CHIA SẺ

“ Trong xã hội, làm việc gì cũng cần phải giữ chữ tín, không tham lam, tận tâm tận lực, phải thành thực, làm nhân viên giúp việc có hết lòng thì “cấp trên” mới trọng dụng. Người Phật tử cũng phải như thế, đối với chư Phật phải thành tâm kính ngưỡng thì chư Phật mới gia hộ. Làm ăn lớn, hoặc làm ăn với người nước ngoài lại cần phải giữ chữ tín mới được tin cậy, được đề bạt và bồi dưỡng, sự nghiệp mới dần dần lớn ra, và tiền đồ sẽ xán lạn. Học bác sỹ không chỉ cốt lo bản thân, mình phải chịu khó mới thành tài, rồi có tận tụy vất vả người ta mới tín nhiệm, tương lai mới sáng sủa. Cho nên, người nào chịu khổ chịu cực đựơc thì con đường tương lai sẽ rộng mở.

Quay nhìn lại, người xuất gia tu hành cũng như thế. Chư Phật, Bồ Tát đều dụng công khổ hạnh, không cần phải chọn một nhân tài nào đó, cũng không nhất định phải học trong Phật học viện nào mới thành tựu đựơc. Phật và Bồ Tát đều tu từ khổ hạnh, thể nghiệm, tôi luyện mà thành

Người tin theo đạo Phật hay người xuất gia thường bị thử thách, đả kích, kích thích; có bị thử thách như thế mới có thể tu hành đến giác ngộ đựơc. Mỗi người xuất gia đều có nhân duyên riêng, nhưng không nên cho rằng “vì bị kích thích mà đi tu là dở”. Trái lại, bị kích thích mà xuất gia thì đạo tâm càng kiên cố, bất luận người xuất gia hay người tại gia đều cần phải có chí khí. Người có bị kích động mới nâng cao ý chí tu hành, hay hành sự.

Người đi tu hiện nay ít chịu cực khổ, không biết rằng đi tu cần phải trăm ngàn cay đắng để liễu sanh thoát tử. Họ cũng không biết vì sao đi tu và tu như thế nào ? Tu sỹ phải chịu kham khổ , làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn. Tu sỹ hiện nay không hiểu như vậy nên sợ khổ, sợ bó buộc, rồi tự đi cất chùa riêng, kết quả là không lo liệu gì được cho đại chúng. Thực ra tự mình còn không biết tự độ làm sao mà độ người ? Do đó người xuất gia chịu khổ để tu, chứ chẳng phải xuất gia để hưởng thụ.

Người tu mà không bàn luận về Phật pháp, chỉ bàn luận về chuyện thế tục, ấy đâu phải bổn phận của người xuất gia ? Đem việc gia đình thế tục áp dụng trong chùa, tập khí chưa dứt làm sao nói đến việc tu đạo ? Người xuất gia phải tu khổ hạnh, tu giới, định, tuệ. Có một số người mới thọ giới xong, liền tự cho mình là pháp sư. Thọ giới là phải tự mình giữ giới luật, trì giới mới phát định phát tuệ; giới, định , tuệ không phải chuyện dễ dàng, phải nương theo Kinh, Luật, Luận để thực hành. Giới, định, tuệ là : đối với bốn loài chúng sinh không làm tổn thương, phải từ bi, phải nhẫn nhục, phải chịu cực khổ.

Có người đi thọ giới về mang theo lòng tham dục, tính chuyện hưởng thụ ăn ngon, mặc đẹp, ở chỗ tiện nghi; không chịu dũng mãnh tinh tấn. Người thế tục làm ăn muốn cho người ta tin còn phải chịu khó khăn vất vả, phải thủ tín; tu sỹ lại không đựơc người ta tin tưởng lý do là vì tham ăn, mặc, ở, chẳng giữ giới chẳng tu trì, thì làm sao người ta tin theo ? Chúng ta phải giữ giới, phải chịu khổ cần lao thì tín đồ mới tin tưởng và kính trọng chúng ta.

Có một số tu sĩ kiếm sống như người thế tục. Người tại gia biết tụng kinh (hộ niệm), người xuất gia cũng tranh đi tụng kinh (hộ niệm) với họ, giống như cạnh tranh nhau làm ăn, hiện tựơng này không tốt, chẳng khác gì “ tôi độ họ, họ độ tôi ”. Sau khi thọ giới phải gia tăng giữ giới, nỗ lực hành trì. Trì giới, được Giới Thần gia hộ các vị, mới mong thoát khỏi biển khổ. Nếu như sau khi thọ giới về lại tranh đi hộ niệm với người tại gia thì làm sao có thể độ người đựơc ? Có trì giới, có định – tuệ đầy đủ thì Vi Đà Bồ Tát sẽ gia hộ các vị. Một lời nói ra quỷ thần nghe được cũng thoát khổ, như thế mới gọi là tự độ, độ tha.

Người xuất gia không nên vui mừng được ăn , mặc, ở đầy đủ. Nếu ham hưởng thụ thì dễ sanh ra giãi đãi. Người xuất gia phải nỗ lực tu hành, xem mình có thể liễu sanh thoát tử đựơc không ? Thọ giới là nương vào giới – định – tuệ. Xem khả năng tu hành của mình đến đâu thì an nhiên tự tại, đến nơi nào cũng độ đựơc người, tới đâu cũng đựơc người cung kính.

Người thế tục tu hành tu lợi, còn ở trong thế giới ta bà là vẫn còn luân hồi, khi chết đi thần thức đầu thai trở lại. Còn xuất gia là để thoát ly sanh tử. Người xuất gia lấy giới làm thầy, lấy giới làm thầy là tu đến chỗ người thấy mình như là thấy Phật, khởi tâm hoan hỷ kính ngưỡng. Người xuất gia cần phải có nguyện lực, không nên luyến tiếc thân thể vì thân thể này không trường tồn vĩnh cửu.

Xét người là xem xét lỗi người để sửa lỗi mình, không nên vì bị chỉ trích mà cho người chỉ trích là xấu, họ là thiện trí thức của chúng ta, dù phải hy sinh ta cũng phải độ họ. Phải tu đến chỗ bất sanh bất diệt, hiển lộ chơn tánh.

Tôi không biết chữ, cũng không theo phương pháp giảng dạy nào, nay nghĩ gì thì nói nấy, nếu có nói sai xin lựơng thứ cho.”

Sư phụ bảo đại chúng cùng niệm Phật
Nam-mô A-Di-Đà Phật
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ Tát

Hòa thượng Quảng Khâm
Trích Những Lời Khai thị của Hòa thượng Quảng Khâm