’ bị đau nữa!

Kỹ thuật này cũng nên được dùng y hệt để đối trị với những sự đau buồn về mặt cảm xúc. Khi những cảm xúc buồn đau phát sinh, chúng ta chú tâm vào chúng. Chúng ta nhận biết rằng chúng luôn luôn đang thay đổi. Chúng ta quan sát chúng lên và xuống, hay mạnh và yếu. Ví dụ, chúng ta có thể chú tâm một cách chánh niệm vào một cảm giác buồn phiền đang biến đổi thành sự bực tức và rồi thành sự bất an hay suy sụp. Chúng ta ghi nhớ rằng không có một cái ‘ta’ hay ‘bản ngã’ thường hằng và bất biến nào đang nếm trải những cảm xúc này, và cũng không có sự đau buồn nào là hằng số và không thay đổi. Chính cái sự nhận biết này làm nguôi đi cảm xúc đau buồn!. (Đây là giá trị của phương pháp của thiền chánh niệm hay quán niệm về cảm giác mà Phật đã chỉ dạy trong bài kinh.)

Nhiều Loại Cảm Giác

Một khi chúng ta đã hiểu được ba loại cảm giác cơ bản nói trên, chúng ta có thể bắt đầu phân biệt chi tiết hơn. Ví dụ, chúng ta có thể quen thuộc với những cảm giác dễ chịu và khó chịu khởi sinh thông qua năm giác quan của thân, chẳng hạn như hình dáng tươi đẹp dễ chịu của một bông hoa hay mùi hôi thối khó chịu của đống rác. Như Đức Phật giảng dạy, khi chúng ta xem xét năm loại thức giác quan [căn thức] và năm loại đối tượng mà giác quan nhận biết — đó là mắt và hình sắc, mũi và mùi hương, tai và âm thanh, lưỡi và mùi vị, da và sự chạm xúc— chúng ta có thể phân biệt ra được 15 loại cảm giác dễ chịu, khó chịu, và trung tính liên quan đến mỗi giác quan.

Thêm nữa, chúng ta có thể thêm vào giác quan thứ sáu là tâm và những đối tượng của tâm, ví dụ như những ý nghĩ, ký ức, tưởng tượng, và những vọng tưởng. Những cảm giác này cũng thuộc ba loại cơ bản là dễ chịu, khó chịu, và trung tính. Và bây giờ thì chúng ta có được 18 loại cảm giác. Rồi nếu chúng ta xem xét rằng mỗi cảm giác đó có thể khởi sinh: hoặc như là một loại cảm nhận của thân, hoặc như là một loại cảm xúc của tâm (như đã định nghĩa về “cảm giác” ở đầu chương này), thì chúng ta lại có được tất cả là 36 loại cảm giác. Nếu chúng ta lấy 36 loại cảm giác nhân với ba thời quá khứ, hiện tại, và tương lai, thì chúng ta có thể phân biệt và phân loại thành 108 loại cảm giác!.

Bạn có thể thắc mắc: “Ích lợi gì phải đi phân biệt tất cả các loại cảm giác theo kiểu như vậy?”. Để trả lời cho câu hỏi khá hay này, chúng ta nên nhớ lại lời chỉ dạy của Đức Phật là: “Quán niệm cảm giác trong những cảm giác . . . để biết rõ được những cảm giác đích thực như-chúng-là“.

Giáo Pháp đã dạy về 108 loại cảm giác là để nhấn mạnh rằng, sự thực, có nhiều loại “cảm giác trong những cảm giác” khác nhau.

Thêm nữa, khi chúng ta bắt đầu chú tâm vào những cảm giác, đầu tiên chúng ta chỉ nhận biết chúng một cách bề ngoài. Chúng ta thực tập để chánh niệm cho được về sự nếm trải [trải nghiệm] những cảm giác dễ chịu, khó chịu, và trung tính. Khi sự chánh niệm của chúng ta sâu sắc hơn, chúng ta bắt đầu phân biệt nhiều hơn nữa. Ví dụ, chúng ta chánh niệm về sự khác nhau giữa những cảm nhận và những cảm xúc, và chúng ta chánh niệm về sự thật thức giác quan là liên đới với cảm giác [thức liên đới với thọ]… Không thể nói hết được, chỉ có sự thực hành thì mới giúp chúng ta phân biệt được tất cả 108 loại cảm giác đó.

Cảm Giác Khởi Sinh Như Thế Nào?

Vậy thì những cảm giác khởi sinh như thế nào?  Hiểu biết thêm một chút về tiến trình này sẽ giúp chúng ta tu chánh niệm tốt hơn, bởi vì chúng ta thấy ngay cả một cảm giác đơn giản nhất cũng khởi sinh từ một dãy những bước tương quan duyên khởi với nhau. Nói gọn hơn, cảm giác khởi sinh tùy theo ba yếu tố khác: những giác quan, một đối tượng, và thức. Đây là cách tiến trình cảm giác xảy ra:

Những sự vật có thể được nhận biết bởi tâm thông qua những giác quan, chúng ta gọi chúng là những đối tượng của tâm, một ví dụ như bông hoa. Mỗi đối tượng có một bản chất hay chức năng. Những cảm giác thì giống như những vòi con bạch tuộc. Những cái vòi ban đầu tiếp xúc với đối tượng và truyền sự tiếp xúc về tâm. Tuy nhiên, sự tiếp xúc đích thực xảy ra ở tâm!. Đồng thời, cũng do có sự tiếp xúc của các giác quan với đối tượng, nên thức khởi sinh. Tâm phải ý thức được để nhận biết sự tiếp xúc được truyền đến bởi các giác quan, và phiên dịch một cách chính xác. Khi tâm tiếp xúc một đối tượng, cảm tưởng khởi sinh trong tâm đưa tin về chức năng [tính chất] của đối tượng.

Cảm tưởng này chính là cảm giác. Cảm giác có thể được ví như là một bàn tay đang vắt trái cam để lấy nước cam. Khi sự dễ chịu được vắt ra khỏi đối tượng, chúng ta trải nghiệm một cảm giác dễ chịu. Khi sự khó chịu được vắt ra khỏi đối tượng, chúng ta nếm trải một cảm giác khó chịu. Cảm giác này có thể là một cảm nhận thuộc về thân hoặc một cảm xúc thuộc về tâm.

Mức độ và sự rõ ràng của một cảm giác nào đó là tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Ví dụ, nếu mắt khỏe mạnh, bông hoa chúng ta đang ngắm nhìn đang được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời, và chúng ta đang đứng gần nó và có sự chú tâm vào nhìn nó, thì cảm giác dễ chịu dễ thương về bông hoa sẽ sắc xảo và rõ ràng. Nhưng nếu thị lực yếu, ánh sáng mờ nhạt, ta đứng xa bông hoa, hoặc sự chú tâm ý thức của ta đang bị xao lãng: không có chú tâm khi nhìn, thì bông hoa không tạo sự tiếp xúc mạnh mẽ với tâm ta. Khi đó, cảm giác khởi sinh tùy thuộc vào những điều kiện này sẽ mờ yếu và vi tế.

Sự thật này cũng đúng đối với các (4) giác quan bên ngoài còn lại: Nếu các điều kiện [các duyên] là hỗ trợ tốt, thì sự tiếp xúc và cảm giác sẽ mạnh mẽ và rõ ràng; nếu các điều kiện là không hỗ tốt, thì sự tiếp xúc và cảm giác sẽ mờ yếu và vi tế.

Tương tự như vậy đối với giác quan bên trong là tâm [giác quan thứ sáu]: Nếu tâm là sáng sủa, thì những ý nghĩ khởi sinh trong tâm cũng rõ ràng, và cảm giác khởi sinh từ sự tiếp xúc của tâm cũng mạnh mẽ. Cảm giác chúng ta có được cũng phụ thuộc vào trạng thái tâm lúc đó.

Một đối tượng có thể tạo một cảm giác dễ chịu cho người này, nhưng có thể là khó chịu cho người khác, tùy thuộc vào trạng thái tâm của mỗi người. (Ví dụ, một củ khoai ăn vào sẽ thật ngon đối với người đang chết đói, nhưng thật là chán ngán và tầm thường đối với một kẻ vừa mới ăn xong một buổi tiệc sang trọng. Một lời khen hay chê có thể làm một người cảm thấy biết ơn, nhưng có thể làm người khác cảm thấy bực bội.)

Thiền về sự “Chánh Niệm về Cảm Giác”

Khi chúng ta thiền về sự “chánh niệm về cảm giác“, chúng ta ghi nhớ rằng cảm giác khởi sinh tùy theo sự tiếp xúc. Khi sự tiếp xúc thay đổi, cảm giác cũng thay đổi theo. Khi chúng ta trải nghiệm một cảm giác dễ chịu [lạc thọ], ta nên nghĩ rằng: “Đây là một cảm giác dễ chịu. Nó đã khởi sinh tùy theo những yếu tố này. Khi những yếu tố này biến mất, cảm giác dễ chịu này cũng biến mất”.

Chúng ta cũng tập nghĩ tương tự khi trải nghiệm mỗi loại cảm giác khó chịu [khổ thọ] và trung tính [vô ký thọ] kia. Chúng ta không cần làm bất cứ điều gì để điều khiển cảm giác hay làm chúng thay đổi. Chúng ta chỉ nhận biết những cảm giác đang thay đổi. Mỗi cảm giác khởi sinh tùy theo các nguyên nhân và điều kiện, và sau đó biến mất.

Tâm không thể nắm giữ cái chúng ta đang trải nghiệm, và vì vậy cứ để nó tự biến mất một cách tự nhiên. Vậy chứ biết làm sao?. Đơn giản là chẳng làm được gì!

Khi chúng ta quan sát tiến trình này, chúng ta không nên đưa những cảm giác này thành lời. Việc đặt tên dán nhãn cho những cảm nhận và cảm xúc sẽ làm méo mó hoặc sẽ biến chúng thành thứ khác. Những cảm giác đau của mỗi người là hoàn toàn cá nhân, chỉ người đó mới “nếm biết” nó ra sao. Những cảm giác không thể được chuyển thành lời (hay diễn tả bằng lời) một cách chính xác như chúng được ta đích thực nếm trải chúng. Thay vì vậy, chúng ta chỉ đơn thuần để hơi thở đi vào đi ra. Chúng ta hoàn toàn tỉnh giác và tỉnh thức, chú tâm một cách trọn vẹn vào từng cảm giác khởi sinh, lên cao, và biến mất.

Khi chúng ta thiền, một số cảm giác đặc biệt có thể khởi sinh. Một trong những cảm giác đó là “sự thúc giục về mặt tâm linh”, (đó là cảm giác muốn khẩn trương tu hành sau khi hiểu rõ những lẽ-thật phũ phàng và sự ngắn-ngủi của sự sống). Đó là samvega. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng đau đớn phát sinh và đau đớn biến mất; khoái lạc khởi sinh và khoái lạc biến mất. Khi chúng ta quan sát liên tục cái đường lối lặp đi lặp lại này của những cảm giác, thì trí tuệ phát sinh và nhận biết được rằng: khi nào chúng ta còn (tái) sinh thành bất cứ loài nào, chúng ta sẽ còn tiếp tục chịu đau khổ. Trí tuệ đó thúc giục chúng ta mau mau tu tập và tìm ra một cách để chấm dứt cái vòng sinh tử luân hồi nghiệt ngã này, một lần và mãi mãi.

Chúng ta cũng có thể có được một loại cảm giác hỷ lạc đặc biệt khi chúng ta thiền; cảm giác này không xuất phát từ khuynh hướng tham dục tiềm ẩn. Khi thiền, nếu tâm không còn chạy theo dục vọng khoái lạc, thân sẽ được bình lặng, tâm sẽ được tĩnh lặng, và không còn sự kích động, không còn sự kích thích nào nữa. Chúng ta có được một sự bình an sâu lắng. Đó là một cảm giác hỷ lạc. Cảm giác hỷ lạc này có được từ việc thấy biết rằng: cảm giác hỷ lạc này và mọi thứ khác đều là vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã, nên nó không khơi dậy sự ràng buộc hay dính chấp. (Đó là niềm hỷ lạc được sinh ra từ trí tuệ thấy biết, từ sự định tâm, và sự buông bỏ. Đây là chân hạnh phúc của người tu hành. Trong những giai đoạn đạt định và chứng đắc đầu tiên của “thiền định” thì người tu cũng đạt được những cảm giác hỷ – lạc đặc biệt đó). Chúng ta đơn thuần trải nghiệm cảm giác đó. Chúng ta nhìn thấy thực tại.

Những Điểm Chính để thực hành Chánh Niệm về Cảm giác

► Bạn có thể thực tập chánh niệm về cảm giác trong lúc đang thực hành thiền chánh niệm về hơi thở!. (Vì mỗi cảm giác khởi sinh chính là cái làm xao lãng “sự chú tâm vào hơi thở” của ta!. Chắc chắc những cảm giác làm xao lãng đó sẽ xảy ra cho tất cả thiền sinh.)

► Khi cảm giác khởi sinh, nhận biết nó là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Quan sát khi từng cảm giác khởi sinh, lên cao, và biến mất. Bạn không cần phải làm gì để điều khiển, can thiệp, hay làm chúng thay đổi. Đơn thuần quan sát và kéo sự chú tâm về lại hơi thở.

► Khi những cảm giác khởi sinh, nhận biết chúng là những cảm nhận phát sinh từ sự tiếp xúc với một đối tượng bên ngoài, hoặc chúng là những cảm xúc khởi sinh từ bên trong. Quan sát từng loại cảm giác khởi sinh, lên cao, và biến mất; sau đó kéo sự chú tâm về lại hơi thở.

► Khi bạn quan sát những cảm nhận, nhận biết giác quan (căn) nào và thức giác quan (căn thức) nào là nguồn gốc tạo ra sự cảm nhận. Ví dụ, bạn cảm thấy hơi ấm phát sinh dưới chỗ ngồi là do sự tiếp xúc của thân và gối ngồi thiền, thì đó là do giác quan chạm xúc (xúc giác) của thân; hay nghe tiếng chim ngoài của sổ là do tai nghe (thính giác); hay ngửi thấy mùi thơm của nồi canh từ dưới bếp là mũi ngửi (khứu giác). Đừng dùng ngôn từ để đặt tên hay khái niệm những cảm giác này. Đơn giản là nhận biết rằng bạn đang trải nghiệm một cảm nhận, và quay lại chú tâm vào hơi thở.

► Ví dụ, khi nghe tiếng chim hót dễ thương. Chú tâm vào tiến trình giúp bạn nghe được âm thanh đó – đó là sóng âm tiếp xúc với lỗ tai bạn và được truyền về bộ não, bộ não phân tích sự tiếp xúc và làm khởi sinh cảm tưởng hay cảm giác dễ thương đó. Ghi nhận và nhớ rằng: “Đây là một cảm giác dễ chịu. Nó khởi sinh tùy theo những yếu tố khác nhau. Khi những yếu tố này biến mất, cảm giác dễ chịu này cũng biến mất”. Sau đó, kéo sự chú tâm của mình về lại hơi thở.

► Nếu có một cảm nhận đau đớn về thân khởi sinh, quan sát cách cảm nhận đó thay đổi. Quan sát mức độ lên và xuống của nó mà không từ chối hay kháng cự với nó. Nhớ rõ sự đau đớn không phải là một sự vật, mà nó là một sự kiện diễn ra. Sự đau là vô thường. Không có một cái ‘Ta’ thường hằng và cố định nào đang nếm trải sự đau đó.

► Nếu có một cảm xúc tạo ra từ bên trong (tâm), nhận biết nó mà không cần đánh giá. Đừng giúp hay cản trở hay can thiệp nó bằng một mảy may nào. Chỉ đơn thuần quan sát khi cảm xúc khởi sinh, lên cao, và biến mất. Sau đó, kéo sự chú tâm về lại hơi thở.

► Ví dụ, khi bạn trải nghiệm một tưởng tượng dễ chịu khi bạn đang ngồi thiền, hãy nhận biết ngay là bạn đã bị xao lãng bởi vọng tưởng, rồi nhận biết mức độ mạnh yếu của nó và nó kéo dài bao lâu. Nhận biết luôn trạng thái tâm tham dục đi kèm với vọng tưởng đó. Quan sát khi nó biến mất, và quay lại chú tâm vào hơi thở.

Thiền sư Henepola Gunaratana