CHIA SẺ

Tất cả chư Phật, một Pháp thân

Chân như bình đẳng vô phân biệt

Phật dùng sức này thường an trụ

Phổ tiệp thị hiện diễn thuyết đủ

(Trích Kinh Hoa Nghiêm về “Phổ Tiệp Thị Hiện Vương”)

Nếu có khả năng thị hiện để diễn thuyết thì vị [hộ thần] Phổ Tiệp Thị Hiện Vương sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, khi tất cả chư Phật khắp mười phương pháp giới này đều thành Phật, các ngài chỉ có một pháp môn duy nhất, và pháp môn đó là gì? Đó là được giải thoát thôi và không là gì khác nữa.

Nhưng hơn thế nữa, vị [hộ thần] Phổ Tiệp Thị Hiện Vương đã thị hiện được và diễn thuyết được cho chúng ta thấy rằng tất cả chư Phật đều là một Pháp thân.

Ví dụ, như hồi nãy, mình nói đến việc tất cả chúng ta ở đây đều là bình đẳng, cái thấy của chúng ta không sai biệt nhau trong lúc chúng ta đang thấy ở đây. Chúng ta đang thấy những cảnh trước mắt và thấy như nhau hết. Tất cả chúng ta ngồi đây đều có cái thấy đó, và khi thành Phật thì cũng là nhận được một Pháp thân giống như nhau, không có gì sai khác hết. Như vậy có nghĩa là thành tất cả Phật mà là một Phật, hay là thành tất cả các Phật khác nhau? Khác hay giống? Ở đây trong bài kệ nói là tất cả Phật chỉ có một Pháp thân duy nhất. Nghĩa là sao? Nghĩa là tất cả các Phật dùng xài một thân chung hay sao?

Giống như bây giờ chúng ta cùng nhìn thấy cảnh duyên thì chúng ta xài chung một cái thấy hay xài riêng? Mình thì riêng rồi đó. Nhưng Phật thì không riêng! Mà cũng không chung. Không chung được đâu! Nhưng mà cũng không riêng. Là diệu kỳ thế đó. Nếu chúng ta hiểu được cái “không chung, không riêng” thì chúng ta có thể hiểu được cảnh giới của chư Phật.

Như mình bây giờ khi chúng ta nói đến cái chung, là có tất cả bao nhiêu âm thanh thì chúng ta cùng nghe một lượt. Mình không thể lấy cái nghe của người khác để nghe cho mình, và cái nghe của mình cũng không thể che chắn hay lấn hiếp được cái nghe của người bên cạnh. Người bên cạnh nghe bao nhiêu âm thanh thì mình cũng nghe bấy nhiêu âm thanh. Người bên cạnh thấy bao nhiêu đó thì mình cũng thấy bao nhiêu đó. Và chúng ta đang cùng ngồi trong một chỗ như nhau để thấy và nghe tất cả các cảnh duyên như nhau. Trong cái chưa có sự so sánh phân biệt thì chúng ta đồng được cái này.

Như vậy nếu chúng ta sở hữu cái nghe để nghe một âm thanh, thì Đức Phật cũng sở hữu cái nghe để nghe một âm thanh, và đức Phật kia cũng nghe bằng cái nghe đó và cũng nghe một âm thanh. Nếu nhìn ở một góc độ nào đó thì đó là cái gì? Đó là “chung,” là “một.”

Nhưng đối với chư Phật thì một mà không phải một! Tuy không phải một, nhưng lại chẳng phải là có một cái ngã riêng khác như mình ở đây đâu.  Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này. Đức Phật Thích Ca không phải là Đức Phật Dược Sư, nhưng hai vị Phật này không phải sở hữu hai bản ngã như mình bây giờ! Mình thì khác với người bạn ngồi kế cạnh bên mình, khác hoàn toàn. Mình kiến thức khác, nghiệp tập khác. Chúng ta có quá nhiều sự sai khác. Trong khi chư Phật thì đã sạch hết kiến thức, sạch hết nghiệp tập, mà chỉ là trí thôi. Cho nên đồng đẳng về trí, đồng đẳng về tánh, đồng đẳng về diệu dụng. Đã tới cảnh giới đỉnh điểm đó rồi thì chư Phật đồng đẳng y như nhau không khác.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng đi, ai đã từng ở trong một khách sạn 5 sao, họ có một hệ thống điện chung như nhau. Khi họ mở hệ thống điện đó lên là tất cả các đèn đều được bật lên. Ví như căn nhà này đi. Khi chúng ta mở hệ thống điện lên là bao gồm tất cả bao nhiêu cái quạt, bao nhiêu cái đèn khác nhau. Tất cả là từ một dòng điện, nhưng cái quạt sẽ quay theo kiểu của nó, cái đèn sẽ sáng theo kiểu của nó. Tuy nhiên khi nói đến điện thì ở đây là dòng điện chung.

Vậy nếu mình hiểu cái “chung” như vậy, là hiểu đúng hay hiểu sai? Là sai rồi. Không có cái nghĩa chung như vậy đâu. Khi mình cúp nguồn điện là tất cả những cái quạt này sẽ tắt và nếu mở nguồn điện thì tất cả cái quạt sẽ quay. Nghĩa là tất cả những cái quạt này đều xài chung một nguồn điện, có điện thì quạt quay, không có điện thì quạt tắt, không phải một cái tắt mà cả ngàn cái quạt được gắn chung quanh ở đây cũng đều sẽ tắt hết như vậy.

Nhưng ở đây, chúng ta phải hiểu “tất cả chư Phật, một Pháp thân” không phải là “chung” cái kiểu như trên đâu.  Không phải Đức Phật Bổn Sư “tắt” là tắt luôn hết mấy vị Phật kia. Thí dụ như bây giờ mình chưa thành Phật thì đã có Đức Phật Thích Ca thành đạo rồi. Chúng sanh ở đây mê lầm nhưng đã có Đức Phật giác ngộ rồi. Nhưng mà một mai mình ở đây mình thành Phật, thì sẽ có thêm một vị Phật trong cõi này nữa chứ không có nghĩa là “tắt.” Không có tắt! Và khi chúng ta và tất cả chúng sanh trong pháp giới này thành Phật thì cõi giới của chư Phật trong pháp giới này cũng không khác nhau một chút nào luôn! Không hề khác!

Cho nên xin đừng nói là đức Phật này nguyện như vầy nên mới có cõi giới này, còn đức Phật kia nguyện như thế kia thì mới có cõi giới kia. Nói như thế là chúng ta sai rồi, mà từ xưa đến nay chúng ta học đạo theo kiểu đó.

Ví dụ trong Kinh A Di Đà có nói rằng, khi Phật A Di Đà còn là Pháp Tạng Bồ Tát thì đã phát nguyện gì, và ngài phát nguyện là sau khi thành Phật thì cõi nước mình sẽ được như vầy, như vầy; chẳng hạn như, “nếu có chúng sanh nào niệm đến danh hiệu của tôi thì tôi sẽ rước về cõi Phật.” Và chúng ta tin rằng từ xưa đến giờ chỉ có một mình đức A Di Đà là phát nguyện như vậy thôi, và chúng ta tin là chúng sanh sau khi chết, nếu có niệm đức Phật A Di Đà thì sẽ được đức Phật rước về cõi của mình. Còn Đức Phật Thích Ca thì không có từ bi như vậy sao? Và chúng ta tin là các đức Phật khác cũng không làm được chuyện này, chỉ có một mình Phật Di Đà là làm được chuyện này thôi. Đúng không?

Nếu hiểu như vậy thì e là chúng ta phỉ báng Phật rồi. Bởi vì khi đã tới cảnh giới của chư Phật từ bi thì chư Phật sẽ đồng như nhau, không khác! Trí tuệ như nhau, không khác. Cảnh giới là như nhau, không khác. Thành ra phút chốc thành Phật là thông đồng cảnh giới mười phương liền tức khắc. Tức là tất cả cảnh giới thông đồng của chư Phật từ bi đều như nhau! Đẹp đẽ, sáng chói rực rỡ như nhau, không khác.

Ví dụ như bao nhiêu chúng sanh theo Đức Phật Thích Ca tu tập, dù cho Đức Phật Thích Ca có dùng cái gì che chắn để các đức Phật khác không biết là mình đang đi theo đức Phật Thích Ca để tu học, thì có được không? Không có chuyện này. Chúng sanh nào đi theo học đức Phật Thích Ca thì chư Phật mười phương cũng đã biết. Bởi do [mắt phàm] chúng ta không thấy, nhưng sự thật là nhất cử nhất động của tất cả chúng sanh trong các cõi giới là đều được chư Phật mười phương rõ biết, chứ không phải một mình đức Bổn Sư mình rõ biết đâu. Cho nên dù là một cử động rất nhỏ của chúng ta thì cũng được chư Phật mười phương chứng biết. Nếu là một thiện tâm và nếu sự thành tâm của chúng ta đúng tầm độ thì chư Phật sẽ chứng biết.

Nên nếu một chúng sanh niệm danh hiệu của một đức Phật là chạm tới tất cả chư Phật mười phương!  Chứ không phải là niệm đức Phật Di Đà thì chỉ đức Phật Di Đà rõ biết. Cho nên khi một thiện tâm hay ác tâm của chúng ta phát khởi là tất cả chư Phật đều rõ biết. Nhưng điều [tuyệt diệu] ở đây, là tất cả chư Phật đều rõ biết một lượt! Rõ biết một lượt cho dù là chư Phật không hề có một mảy may tác ý để soi rọi mình.

Đến một lúc nào chúng ta thiền định sâu thì chúng ta mới hiểu ra được điều này. Tất cả những ý niệm dù rất nhỏ nơi tâm của chúng ta, dù là hiện ra theo kiểu gì, thì tự tánh luôn luôn rõ biết! Tự tánh không có tác ý, không có quán, không có soi, không có chiếu. Còn quán, còn chiếu… thì không phải rồi! Còn quán, còn chiếu… là theo dạng tâm thức chứ không phải tự tánh!

Tâm thức thì vẫn thấy cái có, cái không, cái đúng, cái sai, cái còn, cái mất, lúc tỉnh, lúc mê. Lúc tỉnh thì mình thấy mình thanh tịnh. Khi tỉnh giác thì khởi niệm gì mình cũng thấy biết được hết. Nhưng lúc mình mê thì mình niệm Phật mấy tiếng đồng hồ rồi mới giật mình trở lại, rồi lại than phiền là, “sao con nhận được tánh rồi, bữa nay con nhận biết có ý niệm, nhưng hôm sau sao con lại không thấy?”  Nhưng… nhận cái đó… thì không phải là tánh rồi, nên mới thay đổi như vậy!

Cho nên chúng ta phải thấy rõ là Pháp thân của chư Phật thấy in tuồng như là một. Nếu dùng ngôn ngữ ở một chiều nào đó thì chúng ta nhìn thấy là tất cả chư Phật ở mười phương đồng một Pháp thân – điều này là hoàn toàn đúng chứ không sai. Nhưng nếu nói mỗi mỗi đều riêng khác, thì cũng hoàn toàn đúng chứ không sai.

Vậy nên đã ở trong cảnh giới của chư Phật thì hoàn toàn không khác nhau một mảy may gì, nhưng không phải ở chung, mà cũng không phải ở riêng. Chung không phải là giống như mình, theo kiểu bao nhiêu người ngồi chung nhà với nhau ở đây. Bởi vì ngôi nhà của chư Phật là pháp giới mười phương. Không phải là một chỗ riêng để trú ngụ.

Mà một đức Phật khi đã thành Phật thì [Pháp] thân Phật trải khắp pháp giới mười phương. Không chỗ nào không phải là thân của Phật. Chúng ta đang ngồi ở đây, đang đứng ở đây, đang đi ở đây là đang đi trong thân của đức Phật, chứ không đi ngoài được. Thân của đức Phật trải khắp pháp giới này! Và tất cả các đức Phật đều là [Pháp] thân trải khắp pháp giới, trùm khắp pháp giới, chứ không có đức Phật nào mà thân trải riêng hết.

Cho nên trong kinh khi đức Phật Thích Ca từng nói là “ở khắp pháp giới này, cho dù lấy chân của một con ruồi hay lấy một cây kim rất nhỏ cắm xuống quả địa cầu thì chỗ đó cũng là nơi ta đã từng trải thân mạng.”

Mọi người thường hay lý luận là do sanh tử muôn ngàn kiếp, Đức Phật đã từng tu trong cõi của mình. Ví dụ như trên đất nước này, mảnh đất Chùa Long Hương này chỉ có một hecta thôi, nghĩa là tiền thân Đức Phật đã chết đi, chết lại, chết tới, chết lui, chôn từ trước cổng cho đến đằng sau lưng, nghĩa là chỗ nào cũng đã từng chôn thân Đức Phật hết, cho nên giờ lấy dùi cắm xuống là trúng thân của Đức Phật. Nhiều người giải thích như vậy đó, thì nó cũng… trúng theo cái kiểu hiểu đó, nhưng nếu mà chúng ta hiểu cho đúng đắn thì phải hiểu thân của Đức Phật đã trải khắp pháp giới mười phương là cái thân gì, chứ không phải là cái thân vật chất chết đi sống lại theo cái kiểu như mình hiểu từ trước đến giờ.  Nếu chúng ta lấy một cái dùi nhỏ cắm xuống bất kỳ chỗ nào trong pháp giới mười phương là cũng chạm tới thân của Đức Phật thì mới gọi là thân của Đức Phật trải khắp pháp giới mười phương.

Thành ra chúng ta mới thấy rằng Pháp thân nghĩa là chỗ nào cũng là thân của Phật, chỗ nào cũng là pháp của Phật, nơi nơi đều là thân phần của Phật. Và cái đó nghĩa là cái gì? Đó chính là cái chân như bình đẳng của tất cả chư Phật, không có một mảy may sai biệt!

Dù là một tỷ lũy thừa tỷ kiếp về sau có một đức Phật thành Phật thì vị Phật đó cũng sở hữu cảnh giới Phật của ngài y như Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta. Và cảnh giới của Đức Bổn Sư của chúng ta đã được nhắc đến trong Kinh là sao? Là bình đẳng, là thanh tịnh, là không có gò nỗng, không có người nữ, không có chúng sanh dữ, nhiều nhiều nhiều những cái không có. Nhưng cõi này có người nữ, gò nỗng, chúng sanh dữ… vậy thì cõi này có phải cõi Phật không? Đức Phật đã xuống đây làm người ở cõi ta bà để thành Phật. Nhưng chúng ta có dám khẳng định rằng cõi này là cõi Phật chưa? Chưa, đây vẫn là cõi ta bà.

Cõi ta bà là do đâu vậy? Do tâm của mình còn là chúng sanh nên mình thấy rõ ràng rằng cõi này là cõi ta bà. Chứ đối với cái nhìn của một bậc giác ngộ thì đây là một cõi thanh tịnh tuyệt đối rồi. Không phải ở trong chùa mới thanh tịnh mà ở ngoài đường không thanh tịnh. Đối với chư Phật thì khắp pháp giới này đều là thanh tịnh. Đó là một sự thật. Nơi nào thì các ngài cũng thấy là một cảnh giới thanh tịnh tuyệt đối của chư Phật.  Bình đẳng tuyệt đối không hề có một mảy may sai khác gì!

Rõ ràng Đức Phật là vô phân biệt mình không cần phải bàn. Nhưng nếu như đến một ngày mà chúng ta đạt đến cảnh giới vô phân biệt, nếu một ngày mà chúng ta thấy được sự bình đẳng tuyệt đối khi một người đã nhập vào tự tánh—nhập vào tự tánh thôi chứ chưa nói đến thành Phật—là chúng ta cũng nhận ra được cái tuyệt đối bình đẳng này rồi. Thì lúc ấy mình mới thấy là pháp giới này thật sự là thanh tịnh, vũ trụ này thật sự là trật tự.

Bây giờ mình thấy còn rối loạn, đúng không? Giống như nhìn ngoài đường xe chạy tới chạy lui loạn xạ cả lên, nhưng thật sự là nếu không trật tự thì sẽ đụng nhau rầm rầm hằng ngày, xe đụng nhau chất đống thành núi. Thật sự là xe chạy loạn xạ nhưng cũng trật tự ghê gớm. Lâu lâu mới có một hai em mất trật tự nên mới bị đụng thôi, chứ trên đường lộ là gần như có trật tự. Và thế giới này luôn là như vậy. Nếu chúng ta nhìn vào một khu chợ, hoặc nhìn vào một chỗ đông hằng mười ngàn người, hai chục ngàn người, thì họ cũng phải đi theo cái thứ tự của họ thì họ mới có thể đi được tới nơi chứ không thì sẽ dồn đống, không ai đi được tới đâu đâu.

Và cũng thế, sự vận hành của tất cả các pháp trong thế gian này cũng trật tự ghê gớm lắm! Nhưng do bởi mình không hiểu. Còn nếu mình đã hiểu được về quy luật trật tự của vũ trụ rồi, thì mình sẽ thấy pháp giới này rất là trật tự, rất là an bình, rất là bình đẳng.

Nhưng bây giờ mình vẫn thấy là thế giới này bất an, đúng không? Là ta bà khổ, không nên ở lâu. Là dòn, bở gì đó, đủ thứ hết. Nhưng không phải đâu. Khi mà quả địa cầu này nổ tung thì tất cả loài chúng sanh trên quả địa cầu này sẽ chết hết. Lúc đó mình sẽ không còn là người nữa. Mà không còn là người nữa thì mình đâu cần thiết phải bám vào nơi đây để sống. Khi mình đã qua đến một cõi giới khác rồi, thì nhu cầu của mình không còn phải là cần ăn cơm để sống nữa. Chúng ta sẽ sở hữu một loại thực phẩm khác trong cõi giới đó của chính mình. Và cõi giới đó sẽ là nguyên cái hư không mênh mông này chứ không phải còn là quả địa cầu này. Cho nên nếu lỡ nói quả đất này sắp sửa nổ thì cũng không phải sợ đâu, đừng việc gì phải sợ. Mình sẽ được cái duyên ‘bay’ một đoạn rồi mới sẽ chết. Có người chết ngộp liền. Có người được bay trong hư không một lúc rồi mới đứng hơi thở. Nói đến cảnh giới của một người khi đã thoát được ngoài vật chất, thì cái sinh hoạt, cái nhu cầu để có thể tồn tại ở trong hư không này hoàn toàn khác với nhu cầu của cõi vật chất. Chúng ta nên biết như vậy, cho nên khi nghe quả đất này sắp bị này kia, kia nọ, thì… đừng run sợ!

Cho nên nếu muốn nói đến cái “chung” thì tất cả chúng ta đều sở hữu chung một sự hay biết, một sự rõ biết, ở trong tam giới này. Nhưng có điều chúng ta bị riêng là riêng cái ngã chấp. Chứ thật ra là chúng sanh đều chung nhau hết, chỉ do ngã chấp mà thành riêng tư. Cho nên đến một ngày mà chúng ta phá vỡ được cái riêng tư, ngã chấp, thì chúng ta sẽ thấy là mình đồng như nhau cả.

Đến một ngày nào đó mà mình nhận ra là mình và người bạn của mình không khác nhau bất kỳ điều gì thì lúc đó chúng ta mới hiểu nhiều về tự tánh hơn!

Còn bây giờ mình muốn tìm cái “đồng” với người bạn kế một bên cũng không được. Đúng không? Chúng ta thấy người đó tóc đen hơn mình, ra đường người ta nhìn mình không bằng người kia, người này mang áo đẹp hơn mình, người kia mang dép đẹp hơn mình, ra đường người khác khen họ mặc áo, mang dép đẹp hơn mình là mình cảm giác khó chịu. Nên mình không thấy được cái đồng đẳng với nhau đâu. Không thể thấy nổi.  Nhưng đến khi nào chúng ta thấy được tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống này, rõ ràng là “đồng,” rất là đồng, muốn khác khác không được, thấy rằng mọi sự việc xảy ra với chúng ta đều là đồng đẳng, thì đến chừng đó chúng ta mới sẽ hiểu rất nhiều về Đạo Phật, và hiểu sâu!

Còn bây giờ chúng ta chưa hiểu được sự đồng đẳng thì nghĩa là chúng ta chưa đủ trí tuệ để hiểu sâu. Trong khi đó, tất cả chư Phật đều dùng cái gì? Dùng Pháp thân để an trụ, dùng cái bình đẳng để an trụ.  Chúng ta thì dùng một căn nhà, dùng một cái nơi nào đó, hay cần có cái thân này để trú ngụ. Nhưng chư Phật thì khác chúng ta ở chỗ này. Bởi vì chư Phật luôn luôn hiện hữu ở nơi Pháp thân thường trụ.  Đức Phật luôn luôn hiện hữu ở cảnh giới bình đẳng vô phân biệt, lấy chỗ đó làm chỗ an trú. Đó là chỗ an trú của chư Phật.

Cho nên nếu hỏi chúng ta là “đức Phật Di Đà hiện ở đâu? Đức Phật Bổn Sư hiện ở đâu?” Chúng ta sẽ trả lời ra sao? Là “đức Phật Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc,” đúng không? Nếu vậy thì chúng ta đâu thật hiểu đức Phật Di Đà đâu.

Nếu hỏi đức Phật Di Đà ở đâu thì nên trả lời là “đang ngồi trước mặt đó.” Nếu trả lời như vậy thì hy vọng là chúng ta nói trúng đó. Nói rằng “tất cả chư Phật đang ngồi hiện trước mặt mình” thì mới hy vọng là chúng ta nói trúng.

Phật không ở cõi nào, bởi vì Phật không có một cõi riêng! Khi chư Phật thành Phật thì tất cả các cõi đều là cõi Phật. Không phải đức Phật này sở hữu một vùng này để giáo hóa, rồi đức Phật kia sở hữu một vùng khác để giáo hóa. Không phải như vậy. Chỉ bởi chúng ta quen hiểu theo kiểu phàm phu đó của riêng mình thôi. Phải hiểu là toàn thể chư Phật luôn luôn an trú trong Pháp thân đồng đẳng, luôn luôn ở trong pháp đồng đẳng vô phân biệt. Đó mới là chỗ trú của Phật, nơi chư Phật an nghỉ. Nếu trả lời được như vậy thì hy vọng là chúng ta mới sẽ trả lời đúng!

Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải

Trích bài giảng Kinh Hoa Nghiêm #22 (Ngày 21/8/2016)

Trích bài giảng Kinh Hoa Nghiêm – Phần 22 (Ngày 21/8/2016) về “Phổ Tiệp Thị Hiện Vương.”   Với sự đồng thuận của Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải, tài liệu trên đã được đánh máy lại và nhuận văn từ đường truyền Youtube sau đây:https://www.youtube.com/watch?v=EbLMTD0eO_Q (từ 1:37:14’ cho đến 1:56:14’)

Xin nghe thêm bài giảng “Lời Nguyện thứ 18 của Đức A Di Đà” tại đường truyền Youtube sau đây:

https://www.youtube.com/watch?v=xgx8cx6_bgY